Mất gần 600 triệu vì làm cộng tác viên online: Cảnh giác đừng để bị 'lừa chồng lừa'
Yến Nhi
Thứ ba, 15/10/2024 - 06:05
(PLPT) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo việc nhẹ lương cao nhưng mới đây, một phụ nữ ở Hà Nội vẫn bị 'sập bẫy' mất gần 600 triệu đồng. Người dân cần nâng cao cảnh giác để không rơi vào bẫy 'lừa chồng lừa' trên không gian mạng.
Thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên online. (Ảnh minh họa)
Mất hơn nửa tỷ đồng vì làm cộng tác viên online
Theo Công an TP Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo công nghệ cao là tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp buôn bán sản phẩm.
"Mồi nhử" đưa ra rất hấp dẫn như mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền.
Đã có nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà không có việc làm hoặc có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã bị các đối tượng dụ dỗ tham gia làm cộng tác viên và chiếm đoạt tài sản.
Dù chiêu trò này đã được cảnh báo nhiều lần nhưng mới đây vẫn có thêm một phụ nữ ở quận Hà Đông (Hà Nội) "sập bẫy" mất gần 600 triệu đồng với thủ đoạn lừa đảo như trên.
Cụ thể, vào ngày 2/10 vừa qua, Công an quận Hà Đông tiếp nhận tin trình báo của chị H. (SN 1977; trú tại La Khê, Hà Đông) về việc chị có làm cộng tác viên làm nhiệm vụ để hưởng hoa hồng trên mạng.
Sau khi được các đối tượng hướng dẫn, chị H. đã chuyển gần 600 triệu đồng để làm nhiệm vụ nhưng không rút được tiền. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Để tránh "sập bẫy" lừa đảo, Công an TP Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước những lời quảng cáo việc nhẹ lương cao, chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể kiếm tiền; đồng thời, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo việc nhẹ lương cao của đối tượng xấu. Đây không phải thủ đoạn mới, nhưng nhiều người vẫn dễ dàng "sập bẫy" chiêu trò này.
"Trước khi làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác", Công an TP Hà Nội khuyến cáo.
Mất tiền tỷ, người phụ nữ tiếp tục bị lừa vì tin 'luật sư Huy'
Trước đó, Công an thành phố Đà Nẵng đã phát đi cảnh báo người dân cần cẩn trọng khi tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số… để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đầu tháng 9/2024, chị L.T.N. (40 tuổi, trú tại Đà Nẵng) nhận được lời mời kết bạn từ một tài khoản Facebook lạ. Người này giới thiệu là doanh nhân người Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan.
Nói chuyện để tạo niềm tin với chị N. được một thời gian, người này mời chị tham gia đầu tư tiền ảo qua một trang web. Lần đầu, chị N. nạp 12 triệu đồng và rút về được 16 triệu đồng. Lần thứ hai, chị N. nạp 30 triệu đồng và rút được 58 triệu đồng.
Thấy việc đầu tư dễ dàng, lợi nhuận cao cộng thêm lời dụ dỗ của vị "doanh nhân" ảo, chị N. nạp 180 triệu đồng vào và nhận được thông báo thắng lớn. Tuy nhiên, lúc này chị không thể rút tiền về được nữa.
Hệ thống liên tục đưa ra các yêu cầu nộp thuế thu nhập cá nhân, phí xác minh tài khoản… Do tiếc tiền và bị các đối tượng thao túng tâm lý, chị N. đã liên tục chuyển tổng cộng hơn 3 tỷ đồng cho các đối tượng.
Không dừng lại ở đó, các đối tượng trong nhóm còn sử dụng tài khoản Facebook có tên "Luật sư Huy" tiếp cận chị N. và giới thiệu có quan hệ giúp chị lấy lại số tiền đã mất.
Đối tượng yêu cầu chị N. đóng các khoản phí lập hồ sơ, phí điều tra… Do hoảng loạn và thiếu hiểu biết, chị N. tiếp tục bị lừa thêm 400 triệu đồng.
Theo Công an Đà Nẵng, vụ việc này cho thấy, các đối tượng lừa đảo thường chủ động tiếp cận với nạn nhân để giới thiệu, quảng cáo về trang web, sàn giao dịch tiền ảo. Phương thức tiếp cận cũng rất đa dạng, có thể từ quảng cáo trên mạng hoặc vào vai doanh nhân, trò chuyện tình cảm trong thời gian dài.
Các đối tượng cũng luôn đóng vai là người đầu tư và tìm nhiều cách để không gặp mặt nạn nhân.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân cảnh giác khi tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số… Cần tìm hiểu kỹ thông tin về sàn giao dịch trước khi đầu tư.
Người dân cũng cần nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính xác nhân thân, lai lịch của người đó.
Người dân chỉ đầu tư vào các sàn giao dịch chính thống đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an.
Lên mạng nhờ lấy lại 6 triệu, bị lừa thêm 600 triệu đồng
Hồi cuối tháng 5/2024, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Nghệ An tiếp nhận trình báo của một phụ nữ hơn 50 tuổi ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) về việc bà này bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 600 triệu đồng qua mạng xã hội.
Theo trình báo của chị T., chị được tin nhắn vay tiền qua Messenger và đã chuyển 6 triệu đồng. Sau đó, người này mới biết tài khoản Facebook của người quen đó đã bị hack và đóng giả người quen để lừa vay tiền rồi chiếm đoạt.
Chị T. tiếp tục vào mạng xã hội và thấy có trang "hỗ trợ lấy lại tiền đã bị chiếm đoạt". Trên trang này cũng đăng thông tin Cục An ninh mạng, Bộ Công an "cảnh báo lừa đảo" nên chị T. tin tưởng và đã "trình bày sự việc để nhờ lấy lại tiền đã bị chiếm đoạt".
Một người xưng "cán bộ an ninh" trao đổi qua mạng xã hội với chị T. và gửi đường link rồi hướng dẫn chị tạo tài khoản. Sau đó, tài khoản của chị T. nhận được số tiền 1,5 triệu đồng.
Chị T. lại nhận được thông tin số tiền chị T. bị lừa đã lấy lại được và đề nghị chị nộp khoản tiền đảm bảo để "tất toán" và rút tiền về. Kết cục chị T. bị lừa mất thêm 600 triệu đồng và không lấy lại được 6 triệu đồng trước đó bị lừa.
Bị mất khoản tiền quá lớn, chị T. tìm đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An trình báo.
Công an Nghệ An cũng đã khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao tinh thần cảnh giác khi trò chuyện, trao đổi thông tin trên mạng xã hội với những mối quan hệ mới quen biết. Người dân cần kiểm tra và xác minh kỹ thông tin trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan đến tài chính hoặc gửi thông tin cá nhân.
Khi gặp các trường hợp nghi ngờ có hành vi lừa đảo trên mạng, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư” sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 5/4/2025.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân và quản lý nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đang có dấu hiệu đảo ngược. Giới quan sát cho rằng, môi trường an ninh quốc tế ngày càng bất ổn với việc các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược và sự nổi lên của những thách thức an ninh toàn cầu khiến xu thế chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế gia tăng, nhất là việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, việc các nước tăng cường nâng cao ý thức, phối hợp chặt chẽ để góp phần giải quyết tình trạng này có ý nghĩa hết sức quan trọng.
(PLPT) - Đồ chơi Baby Three đang đối mặt với làn sóng tẩy chay tại Việt Nam do nghi vấn in hình “đường lưỡi bò”. Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, nhà sản xuất Baby Three đã hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Vậy việc mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' có bị xử phạt?
(PLPT) - Trong vụ án 'rửa tiền' gần 2.000 tỷ đồng tại Lâm Đồng, các đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, hợp thức hóa qua nhiều lớp giao dịch trước khi chuyển ra nước ngoài. Vậy, trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền được quy định ra sao?
(PLPT) - Chiêu trò lừa đảo "cộng tác viên online" tiếp tục nở rộ, khiến nhiều người mất tiền oan vì những lời mời gọi hấp dẫn. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ nguồn thông tin chính thống để tránh sập bẫy.
(PLPT) - Gần đây, nhiều thông tin sai sự thật về các vụ "bắt cóc trẻ em" lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng trước những tin đồn thất thiệt.
(PLPT) - Hàng loạt các cá nhân, đội nhóm bị xử phạt vì đăng tải thông tin 'báo chốt' cảnh sát giao thông lên mạng xã hội. Vậy chế tài xử lý hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội ra sao?