Nghiên cứu lý luận

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

TS. Ngô Thị Minh Hương, PGS.TS Đặng Minh Tuấn Thứ hai, 26/08/2024 - 11:36
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Trong tình trạng khẩn cấp, một số quyền con người có thể bị hạn chế và một số quyền con người không thể bị hạn chế. Trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền con người thuộc về nhà nước. Tuy nhiên, các cơ quan lập pháp và tư pháp có thể uỷ thác cho cơ quan hành pháp trong việc hạn chế quyền con người hay không? Bài viết này đưa ra các cơ sở lý luận và nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo pháp luật quốc tế, rà soát các quy định về áp dụng tình trạng khẩn cấp hạn chế quyền con người trong pháp luật Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam có tính tương thích hơn với các nguyên tắc và pháp luật quốc tế về quyền con người được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp.*

Từ khoá: quyền con người, tình trạng khẩn cấp

Abstract: In times of state of emergency, certain human rights may be restricted while others remain unaffected. The responsibility for respecting and safeguarding human rights lies with the state. However, there is a question of whether legislative and judicial bodies can delegate the authority to limit human rights to executive agencies. This article provides theoretical foundations and principles for respecting and protecting human rights in emergency situations according to international law. It reviews regulations governing the restriction of human rights during emergencies in Vietnamese law and suggests improvements to make Vietnamese legislation more compatible with international principles and laws concerning human rights in emergency situations.

Keywords: human rights, emergencies

1. Giới thiệu

Tình trạng khẩn cấp quốc gia (TTKC) là tình huống mà một chính phủ được ủy quyền để có thể thực hiện các biện pháp mà thông thường không được phép, vì sự an toàn và bảo vệ của công dân và người dân. Ở nhiều quốc gia, một chính phủ có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi xảy ra các thảm họa thiên nhiên, bất ổn dân sự, xung đột vũ trang, đại dịch y tế hoặc dịch bệnh hoặc rủi ro về an ninh sinh học khác. Tuy nhiên, nhiều chính phủ đã lạm dụng quyền lực về ban bố và áp dụng tình trạng khẩn cấp để vi phạm quyền con người. Do đó, cần phải cẩn trọng khi thiết kế các quy định pháp lý và quyền lực cho phép nhà nước đối phó với các tình huống khẩn cấp thực sự, nhưng không vi phạm quyền con người bởi lạm dụng quyền lực nhà nước hoặc thiếu quy định pháp luật và pháp quyền.

Tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể gây ra các ảnh hưởng đối với quyền con người tại Việt Nam. Trong một quốc gia, khi tình trạng khẩn cấp được công bố chính thức không chỉ đặt ra những thách thức lớn đối với sự sống còn của quốc gia mà còn gây ra những hạn chế đáng kể đối với quyền và tự do của các cá nhân. Tình trạng khẩn cấp thường đặt ra những thách thức đặc biệt cho việc giữ gìn tính cân bằng giữa an toàn của quốc gia và việc tôn trọng quyền con người. Trong bối cảnh này, việc cân nhắc kỹ lưỡng về cách thức và phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người là quan trọng để đảm bảo rằng quyền con người được đảm bảo và bảo vệ trong tình huống ban bố và thực thi tình trạng khẩn cấp vì sự an toàn quốc gia.

Bài viết này phân tích các nguyên tắc bảo vệ quyền con người trong tình hình khẩn cấp quốc gia tại Việt Nam. Để làm điều đó, các câu hỏi được đề cập trong bài báo này bao gồm: Tại sao cần phải bảo vệ quyền con người trong tình hình khẩn cấp? Pháp luật quốc tế nào quy định về việc bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp? Nguyên tắc nhà nước pháp quyền đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp quốc gia? Những nguyên tắc pháp lý nào cần thiết để bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp? Bài viết này đi sâu vào những vấn đề nguyên tắc về giới hạn trong hạn chế và tạm đình chỉ quyền con người trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp các pháp luật và chuẩn mực quốc tế về quyền con người, và các biện pháp đảm bảo việc hạn chế tạm đình chỉ quyền theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Bài viết nghiên cứu pháp luật quốc tế quy định về tình trạng khẩn cấp và quyền con ngừời trên cơ sở lý luận và nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp dựa trên pháp luật quốc tế, đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp cũng như đảm bảo và hạn chế về quyền con người. Bài viết cũng phân tích từ thực trạng và tình huống cụ thể của Việt Nam mà và so sánh với các nguyên tắc và pháp luật quốc tế, hướng đến mục tiêu tăng cường tính tương thích và tuân thủ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam. Qua đó, bài viết đề xuất các hướng giải quyết cụ thể để nâng cao bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp.

2. Tình trạng khẩn cấp quốc gia và quyền con người trong tình trạng khẩn cấp trong pháp luật quốc tế

2.1. Pháp quyền trong tình trạng khẩn cấp

Luật quốc tế về quyền con người đã đặt ra những điều kiện khi một quốc gia có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong suốt thời kỳ khẩn cấp. Tuy nhiên mỗi quan hệ giữa nguyên tắc pháp quyền, quyền con người và an ninh luôn là tranh luận. Quan điểm của Carl Schmit (1922) cho rằng quyền lực khẩn cấp, cả khi quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp và các hành động được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp đó không thể bị ràng buộc hoàn toàn bởi pháp luật. Quan điểm này cho thấy tình trạng khẩn cấp vốn liên quan đến quyền lực tối cao hoạt động ngoài khuôn khổ pháp lý thông thường, thách thức khả năng của các hệ thống hiến pháp trong việc điều chỉnh hoặc giới hạn hiệu quả các quyền hạn khẩn cấp. Tuy nhiên, Zwitter (2012) cho rằng cần có luật và các quy định pháp lý về tình trạng khẩn cấp là để đảm bảo sự sống còn của một quốc gia và người dân và đưa tình hình trở lại bình thường bằng nhanh nhất có thể. Do vậy sự thay đổi về thẩm quyền và chức năng của cơ quan chính phủ (hành pháp) là để tăng cường hiệu quả của các biện pháp đối phó với tình trạng khẩn cấp. Các lý do tuyên bố tình trạng khẩn cấp và chỉ được áp dụng các biện pháp tạm đình chỉ một số quyền con người trong tình trạng khẩn cấp bao gồm như xung đột vũ trang, nội chiến hoặc quốc tế, hoặc thảm họa tự nhiên và cũng có thể bao gồm các thảm họa thiên nhiên lớn hoặc do con người gây ra cho kinh tế và hệ sinh thái đến các cuộc khủng hoảng y tế. Chính phủ cần kích hoạt các cơ chế ứng phó khẩn cấp một cách tốt nhất và hiệu quả nhất để đối mặt với thảm họa. Zwitter cũng chỉ ra rằng tình trạng khẩn cấp đòi hỏi việc tái cơ cấu và thẩm quyền cơ quan nhà nước để giảm nhẹ tác động tiêu cực của TTKC đối với quốc gia và người dân và làm cho việc thực hiện các biện pháp một cách hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, các biện pháp kể cả khi quyền con người bị hạn chế hoặc đình chỉ cần đảm bảo nguyên tắc dân chủ, sự phân tách quyền lực và nhà nước pháp quyền và được thể hiện bởi pháp luật về tình trạng khẩn cấp tương thích với hiến pháp.[1] Sagar (2016) cho rằng quyền lực khẩn cấp thường được trao cho nhánh hành pháp trong các tình trạng khẩn cấp. Những lo ngại chính bao gồm khả năng lạm dụng quyền lực, tác động đến quyền tự do dân sự, và những thách thức trong việc duy trì sự cân bằng giữa nhu cầu hành động nhanh chóng trong các cuộc khủng hoảng và việc bảo vệ các nguyên tắc dân chủ và quyền con người. [2]

Một số học giả ủng hộ một quan điểm mạnh hơn về pháp quyền, kết hợp với các giá trị nhân quyền làm cơ sở thúc đẩy đòi hỏi cần có các xem xét tư pháp đối với các quyền hạn khẩn cấp (Fuller, 1969).[3] Có luận điểm về sự đánh đổi giữa an ninh và tự do và quyền con người trong tranh luận về quyền lực khẩn cấp với hai quan điểm đối lập: một bên cho rằng nhà nước nên ưu tiên các vấn đề an ninh, và bên kia khẳng định rằng nhà nước phải bảo vệ quyền tự do cá nhân. Lazarus (2007) lại nhấn mạnh những nguy hại trong việc đặt vấn đề an ninh vào ngôn ngữ quyền, lập luận rằng cần có sự cân bằng giữa đảm bảo quyền tự do cơ bản của con người và an ninh. Việc lấy lý do đảm bảo an ninh như là quyền an ninh của cá nhân 'mâu thuẫn với nguyên tắc khác về quyền con người, bởi đảm bảo an ninh của người này có thể ảnh hưởng tới an ninh của người khác, và an ninh vốn mang tính tập thể và đa diện trong xã hội.[4] Ví dụ, hiện tượng ‘bom nổ chậm” (ticking time bomb) được nhắc tới với hành vi chống khủng bố của chính phủ Hoa kỳ sau thảm hoạ 9/11 cũng bị lên án là vi phạm quyền con người vì lý do đảm bảo quyền an ninh.[5]

Cách tiếp cận dựa trên quyền con người và nhà nước pháp quyền (rule of law) là cơ sở để nhấn mạnh vai trò của toà án trong xem xét tính hợp hiến và hợp pháp đối với các quyết định các hành động của quyền lực khẩn cấp trong tình trạng khẩn cấp càng được làm rõ. Dyzenhaus (1997) cho rằng cần có pháp quyền đề đảm bảo các quyền con người và tự do của cá nhân được đảm bảo bởi các thủ tục thoả đáng (due process), không bị tước đoạt hoặc hạn chế tuỳ tiện bởi quyền lực khẩn cấp.[6] Tòa án có thể xem xét các biện pháp khẩn cấp về tính tương xứng và sự tuân thủ các chuẩn mực nhân quyền, mặc dù toà án cần dựa trên pháp luật và tôn trọng các biện pháp hành pháp về các vấn đề an ninh quốc gia và ít đặt vấn đề hợp hiến và hợp pháp của tình trạng khẩn cấp (Drowkin, 1986).[7] Greene (2017) cho rằng trật tự hiến pháp đang đối mặt với thách thức của nhiều tình trạng khẩn cấp và lập luận rằng bản chất của một mối đe dọa đối với quốc gia thường phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của quyền lực khẩn cấp là các cơ quan ra quyết định về tuyên bố và thực hiện các biện pháp khẩn cấp. Greene tiếp tục lập luận rằng cần có sự giám sát và xem xét tư pháp mạnh mẽ đối với quyền lực này để đảm bảo rằng tính tạm thời của tình trạng khẩn cấp là một vấn đề pháp lý và giá trị của các chuẩn mực hiến pháp không bị ảnh hưởng bởi việc tạm đình chỉ các quyền con người. Ông ủng hộ việc xem xét tư pháp đối với quyền hạn khẩn cấp dựa trên giá trị chuẩn mực của quyền con người. Bằng cách này, ông tìm cách bác bỏ quan điểm do Carl Schmitt thách thức giá trị của hiến pháp khi cho rằng tất cả quyền lực nhà nước không thể bị ràng buộc bởi pháp luật.[8] Điều kiện cho tình trạng khẩn cấp cần đáp ứng các điều kiện cơ bản:

(i) Tình trạng khẩn cấp phải đe dọa đến cộng đồng, đe dọa sự sống còn của quốc gia. Điều 4 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR): “Trong tình trạng khẩn cấp đe doạ sự sống còn của quốc gia và được công bố chính thức, các quốc gia thành viên có thể áp dụng biện pháp hạn chế quyền được quy định trong Công ước này, trong tình huống nhu cầu cấp bách của tình hình, miễn là những biện pháp đó không xung đột với những nghĩa vụ quốc gia khác trong luật quốc tế và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối với chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội” [9]

Nguyên tắc Siracusa cũng nhấn mạnh các biện pháp hạn chế quyền con người chỉ khi quốc gia phải đối mặt với các tình huống thật sự nguy cơ tới an nguyên của toàn dân tộc, đe doạ an toàn và cuộc sống và có thể ảnh hưởng tới: (a) Toàn bộ dân số và hoặc toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ của Quốc gia; và (b) Cuộc khủng hoảng hoặc nguy cơ phải là thực tế hoặc chứng minh được mức độ nguy hại.[10]

(ii) Tình trạng khẩn cấp cần được công bố chính thức và hợp pháp

Giải thích thêm điều 4 khoản 1 của ICCPR về yêu cầu công bố tình trạng khẩn cấp chính thức và hợp pháp, Nguyên tắc Siracusa về Những Quy định Hạn chế và Tạm đình chỉ (Degoration) trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị giải thích về thủ tục công bố tình trạng khẩn cấp bao gồm (i) Quy trình công bố tình trạng khẩn cấp công cộng được coi là tuyên bố chính thức nếu có đe dọa đến sự sống còn của quốc gia (ii) Thủ tục công bố theo luật pháp quốc gia phải được quy định trước tình trạng khẩn cấp (iii) Các quốc gia có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp dựa trên quy định hiến pháp hoặc pháp luật quốc gia.[11]

2.2. Thẩm quyền và thủ tục công bố và nguyên tắc áp dụng tình trạng khẩn cấp

Giải thích thêm cho điều 4 của ICCPR về quyền con người trong tình trạng khẩn cấp, các quốc gia có ban bố chính thức về tình trạng khẩn cấp quốc gia cần (i) ban bố việc chấm dứt việc hạn chế và tạm định chỉ quyền, nếu có, trong thời gian ngắn nhất có thể; (ii) Khi đưa ra tuyên bố chính thức về tình trạng khẩn cấp phải ngay lập tức thông báo cho các quốc gia khác, thông qua Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, về hạn chế nào và những lý do hạn chế quyền.[12]

Ví dụ, theo Ủy ban Châu Âu về Quyền Con người, Việc Tuyên bố Tình trạng khẩn cấp Cần phải đáp ứng Kiểm tra “khẩn cấp công cộng”. Điều 15 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền (ECHR) cho phép tạm đình chỉ một số quyền trong tình trạng khẩn cấp, với chiến tranh được coi là hình thức khẩn cấp cực đoan nhất. Theo hướng dẫn của Hội đồng Châu Âu bất kỳ bạo lực hoặc bất ổn đáng kể nào không đến mức chiến tranh đều có thể đủ điều kiện được coi là "tình trạng khẩn cấp công cộng đe dọa sự sống còn của quốc gia". Tòa án Châu Âu xác định những nguyên tắc rằng “việc quyết định liệu cuộc sống của quốc gia có bị đe doạ bởi “tình trạng khẩn cấp công cộng” và, nếu có, đến mức độ nào cần phải thực hiện để vượt qua tình trạng khẩn cấp, là trách nhiệm của mỗi quốc gia thành viên, với trách nhiệmđảm bảo “cho an toàn của quốc gia” trong phạm vi quyền lực của các cơ quan quốc gia. Điều kiện để ra quyết định về tình trạng khẩn cấp phải đảm bảo (i) Tình trạng là nguy cơ thực tế (ii) Tác động có ảnh hưởng tới toàn dân; (iii) Cuộc sống và tính mạng của công chúng và cộng đồng bị đe doạ và (iv) Quốc gia phải chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Điều này là phù hợp với các công ước nhân quyền quốc tế khác.[13]

Thẩm quyền và thủ tục công bố tình trạng khẩn cấp cũng thường được quy định bởi hiến pháp. Hiến pháp của Cộng hoà Pháp quy định Chủ tịch nước có thể có đặc quyền trong công bố tình trạng khẩn cấp. [14] Ở Đan Mạch, không có luật pháp cụ thể về tình trạng khẩn cấp. Chính phủ sẽ trình lên Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp. Ở Vương quốc Anh, quốc gia hiếm khi sử dụng miễn trừ theo Điều 15 Công ước nhân quyền Châu Âu. Người đứng đầu quyền hành lực ở cấp quốc gia hoặc cấp thành phố có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì lý do an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, trong một số trường hợp đặc biệt như chiến tranh, xung đột bạo lực, thảm họa tự nhiên hoặc sức khỏe công cộng với chứng cứ về sự tổn thương và đe doạ lớn. Hiến pháp Hà Lan (điều 103) cho phép Quốc hội, theo chức năng quyền hạn, xác định và xác định trong trường hợp nào có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và tuyên bố các hậu quả pháp lý liên quan đến các hạn chế về quyền. Điều khoản này cũng yêu cầu một phiên họp chung của Quốc hội để quyết định thời hạn của tình trạng khẩn cấp.[15] Đạo luật Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia của Hoa Kỳ năm 1976 [16] quy định quyền hạn của Tổng thống trong việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Đạo luật này quy định rằng Tổng thống có thể trao nhiệm vụ về thực thi tình trạng khẩn cấp theo một sắc lệnh tạm thời của tổng thống và phải được thông báo tới Nghị viện. Hiến pháp của Namibia (điều 26) quy định rằng trong tình trạng khẩn cấp, tổng thống 'sẽ có quyền thông qua sắc lệnh để ban hành các quy định mà theo ý kiến của tổng thống thấy là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng và duy trì trật tự pháp luật'. Hiến pháp của Ecuador (điều 165) cho phép tổng thống ban hành các sắc lệnh cho mục đích nhất định, bao gồm việc thu hồi thuế trước, tái phân bổ nguồn lực công cộng, áp đặt kiểm duyệt, di dời lực lượng vũ trang và cảnh sát, và đóng cửa cảng, sân bay và biên giới.

Nhiều quốc gia tuyên bố tình trạng khẩn cấp dựa trên hiến pháp và ủy quyền quyền lực bổ sung này cho Chính phủ. Ví dụ Theo Hiến pháp của Ý, ví dụ, chỉ cho phép trong các trường hợp đặc biệt cần thiết và khẩn cấp được tuyên bố bởi chính phủ (thông qua các sắc lệnh), và phải chịu sự kiểm soát của Quốc hội trong vòng 60 ngày. Đạo luật về Tình trạng Khẩn cấp của Canada năm 1988 cung cấp một cơ sở pháp lý cho các loại tình trạng khẩn cấp khác nhau, phản ứng lại với thảm họa tự nhiên, sự mất trật tự công cộng, căng thẳng quốc tế hoặc chiến tranh. Đạo luật chủ yếu quy định các tình huống mà trong đó những điều kiện khẩn cấp này có thể được tuyên bố, các phương tiện để Quốc hội thông qua, thời gian kéo dài của tình trạng khẩn cấp và mức độ quyền lực được giao cho thực thi.

2.3. Pháp luật quốc tế về đảm bảo quyền con người trong tình trạng khẩn cấp quốc gia

Luật quốc tế quy định mối quan hệ giữa quyền con người và tình trạng khẩn cấp bao gồm như Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và Nguyên tắc Siracusa về Những Quy định Hạn chế và Tạm định chỉ quyền[17]; Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966 (ICESCR); Hiến chương Châu Âu về Bảo vệ Quyền Con người và Những Quyền Tự do Cơ bản (ECHR) (Điều 15); Công ước Liên Mỹ về Quyền Con người (ACHR) (Điều 27); Tiêu chuẩn Tối thiểu Paris về Chuẩn mực Nhân quyền trong Tình trạng Khẩn cấp, 1984.[18]

Nhà nước thành viên của Công ước và các cơ quan có thẩm quyền khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cần cung cấp đầy đủ những thông tin về (i) các quy định và các quyền trong công ước mà nhà nước sẽ tạm đình chỉ; (ii) Một bản sao của tuyên bố khẩn cấp, cùng với các quy định hiến pháp, pháp luật hoặc sắc lệnh quy định về tình trạng khẩn cấp; (iii) Ngày hiệu lực của tình trạng khẩn cấp và thời kỳ mà nó đã được công bố; (iv) Giải thích về lý do cho quyết định tạm đình chỉ thực hiện nghĩa vụ công ước hoặc hạn chế quyền; (v) Một mô tả ngắn về ảnh hưởng dự kiến của các biện pháp tạm đình chỉ đối với quyền được công nhận bởi Công ước. [19] Việc ban hành về hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp và các biện pháp hạn chế cũng cần dựa trên các quy định pháp luật quốc gia. Thêm vào đó, hiến pháp và pháp luật quốc gia về tình trạng khẩn cấp cần có đánh giá bởi các cơ quan lập pháp với mục tiêu các biện pháp áp dụng khi hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp là cần thiết.[20]

Các quyền có thể tạm đình chỉ và hạn chế trong tình trạng khẩn cấp. Công ước Quốc tế về quyền dân sự chính trị, ở điều 4 quy định việc hạn chế và tạm đình chỉ quyền con người không áp dụng đối với các quyền tuyệt đối (non-degogable rights). [21] Các quyền tuyệt đối bất khả xâm phạm và cần được bảo vệ và đảm bảo trong mọi tình huống kể cả trong tình trạng khẩn cấp bao gồm: quyền sống, cấm tra tấn hoặc hình phạt tàn bạo, hạ nhục, không nhân văn, hoặc bị thí nghiệm y khoa hoặc khoa học mà không có sự đồng ý, nô dịch, buôn bán nô lệ và nô lệ, giam giữ vì không thể thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nguyên tắc đảm bảo tính pháp lý và xét xử công bằng trong tư pháp hình sự, bình đẳng trước pháp luật và các quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Ngoài danh mục các quyền bất khả xâm phạm không thể bị hạn chế theo Công ước, các quyền ghi nhận trong công ước như quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 26 ICCPR), quyền suy đoán vô tội (điều 14), quyền được bảo về và bình đẳng trong hôn nhân (Điều 23 khoản 4), quyền trẻ em được bảo vệ không có bất kỳ hình thức phân biệt đối xử (điều 24 khoản 1), quyền tham gia vào các hoạt động công trong xã hội, và quyền bầu cử (Điều 25)[22]

Việc hạn chế quyền có thể được áp dụng khi đáp ứng mục tiêu và lý do đảm bảo về sự sống còn của quốc gia. Các ban bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia cần kèm theo mục tiêu khi áp dụng các điều kiện khi hạn chế các quyền trong trường hợp khẩn cấp và các biện pháp hạn chế thích hợp. Tình trạng khẩn cấp được ban hành (i) theo quy định của pháp luật; (ii) để đảm bảo xã hội dân chủ; (iii) để đảm bảo trật tự công cộng (iv) đảm bảo sức khoẻ công cộng (v) đảm bảo đạo đức chung của xã hội; (vi) đảm bảo an nình quốc gia; (vii) đảm bảo an toàn công cộng; (viii) đảm bảo quyền và tự do của người dân, hoặc quyền và uy tín các nhân và (ix) hạn chế các phiên toà công cộng.[23]

Nếu các biện pháp hạn chế và tạm đình chỉ quyền là cần thiết thì các biện pháp này cần đáp ứng các điều kiện bao gồm:

(i) có tính tương xứng, phù hợp với tình hình khẩn cấp;

(ii) phải được quy định bởi pháp luật;

(iii) là biện pháp tạm thời và các quốc gia cần chấm dứt biện pháp tạm đình chỉ hoặc hạn chế quyền đó sơm nhất có thể [24]

(iv) kể cả khi thi hành biện pháp hạn chế quyền trong tình trạng khẩn cấp, không được hạn chế hoặc tước bỏ các quyền bất khả xâm phạm (non-derogable rights)

(i) Các biện pháp hạn chế quyền nếu có không được vi phạm các cam kết trong luật quốc tế khác: Các nhà nước thành viên của Công ước trong bất kỳ hoàn cảnh nào không thể áp dụng Điều 4 Công ước ICCPR làm lý do để vi phạm luật nhân đạo quốc tế hoặc các nguyên tắc bắt buộc của pháp luật quốc tế, ví dụ như bằng cách bắt giữ con tin, áp đặt hình phạt tập thể, thông qua tước đoạt tự do tùy ý hoặc các nguyên tắc cơ bản của xét xử công bằng, bao gồm nguyên tắc suy đoán vô tội.[25]

(ii) các biện pháp hạn chế quyền nếu có không được thực hiện dựa trên cơ sở kỳ thị phân biệt đối xử: Các biện pháp hạn chế quyền con người, nếu có, trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, không được phép có sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội. Các biện pháp được thực hiện phải tuân thủ với các nghĩa vụ quốc gia khác theo các Công ước về không phân biệt đối xử. Cụ thể Theo công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) điều 2 và Công ước quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá (ICESCR), điều 2 áp dụng Nguyên tắc không phân biệt đối xử là một nguyên tắc cơ bản khác mà các quốc gia phải tuân theo trong mọi tình huống. Điều 2 Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội, văn hoá (ICESCR), trong trường hợp xung đột vũ trang, thảm họa thiênnhiên và tình trạng khẩn cấp khác, cũng như khó khăn kinh tế có thể ảnh hưởng hoặc làm suy giảm khả năng của một quốc gia duy trì mức độ thực hiện các quyền kinh tế xã hội văn hoá theo nghĩa vụ quốc gia. Trong những tình huống này, các quốc gia cần được có mọi phương thức thích hợp khi hạn chế các quyền con người.

Để giải thích nguyên tắc quyền bất khả xâm phạm trong trường hợp khẩn cấp, một số vụ trước toà án nhân quyền Châu Âu vào năm 2014 khi Ireland mở kiện lại Vương Quốc Anh khi cảnh sát Anh đã dùng các biện pháp hỏi cung dẫn đến hành vi tra tấn tại Ireland năm 1971.[26]

Để tương thích với điều 4 của Công ước ICCPR về quyền con người trong tình trạng khẩn cấp, nhiều quốc gia đã quy định các quyền con người là quyền hiến định, quyền tuyệt đối và không thể bị xâm phạm kể cả trong trường hợp khẩn cấp. Thêm vào đó, việc ban bố và hạn chế, tạm đình chỉ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp quốc gia cần đảm bảo tính hợp hiến và hợp pháp. Ví dụ, Hiến pháp của Estonia (điều 130) quy định rằng một số quyền luôn được bảo vệ, ngay cả trong tình trạng khẩn cấp, bao gồm quyền công dân, quyền thủ tục và bảo đảm của pháp luật, quyền sống, cấm tra tấn, cấm giam giữ vì nợ, quyền được xét xử công bằng và giả định vô tội, không trừng phạt mà không có luật pháp và không có luật pháp có hiệu lực ngược, quyền được bồi thường cho hành động bất hợp pháp, quyền gia đình, các quyền xã hội kinh tế khác, cấm dẫn độ ngẫu nhiên và tự do tư duy và tôn giáo. [27] Hiến pháp của Ba Lan (Điều 233) quy định về phạm vi hạn chế các quyền và tự do của cá nhân và quyền công dân trong thời thiết quân luật và tình trạng khẩn cấp không được hạn chế 'phẩm giá của người, quyền công dân, quyền sống, quyền được đối xử nhân đạo, trách nhiệm hình sự, quyền bình đẳng trước pháp luật và toà án, các quyền cá nhân như tự do lương tâm và tôn giáo, quyền khiếu nại, hoặc quyền của gia đình và trẻ em.[28]

Bởi quyền con người là quyền hiến định (được ghi nhận trong nhiều hiến pháp), do vậy, việc hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp cần được có cơ chế dựa trên hiến định. Các cơ chế kiểm soát và cân bằng hiến pháp có thể giúp bảo vệ quyền con người khỏi việc lạm dụng quyền lực khẩn cấp. Cơ chế này có thể chia làm hai loại chính: (a) giám sát của quốc hội (nghị viện) (b) và giám sát tư pháp hoặc các cơ quan thứ tư bảo vệ tính toàn vẹn hiến định trong tình trạng khẩn cấp. Ví dụ, quy tắc giám sát nghị viện như Hiến pháp Ukraine, cơ quan lập pháp phải họp họp nếu tuyên bố tình trạng khẩn cấp và Quốc hội phải họp trong vòng hai ngày sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp (Điều 83). Một số hiến pháp quy định việc thành lập các cơ chế kiểm tra và giám sát lập pháp đặc biệt hoạt động trong tình trạng khẩn cấp. Ví dụ, Hiến pháp của Brazil.[29] Một số quốc gia quy định toà án có thể kiểm tra quyền lực về tình trạng khẩn cấp. Qua đó hiến pháp chỉ định cơ quan tư pháp và toà án thực hiện kiểm tra tư pháp liên quan đến: (a) tuyên bố hoặc mở rộng trạng thái khẩn cấp và/hoặc (b) việc thực hiện quyền lực khẩn cấp. Ví dụ như trong hiến pháp của Kenya [30], hiến pháp của Slovakia.[31]

2. Pháp luật về bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam

2.1. Quy phạm pháp luật hiện hành về tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam

Pháp luật về tình trạng khẩn cấp không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013

Hiến pháp khẳng định công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện khi tạm ngừng hoặc hạn chế quyền con người. Theo Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định:

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Hiến pháp 2013 trao các thẩm quyền (ban bố, công bố, chấm dứt) liên quan đến tình trạng khẩn cấp cho Chủ tịch nước hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với việc chỉ đạo, điều hành mới chỉ quy định đến Thủ tướng Chính phủ, chưa quy định cụ thể đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân. Như vậy các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân được quy định bởi Hiến pháp lại do Chủ tịch nước hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc Hội (UBTVQH) quy định. Thêm vào đó, Pháp lệnh không quy định đầy đủ phạm vi và thẩm quyền của UBTVQH so với Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội.[32] Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định tình trạng khẩn cấp được ban bố khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thì Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị trong thi hành nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước về ban bố tình trạng khẩn cấp và quy định trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong giám sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. [33] Thêm vào đó, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 còn thiếu một số quy định như: Trình tự, thủ tục, thời gian có hiệu lực, gia hạn TTKC; cấp độ, phạm vi TTKC trong từng lĩnh vực; quy chế phối hợp trong hoạt động của các lực lượng trong TTKC; quy định về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân trong TTKC ở từng lĩnh vực; trách nhiệm pháp lý khi vi phạm pháp luật về TTKC; trách nhiệm công khai TTKC đến các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thi hành; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân trong TTKC.

Việc giám sát tuân thủ pháp luật trong thi hành lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp (khoản 2 Điều 15) quy định “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố TTKC”, trong khi, Hiến pháp năm 2013 quy định “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” (khoản 1 Điều 107), như vậy Hiến pháp năm 2013 đã bãi bỏ chức năng “kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố TTKC” của Viện kiểm sát nhân dân. Chức năng này thuộc về Quốc hội “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69 Hiến pháp năm 2013).

Pháp luật về tình trạng khẩn cấp còn rải rác, mâu thuẫn, chưa thống nhất ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau

Luật Quốc phòng năm 2018 xác định điều kiện khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành vi xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh (khoản 10 Điều 2); Luật Quốc phòng cho phép “Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương cấp tỉnh thiết quân luật được quyền trưng mua, trưng dụng tài sản” của các cá nhân, tổ chức trong TTKC về quốc phòng (khoản 5 Điều 21) trong khi Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 quy định thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản thuộc về Thủ tướng Chính phủ, thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản chỉ thuộc Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 14, Điều 24).

Các khái niệm và biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp còn chưa nhất quán trong các pháp luật liên quan. Ví dụ, Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007 sử dụng khái niệm “các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch”, và xác định điều kiện khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp (khoản 1 Điều 42). quy định biện pháp sau như Cách ly y tế (Điều 43);Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch (điểm a khoản 1 Điều 52); Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch (điểm b khoản 1 Điều 52); Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch (điểm b khoản 1 Điều 53); Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người (điểm g khoản 2 Điều 54).

Luật Thú y năm 2015 xác định điều kiện trường hợp dịch bệnh động vật lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội (khoản 6 Điều 28) trong khi Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 và Nghị định số 71/2002/NĐ-CP sử dụng các khái niệm “biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nguy hiểm”

Pháp luật hiện hành chưa đồng bộ về quyền con người, quyền công dân bị hạn chế trong tình trạng khẩn cấp

Không phải lúc nào việc hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp cũng đảm bảo sự tương xứng và chứng minh được sự cần thiết vì lợi ích và quyền khác của công chúng, vì an ninh và an nguyên quốc gia hoặc hoặc nguy hại đến tính mạng, an toàn của công chúng. Pháp luật về tình trạng khẩn cấp cũng cần đảm bảo sự cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ quyền con người và nghĩa vụ bảo vệ lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia quan trọng có thể quyết định khi nào và biện pháp nào là cần thiết khi hạn chế những quyền đó. Ngoài pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000, chưa có một bộ luật nào quy định riêng về điều kiện áp dụng tình trạng khẩn cấp trong mối quan hệ với bảo vệ quyền con người hoặc hạn chế quyền con người. Trên thực tế, mặc dù quyền con người quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp (chương 2 Hiến pháp 2013), thực tế quyền con người có thể bị hạn chế và quy định bởi phápluật pháp hoặc các văn bản dưới pháp luật, đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp. Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định về hạn chế các quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp. Điều 6, Điều 7, Điều 8 Pháp lệnh quy định những biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân như quyền đi lại, kể cả quyền xuất nhập cảnh, quyền bãi công, bái khoá, biểu tình, tụ tập đông người, quyền thông tin, xuất bản v.v Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thẩm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm cũng quy định bổ sung một số hạn chế quyền con người, quyền công dân so với Pháp lệnh 2000, cụ thể là quyền tự do kinh doanh, “Tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi cần thiết (điểm đ khoản 1 Điều 14). Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 cũngquy định những biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp bao gồm bảo vệ quyền của Người bị bắt hoặc bị tạm giữ theo quy định của pháp luật phải được xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc thủ tục xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 14); quyền được khôi phục danh dự, quyền lợi và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 19); quyền được bồi thưởng khi tài sản bị trưng dụng (khoản 2 Điều 19), quyền được thả tự do sau khi khi hết thời gian cấm đi lại hoặc vi phạm về quy định cấm đi lại (điểm c khoản 2 Điều 14);

2.2. Những thách thức pháp lý về bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam

Trước bối cảnh một Dự thảo về Luật Tình trạng khẩn cấp đang được xây dựng trình Quốc hội[34]. Một số nội dung cơ bản về nguyên tắc bảo vệ quyền con người đã được đưa vào trong dự thảo. Các quy định về hạn chế quyền con người và quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp của dự thảo Luật (Điều 4) quy định đưa ra những nguyên tắc khi áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong TTKC bao gồm tính chính đáng, tính tương xứng, có căn cứ pháp lý và không phân biệt đối xử. Các nguyên tắc này đang theo hướng nhất quán với các quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 4). Các nguyên tắc này tương thích với các quy định trong các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, cụ thể Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các Công ước khác về quyền con người mà Việt Nam tham gia, như: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Điều 4); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966 (Điều 4) và nguyên tắc Siracusa.[35] Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn thiếu các quy định về việc hạn chế, tạm ngừng quyền của cá nhân và quy định rõ ràng về số quyền bất khả xâm phạm không thể bị hạn chế kể cả trong trường hợp khẩn cấp để đảm bảo tính hợp hiến như điều 14 của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các quy định trong các công ước quyền con người và Nguyên tắc Siracusa như đã đề cập trong phần trên.

Quyền và nghĩa vụ của cá nhân trong tình trạng khẩn cấp được quy định tại điều 31 của Dự thảo, đã mở rộng phạm vi dành có các cá nhân, không chỉ đối với công dân, tương thích với Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên điều 32 lại quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan tổ chức trong TTKC nhưng không đề cập đến nghĩa vụ của cơ quan tổ chức trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Do vậy, dự thảo luật TTKC chưa thể hiện được các nguyên tắc như trong Điều 4 của Dự thảo và Điều 4 của Hiến pháp năm 2013).

Thẩm quyền ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp được quy định ở Chương II, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và trình Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương. Chương III Đề cương chi tiết Luật quy định về áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, các Điều 15 đến Điều 18 quy định về các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, khẩn cấp về quốc phòng, khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, pháp luật về TTCK vẫn còn thiếu vắng quy định về cơ quan, cơ chế giám sát đảm bảo tính hợp hiến của các quyền con người quyền công dân và các biện pháp hạn chế, tạm đình chỉ quyền.

2.3 Khuyến nghị trong xây dựng pháp luật đảm bảo quyền con người trong tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam

Thứ nhất, Pháp luật tình trạng khẩn cấp cần bao trùm và có các quy định đảm bảo quyền con người, quyền công dân để pháp luật có thể đồng bộ tương thích với pháp luật quốc tế về quyền con người. Một bộ Luật về Tình trạng Khẩn cấp để thay thế Nghị định về Tình trạng Khẩn cấp là cần thiết, và cần đảm bảo tính hợp hiến và hợp pháp của việc hạn chế quyền con người và quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp và phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013.

Thứ hai, bởi các quyền con người là quyền hiến định do vậy, ngoài việc quy định các quyền bất khả xâm phạm, việc hạn chế quyền và tạm đình chỉ quyền trong tình trạng khẩn cấp cũng cần được bổ sung trong hiến pháp. Luật về tình trạng khẩn cấp cần bao gồm quy định về thủ tục và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt bao gồm cả các biện pháp hạn chế quyền con người có thể được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; tổ chức thi hành và quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thì các nghị quyết, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Luật cũng cần bao gồm quy định về cơ chế kiêm tra giám sát việc thực hiện tình trạng khẩn cấp tương thích với các cơ chế giám sát đảm bảo quyền con người theo quy đinh của luật nhân quyền quốc tế.

Thứ ba, cần có những quy định rõ ràng và hợp hiến về thẩm quyền quyết định tình trạng khẩn cấp. Nếu thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp thuộc về Quốc hội, hoặc UBTVQH hay Chủ tịch nước.Luật về tình trạng khẩn cấp và các luật khác quy định nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về tình trạng khẩn cấp, bao gồm cả các biện pháp hạn chế quyền con người. Luật cũng cần xác định trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc giám sát quy trình ban bố tình trạng khẩn cấp và thực hiện biện pháp về tình trạng khẩn cấp. Cũng cần sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Cơ quan Địa phương, để bổ sung các quy định về thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan địa phương trong tình trạng khẩn cấp như một cơ sở pháp lý chung cho thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan địa phương trong các văn bản pháp luật đặc biệt.

Thứ tư, Hiến pháp và pháp luật cần quy định rõ cơ chế kiểm soát đối với quyền con người bao gồm các cơ chế pháp quyền khi hạn chế quyền con người quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp. Cơ chế kiểm soát đối về đảm bảo quyền con người cần là cơ chế hiến định bởi quyền con người được ghi nhận trong hiến pháp. Cơ chế kiểm soát và đảm bảo quyền con người trong TTKC cần tương thích với hiến pháp với mục tiêu nhằm giảm thiểu tình trạng ban hành tình trạng khẩn không theo trình tự thủ tục và thẩm quyền hoặc khả năng vượt quá thẩm quyền của các cơ quan khi áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người tuỳ tiện hoặc vi hiến.

3. Kết luận

Tình trạng khẩn cấp quốc gia đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo vệ quyền con người. Mặc dù việc hạn chế, giới hạn quyền và tạm đình chỉ một số quyền có thể là cần thiết trong những tình huống khẩn cấp, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng những hạn chế này được thực hiện một cách hợp pháp, tương xứng và không phân biệt đối xử.

Pháp luật quốc tế về quyền con người, đặc biệt là Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Nguyên tắc Siracusa, đã đặt ra các tiêu chuẩn rõ ràng cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp hạn chế quyền. Các nguyên tắc này bao gồm tính hợp pháp, tính cần thiết, tính tương xứng và không phân biệt đối xử. Đồng thời, một số quyền cơ bản được coi là không thể bị hạn chế trong mọi trường hợp.

Đối với Việt Nam, mặc dù đã có những nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý cho tình trạng khẩn cấp, nhưng vẫn còn những thách thức đáng kể. Pháp luật hiện hành về tình trạng khẩn cấp còn rải rác, thiếu đồng bộ và chưa hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013 cũng như các tiêu chuẩn quốc tế. Việc thiếu một cơ chế giám sát hiệu quả và quy định rõ ràng về các quyền không thể bị giới hạn là những vấn đề cần được giải quyết.

Để khắc phục những hạn chế này, Việt Nam cần xây dựng một bộ luật về tình trạng khẩn cấp toàn diện, phù hợp với Hiến pháp và các tiêu chuẩn quốc tế. Bộ luật này cần quy định rõ về thẩm quyền, thủ tục ban bố tình trạng khẩn cấp, các biện pháp có thể áp dụng, giới hạn của các biện pháp này, và cơ chế giám sát việc thực thi. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể về việc bảo vệ các quyền con người không thể bị hạn chế và đảm bảo rằng mọi hạn chế đều phải tuân thủ các nguyên tắc về tính cần thiết và tương xứng.

Cuối cùng, việc tăng cường nhận thức về quyền con người và tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền trong tình trạng khẩn cấp cũng là một yếu tố quan trọng. Chỉ khi có sự kết hợp giữa khung pháp lý vững chắc và nhận thức xã hội đúng đắn, Việt Nam mới có thể đảm bảo hiệu quả việc bảo vệ quyền con người trong mọi tình huống, kể cả những lúc khó khăn nhất trong tình huống khẩn cấp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. NGUYỄN MINH TUẤN, GIỚI HẠN CHÍNH ĐÁNG ĐÔI VỚI CÁC QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM, SÁCH THAM KHẢO, NXB HỒNG ĐỨC (2015)

2. Vũ Công Giao, Vũ Thị Thu Quyên, Protection of human rights in the state of public emergency: the role of constitutiom, Kỷ Yêu hội thảo quốc tế về Pháp luật về tình trạng khẩn cấp, Nhà xuất bản Hồng Đức (2020)

3. Zwitter A, The Rule of Law in Times of Crisis, A Legal Theory on the State of Emergency in the Liberal Democracy (2012)

4. David Dyzenhaus, Legality and Legitimacy: Carl Schmitt, Hans Kelsen and Hermann Heller in Weimar (Oxford University Press (1997)

5. David Dyzenhaus, The Constitution of Law: Legality in a Time of Emergency, Cambridge University Press, (2006).

6. Ronald Dworkin, Law’s Empire (Belknap Press, 1986) 397–99.

7. Lon Fuller, The Morality of Law ,Yale University Press (1969).

8. ALAN GREENE, PERMANENT STATES OF EMERGENCY AND THE RULE OF LAW CONSTITUTIONS IN AN AGE OF CRISIS. HART PUBLISHING. BLOOMSBURY PUBLISHING PLC (2017)

9. Oren Gross, ‘Are Torture Warrants Warranted? Pragmatic Absolutism and Offcial Disobedience’,88 Minnesota Law Review 1481, 1497–1500 (2004)

10.LIORA LAZARUS AND BENJAMIN J GOOLD, ‘SECURITY AND HUMAN RIGHTS: THE SEARCH FOR A LANGUAGE OF RECONCILIATION’ IN BENJAMIN J GOOLD AND LIORA LAZARUS, SECURITY AND HUMAN RIGHTS ,HART PUBLISHING (2007).

11.Jonathan Morgan, Richard Ekins and Guglielmo Verdirame, ‘Derogation from the European Convention on Human Rights in Armed Confict: Submission to the Joint Committee on Human Rights (7 April 2017) < xem tại: https://judicialpowerproject.org.uk/derogation-from-the-european-convention-on-human-rights-in-armed-conflict-submission-to-the-jchr/

12.Lillich, R. B., ‘The Paris Minimum Standards of Human Rights Norms in a State of Emergency’, American Journal of International Law, 79 (1985)

13.Sagar, R., ‘Emergency powers’, in S. Choudhry, M. Khosla and P. Mehta (eds), The Oxford Handbook of the Indian Constitution ,Oxford: Oxford University Press, (2016).

14.Carl Schmitt, Political Theology: Four Chapters on the Concept of Sovereignty, trans G Schwab ,University of Chicago Press, (2005).

15.Carl Schmitt, "The Concept of the Political" (1932, translated by George Schwab, University of Chicago Press, (2007)

16.Hiến pháp Brazil 1988 (rev. 2017), at https://www. constituteproject.org/

17.Hiến pháp Kenya 2010, at https://www.constituteproject.org/

18.Hiến pháp Slovakia 1992 (rev. 2017), at https://www.constituteproject.org/.

19.Hiến pháp Cộng Hoà Pháp 1958 (rev. 2008), at https://www.constituteproject.org Paris Minimum Standards of Human Rights Norms in a State of Emergency (International Law Association, 1984),

20.Hiến pháp Hà Lan 1814 (rev. 2008), at https://www.constituteproject.org/

21.Hiến pháp Estonia 1992 (rev. 2015), at https://www.constituteproject.org/

22.Hiến pháp Ba Lan 1997 (rev. 2009), at https://www.constituteproject.org/

23.Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị. ICCPR.

24.Bình luận chung số 4 và 29 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị

25.Luật về tình trạng khẩn cấp của Canada. Emergencies Act of 1988

26.Luật về tình trạng khẩn cấp quốc gia của Hoa Kỳ. National Emergencies Act of 1976, https://www.congress.gov/bill/94th-congress/house-bill/3884

27. IDEA, Emergency Powers - International IDEA Constitution-Building Primer. Xem tại https://www.idea.int/publications/catalogue/emergency-powers

*Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 505-01-2021-05

** TS. Ngô Minh Hương, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

*** PGS.TS. Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

[1] Zwitter A, The Rule of Law in Times of Crisis, A Legal Theory on the State of Emergency in the Liberal Democracy (2012), https://s.net.vn/Uk9u

[2] SAGAR, R., EMERGENCY POWERS IN S.CHOUDHRY, M. KHOSLA AND P. MEHTA (EDS), THE OXFORD HANDBOOK OF THE INDIAN CONSTITUTION, OXFORD UNIVERSITY PRESS, 2016

[3] LON FULLER, THE MORALITY OF LAW, YALE UNIVERSITY PRESS, 1969

[4] Liora Lazarus and Benjamin J Goold, Security and Human Rights: The Search for a Language of Reconciliation, , LEGAL RESEARCH PAPER SERIES (Hart Publishing, 2007) (Oct. 18, 2007), https://bom.so/gvz2Pa.

[5] Oren Gross, Are Torture Warrants Warranted? Pragmatic Absolutism and Offcial Disobedience 88 MINNESOTA LAW REVIEW 1481 (2004), 1497–1500. https://bom.so/ImdJ9R

[6] DAVID DYZENHAUS, LEGALITY AND LEGITIMACY: CARL SCHMITT, HANS KELSEN AND HERMANN HELLER IN WEIMAR, OXFORD UNIVERSITY PRESS, (1997) và DAVID DYZENHAUS, THE CONSTITUTION OF LAW: LEGALITY IN A TIME OF EMERGENCY, CAMBRIDGE UNIVERSITY PRESS (2006)

[7] RONALD DWORKIN, LAW’S EMPIRE, THE BELKNAP PRESS (1986) 397–99.

[8] ALAN GREENCE, PERMANENT STATES OF EMERENCY AND THE RULE OF LAW CONSTITUTION IN AN AGE OF CRISIS, HART PUBLISHING (2017).

[9] Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR)

[10] Siracusa Principles on the Limitation and Derogation Provisions in the International Covenant on Civil and Political Rights, U.N. Doc. E/CN.4/1985/4, Annex (1985), (Bộ Nguyên tắc Siracusa). Đoạn 39

[11] Nguyên tắc Siracusa, Đoạn 42,43,

[12] Siracusa Principles, para 44, 45. Khổ 44 của Nguyên tắc Siracusa khẳng định lại khoản 3 điều 4 của Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị (ICCPR)

[13] Jonathan Morgan, Richard Ekins and Guglielmo Verdirame, Derogation from the European Convention on Human Rights in Armed Confict: Submission to the Joint Committee on Human Rights (7 April 2017) 2, https://judicialpowerproject.org.uk/derogation-from-the-european-convention-on-human-rights-in-armed-conflict-submission-to-the-jchr/

[14] Cộng hoà Pháp, Hiến pháp 1958, Điều 16, https://www.constituteproject.org/. https://www.justsecurity.org/ 27810/connecting-present-assessing-french-emergency-powers/

[15] ELLIOT, EMERGENCY POWERS, IDEA, Page.10 (2018)

[16] U.S.A, National Emergencies Act of 1976. Ref. 50 U.S. Code Chapter 34

[17] Siracusa Principles on the Limitation and Derogation Provisions in the International Covenant on Civil and Political Rights, U.N. Doc. E/CN.4/1985/4, Annex (1985)

[18] Paris Minimum Standards of Human Rights Norms in a State of Emergency (International Law Association, 1984),

[19] Siracusa Principles on the Limitation and Derogation Provisions in the International Covenant on Civil and Political Rights, U.N. Doc. E/CN.4/1985/4, Annex (1985), khổ 48.

[20] Siracusa Principles on the Limitation and Derogation Provisions in the International Covenant on Civil and Political Rights, U.N. Doc. E/CN.4/1985/4, Annex (1985), khổ 55 “The national constitution and laws governing states of emergency shall provide for prompt and periodic independent review by the legislature of the necessity for derogation measures”và Para 64. “The derogating state shall have the burden of justifying its actions under law”

[21] ICCPR Khoản 2 điều 4 quy định các quyền tuyệt đối như trong điều 6, 7, 8(1), và (2), 11, 15, 16, và điều 18. The Siracusa Principles, para 60giải thích chi tiết các quyền tuyệt đối.

[22] Bình luận chung số 29, khoản 8. Giải thích về bình đẳng không phân biệt đối xử cho các quyền trong điều 2, 3, 14 (1), 23 (4), 24 (1), và 25của ICCPR.

[23] Siracusa Principles on the Limitation and Derogation Provisions in the International Covenant on Civil and Political Rights, U.N. Doc. E/CN.4/1985/4, Annex (1985), đoạn 39, 40

[24] Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị ICCPR, Điều 4 (3) Bình luận chung số 4.

[25] Bình luận chung số 29, đoạn 9, 11

[26] Henry McDonald, Ireland to Clash with UK at Human Rights Court over Hooded Men Judgment, THE GUARDIAN, (2 December 2014) www. theguardian.com/world/2014/dec/02/ireland-european-court-hooded-men

[27] Estonia, Hiến pháp năm 1992 (rev. 2015), at https://www.constituteproject.org/

[28] Ba Lan, Hiến pháp năm 1997 (rev. 2009), at https://www.constituteproject.org/

[29] Brazil, Hiến pháp năm 1988, sửa đổi 2017, Điều 140 cho phép Nghị viện sẽ chỉ định một Ủy ban gồm năm thành viên để giám sát và giám sát việc thực hiện các biện pháp liên quan đến tình trạng phòng thủ và tình trạng khẩn cấp. at Tham khảo tại: https://www. constituteproject.org/.

[30]Kenya, Hiến pháp năm 2010, Điều 58 cho phép Tòa án Tối cao quyết định về sự hợp lệ của: (a) các tuyên bố trạng thái khẩn cấp; (b) hoặc mọi sự mở rộng của tuyên bố trạng thái khẩn cấp; và (c) mọi luật được ban hành hoặc hành động khác được thực hiện do tuyên bố trạng thái khẩn cấp.

[31] Slovakia, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi 2017, Điều 129 quy định: ‘Tòa án Hiến pháp sẽ quyết định liệu một quyết định về tuyên bố biện pháp ngoại lệ hoặc tình trạng khẩn cấp và các quyết định khác liên quan đến quyết định này đã được ban hành phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiến pháp. Tham khảo tại: https://www.constituteproject.org/.

[32] Cụ thể: Tại Điều 2 Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp quy định “Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH ra nghị quyết ban bố TTKC” nhưng Hiến pháp năm 2013 (khoản 10 Điều 74) và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (Điều 57) quy định UBTVQH có thẩm quyền “ban bố, bãi bỏ TTKC trong cả nước hoặc ở từng địa phương” mà không quy định phải có “đề nghị của Thủ tướng Chính phủ”.

[33] Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 (Khoản 1, Điều 10) quy định "Ủy ban nhân dân các cấp tại các địa phương trong tình trạng khẩn cấp và các cơ quan nhà nước liên quan khác sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để giúp đỡ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất của họ." Tuy nhiên, các biện pháp cụ thể có thể áp dụng không được đề cập trong Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002. Hơn nữa, Nghị định chỉ quy định về các biện pháp ở cấp quốc gia.

[34] Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chính phủ “Sớm nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh”. BộQuốc Phòng lấy ý kiến dự thảo Hồ sơ Luật Tình trạng khẩn cấp. Xem tại: https://mod.gov.vn/vn/chi-tiet/sa-ttsk/sa-tt-qpan/lay-y-kien-du-thao-ho-so-luat-tinh-trang-khan-cap

[35] Siracusa Principles on the Limitation and Derogation Provisions in the International Covenant on Civil and Political Rights, https://www.icj.org/wp-content/uploads/1984/07/Siracusa-principles-ICCPR-legal-submission-1985-eng.pdf

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Nhận diện rủi ro tiềm ẩn đối với chủ thể tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh

Nhận diện rủi ro tiềm ẩn đối với chủ thể tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Sự xuất hiện của chứng khoán phái sinh trong các giao dịch chứng khoán mang lại nhiều thế mạnh cho hoạt động đầu tư song kèm theo đó là không ít rủi ro cho các chủ thể tham gia giao dịch. Bài viết này đề cập các rủi ro mà chủ thể tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh phải đối mặt.

Vai trò của truyền thông trong nâng cao nhận thức về rủi ro pháp lý khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh

Vai trò của truyền thông trong nâng cao nhận thức về rủi ro pháp lý khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Báo chí, truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc minh bạch thông tin TTCKPS, là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết nối nhà đầu tư với thị trường, và cũng là kênh giám sát thị trường của cơ quan quản lý. Trong bài viết này, tác giả chỉ ra ba điểm hạn chế và đề xuất sáu giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục nội dung thông tin, cách thức thông tin và hình thức thông tin truyền thông về TTCKPS.

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam trước xu thế hội nhập quốc tế - Hoàn thiện khung pháp lý và giải pháp tăng cường

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam trước xu thế hội nhập quốc tế - Hoàn thiện khung pháp lý và giải pháp tăng cường

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Trước xu thế hội nhập toàn cầu, TTCK phái sinh ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành về TTCK phái sinh chưa thống nhất, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn và khó áp dụng. Bài viết này sẽ trình bày một số vấn đề lý luận về TTCK phái sinh, phân tích thực tiễn quy định pháp lý, hạn chế, đề xuất giải pháp hoàn thiện khung pháp lý trong quá trình TTCK phái sinh hoạt động.