Bé gái 5 tuổi tử vong ở TPHCM: Bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?
Phương Thúy
Thứ tư, 23/10/2024 - 15:26
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Bé gái 5 tuổi tử vong với nhiều vết thương trên cơ thể. Cơ quan chức năng xác định, hành vi bạo hành của người mẹ là vi phạm pháp luật. Vậy hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
Công an quận 4 (TPHCM) phối hợp với các đơn vị liên quan đang điều tra vụ bé gái 5 tuổi tử vong với nhiều thương tích trên cơ thể.
Trước đó, mạng xã hội chia sẻ bài viết được cho của người cha, thông tin về việc con mình tử vong, trên cơ thể có nhiều vết thương.
Nội dung bài đăng cho rằng bé gái bị bạo hành dẫn đến tử vong. Người cha cũng tố cáo mẹ bé gái đã gây ra sự việc đau lòng này. "Ba đâu có ngờ, đâu có biết, đâu có nghĩ trên đời này làm gì có một người mẹ ruột nào mà nỡ hành hạ con mình đến chết như vậy đâu con", một đoạn trong bài đăng.
Theo tìm hiểu, vụ việc xảy ra tại một căn nhà ở phường 9, quận 4. Cảnh sát đã vào cuộc điều tra. Bước đầu, nhà chức trách nhận định nạn nhân có dấu hiệu bị bạo hành.
Qua khám nghiệm, cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của bé gái có thể là do sặc cháo. Cảnh sát đang củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng liên quan về hành vi bạo hành.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 4 đang tạm giữ bà Trần Thị K.G. (33 tuổi, mẹ cháu bé) để điều tra.
Theo cơ quan chức năng, bà G. có hành vi bạo hành con ruột khiến bé gái 5 tuổi bị nhiều vết thương trên cơ thể. Qua khám nghiệm, bước đầu nhà chức trách xác định các vết thương không trực tiếp dẫn đến cái chết của bé gái. Tuy nhiên, hành vi của người mẹ là vi phạm pháp luật.
Nhìn lại một số vụ bạo hành trẻ em khiến dư luận 'dậy sóng'
Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm hoa hồng
Vào hồi đầu tháng 9, Báo Thanh Niên đã đăng tải phóng sự điều tra "Tội ác trong một mái ấm", phản ánh về việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TPHCM).
Tại đây, bảo mẫu tên T. liên tục hành hạ trẻ từ đêm đến sáng hôm sau bằng nhiều hành động thể hiện sự dã man như ngồi lên người, nhéo tai, thậm chí có bé bị đánh chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.
Vụ việc đã được công an quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan đã vào cuộc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bảo mẫu bạo hành bé trai 6 tháng tuổi dẫn đến tử vong
Vào ngày 4/9, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Võ Thị Mỹ Linh (31 tuổi, quê Đồng Tháp) mức án tù chung thân về tội "Giết người".
Theo cáo trạng, do không có việc làm, Võ Thị Mỹ Linh đã đăng thông báo trên Facebook nhận giữ trẻ (từ 1 tuổi đến 2 tuổi) tại nhà để kiếm thêm thu nhập.
Ngày 3/1/2023, chị P.T.NA. cùng chồng là anh N.Đ.T. đã đưa con ruột là bé N.Đ.H.A. (sinh ngày 1/7/2022) đến gửi Linh trông giữ.
Sáng 10/1/2023, anh T. đã chở con trai đến nhà Linh. Khoảng 12h cùng ngày, trong lúc thay tã cho bé H.A., Linh đã đánh nhiều cái vào đỉnh đầu nạn nhân khi bé khóc, dẫn đến tình trạng bé tím tái.
Hoảng sợ, Linh đã gọi gia đình đưa bé H.A. đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng tim ngừng thở. Ngày hôm sau, anh T. nghi ngờ con mình bị đánh nên đã trình báo công an. Sau đó, Linh thừa nhận hành vi phạm tội. Sau thời gian điều trị, bé H.A. không qua khỏi.
Tại tòa, bị cáo Linh thừa nhận hành vi phạm tội và cho biết mình biết trẻ em dưới 1 tuổi có phần đỉnh đầu non yếu nhưng do quá tức giận đã không kiềm chế được.
Dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ trước những vụ án bạo hành trên. Những đứa trẻ đáng lẽ được sống trong sự yêu thương, nâng niu lại phải chịu những trận đòn roi kinh hoàng trong chính ngôi nhà mình sinh sống.
Kết cục của mỗi vụ án, những đứa trẻ sẽ mang trong mình nỗi đau dai dẳng thậm chí có những cháu bé đã phải ra đi mãi mãi với sự nuối tiếc, căm phẫn của người thân, gia đình và cả xã hội.
Từ vụ bé gái 5 tuổi tử vong ở TP HCM và các vụ việc thương tâm trước đó, có thể thấy rằng hành vi bạo hành trẻ em là một tội ác không thể tha thứ. Vì vậy điều dư luận quan tâm là hành vi bạo hành trẻ em được pháp luật quy định như thế nào? Và hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?
Bạo hành trẻ em là gì?
Khoản 5 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: "Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác".
Ngoài ra, theo Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016: "Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần trẻ em".
Hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?
Hành vi bạo lực trẻ em là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016. Do đó, hành vi bạo lực trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi bạo lực trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em
Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:
"Điều 22. Vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này."
- Theo quy định tại Mục 4, Chương II của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bạo lực gia đình (trong đó có bạo lực đối với trẻ em), như: hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình (Điều 52); hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình (Điều 53); hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình (Điều 54); hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý (Điều 55).
Xử lý hình sự đối với hành vi bạo hành trẻ em
Hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
- Tội hành hạ người khác (Điều 140);
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (Điều 134);
- Tội vô ý làm chết người (Điều 128);
- Tội giết người (Điều 123);
- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185)
Như vậy, người hành vi bạo lực trẻ em đều có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương xứng tùy theo mức độ, tính chất của hành vi bạo lực.
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?
(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?