Từ vụ Mái ấm Hoa Hồng: Nhìn lại những vụ bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận
Khánh Huyền
Thứ năm, 05/09/2024 - 11:59
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Các cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng. Cùng điểm lại những vụ bạo hành trẻ em khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ trong thời gian gần đây.
Công an vào cuộc điều tra vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng ở TPHCM
Báo Thanh Niên đăng tải phóng sự điều tra "Tội ác trong một mái ấm", phản ánh về việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TPHCM). Mái ấm này do bà G.T.S.H. làm chủ, hàng ngày mở cửa từ 8-20h để người dân, các nhà hảo tâm đến thăm trẻ và đóng góp từ thiện. Nhưng ngay sau khi đóng cửa, nơi đây lập tức trở thành "địa ngục trần gian" với trẻ.
Theo báo Thanh Niên, Mái ấm Hoa Hồng hiện nuôi dưỡng khoảng 100 trẻ mồ côi ở nhiều độ tuổi. Trong đó, phòng trẻ sơ sinh có khoảng 20 bé, lớn nhất 8 tháng tuổi và nhỏ nhất chưa đầy 1 tháng. Bảo mẫu tên T. phụ trách phòng này liên tục hành hạ trẻ từ đêm đến sáng hôm sau bằng nhiều hành động thể hiện sự dã man như ngồi lên người, nhéo tai, thậm chí có bé bị đánh chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.
Tiếp nhận thông tin, Công an quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan đã vào cuộc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND TPHCM khẩn trương kiểm tra xác minh
Trước sự việc báo Thanh Niên phản ánh, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa có công điện về xử lý vụ việc bạo lực trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng và tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, triển khai thực hiện một số hoạt động sau:
Thứ nhất, khẩn trương, kiểm tra xác minh vụ việc do báo Thanh Niên phản ánh và thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở nêu trên theo quy định của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Thứ hai, thực hiện công tác điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở nêu trên và các cơ sở khác có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Thứ ba, tiến hành rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các quy định khác của pháp luật về chăm sóc thay thế, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu địa phương báo cáo kết quả thực hiện về Bộ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo nóng
Ngày 4/9, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an quận 12, UBND quận 12, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM về vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng.
Tại văn bản, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy giao UBND quận 12 chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe đối với hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em. Các đơn vị nêu trên báo cáo nhanh tình hình cho UBND TP trong ngày.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố; đưa trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập.
Liên quan đến vụ việc, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM cũng vừa có văn bản lên án hành vi bạo hành trẻ em. Theo Hội Bảo Vệ Quyền trẻ em TPHCM, nội dung và hình ảnh được thông tin trên báo chí cho thấy sự việc bạo hành, ngược đãi trẻ em đã xảy ra nhiều lần và trong một khoảng thời gian dài. Đặc biệt, hành vi này do chính nhân viên tại Mái ấm Hoa Hồng thực hiện.
Để bảo vệ trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em năm 2016, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM đề nghị UBND quận 12, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an Quận kịp thời có biện pháp xử lý để đảm bảo sự an toàn đối với các trẻ em đang được quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Mái ấm Hoa Hồng. Đồng thời, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp những người có hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em, không để xảy ra tình trạng tương tự.
UBND Quận 12 đề xuất đưa tất cả 86 trẻ về cơ sở bảo trợ xã hội công lập ngay trong ngày 4/9. Sau đó các bên liên quan sẽ tiến hành sàng lọc, xác minh gia đình, thân nhân các em.
Hiện, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ hoạt động Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập "Mái ấm Hoa Hồng". Bên trong mái ấm, các đơn vị chức năng vừa hoàn tất xác minh hồ sơ thông tin của 86 trẻ tại cơ sở này. Các trẻ em đã được đưa về Làng thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp và Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình Thủ Đức.
Nhìn lại hàng loạt vụ bạo hành trẻ em khiến dư luận "dậy sóng"
Dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ trước những vụ án bạo hành trẻ em trong thời gian vừa qua. Những đứa trẻ đáng lẽ được sống trong sự yêu thương, nâng niu lại phải chịu những trận đòn roi kinh hoàng trong chính ngôi nhà mình sinh sống. Kết cục của mỗi vụ án, những đứa trẻ sẽ mang trong mình nỗi đau dai dẳng thậm chí có những cháu bé đã phải ra đi mãi mãi với sự nuối tiếc, căm phẫn của người thân, gia đình và cả xã hội.
Bảo mẫu bạo hành bé trai 6 tháng tuổi đến chết lãnh án tù chung thân
Ngày 4/9/2024, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Võ Thị Mỹ Linh (31 tuổi, quê Đồng Tháp) mức án tù chung thân về tội "Giết người".
Theo cáo trạng, do không có việc làm, Võ Thị Mỹ Linh đã đăng thông báo trên Facebook nhận giữ trẻ (từ 1 tuổi đến 2 tuổi) tại nhà để kiếm thêm thu nhập.
Vào ngày 3/1/2023, chị P.T.NA. cùng chồng là anh N.Đ.T. đã đưa con ruột là bé N.Đ.H.A. (sinh ngày 1/7/2022) đến gửi Linh trông giữ.
Sáng 10/1/2023, anh T. đã chở con trai đến nhà Linh. Khoảng 12h cùng ngày, trong lúc thay tã cho bé H.A., Linh đã đánh nhiều cái vào đỉnh đầu nạn nhân khi bé khóc, dẫn đến tình trạng bé tím tái.
Hoảng sợ, Linh đã gọi gia đình đưa bé H.A. đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng tim ngừng thở. Ngày hôm sau, anh T. nghi ngờ con mình bị đánh nên đã trình báo công an. Sau đó, Linh thừa nhận hành vi phạm tội.
Sau thời gian điều trị, bé H.A. không qua khỏi.
Tại tòa, bị cáo Linh thừa nhận hành vi phạm tội và cho biết mình biết trẻ em dưới 1 tuổi có phần đỉnh đầu non yếu nhưng do quá tức giận đã không kiềm chế được.
Hành hung bé trai ở sân chung cư New Horion Hà Nội
Mới đây, ngày 29/8/2024, Cơ quan CSĐT - Công an quận Hoàng Mai đã tạm giữ hình sự Nguyễn Tiến Đạt (SN 1990, trú tại phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Đạt chính là đối tượng đánh cháu bé tên M. (12 tuổi) trước sảnh chung cư New Horizon, số 87 Lĩnh Nam, phường Mai Động, cách đây không lâu.
Sự việc được đăng tải lên mạng xã hội gây bức xúc dư luận, đồng thời gia đình cháu M. cũng trình báo cơ quan công an để làm rõ. Quá trình xác minh, Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Viện Kiểm sát và các đơn vị liên quan đã vận động đối tượng ra trình diện.
Đến ngày 28/8, Đạt mới đến cơ quan công an làm việc và khai nhận hành vi vi phạm của bản thân.
Theo cơ quan công an, vụ việc trên gây bức xúc dư luận, do đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ và xử lý nghiêm.
Một vụ việc bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận xảy ra giữa năm 2022 tại Hà Nội. Theo đó, ngày 28/7/2022, Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội) tiếp nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi Trung ương việc có một trường hợp bệnh nhân là cháu L.Q.T. (1 tuổi, quê Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ.
Ngày 21/7/2022, chị Lê Thị Lan H (SN 1994, quê Hà Tĩnh, thuê trọ ở Bắc Giang) liên lạc với Linh để thuê chăm nuôi con đẻ chị là cháu Lê Quỳnh T. (SN 2021). Hai bên thỏa thuận, giá trông giữ cháu T. là 3 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình trông trẻ, do cháu T. bị sốt và quấy khóc nên Linh và chồng là Hoàng Thế Vũ (28 tuổi) đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân; dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người và dùng chăn quấn, dùng băng dính bịt miệng cháu bé.
Ngày 28/7/2022, thấy nạn nhân mệt, khó thở, Linh và Vũ đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Các bác sĩ tại đây phát hiện cháu bé nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao, nghi bị hành hạ nên trình báo cảnh sát. Được cấp cứu kịp thời, cháu bé may mắn không tử vong.
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Diệu Linh mức án 16 năm tù và bị cáo Hoàng Thế Vũ mức án 15 năm tù, cùng về tội “Giết người”.
'Dì ghẻ' bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong
Vụ việc "mẹ kế" đánh đập, bạo hành đến chết bé N.T.V.A. (8 tuổi, ở TP HCM) cách đây không lâu khiến dư luận vô cùng bức xúc. Ngày 28/12/2021, Cơ quan điều tra - Công an quận Bình Thạnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, ở Gia Lai) về tội "hành hạ người khác". Nguyễn Võ Quỳnh Trang là "mẹ kế" bạo hành con riêng của ông Nguyễn Kim Trung Thái (người tình của Trang).
Trong thời gian dài cùng sống chung, Trang nhiều lần đánh đập bé V.A., gây nên nhiều vết bầm trên người. Cụ thể, Trang dùng roi mây để "răn dạy" bé A. và tiếp tục dùng gậy gỗ đánh đập khi roi mây bị gãy.
Đến ngày 22/12/2021, trong quá trình dạy học cháu A., theo cơ quan công an, Trang nhiều lần đánh cháu trong suốt 4 giờ đồng hồ vì làm bài sai. Sau đó, cháu A. bị nôn ói, ông Thái đưa cháu đi cấp cứu nhưng cháu A. tử vong sau đó.
Với manh mối điều tra được, sau đó Công an TP HCM đã khởi tố bổ sung tội giết người với Trang và khởi tố bắt tạm giam ông Thái (cha của bé) vì hành vi "Che giấu tội phạm".
Bố dùng đũa đánh con lớp 1 đến tử vong ở Hà Nội
Hồi tháng 9/2021, Lê Thành Công (43 tuổi, ở P.Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm) dạy con gái học là bé L.H.A. (6 tuổi) tại nhà riêng. Quá trình học, thấy bé A. mất tập trung, chậm tiếp thu nên Công dùng đũa gỗ vụt hơn 10 lần vào mu bàn tay trái, cánh tay trái và chân trái con gái.
Chưa dừng lại, Công tiếp tục bảo vợ lấy chổi để dạy con nhưng vợ không tìm thấy chổi nên đưa một thanh tre dài khoảng 50 cm cho Công. Sau đó, Công tiếp tục vụt vào mông, lưng con gái.
Sau đó, bé A. bị nôn, nóng sốt nên được bố mẹ đưa đến BV Nhi Trung ương thăm khám. Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định bé A. đã tử vong ngoại viện, cơ thể có nhiều vết bầm tím nghi do bạo hành, nên báo lực lượng chức năng.
Cái chết của bé A. là hồi chuông bừng tỉnh về cách dạy con và vấn nạn bạo hành trẻ em gây nhức nhối trong xã hội.
Bố đẻ và mẹ kế bạo hành con trai 10 tuổi
Ngày 31/8/2018, TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử đối với Trần Hoài Nam (35 tuổi, ở quận Ba Đình) và Phạm Thị Tú Trinh (35 tuổi, vợ Nam) về các tội "Hành hạ con" và "Cố ý gây thương tích".
Bị cáo Trần Hoài Nam khai nhận sau khi ly hôn, đi bước nữa với Trinh, đã chuyển ra ngoài sống để thuận lợi cho việc kinh doanh và nuôi dạy cháu K, con riêng của Nam. Ban đầu, cháu K. ngoan ngoãn nhưng sau đó thường hay nghịch ngợm, không nghe lời.
"Bị cáo đi làm về, nghe vợ nói thế cũng đã tâm sự với vợ không biết làm gì để con nghe lời nên đã quyết định đánh đòn để dạy cháu", Nam nói và khai trước tòa đã nhiều lần dùng muôi ăn cơm hoặc mắc áo bằng nhôm làm roi để đánh con, tần suất 1-2 tuần/lần. Muôi thì đánh vào đầu, còn mắc áo đánh vào mông.
Bị cáo này cũng thành khẩn khai nhận nhiều lần đá ngang mạng sườn con, thậm chí bắt con uống nước mắm, nằm dưới đất khi không vừa ý…
Cáo trạng cũng nêu rõ, khoảng cuối tháng 10/2017, Nam còn phạt cháu K. phải uống nước mắm khi cháu nghịch. Cuối tháng 11/2017, Nam đi làm về, phát hiện con tiểu tiện ở cửa phòng ngủ nên dồn cháu K. vào góc tường ở phòng khách, dùng chân đạp liên tiếp nhiều phát vào người con trai trước mặt Trinh. Tuy vậy, cả hai không đưa cháu đi viện.
Ngày 5/12/2017, Nam và Trinh lại đánh đập cháu K. trước khi ra ngoài giải quyết công việc, đồng thời dọa "khi về sẽ xử lý tiếp".
Do sợ bị bố và mẹ kế đánh nên cháu K. mở cửa trốn xuống phòng vệ sinh tầng 1, rồi ra ngoài đi xe bus về nhà ông bà nội.
Tại đây, cháu K. kể lại toàn bộ sự việc bị bố và mẹ kế đánh đập cho ông bà nghe. Quá phẫn nộ trước hành vi dã man này, ông nội cháu K. đã đưa cháu đến cơ quan công an trình báo. Nam và Trinh sau đó tới cơ quan điều tra đầu thú.
Cáo trạng cũng xác định, tổn hại sức khỏe của cháu K. do chính bố đẻ mình gây ra là 22%, còn mẹ kế trực tiếp đánh đã khiến cháu tổn hại 3%.
Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Trần Hoài Nam 2 năm 6 tháng tù về tội “Hành hạ con”, 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hình phạt là 6 năm 6 tháng tù; tuyên phạt Phạm Thị Tú Trinh 2 năm tù về tội “Hành hạ con”, 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hình phạt là 5 năm tù.
Trẻ em được pháp luật bảo vệ như thế nào trước những hành vi xâm hại?
Từ những vụ việc trên, câu hỏi được đặt ra là trẻ em được pháp luật bảo vệ như thế nào trước những hành vi xâm hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng? Những hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý ra sao?
Trao đổi với PV Pháp luật và Phát triển, TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam - nêu rõ, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, thể hiện qua chính sách và pháp luật về bảo vệ trẻ em. Những hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em, xâm phạm đến quyền trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Quyền trẻ em, các cơ chế bảo vệ quyền trẻ em
Theo TS. Đặng Văn Cường, năm 2004, Việt Nam đã ban hành Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đến năm 2016 sửa đổi thành Luật Trẻ em. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam có đầy đủ các quy định và cơ chế để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành, bị xâm hại.
Điều 37, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các cơ quan tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chức năng nhiệm vụ của mình. Mọi hành vi bạo hành, ngược đãi, xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em là những hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị áp dụng các chế tài của pháp luật.
Luật Trẻ em 2016 quy định 23 quyền trẻ em, trong đó có các quyền:
...."16. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc
Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
19. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính
Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác"...
Như vậy, có thể thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp đến các văn bản luật và các văn bản dưới luật, đều quy định rất đầy đủ cụ thể về quyền trẻ em, về các cơ chế bảo vệ quyền trẻ em.
Vì vậy những hành vi xâm phạm trái pháp luật đến quyền trẻ em, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016, bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm. Do đó, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em
Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên;
+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hầu hết những hành vi gây ra thương tích cho trẻ em đều bị xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự quy định hành vi xâm phạm đến trẻ em là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc có thể cấu thành tội danh độc lập.
Người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Với hành vi đánh đập trẻ em có khả năng dẫn đến nạn nhân tử vong, đối tượng hành hung trẻ em có thể xử lý hình sự về tội "Giết người" với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết người dưới 16 tuổi. Điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào giết người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình."
Vì vậy, hành vi hành hung, đánh đập trẻ em dù vì bất kỳ lý do gì, người thực hiện hành vi này cũng sẽ bị xã hội lên án, cơ quan chức năng cũng sẽ khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu hành vi được xác định là cố ý gây thương tích, dù thương tích chỉ một vài phần trăm thì cơ quan điều tra cũng vẫn sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với người đã gây thực tích cho trẻ em về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Cần làm gì để bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành?
Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam - trường hợp trẻ em bị hành hung, bị bạo hành, những người xung quanh cần phải có sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời để ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra; đồng thời trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được xử lý theo quy định của pháp luật.
Để bảo vệ trẻ em có hiệu quả, giảm bớt những vụ việc trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành, cần có sự vào cuộc chung tay của cộng đồng xã hội. Ngoài việc giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em để dần dần hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện khả năng bảo vệ bản thân, các bậc phụ huynh cũng cần dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Các cơ quan tổ chức có chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em thì cần chủ động tích cực trong công tác bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp những vụ việc trẻ em bị xâm hại quyền để giảm thiểu đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra.
Cộng đồng xã hội sẵn sàng chung tay giúp sức để bảo vệ trẻ em, đấu tranh với những hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em để tạo ra một sức mạnh cộng đồng, những lá chắn trong hành trình bảo vệ trẻ em.
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?
(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?