Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng
Tóm tắt: Vấn đề độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam từ lâu đã gây tranh luận cả ở trong và ngoài nước. Ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng việc Luật Trẻ em của Việt Nam quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi” là không tương thích với quy định tại Điều 1 Công ước về quyền trẻ em (CRC) của Liên hợp quốc (quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi). Bài viết này phân tích cơ sở khoa học, thực tiễn của việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam từ “dưới 16 tuổi” lên “dưới 18 tuổi” để tương thích với quy định của CRC.
Từ khoá: trẻ em, quyền trẻ em, độ tuổi pháp lý của trẻ em, Công ước về quyền trẻ em, Việt Nam
Abstract: The issue of the legal age of Vietnamese children has long been controversial both at home and abroad. There are increasing views that Vietnam's Law on Children defining "a child as a person under 16 years of age" is incompatible with the provisions of Article 1 of the United Nations Convention on the Rights of the Child (CRC) which stipulates that a child is a person under the age of 18. This article analyzes the scientific and practical basis of adjusting the legal age of children in Vietnam from “under 16 years old” to “under 18 years old” to be compatible with CRC regulations.
Keywords: children, children's rights, legal age of children, Convention on the Rights of the Child, Vietnam
Từ góc độ tâm lý học, sinh lý học, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, giai đoạn chưa thành niên (10-19 tuổi theo quan điểm của WHO[1]) là thời điểm rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Đó là thời gian con người dần dần trở thành những cá nhân độc lập, tạo nên những mối quan hệ mới, phát triển các kỹ năng xã hội để trưởng thành; và vì thế đây cũng là một trong những giai đoạn nhiều thử thách nhất. Trong giai đoạn này, những người trẻ thường trải qua những thay đổi lớn cả về thể chất, tinh thần và tâm lý xã hội. Về mặt tinh thần, hệ thần kinh của con người có sự phát triển mạnh trong giai đoạn chưa thành niên, đặc biệt ở vỏ não trước trán, khu vực chịu trách nhiệm về chức năng điều hành, ra quyết định, tổ chức, kiểm soát hành động và lập kế hoạch cho tương lai. Những thay đổi ở vỏ não trước trán thường xảy ra muộn hơn trong thời kỳ sau của người chưa thành niên so với những thay đổi của hệ thống limbic. Chính điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc đưa ra những quyết định khôn ngoan khi phải chịu áp lực về cảm xúc, xã hội hoặc tình dục.[2]
Về mặt tâm lý, xã hội, trong thời kỳ 10-18 tuổi, người chưa thành niên phát triển các kỹ năng suy luận ngày càng mạnh mẽ hơn, tư duy logic hơn và có khả năng đưa ra những đánh giá hợp lý so hơn với thời thơ ấu. Mặc dù vậy, do bị chi phối bởi những hạn chế trong sự phát triển về thể chất và hệ thần kinh, người chưa thành niên vẫn chưa đạt được sự chín chắn đầy đủ về tâm lý và xã hội, biểu hiện ở sự bốc đồng, vội vàng hoặc thái quá trong xử lý các quan hệ xã hội mới hoặc có tính chất phức tạp[3]. Thông qua việc sử dụng những tiến bộ mới trong công nghệ MRI (chụp cộng hưởng từ)[4], các nhà khoa học đã xác định một khu vực của não bộ là thuỳ trán của bộ não của người chưa thành niên (đóng vai trò là "trung tâm chỉ huy", kiểm soát việc ra quyết định, phân tích, kiềm chế xung đột và đánh giá hậu quả hành động của con người) vẫn chưa phát triển đầy đủ. Bởi vì phần não bộ này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên người chưa thành niên thường có nhiều khả năng:[5] Hành động theo ngẫu hứng; Dễ gặp tai nạn; Dễ tham gia các cuộc ẩu đả; Dễ có những hành vi nguy hiểm hoặc rủi ro cho bản thân mình và cho người khác.
Bên cạnh đó, sự phát triển chưa đầy đủ của não bộ cũng khiến cho những người chưa thành niên có ít khả năng: Suy nghĩ chín chắn trước khi hành động; Dừng lại để xem xét hậu quả hành động của mình; Thay đổi ý định thực hiện những hành vi nguy hiểm hoặc không phù hợp[6].
Ngoài ra, do sự phát triển chưa đầy đủ của não bộ nên những người trong độ tuổi chưa thành niên thường chấp nhận rủi ro để tìm kiếm sự mới lạ (những trải nghiệm mới và mức độ kích thích cao hơn) mà ít khi cân nhắc đến hậu quả có thể xảy ra[7]. Mặc dù những hành vi này có thể có lợi ích nhất định, giúp các em phát triển tính độc lập và khả năng giải quyết vấn đề, song do được thực hiện trong bối cảnh suy nghĩ thiếu chín chắn nên cũng làm cho các em rất dễ bị tổn thương, và có thể bị sa vào tình huống xung đột với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật[8].
Những nghiên cứu kể trên cung cấp cơ sở khoa học giúp các quốc gia xác định độ tuổi được xem là người thành niên, hay độ tuổi trưởng thành, để một người có thể chịu trách nhiệm đầy đủ về mọi hành vi của mình với xã hội. Từ những nghiên cứu đó, có thể khẳng định rằng giai đoạn chưa thành niên từ 10-19 tuổi là giai đoạn cần sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để đảm bảo một cá nhân có thể trưởng thành một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là một yếu tố rất quan trọng để xác định độ tuổi pháp lý của trẻ em. Từ góc độ khoa học, độ tuổi được xem là trẻ em cần phải tiệm cận với mức độ trưởng thành của trẻ em, mà cụ thể ở đây là dưới 19 tuổi theo quan điểm của WHO.
Xuất phát từ cơ sở khoa học nêu trên, Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC), tại Điều 1 đã định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi, song đồng thời quy định trừ trường hợp pháp luật [của quốc gia thành viên] áp dụng với trẻ em có quy định tuổi trưởng thành sớm hơn[9]. Chính quy định đồng thời này đã dẫn đến cách hiểu cho rằng các quốc gia có thể xác định độ tuổi pháp lý của trẻ em thấp hơn so với mức quy định của CRC.
Tuy nhiên, cách hiểu trên là không chính xác. Trong Tài liệu Hướng dẫn thực hiện CRC, UNICEF đã giải thích rằng, định nghĩa trẻ em trong CRC nhằm mục đích xác định giai đoạn được xem là tuổi thơ (childhood) của một con người, trong đó mốc từ 18 đánh dấu sự kết thúc của tuổi thơ để trở thành người đã thành niên (adulthood)[10]. Điều đó có nghĩa là các cá nhân ở bất kỳ độ tuổi nào dưới 18, bao gồm các độ tuổi 16, 17, đều chưa được xem là người trưởng thành. Cũng theo UNICEF, đoạn cuối của Điều 1 “trừ trường hợp pháp luật [của quốc gia thành viên] áp dụng với trẻ em có quy định tuổi trưởng thành sớm hơn” là để làm cho quy định này cụ thể hơn (more prescriptive) nhưng không có nghĩa là cho phép linh hoạt (not inflexible) trong việc xác định thời điểm kết thúc tuổi thơ (childhood) của một con người.[11] Nói cách khác, đoạn cuối của Điều 1 hoàn toàn không có nghĩa là CRC khuyến khích hay cho phép các quốc gia thành viên hạ thấp độ tuổi trẻ em. Minh chứng là ngay ở đoạn mở đầu của Điều 1 đã nhấn mạnh rằng, quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” là “có chủ đích (for the purposes) của Công ước”[12]. Thay vào đó, các quốc gia chỉ có thể quy định độ tuổi trưởng thành thấp hơn 18 trong một số lĩnh vực và >cho một số mục đích cụ thể (particular purposes) - với điều kiện các quy định này phải phù hợp với các nguyên tắc chung của Công ước CRC, gồm nguyên tắc lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em, nguyên tắc bảo đảm tối đa sự tồn tại và phát triển của trẻ em, và nguyên tắc không phân biệt đối xử trong bảo đảm quyền trẻ em[13].
Quan điểm nêu trên cũng đã được Uỷ ban Quyền trẻ em - là cơ quan được thành lập theo CRC và có chức năng giám sát việc thực thi Công ước này - khẳng định. Cụ thể, trong Bình luận chung số 4 (General Comment # 4) do Uỷ ban này ban hành năm 2003 đã nêu rõ: “Những người đến 18 tuổi là chủ thể của tất cả các quyền nêu trong Công ước CRC; các em được hưởng các biện pháp bảo vệ đặc biệt, và có thể từng bước thực hiện các quyền (progressively exercise their rights) phù hợp với năng lực đang phát triển (evolving capacities) của mình”.[14] Tuyên bố này cần được hiểu là: (i) Tất cả những người dưới 18 tuổi phải được xem là trẻ em (hay độ tuổi pháp lý của trẻ em là dưới 18); (ii) Trong một số bối cảnh, phụ thuộc vào mức độ trưởng thành, trẻ em có thể được hưởng những quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ của người đã thành niên. Cụ thể, theo Uỷ ban, đối với những vấn đề mà việc bảo vệ trẻ em là đặc biệt có ý nghĩa (ví dụ như độ tuổi lao động tối thiểu, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự…), các quốc gia cần quy định độ tuổi tối thiểu ở mức độ càng cao càng tốt. Tuy nhiên, trong những vấn đề mà có thể thúc đẩy sự tự chủ (autonomy) và việc hưởng thụ các quyền dân sự của trẻ em thì có thể xác định độ tuổi tối thiểu một cách mềm dẻo hơn, dựa trên năng lực đang phát triển (evolving capacities) và nhu cầu của trẻ[15].
Trong thực tế, khái niệm trẻ em bao hàm và giao thoa với một số khái niệm khác mà được sử dụng bởi các tổ chức quốc tế để chỉ những người chưa thành niên trong những mối quan hệ và hoàn cảnh khác nhau. Cụ thể, trẻ em bao gồm người chưa thành niên (juvenile, được xem là người từ 15 đến 18 tuổi)[16], và cơ bản bao gồm thanh, thiếu niên (adolescents, được xem là người từ 10 đến 19 tuổi).[17] Bên cạnh đó, trẻ em còn bao gồm một phần của người trẻ tuổi (young persons, được xem là những người từ 10-24 tuổi) [18] và của thanh niên (youth, được xem là người từ 15 đến 24 tuổi).[19] Những thuật ngữ tương giao này, đặc biệt là thuật ngữ người chưa thành niên, thường được sử dụng trong các bối cảnh mà trẻ em được hưởng những quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ của người đã thành niên.
Việc sử dụng các thuật ngữ nêu trên để tạo ra sự uyển chuyển trong cách đối xử với trẻ em, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những hiểu nhầm về khái niệm trẻ em. Cụ thể, ở Việt Nam, các khái niệm Nhi đồngvà Thiếu niên thường được hiểu là Trẻ em, và Trẻ em thường được hiểu tách biệt hoàn toàn với Thanh niên. Thêm vào đó, khái niệm Người chưa thành niên được xem là không đồng nhất với Trẻ em (bao gồm cả Trẻ em và một phần của Thanh niên). Những cách hiểu như vậy làm cho những tranh luận về độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam trở lên phức tạp, rối rắm, trong khi thực chất cần phải nhìn nhận trẻ em thông qua mối quan hệ với người lớn (Trẻ em - Người lớn) và người đã thành niên (Người chưa thành niên - Người đã thành niên).
Nói cách khác, quy định về độ tuổi trẻ em trong Điều 1 CRC không phải để áp dụng cùng một cách thức đối xử với mọi người dưới 18 tuổi[20]. Thay vào đó, ngoài độ tuổi pháp lý thống nhất của trẻ em là dưới 18, trên cơ sở năng lực đang phát triển của trẻ em, pháp luật của các quốc gia có thể quy định thêm những độ tuổi khác để cho phép trẻ em hưởng thụ các quyền hoặc tự mình tham gia vào các hoạt động nào đó phù hợp với khả năng của trẻ[21].
Xem lại hồ sơ ghi chép những tranh luận trong quá trình soạn thảo CRC có thể giúp khẳng định nhận định nêu trên. Theo hồ sơ, trong quá trình soạn thảo Công ước, đã có một số quốc gia đề xuất định nghĩa trong đó dựa trên độ tuổi pháp lý của trẻ em thấp hơn quy định ở Điều 1 CRC (tức là độ tuổi dưới 17 hoặc 16), tuy nhiên đề xuất đó đã không được chấp nhận, do quan điểm phổ biến cho rằng cần quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 để có thể bảo vệ trẻ em một cách đầy đủ.[22]
Cũng liên quan đến vấn đề trên, theo Hướng dẫn xây dựng báo cáo định kỳ thực thi CRC, Uỷ ban quyền trẻ em đã yêu cầu các quốc gia thành viên cung cấp thông tin về “bất kỳ sự khác biệt nào trong pháp luật của quốc gia liên quan đến định nghĩa về trẻ em nêu ở Điều 1 của Công ước”[23] và độ tuổi pháp lý tối thiểu mà pháp luật quốc gia xác định trong một loạt vấn đề, từ hình sự cho đến dân sự, lao động, hôn nhân gia đình...[24]. Yêu cầu này chính là để đánh giá mức độ tương thích trong pháp luật của các quốc gia với quy định về độ tuổi pháp lý thống nhất của trẻ em được nêu trong Điều 1 CRC.
Bên cạnh đó, thông qua Kết luận kiến nghị về báo cáo của một số quốc gia, Uỷ ban quyền trẻ em cũng đã nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật quốc gia và CRC trong vấn đề độ tuổi pháp lý của trẻ em. Ví dụ, trong Kết luận kiến nghị về báo cáo quốc gia của Sri Lanka, Uỷ ban đã kiến nghị các quốc gia thành viên: “đưa ra định nghĩa pháp lý thống nhất, rõ ràng về trẻ em mà áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ của quốc gia càng sớm càng tốt, đồng thời rà soát các quy định về giới hạn tuổi trong các lĩnh vực, bao gồm hôn nhân, lao động trẻ em và các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự về xâm hại tình dục trẻ em, để sửa đổi các quy định đó cho tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế”[25]. Hoặc, sau khi xem xét báo cáo của A-rập Xê-út, Uỷ ban kiến nghị các quốc gia thành viên “thực hiện các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để xác định một cách dứt khoát (unequivocally) độ tuổi trưởng thành là từ 18 tuổi trở lên”.[26]
Tương tự Uỷ ban quyền trẻ em, Uỷ ban Nhân quyền (cơ quan được thành lập theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) năm 1966 và có chức năng giám sát việc thực thi Công ước này của các quốc gia thành viên) - trong một kiến nghị chung được ban hành vào năm 1989, cũng đã yêu cầu các quốc gia thành viên ICCPR cần “…xác định rõ trong báo cáo thực thi Công ước độ tuổi mà một đứa trẻ được xem là người thành niên” và độ tuổi đó “không được quy định ở mức độ thấp bất hợp lý (unreasonably low) và trong bất kỳ tình huống nào cũng không được vi phạm những nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo ICCPR liên quan đến những người dưới 18 tuổi, bất kể khi mà theo pháp luật quốc gia những người đó đã được xem là trưởng thành”.[27]
Tóm lại, từ những phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng theo luật nhân quyền quốc tế, khái niệm trẻ em được xác định dựa trên mốc trưởng thành đầy đủ (hay thành niên) của con người, trong đó từ 18 là người đã trưởng thành đầy đủ (đã thành niên, là người lớn), dưới 18 là được xem là chưa trưởng thành đầy đủ (chưa thành niên, là trẻ em). Điều đó có nghĩa là >độ tuổi pháp lý của trẻ em trong Điều 1 của CRC (dưới 18) cần được áp dụng thống nhất bởi các quốc gia mà không có ngoại lệ. Các quốc gia có thể quy định những độ tuổi khác của trẻ em trong một số lĩnh vực, phụ thuộc vào mức độ trưởng thành của trẻ trong lĩnh vực đó, nhằm tăng cường tính tự chủ hay để thúc đẩy các quyền của trẻ em, song những quy định đó không được xem là độ tuổi pháp lý chung của trẻ em mà cần phải theo quy định tại Điều 1 CRC.
Mặc dù là quốc gia thứ hai trên thế giới tham gia CRC, song hiện tại Việt Nam lại thuộc về số ít nước còn quy định độ tuổi trẻ em trong pháp luật thấp hơn so với quy định trong Điều 1 của Công ước. Cụ thể, Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam quy định, trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Theo thống kê của UNICEF Việt Nam, tính đến thời điểm đầu năm 2015, trong số 66 quốc gia có được thông tin về độ tuổi trẻ em, có 56 nước quy định độ tuổi dưới 18; 2 nước quy định độ tuổi dưới 21 (Cameroon, Coted”Ivoire), chỉ có 8 nước quy định độ tuổi thấp hơn so với quy định tại Điều 1 CRC, trong đó 3 nước quy định độ tuổi dưới 17; 5 nước quy định độ tuổi dưới 16 (gồm Việt Nam, Malawi; Myanmar; Singapore; Zambia).[28] Như vậy, trong số 66 quốc gia, ở châu Á chỉ còn 3 nước (Việt Nam, Myanmar, Singapore) quy định tuổi của trẻ em thấp hơn 18, trong đó Myanmar đang sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi.[29] Theo một nguồn tài liệu khác, hiện trên thế giới chỉ còn 17/194 quốc gia thành viên CRC vẫn còn quy định tuổi pháp lý của trẻ em thấp hơn quy định của Công ước này, trong đó bao gồm Việt Nam.[30]
Bên cạnh quy định độ tuổi được coi là trẻ em, trong pháp luật hiện hành của Việt Nam còn có một số quy định độ tuổi là >người đã thành niên (có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) để thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trong các lĩnh vực chính như: Độ tuổi kết hôn (từ đủ 20 với nam, từ đủ 18 với nữ) (Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014); Độ tuổi tham gia quan hệ lao động (từ đủ 15 tuổi trở lên được tham gia quan hệ lao động, từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi là lao động chưa thành niên) (Bộ luật Lao động 2019); Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội nghiêm trọng, từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, nhưng đến dưới 18 tuổi được hưởng chính sách hình sự với người chưa thành niên); Độ tuổi tham gia quan hệ dân sự (Từ đủ 18 tuổi trở lên được tự mình tham gia và tự chịu trách nhiệm về mọi giao dịch dân sự) (Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015)... Như vậy, có thể kết luận rằng, trong tất cả các quan hệ xã hội cơ bản ở Việt Nam, bao gồm dân sự, hôn nhân, hình sự, hành chính, lao động… độ tuổi được xác định là >người thành niên theo pháp luật Việt Nam là từ đủ 18. Điều đó cũng có nghĩa người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi.
Nhìn từ góc độ sự thống nhất của hệ thống pháp luật, có thể thấy đang có sự mâu thuẫn trong các quy định có liên quan đến trẻ em trong pháp luật hiện hành của Việt Nam. Cụ thể, như đã nêu ở trên,hiện tại, độ tuổi được xem là Người lớn (hay Người đã thành niên) trong pháp luật Việt Nam đã được quy định là từ 18. Như vậy, độ tuổi được xem là Người chưa thành niên (hay chưa phải là Người lớn, tức Trẻ em) đều cần được quy định là dưới 18. Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi được xem là Người chưa thành niên trong pháp luật Việt Nam là dưới 18 (trong các luật chuyên ngành), chưa tương thích với độ tuổi được xem là Trẻ em (dưới 16, trong Luật Trẻ em).
Việc sửa đổi quy định của Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 để nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 như quy định tại Điều 1 CRC phù hợp với quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016, trong đó tại Điều 6(1) nêu rõ: “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”. Đây cũng chính là để thực thi kiến nghị của Uỷ ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc đã nhiều lần nêu ra với Việt Nam. Gần đây nhất, trong lần xem xét báo cáo quốc gia về việc thực hiện CRC của Việt Nam vào năm 2012, Uỷ ban đã bày tỏ sự “quan ngại về việc theo luật hiện hành ở Việt Nam thì chỉ những cá nhân dưới 16 tuổi mới được coi là trẻ em” [31]và >“thúc giục Việt Nam nhanh chóng sửa đổi luật pháp quốc gia… để tăng tuổi trẻ em lên 18 tuổi cho phù hợp với định nghĩa của Công ước..”.[32]
Việc nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em cũng là để bảo đảm tốt hơn các quyền của nhóm người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi (mà hiện chưa được xem là trẻ em) ở Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Trẻ em của Bộ LĐ, TB&XH, ở thời điểm 2018, tổng dân số Việt Nam là 93.671.600 người, trong đó trẻ em (người dưới 16 tuổi) là 26.372.278 em (chiếm 28,1%), trong số đó có 1.429.896 trẻ em (chiếm 5,42% tổng số trẻ em) thuộc vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.[33] Như vậy, có thể ước tính số người trong nhóm tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi ở thời điểm 2018 vào khoảng 4,6 triệu. Theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, số trẻ em này, trong đó bao gồm hàng trăm ngàn em có hoàn cảnh đặc biệt, không được hưởng một số chính sách xã hội dành cho việc hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em (lứa tuổi dưới 16).
Độ tuổi pháp lý của trẻ em là một vấn đề vừa mang tính khoa học, vừa mang tính pháp lý, xã hội sâu sắc. Với tính chất là ranh giới giữa những người chưa và đã đủ khả năng tự mình thực hiện các quyền và đảm nhiệm các nghĩa vụ, trách nhiệm với xã hội và Nhà nước nên việc xác định độ tuổi pháp lý của trẻ em cần dựa trên cơ sở sự trưởng thành đầy đủ về thể chất và tinh thần của một cá nhân. Ranh giới này hiện được xác định trong CRC và nhiều điều ước quốc tế khác, là 18 tuổi.
Việc Luật Trẻ em của Việt Nam xác định trẻ em là người dưới 16 tuổi là chưa tương thích với CRC cũng như chưa phù hợp với quan điểm phổ biến của cộng đồng quốc tế về sự trưởng thành của trẻ em. Quy định như hiện nay cũng đang gây ra những khó khăn về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là trong việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền trẻ em, và việc bảo vệ, chăm sóc một cách toàn diện và hiệu quả nhóm trẻ 16, 17 tuổi. Việc nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 là một yêu cầu cấp thiết ở nước ta hiện nay.
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy đã có đủ các cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn cho việc nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên mức dưới 18 để tương thích với quy định của CRC mà Việt Nam đã tham gia. Việc điều chỉnh như vậy sẽ mang lại những lợi ích nhiều mặt cho trẻ em, xã hội và Nhà nước, trong đó đặc biệt là lợi ích về phát triển con người và nguồn nhân lực, trong khi không đặt ra những yêu cầu sửa đổi lớn hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên ở nước ta.
Cần thấy rằng, trong giai đoạn trước đây, việc quy định độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi được xem là để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi về nguồn lực thực thi các chính sách về trẻ em. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, tiềm lực kinh tế của Việt Nam đã tăng lên rất nhiều, Việt Nam đã tham gia vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi bảo đảm quyền và các chính sách trợ giúp đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi như áp dụng đối với người dưới 16 tuổi là cần thiết và hợp lý,[34] đặc biệt khi những yêu cầu về nguồn nhân lực và vật lực tăng lên đều rất nhỏ so với tiềm lực hiện nay của đất nước. Nói tóm lại, xét từ góc độ hoàn cảnh, điều kiện thực tế của đất nước, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 là mang tính khả thi ở Việt Nam hiện nay./.
Tài liệu tham khảo
1. American Academy of Child and Adolescent Psychiatry (2015), Teen Brain: Behavior, Problem Solving, and Decision Making, tại https://www.aacap.org/aacap/families_and_youth/facts_for_families/fff-guide/the-teen-brain-behavior-problem-solving-and-decision-making-095.aspx
2. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2016), Báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc, Giáo dục Trẻ em (sửa đổi).
3. Commission on Human Rights (1980), Question on Convention on the Rights of the Child, i>Report of the Working Group E/CN.4/L.1542, pp. 5 and 6.
4. Committee on Children’s Rights (2003), General Comment No. 4 on“Adolescent health and development in the contextof the Convention on the Rights of the Child”, (CRC/GC/2003/4, para. 1)
5. Committee on Children’s Rights(1996), Guidelines for Periodic Reports (CRC/C/58)
6. Committee on Children’s Rights(2003), CONSIDERATION OF REPORTS SUBMITTED BY STATES PARTIES UNDER ARTICLE 44 OF THE CONVENTION, Concluding observations: Sri Lanka, CRC/C/15/Add.207, para. 22.
7. Committee on Children’s Rights(2006), CONSIDERATION OF REPORTS SUBMITTED BY STATES PARTIES UNDER ARTICLE 44 OF THE CONVENTION, Concluding observations: Saudi Arabia (Saudi Arabia CRC/C/SAU/CO/2, paras. 25 and 26).
8. Human Rights Committee (1989), General Comment No. 17, HRI/GEN/1/Rev.8, para. 4, p. 184
9. Kelley AE1, Schochet T, Landry CF (2004), Risk taking and novelty seeking in adolescence, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15251871/
10.Lê Hương, Một số nét tâm lý đặc trưng của lứa tuổi thanh niên, https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/mot-so-net-tam-ly-dac-trung-cua-lua-tuoi-thanh-nien/2.html
11.Nitin Gogtay et all (2004), Dynamic mapping of human cortical development during childhood through early adulthood, https://www.pnas.org/content/101/21/8174
12.UNESCO, What do we mean by “youth”?, tại http://www.unesco.org/new/en/social-and-human-sciences/themes/youth/youth-definition/. Cũng xem United Nations, https://www.un.org/development/desa/youth/what-we-do/faq.html
13.UNFPA, Report of the Advisory Committee for the International Youth Year (A/36/215 annex).
14. UNICEF (2007), Implementation Handbook for the Convention on the Rights of the Child, prepared for UNICEF by Rachel Hodgkin and Peter Newell, revised third edition; tr.3.
15.UNICEF Hanoi, Vietnam Country Profile, UNICEF Country Office updated as of October 2018.
16.http://www.mmtimes.com/index.php/national-news/3325-myanmar-revises-child-law-childhood-status-extended-to-18.html
17.http://www.searo.who.int/entity/child_adolescent/topics/adolescent_health/en/
18.https://www.who.int/maternal_child_adolescent/topics/adolescence/development/en/
19.https://www.who.int/maternal_child_adolescent/topics/adolescence/development/en/
* ThS NCS Nguyễn Quang Hoà, TAND huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh**PGS.TS Vũ Công Giao, Giảng viên Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1]WHO,AdolescentHealth, http://www.searo.who.int/entity/child_adolescent/topics/adolescent_health/en/
[2] https://www.who.int/maternal_child_adolescent/topics/adolescence/development/en/
[3] https://www.who.int/maternal_child_adolescent/topics/adolescence/development/en/
[4] Nitin Gogtay et all (2004), Dynamic mapping of human cortical development during childhood through early adulthood, https://www.pnas.org/content/101/21/8174
[5] Nguồn: American Academy of Child and Adolescent Psychiatry (2015), Teen Brain: Behavior, Problem Solving, and Decision Making, tại https://www.aacap.org/aacap/families_and_youth/facts_for_ families/fff-guide/the-teen-brain-behavior-problem-solving-and-decision-making-095.aspx
[6] Nguồn: American Academy of Child and Adolescent Psychiatry (2015)… Tlđd.
[7] Kelley AE1, Schochet T, Landry CF (2004), Risk taking and novelty seeking in adolescence, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15251871/
[8] Lê Hương, Một số nét tâm lý đặc trưng của lứa tuổi thanh niên, https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/mot-so-net-tam-ly-dac-trung-cua-lua-tuoi-thanh-nien/2.html
[9] Nguyên văn Điều 1 CRC là “For the purposes of the present Convention, a child means every human being below the age of eighteen years unless under the law applicable to the child, majority is attained earlier”.
[10] UNICEF (2007), Implementation Handbook for the Convention on the Rights of the Child, prepared for UNICEF by Rachel Hodgkin and Peter Newell, revised third edition; tr.3.
[11] UNICEF (2007), tlđd, tr.3.
[12] UNICEF (2007), tlđd, tr.5.
[13] UNICEF (2007), tlđd, tr.5.
[14] Committee on Children’s Rights (2003), General Comment No. 4 on“Adolescent health and development in the contextof the Convention on the Rights of the Child”, (CRC/GC/2003/4, para. 1)
[15] UNICEF (2007), tlđd, tr.5.
[16] Xem Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về áp dụng pháp luật với người chưa thành niên (United Nations Standard Minimum Rules for the Administration of Juvenile Justice /Beijing Rules, ngày 29/11/1985); Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên (United Nations Guidelines for the Prevention of Juvenile delinquency/ Riyadh Guidelines, ngày 14/12/1990)
[17] UNFPA, Report of the Advisory Committee for the International Youth Year (A/36/215 annex).
[18] UNFPA, Report of the Advisory Committee for the International Youth Year (A/36/215 annex).
[19] UNESCO, What do we mean by “youth”?, tại http://www.unesco.org/new/en/social-and-human-sciences/themes/youth/youth-definition/. Cũng xem United Nations, https://www.un.org/development/desa/youth/what-we-do/faq.html
[20] UNICEF (2015), Sửa đổi Luật Trẻ em, tài liệu thảo luận tuổi trẻ em.
[21] UNICEF (2015), Sửa đổi Luật Trẻ em, tài liệu thảo luận tuổi trẻ em.
[22] Commission on Human Rights (1980),Question on Convention on the Rights of the Child, i>Report of the Working GroupE/CN.4/L.1542, pp. 5 and 6.
[23] Committee on Children’s Rights(1996), Guidelines for Periodic Reports (CRC/C/58)
[24] Cụ thể như: tư vấn pháp lý và tư vấn y tế mà không cần sự đồng ý của cha mẹ; điều trị y tế hoặc phẫu thuật không cần sự đồng ý của cha mẹ; kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc; được ký hợp đồng lao động; kết hôn; quan hệ tình dục; phải chịu trách nhiệm hình sự; có thể làm chứng trước Toà trong các vụ việc dân sự và hình sự; có thể khiếu nại, kháng cáo các quyết định, bản án của Toà án mà không cần sự đồng ý của cha mẹ; có thể tham gia tố tụng hành chính và tư pháp ảnh hưởng đến bản thân; thay đổi họ tên và các quan hệ dân sự; thừa kế và thực hiện các giao dịch về tài sản; tham gia các hiệp hội; lựa chọn tôn giáo hoặc tham gia học tập tại các trường tôn giáo; uống rượu hoặc tiêu thụ những chất bị hạn chế khác;… Xem Uỷ ban về quyền trẻ em (1996), Guidelines for Periodic Reports (CRC/C/58).
[25] Committee on Children’s Rights, CONSIDERATION OF REPORTS SUBMITTED BY STATES PARTIES UNDER ARTICLE 44 OF THE CONVENTION, Concluding observations: Sri Lanka, CRC/C/15/Add.207, para. 22, (2003)
[26] Committee on Children’s Rights, CONSIDERATION OF REPORTS SUBMITTED BY STATES PARTIES UNDER ARTICLE 44 OF THE CONVENTION, Concluding observations: Saudi Arabia (Saudi Arabia CRC/C/SAU/CO/2, paras. 25 and 26), (2006)
[27] Human Rights Committee, General Comment No. 17, HRI/GEN/1/Rev.8, para. 4, p. 184, (1989)
[28] Dẫn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc, Giáo dục Trẻ em (sửa đổi), mục 4, (2016)
[29] Nguồn:http://www.mmtimes.com/index.php/national-news/3325-myanmar-revises-child-law-childhood-status-extended-to-18.html
[30] Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Age_of_majority. Về độ tuổi pháp lý của trẻ em, xem thêm Phụ lục 1 (Bảng tổng hợp so sánh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam và một số quốc gia cùng khu vực).
[31] Xem Kết luận giám sát sau khi xem xét báo cáo quốc gia của Việt Nam của Ủy ban về quyền trẻ em năm 2012, tài liệu đã dẫn, mục 27.
[32] Xem tài liệu trên, mục 28.
[33] Còn theo số liệu thống kê của UNICEF Việt Nam, ở thời điểm năm 2017, tổng dân số Việt Nam là 93.425.240 người, trong đó số người dưới 18 tuổi là 26.244.704 (bao gồm 13.625.595 nam, 12.619.109 nữ); số người dưới 16 tuổi (được gọi là trẻ em theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam) là 24.025.695 người. UNICEF Hanoi, Vietnam Country Profile, UNICEF Country Office updated as of October 2018.
[34] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2016), Tlđd, mục 1.