Sự tiếp nhận và phát triển một số học thuyết pháp luật hợp đồng nước ngoài trong bộ Luật Dân sự Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam
Tóm tắt: Pháp luật hình sự Việt Nam và CHLB Đức đều quy định chính sách riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi. Với những cách tiếp cận khác nhau của của CHLB Đức và Việt Nam, việc nghiên cứu đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội của mỗi quốc gia đều đem đến giá trị cho mỗi quốc gia. Bài viết nghiên cứu quy định của Luật Tòa án thanh thiếu niên ở Đức và Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 - BLHS 2015) thể hiện đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội từ đó đề xuất hướng hoàn thiện một số quy định của luật hình sự Việt Nam.
Từ khóa: đường lối xử lý, người chưa thành niên phạm tội, Luật Tòa án thanh thiếu niên, Bộ luật hình sự năm 2015
Abstract: The criminal laws of Vietnam and Germany embody the specific policies for juvenile criminal offenders to ensure the best interests of juvenile offenders with various approaches. Due to the differences in these provisions, study of reflection of the policies for juvenile criminal offenders and their implementation in two countries can provide valuables lessons for both Germany and Vietnam. This article studies the provisions of the Juvenile Court Act of Germany and the 2015 Vietnamese Criminal Code (amended and supplemented in 2017) on the policy of handling juvenile criminal offenders and their implementation and hencey proposes some directions for improving some provisions of Vietnamese criminal law regarding the embodied specific policies.
Keywords: treatment policy, juvenile offenders, Juvenile Court Act, 2015 Penal Code
Người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự Đức và Việt Nam là người thực hiện tội phạm trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Những nghiên cứu khoa học thần kinh cho thấy một cách mạnh mẽ rằng bộ não con người thường không phát triển đầy đủ cho đến khi cá nhân đạt đến sự trưởng thành hoàn toà vào giữa những năm ở tuổi 20. Thùy trán, nơi điều chỉnh khả năng sử dụng phán đoán, quản lý xung lực và dự đoán hoặc nhận ra hậu quả tiêu cực lâu dài đối với những lựa chọn rủi ro, không trưởng thành cho đến giai đoạn cuối cùng này của quá trình phát triển não bộ.[1] Các nghiên cứu về tâm lý học cũng cho thấy ở độ tuổi này, những biến đổi về thể chất, sự hoàn thiện cơ bản các chức năng sinh lý và sự biến đổi về thể trạng của người chưa thành niên trong gia đình, nhà trường, xã hội… tác động đến họ và làm nảy sinh những nhận thức mới. Người vị thành niên có khát vọng được tự chủ, được tự quyết định. Chính vì vậy, ở giai đoạn này, người chưa thành niên rất dễ có những hành vi lệch chuẩn. Đây là một hiện tượng bình thường trong quá trình phát triển. Cùng với quá trình trưởng thành, phần lớn người chưa thành niên sẽ tự vượt qua giai đoạn phản kháng xã hội mà không cần nhiều sự can thiệp từ chính quyền. Chỉ cần nhắc nhở, cảnh cáo là đã đủ để họ không tái vi phạm nữa. Tuy nhiên, vẫn có một người vị thành niên tiếp tục thực hiện hành vi phạm pháp trừ khi có sự can thiệp và hỗ trợ thích hợp.[2] Với những đặc điểm như vậy của người chưa thành niên, nhìn chung quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội là cần áp dụng các biện pháp hình sự theo nguyên tắc và mục đích giáo dục phòng ngừa hành vi phạm tội[3].
Trên cơ sở những đặc điểm của người chưa thành niên và và chính sách bảo vệ người chưa thành niên, đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội luôn là một phần chính sách hình sự của Nhà nước và luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và xã hội ở các quốc gia trên thế giới trong đó có Đức và Việt Nam với những cách tiếp cận cụ thể khác nhau.
Luật hình sự riêng biệt áp dụng đối với người chưa thành niên đã được phát triển ở Đức như một “luật hình sự giáo dục”, với mục đích chính là giáo dục và sau đó là tái hòa nhập xã hội của những người phạm tội chưa thành niên.[4] Trên nguyên tắc đó, đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội ở Cộng hòa Liên bang Đức được quy định tập trung tại Luật Tòa án thanh thiếu niên được ban hành vào ngày 11 tháng 12 năm 1974, được sửa đổi gần đây nhất ngày 25 tháng 6 năm 2021.
Đạo luật này quy định người chưa thành niên là bất kỳ ai, vào thời điểm phạm tội, đã đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi (Khoản 2 Điều 1). Những người ở độ tuổi này được xác định là đang ở giai đoạn phát triển đặc biệt mà nhân cách phát triển chưa hoàn chỉnh[5]. Với đánh giá về khả năng nhận thức của người chưa thành niên như vậy, mục đích của tư pháp hình sự đối với người thành niên ở Đức chủ yếu là để giáo dục người chưa thành niên phạm tội, phòng chống các hành vi phạm tội tái diễn.[6]
Theo quy định tại Điều 3 Đạo luật này, người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đã đạt đến mức trưởng thành về đạo đức và trí tuệ, đủ để có thể hiểu được tính sai trái của hành vi đó và để hành động phù hợp với những hành vi đó dựa trên hiểu biết của mình. Như vậy, Luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức không quy định theo hướng tất cả những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội đều phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn quy định điều kiện bắt buộc là sự trưởng thành về đạo đức, trí tuệ của người đó liên quan đến hiểu biết về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Trên thực tế, đối với những trường hợp nghi ngờ khả năng hiểu biết về hành vi phạm tội của người chưa thành niên, Tòa án sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm lý để đưa ra quyết định liên quan đến việc người chưa thành niên có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.[7]
Tư pháp đối với người thành niên ở Đức nhấn mạnh hỗ trợ giáo dục và can thiệp pháp lý tối thiểu để ngăn ngừa sự kỳ thị và hậu quả bất lợi cho những người phạm tội trẻ tuổi. Cách tiếp cận này ưu tiên xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, hạn chế áp dụng các thủ tục pháp lý chính thức để xử lý các vụ việc này. Trong những trường hợp cần can thiệp, hòa giải là phương pháp được ưu tiên. Các biện pháp can thiệp nhỏ, không chính thức có thể bao gồm thực hiện dịch vụ cộng đồng, bồi thường cho nạn nhân hoặc khiển trách.[8]
Người chưa thành niên phạm tội ở Đức có thể bị áp dụng các biện pháp giáo dục, các biện pháp kỷ luật hoặc hình phạt với ưu tiên dành cho các biện pháp giáo dục. Khi các biện pháp giáo dục không đủ hiệu quả, các biện pháp kỷ luật hoặc hình phạt dành cho người chưa thành niên có thể được áp dụng để trừng phạt hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Đáng chú ý, các biện pháp giáo dục và kỷ luật này không được coi là biện pháp trừng phạt và do đó không xuất hiện trong hồ sơ tội phạm chính thức của những người phạm tội trẻ tuổi, giúp giảm nguy cơ bị kỳ thị.[9] Việc giam giữ người chưa thành niên không được áp dụng cùng với các biện pháp hỗ trợ giáo dục.
Các biện pháp giáo dục được thẩm phán áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội gồmban hành các chỉ dẫn và áp dụng quyết định nhận trợ giúp giáo dục. Các chỉ dẫn là những định hướng và những điều cấm mà qua đó người chưa thành niên có thể thực hiện cuộc sống của mình và nhằm mục đích thúc đẩy và đảm bảo việc học tập của mình. Các chỉ dẫn không được đặt ra những yêu cầu vô lý về cách sống của người chưa thành niên. Đặc biệt, thẩm phán có thể chỉ dẫn người chưa thành niên: Tuân thủ các chỉ dẫn liên quan đến nơi cư trú của mình; Sống cùng gia đình hoặc ở nơi lưu trú; Chấp nhận nơi đào tạo hoặc việc làm; Thực hiện một số nhiệm vụ công việc nhất định; Chịu sự chăm sóc và giám sát của một người cụ thể (trợ lý chăm sóc); Tham gia khóa đào tạo kỹ năng xã hội; Cố gắng đạt được giải pháp với người bị thiệt hại (giải quyết giữa người phạm tội và nạn nhân); Hạn chế tiếp xúc với một số người nhất định hoặc không tụ tập ở nơi giải trí công cộng, hoặc tham gia lớp huấn luyện về giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, với sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ và người đại diện hợp pháp, Thẩm phán có quyền yêu cầu người chưa thành niên phải trải qua điều trị phục hồi chuyên môn hoặc điều trị cai nghiện. Nếu người chưa thành niên trên mười sáu tuổi thì điều kiện đó chỉ được áp dụng khi có sự đồng ý của người đó.[10] Trong thực tiễn áp dụng, có chỉ dẫn được đánh giá cao về tính giáo dục với phương pháp “đảo ngược vị trí” do thẩm phán Karl Holzschuh của Damstadt, Đức tiên phong áp dụng. Biện pháp này đặt người phạm tội càng gần càng tốt vào vị trí của người mà anh ta đã vi phạm quyền để người phạm tội hiểu sự sai trái trong hành vi của mình. Ví dụ: khi một người cố tình bắn chết con chim hoàng yến cưng của hàng xóm, anh ta sẽ nhận được yêu cầu mua một con chim hoàng yến và chăm sóc nó trong 2 năm; khi X đốt một đám cháy thiêu rụi một rừng thông mới trồng, anh ta được yêu cầu dành cả một mùa hè để trồng cây thông trong rừng đó...[11] Trong ví dụ thứ nhất trên đây, yêu cầu của thẩm phán sẽ giúp người phạm tội hiểu hơn cảm giác mất mát của người hàng xóm khi con vật cưng của anh ta bị bắn chết sau thời gian người phạm tội 2 năm nuôi con vật tương tự và có tình cảm với con vật mình nuôi. Trong ví dụ thứ hai, việc người đốt rừng dành cả mùa hè để trồng đám rừng mới giúp anh ta hiểu rõ công sức để có được đám rừng như vậy và từ đó nhận thức đầy đủ hơn tính chất sai trái trong hành vi của mình.
Thẩm phán sẽ quyết định thời hạn của chỉ dẫn. Thời hạn đối với chỉ dẫn chịu sự chăm sóc và giám sát không quá một năm, đối với chỉ dẫn tham gia khóa đào tạo kỹ năng xã hội không quá sáu tháng và thời hạn đối với các chỉ dẫn khác không quá hai năm. Thẩm phán có thể sửa đổi các chỉ dẫn, bãi bỏ chúng hoặc gia hạn thời hạn của chúng lên không quá ba năm trước thời hạn nếu điều đó có lợi cho mục đích giáo dục. Nếu người chưa thành niên phạm tội không tuân thủ các chỉ dẫn, việc giam giữ người chưa thành niên có thể được áp dụng nếu trước đó đã được cảnh cáo về hậu quả của việc không tuân thủ. Thời gian giam giữ người chưa thành niên được áp dụng trong những trường hợp như vậy không được vượt quá tổng thời gian bốn tuần nếu bị kết án. Thẩm phán sẽ miễn việc cưỡng chế giam giữ người chưa thành niên nếu người đó tuân thủ chỉ dẫn sau khi việc giam giữ được áp dụng.[12]
Bên cạnh các chỉ dẫn, sau khi tham vấn cơ quan phúc lợi thanh thiếu niên (cơ quan chịu trách nhiệm và sẵn sàng cung cấp lời khuyên và sự hỗ trợ cho thanh thiếu niên, các hộ gia đình và những phụ huynh tương lai) tại phiên tòa, thẩm phán có quyền yêu cầu người chưa thành niên sử dụng quyền được hỗ trợ giáo dục của mình dưới một trong hai hình thức: Một là, hỗ trợ giáo dục của nhân viên xã hội (theo đó nhân viên hỗ trợ giáo dục và trợ lý chăm sóc hỗ trợ trẻ em hoặc thanh thiếu niên khắc phục các vấn đề về phát triển, nếu có thể nhờ sự ảnh hưởng của môi trường xã hội và thúc đẩy khả năng tự lập của trẻ trong thời gian sống với gia đình) hoặc hai là, hỗ trợ giáo dục trong cơ sở chăm sóc cả ngày lẫn đêm hoặc trong chỗ ở có sự giám sát khác nhằm hỗ trợ sự phát triển của người vị thành niên bằng cách kết hợp trải nghiệm hàng ngày với các dịch vụ giáo dục và trị liệu. Việc hỗ trợ phải phù hợp với độ tuổi và mức độ phát triển của trẻ em hoặc thanh thiếu niên cũng như khả năng cải thiện điều kiện giáo dục trong gia đình người vị thành niên, giúp người vị thành niên hòa nhập lại để về với gia đình hoặc chuẩn bị cho việc nuôi dưỡng họ trong một gia đình khác hoặc hướng dẫn lối sống ổn định và chuẩn bị cho người vị thành niên một cuộc sống tự lập.[13]
Các biện pháp kỷ luật: Thẩm phán sẽ áp dụng các biện pháp kỷ luật để trừng phạt hành vi phạm tội mà không quyết định hình phạt dành cho người chưa thành niên nếu nhận thức sâu sắc rằng mình phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái mà mình đã làm. Các biện pháp kỷ luật gồm: Cảnh cáo; Áp đặt các điều kiện; Giam giữ người chưa thành niên. Các biện pháp kỷ luật sẽ không mang lại hậu quả pháp lý tương tự như bản án hình sự.[14]
- Cảnh cáo: Mục đích của việc cảnh cáo là để làm cho người chưa thành niên hoàn toàn hiểu rõ hành động sai trái của mình.
- Áp đặt các điều kiện: Thẩm phán có thể áp đặt một hoặc một số điều kiện sau đây đối với người chưa thành niên phạm tội: Bồi thường bằng hết khả năng của mình những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; Xin lỗi cá nhân người bị thiệt hại; Thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, hoặc Trả một khoản tiền cho một tổ chức từ thiện. Thẩm phán không được đưa ra những yêu cầu vô lý đối với người chưa thành niên. Trong các yêu cầu trên, yêu cầu người chưa thành niên phạm tội trả một khoản tiền cho một tổ chức từ thiện chỉ được thẩm phán áp dụng nếu người chưa thành niên có hành vi sai trái nhỏ và tự nguyện trả số tiền đó hoặc đó là số tiền mà người chưa thành niên thu được từ việc phạm tội. Thẩm phán sau đó có quyền thay đổi các yêu cầu hoặc miễn trừ việc tuân thủ toàn bộ hoặc một phần các yêu cầu đó nếu điều này có lợi cho mục đích giáo dục. Khi việc giam giữ người chưa thành niên được thi hành, thẩm phán có thể tuyên bố các yêu cầu trước đó đã được đáp ứng toàn bộ hoặc một phần.
- Giam giữ người chưa thành niên: bao gồm giam giữ ngoài giờ, giam giữ ngắn hạn hoặc dài hạn.Việc giam giữ ngoài giờ sẽ được áp dụng trong thời gian ngoài giờ hành chính hàng tuần của người chưa thành niên và được tính là một hoặc hai thời kỳ ngoài giờ (thời gian rảnh rỗi của một đến hai tuần). Việc giam giữ ngắn hạn sẽ được áp dụng thay cho việc giam giữ ngoài giờ nếu việc thi hành án không bị gián đoạn phù hợp với mục đích giáo dục cũng như không ảnh hưởng bất lợi đến việc làm của người chưa thành niên. Thời gian giam giữ ngắn hạn hai ngày sẽ được coi là tương đương với ngày giam giữ ngoài giờ. Thời gian giam giữ dài hạn phải ít nhất là một tuần và không quá bốn tuần. Thời gian giam giữ được tính bằng ngày hoặc tuần.
Biện pháp kỷ luật bằng hình thức giam giữ người chưa thành niên cũng có thể được áp dụng khi hình phạt đối với người chưa thành niên được hoãn thi hành có điều kiện trong các trường hợp sau:
- Việc hoãn thi hành hình phạt có điều kiện là cần thiết và biện pháp kỷ luật đủ khả năng giúp người chưa thành niên hiểu được trách nhiệm của họ đối với tội phạm họ đã thực hiện;
- Điều đó là cần thiết để đưa người chưa thành niên ra khỏi môi trường có những ảnh hưởng có hại trong một thời gian nhất định và để chuẩn bị cho thời gian thử thách thông qua việc điều trị trong khi thi hành giam giữ người chưa thành niên, hoặc
- Điều đó là cần thiết để tạo ra ảnh hưởng giáo dục mạnh mẽ hơn đối với người chưa thành niên trong việc thực hiện việc giam giữ người chưa thành niên, hoặc để tạo ra triển vọng tốt hơn nhờ ảnh hưởng của giáo dục trong thời gian thử thách.
Tuy nhiên, việc giam giữ ngắn hạn người chưa thành niên theo quy định trên sẽ không cần thiết nếu trước đó người chưa thành niên đã bị giam giữ dài hạn hoặc đã bị tạm giam trong một thời gian không ngắn.[15]
Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên là tước quyền tự do tại cơ sở thi hành án phạt tù.Thẩm phán sẽ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên nếu do khuynh hướng có hại của người chưa thành niên trong quá trình thực hiện hành vi, các biện pháp giáo dục hoặc biện pháp kỷ luật không đủ cho mục đích giáo dục hoặc nếu hình phạt đó là cần thiết vì mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Thời hạn tối thiểu của hình phạt áp dụng với người chưa thành niên là sáu tháng, tối đa là năm năm. Nếu hành vi phạm tối của người vị thành niên cấu thành một tội phạm nghiêm trọng mà quy phạm pháp luật hình sự chung quy định mức án tối đa là tước tự do trên mười năm thì thời hạn tối đa áp dụng đối với người chưa thành niên là mười năm. Hình phạt dành cho người chưa thành niên sẽ được xem xét phù hợp với mục đích giáo dục cần thiết.[16]
Để bảo đảm tương lai của người chưa thành niên phạm tội, Luật Tòa án thanh thiếu niên quy định khi xét xử các tội phạm do người chưa thành niên thực hiện, Tòa án không được đưa ra quyết định làm mất khả năng của họ đảm nhiệm chức vụ công, cơ hội tham gia ứng cử, bầu cử trong các cuộc bầu cử, bỏ phiếu quyết định các vấn đề công. Tòa án không được ra lệnh công bố bản án ra công chúng.
Người chưa thành niên phạm tội cũng có thể bị áp dụng các biện pháp cải tạo, phòng ngừa chung, ví dụ biện pháp đưa vào bệnh viện tâm thần, bệnh viện điều trị phục hồi, giám sát hành vi hoặc thu hồi giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, tòa án có thể áp dụng biện pháp giam giữ phòng ngừa trong trường hợpngười chưa thành niên bị phạt tù ít nhất bảy năm vì một tội hình sự nghiêm trọng xâm phạm tính mạng, sự toàn vẹn về thân thể, xâm phạm quyền tự quyết về giới tính của nạn nhân hoặc gây cho nạn nhân tổn hại nghiêm trọng về tinh thần hoặc thể xác hoặc gặp phải mối nguy hiểm tương tự như vậy, đồng thời việc đánh giá tổng thể về người chưa thành niên và hành vi phạm tội của người đó cho thấy người đó có nhiều khả năng tái phạm các tội có tính chất như vậy.
Luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức có quy định về tạm đình chỉ thi hành án. Theo đó, nếu người chưa thành niên bị kết án không quá một năm tù (trước đó người này chưa từng bị kết án tù) nhưng có căn cứ cho rằng người chưa thành niên sẽ coi hình phạt được tuyên là sự cảnh cáo và sẽ tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh thì tòa án sẽ đình chỉ việc thi hành án tù và chuyển thành chế độ thử thách. Trường hợp này, người chưa thành niên phạm tội sẽ được hưởng chế độ giáo dục trong thời gian thử thách. Để ra quyết định này, Tòa án cần xem xét nhân cách, cuộc sống trước đây của người chưa thành niên, hoàn cảnh hành động, hành vi sau khi phạm tội, môi trường sống và những ảnh hưởng của việc tạm hoãn thi hành án đối với người đó. Tòa án cũng sẽ đình chỉ việc thi hành án và áp dụng chế độ thử thách đối với trường hợp mức án được tuyên không quá hai năm tù và thỏa mãn các điều kiện nêu trên nếu việc thi hành là không cần thiết vì sự phát triển của người chưa thành niên. Trong trường hợp này thẩm phán sẽ ấn định thời gian thử thách không quá ba năm và cũng không được ít hơn hai năm. Thời gian thử thách sẽ bắt đầu từ ngày quyết định đình chỉ hình phạt người chưa thành niên có hiệu lực. Sau đó, thời hạn này có thể được rút ngắn xuống còn một năm hoặc trước khi hết hạn nhưng cũng có thể được gia hạn tối đa là bốn năm. Tuy nhiên, trong trường hợp Tòa án đình chỉ việc thi hành mức án từ trên một năm đến hai năm tù đối với người chưa thành niên thì thời gian thử thách có thể được rút ngắn nhưng không dưới hai năm.[17]
Nếu người chưa thành niên đưa ra những đảm bảo về hành vi của mình trong tương lai hoặc đề nghị cung cấp các dịch vụ có khả năng bù đắp cho sai phạm của mình thì thẩm phán, theo nguyên tắc chung, phải tạm thời không áp đặt các chỉ dẫn và áp đặt điều kiện trong khoảng thời gian mà người chưa thành niên đó thực hiện theo những lời đảm bảo hoặc đề nghị của mình.[18]
Để hỗ trợ người chưa thành niên thực hiện thử thách, trong thời gian tối đa là hai năm, thẩm phán sẽ đặt người chưa thành niên dưới sự giám sát và giúp đỡ của một viên chức theo dõi thử thách, giáo dục phạm nhân trẻ được tạm tha. Thẩm phán cũng có thể đặt người chưa thành niên phạm tội dưới sự giám sát của một trợ lý quản chế tình nguyện nếu điều này có lợi cho mục đích giáo dục. Thẩm phán có thể thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định nêu trên trước khi hết thời gian thử thách hoặc ra lệnh mới đặt người chưa thành niên dưới sự giám sát trong thời gian thử thách. Nhân viên quản chế có trách nhiệm giúp đỡ và giám sát người chưa thành niên. Khi thi hành nhiệm vụ của mình, nhân viên quản chế có quyền tiếp cận người chưa thành niên, yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp, trường học hoặc người thầy cô giáo cung cấp thông tin về hành vi của trẻ vị thành niên.[19]
Tòa án sẽ hủy bỏ việc thử thách đối với người chưa thành niên và buộc người chưa thành niên chấp hành hình phạt nếu người này thuộc các trường hợp sau:
- Phạm tội hình sự trong thời gian thử thách và điều này cho thấy căn cứ áp dụng việc đình chỉ thi hành án đã không được đáp ứng;
- Vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm liên tục các hướng dẫn hoặc liên tục trốn tránh sự giám sát và hướng dẫn của nhân viên quản chế và điều này gây lo ngại người phải thụ án sẽ phạm tội hình sự thêm, hoặc
- Vi phạm nghiêm trọng hoặc liên tục các yêu cầu.
Tuy nhiên, nếu việc ban hành thêm các chỉ dẫn hoặc các yêu cầu được áp dụng hoặc gia hạn thời gian đình chỉ hoặc giám sát lên tối đa là bốn năm hoặc đặt người chưa thành niên dưới sự giám sát của cơ quan quản chế một lần nữa trước khi hết thời hạn thử thách thì tòa án sẽ không hủy bỏ việc thử thách.
Ngay cả khi người chưa thành niên phạm nhiều tội, Tòa án chỉ áp dụng một loạt biện pháp giáo dục, biện pháp kỷ luật hoặc một hình phạt dành cho người chưa thành niên. Với phạm vi được quy định trong Đạo luật này (Điều 8), các loại biện pháp giáo dục và biện pháp kỷ luật khác nhau có thể được quyết định kết hợp hoặc các biện pháp có thể được kết hợp với hình phạt dành cho người chưa thành niên.
Nếu bản án được tuyên cùng lúc với một tổ hợp hành vi phạm tội, trong đó một số hành vi thuộc phạm vi áp dụng của luật hình sự dành cho người chưa thành niên và cả các hành vi khác thuộc phạm vi của luật hình sự chung, thì luật hình sự dành cho người chưa thành niên sẽ được áp dụng cho tất cả nếu trọng tâm chính tập trung vào các hành vi cần được xem xét theo luật này. Trong trường hợp ngược lại, luật hình sự chung sẽ được áp dụng cho tất cả.[20]
Những nghiên cứu trên cho thấy, chính sách hình sự đối với người thành niên Đức thể hiện những người trẻ tuổi phạm tội cần được đối xử khác với người lớn phạm tội. Hai phương pháp được triết lý xử lý người chưa thành niên phạm tội được sử dụng ở Đức là xử lý không chính thức và tiếp cận cá nhân đối với người phạm tội. Tòa án không trừng phạt người chưa thành niên vì tội phạm của họ mà thay vào đó áp dụng cách tiếp cận trường hợp để tìm cách chữa trị chứng rối loạn xã hội của họ.[21] Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người chưa thành niên phải đối mặt với nhiều thách thức khi hòa nhập vào xã hội người thành niên, đặc biệt là trong việc tìm kiếm việc làm ổn định. Những nghiên cứu này cũng ủng hộ cách tiếp cận mà chính sách tư pháp đối với người thành niên của Đức áp dụng, nhằm mục đích tránh "dán nhãn" hoặc kỳ thị những người phạm tội trẻ tuổi. Thay vào đó, chính sách của Đức nhấn mạnh vào việc giữ họ tránh xa hệ thống tư pháp bất cứ khi nào có thể, với hy vọng rằng bằng cách làm như vậy, người chưa thành niên sẽ ít phải chịu tác động tiêu cực từ việc xử lý hành vi phạm tội của họ bằng hệ thống tư pháp chính thống. Theo thống kê từ năm 1984 đến năm 2014 thì nhóm thanh niên (18–20 tuổi) và nhóm trẻ chưa thành niên có tỷ lệ phạm tội cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, từ năm 2007, các tỷ lệ này đã ổn định hoặc giảm, cho thấy xu hướng giảm. Sự sụt giảm này là kết quả của các chương trình phòng ngừa tội phạm được triển khai tại trường học và cộng đồng.[22]
Pháp luật Hình sự Đức quy định khá rõ ràng đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng chú trọng áp dụng các biện pháp giáo dục, hình phạt chỉ được áp dụng nếu các biện pháp khác không có hiệu quả.
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại chương XII. Trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội có một số đặc thù thể hiện qua các nội dung chính sau đây:
Trước hết, tư tưởng chỉ đạo trong xử lý đối với mọi trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội là việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi với mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Bộ luật hình sự năm 2015 đã nội luật hóa quy định từ Công ước Quyền trẻ em về bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi như một nguyên tắc của hoạt động xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Nguyên tắc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với với người dưới 18 tuổi phạm tội vì nó là nền tảng cho các quy định khác của Bộ luật hình sự về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội.
Giống như chính sách hình sự của Đức đối với người chưa thành niên phạm tội, Bộ luật hình sự Việt Nam cũng có chính sách hình sự riêng đối với người chưa thành niên phạm tội qua quy định các nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
Một là, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Hai là, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Ba là, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Bốn là, khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Năm là, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Sáu là, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa, đồng thời, khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Bảy là, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tám là, án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Bên cạnh quy định về nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội nêu trên, giống như ở Đức, luật hình sự Việt Nam cũng có các biện pháp mang tính giáo dục và hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Bộ luật hình sự quy định các biện pháp xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội qua ba nhóm quy định lớn: 1/ Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự gồm biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 2/ Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; 3/ Hình phạt.
Các quy định về cả ba nhóm biện pháp xử lý trên đều có quy định cụ thể về điều kiện và nội dung áp dụng.
Nhóm quy định về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhìn chung kế thừa các quy định tương ứng từ Bộ luật hình sự năm 1999 với bốn loại hình phạt gồm: 1. Cảnh cáo; 2. Phạt tiền; 3. Cải tạo không giam giữ; 4. Tù có thời hạn. Trừ hình phạt cảnh cáo, ba hình phạt còn lại khi được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đều với mức thấp hơn so với mức áp dụng đối với người đủ 18 tuổi phạm tội tương ứng.
So với các biện pháp được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ở Đức, có thể thấy một số điểm trong Bộ luật Hình sự Việt Nam chưa ưu việt bằng quy định tương ứng ở Đức. Về nguyên tắc xử lý, Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội”. Tuy nhiên, quy định này không thể hiện rõ chủ trương người chưa thành niên chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đã đạt đến mức trưởng thành và trí tuệ đủ để có thể hiểu được tính sai trái của hành vi đó và để hành động phù hợp với những hành vi đó dựa trên hiểu biết của mình như quy định của Luật Hình sự Đức. Bên cạn đó, số lượng các biện pháp giáo dục, biện pháp kỷ luật ở Đức nhiều hơn các biện pháp giám sát, giáo dục ở Việt Nam, cách thức quy định độc lập các biện pháp giáo dục và biện pháp kỷ luật ở Đức làm cho các biện pháp này được áp dụng phổ biến hơn ở Việt Nam vì các biện pháp giám sát, giáo dục ở Việt Nam chỉ được áp dụng trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
So với quy định của tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 đã tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm bảo đảm sự phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường bảo vệ người chưa thành niên, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tăng tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội được ghi nhận tại Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ chính trị đồng thời bảo đảm sự phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các chuẩn mực pháp lý quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên.[23] Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã có chính sách đối với tư pháp người chưa thành niên nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, hạn chế tác động tiêu cực của tư pháp hình sự đối với người vị thành niên tham gia và quá trình tố tụng và giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng cùng với sự phát triển của xã hội, một số quy định dường như chưa thể hiện tốt chính sách của Nhà nước đối với người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp.
Nghiên cứu số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy trong thời gian 10 năm từ năm 2015 đến năm 2024 có 34.355 bị cáo dưới 18 tuổi bị đưa ra xét xử, trong đó có 10 bị cáo được tuyên vô tội. Trong số 34.345 bị cáo bị tuyên có tội thì có 66 bị cáo được miễn TNHS hoặc miễn hình phạt (chiếm tỉ lệ 0,2%), 144 bị cáo bị áp dụng các biện pháp tư pháp (chiếm tỉ lệ 0,42%), còn lại 33.676 bị cáo bị áp dụng hình phạt (chiếm tỷ lệ 99,35%). Những số liệu này cho thấy tinh thần “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa” không được thể hiện tốt trong thực tiễn xét xử. Đặc biệt, trong số các bị cáo bị áp dụng hình phạt thì số bị cáo bị áp dụng hình phạt tù chiếm tỷ lệ trên 92,7% (31.201/33.676 bị cáo).[24] Số liệu này cũng cho thấy nguyên tắc “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa” không được vận dụng đúng trong thực tiễn xét xử người chưa thành niên phạm tội.
Nhiều nghiên cứu cũng thể hiện vừa ghi nhận những kết quả đã đạt được vừa chỉ ra những bất cập trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội như: hệ thống tư pháp của Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế nhất định như các biện pháp thay thế xử lý chính thức chưa được quan tâm, các quy định chưa thực sự bảo đảm vì lợi ích tốt nhất của trẻ em[25]. Thực tiễn xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội cũng cho thấy Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc tước quyền tự do[26]. Tờ trình Số 68 /TTr-TANDTC ngày 26 tháng 4 năm 2024 về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng thể hiện tinh thần này khi nhận định: hệ thống hình phạt hiện hành còn một số sai sót, không thực hiện được trong thực tế; một số quy định chưa phù hợp với độ tuổi, đặc điểm, tính chất hành vi phạm tội của người chưa thành niên; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa áp dụng với người chưa thành niên vẫn còn rất nghiêm khắc...; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi và còn nhiều bất cập; các biện pháp xử lý chuyển hướng còn ít và mang tính hình thức, thiếu cơ chế phục hồi cho người chưa thành niên.Những nội dung này cần được nghiên cứu để hoàn thiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội và người mới thành niên phạm tội ở Việt Nam.
Trên cơ sở nghiên cứu về người chưa thành niên, về chính sách hình sự của Nhà nước Việt Nam đối với người chưa thành niên phạm tội và tham khảo quy định của Đức về đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội, chúng tôi nhận thấy có thể học tập kinh nghiệm để hoàn thiện quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam ở những điểm sau:
Một là, theo quy định của Luật hình sự Đức người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đã đạt đến mức trưởng thành về đạo đức và trí tuệ đủ để có thể hiểu được tính sai trái của hành vi đó và để hành động phù hợp với những hành vi đó dựa trên hiểu biết của mình. Đây là quy định vừa rất nhân văn vừa rất khoa học để xử lý người chưa thành niên phạm tội vì suy cho cùng mục đích xử lý người chưa thành niên phạm tội chỉ có thể đạt được nếu xử lý hành vi của người chưa thành niên đúng với khả năng nhận thức của họ. Tiếp thu kinh nghiệm của Đức, chúng tôi đề xuất sửa quy định “việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội” tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 thành: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đã đạt đến mức trưởng thành về đạo đức và trí tuệ đủ để có thể hiểu được tính sai trái của hành vi đó và để hành động phù hợp với những hành vi đó dựa trên hiểu biết của mình.
Hai là, sửa quy định về mức phạt tù đối đa đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng giảm mức phạt tù tối đa để hạn chế thời gian người vị thành niên bị cách ly khỏi cuộc sống bình thường. Sự điều chỉnh dựa trên kinh nghiệm này của Đức cho phép đáp ứng tốt hơn nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi phạm tội” mà pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam đã khẳng định cũng như phù hợp với nguyên tắc phòng ngừa vi phạm pháp luật là yếu tố căn bản của chính sách tư pháp đối với người chưa thành niên, thay vì đặt nặng mục đích trừng trị hành vi vi phạm của người chưa thành niên[27]. Chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng hình phạt tù khi áp dụng trong thời gian ngắn có thể đáp ứng yêu cầu về tính răn đe của hình phạt nhưng không gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với người bị áp dụng đặc biệt là từ khía cạnh tái hòa nhập xã hội của người bị kết án.[28] Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hình phạt tù áp dụng trong thời gian dài đối với người phạm tội chưa thành niên gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sự phát triển của người vị thành niên. Rõ ràng là không thể thực hiện được nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên phạm tội nếu quy định mức hình phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 12 năm và đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 18 năm như Bộ luật Hình sự hiện hành. Liên quan đến vấn đề này, Luật Tư pháp người chưa thành niên điều chỉnh theo hướng giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội xuống còn 9 năm (thay vì 12 năm như quy định hiện hành) và giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội xuống còn 15 năm (thay vì 18 năm như quy định hiện hành) nhưng vẫn có quy định loại trừ đối với những trường hợp nhất định. Đối với trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội: Tội giết người; Tội hiếp dâm; Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội sản xuất trái phép chất ma túy thì hình phạt tối đa được áp dụng vẫn là 15 năm tù. Đối với trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm một trong các tội: Tội giết người; Tội hiếp dâm; Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội sản xuất trái phép chất ma túy thì hình phạt tối đa được áp dụng vẫn là 18 năm tù. Cách quy định này khác với cách quy định trong luật hình sự của Đức. Như đã phân tích ở trên, luật hình sự Đức không lựa chọn quy định một số tội riêng mà người chưa thành niên phạm các tội đó phải chịu hình phạt nặng hơn như cách mà Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định mà quy định chung: Thời hạn tối thiểu của hình phạt áp dụng với người chưa thành niên là sáu tháng, tối đa là năm năm. Nếu hành vi phạm tối của người vị thành niên cấu thành một tội phạm nghiêm trọng mà quy phạm pháp luật hình sự chung quy định mức án tối đa là tước tự do trên mười năm thì thời hạn tối đa áp dụng đối với người chưa thành niên là mười năm. Tôi đánh giá cao việc điều chỉnh giảm mức phạt tù tối đa được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Luật Tư pháp người chưa thành niên hiện nay nhưng cho rằng quy định về một số trường hợp biệt lệ nêu trên không phù hợp vì tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự theo cách trên cơ sở đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội để quy định hình phạt tương ứng. Năm loại tội phạm được sử dụng để áp dụng mức hình phạt tù tối đa cao hơn các tội phạm khác trong Luật Tư pháp người chưa thành niên không có sự tương đồng cho thấy chúng cần được đối xử khác các tội phạm còn lại trong Bộ luật Hình sự. Nếu cần sàng lọc những tội cho thấy người chưa thành niên phạm các tội đó nguy hiểm hơn cho xã hội và cần có chính sách xử lý riêng với hình phạt tối đa cao hơn so với phạm các tội khác thì cần có tiêu chí lựa chọn hợp lý hơn. Tôi cho rằng chỉ nên giữ quy định về mức phạt tù tối đa là 15 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và mức phạt tù tối đa 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội giết nhiều người. Đối với các trường hợp còn lại nên giảm theo hướng hiện nay của Dự thảo.
Mục tiêu giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội để giúp người vị thành niên phát triển lành mạnh, trở thành người có ích cho xã hội, không tái phạm tội trong tương lai là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Để thực hiện được mục tiêu đó, đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội giữ vai trò đặc biệt quan trọng với các biện pháp xử lý phù hợp với các đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi chưa thành niên, phù hợp với tính nguy hiểm của tội phạm được thực hiện và phát huy được vai trò của Nhà nước, xã hội, gia đình và chính người chưa thành niên phạm tội trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp do tội phạm vị thành niên gây ra. Điều đó dường như khó có thể đạt được với chính sách xử lý nặng về áp dụng các biện pháp trừng phạt thay vì tăng cường các biện pháp giáo dục, phòng ngừa phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. VỤ PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH, BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017): PHẦN NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG, BỘ TƯ PHÁP, NXB. TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 316 (2018)
2. UNICEF – BỘ TƯ PHÁP, THUẬT NGỮ TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN (2009), Hà Nội (2009)
3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI, GIÁO TRÌNH TƯ PHÁP ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN, NXB. TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 33, 71-75 (2020)
4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI, KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VỀ TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN – KINH NGHIỆM CỦA ĐỨC VÀ VIỆT NAM NGÀY 7/10/2024.
5. HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI, GIÁO TRÌNH LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ, NXB. KHOA HỌC XÃ HỘI, HÀ NỘI, 200 (2013)
6. Ngô Thị Tuyết Thanh, Chính sách hình sự Việt Nam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: Khía cạnh so sánh, Luận văn thạc sĩ luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 74 (2018)
7. Hoàng Minh Đức, Chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 108 (2016)
8. Duy Tan Huynh Le and Yvon Dandurand, Alignment of Vietnamese Law on the Treatment of Juvenile Prisoners with International Standards and Norms, Youth Justice, p.5-14 (2021)
9. Storck, Wolfgang. "More Education of Juvenile Offenders in Sentences of Imprisonment: A Reform and Justification Approach as a Consequence of Niklas Luhmann's Systems Theory." Access to Justice in Eastern Europe, vol. 2023, no. 3, August 2023. HeinOnline. (2023)
10. Overland, Mark E., and James Newhouse. "Juvenile Criminal Law in the Federal Republic of Germany and in England." California Western Law Review, vol. 4, no. 1, pp. 35-36. HeinOnline.(1968)
11. CHRISTOPHER J. SCHRECK (EDITED), THE ENCYCLOPEDIA OF JUVENILE DELINQUENCY AND JUSTICE, VOLUME I, WILEY BLACKWELL. (2018)
12. Pablo Alberto De Rosa, “Psychoeducational Approach of Vygotsky and its Relationship with the Symbolic Interactionism: Application to the Juvenile Criminal Responsibility and Educational Processes”, Propósitos y Representaciones, 6(2), 631-669, p. 662, (2018)
13. DÜNKEL, F., HEINZ, W.. GERMANY. IN: DECKER, S., MARTEACHE, N. (EDS) INTERNATIONAL HANDBOOK OF JUVENILE JUSTICE. SPRINGER, CHAM., P. 307, https://doi.org/10.1007/978-3-319-45090-2_15 (2017)
14. Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
15. Tòa án nhân dân tối cao, Tờ trình Số 68 /TTr-TANDTC ngày 26 tháng 4 năm 2024 của Tòa án nhân dân tối cao về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
16. Luật Tư pháp người chưa thành niên
17. Criminal Code of Germany, German Government
18. Juvenile Court Act of Germany
* PGS.TS Cao Thị Oanh, Chủ nhiệm khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội; ĐT: 0969558998. Duyệt đăng 12/12/2024. Email: oanhhs@hlu.edu.vn
** ThS. Võ Hiền Anh, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội; ĐT 0977180697, email: anhvh_lhs@hlu.edu.vn
[1] CHRISTOPHER J. SCHRECK (EDITED), THE ENCYCLOPEDIA OF JUVENILE DELINQUENCY AND JUSTICE, WILEY BLACKWELL, P.44, (2018)
[2] TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI, GIÁO TRÌNH TƯ PHÁP ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN, NXB. TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 71-75 (2020)
[3] Pablo Alberto De Rosa, “Psychoeducational Approach of Vygotsky and its Relationship with the Symbolic Interactionism: Application to the Juvenile Criminal Responsibility and Educational Processes”, Propósitos y Representaciones, 6(2), 631-669, p. 662, (2018)
[4] Storck, Wolfgang. "More Education of Juvenile Offenders in Sentences of Imprisonment: A Reform and Justification Approach as a Consequence of Niklas Luhmann's Systems Theory.", Access to Justice in Eastern Europe, no. 3, pp. 55. HeinOnline. (2023)
[5] Quan điểm của bà Elisabeth Fritz trong tham luận Luật hình sự đối với người chưa thành niên ở Cộng hòa liên bang Đức tại Hội thảo khoa học quốc tế về Tư pháp người chưa thành niên – Kinh nghiệm của Đức và Việt Nam ngày 7/10/2024 tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
[6] Theo thông tin từ bà Elisabeth Fritz trong tham luận Luật hình sự đối với người chưa thành niên ở Cộng hòa liên bang Đức tại Hội thảo khoa học quốc tế về Tư pháp người chưa thành niên – Kinh nghiệm của Đức và Việt Nam ngày 7/10/2024 tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
[7] Theo thông tin từ bà Elisabeth Fritz trong tham luận Luật hình sự đối với người chưa thành niên ở Cộng hòa liên bang Đức tại Hội thảo khoa học quốc tế về Tư pháp người chưa thành niên – Kinh nghiệm của Đức và Việt Nam ngày 7/10/2024 tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
[8] DÜNKEL, F., HEINZ, W. GERMANY. IN: DECKER, S., MARTEACHE, N. (EDS) INTERNATIONAL HANDBOOK OF JUVENILE JUSTICE. SPRINGER, CHAM., P. 311 https://doi.org/10.1007/978-3-319-45090-2_15 (2017)
[9] DÜNKEL, F., HEINZ, W. GERMANY. IN: DECKER, S., MARTEACHE, N. (EDS) INTERNATIONAL HANDBOOK OF JUVENILE JUSTICE. SPRINGER, CHAM., P. 311 https://doi.org/10.1007/978-3-319-45090-2_15 (2017)
[10] Juvenile Court Act of Germany, section 10.
[11] Overland, Mark E., and James Newhouse. "Juvenile Criminal Law in the Federal Republic of Germany and in England." California Western Law Review, vol. 4, no. 1, pp. 39. HeinOnline (1968)
[12] Juvenile Court Act of Germany, section 11.
[13] Juvenile Court Act of Germany, section 12.
[14] Juvenile Court Act of Germany, section 13.
[15] Juvenile Court Act of Germany, section 16a.
[16] Juvenile Court Act of Germany, section 18.
[17] Juvenile Court Act of Germany, section 21, 22.
[18] Juvenile Court Act of Germany, section 23.
[19] Juvenile Court Act of Germany, section 24.
[20] Juvenile Court Act of Germany, section 32.
[21] Overland, Mark E., and James Newhouse. "Juvenile Criminal Law in the Federal Republic of Germany and in England." California Western Law Review, vol. 4, no. 1, pp. 35-36. HeinOnline (1968)
[22] DÜNKEL, F., HEINZ, W. GERMANY. IN: DECKER, S., MARTEACHE, N. (EDS) INTERNATIONAL HANDBOOK OF JUVENILE JUSTICE. SPRINGER, CHAM., P. 307, 310 https://doi.org/10.1007/978-3-319-45090-2_15 (2017)
[23] VỤ PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH, BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017): PHẦN NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG, BỘ TƯ PHÁP, NXB. TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 316 (2018)
[24] VỤ TỔNG HỢP, TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO.
[25] Hoàng Minh Đức, Chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, p.81 (2016)
[26] Duy Tan Huynh Le and Yvon Dandurand, Alignment of Vietnamese Law on the Treatment of Juvenile Prisoners With International Standards and Norms, Youth Justice, p.5-14 (2021)
[27] TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI, GIÁO TRÌNH TƯ PHÁP ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN, NXB. TƯ PHÁP, HÀ NỘI, TR.33 (2020)
[28] HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI, GIÁO TRÌNH LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ, NXB. KHOA HỌC XÃ HỘI, HÀ NỘI, TR.200 (2013)