Triệt phá đường dây livestream lừa bán thuốc Đông y giả, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
Yến Nhi
Thứ hai, 16/12/2024 - 17:56
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Các đối tượng mua thuốc viên hoàn không rõ nguồn gốc, cùng với hộp, nhãn mác in sẵn, tự đóng gói thành các sản phẩm như "Cao viên khớp Bách Thảo", "Cao bôi An trĩ vương",... sau đó tổ chức livestream bán hàng trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của hàng nghìn nạn nhân trên toàn quốc.
Livestream lừa đảo hơn 3.000 bệnh nhân xương khớp bằng thuốc Đông y giả
Ngày 16/12, theo thông tin từ cơ quan chức năng Bộ Công an, lực lượng chức năng Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức bán thuốc chữa bệnh do Nguyễn Văn Anh (sinh năm 1997, ở phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn) cầm đầu.[1]
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an thị xã Nghi Sơn phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Anh thường xuyên tổ chức các buổi livestream để rao bán các các loại thuốc Đông y, thực phẩm chức năng chữa xương khớp và các bệnh về đường tiêu hóa như: Trĩ, dạ dày… Nhận thấy những dấu hiệu bán hàng của Nguyễn Văn Anh có khả năng lừa đảo chiếm đoạt tiền của người mua hàng nên Công an thị xã Nghi Sơn đã lập án đấu tranh.
Qua điều tra, ngày 26/11 vừa qua, Công an thị xã Nghi Sơn đã phá án, bắt quả tang Nguyễn Văn Anh cùng 14 đối tượng khác đang thực hiện hành vi lừa đảo bằng việc tư vấn bán thuốc Đông y chữa bệnh online cho nhiều người dân trên địa bàn cả nước, thu giữ trên 20.000 hộp thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc xuất xứ mang các nhãn hiệu: “Cao viên khớp Bách Thảo”, “Cao bôi An trĩ vương”, “Cao bôi tiêu trĩ vương”, “An Khớp đan”, “Phục cốt thanh”, “Viên xương khớp ĐB”… và nhiều tang vật khác có liên quan.
Theo kết quả điều tra ban đầu: Nắm bắt được nhu cầu sử dụng thuốc Đông y để điều trị của các bệnh nhân gặp vấn đề về xương khớp, Nguyễn Văn Anh đã nảy sinh ý định thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh các nhà thuốc bán thuốc Đông y.
Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, Nguyễn Văn Anh đã thông qua mạng xã hội đặt mua loại thuốc dạng viên hoàn không rõ nguồn gốc xuất xứ và các loại hộp, nhãn mác để in, tự đóng gói thành phẩm loại thuốc có tên “Cao viên khớp Bách Thảo”, “Cao bôi An trĩ vương”, “Cao bôi tiêu trĩ vương”, “An Khớp đan”, “Phục cốt thanh”, “Viên xương khớp ĐB” kèm theo số điện thoại Hotline do Nguyễn Văn Anh sử dụng.
Sau đó, vào tháng 4/2024, Nguyễn Văn Anh đã liên kết với Lê Văn Thiệu (sinh năm 1978, ở xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hoá) và Trần Thị Thuỷ (sinh năm 1986, trú tại xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương) để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc mua dữ liệu điện thoại của các bệnh nhân bị mắc bệnh xương khớp trên địa bàn cả nước sau đó mở các phiên bán hàng livestream trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của hơn 3.000 bệnh nhân trên địa bàn cả nước.
Hiện, Công an thị xã Nghi Sơn đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Giả danh lương y, quảng cáo 'thổi phồng' trên mạng xã hội
Vào hồi cuối tháng 11, theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng quảng cáo "lương y gia truyền" để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư xuất hiện rầm rộ trên các kênh TikTok, YouTube.[2]
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của dược liệu y học cổ truyền. Các thành tựu của y học cổ truyền và cơ sở đông y uy tín đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội.
Nhiều trường hợp thậm chí công khai cả số điện thoại, khiến nhiều người dân tin và mua sản phẩm về chữa bệnh.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, người dân cần thận trọng trước các thông tin được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, thực hiện kiểm tra tính xác thực của thông tin hoặc đối tượng thông qua những trang thông tin chính thống.
Đồng thời, không tham gia vào các hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến; Không thực hiện mua bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, hay giao dịch với các đối tượng không rõ danh tính.
Người dân chỉ nên sử dụng thuốc đông y có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng. Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn.
Trong trường hợp không thể đến trực tiếp khám chữa bệnh, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Nếu nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
'Sập bẫy' lừa đảo bán thuốc đặc trị trên không gian mạng
Hiện nay, tình trạng lừa đảo trực tuyến xuất hiện ngày càng nhiều với các chiêu trò lừa đảo tinh vi. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với các loại thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc.[3]
Trước đó, một nạn nhân đã phản ánh về việc mua phải thuốc điều trị bệnh xương khớp bằng thuốc Đông y từ một đối tượng giả mạo bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện quân đội. Do tin tưởng, nạn nhân đã đặt mua và sử dụng, tuy nhiên sau khi sử dụng nạn nhân xuất hiện các triệu chứng bệnh bất thường.
Để thực hiện chiêu trò lừa đảo trên, các đối tượng lừa đảo sẽ hoạt động theo hội nhóm, tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về các loại thuốc "thần dược" với giá cao, trong đó, nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn.
Bên cạnh những đối tượng tự xưng là "nhân viên tư vấn", sẽ có đối tượng khác có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện Trung ương để chẩn đoán và cấp thuốc.
Những loại thuốc này có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng, với các công dụng khác nhau như: Thuốc phòng chống bệnh ung thư, thuốc giảm tác dụng hóa trị, xạ trị ung thư, thuốc cho người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng thực chất là các loại thuốc giá rẻ với thành phần không rõ nguồn gốc.
Tinh vi hơn, các nhóm đối tượng này còn thực hiện chiêu trò "giảm giá" cho người già, người nghèo, người bệnh nặng, nhằm đánh vào tâm lý thích khuyến mãi của một số bộ phận người tiêu dùng.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với các loại thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc.
Người dân khi có bệnh, cần đến bệnh viện để trực tiếp thăm khám và mua thuốc dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ; tuyệt đối cảnh giác với quảng cáo thuốc hứa hẹn chữa trị nhanh chóng các bệnh nghiêm trọng hoặc cung cấp kết quả thần kỳ mà không có bằng chứng rõ ràng.
Người dân cần tìm hiểu về nhà sản xuất và thuốc qua các nguồn thông tin đáng tin cậy như trang web của cơ quan quản lý dược phẩm hoặc các tổ chức y tế.
Trong trường hợp gặp phải những đối tượng lừa đảo hình thức trên, người dân cần báo cáo các hành vi lừa đảo hoặc thuốc giả cho cơ quan chức năng hoặc các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời, chia sẻ thông tin về các sản phẩm nghi ngờ với cộng đồng để cảnh báo và giúp người khác tránh bị lừa đảo.
Quảng cáo sai sự thật được hiểu như thế nào?
Lợi dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube,... rất nhiều cá nhân, tổ chức đã quảng cáo sai lệch về sản phẩm, thậm chí là sai lệch hoàn toàn với thực tế. Nhiều trường hợp các đơn vị, các nhân được thuê dịch vụ quảng cáo nhưng lại không kiểm tra nội dung, thông tin quảng cáo có đúng sự thật hay không mà chỉ hướng đến lợi nhuận, làm sao để càng nhiều khách hàng mua càng tốt.
Theo Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012:"Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố."[4]
Theo đó, hành vi quảng cáo sai sự thật gây hiểu lầm về giá cả, công dụng, hoặc nguồn gốc xuất xứ... của sản phẩm, nhất là có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, hành vi quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội bị xử phạt như thế nào?
Xử phạt vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật hoặc gây sự nhầm lẫn cho khách hàng về khả năng kinh doanh, cung cấp hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ; gây nhầm lẫn về chất lượng, số lượng, công dụng, giá cả, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, phương thức phục vụ và thời hạn bảo hành của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ đã được đăng ký hoặc công bố, trừ các trường hợp sau đây:
- Hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc bị gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc theo khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Phạt từ 30 - 40 triệu đồng.
- Hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng bị gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc để chữa bệnh theo điểm b khoản 4 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
- Hành vi quảng cáo sai sự thật về công dụng, bản chất, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của thức ăn chăn nuôi/thủy sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi/thủy sản theo khoản 1 Điều 60 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Phạt từ 10 - 15 triệu đồng.
- Hành vi quảng cáo giống cây trồng không đúng sự thật hoặc gây sự nhầm lẫn cho khác hàng về khả năng kinh doanh giống cây trồng của cá nhân, tổ chức kinh doanh, nội dung được ghi trên nhãn hoặc nhãn hiệu theo điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Phạt từ 05 - 10 triệu đồng.[5]
Ngoài ra, người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả bằng cách xóa bỏ, tháo gỡ, thu hồi sản phẩm, hàng hóa quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội và phải buộc cải chính thông tin, xin lỗi đối với hành vi vi phạm của mình theo quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Lưu ý: Trên đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp người vi phạm là tổ chức thì phải chịu mức phạt gấp hai lần số tiền phạt đối với cá nhân (căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau:[6]
Người nào có hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra, người có hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Như vậy, nếu có hành vi quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, đã bị xử lý vi phạm hành chính, bị phạt tiền mà vẫn tiếp tục tái phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Điều kiện để quảng cáo thuốc trên mạng xã hội là gì?
Căn cứ tại Khoản 5 Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định: "Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc."
Ngoài ra, Điểm a Khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 quy định về điều kiện quảng cáo như sau:
"4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;"
Theo đó, quảng cáo thuốc trên mạng xã hội hoặc trên các website bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Không được quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
- Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế;
- Phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt.[7]
Tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' được pháp luật quy định ra sao?
Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau:
Khung 1:Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Khung 2: Phạt tù từ 02-07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phạm tội có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Khung 3: Phạt tù từ 07-15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 4: Phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[8]
Lưu ý:
Nếu xảy ra thiệt hại, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải đền bù cho nạn nhân theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Như vậy, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.
[1] Thái Thanh, Phan Anh, Thanh Hóa: Triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức bán thuốc chữa bệnh, Bộ Công an, (ngày 13/12/2024), https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/thanh-hoa-triet-pha-duong-day-lua-dao-chiem-doat-tai-san-duoi-hinh-thuc-ban-thuoc-chua-benh-d22-t42727.html
[2] Nguyên Bảo, Quảng cáo thuốc đông y dởm tràn lan mạng xã hội, thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh, Báo Nhân dân, (15h14 ngày 11/11/2024), https://nhandan.vn/quang-cao-thuoc-dong-y-dom-tran-lan-mang-xa-hoi-thoi-phong-chua-khoi-nhieu-benh-post844280.html
[3] Công an Vĩnh Phúc, Cảnh giác trước chiêu trò bán thuốc online, dẫn dụ mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tài sản, (12h00 ngày 19/11/2024), https://congan.vinhphuc.gov.vn/SMPT_Publishing_UC/TinTuc/pPrintTinTuc.aspx?UrlList=/noidung/tintuc/Lists/CANHBAOTOIPHAM&ItemID=337
[4] Luật Phòng, chống mua bán người số: 16/2012/QH13 ngày 21/06/2012
[5] Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
[6] Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[7] Luật Quảng cáo số: 16/2012/QH13 ngày 21/6/2012.
[8] Điều 174 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình số 503 của Chính phủ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sửa đổi bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) với các cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng.
Những rủi ro, tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và đã có một số nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam. Việc Bộ Tư pháp được giao thực hiện nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện này là kịp thời nhưng để đi được đường dài, chúng ta cần tính đến việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế luật sư công, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại quốc tế.
(PLPT) - Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam người đàn ông xâm hại tình dục bé gái 12 tuổi ở Bình Dương. Đáng chú ý, người mẹ của cháu bé cũng bị khởi tố về tội danh ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’.
(PLPT) - Cử tri kiến nghị có biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng hình xăm để trốn nghĩa vụ quân sự. Bộ Quốc phòng thông tin chi tiết về quy định liên quan đến hình xăm.
(PLPT) - Cặp vợ chồng tuyển mộ nhiều thiếu nữ chưa đủ 16 tuổi, dụ dỗ sang Lào bàn giao cho một người phụ nữ khác để tổ chức bán dâm cho người Trung Quốc. Hành vi mua bán người để bóc lột tình dục có phải là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm hay không?
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được bắt đầu lại khi phát sinh một trong ba căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Tuy nhiên, pháp luật dân sự không quy định thời điểm phát sinh các căn cứ này. Qua phân tích quy định pháp luật và thực tiễn xét xử, tác giả cho rằng khi áp dụng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu cần không phân biệt thời điểm phát sinh: (i) còn hay hết thời hiệu khởi kiện và (ii) trước hay trong quá trình tố tụng dân sự.
(PLPT) - Đăng tải thông tin sai sự thật về việc sáp nhập tỉnh, thành, 2 người đàn ông ở Nghệ An bị xử phạt 5 triệu đồng/người. Mức xử phạt hành vi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội ra sao?