Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Hà Nội bắt quả tang nhóm đối tượng sản xuất pháo nổ trái phép: Hành vi tự chế pháo nổ bị xử lý như thế nào?

Phương Thúy Thứ năm, 26/12/2024 - 08:10
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Công an huyện Phú Xuyên (Hà Nội) bắt quả tang 3 thanh niên có hành vi sản xuất pháo nổ trái phép. Hành vi của các đối tượng trên sẽ bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Công an huyện Phú Xuyên bắt giữ nhóm đối tượng chế tạo pháo nổ trái phép

Nhóm đối tượng và số pháo thu giữ.

Báo An ninh Thủ đô đưa tin, Công an huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vừa phát hiện nhóm đối tượng sản xuất pháo nổ trái phép tại một ngôi nhà hoang gần nghĩa trang.[1]

Đại tá Trần Anh Tuấn - Trưởng Công an huyện Phú Xuyên - cho biết, những ngày này, toàn lực lượng Công an huyện đang tập trung cao nhất, quyết tâm và những giải pháp quyết liệt thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, đơn vị chú trọng đánh chặn những vi phạm về pháo, một trong những vi phạm, tội phạm "nóng" dịp cuối năm.

Trên cơ sở đó, khoảng 17h50 ngày 22/12, tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế - ma túy Công an huyện Phú Xuyên đã phát hiện bắt quả tang tại một ngôi nhà hoang gần nghĩa trang thôn Từ Thuận, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, có 3 thanh niên khai danh tính là T.D.A. (SN 2008, trú tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín); T.H.L. (SN 2008, trú tại xã Minh Cường, huyện Thường Tín); và D.Q.H. (SN 2009, trú tại xã Vân Từ) đang có hành vi sản xuất pháo nổ ngay tại đây.

Tại hiện trường, cơ quan Công an thu giữ các nguyên liệu, dụng cụ sử dụng để chế tạo pháo và 800 quả pháo đã thành phẩm. Cầm đầu nhóm “chế tạo” pháo là Trần Phú Mười (SN 2005, trú tại xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Đối tượng Mười tại cơ quan công an.

Tại cơ quan điều tra, Mười khai nhận khoảng cuối tháng 11/2024, anh ta lên mạng Internet để… tìm hiểu cách chế tạo pháo nổ. Sau khi đã “học” được cách sản xuất, Mười truy cập mạng xã hội đặt mua nguyên liệu để chế pháo nổ với mục đích sản xuất ra để bán kiếm lời trong dịp Tết dương lịch và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Để che giấu hành vi vi phạm, Mười đã tìm chọn địa điểm là ngôi nhà hoang ở gần khu nghĩa trang huyện Phú Xuyên và cùng đồng bọn tổ chức sản xuất chế tạo pháo nổ. Đáng chú ý, Mười thuê và sử dụng nhóm thanh thiếu niên là bạn của em trai mình là các cháu còn đang trong độ tuổi học sinh để tham gia vào việc sản xuất, chế tạo pháo nổ.

Ngày 21/12, các đối tượng đã thức xuyên đêm trộn thuốc pháo. Sáng hôm sau, nhóm này nhồi thuốc và gắn ngòi pháo để thành quả pháo hoàn chỉnh. Khi chưa kịp đưa ra thị trường tiêu thụ thì Mười đã bị bắt giữ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Phú Xuyên đã trưng cầu giám định tang vật tại Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội; kết quả là 884 ống pháo nổ có khối lượng 15kg, 1 hộp kim loại chứa chất bột màu đen nặng 800g và nhiều dụng cụ để sản xuất pháo.

Căn cứ tài liệu chứng cứ và lời khai của các đối tượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Phú Xuyên đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Phú Mười để điều tra về hành vi sản xuất pháo nổ trái phép; đồng thời, tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý đối với các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Người đàn ông sản xuất hàng trăm kg pháo nổ tại phòng trọ

Đối tượng Bùi Văn Toàn cùng tang vật.

Thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) đã phát hiện, bắt giữ đối tượng sản xuất, tàng trữ trái phép 192 kg pháo nổ.[2]

Trưa 15/12, tại phòng trọ ở thôn Hợp Nhất, xã Lai Khê, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, tổ công tác của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an huyện Kim Thành phối hợp Công an xã Lai Khê đã phát hiện, bắt quả tang Bùi Văn Toàn (SN 1997, trú tại xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) cất giấu số lượng lớn pháo nổ.

Toàn khai nhận các tang vật bị thu giữ là pháo tự chế, đối tượng đang sản xuất và pháo hoa nổ Toàn tàng trữ để bán kiếm lời. Sơ bộ xác định, tổng khối lượng số pháo trên là 192kg.

Lực lượng Công an thu giữ tại hiện trường 1 bàn chặt giấy và các vật dụng dùng để sản xuất pháo trái phép gồm: kéo, băng dính, keo dán, giấy màu, dây dẫn cháy, bột pháo…

Vụ việc đang được Công an huyện Kim Thành tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an Hà Nội liên tiếp triệt phá 3 vụ án sản xuất, buôn bán pháo nổ

Công an Hà Nội triệt phá thành công 3 vụ sản xuất, buôn bán hàng cấm là pháo nổ, tang vật thu giữ trên gần 60kg pháo.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Hà Nội ngày 24/12 cho biết, đơn vị vừa phối hợp, triệt phá thành công 3 vụ sản xuất, buôn bán hàng cấm là pháo nổ, tang vật thu giữ trên gần 60kg pháo và nhiều tài liệu liên quan.[3]

Các đối tượng liên quan đang bị điều tra là Chu Trần Tuấn, sinh năm 1997, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Đào Đức Long, sinh năm 1999, trú tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; có hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm là pháo hoa nổ trái phép; Hoàng Trọng Dũng, sinh năm 1998, trú tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, có hành vi vận chuyển hàng cấm là pháo hoa nổ.

Thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và kế hoạch cao điểm đấu tranh chống tội phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, xâm phạm hại sở hữu trí tuệ trên địa bàn, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến pháo nổ, pháo hoa nổ, Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường – Công an Hà Nội đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ khẩn trương tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản theo địa bàn, lĩnh vực được phân công.

Công an Hà Nội triệt phá thành công 3 vụ sản xuất, buôn bán hàng cấm là pháo nổ.

Khoảng 9h ngày 8/12/2024, Tổ công tác Đội 6 - Phòng Cảnh sát Kinh tế - CATP Hà Nội phối hợp cùng Công an phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, làm nhiệm vụ đã phát hiện đối tượng Tuấn điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave, BKS: 29L5-322.94 trên xe chở 1 thùng car-ton có biểu hiện nghi vấn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có 17 khối hình hộp vỏ in hình chữ nước ngoài, nghi là pháo. Tuấn khai nhận số khối hình hộp trên là pháo nổ, anh ta mua gom rồi cất giấu tại nhà để bán. Số tang vật có tổng trọng lượng hơn 24 kg.

Tiếp đến, khoảng 19h30, ngày 10/12, tổ công tác Đội 7 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh, buôn lậu, môi trường - Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tiến hành làm nhiệm vụ đã phát hiện Dũng điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave, màu sơn xanh, mang BKS: 88F6 - 4066 đang vận chuyển 1 thùng car-ton có biểu hiện nghi vấn.

Tổ công tác tiến hành kiểm tra phát cất giấu 4 khối hộp. Toàn bộ số hàng hóa nêu trên không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, bên ngoài bao bì có in chữ nước ngoài nghi là pháo nổ. Tổ công tác tiến hành lập biên bản ghi nhận nội dung sự việc và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm nêu trên đưa về trụ sở để tiếp tục điều tra xác minh làm rõ.

Làm việc với cơ quan công an, Dũng khai nhận số tang vật là 6,640kg pháo nổ do anh ta vận chuyển đi tiêu thụ.

Cơ quan công an thu giữ trên 700 quả pháo nổ do đối tượng Long đang trên đường mang đi tiêu thụ.

Khoảng 15h30 ngày 14/12/2024, tổ công tác Đội 3 -Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh, buôn lậu, môi trường - Công an TP Hà Nội phát hiện đối tượng Long đang vận chuyển 700 quả hình trụ tròn màu đỏ, nghi là pháo nổ. Tổ công tác tiến hành lập biên bản ghi nhận nội dung sự việc và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm nêu trên đưa về trụ sở để tiếp tục điều tra xác minh làm rõ.

Qua đấu tranh, xác định Long khai nhận do không có việc làm ổn định nên đã nảy sinh ý định làm pháo nổ bằng phương pháp thủ công để bán kiếm lời.

Để thực hiện hành vi, Long tự tìm hiểu phương thức làm pháo và lên mạng internet, sử dụng các phần mềm mạng xã hội tìm mua các vật liệu ngòi nổ, thuốc pháo, giấy cuốn vỏ pháo. Các tang vật trên Long mang cất giữ tại tầng hai nhà riêng ở địa bàn huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên khi có khách đặt sản xuất bán.

Cơ quan công an đã thu giữ tang vật gồm 700 quả hình trụ tròn màu đỏ có tổng khối lượng hơn 16 kg là pháo nổ và nhiều nguyên liệu sản xuất pháo như dây dẫn kích nổ, thuốc pháo, giấy cuốn pháo…

Chế tạo, sản xuất chế tạo pháo nổ bị xử lý như thế nào?

Hành vi chế tạo, sản xuất pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Các hành vi bị nghiêm cấm

Các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.[4] Cụ thể:

"Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

3. Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

4. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

6. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.

7. Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

8. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

9. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo."

Xử phạt hành chính hành vi tự chế pháo nổ

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi tự chế tạo pháo nổ, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt gấp đôi với tổ chức.[5]

Ngoài ra, còn phải tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trên. Cụ thể như sau:

"Điều 11. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

...

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

b) Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

c) Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự;

d) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn;

đ) Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

e) Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

g) Làm mất vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;

h) Cưa, cắt, đục hoặc thực hiện các thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi và các loại vũ khí khác trái phép;

i) Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức.

...

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng, Giấy xác nhận đăng ký vũ khí, công cụ hỗ trợ từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và các điểm b và k khoản 3 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm b và c khoản 2; các điểm a, b, c, d, đ, e và k khoản 3; các điểm a, c, d, e và i khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này;

c) Buộc nộp lại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo đối với hành vi quy định tại điểm o khoản 2 Điều này."

Tại quy định khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về mức phạt tiền như sau:

"Điều 4. Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính

...

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tự chế pháo nổ

Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.[6]

Theo đó, người nào sản xuất pháo nổ, chế tạo thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015.[7]

Tại quy định Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tự chế pháo nổ dịp Tết Nguyên đán.[8] Cụ thể như sau:

"Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;

c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;

d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

đ) Làm chết người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;

c) Làm chết 02 người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;

c) Làm chết 03 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm."

Như vậy, hành vi tự chế pháo nổ dịp Tết Nguyên đán 2023 có thể bị truy cứu trách nhiệm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Tuỳ vào tính chất, mức độ mà người làm hành vi này có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

[1] Linh Nhi, Công an huyện Phú Xuyên bắt nhóm sản xuất pháo nổ tại ngôi nhà hoang, Báo An ninh Thủ đô, (ngày 24/12/2024), https://www.anninhthudo.vn/cong-an-huyen-phu-xuyen-bat-nhom-san-xuat-phao-no-tai-ngoi-nha-hoang-post599201.antd

[2] Tuệ Nhi, Người đàn ông sản xuất hàng trăm kg pháo nổ tại phòng trọ, Báo an ninh Thủ đô, (ngày 16/12/2024), https://www.anninhthudo.vn/nguoi-dan-ong-san-xuat-hang-tram-kg-phao-no-tai-phong-tro-post598464.antd

[3] A.N, Lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội liên tiếp triệt phá 3 vụ án sản xuất, buôn bán hàng cấm, Báo an ninh Thủ đô, (ngày 24/12/2024), https://www.anninhthudo.vn/luc-luong-canh-sat-kinh-te-cong-an-ha-noi-lien-tiep-triet-pha-3-vu-an-san-xuat-buon-ban-hang-cam-post599255.antd

[4] Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định các hành vi bị nghiêm cấm về quản lý, sử dụng pháo

[5] Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy, chữa cháy; Cứu nạn, cứu hộ; Phòng chống bạo lực gia đình

[6] Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo

[7] Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

[8] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017

Cùng chuyên mục

Bắt đối tượng chuyên hack camera nhà dân, dọa phát tán video 'nhạy cảm' để tống tiền

Bắt đối tượng chuyên hack camera nhà dân, dọa phát tán video 'nhạy cảm' để tống tiền

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 giờ trước

(PLPT) - Nam thanh niên ở Đà Nẵng sử dụng dữ liệu hình ảnh, video clip "nóng" từ camera bị hack của nhiều gia đình, sau đó lập tài khoản ảo đe dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để giữ bí mật, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Triệt phá đường dây mua bán trái phép hàng nghìn tài khoản ngân hàng

Triệt phá đường dây mua bán trái phép hàng nghìn tài khoản ngân hàng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 giờ trước

(PLPT) - Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vừa triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.

Từ 1/5/2025: Trường hợp nào cần đi đổi đăng ký xe?

Từ 1/5/2025: Trường hợp nào cần đi đổi đăng ký xe?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Theo quy định, những trường hợp sau đây cần đi đổi đăng ký xe càng sớm càng tốt.

Cao Bằng: Phát hiện và thu giữ hơn 600 kg pháo nổ đang được vận chuyển trái phép

Cao Bằng: Phát hiện và thu giữ hơn 600 kg pháo nổ đang được vận chuyển trái phép

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Công an tỉnh Cao Bằng vừa phát hiện và thu giữ 606,2 kg pháo nổ nhập lậu đang được các đối tượng vận chuyển đến điểm tập kết. Hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Dừng đèn đỏ quá vạch sơn bị xử phạt thế nào?

Dừng đèn đỏ quá vạch sơn bị xử phạt thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Từ ngày 01/01/2025, người điều khiển xe máy có hành vi dừng đèn đỏ quá vạch sơn gây ra tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.

Thưởng Tết cho cán bộ công chức theo Nghị định 73 thực hiện như thế nào?

Thưởng Tết cho cán bộ công chức theo Nghị định 73 thực hiện như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Thông tin về quỹ tiền thưởng cho cán bộ, công chức được quy định cụ thể tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Bộ Y tế đề xuất mức phạt hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Bộ Y tế đề xuất mức phạt hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe theo quy định mới

14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe theo quy định mới

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định 14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe. Phạt đến 1 triệu đồng khi dừng, đỗ xe ô tô quá gần xe đỗ ngược chiều.

Đọc nhiều