Tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay
Thứ năm, 05/09/2024 - 11:22
Nghe audio
0:00
Có thể coi các yêu cầu "dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán" như những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW), một trong những đặc trưng của NNPQ XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là có hệ thống pháp luật "dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán".
Do đó, có thể coi các yêu cầu "dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán" như những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong NNPQ XHCN Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở kế thừa các kết quả trong quá trình nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn để xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW mà các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thực hiện được, có thể "giải mã" những tiêu chí được đề cập ở trên như sau:
Thứ nhất, tính công bằng của hệ thống pháp luật: Tính công bằng của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quy định của pháp luật phải phản ánh được quan niệm chung về lẽ công bằng trong xã hội, nhất là sự công bằng trong mối quan hệ giữa cống hiến, đóng góp và hưởng thụ của từng chủ thể trong xã hội, công bằng trong mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội, nhất là các chủ thể có quyền lực, bảo đảm mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tính công bằng của hệ thống pháp luật còn đòi hỏi bảo đảm sự bình đẳng của mọi chủ thể trước pháp luật. Hệ thống pháp luật phải tạo khung khổ pháp lý cho các chủ thể phát huy hết khả năng, trí tuệ của mình đóng góp cho sự phát triển đất nước và được thụ hưởng hoặc ghi nhận tương xứng với sự đóng góp ấy. Tính công bằng của hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi các quy định pháp luật về hành vi vi phạm mới hoặc tăng nặng trách nhiệm pháp lý không có hiệu lực hồi tố.
Thứ hai, tính dân chủ của hệ thống pháp luật: Tính dân chủ của hệ thống pháp luật đòi hỏi nội dung quy định pháp luật phải thực sự phản ánh được ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân (các quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện), ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tính dân chủ của hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi pháp luật phải được xây dựng (hình thành) theo phương thức dân chủ, bảo đảm sự tham gia thực chất của Nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật.
Đồng thời, đòi hỏi hệ thống pháp luật phải ghi nhận đầy đủ cơ chế pháp lý để Nhân dân thực sự là chủ, thực hiện được quyền làm chủ, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tính dân chủ của hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi phải loại bỏ triệt để những quy định tạo rào cản bất hợp lý cho người dân thực hiện các quyền dân chủ của mình.
Thứ ba, tính nhân đạo của hệ thống pháp luật: Tính nhân đạo của hệ thống pháp luật đòi hỏi hệ thống pháp luật phải vì hạnh phúc của con người, ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Tính nhân đạo của hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi có sự phân hóa trong xử lý các chủ thể có hành vi vi phạm, thiết kế các quy định về các biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm theo hướng không chỉ nhằm trừng trị người vi phạm mà còn phải quan tâm giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tính hướng thiện trong xử lý người vi phạm.
Thứ tư, tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật: Tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật đòi hỏi các văn bản quy phạm pháp luật phải sớm được ban hành để cung cấp những chỉ dẫn pháp lý cần thiết cho ứng xử của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ (nhất là những việc mà cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức được phép làm), cho ứng xử của các cá nhân, tổ chức trong xã hội (nhất là những điều cấm) để thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình. Điều này đòi hỏi hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các vấn đề kinh tế - xã hội mới phát sinh hoặc loại bỏ các quy phạm pháp luật đã lạc hậu, không còn phù hợp, cản trở tiến trình phát triển của xã hội.
Tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời xử lý những khoảng trống pháp lý làm hạn chế hoặc phương hại cho việc thực hiện các quyền, lợi ích chính đáng, hợp hiến, hợp pháp của người dân và các chủ thể trong xã hội. Tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật đòi hỏi bảo đảm sự song hành giữa tốc độ xây dựng pháp luật và những thay đổi trong nhu cầu điều chỉnh pháp luật phát sinh từ những thay đổi trong điều kiện kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, chính trị, văn hóa của đất nước.
Bảo đảm tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải tăng cường năng lực, chất lượng hoạt động lập pháp nói riêng và hoạt động xây dựng pháp luật nói chung, mở rộng phạm vi các nguồn pháp luật như án lệ của Tòa án, các tập quán pháp luật, các điều ước hoặc tập quán quốc tế… Tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi nâng cao năng lực phản ứng chính sách, cùng với đó, hệ thống pháp luật phải thích ứng kịp thời với những thay đổi của tình hình đất nước.
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương phát biểu tại một hội thảo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh: Phạm Thắng)
Thứ năm, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật: Tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật phải đòi hỏi các chỉ dẫn pháp lý trong hệ thống pháp luật phải rõ ràng, dứt khoát, không gây ra nhầm lẫn với các chủ thể trong xã hội. Hệ thống pháp luật không được chứa đựng những quy định mâu thuẫn, những chỉ dẫn trái ngược nhau đối với hành vi xử sự của các chủ thể có nghĩa vụ tuân thủ.
Tính khả thi của hệ thống pháp luật đòi hỏi mọi quy định pháp luật không được chứa đựng những yêu cầu, đòi hỏi không thể thực hiện được với chủ thể có nghĩa vụ tuân thủ. Tính công khai của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quy phạm pháp luật khi được ban hành phải được công bố rộng rãi, kịp thời để mọi cá nhân, tổ chức đều có thể biết và thực hiện. Tính minh bạch của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quy phạm pháp luật phải có nội dung và được thể hiện bằng ngôn ngữ phổ thông, rõ ràng, dễ hiểu với đối tượng chịu sự tác động.
Tính ổn định của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quy phạm pháp luật không bị thay đổi một cách tùy tiện và không bảo đảm sự dễ tiên liệu với các chủ thể, nhất là các đối tượng chịu sự tác động. Tính dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quy định pháp luật phải được tập hợp, sắp xếp và lưu giữ hợp lý, thuận tiện cho việc tra cứu của cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu và tuân thủ pháp luật. Tính dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật còn đòi hỏi việc thiết kế trình tự, thủ tục thực hiện quyền của tổ chức, cá nhân trong xã hội phải thuận lợi. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật phải có các quy định tạo tiền đề phát triển các hoạt động giải thích pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, dịch vụ tư vấn pháp luật và luật sư, trợ giúp pháp lý.
Thứ sáu, tính công bằng, nghiêm minh và nhất quán trong thực hiện pháp luật: Trong NNPQ XHCN Việt Nam, hệ thống pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Thực hiện pháp luật nghiêm minh và nhất quán chính là một trong những thước đo tính công bằng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý xã hội của Nhà nước. Việc thực hiện pháp luật nghiêm minh đòi hỏi phải coi trọng công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, đồng thời bảo đảm mọi hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật đều phải được phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời, với chế tài tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tính nhất quán trong việc thực hiện pháp luật đòi hỏi các vụ việc có tình tiết tương tự nhau phải được xử lý theo cách thức và hệ quả pháp lý tương tự nhau.
(PLPT) - Nhiều doanh nghiệp liên tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vì hành vi ‘Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật’. Quy định của pháp luật cụ thể ra sao? Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì để tránh bị kiểm tra, xử phạt?
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo đã đưa ra phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
(PLPT) - Hai nam thanh niên ở Thanh Hóa vừa bị khởi tố vì có hành vi xúc phạm Quốc kỳ và phá hoại tài sản người dân. Pháp luật hiện hành quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ như thế nào?
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?