Nghiên cứu lý luận

Kinh nghiệm của Nhật Bản trong bảo hộ sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo

Nguyễn Như Hà, Đặng Minh Phương Thứ hai, 29/07/2024 - 16:01
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Trí tuệ nhân tạo với tư cách là một công nghệ hiện đại không chỉ là xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn là nhân tố tác động đến các quan hệ pháp luật truyền thống – pháp luật sáng chế cũng không ngoại lệ.

Tóm tắt: Trí tuệ nhân tạo với tư cách là một công nghệ hiện đại không chỉ là xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn là nhân tố tác động đến các quan hệ pháp luật truyền thống – pháp luật sáng chế cũng không ngoại lệ. Đứng trước những vấn đề mới do trí tuệ nhân tạo đặt ra, việc nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ là cơ sở để các nhà lập pháp Việt Nam xem xét, tham khảo.

Từ khóa: trí tuệ nhân tạo, bằng độc quyền sáng chế, tác giả sáng chế

Abstract: Artificial intelligence, as a modern technology, is not only a trend of the Industrial Revolution 4.0 but also a factor influencing traditional legal relations - patent law is of no exception. Facing new challenges posed by artificial intelligence, the study of the Japan experience will serve as a basis for Vietnamese legislators to consider and reference.

Keywords: Artificial intelligence, patent, inventor

1. Trí tuệ nhân tạo và sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo

1.1. Khái quát chung về trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) với lịch sử phát triển chỉ nửa thế kỷ[1] nhưng khái niệm về AI lại rất đa dạng, phụ thuộc vào khía cạnh tiếp cận cũng như do sự phát triển vượt bậc của AI. Thuật ngữ “Trí tuệ nhân tạo” được sử dụng để mô tả về: i) một ngành của khoa học máy tính, bao gồm các cơ sở lý thuyết và việc lập trình xây dựng các hệ thống máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ thường đòi hỏi trí thông minh của con người như nhận thức thị giác, nhận dạng giọng nói, ra quyết định và dịch giữa các ngôn ngữ [2], hoặc; ii) một công nghệ. Dưới góc độ khoa học xã hội, các nhà hoạch định chính sách cũng như các khu vực tài phán đang nỗ lực nhận diện AI dưới khía cạnh pháp lý nhằm tạo cơ sở để điều chỉnh AI trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ pháp luật.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), AI là một ngành khoa học máy tính nhằm phát triển các máy móc và hệ thống có thể thực hiện các nhiệm vụ được coi là yêu cầu trí thông minh của con người , với sự can thiệp hạn chế hoặc không có sự can thiệp của con người. AI thường được hiểu là “AI hẹp” có nghĩa là các kỹ thuật và ứng dụng được lập trình để thực hiện các tác vụ riêng lẻ[3]. Tuy nhiên, AI đang phát triển nhanh chóng, tiến tới các cấp độ cao hơn của trí tuệ nhân tạo nói chung, để hoạt động trên nhiều lĩnh vực, hoàn cảnh và nhiệm vụ[4].

Liên minh Châu Âu định nghĩa trí tuệ nhân tạo là một hệ thống các phương pháp khoa học, lý thuyết và kỹ thuật nhằm mục tiêu dùng máy tính để tái tạo khả năng nhận thức của con người, để máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà trước đây do con người thực hiện [5]. Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Sáng kiến ​​Trí tuệ Nhân tạo Quốc gia 2020 ghi nhận: “Thuật ngữ 'trí tuệ nhân tạo' có nghĩa là một hệ thống dựa trên máy móc, hướng tới một tập hợp các mục tiêu do con người xác định, đưa ra dự đoán, đề xuất hoặc quyết định ảnh hưởng đến môi trường thực hoặc ảo”[6]. AI hoạt động bằng cách kết hợp lượng lớn dữ liệu với khả năng xử lý nhanh, lặp đi lặp lại cùng các thuật toán thông minh, cho phép phần mềm tự động học hỏi từ các mẫu hình (quy luật vận động) hoặc đặc tính trong dữ liệu.

Về đặc điểm, khi đặt AI vào trong khía cạnh chính sách, pháp luật để nghiên cứu tác động, cần xem xét, đánh giá AI trong mối tương quan với các chủ thể khác – đặc biệt là con người. Cụ thể:

Thứ nhất, AI chưa mang mang tính độc lập hoàn toàn mà vẫn cần có sự tham gia (dù ít hoặc nhiều) của con người. Nền tảng của AI là các thuật toán được thiết kế bởi con người nhằm mục đích chuyển các dữ liệu đầu vào trở thành sản phẩm đầu ra. Theo David Kaye, sự phụ thuộc của AI vào con người vẫn còn rất lớn và gần như toàn bộ quá trình vận hành của nó vẫn có sự tác động của con người. Cụ thể: i) Ở bước thiết kế, con người tạo ra AI dựa trên những dự định chủ quan của mình; ii) Ở bước triển khai, con người tạo ra các dữ liệu đầu vào và; iii) Ở bước thực thi, con người sử dụng kết quả đầu ra theo ý muốn của mình [7]. Chính bởi vậy, kết quả đầu ra của AI không hoàn toàn mang tính khách quan. Một nghiên cứu của ProPublica chỉ ra rằng một số tòa án ở Mỹ sử dụng các thuật toán để dự đoán tình hình tội phạm trong tương lai và kết quả cho thấy có sự thiên lệch rõ ràng chống lại người gốc Phi [8].

Thứ hai, dù phụ thuộc con người trong một số khía cạnh nhất định, AI vẫn là một công cụ khó giám sát. Một đặc tính khác cần phải cân nhắc của AI đó là việc các máy học có thể đạt tới trình độ tự giải quyết vấn đề. Thuật toán được thiết kế để AI có thể tự thích ứng nhằm xác định các vấn đề mới cũng như phát triển những câu hỏi mới. Điều này dẫn đến một vấn đề là con người dần dần bị loại trừ khỏi các công đoạn, thậm chí nếu AI tự tìm kiếm một nguồn dữ liệu đầu vào nằm ngoài sự kiểm soát của con người thì khả năng sử dụng của sản phẩm đầu ra sẽ gặp phải nhiều vấn đề. Vấn đề xảy ra khi các hệ thống có thể tự học để thực hiện những nhiệm vụ mà không có định hướng hay giám sát từ con người được một số nghiên cứu gọi là sự tự trị (autonomous)[9].

Thứ ba, một hệ thống AI có thể tiếp cận và giải quyết các vấn đề cho nhiều lĩnh vực, ngành khác nhau. Sức mạnh của AI nằm ở chỗ nó thâu tóm và sử dụng một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Đặc thù của AI trong thế kỷ XXI đó là nó hoạt động trên nền tảng một môi trường thông tin đa dạng mà suốt hàng mấy thập kỷ qua, Internet đã góp phần tích lũy nên. Sự vận dụng của AI trong lĩnh vực này nhưng kết quả đem lại có thể phục vụ cho lĩnh vực khác.

1.2. Sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo và thách thức đặt ra đối với hệ thống pháp luật sáng chế

Theo thống kê của WIPO, sáng chế liên quan đến AI đang bùng nổ trên khắp thế giới. Kể từ khi AI chính thức xuất hiện vào những năm 1950, các nhà đổi mới và nhà nghiên cứu đã nộp đơn xin bảo hộ gần 340.000 sáng chế liên quan đến AI, và đáng chú ý là bằng độc quyền sáng chế liên quan đến AI đang phát triển nhanh chóng khi hơn một nửa số sáng chế được cấp phép đã được công bố kể từ năm 2013 [10]. Với sự phức tạp của mỗi hệ thống AI, sự đa dạng cũng như can thiệp khác nhau của AI trong từng lĩnh vực, cần thiết phải phân loại sự tham gia của AI vào quá trình sáng chế.

Theo nghiên cứu của Drexl và cộng sự [11], sự tham gia của AI vào quá trình sáng chế là: i) hỗ trợ (AI-assisted inventions): AI được coi như một công cụ (tool) nhằm hỗ trợ quá trình sáng chế; ii) chế tạo (AI-generated inventions): trong đó AI hoạt động một cách tự động mà không cần sự can thiệp của con người; iii) triển khai (AI-implemented inventions): trong đó, AI là một bộ phận cấu thành cho hoạt động của sáng chế. WIPO cũng nhận định tương tự [12]: AI chế tạo (AI-generated) được hiểu là tạo ra một cách tự động bởi AI để đề cập đến việc tạo ra đầu ra bởi AI mà không cần sự can thiệp của con người; trong trường hợp này, AI có thể thay đổi hành vi của nó trong quá trình hoạt động để phản ứng với thông tin hoặc sự kiện không lường trước được. Điều này cần được phân biệt với các đầu ra của AI hỗ trợ (AI-assisted ) được tạo ra với sự can thiệp và/hoặc định hướng vật chất của con người.

Tiêu chí để phân loại trên chủ yếu căn cứ theo tính tự trị của AI, Trong một số trường hợp, với tính tự chủ thấp, AI có thể không khác so với các công cụ tự động khác trong quy trình sáng chế, nhưng trường hợp tự chủ cao, AI có thể tự động hoá quá trình đến mức khó có thể nhận ra sự đóng góp của chủ thể con người. Do đó, các hệ thống AI hiện tại đang chênh vênh giữa các công cụ truyền thống được con người sử dụng để sáng chế và một thực thể hoàn toàn tự trị có khả năng tự thực hiện quá trình sáng chế từ đầu đến cuối [13]. Điầu này cũng phát sinh các câu hỏi đặt ra trước tác động của AI đối với pháp luật sáng chế có thể nhận diện bao gồm: i) sáng chế liên quan đến AI có được cấp patent hay không khi phần lớn AI hiện nay tương tự như chương trình máy tính? ii) tính sáng tạo của sáng chế khi có sự can thiệp của AI; iii) AI có thể được coi là tác giả sáng chế hay không?

2. Pháp luật Nhật Bản điều chỉnh sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo

Là một trong những quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo, Nhật Bản đã dành sự quan tâm đặc biệt đến AI nhằm tạo dựng khung chính sách phát triển cho AI hoà hợp với xã hội con người [14]. Theo thống kê của Văn phòng Bằng sáng chế Nhật Bản JPO, từ năm 2018 – 2021, mỗi năm có hơn 5000 đơn đăng ký bằng độc quyền sáng chế liên quan đến AI đã được đăng ký tại Nhật Bản, trong số đó, hơn 40% đơn được phân loại là thuộc phân nhóm bằng độc quyền sáng chế G06N theo hệ thống Phân loại Bằng độc quyền sáng chế Quốc tế (IPC). Phân lớp G06N đề cập đến các hệ thống máy tính dựa trên các mô hình tính toán cụ thể và là các công nghệ cốt lõi cho AI [15]. Dữ liệu này cho thấy sự bùng nổ công nghệ AI tại Nhật Bản và đồng thời đặt ra yêu cầu đối với các nhà hoạch định chính sách về việc xem xét, cân nhắc đến hệ thống pháp luật tác động trực tiếp đến công nghệ, đổi mới – pháp luật sáng chế, có còn phù hợp trước tác động của AI hay không.

2.1. Đối tượng được cấp bằng độc quyền sáng chế

Luật Sáng chế Nhật Bản (Japan Patent Act - JPA) định nghĩa sáng chế là “sự sáng tạo tiên tiến có tay nghề cao của các ý tưởng kỹ thuật sử dụng các quy luật tự nhiên” (Điều 2 (1)). Một “sáng chế” sẽ được hoàn thiện qua một số bước: i) thiết lập vấn đề kỹ thuật cần giải quyết; ii) sử dụng các phương tiện kỹ thuật để giải quyết vấn đề; iii) xác nhận rằng cấu hình kỹ thuật tạo ra hiệu quả góp phần đạt được mục tiêu. Đồng thời JPO đã ban hành Hướng dẫn thẩm định bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích tại Nhật Bản nhằm chi tiết hoá các quy định về bằng độc quyền sáng chế vốn mang nhiều tính định lượng[16]. Cũng cần lưu ý rằng Điều 2 (3) JPA quy định rằng chương trình máy tính, phần mềm mà là một thành tố đặt trong “sản phẩm”, hoàn toàn có khả năng được thừa nhận là một trong những loại sáng chế. Việc xác định chi tiết những sáng chế liên quan đến phầm mềm ghi nhận trong 174 trang tại chương 1, Phụ lục B, Sổ tay hướng dẫn thẩm định Bằng độc quyền sáng chế và Giải pháp hữu ích tại Nhật Bản[17].

Đối với sáng chế liên quan đến AI, JPO xếp vào nhóm sáng chế liên quan đến phần mềm và do đó, áp dụng các phương pháp thẩm định tương tự như các sáng chế liên quan đến phần mềm. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của AI trong các lĩnh vực kỹ thuật khác nhau, từ năm 2018 JPO đã tập hợp và xuất bản Tài liệu các ví dụ điển hình về các công nghệ liên quan đến AI[18]. Các ví dụ này miêu tả trường hợp cụ thể nhằm mục đích giúp thẩm định viên có quyết định phù hợp trong quá trình kiểm tra.

Dựa theo khái niệm chung, cách thức JPO kiểm tra một sáng chế liên quan đến AI được cấp patent phải đáp ứng hai yếu tố:

i) ý tưởng kỹ thuật phải sử dụng các quy luật tự nhiên. Việc đề cập đến các quy luật tự nhiên có nghĩa là một sáng chế phải thể hiện nguyên tắc nhân quả thường có đối với một hiện tượng tự nhiên (nghĩa là sáng chế phải có tính lặp lại). Trước đây, các tòa án thường giải thích “các quy luật tự nhiên” theo nghĩa hẹp là “việc sản xuất ra các vật thể”, nhưng hiện tại các nhà lập pháp Nhật Bản nhận định rằng yêu cầu “quy luật tự nhiên” cần được diễn giải một cách linh hoạt để không bỏ sót khái niệm sáng chế trong những bước phát triển mới của công nghệ [19]. Một số phán quyết của tòa án cũng thể hiện rằng người được cấp bằng độc quyền sáng chế không cần thiết phải hiểu mối quan hệ nhân quả hoặc lý thuyết giữa nguyên nhân và kết quả của một sáng chế. Cách giải thích rộng rãi về “quy luật tự nhiên”, kết hợp với thực tế là người được cấp bằng độc quyền sáng chế không cần phải hiểu đầy đủ nền tảng lý thuyết của sáng chế (điều này có thể xảy ra trong một số đổi mới do AI tạo ra) cho phép những sáng chế liên quan đến AI hay do AI tạo ra hoàn toàn có thể được cấp patent theo JPA.

ii) AI dưới dạng chương trình máy tính, phần mềm có sự liên kết với phần cứng. Tiêu chí này được thỏa mãn miễn là yêu cầu xác định "xử lý thông tin bằng phần mềm được triển khai cụ thể bằng tài nguyên phần cứng". Nói cách khác, AI đứng riêng biệt hoặc không thể xác định rõ ràng tài nguyên phần cứng xử lý thông tin cụ thể cho từng chức năng được đề cập trong yêu cầu bảo hộ thì không thể cấp patent.

2.2. Yêu cầu về khả năng cấp bằng độc quyền sáng chế

Các yêu cầu về khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế ở Nhật Bản tương tự như Việt Nam, tức là, để được cấp patent, một sáng chế phải có tính mới, có trình độ sáng tạo (được coi là không thể dễ dàng tạo ra sáng chế) và có khả năng áp dụng công nghiệp (Điều 29 JPA).

Theo Sổ tay hướng dẫn thẩm định Bằng độc quyền sáng chế và Giải pháp hữu ích tại Nhật Bản, phần 2, chương 2, 3 [20] thì việc đánh giá tính mới và trình độ sáng tạo của sáng chế yêu cầu bảo hộ phải dựa trên giải pháp kỹ thuật đã biết (prior art). Điều 29(2) JPA quy định rằng bằng độc quyền sáng chế sẽ không được cấp nếu trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế, một người có kỹ năng thông thường trong lĩnh vực kỹ thuật đã có thể để dễ dàng thực hiện sáng chế. Điều này dẫn đến quy trình thẩm định sáng chế đòi hỏi thẩm định viên phải: i) xác định sáng chế được yêu cầu; ii) xác định một hoặc nhiều giải pháp kỹ thuật đã biết có liên quan đến sáng chế được yêu cầu; iii) chọn tình trạng kỹ thuật đã biết gần nhất (còn được gọi là “tình trạng kỹ thuật đã biết chính xác”), so sánh tình trạng kỹ thuật đã biết đó với sáng chế được yêu cầu, đồng thời tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt; iv) đánh giá sự khác biệt: xác định lý do từ chối trình độ sáng tạo, dựa trên nội dung của tình trạng kỹ thuật đã biết được chọn hoặc tình trạng kỹ thuật đã biết có liên quan khác (còn gọi là “tình trạng kỹ thuật đã biết thứ cấp”) và kiến thức chung phổ biến. Nếu thẩm định viên thấy rằng một người có kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật không thể tạo ra sáng chế từ giải pháp kỹ thuật đã biết, thì sáng chế sẽ được coi là có tính mới và có trình độ sáng tạo. Mặt khác, nếu thẩm định viên xác định rằng có thể suy luận rằng một người có kỹ năng trong lĩnh vực này sẽ dễ dàng đạt được sáng chế được yêu cầu bảo hộ, thì cần tiến hành thêm các yêu cầu và thẩm định viên phải đánh giá toàn diện một số yếu tố có thể chứng minh sự tồn tại của sáng chế.

Việc xác định sáng chế được yêu cầu bảo hộ (bước 1) được thực hiện dựa trên các yêu cầu bảo hộ, mặc dù thẩm định viên có thể tính đến phần mô tả, hình vẽ và kiến thức chung phổ biến cho mục đích giải thích các yêu cầu bảo hộ. Tình trạng kỹ thuật đã biết có liên quan được so sánh với sáng chế được yêu cầu (bước 2 và 3) được chọn từ tình trạng kỹ thuật đã biết hợp lệ theo quy định tại Điều 29(1) Luật Sáng chế Nhật Bản: các sáng chế đã được biết đến hoặc được công khai trước ngày nộp đơn và các sáng chế đã được mô tả trong một ấn phẩm được phân phối, hoặc được cung cấp công khai trước ngày đó. Giải pháp kỹ thuật liên quan của một sáng chế nhất định sẽ được quyết định trên cơ sở từng trường hợp có tính đến các yếu tố của sáng chế (ví dụ: cấu tạo, mục đích hoặc tác dụng của nó). Về nguyên tắc, giải pháp kỹ thuật liên quan sẽ bao gồm tất cả các vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực liên quan đến vấn đề cần được xem xét [21].

Việc xác định các tác dụng có lợi của sáng chế được yêu cầu so với tình trạng kỹ thuật đã biết, hoặc sự tồn tại của các yếu tố cản trở có thể cản trở việc áp dụng tình trạng kỹ thuật đã biết thứ cấp vào tình trạng kỹ thuật đã biết sơ cấp (tức là, các yếu tố có thể tạo ra sự khác biệt rõ ràng sự kết hợp của kỹ thuật đã biết không rõ ràng). Yếu tố tác động thuận lợi có thể liên quan đặc biệt đến các sáng chế do AI tạo ra. Các tác động được coi là thuận lợi khi sáng chế có tác động bất ngờ có bản chất khác với hoặc vượt trội đáng kể so với tác động của giải pháp kỹ thuật trước đó. Bởi vì các hệ thống AI có khả năng xử lý nhiều dữ liệu hơn và với khả năng nghiên cứu tăng lên đi kèm với nó, có thể tác động của một sáng chế nhất định do hệ thống AI tạo ra vượt xa những gì một người có kỹ năng trong lĩnh vực này mong đợi ở trình độ hiện đại [22].

Lập luận tiếp theo (bước 4) đánh giá sự khác biệt giữa sáng chế và giải pháp kỹ thuật đã biết. Việc xác định trình độ sáng tạo dựa trên động cơ hoặc gợi ý bắt nguồn từ tình trạng kỹ thuật đã biết để kết hợp hoặc sửa đổi các yếu tố nhất định trong đó. Yếu tố đặc biệt này bao gồm một số điểm mà thẩm định viên phải xem xét để đi đến quyết định, trong đó có sự giống nhau hoặc mối quan hệ của các lĩnh vực kỹ thuật, sự giống nhau của vấn đề cần giải quyết, sự giống nhau về thao tác hoặc chức năng và các gợi ý thể hiện trong nội dung của giải pháp kỹ thuật đã biết – tất cả các dấu hiệu cho thấy một người thông thường có kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật này sẽ được dẫn dắt (“được thúc đẩy”) để áp dụng hoặc kết hợp các yếu tố từ giải pháp kỹ thuật đã biết để tạo ra sáng chế. Cũng ở đây, việc sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo trong quy trình sáng tạo trở nên phù hợp, vì việc sử dụng như vậy có thể ước tính các lĩnh vực kỹ thuật, vấn đề và hoạt động hoặc chức năng, với hệ quả là giải pháp kỹ thuật đã biết khi đó có thể chứa các gợi ý sẽ thúc đẩy sự kết hợp các yếu tố (và dẫn đến một phát hiện rõ ràng nếu việc sử dụng AI được tiết lộ).

Bên cạnh chế độ bằng độc quyền sáng chế thông thường, JPO cấp bảo hộ cho một số cải tiến nhỏ của thiết bị thông qua chế độ giải pháp hữu ích (utility model), được quy định trong Đạo luật giải pháp hữu ích. Giải pháp hữu ích là cơ chế bảo hộ các thiết bị liên quan đến hình dạng hoặc cấu trúc của một vật phẩm hoặc sự kết hợp của các vật phẩm, có ngưỡng thấp hơn của trình độ sáng tạo và tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn hơn (10 năm) khi so sánh với patent. Quy trình thẩm định cũng khác với quy trình thẩm định bằng độc quyền sáng chế vì quy trình này không bao gồm thẩm định nội dung. Chính vì các yêu cầu bảo hộ, thủ tục và phạm vi của giải pháp hữu ích ít nghiêm ngặt hơn so với các yêu cầu của chế độ patent, các giải pháp hữu ích có thể là cơ chế phù hợp bảo hộ các sáng chế do AI tạo ra.

2.3. Bộc lộ sáng chế

Hệ thống patent được thiết kế để thúc đẩy việc bảo hộ các sáng chế bằng cách cấp độc quyền trong một khoảng thời gian xác định trước cho người đã phát triển và bộc lộ công nghệ hoặc kỹ thuật mới, đồng thời tạo cơ hội cho các bên thứ ba được tiếp cận với các sáng chế nhờ việc bộc lộ các chi tiết kỹ thuật của sáng chế. Như vậy, yêu cầu sáng chế phải được bộc lộ đầy đủ là một trong những nền tảng cơ bản của hệ thống sáng chế. Tại JPO, Điều 36(4) JPA quy định rằng bản mô tả đóng vai trò là tài liệu kỹ thuật giúp bên thứ ba có cơ hội tiếp cận sáng chế. Nếu tuyên bố trong phần mô tả không rõ ràng thì vai trò bộc lộ của nó sẽ bị suy giảm, từ đó làm suy yếu mục đích chính của hệ thống cấp bằng độc quyền sáng chế. Đặc biệt, Điều 36(4)(i) JPA yêu cầu rằng "tuyên bố phải rõ ràng và đầy đủ theo cách thức để cho phép bất kỳ người nào có trình độ thông thường trong lĩnh vực liên quan đến sáng chế có thể thực hiện sáng chế". Yêu cầu này được JPO gọi là "yêu cầu hỗ trợ". Ngoài ra, Điều 36(6)(i) JPA quy định rằng sáng chế được yêu cầu bảo hộ phải được bộc lộ trong phần mô tả. Mục đích của các yêu cầu này là để ngăn chặn việc cấp bằng độc quyền sáng chế cho giải pháp kỹ thuật không được tiết lộ đầy đủ. Nguyên tắc kiểm tra của JPO cũng làm rõ rằng phần mô tả phải nêu rõ “các tính năng cụ thể” của sản phẩm như cấu trúc của sản phẩm và cũng có thể mô tả chức năng, đặc điểm…

Tuy nhiên như đã trình bày ở trên, các sáng chế liên quan đến AI có thể nhận rất nhiều dữ liệu từ các lĩnh vực khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định cần bộc lộ sáng chế ở mức độ nào. Do đó, JPO xác định các yêu cầu trong mô tả sáng chế bao gồm: mối tương quan giữa nhiều loại dữ liệu dựa trên sự bộc lộ trong phần mô tả, mối tương quan giữa nhiều loại dữ liệu theo kiến thức kỹ thuật chung đã biết… Tài liệu các ví dụ điển hình về các công nghệ liên quan đến AI[23] do JPO ban hành cũng bao gồm các hướng dẫn thêm về quy trình kiểm tra công nghệ liên quan đến AI. Tuy nhiên, những hướng dẫn này liên quan đến khả năng cấp bằng độc quyền sáng chế của chính công nghệ AI (tức AI là sản phẩm đầu ra) hoặc liên quan đến các sáng chế ứng dụng công nghệ AI mà không áp dụng cho các sáng chế mà quy trình, phương pháp có sự tham gia của công nghệ AI.

2.4. Tác giả sáng chế

JPA không chứa điều khoản xác định cụ thể về tác giả sáng chế. Tuy nhiên, dựa theo các quyết định của Toà án, có thể suy ra phạm vi khái niệm tác giả sáng chế [24]. Theo đó, chỉ con người (nature person) tham gia vào quá trình sáng chế, giúp cho sáng chế khác biệt với với giải pháp kỹ thuật vốn có, đưa đến việc hình hài hoá các ý tưởng kỹ thuật mới, thì được coi là tác giả sáng chế theo JPA. Cơ sở để yêu cầu quyền sở hữu sáng chế là bản chất sáng tạo từ trí óc con người dẫn đến hành vi sáng chế. Do đó, cần phải đánh giá ai là người có liên quan tham gia vào giai đoạn tạo ra sáng chế. Tòa án Nhật Bản đã sử dụng hai cách thức khác nhau để thực hiện đánh giá này. Cách thức đầu tiên loại trừ những cá nhân đóng vai trò phụ trợ khỏi phạm vi chủ của quyền sáng chế như quản trị viên, trợ lý hoặc nhà tài trợ. Cách thức thứ 2 đòi hỏi phải chia quy trình sáng chế thành hai bước: nhận thức vấn đề (hoặc định hướng cho giải pháp), và thực hành. Người tham gia vào bước một sẽ là tác giả sáng chế trừ khi ý tưởng sáng tạo là hiển nhiên đối với người có kỹ năng trong lĩnh vực này. Khi hai hoặc nhiều người tham gia vào các giai đoạn liên quan khác nhau, họ có thể được coi là đồng sáng chế. Trong trường hợp sáng chế được tạo ra với sự đóng góp của AI, có khả năng tác giả sáng chế là con người tham gia vào quá trình sáng tạo – có thể là ở giai đoạn hình thành ý tưởng hoặc ở điểm đưa vào thực tiễn – sẽ được xác định là tác giả sáng chế [25].

3. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Theo Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo năm 2022, Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu, tăng 7 bậc so với năm 2021. Đây là báo các do Tổ chức Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện, nhằm đánh giá sự sẵn sàng của Chính phủ 181 quốc gia trong việc khai thác ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phát triển của công nghệ AI, mà còn cho thấy xu hướng hình thành nền công nghiệp AI tại Việt Nam [26]. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu “Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhất là sở hữu trí tuệ trong thời đại số”. Tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030”. Tháng 01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, cũng đưa ra định hướng chiến lược số một đó là “xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo” và pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung pháp luật sáng chế nói riêng sẽ là một trong những trọng tâm cần được quan tâm đặc biệt. Xuất phát từ những mục tiêu chính sách nên trên, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị dưới đây.

Thứ nhất, cần xây dựng một khung chính sách riêng cho sáng chế liên quan đến AI. Khung chính sách ở đây là tập hợp tất cả những định hướng, giải pháp của Nhà nước để giải quyết vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu của hệ thống sáng chế là đổi mới. Trong khung chính sách này, pháp luật đóng vai trò trọng tâm, then chốt. Theo đó, Nhà nước cần điều chỉnh hoặc bạn hành văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao về sáng chế liên quan đến AI. Mặc dù Việt Nam đã có Luật Sở hữu trí tuệ với 3 lần sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên sáng chế vẫn chỉ là một chế định nằm trong quyền sở hữu công nghiệp và các yếu tố như AI hoàn toàn chưa được các nhà lập pháp cân nhắc. Đứng trước những yêu cầu cấp bách về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đang đặt ra hiện nay, cũng như triển khai đúng đắn đường lối của Đảng, sáng chế liên quan đến AI cần được điều chỉnh riêng biệt. Một số quan điểm cho rằng Quốc hội cần ban hành Luật Sáng chế (giống như nhiều khu vực pháp lý khác trên thế giới) để khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo khoa học trong nền kinh tế. Tuy nhiên theo đúng quy trình thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để có thể ban hành Luật mất thời gian khá dài. Cụ thể: một văn bản luật của Quốc hội phải lập đề nghị xây dựng văn bản pháp luật; trong quy trình này, cơ quan đề nghị cần thực hiện báo cáo đánh giá tác động, cũng như lấy ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản pháp luật trong 30 ngày. Tiếp theo đó, là quy trình thầm định của các bộ ngành liên quan và Bộ Tư pháp. Sau đó, hồ sơ đề nghị cần được trình lên Chính phủ thảo luận, trước khi chuyển sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định việc đưa văn bản này vào dự thảo chương trình xây dựng văn bản pháp luật hàng năm của Quốc hội để Quốc hội thông qua. Với quy trình này, việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản pháp luật cần được thực hiện xong trước ngày 01 tháng 3 hàng năm để đưa vào chương trình năm sau của Quốc hội. Sau khi được đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội, khâu soạn thảo văn bản pháp luật sẽ được triển khai. Về phía Quốc hội, Quốc hội sẽ họp xem xét thông qua dự thảo luật trong tối đa 3 kỳ họp. Điều này dẫn đến để một Luật sáng chế được chính thức đưa vào thực tế sẽ phải trải qua thời gian tối thiểu khoảng 2 năm. Do vậy, khi xem xét đến vấn đề này, tác giả đề xuất việc Quốc hội ban hành một Nghị quyết thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành (theo điểm b Khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2020).

Thứ hai, về đối tượng được bảo hộ sáng chế liên quan đến AI. Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật SHTT thì: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên” đồng thời tại Điều 59 liệt kê các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế trong đó có lý thuyết khoa học, phương pháp toán học. Tuy nhiên, AI với khía cạnh là một dạng chương trình máy tính có khả năng ứng dụng thực tế cao và tạo ra sản phẩm hoặc quy trình cụ thể dựa trên việc ứng dụng các lý thuyết khoa học, phương pháp toán học thì các nhà làm luật có thể mở rộng phạm vi bảo hộ sáng chế đối với các chương trình máy tính AI kèm điều kiện nhất định (như có khả năng ứng dụng và có kết quả cụ thể).

Thứ ba, cần có cách diễn giải và áp dụng phù hợp đối với ba tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế liên quan đến AI khi thẩm định gồm: tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Tính sáng tạo được đánh giá như thế nào khi một sáng chế được nhận định là không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng (được coi là có tính sáng tạo) nhưng trong trường hợp sử dụng AI thì lại có tính hiển nhiên. Hoặc, vấn đề tiết lộ cơ bản có nghĩa là sáng chế phải được mô tả đủ chi tiết để cho phép người khác sao chép sáng chế; liệu yêu cầu hỗ trợ hoặc tiết lộ có bắt buộc người nộp đơn cấp bằng độc quyền sáng chế có phải tiết lộ việc sử dụng các hệ thống AI trong quá trình sáng chế hay không.

Đặc biệt, cần thông qua các hướng dẫn chung rõ ràng về khái niệm lĩnh vực kỹ thuật có liên quan hoặc tương tự. Việc sử dụng AI trong quá trình sáng chế có thể dẫn đến lĩnh vực kỹ thuật tương tự được mở rộng trong thực tế, với khả năng thực tế là các hệ thống AI sẽ tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề trong các lĩnh vực không tương tự. Vì lĩnh vực kỹ thuật không tương tự không thể được sử dụng khi đánh giá liệu sáng chế là hiển nhiên hay không hiển nhiên, nên phạm vi của “kỹ thuật tương tự/có liên quan/liền kề” nên được mở rộng trong Nguyên tắc kiểm tra, như một cách để chống lại tác động của một cuộc chạy đua giành bằng độc quyền sáng chế (bắt nguồn từ sự dễ dàng sáng chế trong bối cảnh AI). Một hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật liên quan là gì nên xem xét rõ những tiến bộ công nghệ và mức độ phổ biến của sự hợp tác liên ngành trong một lĩnh vực công nghệ nhất định.

Thứ tư, về khái niệm “tác giả sáng chế” được mở rộng để bao gồm cả những người chịu trách nhiệm về hệ thống AI trong sáng chế liên quan đến AI. Theo đó, một ứng dụng bằng độc quyền sáng chế sẽ vẫn phải nêu tên các tác giả sáng chế là con người để nó được cấp. Tuy nhiên, quy định sẽ làm rõ rằng tác giả sáng chế là người góp phần thực hiện quy trình nào trong sáng chế để AI triển khai. Trường hợp này xảy ra khi không có cá nhân nào đạt đủ điều kiện, tác giả sáng chế sẽ được loại trừ. Tùy chọn này sẽ loại bỏ những lo ngại về tính hợp lệ của bằng độc quyền sáng chế khi khó có thể trực tiếp ghi nhận đóng góp sáng tạo từ con người, đồng thời có thể khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu phát triển sử dụng AI, vì patent sẽ có sẵn cho dù AI hay con người nghĩ ra giải pháp kỹ thuật. Nếu AI nghĩ ra một sáng chế, người nộp đơn có thể tiết lộ hoặc không tiết lộ điều này trong phần mô tả sáng chế của họ. Tuy nhiên, việc đặt tác giả sáng chế là con người sẽ phù hợp với hầu hết các thông lệ về sáng chế quốc tế và không ảnh hưởng đến việc nộp đơn nước ngoài. Với cách tiếp cận này, những người tham gia vào các hoạt động sau đây có thể được coi là tác giả sáng chế: người lập trình AI , cấu hình AI , vận hành AI , chọn dữ liệu đầu vào như dữ liệu huấn luyện cho AI hoặc nhận dạng ứng dụng đầu ra của AI. Nói chung, tác giả sáng chế có thể là “người thực hiện các công việc cần thiết để tạo ra sáng chế”.

Kết luận

Các quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật sáng chế nói riêng đang và tiếp tục đứng trước những thách thức mới nổi, do sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ hiện đại, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Điều này đòi hỏi pháp luật phải có tính dự báo, cũng như điều chỉnh kịp thời để thích ứng với sự phát triển. Việc xem xét kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ là một trong những nguồn tài liệu phục vụ nhằm hoàn thiện pháp luật sáng chế tại Việt Nam trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo

1. Christopher Heath and Atsuhiro Furuta (eds.), Japanese Patent Law: Cases and Materials (Kluwer Law International 2019)

2. Drexl J and others, ‘Artificial Intelligence and Intellectual Property Law: Position Statement of the Max Planck Institute for Innovation and Competition of 9 April 2021 on the current debate’ (2021) Max Planck Institute for Innovation and Competition Research Paper No. 21–10

3. European Group on Ethics in Science and New Technologies, Statement on Artificial Intelligence, Robotics and ‘Autonomous’ Systems, Luxembourg, Publications Office of the European Union, 2018

4. Kengo Sengai, ‘Part III: Inventors and Inventors’ Rights – Case No. 13: Rights Over the Invention – Inventorship’, in Christopher Heath and Atsuhiro Furuta (eds.), Japanese Patent Law: Cases and Materials (Kluwer Law International 2019)

5. Hồ Tú Bảo, Trí tuệ nhân tạo và chặng đường 50 năm, http://www.jaist.ac.jp/~bao/Writings/AI50years.pdf

6. Nobuhiro Nakayama, Patent Law, 2nd ed., Koubundou Publishers 2012

7. Peter Hendrik Blok, ‘The Inventor’s New Tool: Artificial Intelligence – How Does it Fit the European Patent System?’ (2017) 39 European Intellectual Property Review 69, 70

8. Shlomit Yanisky Ravid & Xiaoqiong (Jackie) Liu, When Artificial Intelligence Systems Produce Inventions: The 3A Era and an Alternative Model for Patent Law, Cardozo Law Review, forthcoming 2017

9. Tomotaka Homma, ‘Comparing Japanese and US standards of Obviousness: Providing Meaningful Guidance after KSR’ (2008) 48 IDEA

10.WIPO (2019), WIPO Technology Trends 2019: Artificial Intelligence

11.WIPO (2020), Conversation on Intellectual property and Artificial Intelligence, revised issues paper on on Intellectual property policy and Artificial Intelligence, https://www.wipo.int/about-ip/en/artificial_intelligence/conversation.html

* TS. Nguyễn Như Hà, Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển. Duyệt đăng 18/12/2023. Email: nhuha.apd@gmail.com

** ThS. Đặng Minh Phương, Bộ môn Pháp luật Cơ sở và Liên ngành, Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển. Email: minhphuong250990@apd.edu.vn


[1] Hồ Tú Bảo, Trí tuệ nhân tạo và chặng đường 50 năm, http://www.jaist.ac.jp/~bao/Writings/AI50years.pdf, truy cập ngày 25/9/2023.

[2] Rice University (2023), Data Science vs. Artificial Intelligence & Machine Learning: What’s the Difference?, https://csweb.rice.edu/academics/graduate-programs/online-mds/blog/data-science-vs-ai-and-ml truy cập ngày 25/9/2023.

[3] Căn cứ theo “sự thông minh” của AI, có 3 dạng trí tuệ nhân tạo là: AI hẹp (narrow), AI tổng quát (general) và siêu trí tuệ (super). Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, con người mới chỉ xây dựng và triển khai được AI hẹp.

Ví dụ điển hình của AI hẹp (thực hiện các nhiệm vụ cụ thể) như khả năng nhận dạng giọng nói và ngôn ngữ của trợ lý ảo Siri trên iPhone, khả năng nhận dạng hình ảnh của ô tô tự lái, các công cụ đề xuất sản phẩm ưa thích dựa trên lịch sử mua hàng của khách hàng…

Eban Escott (2017), What are the 3 types of AI? A guide to narrow, general, and super artificial intelligence, https://codebots.com/artificial-intelligence/the-3-types-of-ai-is-the-third-even-possible truy cập ngày 25/9/2023.

[4] WIPO (2020), Conversation on Intellectual property and Artificial Intelligence, revised issues paper on on Intellectual property policy and Artificial Intelligence, https://www.wipo.int/about-ip/en/artificial_intelligence/ conversation.html truy cập ngày 25/9/2023.

[5] Shlomit Yanisky Ravid & Xiaoqiong (Jackie) Liu, When Artificial Intelligence Systems Produce Inventions: The 3A Era and an Alternative Model for Patent Law, Cardozo Law Review, forthcoming 2017, pp. 11-15, https://ssrn.com/abstract=2931828 truy cập ngày 25/10/2023.

[6] U.S. Department of State (2020), Artificial Intelligence (AI), https://www.state.gov/artificial-intelligence/ truy cập ngày 25/10/2023.

[7] David Kaye, Report of the Special Rapporteur on the promotion and protection of the right to freedom of opinion and expression, submitted in accordance with Human Rights Council resolution 34/18.

[8] ProPublica (2016), How Machines Learn to Be Racist, https://www.propublica.org/article/breaking-the-black-box-how-machines-learn-to-be-racist?word=Trump truy cập ngày 25/10/2023.

[9] European Group on Ethics in Science and New Technologies, Statement on Artificial Intelligence, Robotics and ‘Autonomous’ Systems, Luxembourg, Publications Office of the European Union, 2018.

[10] WIPO (2019), WIPO Technology Trends 2019: Artificial Intelligence, p. 24 – 27.

[11] Drexl J and others, ‘Artificial Intelligence and Intellectual Property Law: Position Statement of the Max Planck Institute for Innovation and Competition of 9 April 2021 on the current debate’ (2021) Max Planck Institute for Innovation and Competition Research Paper No. 21–10, www.ip.mpg.de/fileadmin/ipmpg/content/ stellungnahmen/MPI_PositionPaper__SSRN_21-10.pdf truy cập ngày 25/10/2023.

[12] WIPO (2020), Conversation on Intellectual property and Artificial Intelligence, revised issues paper on on Intellectual property policy and Artificial Intelligence, https://www.wipo.int/about-ip/en/artificial_ intelligence/conversation.html, 2023 truy cập ngày 25/9/2023.

[13] Peter Hendrik Blok, ‘The Inventor’s New Tool: Artificial Intelligence – How Does it Fit the European Patent System?’ (2017) 39 European Intellectual Property Review 69, 70.

[14] Từ năm 2018, Văn phòng Nội các và các bộ khác nhau đã tìm cách tác động đến AI bằng cách ban hành các chiến lược và hướng dẫn khác nhau, xuyên suốt các tài liệu này là “nguyên tắc xã hội của AI lấy con người làm trung tâm”

Japan Cabinet Office, Social Principles of Human-Centric AI, https://www.cas.go.jp/jp/seisaku/ jinkouchinou/pdf/humancentricai.pdf truy cập ngày 25/10/2023.

[15] Statista (2022), Number of patent applications related to artificial intelligence (AI) at the Japan Patent Office from 2012 to 2021, https://www.statista.com/statistics/1220624/japan-number-of-artificial-intelligence-related-patent-applications/ truy cập ngày 25/10/2023.

[16] JPO, Examination Guidelines for Patent and Utility Model in Japan (2017), https://www.jpo.go.jp/e/system/laws/rule/ guideline/patent/tukujitu_kijun/index.html truy cập ngày 10/12/2023

[17] JPO, Examination Guidelines for Patent and Utility Model in Japan (2017), https://www.jpo.go.jp/e/system/laws/rule/guideline/patent/handbook_shinsa/document/index/app_b1_e.pdf truy cập ngày 10/12/2023.

[18] JPO, Examination Guidelines for Patent and Utility Model in Japan (2017), https://www.jpo.go.jp/e/system/laws/rule/guideline/patent/document/ai_jirei_e/jirei_tsuika_e.pdf truy cập ngày 10/12/2023.

[19] Nobuhiro Nakayama, Patent Law (2nd ed., Koubundou Publishers 2012) 98–107.

[20] JPO, Examination Guidelines for Patent and Utility Model in Japan (2017), https://www.jpo.go.jp/e/system/laws/rule/guideline/patent/tukujitu_kijun/document/index/03_0202_e.pdf

https://www.jpo.go.jp/e/system/laws/rule/guideline/patent/tukujitu_kijun/document/index/03_0300_e.pdf truy cập ngày 10/12/2023.

[21] Japan Patent Office, Examination Guidelines for Patent and Utility Model in Japan, Part III, Chapter 2, section 2.3.

[22] Nobuhiro Nakayama, Patent Law (2nd ed., Koubundou Publishers 2012).

[23] JPO, Examination Guidelines for Patent and Utility Model in Japan (2017), https://www.jpo.go.jp/e/system/ laws/rule/guideline/patent/document/ai_jirei_e/jirei_tsuika_e.pdf truy cập ngày 10/12/2023.

[24] Christopher Heath and Atsuhiro Furuta (eds.), Japanese Patent Law: Cases and Materials (Kluwer Law International 2019) 145–154.

[25] Kengo Sengai, ‘Part III: Inventors and Inventors’ Rights – Case No. 13: Rights Over the Invention – Inventorship’, in Christopher Heath and Atsuhiro Furuta (eds.), Japanese Patent Law: Cases and Materials (Kluwer Law International 2019) 145–154.

[26] VTV news (2023), Phát triển công nghiệp công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, https://vtv.vn/cong-nghe/phat-trien-cong-nghiep-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-tai-viet-nam-20230123155007833.htm truy cập ngày 25/10/2023.

Cùng chuyên mục

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  3 tháng trước

Đọc nhiều