Loạt doanh nghiệp bị phạt vì ‘giấu’ thông tin: Những lưu ý đối với doanh nghiệp khi tham gia thị trường chứng khoán
Phương Thúy
Thứ sáu, 22/11/2024 - 08:34
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Nhiều doanh nghiệp liên tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vì hành vi ‘Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật’. Quy định của pháp luật cụ thể ra sao? Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì để tránh bị kiểm tra, xử phạt?
Hàng loạt doanh nghiệp bị phạt vì không công bố thông tin chứng khoán
Chỉ trong trung tuần tháng 11/2024, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vì những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Công ty cổ phần In Hospitality, Công ty cổ phần Xử lý rác thải và năng lượng EU bị phạt 92,5 triệu đồng
Ngày 18/11/2024, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 377/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần In Hospitality (địa chỉ trụ sở chính: 194 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM).
Theo đó, Công ty cổ phần In Hospitality bị xử phạt 92,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP).
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác định, Công ty cổ phần In Hospitality có hành vi vi phạm hành chính: Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Công ty cổ phần In Hospitality không gửi nội dung công bố thông tin (CBTT) cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đối với các tài liệu: Tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022; CBTT không đúng thời hạn đối với các tài liệu sau: Tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2022, Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2022, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2022, Tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2022, BCTC năm 2022, Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022; CBTT không đúng thời hạn về việc hoàn tất mua lại mã trái phiếu PACH1925001 trước hạn.
Cùng vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Công ty cổ phần Xử lý rác thải và năng lượng EU (địa chỉ: Tầng 6, Toà nhà 77-79 đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị xử phạt số tiền 92,5 triệu đồng.
Theo Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty cổ phần Xử lý rác thải và năng lượng EU đã không gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội các tài liệu: Báo cáo Tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu đã được kiểm toán năm 2022, Báo cáo định kỳ Tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022; gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội không đúng thời hạn theo quy định các tài liệu: Báo cáo tài chính bán niên năm 2021, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2021, Báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên năm 2021, Báo cáo tài chính năm 2021, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021, Báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021, Báo cáo tài chính năm 2022, Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022.
Công ty TNHH Đầu tư và tư vấn quản lý Biển Đông bị phạt 85 triệu đồng
Trước đó, ngày 14/11/2024, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 469/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và tư vấn quản lý Biển Đông (địa chỉ trụ sở chính: Phòng 706 tầng 7, Tòa nhà 362 Phố Huế, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Công ty TNHH Đầu tư và tư vấn quản lý Biển Đông bị phạt số tiền 85 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác định, Công ty TNHH Đầu tư và tư vấn quản lý Biển Đông đã có hành vi vi phạm hành chính không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và tư vấn quản lý Biển Đông không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với: Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2021, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2021, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2021, BCTC bán niên 2021, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, BCTC năm 2020, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021.
Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - Công ty cổ phần bị phạt 157,5 triệu đồng
Hồi đầu tháng 11/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 457/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - Công ty cổ phần (địa chỉ: 111A Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) tổng số tiền 157,5 triệu đồng.
Cụ thể, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - Công ty cổ phần bị phạt 92,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do “Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật”.
Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - Công ty cổ phần không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN, trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và trang thông tin điện tử của Tổng Công ty các tài liệu: Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) số 60/NQ-HĐQT ngày 04/3/2022 thông qua chủ trương đầu tư tại Campuchia, Nghị quyết HĐQT số 207/NQ-HĐQT ngày 28/12/2023 về việc phê duyệt các chỉ tiêu kế hoạch tài chính năm 2024 của Tổng Công ty, Nghị quyết HĐQT số 205/NQ-HĐQT ngày 28/12/2023 chấp thuận thông qua các hợp đồng/giao dịch giữa Tổng Công ty với các bên liên quan, các Nghị quyết HĐQT chấp thuận thông qua, chấp thuận chủ trương và phê duyệt nội dung dự thảo hợp đồng giao dịch giữa Tổng Công ty với người liên quan của Tổng Công ty; công bố thông tin không đúng thời hạn các tài liệu: Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán; Nghị quyết HĐQT số 94/NQ-HĐQT ngày 30/3/2022 thông qua chủ trương cho vay và phương pháp cho vay vốn đối với Công ty cổ phần (CTCP) Xây dựng Số 1 Việt Hưng; Nghị quyết HĐQT số 367/NQ-HĐQT ngày 28/12/2022 phê duyệt việc ký kết hợp đồng và thông qua nội dung của dự thảo Hợp đồng thi công giữa Tổng Công ty với người có liên quan của Tổng Công ty, người nội bộ của Tổng Công ty; Nghị quyết HĐQT số 96/NQ-HĐQT ngày 22/6/2023 thông qua phương án toàn bộ các lợi ích do CTCP Đầu tư và Xây dựng Cầu Đồng Nai chia cho Tổng Công ty sẽ dùng để đảm bảo cho việc hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Đường ven biển Hải Phòng trong việc đảm bảo vốn xây dựng và trả nợ Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong; Nghị quyết HĐQT số 54/NQ-HĐQT ngày 06/4/2023 thông qua điều chỉnh Sơ đồ tổ chức đã ban hành theo Nghị quyết HĐQT số 05/NQ-HĐQT ngày 03/01/2023; các Nghị quyết HĐQT thông qua việc chấp thuận vay vốn, phát hành bảo lãnh, L/C với ngân hàng; các Nghị quyết HĐQT thông qua việc chấp thuận đề nghị phát hành cam kết thu xếp tài chính/cam kết tài trợ vốn/cam kết cấp tín dụng, các Nghị quyết HĐQT thông qua việc chấp thuận đề nghị cấp tín dụng/đề nghị xin cấp hạn mức tín dụng tại ngân hàng; Nghị quyết HĐQT số 94/NQ-HĐQT ngày 14/6/2023 điều chỉnh nội dung Điều 1 của Nghị quyết HĐQT Tổng Công ty đã ban hành số 365/NQ-HĐQT ngày 28/12/2022; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được kiểm toán năm 2022, bán niên 2023.
Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - Công ty cổ phần còn bị phạt 65 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do Công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật, các Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021, năm 2022 và năm 2023 chưa đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật theo quy định, cụ thể: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022, 2023 không nêu đầy đủ các Nghị quyết HĐQT và chưa ghi nhận đầy đủ giao dịch với bên liên quan theo Thuyết minh BCTC riêng năm 2022, 2023 đã được kiểm toán; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021 không nêu Nghị quyết HĐQT về giao dịch giữa Tổng Công ty và CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư địa ốc Đất vàng, công ty có thành viên HĐQT Tổng Công ty đã là Tổng Giám đốc trong 3 năm trở lại đây tính tại thời điểm lập báo cáo.
Những lưu ý với doanh nghiệp khi công bố thông tin
Đối tượng nào cần công bố thông tin khi thực hiện phát hành chứng khoán? Đối tượng nào không cần phải công bố thông tin gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán khi phát hành chứng khoán? Việc công bố thông tin khi phát hành chứng khoán được thực hiện thông qua phương tiện nào? Đó là những vấn đề các doanh nghiệp cần lưu ý để tránh bị cơ quan chức năng thanh kiểm tra, xử phạt.
Đối tượng nào cần công bố thông tin khi thực hiện phát hành chứng khoán?
Điều 1 Quy chế Công bố thông tin tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con ban hành kèm theo Quyết định 21/QĐ-SGDVN năm 2021 quy định về đối tượng cần công bố thông tin khi phát hành chứng khoán như sau:
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này hướng dẫn việc công bố thông tin của các đối tượng tham gia thị trường giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (bao gồm Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh). Hoạt động công bố thông tin liên quan tới việc phát hành và giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ thực hiện theo Quy chế riêng.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
b) Tổ chức niêm yết cổ phiếu, tổ chức đăng ký giao dịch, tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp;
c) Tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm;
d) Quỹ đại chúng niêm yết, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng niêm yết;
đ) Nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin theo quy định của pháp luật chứng khoán;
e) Tổ chức, cá nhân có liên quan khác theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Đối tượng nào không cần phải công bố thông tin gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán khi phát hành chứng khoán?
Điều 3 Quy chế Công bố thông tin tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con ban hành kèm theo Quyết định 21/QĐ-SGDVN năm 2021 quy định về việc công bố thông tin như sau:
Quy định chung về việc thực hiện công bố thông tin
Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Quy chế này thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2020/TT-BTC và các hướng dẫn sau:
1. Doanh nghiệp cổ phần hóa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng khi thực hiện công bố thông tin không phải thực hiện báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
2. Đối với các thông tin công bố gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán, các đối tượng thực hiện theo hướng dẫn sau:
a) Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Quy chế này, trừ thành viên giao dịch và thành viên giao dịch đặc biệt, thực hiện công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh nơi chứng khoán đang niêm yết, đăng ký giao dịch;
b) Thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt thực hiện công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt là tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch thực hiện công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Chương III của Quy chế này đồng thời thực hiện công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh nơi chứng khoán đang niêm yết, đăng ký giao dịch theo quy định tại Chương II của Quy chế này.
3. Hoạt động công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Thông tư số 96/2020/TT-BTC , Quy chế này và các quy định khác có liên quan. Thông tin công bố cần phải rõ ràng, dễ hiểu, tránh gây hiểu nhầm cho cổ đông và công chúng đầu tư.
Sở Giao dịch Chứng khoán từ chối tiếp nhận thông tin công bố và không công bố thông tin trên website của Sở Giao dịch Chứng khoán đối với các thông tin công bố sai mẫu, không rõ ràng, hoặc nếu phát hiện là thông tin thiếu chính xác, giả mạo, thông tin không liên quan tới hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc thông tin không thuộc phạm vi phải thực hiện công bố thông tin theo quy định của pháp luật chứng khoán.
...
Như vậy, tất cả các đối tượng đều cần phải thực hiện công bố thông tin tại Sở Giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, riêng đối với thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt không thực hiện công bố thông tin tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM mà phải thực hiện công bố tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Sau khi thực hiện công bố thông tin tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt mới thực hiện công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh nơi chứng khoán đang niêm yết, đăng ký giao dịch.
Việc công bố thông tin khi phát hành chứng khoán được thực hiện thông qua phương tiện nào?
Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 21/QĐ-SGDVN năm 2021 quy định về phương tiện công bố thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư 96/2020/TT-BTC, cụ thể:
Các phương tiện công bố thông tin khi phát hành chứng khoán bao gồm:
- Trang thông tin điện tử (website) của tổ chức là đối tượng công bố thông tin;
- Hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
- Trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán, phương tiện công bố thông tin khác theo Quy chế của Sở giao dịch chứng khoán;
- Trang thông tin điện tử của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
- Các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định pháp luật (báo in, báo điện tử…).
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được ban hành ngày 31/12/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Điều 1. Phạm vi điều chỉnh).
Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Nghị định này (Điều 2).
Vi phạm quy định về công bố thông tin bị phạt bao nhiêu tiền?
Điều 42 của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin, vi phạm mà không ít doanh nghiệp mắc phải khi tham gia thị trường chứng khoán.
Điều 42. Vi phạm quy định về công bố thông tin
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không thực hiện đăng ký, đăng ký lại người công bố thông tin hoặc người được ủy quyền công bố thông tin hoặc không ban hành quy chế về công bố thông tin;
b) Không thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con về địa chỉ trang thông tin điện tử và mọi thay đổi liên quan đến địa chỉ này theo quy định pháp luật.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về phương tiện, hình thức công bố thông tin;
b) Không lưu giữ thông tin công bố theo quy định pháp luật.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 4 Điều 123, khoản 3 Điều 124 Luật Chứng khoán;
b) Công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 4 Điều 123, khoản 3 Điều 124 Luật Chứng khoán;
c) Công bố thông tin cá nhân của chủ thể khi chưa được chủ thể đồng ý.
4. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 4 Điều 123, khoản 3 Điều 124 Luật Chứng khoán;
b) Không xác nhận hoặc đính chính thông tin hoặc xác nhận, đính chính thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật khi có thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán hoặc khi nhận được yêu cầu xác nhận, đính chính thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 4 Điều 123, khoản 3 Điều 124 Luật Chứng khoán.
5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.Bổ sung
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc huỷ bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.
Doanh nghiệp không công bố thông tin: Tác động xấu đến thị trường
Tại Hội nghị doanh nghiệp niêm yết 2024 vừa diễn ra trung tuần tháng 11/2024, bà Trần Anh Đào - Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) - công bố, đến ngày 31/10, HOSE ghi nhận có tổng số 124 doanh nghiệp vi phạm việc công bố thông tin trên sàn giao dịch chứng khoán, giảm khoảng 41% so với năm 2023 (248 trường hợp) và giảm khoảng 35% so với năm 2022.
HOSE đã xử lý 99 trường hợp bằng các biện pháp cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch và đình chỉ giao dịch.
Theo bà Đào, việc giảm các trường hợp vi phạm trong việc công bố thông tin quản trị công ty trên sàn giao dịch chứng khoán có vai trò quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo dựng hình ảnh tích cực trong mắt cộng đồng tài chính quốc tế.
Theo quy định của Bộ Tài chính, từ tháng 1/2025 đến tháng 1/2028, các công ty niêm yết phải thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh bên cạnh công bố bằng tiếng Việt. Lộ trình bắt đầu từ các công ty niêm yết vốn hóa lớn với các báo cáo định kỳ và tiếp sau là các sự kiện bất thường. Lộ trình này có liên quan đến việc thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng sẽ được FTSE và MSCI xếp hạng là thị trường mới nổi lần lượt vào năm 2025-2026 và thu hút hơn 9 tỷ USD dòng vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Theo VTV, khi doanh nghiệp không công bố các thông tin về tình hình tài chính và nợ trái phiếu, cổ đông đối mặt với nguy cơ không thể đánh giá chính xác rủi ro của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin minh bạch, nhà đầu tư như đi trong bóng đêm, không biết doanh nghiệp đang nợ bao nhiêu, tình hình tài chính thực sự ra sao và khả năng thanh toán như thế nào.
Việc không nắm bắt được thông tin kịp thời có thể khiến cổ đông không kịp thoát khỏi các rủi ro lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn từ việc đáo hạn trái phiếu.
Một hệ lụy khác của việc vi phạm công bố thông tin là doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư tổ chức và các quỹ đầu tư lớn.
“Các quỹ đầu tư quốc tế và ngân hàng rất coi trọng yếu tố minh bạch. Khi doanh nghiệp bị xử phạt hoặc mất uy tín, họ sẽ ngần ngại rót vốn, làm tăng chi phí huy động vốn của công ty” - VTV dẫn lời Giám đốc một quỹ đầu tư.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, vi phạm công bố thông tin có thể dẫn đến việc công ty bị đình chỉ giao dịch hoặc thậm chí hủy niêm yết. Khi điều này xảy ra, các cổ đông sẽ mất khả năng giao dịch cổ phiếu trên thị trường chính thức, khiến giá trị tài sản của họ bị giảm mạnh và khả năng thanh khoản gần như không còn. Đây là một trong những rủi ro lớn nhất mà cổ đông phải đối mặt khi đầu tư vào những doanh nghiệp vi phạm.
Vi phạm công bố thông tin không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho cả doanh nghiệp lẫn cổ đông. Trong khi doanh nghiệp có thể phải đối mặt với khó khăn trong việc huy động vốn và phát triển, các cổ đông lại chịu thiệt hại nặng nề về giá trị cổ phiếu và niềm tin. Thị trường chứng khoán chỉ có thể phát triển bền vững khi có sự minh bạch và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo đã đưa ra phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
(PLPT) - Hai nam thanh niên ở Thanh Hóa vừa bị khởi tố vì có hành vi xúc phạm Quốc kỳ và phá hoại tài sản người dân. Pháp luật hiện hành quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ như thế nào?
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?