Miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là một trong những biện pháp xử lý khoan hồng thể hiện nhất quán chính sách của Nhà nước là việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là nhằm giáo dục, thuyết phục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Phân hóa trách nhiệm hình sự là một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật hình sự, phân hóa trách nhiệm hình sự có mối quan hệ mật thiết với các nguyên tắc khác của Luật hình sự như nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc công bằng, nguyên tắc cá thể hóa hình phạt…
Vì vậy, nghiên cứu về phân hóa trách nhiệm hình sự trong các biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội để trên cơ sở đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự là một việc làm có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Bài viết sẽ tập trung phân tích, đánh giá làm rõ các vấn đề như: Cơ sở, nội dung và đòi hỏi của phân hóa trách nhiệm hình sự trong các biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; quy định của BLHS 2015 về các biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội và thực tiễn áp dụng một số biện pháp này như miễn hình phạt, án treo, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh từ năm 2016 đến năm 2020 để qua đó làm cơ sở đưa ra những đề xuất hoàn thiện quy định về các biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.
Có thể nói, với chính sách hình sự khoan hồng trên cơ sở đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm của người chưa thành niên phạm tội mà BLHS 2015 đã quy định nhiều biện pháp xử lý khoan hồng, thể hiện rõ nhất là quy định các biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự.
Cần thiết phân hóa trách nhiệm hình sự trong quy định miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội
Phân hóa trách nhiệm hình sự trong quy định các biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội phải xuất phát từ cơ sở là tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và đặc điểm về nhân thân của người chưa thành niên phạm tội.
Mức độ lỗi là một trong những căn cứ đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mức tuổi của người chưa thành niên phạm tội là một trong những tiền đề đánh giá về lỗi. Bởi lẽ, con người từ khi sinh ra và phát triển thể hiện ở hai mặt là mặt tự nhiên và mặt xã hội – mặt tự nhiên là nói về đặc điểm sinh học hay thể chất của con người, còn mặt xã hội là thể hiện khả năng nhận thức của con người.
Đối với một người phát triển bình thường thì mặt tự nhiên và mặt xã hội của họ sẽ cùng phát triển, hoàn thiện theo thời gian; trải qua một thời gian nhất định thì các yếu tố sinh học của con người sẽ dần hoàn thiện, phát triển đầy đủ và chỉ khi con người phát triển đầy đủ về thể chất thì mới có đủ khả năng nhận thức về thế giới khách quan. Do đó, con người chưa phát triển đầy đủ về thể chất thì khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ bị hạn chế.
Do vậy, cần phân hóa trách nhiệm hình sự đối với độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội - phân hóa trách nhiệm hình sự trong trường hợp này không chỉ thể hiện trong việc quy định các biện pháp trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên mà còn phải được thể hiện trong các biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự, trong đó có các biện pháp miễn, giảm hình phạt.
Như vậy, trên cơ sở nội dung, bản chất của phân hóa trách nhiệm hình sự. Để hiện thực hóa tinh thần của phân hóa trách nhiệm hình sự trong biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội đòi hỏi BLHS khi quy đinh các biện pháp này phải chứa đựng được các yêu cầu, đòi hỏi:
Thứ nhất, nội dung của các biện pháp miễn, giảm hình phạt phải phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội và nhân thân của người chưa thành niên phạm tội.
Thứ 2, các biện pháp miễn giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội phải có sự đa dạng, phong phú các biện pháp áp dụng trên cơ sở có sự phân hóa về mức độ khoan hồng phù hợp từng mức độ nguy hiểm của tội phạm do người chưa thành niên thực hiện và đặc điểm nhân thân của người chưa thành niên phạm tội. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính khả thi cũng như hiệu quả của biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Các biện pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm
Các biện pháp miễn, giảm hình phạt quy định trong BLHS 2015 bao gồm: Miễn hình phạt; Miễn chấp hành hình phạt; Giảm mức phạt đã tuyên; Án treo; Tha tù trước thời hạn có điều kiện; Hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, trong đó có 2 trường hợp BLHS có quy định để áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội là trường hợp Giảm mức hình phạt đã tuyên quy định tại Điều 105 BLHS và Tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 106 BLHS.
Miễn hình phạt
Miễn hình phạt là trường hợp không buộc người phạm tội phải chịu hình phạt về tội phạm mà người đó đã thực hiện[1]. Thẩm quyền miễn hình phạt do Tòa án quyết định. Phạm vi miễn hình phạt bao gồm miễn hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo quy định tại khoản 2 Điều 69 BLHS thì người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. Như vậy, hậu quả pháp lý của việc miễn hình phạt là không gây án tích cho người phạm tội.
Điều kiện miễn hình phạt được quy định tại Điều 59 BLHS. Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức miễn TNHS. Như vậy, để được miễn hình phạt đòi hỏi phải có các điều kiện sau: Có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Có nhiều tình tiết giảm nhẹ tức là có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và phải là tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Cần lưu ý là không được lấy tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 vào áp dụng cho trường hợp này. Người phạm tội đang được khoan hồng đặc biệt. Đây là điều kiện mang tính đánh giá của Hội đồng xét xử bởi nó không định lượng cụ thể điều kiện áp dụng.
Thực tiễn xét xử cho thấy rằng, đáng được khoan hồng đặc biệt thường được đánh giá trong trường hợp tội phạm mà người thực hiện gây nguy hại không lớn, tác hại cho xã hội không đáng kể, người phạm tội có nhiều yếu tố đáng được khoan hồng như già yếu hoặc thuộc đối tượng chính sách. Chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự. Theo quy định của BLHS 2015 thì hiện nay BLHS chưa có quy định miễn hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.
Vì vậy để tạo thuận lợi cho việc áp dụng biện pháp này, BLHS nên có quy định miễn hình phạt cho người chưa thành niên phạm tội theo hướng mở rộng điều kiện áp dụng biện pháp này bằng việc quy định có nhiều tình tiết giảm nhẹ trong đó có ít nhất một tình tiết quy định tại Khoản 1 Điều 51 BLHS và chưa đến mức áp dụng biện pháp miễn trách nhiệm hình sự là chưa đến mức áp dụng các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định trong BLHS. Quy định này thể hiện yêu cầu của phân hóa trong việc quy định hệ thống các biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội vì miễn hình phạt là biện pháp có mức độ khoan hồng thấp hơn miễn trách nhiệm hình sự. Mặt khác, để tạo tính thống nhất, đồng bộ trong quy định và áp dụng cũng như triệt để trong thực hiện chính sách xử lý chuyển hướng nên chăng quy định người chưa thành niên được miễn hình phạt có thể áp dụng các biện pháp quy định tại các Điều 93, 94, 95 BLHS.
Án treo
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Thực tiễn xét xử của Toà án cho thấy rằng án treo có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm và là một biện pháp thiết thực làm nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng[2].
Mặc dù Án treo cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Án treo trong thực tiễn xử lý người chưa thành niên phạm tội, đồng thời cũng bảo đảm phân hóa trách nhiệm hình sự thì cần phải có quy định Án treo đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng mở rộng điều kiện áp dụng Án treo theo hướng quy định rõ trong BLHS là có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 51 BLHS[3] và để đảm bảo sự phân hóa trách nhiệm hình sự thì nên quy định thời gian thử thách là từ 01 năm đến 04 năm cùng với việc chế đội giám sát, giáo dục phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên phạm tội.
Miễn chấp hành hình phạt
Miễn chấp hành hình phạt được hiểu là không buộc người bị kết án phải chấp hành một phần hoặc toàn bộ hình phạt đã tuyên gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung[4]. Tuy nhiên, người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.
Trong các trường hợp miễn chấp hành hình phạt thì chưa có trường hợp nào có quy định áp dụng riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Trên cơ sở tính chất của biện pháp miễn chấp hành hình phạt và điều kiện áp dụng các trường hợp miễn chấp hành hình phạt cụ thể thấy rằng nên có quy định riêng áp dụng miễn chấp hành hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 60 BLHS – Đây trường hợp miễn chấp hành hình phạt do hết thời hiệu thi hành bản án nên có quy định thời hiệu thi hành bản án theo hướng giảm bớt thời hiệu đối với người chưa thành niên cho phù hợp với yêu cầu của phân hóa trách nhiệm hình sự.
Giảm mức hình phạt đã tuyên
Giảm mức hình phạt đã tuyên là biện pháp tiết giảm một phần các nội dung cưỡng chế trong hình phạt đã áp dụng. Biện pháp này được áp dụng khi người phạm tội đã trải qua một khoảng thời gian nhất định của việc chấp hành hình phạt. Quá trình đó người bị kết án đã thể hiện sự tích cực và tiến bộ trong việc tự cải tạo bản thân mình hoặc phải lâm vào hoàn cảnh khách quan đặc biệt. Trong BLHS 2015, giảm mức hình phạt đã tuyên được quy định tại Điều 63, Điều 64 và Điều 40 BLHS
Đối với người chưa thành niên phạm tội, BLHS 2015 quy định biện pháp giảm mức hình phạt đã tuyên tại Điều 105 BLHS, với quy định tại Điều 63, 64 BLHS thì quy định tại Điều 105 BLHS khi áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ngoài lược bỏ những điều kiện không phù hợp thì BLHS cơ bản quy định mức giảm cao hơn và thời gian để được xét giảm ngắn hơn. Quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội cơ bản là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 105 BLHS về điều kiện bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra nên bổ sung thêm do dịch bệnh để phù hợp với thực tiễn.
Tha tù trước thời hạn có điều kiện
Việc Bộ luật hình sự 2015 quy định biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện vào hệ thống các biện pháp miễn giảm không chỉ có ý nghĩa làm đa dạng thêm các lựa chọn khi áp dụng các biện pháp miễn giảm trách nhiệm hình sự mà từ thực tiễn áp dụng và hiệu quả của án treo cho thấy việc bổ sung biện pháp này là một việc làm cần thiết đối với công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định tại Điều 66 BLHS và Tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Điều 106 BLHS 2015.
Điều 106 BLHS quy định: “ Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 66 của Bộ luật này có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây: Phạm tội lần đầu;Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; Có nơi cư trú rõ ràng; Đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù” Như vậy, khi áp dụng đối với người chưa thành niên chỉ quy định rút ngắn thời hạn để áp dụng biện pháp này xuống còn một phần ba so với một phần hai quy định đối với người chưa thành niên, còn điều kiện đã chấp hành xong hình phạt bổ sung thì đương nhiên không áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Quy định tại Điều 106 BLHS cơ bản là phù hợp với đòi của thực tiễn. Tuy nhiên, cũng như án treo, đối với người chưa thành niên thì chế độ chấp hành các nghĩa vụ mang tính giám sát, giáo dục nên có quy định riêng phù hợp với đặc điểm nhân thân của người chưa thành niên phạm tội.
Hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt
Hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt là hai biện pháp được áp dụng khác nhau về thời điểm song về cơ bản hai biện pháp này có cùng tính chất. Theo quy định tại khoản 1 Điều 67 BLHS và Điều 68 BLHS thì người bị kết án phạt tù có thể được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp sau đây: Người bị xử phạt tù bị bệnh nặng được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục; Người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho đến khi con được 36 tháng tuổi; Người bị kết án phạt tù là lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù hoặc tiếp tục chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần nhưng tổng thời gian được hoãn hoặc tạm đình chỉ tối đa là một năm trừ trường hợp bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác. Do nhu cầu công vụ, người bị kết án về tội ít nghiêm trọng được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần nhưng tổng số thời gian được hoãn hoặc tạm đình chỉ tối đa là một năm.
Trong thực tiễn dù rằng tần suất áp dụng còn hạn chế song hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là biện pháp được áp dụng chỉ sau án treo,[5]điều này chứng tỏ các biện pháp này có hiệu quả trong thực tiễn áp dụng.
Đối với người chưa thành niên, để thuận lợi trong việc áp dụng nên có văn bản hướng dẫn áp dụng các trường hợp quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Điều 67 BLHS cho người chưa thành niên phạm tội theo hướng chi tiết các điều kiện phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên.
Tăng cường hiệu quả của các biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội
Qua phân tích các quy định của BLHS 2015 về các biện pháp miễn, giảm hình phạt nói chung và miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nói riêng thấy rằng các biện pháp này cơ bản đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa hiệu quả của các biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, đồng thời để đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của phân hóa trách nhiệm hình sự thì các biện pháp này vẫn còn một số hạn chế sau đây:
Thứ nhất, xét trên trên phương diện tổng thể các biện pháp miễn, giảm thì miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội chưa được xây dựng thành một hệ thống đồng bộ, thống nhất dựa trên đòi hỏi của phân hóa trách nhiệm hình sự.
Thứ 2, trong quy định của các biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội còn một số hạn chế nhất định cần được sửa đổi để phù hợp hơn khi áp dụng đối với người chưa thành niên như quy định về miễn hình phạt, án treo, miễn chấp hành hình phạt.
Khắc phục những thiếu sót trên vừa đảm bảo tính hiệu quả, tính khả thi trong thực tiễn áp dụng vừa đảm bảo đòi hỏi của phân hóa trách nhiệm hình sự cũng như các nguyên tắc khác của Luật hình sự trong quy định và áp dụng các biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.
Để tăng cường hiệu quả của các biện pháp miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trên cơ sở phù hợp với đòi hỏi của phân hóa trách nhiệm hình sự và các nguyên tắc khác của Luật hình sự, cần bổ sung quy định miễn hình phạt và án treo áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng mở rộng điều kiện áp dụng, giảm bớt thời gian thử thách trên cơ sở bảo đảm các biện pháp quản lý, giáo dục tạo điều kiện cho người chưa thành niên tự tu dưỡng trong sự giám sát chặt chẽ của gia đình, cộng đồng và xã hội. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong một số biện pháp miễn, giảm hình phạt cho phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên phạm tội nhằm đảm bảo tính hiệu quả, tính khả thi trong thực tiễn áp dụng./.
[1] Mai Khắc Phúc, luận văn cao học, trường Đại học Luật tp Hồ Chí Minh 2006, trang 65
[2] Xem phụ lục
[3] Quy định rõ có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 51 BLHS vừa thể hiện sự nhất quán khi áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội vừa tránh sự tùy tiện trong hướng dẫn áp dụng trong thực tiễn
[4] Mai Khắc Phúc, luận văn cao học, trường Đại học Luật tp Hồ Chí Minh 2006, trang 68
[5] Xem phụ lục
Ths. MAI KHẮC PHÚC (Đại học Luật TP.HCM)