Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng

Thứ tư, 04/09/2024 - 13:56
Nghe audio
0:00

Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là tiêu chí cần thiết để đánh giá tính hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Từ kết quả thu hồi tài sản tham nhũng tại tỉnh Bắc Giang những năm gần đây, tác giả làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản đối với các vụ án tham nhũng, đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật, giải pháp về nghiệp vụ góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thời gian tới.

1. Một số khó khăn, vướng mắc khi thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án đối với các vụ án tham nhũng ở Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh Bắc Giang nhận thấy, tình hình tội phạm tham nhũng xảy ra trên địa bàn tỉnh có diễn biến khá phức tạp. Các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với tội phạm tham nhũng đã phát hiện chủ yếu ở các lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, tài chính, quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai và gần đây bao gồm cả khu vực ngoài nhà nước trong hoạt động quản lý tài chính, tài sản của các doanh nghiệp, về kinh doanh bất động sản, ngân hàng,... Các đối tượng phạm tội tham nhũng bị phát hiện khởi tố chủ yếu là cán bộ ở huyện, xã; một số đối tượng được giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong các công ty, doanh nghiệp… đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi phạm tội.

Trước tình hình đó, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh đã ban hành nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo; thường xuyên kiểm tra sát sao VKSND hai cấp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, các quy chế, quy định của ngành và nghị quyết của Ban cán sự đảng. Nhờ đó, chất lượng công tác kiểm sát trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên. Trong quá trình giải quyết vụ án, VKSND hai cấp đã chủ động đề ra yêu cầu điều tra, phối hợp với các cơ quan tố tụng cũng như các cơ quan hữu quan tập trung vào việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt hoặc bị thiệt hại. Cùng với việc chứng minh tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng các biện pháp xác minh nguồn gốc tài sản, hạn chế các đối tượng có liên quan tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội giao nộp tài sản để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, VKSND hai cấp cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Cụ thể:

- Trong quy định pháp luật về thu hồi tài sản:

Thứ nhất, còn thiếu các biện pháp để bảo đảm việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng từ giai đoạn tiền khởi tố. Theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021, các biện pháp trực tiếp tác động vào tài sản nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản bao gồm: Kê biên tài sản (Điều 128) và phong tỏa tài khoản (Điều 129). Tuy nhiên, biện pháp kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo, tức là chỉ áp dụng sau khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, còn biện pháp phong tỏa tài khoản mặc dù được áp dụng với người bị buộc tội trước khi khởi tố vụ án nhưng phạm vi áp dụng chỉ đối với người có tài khoản (có số dư) tại tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước. Như vậy, hiện nay chưa có biện pháp tác động trực tiếp vào tài sản (không phải tiền trong tài khoản) của người bị buộc tội từ giai đoạn tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.

Thứ hai, khó khăn trong việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thu hồi tài sản. Theo quy định của pháp luật, khi áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Trên thực tế, khi giải quyết các vụ án tham nhũng, việc xác định giá trị tài sản chiếm đoạt, giá trị tài sản thiệt hại gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có những vụ án sau khi truy tố, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung để xác định lại giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị thiệt hại. Vì vậy, để tránh hậu quả của việc xác định chưa đúng giá trị tài sản trong vụ án tham nhũng, khi kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản, Viện kiểm sát nhận thấy cơ quan tiến hành tố tụng còn hạn chế áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản. Điều đó được minh chứng bởi thực tế tài sản thu hồi được chủ yếu do người phạm tội hoặc thân nhân của người phạm tội tự nguyện khắc phục mà không xuất phát từ việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trên.

Thứ ba, thiếu các quy định pháp luật để phục vụ việc xác minh nguồn gốc tài sản, giá trị tài sản. Trên thực tế, khi kiểm sát hoạt động xác minh tài sản của Cơ quan điều tra cho thấy, phần lớn tài sản xác minh nhưng không kê biên được do có liên quan đến đồng sở hữu, việc thu hồi tài sản phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng sở hữu nên việc xử lý tài sản để thu hồi gặp nhiều khó khăn.

- Công tác thu hồi tài sản trong các giai đoạn giải quyết vụ án tham nhũng:

Thứ nhất, việc xử lý các tội phạm về tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Do các vụ án tham nhũng có tính chất phức tạp, khó xác định giá trị tài sản chiếm đoạt, giá trị tài sản bị thiệt hại, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thủ đoạn che giấu, tẩu tán tài sản, hợp thức hóa tài sản tham nhũng trở nên rất tinh vi. Bên cạnh đó, hầu hết hành vi phạm tội xảy ra sau thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý; do đó, người phạm tội có thời gian, điều kiện để tẩu tán hoặc sử dụng hết tài sản tham nhũng; nhất là các vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ, người phạm tội sử dụng tài sản tham nhũng vào phục vụ việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, dồn điền đổi thửa, tu sửa đình chùa và nhiều phương thức, thủ đoạn khác nên không có điều kiện thu hồi.

Thứ hai, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vẫn chưa chú trọng việc xác minh tài sản. Trong một số vụ án, Cơ quan điều tra không xác minh tài sản của bị can và đối tượng liên quan trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì tài sản riêng của bị can không còn. Thực tế, Cơ quan điều tra thường chỉ tập trung điều tra, làm rõ tội phạm, chưa chú trọng việc điều tra, xác minh, truy tìm tài sản kịp thời nên việc xác minh tài sản chưa hiệu quả, không đủ cơ sở để áp dụng biện pháp thu hồi tài sản.

Thứ ba, trong giai đoạn truy tố, tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp; khó khăn xuất phát từ thời hạn truy tố ngắn, không có nhiều nhân lực nên Kiểm sát viên gặp bất lợi trong việc tiến hành xác minh tài sản, tiến hành các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thu hồi tài sản. Bên cạnh đó, phần lớn tài sản tham nhũng được thu hồi chủ yếu từ người phạm tội hoặc thân nhân của họ tự nguyện khắc phục.

Thứ tư, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đôi lúc chưa chú trọng đến phần trách nhiệm dân sự. Trên thực tế, đối với vụ án tham nhũng có nhiều bị cáo cùng thực hiện tội phạm, về nguyên tắc là xử lý trách nhiệm hình sự như nhau, tuy nhiên, vai trò của những người đồng phạm là khác nhau; do đó phần hình phạt và trách nhiệm dân sự có sự phân hóa. Tuy nhiên, Toà án mới chỉ tập trung cá thể hoá về hình phạt mà chưa xác định rõ tỉ lệ bồi thường của các bị cáo, thay vào đó sẽ tuyên liên đới bồi thường. Tỉ lệ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ được tính trên tổng số giá trị tài sản chiếm đoạt, thiệt hại, điều này làm giảm thiện chí bồi thường của từng bị cáo.

Thứ năm, khi kiểm sát thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, nhận thấy giai đoạn thi hành án có tính chất quan trọng khi chuyển hoá các biện pháp tố tụng thành kết quả thu hồi tài sản, tuy nhiên tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở giai đoạn thi hành án còn thấp. Một phần liên quan đến vấn đề xác định nguồn gốc tài sản để thực hiện việc tịch thu, thu hồi tiền, tài sản, mặt khác, do các giai đoạn tố tụng trước đó chưa làm tốt công tác kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản làm cho bị cáo đã che giấu, tẩu tán tài sản nên đến giai đoạn thi hành án thì xác minh không có điều kiện để thi hành án.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

Một là, cần quy định các biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản áp dụng đối với tài sản của người bị buộc tội từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trước hết, phải xác định quy định những biện pháp trên tinh thần biện pháp bảo đảm, không phải biện pháp cưỡng chế, do đó, tài sản bị phong tỏa, bị tạm giữ, bị thu giấy tờ có thể không phải là tài sản đã bị chiếm đoạt, đã gây thiệt hại nhưng vẫn áp dụng biện pháp bảo đảm nhằm mục đích phục vụ việc thu hồi tài sản, bảo đảm bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chủ thể gây thiệt hại.

Hai là, quy định các biện pháp phong toả tài sản, tạm giữ tài sản, tạm giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thì giá trị tài sản bị phong toả không nhất thiết phải tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ các biện pháp này được áp dụng nhằm hạn chế việc đăng ký, giao dịch, tẩu tán tài sản, thay đổi hiện trạng tài sản mà không làm thay đổi quyền sở hữu đối với tài sản bị phong toả, tạm giữ.

Ba là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc đề ra yêu cầu xác minh tài sản, bao gồm xác minh nguồn gốc tài sản và giá trị tài sản bao gồm cả những tài sản không phải là đối tượng của tội phạm hoặc liên quan đến hành vi phạm tội. Khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra tội phạm Viện kiểm sát ban hành yêu cầu xác minh theo hướng gắn yêu cầu xác minh tài sản với yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự. Từ đó, có cơ chế buộc Cơ quan điều tra thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát.

Bốn là, khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, Kiểm sát viên cần kiểm tra tài liệu, chứng cứ để làm rõ dấu hiệu tội phạm tham nhũng có yếu tố chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại, thất thoát tài sản để kịp thời ban hành yêu cầu kiểm tra, xác minh trong đó có yêu cầu xác minh tài sản. Thực tế, đối với tội phạm tham nhũng thường áp dụng biện khám xét, Kiểm sát viên nên kết hợp xác minh tài sản, từ đó làm căn cứ truy vết tài sản tại các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, văn phòng đăng ký đất đai, truy nguyên nguồn gốc tài sản đứng tên cá nhân, đồng sở hữu chung để xem xét áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc giao dịch, thay đổi hiện trạng, tẩu tán tài sản.

Năm là, trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án. Trường hợp Cơ quan điều tra áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thu hồi tài sản theo quy định, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo để có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện, trường hợp Cơ quan điều tra vẫn không thực hiện thì Viện kiểm sát thực hiện quyền trực tiếp áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thu hồi tài sản, đồng thời ra văn bản kiến nghị vi phạm đối với Cơ quan điều tra.

Sáu là, ở giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát có quyền quyết định việc áp dụng, thay thế, hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Trường hợp bị can hoặc gia đình bị can đã khắc phục toàn bộ hậu quả thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo đề xuất hủy bỏ lệnh kê biên tài sản, phong toả tài khoản. Trường hợp chưa áp dụng các biện pháp trên mà phát hiện bị can có tài sản cần kê biên, có tài khoản cần phong toả thì để xuất ra lệnh áp dụng là cơ sở để Toà án quyết định áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản. Đồng thời, Kiểm sát viên chủ động, tích cực trong việc thuyết phục, khuyến khích người phạm tội giao nộp tài sản hoặc tác động thân nhân khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Bảy là, khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên cần đề nghị Hội đồng xét xử xác định rõ tỉ lệ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả của các bị cáo trong vụ án có đồng phạm căn cứ vào tính chất, vai trò tham gia thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo. Trên cơ sở xác định rõ tỉ lệ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả của các bị cáo, một mặt để áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”, mặt khác là cơ sở quan trọng để thi hành án.

Tám là, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ về thủ tục tống đạt, niêm yết công khai các quyết định về thi hành án, kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án và việc xử lý, định giá tài sản thi hành án, nhất là trong trường hợp có liên quan đến đồng sở hữu. Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp để tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.

ThS. Vũ Thị Hoa

Theo: kiemsat.vn

Cùng chuyên mục

Quy định pháp luật về việc góp vốn sau khi thành lập công ty cổ phần

Quy định pháp luật về việc góp vốn sau khi thành lập công ty cổ phần

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  16 giờ trước

(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.

Từ vụ 8 người trong gia đình dùng bom xăng tấn công lực lượng chức năng: Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Từ vụ 8 người trong gia đình dùng bom xăng tấn công lực lượng chức năng: Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  17 giờ trước

(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  17 giờ trước

(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Người đàn ông bị khởi tố vì đăng tải thông tin xuyên tạc: Quy định của pháp luật về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội

Người đàn ông bị khởi tố vì đăng tải thông tin xuyên tạc: Quy định của pháp luật về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?

Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc bán trên Tiktok Shop: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử lý ra sao?

Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc bán trên Tiktok Shop: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử lý ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?

Giả mạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá: Buôn lậu thuốc lá bị xử lý như thế nào?

Giả mạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá: Buôn lậu thuốc lá bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh 2.000 tỷ đồng: Quy định của pháp luật với hành vi đánh bạc qua không gian mạng

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh 2.000 tỷ đồng: Quy định của pháp luật với hành vi đánh bạc qua không gian mạng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Giả danh cán bộ lừa đảo 'chạy án' bằng tiền điện tử USDT: Hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý như thế nào?

Giả danh cán bộ lừa đảo 'chạy án' bằng tiền điện tử USDT: Hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?

Đọc nhiều