"Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay" - cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 (tháng 12/2023).
Phát biểu tại Hội nghị ngoại giao thứ 29, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chính bản chất nhân nghĩa, hòa hiếu, khoan dung của dân tộc đã giúp ngoại giao Việt Nam xóa bỏ hận thù và san lấp khoảng cách giữa nước ta với các nước, kể cả với những nước vốn là cựu thù của đất nước ta”.
Tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc
Nhờ đường lối đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo, Việt Nam đã phá được thế bị bao vây, cấm vận, từng bước mở cửa hội nhập với thế giới. Trong đó, bước ngoặt đáng chú ý là trong năm 1995, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ; ký kết Hiệp định khung với EU và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đến nay, Việt Nam là thành viên của hầu hết tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng, đã hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế.
Những thành tựu về đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam được tóm tắt trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt là, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ”.
Đáng chú ý, trong năm 2023, chúng ta đã tổ chức thành công hàng chục chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và đón 28 đoàn lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Việt Nam, trong đó có chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước. Các hoạt động này tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thông qua đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả.
Mới đây nhất, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (từ 18 - 20/8), theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chương trình hoạt động hết sức phong phú và đầy ý nghĩa với 18 hoạt động trong hơn 2 ngày. Tại các cuộc trao đổi, hai bên đã đạt nhận thức chung rộng rãi về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo định hướng “6 hơn”. Theo đánh giá của các chuyên gia, học giả Trung Quốc, chuyến thăm là lựa chọn chiến lược dựa trên sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước, thể hiện lập trường nhất quán và lựa chọn chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.
Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Kể từ khi LHQ chính thức kết nạp Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 149 vào năm 1977, chúng ta đã không ngừng nỗ lực, chủ động và trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu chung của thế giới, nhất là việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của LHQ.
Ngày 27/5/2014, Trung tâm GGHB Việt Nam được thành lập. Ngay khi ra mắt, Trung tâm đã cử 2 sĩ quan đầu tiên đi làm nhiệm vụ cùng Phái bộ GGHB của LHQ tại Nam Sudan. Và trong 10 năm Việt Nam triển khai lực lượng tham gia sứ mệnh GGHB, chúng ta đã cử trên 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị. Số lượng cán bộ, sĩ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của LHQ. Cùng với việc hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp thúc đẩy hợp tác, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực; cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ…
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 (tháng 1/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vị trí quan trọng này (chỉ hơn 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên) với số phiếu bầu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) cho thấy vị thế của đất nước và sự tín nhiệm cao của quốc tế đối với chính sách đối ngoại của chúng ta… Việt Nam đã khẳng định được năng lực điều hành, từng bước thể hiện rõ vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các hội nghị Hội đồng Bảo an với nhiều dấu ấn tích cực, được các nước ủy viên Hội đồng Bảo an, kể cả các nước ủy viên thường trực, các nước bạn bè truyền thống, đang phát triển, các nước trong Phong trào không liên kết... coi trọng, đánh giá cao.
Trên thực tế, Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế tín nhiệm đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong nhiều tổ chức quan trọng của LHQ như: Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1998 - 2000, 2016 - 2018), Hội đồng Nhân quyền (2014 - 2016, 2023 - 2025), Ủy ban Luật pháp Quốc tế (2017 - 2021, 2023 - 2027)…
Tại cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức nước ta vào năm 2022, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ ấn tượng về những nỗ lực của Việt Nam trong việc vượt qua những khó khăn sau chiến tranh, đạt được những thành tựu phát triển to lớn. Ông nhấn mạnh: “LHQ tự hào khi được là đối tác của Việt Nam”, “Việt Nam là một tấm gương vô cùng đặc biệt. Tất cả những nỗ lực mà Việt Nam đã thể hiện trong thời gian qua là một sự đột phá. Việt Nam và Nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng”. Người đứng đầu LHQ cũng khẳng định, LHQ coi tiếng nói của Việt Nam là tiếng nói của các nước đang phát triển; đồng thời tin tưởng Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn và tiếng nói của Việt Nam là “tiếng nói của phát triển”.
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn, như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Hợp tác đầu tư ngày càng mở rộng, hiệu quả
Nhờ môi trường đầu tư luôn được cải thiện với nhiều ưu thế vượt trội, hấp dẫn, Việt Nam đã trở thành điểm đến tin cậy của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Đặc biệt, sau gần hai thập kỷ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến nay, Việt Nam đã trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có thương mại quốc tế lớn hàng đầu thế giới; trở thành quốc gia duy nhất đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu. Việt Nam đã tham gia một số FTA thế hệ mới, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) - EVFTA. Theo Trung tâm WTO và hội nhập, tính đến tháng 5/2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 19 FTA.
Từ những cam kết cụ thể và mạnh mẽ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, chưa bao giờ Việt Nam đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách đầy hứng khởi đến thế. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính luỹ kế đến tháng 2/2024, Việt Nam thu hút được 39.553 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 473,065 tỷ USD đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những con số ấn tượng trên đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài khi chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất an toàn, để rồi sau đó, các cơ hội hợp tác đầu tư lên tới hàng tỷ USD lần lượt được mở ra.
Trong chuyến thăm tới Việt Nam hồi tháng 5/2023, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá, “thành công của Việt Nam là một kỳ tích”, đồng thời truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại phục vụ phát triển đất nước.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.