Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁM SÁT CỦA NHÂN DÂN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG THEO YÊU CẦU CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TW
Nguyễn Hưng Quang*
Tóm tắt: Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra vấn đề giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có hoạt động tố tụng. Dựa trên cách tiếp cận về vai trò giám sát của công chúng để bảo đảm quyền xét xử công bằng theo kinh nghiệm quốc tế, bài viết đã phân tích thực tiễn của Việt Nam về cơ chế giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tố tụng trong thời gian qua và đưa ra đề xuất nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động của cơ chế này.
Từ khoá: Giám sát của Nhân dân, giám sát công chúng, giám sát xã hội, giám sát hoạt động tố tụng, giám sát hoạt động tư pháp.
Abstract: Resolution No. 27-NQ/TW of the Central Committee of Communist Party on Continuing to Build and Perfect the Socialist State of Vietnam in the New Ear raises the issue of People's oversight on activities of state agencies, including litigation activities. Based on the approach of the role of public oversight to ensure the right to a fair trial according to international experience, the article analyzes Vietnam's practice of People's oversight on proceedings in recent times and propose a number of issues to improve the quality of this mechanism.
Keywords: People’s oversight, public oversight, social oversight, supervision on litigation, supervision on judicial activities.
I. Đặt vấn đề
Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW) đề ra quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân”[1]. Dựa trên quan điểm này, Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó yêu cầu:“xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”; “hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”[2].
Chưa có nhiều công trình nghiên cứu vấn đề giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tố tụng nói riêng và hoạt động tư pháp nói chung tại Việt Nam như vấn đề giám sát của Nhân dân đối với hoạt động nhà nước khác để xác định cơ chế giám sát này gồm những chủ thể nào thực hiện công tác giám sát và những chủ thể nào chịu sự giám sát. Một số nghiên cứu về nội dung này cho rằng hoạt động giám sát nhân dân không phải là giám sát có tính quyền lực, không có tính chính thức vì không phải do cơ quan nhà nước thực hiện, nhưng có tính độc lập và công khai, không lệ thuộc vào cơ quan nhà nước, không chỉ dựa vào luật pháp mà còn dựa vào đạo lý, quy tắc ứng xử, chuyên môn nghề nghiệp. Hoạt động này có tính đa dạng, vừa có tính chuyên nghiệp và vừa có tính xã hội, không tốn kém cho ngân sách của nhà nước như hình thức giám sát của Nhà nước, hỗ trợ cho hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát của Nhà nước. Kết quả của hoạt động này không phải là xử lý trực tiếp mà kiến nghị cơ quan Nhà nước thực hiện[3]. Đối với giám sát Nhân dân trong hoạt động tư pháp, hoạt động này hiện nay đang tập trung nhiều vào hoạt động xét xử và cần thiết phải nâng cao vai trò giám sát của nhân dân trong hoạt động điều tra và truy tố. Công việc này thực hiện thông qua hoạt động Hội thẩm, Luật sư, MTTQVN, dư luận xã hội và phương tiện thông tin đại chúng, phản biện xã hội, giám sát xã hội và giám định xã hội. Các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) là những cơ quan nhà nước, thực hiện công tác giám sát theo sự phân công của quyền lực Nhà nước, không thuộc vào cơ chế giám sát Nhân dân hay giám sát xã hội.[4]
Liên Hợp Quốc có nhiều nghiên cứu về vấn đề giám sát công chúng đối với hoạt động tư pháp. Các nghiên cứu này tiếp cận theo hướng giám sát công chúng đối với hoạt động tư pháp là để nhằm bảo đảm quyền được xét xử công bằng (fair trial) trong tố tụng hình sự theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Các Quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR), Tuyên ngôn nhân quyền, Công ước Cấm Tra tấn và Đối xử vô nhân đạo, tàn ác và làm nhục[5]. Cơ quan Phòng chống Tội phạm và Ma tuý của Liên Hợp Quốc (UNODC) xác định một hệ thống tư pháp được tổ chức tốt là một hệ thống có sự tham gia của các bên có liên quan, bao gồm các bên đại diện cho cộng đồng, nạn nhân, người đại diện pháp lý tham gia tố tụng (như luật sư, trợ giúp viên pháp lý, người trợ giúp trẻ em, người tham vấn về luật tục, tổ chức xã hội dân sự) để bảo đảm quyền được xét xử công bằng[6].
Các tài liệu của Liên Hợp Quốc tiếp cận vấn đề giám sát của Nhân dân trong hoạt động tư pháp từ việc bảo đảm (i) quyền được bình đẳng trước Toà án và cơ quan tài phán[7], (ii) quyền được xét xử công khai bởi Toà án độc lập, có năng lực và không thiên vị[8], (iii) quyền được suy đoán vô tội[9], quyền tiếp cận thủ tục tố tụng công bằng (due process), (iv) quyền bào chữa[10]. Các chủ thể có quyền lực nhà nước như Toà án (gồm Thẩm phán), công tố viên, điều tra viên hay các chủ thể tư như Bồi thẩm đoàn/Hội thẩm, luật sư, người bị buộc tội, người bị hại, báo chí có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới việc bảo đảm quyền được xét xử công bằng. Các chủ thể tư hay còn gọi là chủ thể xã hội tham gia vào hoạt động tố tụng cần được bảo đảm các quyền giám sát của mình trong hoạt động tố tụng[11].
Cũng theo cách tiếp cận này, Sáng kiến “Hệ thống tư pháp mở” thuộc Chương trình Đối tác Chính phủ Mở (Open Government Partnership/OGP)[12] cũng đặt ra các tiêu chí minh bạch, có sự tham gia của người dân và có trách nhiệm giải trình cho công chúng, là cần thiết cho một hệ thống tư pháp công bằng và hiệu quả. Sáng kiến này phù hợp với các luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế, như “quyền tiếp cận thủ tục tố tụng công bằng” được quy định trong Điều 14 của ICCPR và Điều 9–11 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR). Sáng kiến “Hệ thống tư pháp mở” bảo đảm các quyền dân sự và chính trị được tôn trọng. Khi thủ tục tố tụng không rõ ràng và không được công chúng giám sát thì công chúng sẽ ít có cơ hội chứng minh họ bảo vệ quyền công dân một cách hiệu quả. Một hệ thống tư pháp cởi mở, độc lập và vô tư đóng vai trò là nền tảng để tiếp cận công lý tốt hơn bằng cách thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân sự của mọi người và cho phép các cá nhân bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả hơn cũng như giúp cho việc phát triển và tăng trưởng trở nên công bằng hơn, giảm bớt tham nhũng, hạn chế quyền lực và bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ công. Một “Hệ thống tư pháp mở” sẽ hình thành các cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, công bằng và tin cậy đối với công chúng. Các quốc gia cần xây dựng các cơ chế giám sát của công dân đối với các Toà án, công tố và cảnh sát, như xây dựng dữ liệu mở, hệ thống tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo[13].
Khái quát kinh nghiệm của Liên Hợp Quốc cho thấy sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống tư pháp minh bạch và bảo đảm quyền xét xử công bằng cho người dân. Chủ thể thực hiện công tác giám sát công chúng bao gồm các bên đại diện cho cộng đồng, nạn nhân, người đại diện pháp lý tham gia tố tụng (như luật sư, trợ giúp viên pháp lý…) và các tổ chức xã hội. Đối tượng giám sát là hoạt động tố tụng. Phương thức giám sát thì đa dạng, bao gồm giám sát thông qua chế định bồi thẩm/hội thẩm, báo chí, xử lý khiếu nại, tố cáo…
Cùng với yêu cầu về thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân, Nghị quyết số 27/NQ-TW đề ra yêu cầu đối với chế định tố tụng là:
Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân… hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật…[14].
Những yêu cầu này đòi hỏi các quy định pháp luật về tố tụng, Hội thẩm, luật sư và các biện pháp thi hành pháp luật phải bảo đảm để các chủ thể này được thực hiện tốt vai trò của mình trong việc bảo đảm quyền bào chữa nói riêng và quyền được xét xử công bằng nói chung. Nghị quyết số 27/NQ-TW đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể đối với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các cơ quan báo chí liên quan trong việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật[15]. Vấn đề này đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu cụ thể để làm rõ những nhiệm vụ của Nghị quyết số 27/NQ-TW về công tác giám sát của Nhân dân với các chủ thể liên quan trong quá trình xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện.
II. Thực tiễn của Việt Nam về giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tố tụng
Như đã phân tích ở trên, mặc dù chưa có một định nghĩa rõ ràng về cơ chế “giám sát của Nhân dân” nhưng xét trên những yếu tố cấu thành về nội dung, chủ thể thực hiện và đối tượng của hoạt động giám sát công chúng theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy cơ chế này đã được quy định và vận hành trong thực tiễn hoạt động tư pháp tại Việt Nam.
Hiến pháp 2013 khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”[16]. Để thực thi nguyên tắc này, hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cơ quan tư pháp nói riêng phải “tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”[17]. Hiến pháp 2013 cũng xác định nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người trong đó có quyền bào chữa và yêu cầu bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của Toà án – cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp[18]. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước[19]. MTTQVN và các tổ chức thành viên có trách nhiệm “giám sát, phản biện xã hội”[20].
Các quy định pháp luật Việt Nam về công tác và chủ thể của hoạt động giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tố tụng khá đa dạng. Có chủ thể được quy định rõ ràng và trực tiếp về vai trò giám sát, như MTTQVN nhưng có chủ thể thực hiện vai trò giám sát gián tiếp như Hội thẩm, luật sư, các bên tham gia tố tụng, báo chí hay các tổ chức xã hội.
1.1. Công tác giám sát của Hội thẩm nhân dân
Tham gia hoạt động xét xử của Hội thẩm được quy định trong các bản Hiến pháp từ 1946 đến 2013. Thể chế hoá quy định Hiến pháp, pháp luật quy định việc xét xử sơ thẩm của Toà án có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn[21]. Từ năm 1961, vai trò của Hội thẩm trong hoạt động xét xử được xác định:
Nhằm thực hiện sự tham gia của nhân dân trong công tác xét xử để tăng cường tính chất nhân dân trong tổ chức của tòa án nhân dân và để thắt chặt quan hệ giữa tòa án và nhân dân. Chế độ Hội thẩm nhân dân là một hình thức tham gia quản lý công việc Nhà nước của đông đảo quần chúng. Sự tham gia của Hội thẩm nhân dân làm cho tòa án xét xử được tốt vì các Hội thẩm nhân dân sinh hoạt trong nhân dân, hiểu rõ được những tư tưởng, tình cảm, phong tục tập quán của nhân dân, cho nên với sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân, tòa án xét xử được sát thực tế và sát với nguyện vọng của nhân dân[22].
Hiện nay, Luật Tổ chức TAND 2014 quy định vai trò của Hội thẩm là “góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”[23]. Ngoài ra, Hội thẩm còn có trách nhiệm: “kịp thời thông báo cho Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp, Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”[24].
Theo đánh giá của các Chánh án TANDTC qua từng thời kỳ, chế định Hội thẩm có “tính đại diện và quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử thực hiện quyền tư pháp”[25], “là một hình thức giám sát trực tiếp tại phiên tòa của nhân dân”[26], “một phương thức để nhân dân trực tiếp tham gia và giám sát hoạt động xét xử của tòa án”, “sự tham gia của Hội thẩm góp phần quan trọng vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án, tăng thêm niềm tin cá nhân của Thẩm phán vào việc đưa ra phán quyết giải quyết vụ án “thấu tình”, “đạt lý”, “công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức...”[27]. Sự tham gia của Hội thẩm từng bước giúp cho tỉ lệ án bị huỷ, sửa thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đặt ra[28].
Tuy nhiên, hoạt động của Hội thẩm cũng còn có những vấn đề cần phải hoàn thiện. Một số nghiên cứu cho thấy các quy định pháp luật về Hội thẩm chưa đầy đủ và phù hợp. Hoạt động xét xử của Hội thẩm tại phiên toà còn hình thức, chưa độc lập, chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của nhân dân trong tham gia hoạt động xét xử[29]. Ngoài ra, phần lớn những người được MTTQVN giới thiệu để Hội đồng nhân dân địa phương bầu làm Hội thẩm hiện nay là cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước hiện đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nên chưa thực sự đại diện đầy đủ cho tính nhân dân của chức danh này[30].
1.2. Giám sát của Luật sư và các bên tham gia tố tụng
Quyền bào chữa đã được quy định tại Hiến pháp 1946 và liên tục được ghi nhận qua các lần sửa đổi Hiến pháp. Luật sư có chức năng xã hội khá rộng: “góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, “sử dụng các biện pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng”[31] do pháp luật quy định. Những quy định cho thấy luật sư có vai trò giám sát hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm bảo đảm quyền được xét xử công bằng.
Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư được đánh giá ngày càng tiến bộ về chất lượng, góp phần vào việc giảm oan sai trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử. Số lượng luật sư hành nghề thực tế đã tăng từ 4.161 luật sư, 1.323 tổ chức hành nghề luật sư (năm 2007) lên 17.284 luật sư, 5.429 tổ chức hành nghề luật sư (tính đến ngày 31/12/2022)[32]. Tuy nhiên, số lượng luật sư còn thấp và mất cân đối giữa các vùng, luật sư hành nghề chủ yếu tại các thành phố lớn, như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Tỷ lệ các vụ án xét xử hình sự có luật sư tham gia còn thấp, đặc biệt các vụ án sơ thẩm chiếm khoảng 7%, phúc thẩm chiếm khoảng 23% và bình quân là 8% (tính bình quân 15 năm thi hành Luật Luật sư)[33]. Hiện chưa có một thống kê nào được công bố xác định số lượng các vụ án hình sự có luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra hay giai đoạn truy tố.
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cho phép luật sư, người bị hại tham gia phiên toà để đưa ra lời khai và có thể đặt câu hỏi với bị cáo, người làm chứng, xem xét tại chỗ và tranh luận để bảo đảm quyền được xét xử công bằng[34]. Những hoạt động này cũng là một trong những hoạt động giám sát của công chúng đối với hoạt động tố tụng như ở một số quốc gia khác[35]. Một số nghiên cứu cho thấy luật sư Việt Nam chưa được tạo điều kiện khi thực hành vai trò bào chữa trong các giai đoạn này[36]. Trong khi đó, theo pháp luật tố tụng hình sự, luật sư cũng là chủ thể có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật để làm sáng tỏ vụ án, chứng minh người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, như các chủ thể khác[37]. Tuy nhiên, tài liệu, đồ vật do luật sư thu thập trong một số trường hợp không được đánh giá đúng mức hoặc không được chấp nhận.[38]
Cũng có ý kiến cũng cho rằng thực tiễn về “họp liên ngành” giữa ba cơ quan Điều tra-Kiểm sát-Toà án trong một số vụ án và Toà án cấp dưới “tham khảo ý kiến” (còn gọi là “thỉnh thị án”, “báo cáo án”) Toà án cấp trên hoặc Thẩm phán báo cáo lãnh đạo Toà án để xin ý kiến chỉ đạo phương án giải quyết vụ án trước khi xét xử vẫn còn tồn tại. Do đó, ở trong những trường hợp này, bản án không phụ thuộc vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, giảm đi vai trò bào chữa của luật sư và cũng ảnh hưởng tới vai trò tham gia xét xử của Hội thẩm như đã phân tích ở trên[39].
1.3. Giám sát của MTTQVN, các tổ chức xã hội và báo chí
Hiến pháp 2013 quy định:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài[40].
MTTQVN có trách nhiệm “thực hiện giám sát và phản biện xã hội” và “cử đại diện tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp theo quy định của pháp luật”, “chủ trì lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm nhân dân theo quy định của pháp luật”[41]. Luật Tổ chức TAND 2014, Luật Tổ chức VKSND 2014 đều có quy định liên quan đến sự tham gia của MTTQVN đối với hoạt động của hệ thống mình, bao gồm vai trò giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp và lựa chọn Thẩm phán, Hội thẩm và Kiểm sát viên[42].
Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội xác định rõ “Giám sát và phản biện xã hội” là giám sát và phản biện của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội. Giám sát của MTTQVN được thực hiện thông qua các hình thức sau: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Tổ chức đoàn giám sát; Thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Ngoài các hình thức trên, MTTQVN cũng có thể tiến hành giám sát căn cứ vào đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân và qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng[43]. Hoạt động giám sát của MTTQVN đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp đã góp phần xây dựng và hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND, xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp liêm chính, đạo đức, trách nhiệm[44], giảm bớt các bức xúc của công dân thông qua các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua[45].
Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQVN và VKSNDTC có ký kết quy chế phối hợp công tác có xác định vai trò của MTTQVN trong việc tham gia xây dựng pháp luật, phản biện xã hội đối với những văn bản do VKSNDTC xây dựng, kiểm tra và giám sát hoạt động tư pháp của VKSNDTC, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên của MTTQVN tham gia vào hoạt động bào chữa, như cử bào chữa viên nhân dân, người đại diện bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo, cung cấp chứng cứ, giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân gửi tới VKSNDTC thông qua MTTQVN, và tuyển chọn Kiểm sát viên[46].
Các tổ chức chính trị xã hội khác có thể tham gia vào hoạt động giám sát của Nhân dân trong hoạt động tố tụng còn có Hội Luật Gia Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trên cơ sở các quy định về nhiệm vụ của tổ chức hội, là “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng” của thành viên của tổ chức mình. Nhiệm vụ này có thể coi là một hoạt động giám sát của Nhân dân thông qua các tổ chức chính trị xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung và hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp nói riêng. Những tổ chức chính trị xã hội này đều là thành viên của MTTQVN. Như đã phân tích ở trên, số lượng luật sư hiện nay trên toàn quốc còn thấp chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về người bào chữa trong tố tụng hình sự nên vai trò của đội ngũ bào chữa viên nhân dân trong hoạt động tố tụng hình sự vẫn rất cần thiết ở nhiều địa phương. Tương tự như luật sư, đội ngũ bào chữa viên nhân dân của các tổ chức thuộc MTTQVN hay tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp sẽ đóng góp vào việc tăng cường giám sát của nhân dân trong hoạt động tố tụng và bảo đảm tốt hơn về quyền bào chữa của nhân dân[47]. Ngoài ra, Hội Luật Gia Việt Nam thường tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội, tuyển chọn Thẩm phán với Ủy ban Trung ương MTTQVN và MTTQVN ở địa phương, cử bào chữa viên nhân dân tham gia vào các vụ án hình sự khi có yêu cầu, tư vấn pháp luật cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương[48].
Công tác giám sát của các tổ chức xã hội khác có thể thực hiện vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên thông qua hoạt động tư vấn pháp luật theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật[49]. Theo thống kê từ năm 2014, cả nước có 177 trung tâm tư vấn pháp luật của các hội được thành lập và đã tham gia tố tụng hình sự hàng nghìn vụ việc và các hoạt động trợ giúp pháp lý khác[50].
Hoạt động giám sát của Nhân dân được thực hiện thông qua công tác thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Theo Hiến pháp, Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân[51]. Trong lĩnh vực tư pháp, Luật Tổ chức TAND 2014 và Luật Viện KSND 2014 và Luật Công an nhân dân đều có các quy định liên quan đến việc đóng góp ý kiến của người dân trong hoạt động của các cơ quan này[52]. Luật Tiếp cận thông tin 2016 tạo cơ sở pháp lý cho việc công khai thông tin của các cơ quan nhà nước, cung cấp thông tin theo yêu cầu. Trên thực tế, nhiều cơ quan trong hệ thống Toà án, Viện kiểm sát và cơ quan Công an các cấp (trừ cấp xã) có trang thông tin điện tử để chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và công chúng. Đặc biệt, hệ thống Toà án đã thực hiện công khai các bản án từ năm 2017 với hơn 1 triệu bản án được công bố thể hiện tính minh bạch trong hoạt động xét xử[53]. Việc công khai các bản án được xác định là bảo đảm quyền được xét xử công khai và thông báo công khai về bản án. Đây là một trong những nền tảng của quyền được xét xử công bằng theo các tài liệu của Liên Hợp Quốc[54].
Vai trò giám sát của báo chí được quy định rõ ràng tại Luật Báo chí[55]. Thực tiễn cho thấy báo chí có vai trò đáng kể trong công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp và đội ngũ Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên và cán bộ tư pháp khác, nâng cao hiểu biết của công chúng đối với hoạt động của hệ thống Toà án và tạo niềm tin công lý[56].
Hoạt động nghiên cứu điều tra dư luận xã hội cũng được xác định là một phương thức giám sát của công chúng. Từ năm 2010 đến 2016, Hội Luật gia Việt Nam đã hợp tác với UNDP thực hiện khảo sát ý kiến của người dân trên quy mô lớn về những vấn đề liên quan đến tư pháp dân sự (khảo sát 2 lần năm 2012 và 2015 trên quy mô toàn quốc)[57]. Hiện tại, Hội Luật gia Việt Nam cũng đang chuẩn triển khai “Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp” cũng là một hình thức thực hiện vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp.[58] Bên cạnh các nghiên cứu, khảo sát trong nước, một số khảo sát quốc tế cũng có ảnh hưởng tích cực tới các hoạt động cải cách tư pháp tại Việt Nam, điển hình như Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Doing Business), Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu 4.0 (Global Competitive Index - GCI) đã được Chính phủ sử dụng để xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia từ năm 2014 với các nỗ lực cải cách thông qua các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 của Chính phủ[59]. Các nghiên cứu này đã góp phần thay đổi các hoạt động quản trị hành chính tư pháp của Toà án trong các vụ án kinh doanh thương mại nói riêng và toàn bộ hoạt động hành chính tư pháp nói chung, bao gồm cả hoạt động liên quan tố tụng hình sự.
III. Một số khuyến nghị
Như đã nghiên cứu ở trên, hoạt động giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tố tụng thuộc phạm trù giám sát Nhân dân đối với cơ quan Nhà nước. Hoạt động này không có tính quyền lực Nhà nước, không phải do cơ quan Nhà nước thực hiện. Hoạt động này có tính độc lập, công khai, không chỉ dựa vào luật pháp mà còn dựa vào đạo lý, quy tắc ứng xử, chuyên môn nghề nghiệp.
Dựa trên những quan điểm lý thuyết của Việt Nam và kinh nghiệm của Liên Hợp Quốc thì cơ chế giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tố tụng đã có trong các quy định và thực tiễn pháp lý ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra là cần phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của cơ chế này để bảo đảm quyền được xét xử công bằng và hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp theo định hướng của Nghị quyết số 27/NQ-TW. Tác giả có một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, cần thiết phải có thêm những nghiên cứu làm rõ nội hàm của yêu cầu đối với công tác giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động tố tụng nói riêng, bao gồm những vấn đề về chủ thể, đối tượng, nội dung và phương thức thực hiện để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp và bảo đảm quyền của người dân theo yêu cầu của Nghị quyết số 27/NQ-TW đặt ra.
Thứ hai, phạm vi của giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Nhà nước nói chung hay của các cơ quan tư pháp nói riêng là một hoạt động không phải do cơ quan Nhà nước thực hiện mà thuộc về các thiết chế xã hội. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và điều kiện của Việt Nam, các thiết chế xã hội này có thể bao gồm Hội thẩm, Luật sư, người tham gia tố tụng khác, báo chí, MTTQVN và các tổ chức xã hội. Nhà nước có vai trò xây dựng pháp luật để tạo điều kiện về pháp lý cho các thiết chế này phát huy tốt vai trò của mình và ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể Nhà nước chịu trách nhiệm tuân thủ và bảo đảm điều kiện cho công tác giám sát của Nhân dân được thực hiện.
Thứ ba, mỗi thiết chế thực hiện vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tố tụng cần phải được quy định rõ về vai trò, phương thức, nội dung và trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát nhằm bảo đảm hiệu quả của hoạt động này, đặc biệt đối với việc bảo đảm quyền được xét xử công bằng của người dân. Cụ thể:
- Hội thẩm cần được xác định có vai trò quan trọng trong xét xử sơ thẩm ở hai chức năng chính: (i) đại diện cho nhân dân trong hoạt động xét xử; (ii) thực hiện vai trò giám sát của nhân dân trong xét xử để bảo đảm tính công khai, minh bạch và dân chủ trong hoạt động xét xử. Để Hội thẩm có thể phát huy tốt vai trò này, mô hình xét xử cần được nghiên cứu sửa đổi, như kết hợp giữa thẩm vấn và tranh tụng. Ngoài ra, MTTQVN cần có quy định cụ thể đối với hoạt động của Hội thẩm để thiết chế này thực hiện vai trò giám sát của MTTQVN đối với hoạt động của Toà án. Thủ tục tố tụng, bản án, biên bản phiên toà, biên bản nghị án cần nghiên cứu để phát huy vai trò của Hội thẩm trong hoạt động tố tụng.
- Luật sư và những người tham gia tố tụng khác cần được bảo đảm cơ chế tham gia tố tụng đúng yêu cầu của Nghị quyết số 27/NQ-TW về bảo đảm tranh tụng, “tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Pháp luật Việt Nam cần bổ sung các quy định về quyền của người bị buộc tội được hoãn tiến trình tố tụng để tham vấn người bào chữa nhằm bảo đảm quyền được xét xử công bằng của họ và nâng cao được vai trò giám sát của luật sư; ý kiến của luật sư trong các phiên toà phải được ghi nhận đầy đủ tại biên bản phiên toà, nhận xét và đánh giá tại bản án tương xứng với ý kiến của Viện kiểm sát (cơ quan thực hành quyền công tố); quyết định của Hội đồng xét xử phải dựa trên kết quả tranh tụng được ghi nhận tại bản án. Ngoài ra, hệ thống Toà án cần tăng cường chế định tuyên “vô tội” của Toà án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi không có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện truy tố, tiến tới chấm dứt tình trạng Toà án trả lại hồ sơ vụ án hình sự để điều tra bổ sung.
- MTTQVN, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác nghiên cứu hoàn thiện vai trò của mình trong công tác giám sát đối với các cơ quan tư pháp theo yêu cầu của Nghị quyết số 27/NQ-TW, như vai trò trong tuyển chọn, giám sát Thẩm phán, Kiểm sát viên, cử bào chữa viên nhân dân trong các vụ án mà Bộ luật Tố tụng hình sự đòi hỏi phải có người bào chữa. Phương thức, phạm vi, đối tượng và nội dung giám sát của MTTQVN và các tổ thức thành viên cần được quy định cụ thể, khoa học nhằm phát huy tác dụng tích cực của công tác giám sát.
- Công tác giám sát thông qua phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động phản biện xã hội, giám sát xã hội cần nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết số 27/NQ-TW về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, vai trò của báo chí trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước. Các cơ quan tư pháp cần cải thiện công tác cung cấp thông tin và làm việc với báo chí theo hướng chủ động hơn để báo chí nắm bắt các quyết định xét xử và vấn đề pháp lý để nâng cao hiểu biết của dân chúng về hoạt động tố tụng. Các cơ quan tư pháp cần củng cố công tác tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan Toà án, Viện kiểm sát và Công an để người dân thuận tiện và tin tưởng vào hoạt động tố tụng. Các cơ quan tư pháp cần có các hoạt động khảo sát, thu thập thông tin đánh giá của người dân đối với các hoạt động của mình để qua đó có thể cải thiện chất lượng hoạt động tố tụng và mức độ tín nhiệm của hệ thống với người dân./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
1. Hiến pháp 2013
2. Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015
3. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2014
4. Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2014
5. Văn bản hợp nhất Luật Luật sư số 03/VBHN-VPQH, ngày 31 tháng 12 năm 2015
6. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13, ngày 09 tháng 06 năm 2015
7. Luật Báo chí số 103/2016/QH13, ngày 05 tháng 04 năm 2016
8. Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14, ngày 20 tháng 11 năm 2018
9. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
10.Nghị quyết số 1213/2016/UBTVQH13 ngày 13 tháng 06 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm
11.Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 03 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
12.Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024
13.Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 2008 của Chính phủ về Tư vấn pháp luật
14.Thông tư số 377-TC ngày 25 tháng 04 năm 1961 hướng dẫn việc tổ chức bầu cử Thẩm phán và Hội thẩm của các Tòa án nhân dân địa phương
SÁCH, BÁO, TẠP CHÍ
*SÁCH
1. ĐÀO TRÍ ÚC (CHỦ BIÊN), CƠ CHẾ GIÁM SÁT CỦA NHÂN DÂN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, (2010);
2. LỰC LƯỢNG ĐẶC NHIỆM THỰC HIỆN CHỐNG KHỦNG BỐ CỦA LIÊN HỢP QUỐC (UNITED NATIONS COUNTER-TERRORISM IMPLEMENTATION TASK FORCE), HƯỚNG DẪN THAM KHẢO CƠ BẢN VỀ NHÂN QUYỀN: QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG VÀ THỦ TỤC TỐ TỤNG HỢP PHÁP TRONG BỐI CẢNH CHỐNG KHỦNG BỐ (BASIC HUMAN RIGHTS REFERENCE GUIDE: RIGHT TO FAIR TRIAL AND DUE PROCESS IN THE CONTEXT OF COUNTER TERRORISM), (2014)
3. UNODC, TIẾP CẬN BỘ CÔNG CỤ CÔNG LÝ HÌNH SỰ (ACCESS TO JUSTICE-THE COURT-CRIMINAL JUSTICE ASSESSMENT TOOLKIT), (2006);
4. UNODC- LIÊN MINH CHÂU ÂU, HƯỚNG DẪN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC VÀ LIÊM CHÍNH TƯ PHÁP, (2013);
5. VĂN PHÒNG CAO ỦY NHÂN QUYỀN HỢP TÁC VỚI HIỆP HỘI LUẬT SƯ QUỐC TẾ (OFFICE OF THE HIGH COMMISSIONER FOR HUMAN RIGHTS IN COOPERATION WITH THE INTERNATIONAL BAR ASSOCIATION), CHUỖI ĐÀO TẠO CHUYÊN MÔN SỐ 9 – NHÂN QUYỀN TRONG QUẢN LÝ TƯ PHÁP: CẨM NANG VỀ NHÂN QUYỀN CHO THẨM PHÁN, CÔNG TỐ VIÊN VÀ LUẬT SƯ (PROFESSIONAL TRAINING SERIES NO. 9 – HUMAN RIGHTS IN THE ADMINISTRATION OF JUSTICE: A MANUAL ON HUMAN RIGHTS FOR JUDGES, PROSECUTORS AND LAWYERS), (2003);
6. VÕ KHÁNH VINH, XÃ HỘI HỌC PHÁP LUẬT - NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN, NXB KHOA HỌC XÃ HỘI, (2012).
*BÁO, TẠP CHÍ
1. Cần xác định rõ mục tiêu hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, (14h01 30/09/2015), https://dangcongsan.vn/day-manh-cai-cach-tu-phap-va-hoat-dong-tu-phap/tin-tuc/can-xac-dinh-ro-muc-tieu-hoat-dong-cua-cac-trung-tam-tu-van-phap-luat-348601.html;
2. Lê Tiến Châu, Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong giám sát công tác tổ chức và cán bộ, Tạp chí Cộng sản, (21h10 23/07/2022), https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/825629/phat-huy-vai-tro-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-va-cac-to-chuc-chinh-tri---xa-hoi-trong-giam-sat-cong-tac-to-chuc-va-can-bo.aspx;
3. Nguyễn Hoà Bình, Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử tại toà án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, Tạp chí Cộng sản, (15h11 14/112021), https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/doi-moi-va-hoan-thien-co-che-nhan-dan-tham-gia-hoat-dong-xet-xu-tai-toa-an-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap-trong-giai-doan-moi;
4. Trương Hoà Bình, Độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm cho Toà án thực hiện đúng đắn quyền tư pháp, Báo Nhân dân, (15h22 21/06/2024), https://nhandan.vn/doc-lap-tu-phap-trong-nha-nuoc-phap-quyen-xhcn-bao-dam-cho-toa-an-thuc-hien-dung-dan-quyen-tu-phap-post212835.html;
5. Thành Chung, Vì sao 3 ngành công an, viện kiểm sát, toà án họp trước khi xét xử?, Báo Tuổi trẻ, (13h13 20/03/2023) https://tuoitre.vn/vi-sao-3-nganh-cong-an-vien-kiem-sat-toa-an-hop-truoc-xet-xu-20230320114223564.htm;
6. Trần Thị Thu Hằng, Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật – Thực tiễn thực hiện và kiến nghị, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, (15h35 26/07/2018), https://tapchitoaan.vn/nguyen-tac-tham