Ngăn chặn kịp thời 3 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường tiêu thụ tại Lạng Sơn
Phương Thúy
Thứ ba, 24/12/2024 - 13:54
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Đội Quản lý thị trường số 6 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phát hiện hơn 3.000 kg móng giò lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Pháp luật quy định như thế nào về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ?
Lạng Sơn phát hiện 3.000 kg móng giò đông lạnh không rõ nguồn gốc
Triển khai Kế hoạch số 1274/KH-QLTTLS cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn. Ngày 19/12/2024, qua quá trình triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và công tác phối hợp, Đội Quản lý thị trường số 6 phát hiện phương tiện xe ô tô tải biển kiểm soát 29K- 094.32 do ông L.V.N là người điều khiển có cất giấu hàng hóa vi phạm.[1]
Qua quá trình khám phương tiện vận tải, đoàn kiểm tra phát hiện 3.000 kg móng giò lợn đông lạnh được đựng trong 150 bao tải dứa, trên bao bì hàng hóa không có nhãn mác, chữ viết hay thông tin thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y đối với hàng hóa, không có tài liệu kèm theo hoặc bất cứ thông tin nào khác.
Tại thời điểm khám, ông L.V.N không xuất trình được tài liệu kèm theo hàng hóa và hóa đơn, chứng từ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa nêu trên.
Hà Nội liên tiếp phát hiện các vụ việc kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn xuất xứ
Liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, tại Hà Nội và một số tỉnh cũng đã liên tiếp phát hiện những cơ sở kinh doanh không có căn cứ xác định được nguồn gốc, xuất xứ của các mặt hàng.
Ngày 19/12/2024, Đội QLTT số 24, Cục QLTT thành phố Hà Nội vừa phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy – Công an huyện Hoài Đức kiểm tra đối với Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa là thực phẩm thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Gia Ly Food; địa chỉ: thôn Minh Khai, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.[2]
Tại thời điểm kiểm tra, Cơ sở có 06 người đang sử dụng công cụ, máy móc thực hiện việc san chia, đóng gói các sản phẩm thực phẩm từ các túi nguyên liệu sang các túi sản phẩm có nhãn ghi “HỔ KA KA - Đậu nành hương vị thiên nhiên”, nhà sản xuất: Công ty TNHH Công nghiệp Xiyuan Chaoan, địa chỉ: Mảnh phía bắc Shangguo khu công nghiệp Meixi ChaoAn Quảng Đông.
Kiểm đếm thực tế, Đoàn kiểm tra phát hiện 23.200 gói hàng hóa thành phẩm có nhãn “HỔ KA KA Đậu nành hương vị thiên nhiên”; 70 kg sản phẩm thực phẩm Đậu nành chiên tương được đựng trong 05 túi nilon trên bao bì không có căn cứ xác định được nguồn gốc, xuất xứ.
Đại diện cơ sở cho biết: “Công ty mua nguyên liệu là Đậu nành chiên tương, sau đó thuê nhân công san chia, đóng gói vào các túi nilon được in sẵn rồi dùng máy đóng gói để hàn miệng gói và đóng thành thành sản phẩm có nhãn ghi “HỔ KA KA - Đậu nành hương vị thiên nhiên”, hàm lượng tịnh: 18g, nhà sản xuất: Công ty TNHH Công nghiệp Xiyuan Chaoan, địa chỉ: Mảnh phía bắc Shangguo khu công nghiệp Meixi ChaoAn Quảng Đông. Các túi nilon in sẵn các thông tin trên tôi mua trôi nổi trên thị trường.”
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn ghi nhận tại cơ sở có 02 Máy đóng gói Rex-C700 nhãn JIANGNAN; 120 chiếc vỏ thùng các tông nhãn ghi TIGER BROTHER; 14.350 chiếc vỏ bao bì trên nhãn, bao bì sản phẩm có ghi “HỔ KA KA - Đậu nành hương vị thiên nhiên”, hàm lượng tịnh: 18g; nhà sản xuất: Công ty TNHH Công nghiệp Xiyuan Chaoan, địa chỉ: Mảnh phía bắc Shangguo khu công nghiệp Meixi ChaoAn Quảng Đông.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa thành phẩm “HỔ KA KA - Đậu nành hương vị thiên nhiên” và nguyên liệu dùng để sản xuất, bao bì, máy móc nêu ở trên để xác minh tình tiết vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Đội QLTT số 24 phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy – Công an huyện Hoài Đức kiểm tra Địa điểm kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ Số nhà 171, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội thuộc Hộ kinh doanh Vân Thanh.
Qua kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh Vân Thanh có bày bán một số các mặt hàng là thực phẩm do nước ngoài sản xuất, có nhãn ghi bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ gồm: 35 thùng kẹo hình con cá, 15 thùng kẹo hình quả trứng, 04 thùng kẹo hình quả bầu dục. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên để xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 18/12/2024, Đội QLTT số 24 phối hợp Đội 6 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội kiểm tra Địa điểm kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ số 17 xóm chùa Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội do ông N. Đ. H là chủ kinh doanh.
Qua kiểm tra phát hiện ông N. Đ. H đang kinh doanh hàng hóa do nước ngoài sản xuất, trên nhãn có chữ bằng tiếng nước ngoài, gồm 30 thùng Kẹo sáp, 15 thùng Kẹo sữa cùng 15 thùng Kẹo hình bắp ngô; 10 thùng Kẹo dẻo là thực phẩm được đựng trong túi nilon trong thùng các tông, trên bao bì hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên để xử lý theo quy định.
Ninh Bình xử phạt hơn 30 triệu đồng cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn xuất xứ
Ngày 18/12/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình) đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh D.V.H, địa chỉ: Trung Sơn, Thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.[3]
Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh D.V.H đang kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu, trị giá hàng vi phạm là 25.180.000 đồng, hàng hóa do nước ngoài sản xuất lưu thông trên thị trường không có hóa đơn chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh D.V.H đang kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng vi phạm là 23.100.000 đồng bao gồm các hàng hóa không có thông tin về nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và tài liệu kèm theo hàng hóa, không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Hàng hóa vi phạm bao gồm: sữa, bột kem; bột ớt, Snack, hạt hướng dương, ô mai, chân gà ăn liền…
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh D.V.H do đã có các hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu; Kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; với tổng số tiền phạt hành chính là 34.500.000 đồng, trị giá hàng hóa tịch thu là 48.280.000 đồng.
Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là gì?
Căn cứ khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.[4]
Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Xử lý hành chính
Người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền cao nhất lên đến 100 triệu đồng và bị buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.[5]
“Điều 17. Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và có vi phạm khác
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;
b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;
c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.
8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
9. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
11. Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
12. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;
b) Là chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;
c) Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
13. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này;
b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này."
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Đối với những hành vi kinh doanh hoặc vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua biên giới trái với quy định của pháp luật, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm và có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[6]
[1] Đội Quản lý thị trường số 6 - Cục QLTT Lạng Sơn, Lạng Sơn: Ngăn chặn kịp thời 3 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường tiêu thụ, Tổng cục Quản lý thị trường, (ngày 24/12/2024), https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/lang-son-ngan-chan-kip-thoi-3-tan-thuc-pham-dong-lanh-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-dang-tren-duong-tieu-thu-94179-1.html
[2] Cục QLTT TP. Hà Nội, Hà Nội: Liên tiếp phát hiện các vụ việc kinh doanh hàng hóa là thực phẩm có dấu hiệu nhập lậu, Tổng cục Quản lý thị trường, (ngày 20/12/2024), https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ha-noi-lien-tiep-phat-hien-cac-vu-viec-kinh-doanh-hang-hoa-la-thuc-pham-co-dau-hieu-nhap-lau-94169-1.html
[3] Đội Quản lý thị trường số 1- Cục QLTT Ninh Bình, Kiểm tra, xử phạt hơn 30 triệu đồng cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Tổng cục Quản lý thị trường, (ngày 20/12/2024), https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/kiem-tra-xu-phat-hon-30-trieu-dong-co-so-kinh-doanh-thuc-pham-nhap-lau-thuc-pham-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-94165-1.html
[4] Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
[5] Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định về Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác
[6] Bộ luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
(PLPT) - Nam thanh niên ở Đà Nẵng sử dụng dữ liệu hình ảnh, video clip "nóng" từ camera bị hack của nhiều gia đình, sau đó lập tài khoản ảo đe dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để giữ bí mật, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
(PLPT) - Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vừa triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.
(PLPT) - Công an tỉnh Cao Bằng vừa phát hiện và thu giữ 606,2 kg pháo nổ nhập lậu đang được các đối tượng vận chuyển đến điểm tập kết. Hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Từ ngày 01/01/2025, người điều khiển xe máy có hành vi dừng đèn đỏ quá vạch sơn gây ra tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
(PLPT) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
(PLPT) - Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định 14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe. Phạt đến 1 triệu đồng khi dừng, đỗ xe ô tô quá gần xe đỗ ngược chiều.