Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Quản lý lao động di cư quốc tế ở Việt Nam và những kiến nghị hoàn thiện

Nguyễn Minh Hà, Nguyễn Hiền Phương Chủ nhật, 28/07/2024 - 18:00
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết này tập trung phân tích thực trạng lao động di cư quốc tế ở Việt Nam và pháp luật quản lý lao động di cư quốc tế, chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quản lý lao động di cư quốc tế và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về quản lý lao động di cư quốc tế.


Tóm tắt: Quá trình toàn cầu hóa đã và đang tạo ra dòng dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam vừa là nơi cung cấp nguồn cung lao động di cư quốc tế vừa là điểm đến thu hút nhiều lao động từ nhiều quốc gia trên thế giới. Lao động di cư quốc tế ở Việt Nam rất phức tạp, đa dạng với nhiều kênh di cư và nhiều loại hình di cư lao động khác nhau. Chính vì vậy, vấn đề quản lý lao động di cư quốc tế ở Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, pháp luật về quản lý lao động di cư quốc tế ở Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng lao động di cư quốc tế ở Việt Nam và pháp luật quản lý lao động di cư quốc tế, chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quản lý lao động di cư quốc tế và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về quản lý lao động di cư quốc tế.

Từ khoá: Hoàn thiện pháp luật; lao động di cư quốc tế; quản lí; Việt Nam

Abstract: The process of globalization has been creating labor flows between countries in the world, including Vietnam. Vietnam is a source of international migrant workers and a destination of many workers from many countries around the world. International labor migration in Vietnam is complex and diverse with many migration channels and different types of labor migration. Therefore, the management of international migrant workers in Vietnam stands before various difficulties and faces with gaps in the law thereof. This article focuses on analyzing the current situation of international migrant workers in Vietnam and the law on international migrant labor management, points out its problems, hence proposes recommendations to improve the law thereof.

Key words: Perfecting the law; international migrant workers; manager; Vietnam

1. Thực trạng lao động di cư quốc tế ở Việt Nam

Theo quan điểm của ILO tại Bảng thuật ngữ thân thiện với truyền thông về di cư, “Di cư lao động” (Labor migration) được định nghĩa là sự di chuyển của con người từ vị trí địa lý này đến vị trí địa lý khác nhằm tìm kiếm việc làm mang lại lợi ích cho bản thân[1]. “Di cư lao động quốc tế” bao gồm việc vượt qua biên giới với những mục đích tương tự. Vì vậy, người lao động di cư quốc tế được hiểu là người lao động đến làm việc tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân. Tuy nhiên, trên thực tế trong lực lượng lao động tồn tại những người lao động là người không quốc tịch, tức là người không phải là công dân của bất kì quốc gia nào. Vì vậy, để mở rộng phạm vi lao động di cư quốc tế, một định nghĩa mới đã được Hội nghị Thống kê Lao động Quốc tế thông qua vào năm 2018. Theo định nghĩa này, lao động di cư quốc tế bao gồm tất cả những người trong độ tuổi lao động, là cư dân bình thường hoặc không phải là cư dân bình thường, nhưng hiện đang có mặt ở quốc gia và đang làm việc hoặc tìm kiếm việc làm[2].

Hiện nay ở Việt Nam, thực trạng lao động di cư quốc tế có thể được nghiên cứu thông qua thực trạng người lao động Việt Nam di cư ra nước ngoài và người lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

(i) Về thực trạng người lao động Việt Nam di cư ra nước ngoài. Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022 số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có nhiều biến động. Năm 2019, số lao động lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 152 nghìn người. Nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, con số này đã giảm xuống còn khoảng 78.000 người vào năm 2020 và tiếp tục giảm còn hơn 45.000 người vào năm 2021. Đáng chú ý là, trong năm 2022, thị trường lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng trưởng trở lại khi tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch.

Có 4 hình thức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: qua doanh nghiệp dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; qua doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài; qua doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập sinh nâng cao tay nghề; và đi làm việc theo hợp đồng cá nhân. Trong đó, đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các công ty, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và tổ chức sự nghiệp có chức năng và được cấp phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sau đây được gọi chung là các doanh nghiệp phái cử) [3]..

Nhật Bản vẫn là thị trường hàng đầu tiếp nhận lao động thu hút nhiều lao động Việt Nam nhất năm 2022 với 67.295 người. Tiếp đó là các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc) với 58.598 lao động, Hàn Quốc 9.968 lao động, Singapore 1.822 lao động, Trung Quốc 910 lao động...[4]

Số doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến hết quý IV năm 2022 là 456 đơn vị. Trong số này, có 15 doanh nghiệp nhà nước, còn lại là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn[5]. Ngoài ra, hàng nghìn lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, nhập cảnh bằng các con đường khác nhau và ở lại cư trú bất hợp pháp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là số lao động rất khó nắm bắt và quản lý, gây khó khăn cho công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài, tác động tiêu cực đến chính sách xuất khẩu lao động và quan hệ của Việt Nam với các nước hữu quan.

(ii) Về thực trạng người lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam. Bước vào thời kì hội nhập, số lượng lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc trong giai đoạn 20 năm gần đây có những thay đổi đáng kể. Sau 15 năm, số lao động nước ngoài năm 2019 tăng gấp gần 10 lần so với năm 2005 và gấp 1,4 lần so với năm 2015. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, lao động nước ngoài tập trung đông nhất ở vùng Đông Nam bộ là 54,6 nghìn người, trong đó thành phố Hồ Chí Minh 16,1 nghìn người và cao nhất cả nước là Bình Dương 21,6 nghìn người. Mật độ tập trung lao động nước ngoài trên lãnh thổ cao hay thấp của các vùng là do việc hình thành nhiều hay ít các khu công nghiệp hoặc là nơi đô thị lớn hay nhỏ phát triển. Năm 2015, lao động nước ngoài tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh là cao nhất với 20,4 nghìn người, nhưng đến năm 2019 tỉnh Bình Dương mới là tỉnh thu hút lao động nước ngoài cao nhất cả nước (21,6 nghìn người). Tỷ lệ nam giới trong lao động nước ngoài vào Việt Nam chiếm đại đa số, năm 2015 là gần 90%, tuổi của lao động chủ yếu trên 30 tuổi chiến 86%. Đến hết năm 2019, các tỷ lệ tương đương là 83,1% và 86,6% trong tổng số LĐNN ở Việt Nam[6].

Về quốc tịch, tương ứng với tổng số vốn đầu tư hoặc số lượng giấy phép đầu tư nước ngoài được cấp vào Việt Nam là số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Năm 2019, LĐNN có quốc tịch Trung Quốc chiếm 19,4%, Hàn Quốc là 18,3%, Đài Loan (Trung Quốc) là 12,9%, Nhật Bản là 9,5% và lao động đến từ các quốc gia khác là 39,9%[7]. Những năm gần đây lao động phổ thông, không nghề đến Việt Nam làm việc càng ngày càng nhiều theo các dự án trúng thầu tại Việt Nam, trong đó điển hình là Trung Quốc. Các nhóm lao động là người nước ngoài chủ yếu ở những vị trí sau: nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật.

Về tình trạng quản lý lao động, năm 2015, 93% LĐNN vào Việt Nam làm việc được cấp giấy phép lao động, chỉ có 7% lao động chưa được cấp giấy phép do chưa đủ điều kiện của pháp luật Việt Nam quy định (bao gồm lao động phổ thông và lưu trú quá hạn); Năm 2019 tỷ lệ có thay đổi nhỏ, với 93,6% được cấp giấy phép lao động[8]. Tuy nhiên, thống kê này không bao gồm lao động di cư bất hợp pháp qua biên giới, lao động di cư quốc tế hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam mà không có giấy phép lao động.

2. Thực trạng pháp luật Việt Nam về quản lý lao động di cư quốc tế và những vấn đề pháp lý đặt ra

Việt Nam là một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn trên thế giới với lượng kiều hối gửi về ước tính đạt 17 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 6,5% GDP[9], điều này cho thấy ý nghĩa kinh tế của việc lao động di cư. Những chính sách về lao động di cư quốc tế hợp lý đã góp phần giúp Việt Nam tận dụng một cách hiệu quả thành quả của quá trình toàn cầu hóa, giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ vài thập kỷ. Hệ thống văn bản pháp luật quy định đối với việc quản lý lao động di cư quốc tế ở Việt Nam khá đa dạng, bao gồm: Bộ luật Lao động, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành. Các quy định pháp lý đối với lao động di cư quốc tế hiện nay ở Việt Nam được chia thành 2 nhóm: (i) Quy định đối với lao động nước ngoài ở Việt Nam và (ii) Quy định đối với lao động Việt Nam ra nước ngoài.

2.1. Thực trạng pháp luật về quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam

Các quy định của pháp luật với người lao động nước ngoài ở VN chủ yếu được ghi nhận tại Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định với các nội dung như điều kiện, tiêu chuẩn người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam, thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, các quyền và nghĩa vụ của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam…Để hướng dẫn thi hành các điều của liên quan đến lao động nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Bộ Luật lao động, Chính phủ Việt Nam cũng ban hành Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định số 152/2020/NĐ-CP). Văn bản này hướng dẫn thực hiện chi tiết các điều Luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng như trách nhiệm của họ khi làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể:

Về chủ thể quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam, cũng như đa số các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có hệ thống các cơ quan ban ngành từ cấp trung ương đến địa phương quản lý đối tượng lao động nước ngoài ở Việt Nam, bao gồm cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý hành chính. Do vậy, theo quy định pháp luật có 03 (ba) cơ quan chuyên môn quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và 01 (một) cơ quan hành chính quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Ở cấp trung ương, Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong công tác quản lý lao động nói chung và quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam nói riêng. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài ở Việt Nam như tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về lao động nước ngoài ở Việt Nam và triển khai thực hiện các chính sách pháp luật đó. Từ đó có thể kết luận rằng lao động nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước. Cụ thể là, Cục Việc làm là đơn vị thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có chức năng tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về việc tuyển và quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng lao động Việt Nam cho nhà thầu; Quyết định việc cho phép nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài tại Việt Nam vào từng vị trí công việc không tuyển được lao động Việt Nam trên địa bàn; Chấp thuận những vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam trên địa bàn hoặc giao cho cơ quan được uỷ quyền.

Bên cạnh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan khác cũng tham gia trong công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam là: Bộ Công an cũng là cơ quan phối hợp quản lý nhằm hướng dẫn các thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, xin cấp thị thực đồng thời cũng thực hiện biện pháp trục xuất đối với người lao động nước ngoài vi phạm pháp luật khi làm việc tại Việt Nam; Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận sức khoẻ cho lao động nước ngoài tại Việt Nam hoặc xác nhận tính hợp pháp của giấy chứng nhận sức khoẻ được cấp ở nước ngoài của người lao động; Bộ Công thương xác nhận đối tượng lao động nước ngoài nằm trong danh sách di chuyển nội bộ doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP; Sở Tư pháp phụ trách việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

Ở cấp địa phương, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện việc quản lý và cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài lao động tại Việt Nam theo đúng quy trình, thủ tục quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

Về nội dung quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam, bao gồm các quy định về tuyển dụng lao động nước ngoài và hợp đồng lao động đối với lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam.

Về trình tự, thủ tục tuyển dụng lao động nước ngoài. Điều kiện của chủ thể tuyển dụng lao động là người nước ngoài cụ thể là: “Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.”[10]. Khoản 2 Điều 2 NĐ 152/2020/NĐ-CP quy định cụ thể các đối tượng là Người sử dụng người lao động nước ngoài. Quy định này vẫn được thiết kế theo cách thức liệt kê các tổ chức, cá nhân được sử dụng lao động nước ngoài. Tuy nhiên, liệt kê có thể dẫn đến sự không đầy đủ hay thiếu sót bởi các quan hệ xã hội, quan hệ kinh tế, quan hệ thương mại ngày một biến động[11]. Quy định này phản ánh mối quan hệ pháp lý bảo hộ lao động trong nước. Như vậy, người sử dụng lao động nước ngoài gồm hai chủ thể là: nhà thầu và các cá nhân, doanh nghiệp không phải là nhà thầu. Đối với mỗi chủ thể, quy trình và chỉnh tự, thủ tục tuyển dụng người lao động nước ngoài có những điều kiện khác nhau.

Đối với người sử dụng lao động không phải là nhà thầu, theo quy định trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc[12]. Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài[13].

Đối với nhà thầu, trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhà thầu phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần tuyển để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu[14]. Trường hợp nhà thầu có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung số lao động đã kê khai thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh, bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu[15]. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động Việt Nam 2019 mặc dù đã có nhiều sửa đổi nhưng vẫn chưa thống nhất được thế nào là lao động có chuyên môn, lao động có trình độ cao (tiêu chí về bằng cấp, ngành nghề, tiêu chuẩn chuyên môn,…), dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động đặc biệt là các nhà thầu nước ngoài lợi dụng để tuyển dụng lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại những vị trí mà lao động Việt Nam vẫn có thể làm được.

Hiện nay, các quy định về giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam tồn tại khá nhiều vấn đề.

Đối với những đối tượng không thuộc diện cấp giấy phép lao động: Thứ nhất, NĐ 152/2020/NĐ-CP chỉ quy định thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu công tư TNHH, Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT của công ty cổ phần không thuộc diện cấp GPLĐ mà bỏ sót một đối tượng nữa là thành viên của công ty hợp danh. Việc không quy định đối tượng này thể hiện sự không công bằng giữa các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ. Bên cạnh đó, BLLĐ 2019 cũng bổ sung đối tượng không thuộc diện cấp GPLĐ là người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Quy định này có thể làm phát sinh tình trạng kết hôn giả để né tránh việc xin cấp giấy phép lao động bởi hiện nay tình trạng kết hôn của người nước ngoài tại Việt Nam chưa chịu bất cứ biện pháp xác minh, kiểm tra, giám sát nào. Ngoài ra, đối tượng người nước ngoài là học sinh, sinh viên đang học tập tại Việt Nam cũng không phải xin cấp GPLĐ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về số giờ làm việc tối đa cho đối tượng này, trong khi họ lại làm chủ yếu là các công việc phổ thông mà người lao động Việt Nam có thể làm được hoặc làm các công việc liên quan đến giáo dục, đào tạo (như dạy tiếng Anh, ngôn ngữ…) cần phải có các bằng cấp và chứng chỉ nghiêm ngặt. Như vậy, hiện nay việc quản lý đối tượng người nước ngoài là học sinh, sinh viên đang học tập tại Việt Nam có phần lỏng lẻo, chưa thực sự sát sao trong kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng lao động không có bằng cấp chứng chỉ nhưng lại tự do hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của quốc gia như giáo dục.

Ngoài các trường hợp NLĐNN thuộc diện không cấp giấy phép lao động theo Điều 7, NLĐNN sẽ thuộc diện phải xin giấy phép lao động, và phải tuân thủ các quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động (Điều 9), thời hạn cấp giấy phép lao động (Điều 10) và trình tự cấp giấy phép lao động (Điều 11). Trong đó, quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bao gồm những giấy tờ quan trọng nhất, như: Phiếu lý lịch tư pháp, giấy chứng nhận sức khỏe, văn bản chứng minh trình độ chuyên môn. Những giấy tờ này đều do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (nơi NLĐNN cư trú) cấp. Trên thực tế, người sử dụng lao động nước ngoài (đặc biệt là nhà thầu) có thể lợi dụng điểm này để hợp lý hóa hồ sơ để đưa lao động giản đơn nước ngoài vào Việt Nam làm việc[16].

Về thời hạn hợp đồng thì thời hạn hợp đồng giữa NLĐ nước ngoài và NSDLĐ bị giới hạn bởi thời hạn của giấy phép lao động của người nước ngoài đó. Đối chiếu với quy định về thời hạn của giấy phép lao động là 02 năm, nên thời hạn tối đa của hợp đồng lao động là 24 tháng, và NSDLĐ và NLĐNN có thể được phép kí nhiều lần loại HĐLĐ xác định thời hạn trước khi HĐLĐ đã giao kết từ trước hết hạn. Tuy nhiên, công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam dưới thời hạn 03 tháng với những mục đích quy định tại Khoản 4 Điều 154 BLLĐ 2019 thì không cần xin giấy phép lao động, dựa trên quy định này, nhiều doanh nghiệp thực hiện thủ tục mời người lao động nước ngoài sang làm việc với thời hạn dưới 3 tháng để tránh phải xin cấp GPLĐ. Ngoài ra, trên thực tế, do việc thanh tra, kiểm tra lỏng lẻo nên các chủ thể lợi dụng quy định này để xin cấp thị thực 3 tháng sau đó về nước và lại tiếp tục làm thủ tục bảo lãnh 03 tháng tiếp theo để tránh phải xin cấp GPLĐ.

Về đối tượng của hợp đồng là việc làm được hai bên thoả thuận trong hợp đồng lao động, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép LĐ nước ngoài làm việc ở những vị trí công việc mà NLĐ Việt Nam không đáp ứng được, nếu công việc vi phạm pháp luật có thể dẫn đến hậu quả hợp đồng vô hiệu. Công việc của người LĐNN đảm nhận bị giới hạn tại Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Địa điểm làm việc quy định trong hợp đồng không được tùy tiện thay đổi. Về hình thức của hợp đồng lao động, pháp luật lao động quy định hình thức của HĐLĐ bắt buộc phải là văn bản đối với hầu hết các loại HĐLĐ, trừ HĐLĐ dưới 01 tháng thì có thể được giao kết bằng lời nói. Vì vậy, HĐLĐ giữa lao động nước ngoài và NSDLĐ hầu hết được giao kết dưới hình thức văn bản, đây là căn cứ để quản lý đối tượng này và căn cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng.

Về biện pháp quản lý lao động nước ngoài, gồm có: (i) Quản lý trong quá trình lao động gồm: cấp giấy phép lao động (tiền kiểm) và thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam (hậu kiểm) và (ii) Quản lý ngoài quá trình lao động gồm: Quản lý về cư trú, quản lý về an ninh và cấp lý lịch tư pháp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý lao động nước ngoài cũng phải tuân theo mô hình thanh tra chung với các vấn đề thuộc thẩm quyền của thanh tra lao động với các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04/07/2017 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành lao động thương binh và xã hội. Tuy nhiên hiện nay thanh tra lao động Việt Nam đang đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ đồng thời, nên hoạt động thanh tra đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động nước ngoài ở địa phương còn lỏng lẻo, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tại nhiều doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đào tạo tư nhân còn diễn ra tình trạng sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép, tuy nhiên do tần suất kiểm tra ít, thiếu tính bất ngờ nên thanh tra lao động không phát hiện được. Ngoài quá trình lao động, người lao động nước ngoài còn sinh sống và cư trú trên lãnh thổ của Việt Nam, tuy nhiên thực trạng thực tế hiện nay việc định danh người lao động nước ngoài còn gặp nhiều hạn chế do cơ sở dữ liệu người cư trú và người lao động nước ngoài không liên thông tốt, dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong quản lý người nước ngoài trên địa bàn. Người lao động nước ngoài thường tạm trú và sống tập trung thành các khu lao động nước ngoài (lao động Trung Quốc, Hàn Quốc…), thực hiện hoạt động buôn bán, kinh doanh không phép để phục vụ cho thói quen sinh hoạt, nhu cầu đời sống của người nước ngoài ở Việt Nam. Các khu lao động này thường riêng biệt và không chịu sự kiểm soát ngặt nghèo hơn so với công dân nên thường phát sinh tình trạng người nước ngoài thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như kinh doanh không phép, gây rối trật tự công cộng, làm việc không có GPLĐ tại các quầy bar, vũ trường… mà không có các chế tài xử lý, răn đe thích đáng.

2.2. Thực trạng pháp luật về quản lý lao động Việt Nam ra nước ngoài

Để bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, Nhà nước Việt Nam đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc di cư của lao động Việt Nam ra nước ngoài. Các văn bản pháp luật đó bao gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2020; Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quyết định số 40/20221/QĐ-TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; Nghị định số 12/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Thông tư số 20/2021/TT-BLĐTBXH cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Về chủ thể quản lý lao động Việt Nam ra nước ngoài: Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong công tác quản lý lao động nói chung và quản lý lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nói riêng. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài . Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý lao động ngoài nước giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, để quản lý lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại mỗi quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ thành lập Ban quản lý lao động trực thuộc cơ quan đại diện Việt Nam ở những nước, khu vực có nhiều lao động Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có Ban quản lý lao động ở 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có đông lao động Việt Nam đang làm việc, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ả-rập Xê-út. Đối với các nước chưa thành lập Ban quản lý lao động thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại sẽ thay mặt Nhà nước quản lý và hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan tới người lao động Việt Nam đang làm việc tại nước đó.

Về nội dung quản lý lao động Việt Nam ra nước ngoài:

Thứ nhất, pháp luật quy định về chủ thể có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm các loại doanh nghiệp: (1) Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (2) Doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; (3) Tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; (4) Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; (5) Tổ chức sự nghiệp của nhà nước đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ hai, về đối tượng được đi làm việc ở nước ngoài, địa vị pháp lý của các đối tượng này bao gồm: (1) Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài; và (2) Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân. Các đối tượng này phải đảm bảo các điều kiện chung của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định như sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài; Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động; Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động; Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng; Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam[17].

Thứ ba, về hợp đồng trong trường hợp người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gồm hai loại là hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và hợp đồng lao động giữa người Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài. Các loại hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện gồm : hợp đồng cung ứng lao động; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng cá nhân. Hợp đồng lao động giữa người Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài sẽ được kí kết theo quy định của quốc gia tiếp nhận lao động.

Thứ tư, về trách nhiệm của chủ thể khi người lao động phát sinh sự cố trong quá trình lao động như gặp tại nạn, chết hay không thực hiện đúng các cam kết lao động. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 2020 quy định nghĩa vụ giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị hoặc tình trạng khẩn cấp cho chính chủ thể có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Doanh nghiệp dịch vụ phải cử ít nhất 01 (một) nhân viên nghiệp vụ tại nước hoặc vùng lãnh thổ tiếp nhận để quản lý và hỗ trợ người lao động trong các vấn đề phát sinh[18]. Đồng thời, luật này cũng quy định chung về trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn và phối hợp của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong vấn đề này. Tuy nhiên, các quy định này còn hết sức chung chung, chưa cụ thể, chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài nên có thể dẫn đến tình trạng hỗ trợ không tốt, không hỗ trợ cho người lao động Việt Nam khi xảy ra tình huống khẩn cấp, hoặc lợi dụng các vấn đề phát sinh của người lao động như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh… để thực hiện các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn khi hỗ trợ để nhận hối lộ.

Thứ năm, về vấn đề quay trở về của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi hết thời hạn hợp đồng lao động, pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện vẫn còn thiếu vắng các quy định về vấn đề này. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 2020 quy định nghĩa vụ về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề cho người lao động, nhưng không ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ kiểm soát hoạt động trở về của người lao động hết hợp đồng của các chủ thể đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Mức xử phạt hành chính theo quy định là từ 80 triệu đến 100 triệu đồng[19], tuy nhiên đây là hình thức chế tài áp dụng với người lao động. Hình thức chế tài này thường khó áp dụng bởi người lao động thường trốn ở lại trong một khoảng thời gian khá dài, không còn thông tin hoặc liên hệ với chủ thể đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, và khi về nước các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thanh tra lao động, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài… thường không có đủ thông tin để xử phạt. Bên cạnh đó, để khuyến khích người lao đông đang trốn ở nước ngoài trở về, các cơ quan nhà nước thường miễn xử phạt cho người lao động. Chính các vấn đề này đã làm trầm trọng thêm tình trạng trốn ở lại nước ngoài, lao động bất hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Về biện pháp quản lý lao động Việt Nam ra nước ngoài: Biện pháp quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động gồm: Thực hiện quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng mã số, tích hợp trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các biện pháp này được thực hiện đồng bộ giữa các chủ thể được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân các cấp, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

3. Kiến nghị, giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam và nâng cao hiệu quả thực hiện quản lý lao động di cư quốc tế

3.1. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam

Thứ nhất, cần xây dựng Luật chung về quản lý người lao động di cư quốc tế với hai nội dung hợp phần là quản lý Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hiện nay, đối với việc quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 và mới đây là năm 2022, việc quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, ở lĩnh vực song hành với đó là quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì chưa có Luật quy định các vấn đề trên, mà chỉ có một mục trong một chương của BLLĐ 2019 và các nghị định hướng dẫn đi kèm quy định. Trong khi đó, thực tiễn quản lý lao động di cư quốc tế đã phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh mà các văn bản dưới luật chưa thể quy định toàn bộ. Cơ quan quản lý hai vấn đề này được phân chia rời rạc, manh mún dẫn đến việc quản lý lao động di cư quốc tế không đạt được tổng thể. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm quốc tế, Singapore hay Hàn Quốc là các quốc gia đã xây dựng và ban hành các đạo luật riêng điều chỉnh người lao động nước ngoài làm việc tại quốc gia sở tại như Luật tuyển dụng lao động nước ngoài Singapore hay Luật cấp phép cho lao động nước ngoài Hàn Quốc. Theo đó, luật quản lý người lao động di cư quốc tế ở Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề gồm:

Một là, quy định về phạm vi điều chỉnh là hoạt động của người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển dụng, sử dụng, trung gian đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Hai là, quy định về đối tượng điều chỉnh là người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển dụng, sử dụng, trung gian đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và thống nhất quy định chủ thể quản lý người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Ba là, quy định về nội dung điều chỉnh, bao gồm các nội dung liên quan đến người sử dụng lao động người nước ngoài (quyền, nghĩa vụ, điều kiện tuyển dụng lao động nước ngoài và cấp giấy phép lao động); các nội dung liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quản lý nhà nước về người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Giải quyết tranh chấp lao động; Thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm; Chính sách của nhà nước về người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Xây dựng cơ sở dữ liệu về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Việc quy định các nội dung người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vào cùng một văn bản luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng pháp luật cũng như tuyên truyền pháp luật về lao động di cư quốc tế. Bên cạnh đó, việc quản lý lao động di cư quốc tế cũng sẽ được toàn diện, tổng thể và hoàn thiện hơn, tránh được sự quản lý manh mún, chồng chéo của nhiều chủ thể khác nhau. Từ đó, có được những quan điểm định hướng quản lý phù hợp, nhằm phát triển hơn nữa thị trường lao động di cư quốc tế ở Việt Nam.

Thứ hai, quy định các cơ chế bảo vệ, hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với các tình huống phát sinh thông qua việc quy định cơ quan quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cần quy định chi tiết, cụ thể và có tính khả thi đối với trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của Ban Quản lý lao động ngoài nước ở quốc gia sở tại trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

Thứ ba, bổ sung các quy định đặc thù về xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động quản lý lao động di cư quốc tế. Hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động quản lý lao động di cư quốc tế còn tuân theo nhiều văn bản, nằm rải rác ở các văn bản khác nhau quy định chung về xử lý vi phạm hành chính mà chưa có các văn bản riêng dành cho đối tượng người lao động di cư quốc tế, hoặc đã có văn bản riêng nhưng chỉ dành cho các đối tượng lao động di cư quốc tế cụ thể như Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chính vì thiếu vắng các quy định trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, nên công tác quản lý lao động di cư quốc tế hiện nay có nhiều điểm còn chưa hiệu quả. Đơn cử như quy định về chế tài áp dụng cho người lao động di cư quốc tế. Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì trục xuất là chế tài được áp dụng cho đối tượng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, cách thức trục xuất và thẩm quyền của cơ quan quản lý cấp địa phương trong việc quyết định xử phạt vi phạm hành chính với chế tài trục xuất chưa hề được hướng dẫn cụ thể, bởi đây là chế tài nhạy cảm có liên quan đến vấn đề ngoại giao. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thường e ngại thực hiện, dẫn đến chế tài này chưa phát huy được tính răn đe trên thực tế. Bên cạnh đó, một số biện pháp bổ sung như Cấm người lao động quay lại làm việc tại Việt Nam trong một thời gian nhất định sau khi vi phạm các quy định về lao động di cư quốc tế của Việt Nam vẫn chưa được áp dụng dẫn đến hệ thống chế tài còn chưa đầy đủ, phù hợp và đạt được mục đích quản lý lao động di cư quốc tế.

3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quản lý lao động di cư quốc tế

Thứ nhất, xây dựng mô hình quản lý lao động di cư quốc tế tại Việt Nam. Mô hình quản lý lao động nói chung và quản lý lao động di cư quốc tế ở từng quốc gia sẽ chịu sự điều chỉnh của chính sách quản lý lao động. Việc thiết lập được mô hình quản lý lao động chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, phân cấp phân quyền rõ ràng sẽ giúp công tác quản lý lao động, đặc biệt là lao động di cư quốc tế đạt hiệu quả cao, cũng như đảm bảo an ninh lao động, an ninh chính trị quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Việt Nam cần xác định mô hình quản lý lao động di cư quốc tế thông qua việc xác định quan hệ quản lý giữa các chủ thể gồm: Quan hệ giữa chủ thể quản lý là cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương với đối tượng bị quản lý là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Quan hệ giữa các chủ thể quan lý ở cấp trung ương với nhau (quan hệ liên thông giữa chủ thể quản lý người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và chủ thể quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; quan hệ phối hợp giữa chủ thể trực tiếp quản lý lao động di cư quốc tế- Bộ Lao động thương binh xã hội và các chủ thể khác như Bộ ngoại giao, Bộ Công an…) và quan hệ giữa người sử dụng lao động di cư quốc tế và người lao động di cư quốc tế. Từ các quan hệ này, mô hình quản lý lao động được xác định từ quản lý vĩ mô tới quản lý vi mô.

Thứ hai, tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở quốc gia sở tại trong việc tiếp nhận các yêu cầu và hỗ trợ người lao động Việt Nam ở nước ngoài, giải quyết những tình huống phát sinh, vướng mắc, tranh chấp với người sử dụng lao động và môi giới nước ngoài về việc làm và điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập, đóng thuế thu nhập, chi phí theo quy định. Ngoài ra, đối với những thị trường tiếp nhận nhiều lao động nữ, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở quốc gia sở tại cần bố trí ít nhất 1 cán bộ nữ thực hiện công tác quản lý, hỗ trợ người lao động.

Thứ ba, tích cực xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu Việt Nam về lao động di cư. Thực tế cho thấy, cơ sở dữ liệu về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa được cập nhật thường xuyên và chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất, do trên thực tế vẫn tồn tại những trường hợp cơ quan, doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài không gửi báo cáo về Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Để triển khai thực hiện công việc này, trước mắt, cần tiến hành tổng kết, đánh giá công tác đăng ký công dân trong thời gian qua để có thể làm rõ những hạn chế, bất cập trong công tác này và có phương hướng khắc phục; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tầm quan trọng, tác dụng của hoạt động đăng ký công dân; thủ tục đăng ký công dân cho công dân Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao nghiệp vụ, nhận thức của cán bộ làm công tác lãnh sự đối với hoạt động đăng ký công dân ở nước ngoài. Về lâu dài, Bộ Ngoại giao cần tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài[20].

Kết luận: Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, lao động di cư quốc tế trở thành một hiện tượng tất yếu và cần thiết phải có sự điều chỉnh của pháp luật đối với việc quản lý lao động di cư quốc tế. Mặc dù pháp luật lao động Việt Nam nói chung và pháp luật về quản lý lao động di cư quốc tế ở Việt Nam nói riêng cũng đã trải qua quá trình xây dựng và phát triển, kế thừa, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, thiếu sót, sự manh mún, rải rác và thiếu tổng thể làm cho hoạt động quản lý lao động di cư quốc tế bằng pháp luật còn kém hiệu quả. Vì vậy, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề quản lý lao động di cư quốc tế như xây dựng Luật chung về quản lý người lao động di cư quốc tế, bổ sung các quy định đặc thù về xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động quản lý lao động di cư quốc tế và xây dựng mô hình quản lý lao động di cư quốc tế tại Việt Nam.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngân Anh, Hơn 142 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022, Báo Nhân Dân, ngày 06/01/2023, 2:28, nhandan.vn

2. Phan Huy Đường (2012), QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI CHẤT LƯỢNG CAO Ở VIỆT NAM, Sách chuyên khảo, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Phạm Thị Hương Giang (2021), Luận án Tiến sĩ Luật học, Pháp luật quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và toàn cầu hoá, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam

4. ILO, Bảng thuật ngữ thân thiện với truyền thông về di cư tuyển dụng công bằng và lao động cưỡng bức- Ấn bản Việt Nam (2021), www.ilo.org

5. Liên minh Châu Âu, Cục Lãnh sự, Bộ ngoại giao, Tổ chức di cư quốc tế, Báo cáo tổng quan về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài (12/2011), phapluatdansu.edu.vn

6. Vũ Thanh Liêm, Lao động nước ngoài ở Việt Nam qua con số thống kê, Tạp chí Con số Sự kiện, 24/12/2021 - 10:59 PM, consosukien.vn

7. Nguyễn Thị Hương Lan (2021), Bảo hộ công dân Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động, Tạp chí Cộng sản, 11:58, ngày 28-07-2021

8. Nguyễn Tuyến, WB dự báo kiều hối về Việt Nam lần đầu tiên giảm trong 2020, Tạp chí Điện tử Vneconomy, vneconomy.vn

9. Trần Thị Bích Nga (2020), Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Công thương, 01/06/2020 20:30

10. Thu Cúc, Xuất khẩu lao động phục hồi mạnh mẽ, đưa hơn 142.000 người đi làm việc, Báo điện tử Chính phủ, ngày 06/01/2023, 17:04, baochinhphu.vn

*Nguyễn Minh Hà, Học viên MBA Đại học City University of London, Vương quốc Anh

** PGS. TS. Nguyễn Hiền Phương, GVCC, Phó Giám đốc Viện Luật so sánh,Trường Đại học Luật Hà Nội; email: Hienphuonghlu@gmail.com


[1] ILO, Bảng thuật ngữ thân thiện với truyền thông về di cư tuyển dụng công bằng và lao động cưỡng bức- Ấn bản Việt Nam (2021), https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_792203.pdf

[2] ILO, Bảng thuật ngữ thân thiện với truyền thông về di cư tuyển dụng công bằng và lao động cưỡng bức- Ấn bản Việt Nam (2021), https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_792203.pdf

[3] Liên minh Châu Âu, Cục Lãnh sự, Bộ ngoại giao, Tổ chức di cư quốc tế, Báo cáo tổng quan về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài (12/2011), https://phapluatdansu.edu.vn/wp-content/uploads/2020/06/bao_cao_tong_quan_ve_di_dan_VN-2.pdf

[4] Ngân Anh, Hơn 142 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022, Báo Nhân Dân, ngày 06/01/2023, 2:28, https://nhandan.vn/hon-142-nghin-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong-trong-nam-2022-post733639.html

[5] Thu Cúc, Xuất khẩu lao động phục hồi mạnh mẽ, đưa hơn 142.000 người đi làm việc, Báo điện tử Chính phủ, ngày 06/01/2023, 17:04, https://baochinhphu.vn/xuat-khau-lao-dong-phuc-hoi-manh-me-dua-hon-142000-nguoi-di-lam-viec-102230106165036477.htm#:~:text=Số%20doanh%20nghiệp%20được%20cấp,ty%20trách%20nhiệm%20hữu%20hạn.

[6] Vũ Thanh Liêm, Lao động nước ngoài ở Việt Nam qua con số thống kê, Tạp chí Con số Sự kiện, 24/12/2021 - 10:59 PM, https://consosukien.vn/lao-dong-nuoc-ngoai-o-viet-nam-qua-con-so-thong-k.htm

[7] Vũ Thanh Liêm, tlđd, 06

[8] Vũ Thanh Liêm, tlđd, 06

[9] Nguyễn Tuyến, WB dự báo kiều hối về Việt Nam lần đầu tiên giảm trong 2020, Tạp chí Điện tử Vneconomy, https://vneconomy.vn/wb-du-bao-kieu-hoi-ve-viet-nam-lan-dau-tien-giam-trong-2020.htm

[10] Khoản 1 Điều 152 BLLĐ 2019

[11] Trần Thị Bích Nga (2020), Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Công thương, 01/06/2020 20:30

[12] Theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP

[13] Theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP

[14] theo Mẫu số 04/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP

[15] theo Mẫu số 05/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP

[16] Trần Thị Bích Nga (2020), tlđd, 11

[17] Điều 44 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 2020

[18] Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/02/2022,

[19] Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cùng chuyên mục

Các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam hiện nay

Các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam hiện nay

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  32 phút trước

(PLPT) - Trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam đã trở thành một vấn đề cấp bách và được nhiều người quan tâm.

Cảnh giác chiêu trò giả mạo Giám đốc Apple kêu gọi đầu tư tiền ảo

Cảnh giác chiêu trò giả mạo Giám đốc Apple kêu gọi đầu tư tiền ảo

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  56 phút trước

(PLPT) - Bằng công nghệ Deepfake, các đối tượng đã giả mạo Giám đốc điều hành (CEO) của Apple - ông Tim Cook để kêu gọi đầu tư tiền ảo.

Bộ Công an: Chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân

Bộ Công an: Chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 giờ trước

(PLPT) - Bộ Công an trả lời bạn đọc về xử lý hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện, không chuyển tiền quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Bộ Y tế: Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030

Bộ Y tế: Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Ngày 17/9/2024, Bộ Y tế đã họp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ để đánh giá, góp ý dự thảo và phối hợp triển khai Đề án "Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030".

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị thiệt hại do bão lũ có được miễn giảm thuế không?

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị thiệt hại do bão lũ có được miễn giảm thuế không?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  7 giờ trước

(PLPT) - Tổng cục Thuế vừa có văn bản số 4062/TCT-CS gửi 26 Cục Thuế tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão.

Áo đấu và huy chương giải chạy VPIM 2024 xịn sò thế nào?

Áo đấu và huy chương giải chạy VPIM 2024 xịn sò thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Lấy cảm hứng từ những hình ảnh thân thuộc, bình dị và đặc trưng nhất của Hà Nội, bộ đôi áo đấu và huy chương của giải chạy VPBank International Marathon (VPIM) năm nay được Ban tổ chức kỳ vọng sẽ truyền tải thông điệp quảng bá hình ảnh Hà Nội tươi đẹp, thân thiện, hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước.

Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám, chữa bệnh phải cung cấp thông tin dữ liệu chất lượng cao, hỗ trợ phản ứng nhanh và tiết kiệm chi phí

Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám, chữa bệnh phải cung cấp thông tin dữ liệu chất lượng cao, hỗ trợ phản ứng nhanh và tiết kiệm chi phí

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Bộ Y tế cần một hệ thống thông tin tập trung để hỗ trợ công tác điều hành quản lý, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh và giảm thiểu thời gian thủ tục trong công tác giám định. Hệ thống này phải cung cấp thông tin dữ liệu chất lượng cao, hỗ trợ phản ứng nhanh và tiết kiệm chi phí.

Người đang hưởng án treo có được làm việc ngoài nơi cư trú không?

Người đang hưởng án treo có được làm việc ngoài nơi cư trú không?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Bộ Công an đang dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Trong đó, Bộ đề xuất quy định giải quyết trường hợp người được hưởng án treo có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú.

Đọc nhiều