Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch

Thứ năm, 25/07/2024 - 12:43

Thời gian qua, ngành tư pháp Đồng Nai đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý hộ tịch và mang lại nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự hài lòng từ phía người dân.

Người dân đến đăng ký thủ tục hành chính về lĩnh vực tư pháp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Tư liệu
Người dân đến đăng ký thủ tục hành chính về lĩnh vực tư pháp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý hộ tịch còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngành tư pháp đang tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn

Phát biểu tại Hội nghị Giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 vừa qua, Trưởng phòng Hành chính và bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp) Hồ Quốc Lâm cho biết, thời gian qua, công tác triển khai thực hiện Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh cơ bản được thực hiện nghiêm, đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, ngành tư pháp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, cụ thể hóa những điểm mới của Luật Hộ tịch năm 2014 trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và công tác quản lý dân cư nói chung.

Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, thống kê số lượng sổ hộ tịch, dữ liệu hộ tịch được ghi nhận trong sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh từ năm 1975-2006. Đến nay, 100% UBND cấp huyện đã hoàn thành việc thống kê sổ hộ tịch và dữ liệu hộ tịch lịch sử trên địa bàn đúng tiến độ.

Tuy nhiên, khi giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân vẫn phát sinh khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Chẳng hạn, Luật Hộ tịch năm 2014 chỉ giải thích từ ngữ “quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”. Vậy quê quán của cha hoặc mẹ được xác định như thế nào, theo nơi mà cha mẹ sinh sống, lớn lên hay là quê của người cha hoặc mẹ thì chưa được nói rõ.

Ví dụ, trong một gia đình, người anh đăng ký khai sinh tại thời điểm trước khi Luật Hộ tịch năm 2014 được thông qua thì quê quán được xác định theo nơi sinh trưởng của người cha (mẹ). Sau này, người em đăng ký khai sinh thì áp dụng việc xác định quê quán theo nguyên quán của người cha (mẹ), tức là quê quán theo ông nội của trẻ hiện tại. Điều này dẫn đến việc không thống nhất thông tin về quê quán của anh, chị, em ruột trong gia đình khi đăng ký khai sinh. Thực tế, trên địa bàn tỉnh, chiếm số lượng lớn người dân có yêu cầu thay đổi quê quán nhưng chưa có cơ sở để giải quyết.

Pháp luật chỉ quy định trường hợp đăng ký lại khai tử phải đáp ứng 2 điều kiện: vừa mất bản chính, vừa mất sổ hộ tịch. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xác minh, giải quyết. Bởi có những trường hợp đăng ký lại khai tử cho người đã chết rất lâu (nhằm mục đích phân chia di sản) không xác định được chính xác thời điểm người đó chết, trong khi không còn giấy tờ liên quan hay thông tin cá nhân của bản thân người được đăng ký lại khai tử.

Thời gian gần đây, các cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận nhiều trường hợp yêu cầu thay đổi tên với nhiều nguyên nhân (tên gây ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, ảnh hưởng đến tâm lý, do chuyển đổi giới tính, tên hiện tại “không hợp phong thủy” hoặc không thích…).

Điểm a, khoản 1, Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó”. Tuy nhiên, cơ sở để xác định việc sử dụng tên đó đã gây ảnh hưởng đến tình cảm gia đình là ở mức độ nào cũng như việc thay đổi tên hiện vẫn chưa có hướng dẫn hay tiêu chí xác định cụ thể, rõ ràng. Điều này gây lúng túng cho cơ quan đăng ký hộ tịch trong việc tiếp nhận hay từ chối giải quyết.

Khoản 3, Điều 26 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”. Tuy nhiên, thực tế thế nào là tên tiếng Việt, thế nào là tên bằng tiếng dân tộc khác của Việt Nam; tên bằng số, tên bằng một ký tự như thế nào thì chưa được hướng dẫn cụ thể. Do vậy, các cơ quan đăng ký hộ tịch còn lúng túng, không xác định được tên người dân lựa chọn có phải là tên tiếng Việt hay không. Ví dụ: Trần To Ny; Phan A Na…

Trong thời gian qua, nhiều công dân yêu cầu cải chính hộ tịch trong giấy khai sinh hoặc giấy chứng nhận kết hôn; nhận cha, mẹ, con. Lý do, khi đăng ký hộ tịch trước đây, một số người dân do không hiểu biết pháp luật nên cung cấp thông tin không đúng sự thật về bản thân hoặc người thân mà không nghĩ đến hệ lụy về sau nếu có sự khai man. Pháp luật có quy định việc xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 336 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) người dân và công chức hộ tịch nếu cố tình khai không đúng sự thật, làm giả giấy tờ hoặc để xảy ra sai phạm trong quá trình đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên, thực tế nhiều sự việc xảy ra đã lâu, công chức hộ tịch đã nghỉ hưu, thời hiệu xử phạt không còn nên đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Cẩm Mỹ Thiều Thị Hoa cho hay, thời gian qua, trên địa bàn huyện có rất nhiều trường hợp công dân Việt Nam xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài (đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài, nhưng vợ chồng chung sống với nhau không hạnh phúc nên về lại Việt Nam bằng đường tiểu ngạnh). Hiện có nhiều trường hợp công dân Việt Nam đã về sinh sống trên địa bàn Cẩm Mỹ nhiều năm nhưng không thể xin được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mới để có thể “đi thêm bước nữa”, vì không cung cấp được bản án ly hôn do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.

Ngoài ra, một số nữ công dân Việt Nam đưa con của mình từ nước ngoài trở về Việt Nam nhưng vì lý do nào đó mà không cung cấp thông tin việc trẻ đã đăng ký khai sinh ở nước ngoài hay chưa. Điều này kéo theo hệ lụy là trẻ đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa được đăng ký khai sinh...

Cần giải pháp kịp thời

Để công tác đăng ký và quản lý hộ tịch được thực hiện thuận lợi và thống nhất, Sở Tư pháp đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, cần tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hộ tịch năm 2014, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản liên quan. Các cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không phải riêng của ngành tư pháp.

Ngành tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, phát huy những kết quả đạt được trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, đúc rút kinh nghiệm từ những bất cập, hạn chế của loại hình dịch vụ này trong thời gian qua để có giải pháp khắc phục nhằm hướng đến đổi mới trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Đặc biệt, ngành tư pháp tập trung nguồn lực triển khai tốt cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, số hóa sổ hộ tịch để làm giàu cơ sở dữ liệu hộ tịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ về dịch vụ công trực tuyến, đào tạo bổ sung về chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm nắm bắt đầy đủ thủ tục hành chính đối với công chức tiếp nhận và trả kết quả. Từ đó, chất lượng đội ngũ công chức được nâng cao để thực hiện quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngày càng tốt hơn.

Cùng chuyên mục

Chuẩn bị diễn ra Hội thảo Quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư”

Chuẩn bị diễn ra Hội thảo Quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư”

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc ‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ trong lĩnh vực đầu tư” sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 5/4/2025.

3 nhóm vấn đề trong Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi)

3 nhóm vấn đề trong Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi)

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

Tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền, địa phương (sửa đổi) đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Nội vụ đề xuất tập trung sửa đổi, bổ sung 3 nhóm vấn đề.

Vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân: Thực trạng và một số khuyến nghị

Vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân: Thực trạng và một số khuyến nghị

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm thiểu phổ biến vũ khí hạt nhân và quản lý nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đang có dấu hiệu đảo ngược. Giới quan sát cho rằng, môi trường an ninh quốc tế ngày càng bất ổn với việc các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược và sự nổi lên của những thách thức an ninh toàn cầu khiến xu thế chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế gia tăng

Vụ Baby Three bị nghi in hình 'đường lưỡi bò': Mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' bị xử phạt như thế nào?

Vụ Baby Three bị nghi in hình 'đường lưỡi bò': Mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' bị xử phạt như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Đồ chơi Baby Three đang đối mặt với làn sóng tẩy chay tại Việt Nam do nghi vấn in hình “đường lưỡi bò”. Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, nhà sản xuất Baby Three đã hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Vậy việc mua bán sản phẩm in hình 'đường lưỡi bò' có bị xử phạt?

Từ vụ 'rửa tiền' 2.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng: Trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền ra sao?

Từ vụ 'rửa tiền' 2.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng: Trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Trong vụ án 'rửa tiền' gần 2.000 tỷ đồng tại Lâm Đồng, các đối tượng sử dụng hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, hợp thức hóa qua nhiều lớp giao dịch trước khi chuyển ra nước ngoài. Vậy, trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền được quy định ra sao?

Chiêu lừa 'cộng tác viên online' tiếp tục khiến nhiều người mắc bẫy

Chiêu lừa 'cộng tác viên online' tiếp tục khiến nhiều người mắc bẫy

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Chiêu trò lừa đảo "cộng tác viên online" tiếp tục nở rộ, khiến nhiều người mất tiền oan vì những lời mời gọi hấp dẫn. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ nguồn thông tin chính thống để tránh sập bẫy.

Chế tài xử lý đối với tội bắt cóc trẻ em

Chế tài xử lý đối với tội bắt cóc trẻ em

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Gần đây, nhiều thông tin sai sự thật về các vụ "bắt cóc trẻ em" lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng trước những tin đồn thất thiệt.

Hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Hàng loạt các cá nhân, đội nhóm bị xử phạt vì đăng tải thông tin 'báo chốt' cảnh sát giao thông lên mạng xã hội. Vậy chế tài xử lý hành vi 'báo chốt' cảnh sát giao thông trên mạng xã hội ra sao?