Nghiên cứu lý luận

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam trước xu thế hội nhập quốc tế - Hoàn thiện khung pháp lý và giải pháp tăng cường

Lương Thị Hồng Hương Thứ bảy, 03/08/2024 - 09:01
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Trước xu thế hội nhập toàn cầu, TTCK phái sinh ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành về TTCK phái sinh chưa thống nhất, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn và khó áp dụng. Bài viết này sẽ trình bày một số vấn đề lý luận về TTCK phái sinh, phân tích thực tiễn quy định pháp lý, hạn chế, đề xuất giải pháp hoàn thiện khung pháp lý trong quá trình TTCK phái sinh hoạt động.

Tóm tắt: Hiện nay, thị trường chứng khoán (TTCK) được coi là môi trường đầu tư hấp dẫn, nơi thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, điển hình là TTCK phái sinh. Trước xu thế hội nhập toàn cầu, TTCK phái sinh ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành về TTCK phái sinh chưa thống nhất, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn và khó áp dụng. Trong bài viết này, tác giả trình bày một số vấn đề lý luận về TTCK phái sinh, phân tích thực tiễn quy định pháp lý và hạn chế trong quá trình TTCK phái sinh hoạt động. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp tăng cường theo hướng hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với xu thế quốc tế nhằm tạo môi trường pháp lý cho TTCK phái sinh Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Chứng khoán phái sinh, thị trường phái sinh, khung pháp lý, giải pháp.

Abstracts: Currently, the stock market is considered an attractive investment, attracting many investors to participate, typically the derivatives market. Facing the trend of global integration, the derivatives market is increasingly receiving attention. However, the current legal framework on the derivatives market is not unified, meets practical needs, and is difficult to apply. With this essay, the author presents a number of theoretical issues about the derivatives market, analyzes practical legal regulations and limitations in the process of operating the derivatives market. On that basis, propose a number of solutions to strengthen the legal framework in accordance with international trends to create a legal environment for Vietnam's derivatives market to develop in the coming period.

Keys: Derivative securities, derivatives market, legal framework, solutions

1. Mở đầu

Hiện nay, TTCK được xem là một trong những cấu phần quan trọng khi nhắc đến thị trường tài chính. Thực tiễn trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã dành sự quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp với mục đích phát triển TTCK hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu, TTCK ngày càng được mở rộng và dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn đem lại nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển càng lớn của thị trường chứng khoán phái sinh dẫn đến Việt Nam gặp nhiều thách thức. Chẳng hạn, hạn chế về quy mô, cấu trúc, số lượng hàng hóa; đặc biệt là sự hạn chế về nhà đầu tư trên thị trường. Một trong những nguyên nhân đó là vướng mắc về quy định của pháp luật so với thông lệ quốc tế. Do đó, để phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đáp ứng xu thế hội nhập toàn cầu thì phải có sự điều chỉnh phù hợp, nhanh chóng thích nghi, hoàn thiện khung pháp lý và có các giải pháp tối ưu nhằm tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh cho thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới.

2. Một số vấn đề lý luận về thị trường chứng khoán phái sinh

Hiện nay, khái niệm về TTCK phái sinh nói riêng và khung hay khuôn khổ pháp lý TTCK phái sinh nói chung được hiểu dựa trên một số phương diện khác nhau. Tuy nhiên, theo đánh giá, nhìn nhận chung giữa các quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu thì các khái niệm đó vẫn có sự tương đồng và thống nhất với nhau. Cụ thể:

Trước hết là về TTCK phái sinh:

Theo Chance và Brooks (2016) thì phái sinh được hiểu đó là sự bắt nguồn từ một thực thể khác và trong hoạt động tài chính thì phái sinh được xem là hợp đồng giao dịch mà ở mức giá bắt nguồn từ giá thực tế của một số tài sản cơ bản.

Theo Luật quy định hợp đồng chứng khoán (SCRA) năm 1956 thì phái sinh là sự dẫn xuất từ một tài sản có thể đảm bảo hoặc có nguồn gốc từ giá, hoặc chỉ số giá của chứng khoán cơ bản.

Theo IFRS Foundation (2019), phái sinh chứng khoán là hợp đồng có giá trị giữa hai hoặc nhiều bên dựa trên tài sản tài chính cơ bản đã được thỏa thuận bắt nguồn từ ngoại tệ, lãi suất, chỉ số thị trường, cổ phiếu, trái phiếu.

Tại khoản 9, Điều 3 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: “Chứng khoán phái sinh được hiểu là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai”.

Với pháp luật Việt Nam hiện hành thì CKPS được hiểu là một loại chứng khoán được hình thành trên một tài sản cơ sở hay tài sản gốc nhất định, bao gồm nhiều công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở (phi tài chính như thực phẩm, kim loại, năng lượng... hoặc tài chính như cổ phiếu, chỉ số, trái phiếu, tỉ giá hối đoái, lãi suất...). Tức là giá trị của chúng phụ thuộc vào loại tài sản mà nó hình thành.

Thị trường cũng chưa có khái niệm chính thức nhưng đều được hiểu là nơi mà người mua và người bán (hay người có nhu cầu và người cung cấp) tiếp xúc trực tiếp hoặc gián đoạn với nhau để trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ, hay hợp đồng hoặc công cụ để thu lợi nhuận hoặc trao đổi với nhau.

Như vậy, từ các quan điểm đưa ra, tác giả đưa ra khái niệm tương đối về cách hiểu chung về TTCK phái sinh như sau: “TTCK phái sinh là nơi mà người mua, người bán (hay người có nhu cầu và người cung cấp) tiếp xúc trực tiếp hoặc gián đoạn với nhau để trao đổi, mua bán hợp đồng giữa các bên dựa vào cơ sở tài sản cơ sở”.

Khung pháp lý hoặc khuôn khổ của TTCK phái sinh:

Theo AEMC (2017) thì khuôn khổ là các nguyên tắc được thiết lập để áp dụng cho hoạt động cụ thể.

Khái niệm khung pháp lý xuất phát từ tiếng La - tinh “Jus” nghĩa là quy định của pháp luật. Xét theo giải thích của Đại Từ điển Tiếng Việt thì khung pháp lý được hiểu đó là “những căn cứ, là cơ sở lý luận của luật pháp” .

Tác giả Ngô Thị Hà đã đưa ra khái niệm tổng quát, xem ba tên gọi khung pháp lý, khuôn khổ pháp lý và hành lang pháp lý là một. Tác giả đã khái quát khung pháp lý là “tập hợp các quy định pháp luật hợp thành thể chế, chế định có tính chuyên ngành riêng dành cho việc điều chỉnh một loại quan hệ xã hội cùng tính chất, liên hệ với nhau, để phân biệt với quan hệ xã hội khác, bảo đảm cho sự vận hành của các quan hệ xã hội cùng loại đó” .

Hầu hết, các cách hiểu trên được đưa ra có sự giải thích bằng các cách khác nhau nhưng đều có điểm chung khi cho rằng khuôn khổ hay khung pháp lý là hệ thống những quy định và tiêu chuẩn riêng được thiết lập cho hoạt động nhất định nào đó với vai trò đảm bảo sự vận hành của các quan hệ xã hội.

Khung pháp lý về TTCK phái sinh:

Trên cơ sở tiếp thu và nghiên cứu có chọn lọc, tác giả đồng ý quan điểm của các nhà nghiên cứu và đề xuất khái niệm dựa trên các khái niệm đó như sau: “Khung pháp lý về TTCK phái sinh là hệ thống những quy định và tiêu chuẩn riêng được thiết lập cho hoạt động chứng khoán phái sinh nơi mà người mua, người bán (hay người có nhu cầu và người cung cấp) tiếp xúc trực tiếp hoặc gián đoạn với nhau để trao đổi, mua bán hợp đồng giữa các bên dựa vào tài sản cơ sở”.

3. Thực tiễn và hạn chế quy định pháp lý của TTCK phái sinh tại Việt Nam

3.1. Thực tiễn quy định pháp lý của TTCK phái sinh tại Việt Nam

Hiện nay, thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam chủ yếu tập trung qua Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) và có 03 sản phẩm đang được giao dịch với 10 mã chứng khoán phái sinh được niêm yết. Khung pháp lý quy định về TTCK phái sinh đang dần được nhà nước quan tâm và chú trọng trong công tác xây dựng và hoàn thiện ban hành hệ thống pháp luật gồm các quyết định, nghị định, thông tư nhằm kịp thời điều chỉnh và thi hành.

Mở đầu cho việc phát triển thị trường chứng khoán phải kể đến Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Với đề án này giúp phát triển thị trường vốn theo hướng hiện đại và dần dần hoàn chỉnh về mặt cấu trúc gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu và công cụ phái sinh.

Năm 2012 để có sự vận hành thống nhất, Chính phủ ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 về “Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020”. Văn bản xác định mục tiêu phát triển TTCK phái sinh để hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam.

Hàng loạt sự phê duyệt của Chính phủ nhằm vận hành và xây dựng TTCK phái sinh ở Việt Nam. Phân định cơ quan quản lý tài sản cơ sở tại Việt Nam một cách rõ ràng như sau:

Bảng: Cơ quan quản lý tài sản cơ sở tại Việt Nam

Tiếp đến năm 2014, Chính phủ phê duyệt Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam. Trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh về TTCK phái sinh đã chính thức được ban hành ngày 05/5/2015. Có thể xem Nghị định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập khung pháp lý cho TTCK phái sinh phát triển theo đúng kế hoạch đề ra mặc dù có bộc lộ những hạn chế, vướng mắc nhất định. Cụ thể: Theo hướng bổ sung thị trường phòng ngừa rủi ro để hỗ trợ phát triển thị trường nhỏ quy mô cơ sở như cổ phiếu, trái phiếu dẫn đến đã hoàn thiện được cấu trúc TTCK. Đồng thời, Nghị định này còn tạo tiền đề để xây dựng các văn bản khác về thuế, chế độ kế toán, lệ phí cho việc vận hành thị trường bậc cao mới nhằm khuyến khích TTCK phái sinh vận hành đạt kết quả.

Hơn thế nữa, Luật Chứng khoán năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019 trong quá trình thực thi đã bộc lộ một số hạn chế cần được bổ sung, hoàn thiện kịp thời.

Để tháo gỡ những vướng mắc cũng như có những hướng dẫn mới về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh phù hợp với Luật Chứng khoán năm 2019 thì Chính phủ đã ban hành một số Nghị định nhằm đảm bảo tính pháp lý và thực thi hiệu quả khi áp dụng. Chẳng hạn như: Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh thay thế cho Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh; Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán…

Nhìn chung, TTCK nói chung và TTCK phái sinh tại Việt Nam nói riêng đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc thông qua việc hình thành các khu vực thị trường: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh. Dù mới thành lập trong thời gian ngắn nhưng TTCK phái sinh đã phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng giao dịch bình quân đạt 3,3 lần/năm, cung cấp thêm các công cụ đầu tư và quản lý rủi ro hữu hiệu.

TTCK Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, với quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán (TTCK) giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2000 - 2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Tính đến cuối năm 2020, vốn hóa thị trường đạt 84,1% GDP, gấp 7,3 lần so với năm 2010…

Sự xuất hiện của TTCK phái sinh tại Việt Nam ngày càng được nhiều người biết đến và quan tâm hơn. Hoạt động của TTCK đem lại những lợi ích đáng kể, tính công khai, minh bạch phù hợp với thông lệ về quản trị cũng như năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước. Việc chú trọng hoạt động quản lý giám sát nhằm giúp TTCK nói chung và TTCK phái sinh nói riêng được phát triển an toàn, ổn định và lấy quyền lợi của người dân làm trung tâm xuyên suốt hoạt động phát triển. Mặc dù, TTCK tại Việt Nam có thể coi là còn khá mới so với các nước trên thế giới. Nhưng đổi lại, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dần dần TTCK phái sinh có những bước khởi đầu và thành tựu đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, việc phát triển TTCK phái sinh ở Việt Nam đã và đang gặp nhiều thách thức trước xu thế hội nhập quốc tế. Chẳng hạn như: TTCK phái sinh tại Việt Nam dễ bị tác động bởi các điều kiện kinh tế và những biến động của thị trường tài chính, chính trị thế giới. Dưới tác động của Covid-19 làm nền kinh tế Việt Nam suy giảm trong khi đó TTCK có xu hướng tăng dẫn đến TTCK có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa sự ổn định của thị trường ngắn hạn và sự phát triển của thị trường trung và dài hạn.

3.2. Hạn chế về quy định pháp lý của TTCK phái sinh tại Việt Nam

Việc ban hành hệ thống pháp luật về TTCK nói riêng và chứng khoán phái sinh nói chung đã khá hoàn chỉnh về các quy định pháp lý có liên quan giúp Việt Nam có những thành tựu đáng kể trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế khi phát triển TTCK phái sinh trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Cụ thể:

Thứ nhất, khó khăn trong việc triển khai khi áp dụng các quy định liên quan đến TTCK phái sinh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Một là, về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định tại Luật Chứng khoán chưa được trao đầy đủ thẩm quyền trong thanh tra, quản lý, giám sát và cưỡng chế so với nguyên tắc quản lý TTCK của tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán mà Việt Nam là thành viên, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi bầu hết một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh... đều quy định tại Luật Chứng khoán, mở rộng thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm xử lý kịp thời hành vi lạm dụng TTCK phái sinh thao túng thị trường.

Hai là, việc tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh. Theo đó, tại Luật Chứng khoán năm 2019 chưa luật hóa việc tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh trên sở giao dịch chứng khoán.

Ba là, giữa Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp thì sàn giao dịch chứng khoán hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo Luật Chứng khoán gặp khó khăn khi thực hiện liên quan đến tổ chức bộ máy, thẩm quyền, nhiệm vụ của Hội đồng quản trị...

Thứ hai, pháp luật về phí khi giao dịch chứng khoán phái sinh còn khá cao.

Khi thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh thì người tham gia TTCK phái sinh bên cạnh việc nộp thuế thu nhập cá nhân thì phải nộp 5 loại phí theo quy định tại Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2023 của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Chi phí được quy định còn ở mức cao mặc dù đã có sự điều chỉnh giảm chi phí tại Thông tư số 101/2021/TT-BTC ngày 17/11/2021 của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Thứ ba, quy định của pháp luật về đối tượng nhà đầu tư còn hạn chế.

Hiện pháp luật còn đang có sự hạn chế về nhà đầu tư dẫn đến đối tượng tham gia trên thị trường ít đa dạng. Phần lớn chỉ cho phép các nhà đầu tư trong nước là cá nhân tham gia giao dịch trên thị trường. Việc đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trên TTCK phái sinh dựa trên hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ theo đúng thông lệ quốc tế là cần thiết. Sở GDCK Hà Nội đang kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính cho phép mở rộng đối tượng nhà đầu tư tham gia thị trường này.

Thứ tư, Luật Chứng khoán chưa đưa ra các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK nói chung và TTCK phái sinh nói riêng; chưa có chế tài và cơ sở xử lý về sự kiện bất khả kháng, sự cố bất ngờ làm ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của TTCK phái sinh.

4. Giải pháp hoàn thiện khung pháp lý và giải pháp tăng cường TTCK phái sinh phù hợp với xu thế quốc tế

4.1. Giải pháp hoàn thiện khung pháp lý TTCK phái sinh phù hợp với xu thế quốc tế

Thứ nhất, chú trọng hoàn thiện khung pháp lý trong việc triển khai khi áp dụng các quy định liên quan đến TTCK phái sinh và các công ty chứng khoán để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các cơ quan quản lý có liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng nhà nước nên tạo hành lang pháp lý để cho phép công ty quản lý quỹ từng bước được thực hiện giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận chứ không chỉ đầu tư chứng khoán phái sinh nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro. Hoàn thiện các nguyên tắc, khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy TTCK phái sinh phát triển một cách sâu, rộng theo hướng minh bạch, đồng bộ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, sửa đổi Luật Chứng khoán trên cơ sở đồng bộ và thống nhất với các Luật liên quan nhằm phát triển bền vững TTCK. Đồng thời ban hành đồng bộ các quy định mới về giao dịch, công bố thông tin, niêm yết và đăng ký giao dịch. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách (bao gồm cả chính sách tài chính, chính sách thuế) theo hướng hỗ trợ các thị trường bộ phận phát triển hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường chế tài xử lý liên quan đối với chứng khoán phái sinh và quy định cơ chế xử lý về sự kiện bất khả kháng, sự cố bất ngờ làm ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của TTCK phái sinh.

Cần có các chế tài liên quan đến việc thổi giá chứng khoán phái sinh, thao túng TTCK phái sinh. Hạn chế tối đa hành vi phạm tội thu lợi bất chính của một số đối tượng có hành vi xấu.

Thứ tư, có sự thống nhất giữa các quy định pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần rà soát các quy định về cơ chế mở tài khoản, giao dịch hiện tại, tiết giảm thủ tục hành chính, để tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư tham gia TTCK phái sinh. Các văn bản pháp lý, chế tài kiểm tra, kiểm soát giao dịch phái sinh cũng cần được nghiên cứu bổ sung để tránh những rủi ro phát sinh.

Thứ năm, quy định pháp luật cần mở rộng về đối tượng là nhà đầu tư.

Cần nới lỏng quy định của pháp luật về các điều kiện tham gia thị trường của các công ty quản lý quỹ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Hơn thế, cần có những chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường thuận lợi, phối hợp với các ban, ngành triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu cho nhà đầu tư, có những cơ chế khuyến khích về phí, thuế để thu hút các nhà đầu tư. Góp phần hình thành một TTCK phái sinh tại Việt Nam năng động, đa dạng, phong phú và an toàn.

4.2. Giải pháp tăng cường khung pháp lý TTCK phái sinh phù hợp với xu thế quốc tế

Thứ nhất, chú trọng về tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin trên TTCK phái sinh. Việc làm này nhằm bảo đảm khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK.

Thứ hai, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tận dụng cơ hội để phát triển TTCK phái sinh theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Mở rộng hợp tác nhưng không hòa tan, lựa chọn những mô hình và cơ chế để phát triển TTCK phái sinh phù hợp.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tham gia thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng phương tiện truyền thông (báo chí, trang tin…) đưa thông tin sai lệch, thông tin thiếu đầy đủ, làm méo mó thông tin. Tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi tham gia vào TTCK phái sinh tại Việt Nam.

Thứ tư, cần nâng cao vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và TTCK phái sinh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải có đủ thẩm quyền để thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về TTCK, chứng khoán phái sinh và xử lý những vấn đề có liên quan đến chứng khoán và giao dịch chứng khoán phái sinh.

Thứ năm, tăng nguồn cung hàng hóa cho thị trường, cải thiện chất lượng nguồn cung.

Tăng cường cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết để tạo hàng hóa có chất lượng cho TTCK. Khuyến khích các loại doanh nghiệp thực hiện phát hành lần đầu ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; phát triển các sản phẩm trái phiếu Chính phủ; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp; phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm khác.

Thứ sáu, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Phát triển mạnh các kênh cung cấp vốn cả trong và ngoài nước cho thị trường, mở rộng hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức; phát triển đầy đủ các định chế trung gian; đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp, đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành một thị trường vốn phát triển trong khu vực. Xây dựng các quy định pháp lý nhằm phát triển loại hình quỹ thị trường tiền tệ; đa dạng hóa loại hình của quỹ đại chúng như quỹ của quỹ, quỹ ETF đòn bẩy… Cần phát triển một số tổ chức tạo lập thị trường là các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí. Đây là những tổ chức có năng lực tài chính mạnh, kinh doanh chuyên nghiệp, có khả năng liên kết cao…

Thứ bảy, xây dựng cơ chế phối hợp trong việc điều hành các chính sách có liên quan đến TTCK phái sinh. Các chính sách vĩ mô tác động mạnh đến TTCK phái sinh là chính sách tài chính và chính sách tiền tệ. Do vậy, cần kiểm soát tốt lạm phát đây là một trong những điều kiện và tiền đề rất quan trọng để TTCK phái sinh tại Việt Nam phát triển lành mạnh, hiệu quả và ổn định. Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ tám, quan tâm đầu tư đến sự phát triển thị trường vốn theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc. Cụ thể có chú tâm đến thị trường trái phiếu vận hành, thị trường quản lý, cổ phiếu tập trung vận hành theo thông lệ quốc tế có sự liên kết chặt chẽ với các thị trường quốc tế và khu vực.

Thứ chín, hiện đại hóa hạ tầng, công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính đơn giản tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK phái sinh.

Tăng cường đầu tư và áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức giao dịch và quản lý giám sát TTCK phái sinh, tập trung phát triển hệ thống phần mềm ứng dụng lõi đồng bộ hóa khả năng quản lý nhằm đảm bảo sự an toàn mạng và an ninh cá nhân. Hơn thế nữa, cần xem xét loại bỏ rút hẹp quy trình về thủ tục hành chính, các loại giấy phép không cần thiết để tránh mất thời gian và sự e ngại của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính không đồng nghĩa là bỏ qua các yêu cầu quản lý của nhà nước mà vẫn phải đáp ứng sự kiểm soát của cơ quan nhà nước và tạo điều kiện để TTCK phái sinh phát triển lành mạnh.

Thứ mười, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững TTCK phái sinh. Tăng cường đào tạo đội ngũ quản lý, giám sát và tổ chức TTCK phái sinh; tập trung đào tạo những người tham gia hoạt động chứng khoán phái sinh, các nhà đầu tư để họ có đủ năng lực, trình độ quản lý cũng như hoạt động trên TTCK phái sinh. Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của nhân lực ngành chứng khoán phái sinh. Mở các cuộc hội thảo, để lắng nghe sự góp ý của các nhà đầu tư nói riêng và những người tham gia TTCK phái sinh nói chung để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như từ đó nhanh chóng khắc phục các bất cập, hạn chế mà luật quy định.

5. Kết luận

Hiện nay, khái niệm về TTCK phái sinh có sự thống nhất chung giữa các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về vấn đề liên quan đến TTCK phái sinh còn khá ít, thường không quy định trong Luật Chứng khoán mà chỉ nằm rải rác ở các Nghị định, Thông tư... Một số quy định pháp luật về TTCK còn nhiều thiếu sót cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp nhưng việc phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam đã có những bước tiến nổi bật.

Việc phát triển TTCK phái sinh đáp ứng xu thế hội nhập toàn cầu là một việc không dễ dàng. Quá trình vận hành và thiết lập được một TTCK phái sinh đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ phía nhà nước, các cơ quan quản lý, các thành viên trên TTCK phái sinh mà cần sự hợp tác, phối hợp tích cực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam đáp ứng xu thế toàn cầu là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị trí trên trường quốc tế. Chứng khoán phái sinh là một phạm trù còn khá mới mẻ và là thách thức của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, bằng sự quan tâm và nỗ lực hết mình, TTCK phái sinh tại Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khu vực và thế giới.

Hiện nay, hoàn thiện khung pháp lý về TTCK phái sinh ở Việt Nam là tất yếu, xây dựng các chính sách hoàn thiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thu hút các nhà đầu tư đáp ứng xu thế hội nhập và thông lệ quốc tế góp phần vào việc phát triển TTCK Việt Nam đồng bộ, thống nhất tổng thể để phát triển thị trường tài chính, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Chứng khoán năm 2019.

2. Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 của Chính phủ quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

3. Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 quy định về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

4. Thông tư số 101/2021/TT-BTC ngày 17/11/2021 quy định về quy định về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

5. Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

6. Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Chính phủ về “Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020”.

7. Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam

8. Huỳnh Thị Minh Duyên (2022), “Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân, tr.133.

9. Bùi Nguyên Hoàn, Bạch Nguyễn Tuyết Vân (2018), “Giới thiệu chứng khoán phái sinh”, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.

10. Đào Thị Hồng, Nguyễn Thị Thùy Dung (2019), “Phát triển hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam”.

11. TNU Journal of Science and Technology, 201(08), 191-197.

12. Phạm Bảo Anh (2022), “Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường chứng khoán tại Việt Nam”, Tạp chí Công thương Điện tử, xem tại: Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam (tapchicongthuong.vn), 04/11/2023.

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều