Nghiên cứu lý luận

Pháp luật về hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán ở Việt Nam - Một số bình luận mở

PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu, Diêm Thị Ánh, Trần Hoàng Minh Thứ sáu, 02/08/2024 - 11:25
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết này đề cập đến pháp luật về kinh doanh chứng khoán phái sinh tại các công ty chứng khoán Việt Nam hiện nay và một số ý kiến bình luận của nhóm tác giả với vấn đề này.

Tóm tắt: Thị trường chứng khoán phái sinh đã hình thành và đi vào thực tế 6 năm trở lại đây, trong đó có đóng góp quan trọng của các công ty chứng khoán, thể hiện vai trò của pháp luật đối với thị trường chứng khoán phái sinh nói chung, cũng như hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán nói riêng. Bài viết đề cập đến pháp luật về kinh doanh chứng khoán phái sinh tại các công ty chứng khoán Việt Nam hiện nay và một số ý kiến bình luận của nhóm tác giả đối với vấn đề này.

Từ khoá: Pháp luật; Chứng khoán phái sinh; Công ty chứng khoán; Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Với hơn sáu năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đã ghi nhận những bước chuyển mình tích cực, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên - Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 2017, các sản phẩm chứng khoán phái sinh đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam trong thời gian qua chứng minh sự nỗ lực của cơ quan nhà nước cũng như sự am hiểu và ủng hộ rộng rãi của các chủ thể kinh doanh chứng khoán, nhà đầu tư. Qua từng thời kỳ, các công ty chứng khoán cũng đã có những bước chuyển mình để phù hợp với sự vận động của thị trường.

Để có được sự hình thành và dần ổn định của thị trường chứng khoán phái sinh, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của công ty chứng khoán đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh có vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho sự ổn định và phát triển bền vững của các công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán phái sinh.

2. Cơ sở đánh giá pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh

Các lý thuyết được sử dụng: Lý thuyết về quyền tự do kinh doanh. Lý thuyết này giải thích cho việc tham gia thị trường phái sinh là sự tự quyết của các chủ thể kinh doanh chứng khoán đủ điều kiện. Lý thuyết bàn tay vô hình được sử dụng cho việc đánh giá cũng như đề xuất ý kiến pháp lý trên cơ sở nguyên tắc vận hành của thị trường chứng khoán. Lý thuyết đảm bảo an toàn trong kinh doanh giải thích cho những ý kiến của nhóm tác giả lý giải vì sao cần có những quy định an toàn cả ở góc độ vĩ mô và góc độ vi mô, lý giải cho sự cần thiết phải ban hành những quy định về phòng ngừa và quản lý rủi ro. Lý thuyết quản trị công ty tốt nhất cũng như lý thuyết về đạo đức kinh doanh và lý thuyết về trách nhiệm xã hội được áp dụng mang tính phổ biến trong xã hội hiện đại.

Yêu cầu cơ bản khi đánh giá pháp luật về hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán ở Việt Nam. Những yêu cầu được đề cập gồm: Yêu cầu thực thi đầy đủ đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu tách bạch rủi ro trong đầu tư chứng khoán phái sinh với hoạt động tự doanh và môi giới chứng khoán, yêu cầu này hướng tới việc bảo vệ nhà đầu tư cũng như đánh giá những quy định pháp luật cụ thể. Một yêu cầu quan trọng khác, đó là thực tiễn thị trường phái sinh ở Việt Nam. Chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh có lịch sử phát triển lâu đời và rất phong phú, nhưng trở nên sôi động từ những năm 1970; giao dịch chứng khoán phái sinh trên các sở giao dịch ngày càng được hiện đại hóa, khai thác hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển dần từ giao dịch thủ công sang giao dịch với sự hỗ trợ của hệ thống điện tử và sau đó là giao dịch điện tử hoàn toàn.

Ở Việt Nam, giao dịch phái sinh trên hàng hóa đã hình thành và phát triển từ những năm 2000 như: Giao dịch phái sinh trên thị trường điều thô (2002), trên thị trường thủy sản (2004), trên thị trường cà phê (2004)... Đến giai đoạn 2007-2009, giao dịch phái sinh trên cổ phiếu (chủ yếu là quyền chọn cổ phiếu) được các công ty chứng khoán giao dịch trực tiếp với khách hàng. Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức ra đời với sản phẩm phái sinh là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Với sự kiện này, Việt Nam là quốc gia thứ năm có thị trường chứng khoán phái sinh trong khu vực ASEAN bên cạnh Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao.

Với các đặc tính chung của thị trường chứng khoán phái sinh, tính liên quan của thị trường phái sinh với thị trường chứng khoán cơ bản, giữa thị trường trong nước với thị trường khu vực và toàn cầu có ảnh hưởng tới nội dung và cơ chế điều chỉnh pháp luật. Cuối cùng, nội dung gắn với xu hương thị trường phái sinh ở Việt Nam và thế giới cũng có ý nghĩa quan trọng.

3. Một số kết quả nghiên cứu đã công bố về hoạt động của công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán phái sinh và nội dung pháp luật điều chỉnh

Tại Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh, tập trung chủ yếu là đánh giá thực trạng pháp lý hiện hành và đề xuất giải pháp hay định hướng hoàn thiện, điển hình như Cấn Văn Lực (2015); Nguyễn Kim Chung (2015); Nguyễn Thị Hoàng Yến và Phạm Tuấn Vũ (2016).

Về hoạt động và phát triển của các công ty chứng khoán cũng rất phổ biến, điển hình có thể kể đến: Nguyễn Bảo Giang (2005); Nguyễn Thị Kim Quyên (2001); Bùi Minh Bằng (2003). Các nghiên cứu tập trung bàn luận đến quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của công ty chứng khoán và địa vị pháp lý của công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Công bố của Cấn Văn Lực (2015) xem xét điều kiện vận hành hiệu quả thị trường chứng khoán phái sinh bằng phương pháp tổng hợp và phân tích, thời gian năm 2014. Một số điều kiện vận hành thị trường được đặt ra trong đó đáng quan tâm là vấn đề pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua đó, tác giả đã gợi ý để vận hành hiệu quả thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam, đó là đối với các cấp quản lý cần xây dựng hành lang pháp lý trong việc tạo lập và giao dịch, cơ chế và biện pháp phòng ngừa rủi ro trong giao dịch, đảm bảo minh bạch .

Sản phẩm của Nguyễn Kim Chung (2015) sử dụng phương pháp định tính thông qua tổng hợp và phân tích để bàn luận khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh trên cơ sở Chính phủ ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Theo tác giả nhìn nhận việc ban hành quy định này đã giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn và giúp thị trường chứng khoán phát triển chuyên nghiệp, bài bản hơn theo thông lệ quốc tế .

Nguyễn Thị Hoàng Yến và Phạm Tuấn Vũ (2016) đã xem xét khung pháp lý thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam. Tác giả tổng hợp và phân tích mô hình cấu trúc thị trường chứng khoán phái sinh tập trung của Việt Nam và cơ sở pháp lý theo đề xuất của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Theo đánh giá của tác giả, cơ sở pháp lý chưa được hoàn chỉnh bởi các văn bản pháp lý hiện nay vẫn chưa đầy đủ và đang trong quá trình dự thảo các văn bản .

Về các công trình nghiên cứu bằng tiếng nước ngoài, có thể khẳng định cho đến thời điểm nhóm tác giả tìm hiểu vấn đề này, có nhiều công trình đã công bố, bằng nhiều cách thức và mức độ khác nhau, minh chứng cho sự hình thành và phát triển lâu dài của thị trường chứng khoán phái sinh nói chung và vai trò của các công ty chứng khoán trên thị trường này. Một số công trình công bố liên quan đến chứng khoán phái sinh, thị trường chứng khoán phái sinh ở góc độ kinh tế cũng như lưu ý cần thiết khi phân tích đầu tư. Tác phẩm có thể sử dụng để dẫn chiếu như cuốn “Ingersoll, 1987. Theory of financial Decision Making” , theo đó tác giả đề cập đến nhiều lý thuyết cho chứng khoán phái sinh và các lý thuyết cơ bản (trang 17-56). Ở góc độ nghiên cứu cả lịch sử pháp luật cũng như đánh giá thực tiễn pháp luật về thị trường chứng khoán phái sinh cũng có nhiều công trình đã được công bố liên quan đến pháp luật về thị trường chứng khoán phái sinh của châu Á hay của Hoa kỳ. Với thị trường của châu Á, nhóm tác giả M. Shamsher, H. Taufiq đã nghiên cứu 19 thị trường chứng khoán phái sinh châu Á gồm cả thị trường mới nổi và thị trường phát triển, đánh giá từ những thị trường có thanh khoản cao, thị trường có phản ứng tích cực hay những thị trường ở giai đoạn đầu . Với thị trường Hoa kỳ, Bài viết của Michael Dunn đã chỉ ra nhiều vấn đề pháp lý phát sinh tại thị trường chứng khoán phái sinh ngay từ những năm 2010, 2011, trong đó những vấn đề gắn với điều kiện cho các chủ thể tham gia thị trường, tính công khai và phòng ngừa rủi ro rất đáng quan tâm và là gợi mở pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh, hoạt động của công ty chứng khoán tại thị trường phái sinh .

Từ các nghiên cứu trên, có thể nhìn nhận, tại Việt Nam, cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh; và vai trò, địa vị pháp lý của công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, với điều kiện thị trường mới mở ở Việt Nam, nghiên cứu quy định pháp luật về vấn đề này ở góc độ áp dụng đối với công ty chứng khoán là cần thiết.

4. Thực trạng pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán ở Việt Nam

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán được trải dài từ Luật chứng khoán đến các Nghị định, Thông tư, Quyết định, Hướng dẫn, Quy chế của các cơ quan quản lý chuyên trách trong lĩnh vực chứng khoán nói chung và chứng khoán phái sinh nói riêng, cụ thể như: Chính phủ, Bộ Tài Chính, Uỷ ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Nội dung cụ thể và các văn bản pháp luật sẽ được nhóm tác giả dẫn chiếu trong những phân tích cụ thể dưới đây.

4.1. Điều kiện gia nhập thị trường

Để được thực hiện các hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải đáp ứng một số quy định về điều kiện gia nhập thị trường như: điều kiện về vốn, điều kiện về nhân sự, điều kiện về hệ thống kết nối, điều kiện về văn bản nội bộ công ty, điều kiện về quản trị công ty .

Thứ nhất, điều kiện về nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán: công ty chứng khoán muốn tham gia đầu tư kinh doanh chứng khoán phái sinh phải có đầy đủ tất cả các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. Điều kiện này xuất phát từ việc xác định chứng khoán phái sinh được hình thành từ các loại chứng khoán cơ sở và chịu ảnh hưởng từ các đánh giá, kết quả giao dịch của chứng khoán cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán xét về bản chất cũng được thể hiện thông qua môi giới, tư vấn, tự doanh và bảo lãnh phát hành – những hoạt động kinh doanh điển hình. Bên cạnh đó, cũng không thể loại trừ khả năng chính các hoạt động kinh doanh này của công ty chứng khoán đối với chứng khoán cơ bản giúp công ty đánh giá, phân tích biến động của chứng khoán phái sinh kịp thời nhất.

Thứ hai, điều kiện về vốn và năng lực tài chính của công ty. Trong đó, phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu 800 tỷ đồng đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh; tối thiểu 600 tỷ đồng đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh; tối thiểu 250 tỷ đồng đối với hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh. Trường hợp đăng ký kinh doanh cả hoạt động môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 800 tỷ đồng; có tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất; thực hiện trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định pháp luật; không có lỗ trong 2 năm gần nhất; ý kiến của tổ chức kiểm toán được chấp thuận tại báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét (trường hợp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh sau ngày 30/6) phải là chấp nhận toàn phần.

Trường hợp công ty Chứng khoán muốn đăng ký trở thành thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh thì pháp luật đòi hỏi một điều kiện cao hơn: thành viên bù trừ trực tiếp cần có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 900 tỷ đồng trở lên; thành viên bù trừ chung cần có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 1.200 tỷ đồng trở lên; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 260% liên tục trong 12 tháng gần nhất; hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính năm gần nhất không quá 05 lần; thực hiện trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định của pháp luật; không có lỗ trong 2 năm gần nhất; ý kiến của tổ chức kiểm toán được chấp thuận tại báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét (trường hợp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh sau ngày 30/6) phải là chấp nhận toàn phần.

Với những quy định về năng lực tài chính rất cao so với các yêu cầu vốn đối với từng hoạt động kinh doanh cho thấy yêu cầu về phòng ngữa rủi ro và chịu đựng rủi ro của các công ty chứng khoán tham gia kinh doanh chứng khoán phái sinh cao hơn nhiều so với các loại chứng khoán cơ sở.

Về vấn đề này, pháp luật Hoa Kỳ quy định ác công ty chứng khoán tại Hoa Kỳ phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về an toàn vốn để đảm bảo họ có đủ nguồn tài chính để bù đắp những khoản lỗ có thể xảy ra. Yêu cầu về vốn có thể thay đổi tùy theo phạm vi hoạt động của công ty và các quy định cụ thể áp dụng. Các công ty chứng khoán tại Hàn Quốc cần đáp ứng một số yêu cầu về an toàn vốn nhất định để tham gia thị trường phái sinh. Các yêu cầu về vốn cụ thể có thể khác nhau tùy theo loại hình giao dịch phái sinh và mức độ rủi ro liên quan.

Thứ ba, điều kiện về nhân sự. Nhân sự quản trị và nhân sự thực hiện trực tiếp các hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán phải được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với quy định của pháp luật và chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phái sinh, trong đó gồm: Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ và tối thiểu 05 nhân viên cho mỗi hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh dự kiến đăng ký. Công ty chứng khoán phải có bộ phận kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro, và bố trí nhân sự phù hợp cho các bộ phận đó.

Bên cạnh quy định về vốn, về nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán, số lượng và chất lượng nhân sự của công ty chứng khoán khi tham gia thị trường cũng là một trong các yêu cầu được pháp luật quy định chi tiết. Pháp luật yêu cầu đối với nhân sự công ty chứng khoán phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ học vấn, thời gian hoạt động trên thị trường chứng khoán, thời gian giữ các chức vụ quản lý, lãnh đạo. Đây là các quy định tất yếu để đảm bảo hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán được điều khiển, chỉ đạo, quyết định, và thực thi bởi đội ngũ nhân sự có trình độ cao, có khả năng tổng hợp, tư duy, phân tích, đánh giá và giải quyết vấn đề tốt. Một đội ngũ nhân sự tốt sẽ đảm bảo sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Một thị trường gồm các doanh nghiệp được vận hành bởi đội ngũ nhân sự chất lượng cao hứa hẹn là một thị trường lành mạnh, ổn định, có tiềm năng phát triển bền vững và lâu dài.

Tuy nhiên, khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật Hòa Kỳ và Hàn Quốc không đòi hỏi về chất lượng nhân sự của Ban Lãnh đạo các công ty chứng khoán. Ngoài ra, các công ty chứng khoán Hoa Kỳ phải đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ đặc thù liên quan đến nhân sự là đào tạo nhân sự liên tục. Các công ty chứng khoán Hoa Kỳ cung cấp đào tạo liên tục cho nhân viên để thông báo cho họ về những thay đổi quy định và yêu cầu tuân thủ.

Thứ tư, điều kiện về văn bản nội bộ công ty. Song song với việc tổ chức bộ máy công ty đảm bảo có đủ hai bộ phận kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro, công ty chứng khoán phải thực hiện xây dựng bộ quy trình cho hai bộ phận này hoạt động đối với từng hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh cụ thể mà công ty đang xin cấp phép. Do đây là hai bộ phận đảm nhiệm chức năng đánh giá, cảnh báo và phòng ngừa rủi ro cho Công ty khi tham gia hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh nên pháp luật yêu cầu công ty chứng khoán tuân thủ việc xây dựng quy trình cho hai bộ phận này làm việc đối với các dịch vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh mà công ty chứng khoán đăng ký xin cấp phép. Nội dung của các quy trình đảm bảo tuân thủ pháp luật, bao quát tất cả các nhiệm vụ, công việc xoay quanh cụ thể từng hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh đang xin cấp phép.

Đối với quy trình kiểm soát nội bộ, công ty phải đảm bảo nội dung quy trình có quy định nguyên tắc, tần suất, và phương thức triển khai công việc đánh giá, kiểm tra mức độ tuân thủ quy định nội bộ của công ty và mức độ tuân thủ pháp luật của bộ phận trực tiếp thực hiện chức năng kinh doanh chứng khoán phái sinh. Đối với quy trình quản trị rủi ro, công ty phải đảm bảo nội dung quy trình có quy định các tiêu chí rủi ro có thể gặp phải khi thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh nhất định, nguyên tắc, phương thức đánh giá rủi ro và khẩu vị rủi ro của công ty đối với cụ thể từng tiêu chí rủi ro của từng hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh đó.

Thứ năm, điều kiện về quản trị. Giống với điều kiện đăng ký kinh doanh của các công ty khác, các quyết định liên quan đến thay đổi, cập nhật, bổ sung ngành nghề kinh doanh của công ty chứng khoán khi thực hiện đăng ký hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được thể hiện bằng văn bản Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đối với Công ty cổ phần, Nghị quyết Hội đồng thành viên đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Quyết đinh của Chủ sở hữu công ty đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Ngoài ra, điều kiện về quản trị công ty cũng được thể hiện thông qua tình trạng của bản thân công ty chứng khoán: không đang trong quá trình tổ chức lại, giải thể, phá sản, không đang trong tình trạng đình chỉ hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ sáu, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin. Ngoài các điều kiện trên, công ty chứng khoán còn phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin kết nối với Sở giao dịch chứng khoán, hệ thống các điều kiện khác liên quan đến thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh trong trường hợp công ty chứng khoán đăng ký cấp phép kinh doanh dịch vụ bù trừ giao dịch chứng khoán phái sinh.

4.2. Điều kiện hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán

Thứ nhất, công ty chứng khoán phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trên thị trường.

Khi đủ điều kiện gia nhập thị trường và xin làm thủ tục cấp phép, công ty chứng khoán được Uỷ ban chứng khoán nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, Giấy chứng nhận trở thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam cấp. Trường hợp công ty chứng khoán muốn tự mình thực hiện các dịch vụ thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán phái sinh thì sau khi nộp hồ sơ hợp lệ và đáp ứng tất cả các điều kiện, sẽ được Uỷ ban chứng khoán nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh và Giấy chứng nhận thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cấp. Về vấn đề này, xem xét quy định của Hoa Kỳ và nhận thấy, các công ty chứng khoán tham gia vào thị trường nào có thể đăng ký tại cơ quan tương ứng. Chẳng hạn, công ty chứng khoán tham gia vào giao dịch tương lai và quyền chọn thường đăng ký với CFTC và Hiệp hội Tương lai Quốc gia (NFA). Các đại lý hoán đổi dựa trên chứng khoán có thể cần phải đăng ký với SEC. Ngoài ra, công ty chứng khoán tại Hoa kỳ phải thực hiện đăng ký làm đại lý môi giới chứng khoán phái sinh. Nếu công ty chứng khoán chưa đăng ký làm đại lý môi giới, công ty có thể cần phải đăng ký với SEC để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch chứng khoán phái sinh.

Thứ hai, công ty chứng khoán phải đáp ứng và duy trì các điều kiện gia nhập thị trường.

Xuất phát từ nguyên tắc quản lý chặt chẽ, thống nhất của các cơ quan quản lý thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và từ lý thuyết quản lý và phòng ngừa rủi ro thị trường của các thành viên giao dịch, việc duy trì các điều kiện gia nhập thị trường trong quá trình hoạt động chứng khoán phái sinh là bắt buộc trong suốt quá trình kinh doanh. Các công ty chứng khoán phải duy trì số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực, vật lực đang làm việc cũng như hoạt động tại công ty; duy trì nguồn vốn đảm bảo lớn hơn hoặc bằng mức vốn pháp định cho mỗi hoạt động; luôn duy trì đủ các nghiệp vụ chứng khoán; duy trì và liên tục thực hiện các biện pháp và hướng dẫn nhằm mục đích đánh giá và phòng ngừa rủi ro; không rơi vào các trường hợp bị cảnh báo, các trường hợp bị bắt buộc chấm dứt hay không tư động chấm dứt hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh; các chỉ số về vốn, chỉ tiêu an toàn tài chính phải luôn nằm trong phạm vi cho phép. Điều kiện này có thể là một trong những thách thức không nhỏ đối với không chỉ các công ty chứng khoán đang là thành viên cung cấp dịch vụ kinh doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh, mà còn các công ty chứng khoán chưa gia nhập thị trường.

Thứ ba, công ty chứng khoán phải tuân thủ nghiêm chế độ báo cáo và công bố thông tin trên thị trường

Là một bộ phận không thể không đề cập đến trong thị trường tài chính, các yêu cầu về tuân thủ các chế độ báo cáo, công bố thông tin của các thành viên gia nhập thị trường cũng phải đảm bảo sự tuân thủ tuyệt đối như các thành viên của thị trường tài chính. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, việc kiểm soát và ổn định thị trường vốn và tài chính được ưu tiên thực hiện hàng đầu, và đặt ra các yêu cầu báo cáo và công bố thông tin vô cùng chặt chẽ. Do đó, các quy định pháp luật chứng khoán đã vô cùng chú trọng đối với các nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin của công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán phái sinh. Tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc báo cáo, giám sát cũng là nội dung được pháp luật quy định. Các công ty chứng khoán có nghĩa vụ báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, bán niên, năm cho các cơ quan quản lý về tình hình hoạt động chứng khoán phái sinh của mình. Ngược lại, các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý trực tiếp hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của các công ty chứng khoán đặt ra các quy định về báo cáo và công bố thông tin đình kỳ, bất thường và theo yêu cầu đối với các công ty chứng khoán, xây dựng các chương trình và kế hoạch kiểm tra đột xuất hoạt động của công ty chứng khoán để kiểm tra tính minh bạch và tuân thủ pháp luật trong các hoạt động kinh doanh nói chung cũng như hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh nói riêng của công ty chứng khoán.

Từ những yêu cầu để duy trì hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh theo pháp luật Việt Nam, nếu so sánh, có thể thấy pháp luật Hoa Kỳ cũng như Hàn Quốc cũng quy định về vấn đề này. Chẳng hạn, tại thị trường phái sinh Hàn Quốc (Thị trường phái sinh KRX) yêu cầu các công ty chứng khoán phải đáp ứng các yêu cầu quản lý và hoạt động khác nhau do các cơ quan hữu quan đặt ra, bao gồm Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC) và Sàn giao dịch Hàn Quốc (KRX). Tương tự các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật Hàn Quốc cũng yêu cầu các công ty chứng khoán phải tuân thủ và duy trì các điều kiện gia nhập thị trường chứng khoán phái sinh để được phép hoạt động trên thị trường .

5. Thực trạng tuân thủ pháp luật đối với các công ty chứng khoán đã thực hiện đăng ký kinh doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh

Thứ nhất, số lượng công ty được cấp phép còn ít, với tốc độ chậm.

Tính đến tháng 10 năm 2023, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ghi nhận 23 công ty chứng khoán thành viên giao dịch thị trường chứng khoán phái sinh trên tổng số 76 công ty chứng khoán đang là thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, chiếm khoảng 30% .

Đối với các thành viên của thị trường chứng khoán phái sinh, hầu hết có vốn điều lệ lớn, vượt hơn nhiều so với các tiêu chuẩn vốn theo quy định của pháp luật. Đối với một số công ty chứng khoán đã niêm yết trên thị trường chứng khoán cơ sở thì tỉ lệ tham gia đầu tư của các cổ đông nước ngoài là một trong những lợi thế về vốn điều lệ khi tham gia thị trường.

Bảng tổng hợp cơ cấu vốn của một số công ty chứng khoán đã niêm yết gia nhập thị trường

Với 6 năm xây dựng và phát triển, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nên việc các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thương vụ đầu tư vào các công ty chứng khoán để khai thác và mở rộng thị trường kinh doanh là điều dễ hiểu. Mặt khác, theo quy định Điều 77 Luật Chứng khoán 2019, đối với công ty chứng khoán, tỷ lệ sở hữu vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài có thể lên tới 100%, tạo nên sự đa dạng và tăng tính cạnh tranh trên thị trường, là động lực cho các công ty chứng khoán Việt Nam không ngừng đổi mới và phát triển để cạnh tranh với các công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài.

Tính đến thời điểm 31/12/2022, số lượng thành viên của thị trường chứng khoán phái sinh là 23 thành viên trong đó có 04 thành viên bù trừ chung và 19 thành viên bù trừ trực tiếp. So với năm 2021, số lượng thành viên của thị trường chứng khoán phái sinh năm 2022 được duy trì ổn định, không có thành viên bù trừ mới được kết nạp. Các thành viên bù trừ vẫn tuân thủ chặt chẽ quy định về hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh, không để xảy ra các trường hợp nhà đầu tư mất khả năng thanh toán, không có thành viên bù trừ nào bị xử lý vi phạm .

Theo xu hướng thị trường chứng khoán phái sinh hiện nay, đồng thời với việc đăng ký xin cấp phép và trở thành thành viên giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, các công ty chứng khoán cũng thực hiện đăng ký trở thành thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Việc đăng ký đồng thời hai tư cách thành viên giúp công ty chứng khoán thuận lợi khi cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh cho khách hàng, mở rộng quy mô, mở rộng thị trường, và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thực tế thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam cho thấy tỷ lệ thành viên giao dịch và thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh vẫn mang tính khiêm tốn, với 23 thành viên thanh toán bù trừ trong đó có 04 thành viên bù trừ chung và 19 thành viên bù trừ trực tiếp , còn nhiều công ty chứng khoán chưa đăng ký kinh doanh đối với các dịch vụ liên quan đến chứng khoán phái sinh.

Thứ hai, về hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Từ khi Luật chứng khoán 2019 có hiệu lực, thị trường chứng khoán phái sinh chưa ghi nhận vi phạm pháp luật của Công ty chứng khoán liên quan đến hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh. Câu hỏi đặt ra là: liệu có phải các Công ty chứng khoán đã tuân thủ rất chặt chẽ các quy định của pháp luật trong việc thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của mình hay pháp luật vẫn còn đang bỏ ngỏ nhiều vấn đề có thể coi là vi phạm trên thị trường chứng khoán phái sinh, dẫn đến không phát hiện hoặc phát hiện nhưng thiếu căn cứ xử phạt vi phạm đối với các công ty chứng khoán.

Xem xét quy định hiện hành cho thấy, hệ thống pháp luật quản lý thị trường chứng khoán phái sinh các quy định xử lý vi phạm khi tham gia hoạt động trên thị trường còn khiêm tốn, tiêu biểu có thể kể đến quy định xử phạt đối với hành vi: (1) Lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh có tài liệu giả mạo hoặc có thông tin sai sự thật; (2) Quy định không tách biệt giữa tài sản ký quỹ, tiền gửi thanh toán cho giao dịch chứng khoán phái sinh và tiền gửi thanh toán cho giao dịch chứng khoán cơ sở . Căn cứ trên các quy định còn chưa chặt chẽ về việc xử phạt vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán phái sinh, các công ty chứng khoán có thể lợi dụng các “lỗ hổng” để khéo léo thực hiện các hành vi vi phạm, song song với đó là các cơ quan quản lý không có căn cư để xử phạt các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoan phái sinh khi phát hiện ra hành vi gây nguy hại đến sự ổn định thị trường.

Thứ ba, về điều kiện nhân sự.

Các công ty chứng khoán thực hiện tuân thủ quy định về nhân sự tham gia hoạt động chứng khoán phái sinh. Nhằm đảm bảo các tiểu chuẩn về nhân sự, các công ty chứng khoán đã tổ chức, hỗ trợ cho người lao động được đi học và thi các chứng chỉ liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh, luôn đảm bảo số lượng nhân sự tối thiểu đạt đủ điều kiện thực hiên hoạt động trong bối cảnh “dòng chảy lao động” vẫn đang mạnh mẽ, và gia tăng nguồn nhân lực đạt trình độ cao, có hiểu biết về thị tường chứng khoán phái sinh.

Cụ thể, các yêu cầu về nhân sự đối với các công ty thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam như sau: Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ và tối thiểu 05 nhân viên cho mỗi hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh dự kiến đăng ký có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với quy định của pháp luật và chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh . Theo đó, đối với nhân sự cấp cao như Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ, nhân sự bắt buộc đối với mỗi nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với quy định của pháp luật về nghiệp vụ đó và chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Điều này cho thấy tiêu chuẩn nhân sự tham gia hoạt động kinh doanh chứng khoán phải sinh đòi hỏi chuyên môn cao về chứng khoán nói chung và chứng khoán phái sinh nói riêng. Không chỉ dừng ở quy định về chất lượng nhân sự, số lượng nhân sự cho mỗi bộ phận thực hiện các nghiệp vụ tương ứng tối thiểu là 5 nhân sự. Đặc biệt, đối với các bộ phận thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chính của công ty phải đảm bảo bố trí đủ nhân sự tối thiểu theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động và không có đồng thời làm việc tại từ hai bộ phận nghiệp vụ trong cùng thời điểm. Thực tiễn thị trường cho thấy chứng khoán phái sinh chỉ là một loại nghiệp vụ của công ty chứng khoán, nên công ty chứng khoán có xu hướng “lách” bằng cách bộ phận nghiệp vụ nào sẽ đảm nhiệm luôn hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh đó, và nhân sự các bộ phận đó vẫn đảm bảo đủ các chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ chuyên môn theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, về hệ thống quy định nội bộ.

Nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về nguồn vốn, dòng tiền, và các chỉ tiêu tài chính theo quy định pháp luật, các công ty chứng khoán ban hành quy định nội bộ và các chính sách công ty đối với từng hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh để đảm bảo hoạt động được thực hiện hiểu quả và an toàn, luôn đề cao các quy định của pháp luật. Công ty chứng khoán tham gia hoạt động trên thị trường phái sinh đều ban hành các bộ tiêu chuẩn quy trình vận hành hoạt động với các quy định riêng, đặc thù, nhưng vẫn đảm bảo đề cao nguyên tắc lấy pháp luật là nền tảng cơ bản. Các quy định này quy định chi tiết từng mảng công việc, thời gian thực hiện các công việc đó cho mỗi hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh cụ thể.

Thứ năm, về công tác quản trị nội bộ.

Các tiêu chuẩn về quản trị cũng được các công ty tuân thủ chặt chẽ, đảm bảo các quyết định, chính sách, chiến lược kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty đưa ra đều đúng thẩm quyền, hạn mức và luôn tuân thủ quy định pháp luật. Xét theo từng đặc thù quản trị và định hướng kinh doanh của mỗi công ty, các công ty xây dựng cho mình hệ thống sơ đồ các bộ phận trong công ty và quy định chắc năng nhiệm vụ cho từng bộ phận đó. Mỗi một nghiệp vụ chứng khoán đều được đảm bảo bố trí ở một bộ phận khác nhau, nhân sự cho các bộ phận đó thì luôn đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật.

Đối với các quyết định liên quan đến hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, ví dụ như quyết định đầu tư tự doanh chứng khoán phái sinh, hay quyết định ban hành các sản phẩm tài chính cung cáp cho khách hàng khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh đều phải đảm bảo được quyết định bởi cơ quan có thẩm quyền, theo quy trình nội bộ đã được ban hành của công ty. Trường hợp xuất hiện các công việc phát sinh mà chưa có quy định và quy trình nội bộ điều chỉnh, công ty có thể căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mỗi bộ phận để đưa ra quyết định cuối cùng.

Đối với hoạt động quản trị rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán luôn phải duy trì hoạt động của bộ phận quản trị rủi ro để đảm nhiệm các công việc liên quan đến đánh giá rủi ro và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong nội bộ công ty. Đối với mỗi hoạt động kinh doan chứng khoán phái sinh khác nhau lại có các rủi ro cụ thể đặc trưng, nên ngoài việc quy định rõ chức năng nhiệm vụ của bộ phận này, công ty chứng khoán cũng phải xây dựng bộ quy tắc, quy trình quản trị rủi ro đối với từng hoạt động cụ thể.

6. Một số bình luận mở thay cho kết luận

Thứ nhất, có thể đưa ra nhận xét chung: pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh đang quy định khá chặt chẽ về điều kiện khi gia nhập và hoạt động trên thị trường dẫn đến số lượng tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán có đủ điều kiện tham gia cung cấp các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh chưa chiếm số lượng lớn. Nếu xét ở góc độ lý thuyết giám sát: mô hình giám sát hỗn hợp (giám sát vĩ mô thị trường, giám sát vi mô từng chủ thể kinh doanh chứng khoán), có thể thấy Việt Nam đang áp dụng mô hình này nhưng cách thức áp dụng có thể khác nhau: giám sát trước hay giám sát sau đối với thị trường, với từng chủ thể; áp dụng quy định mở hay quy định đóng về các điều kiện kinh doanh và hoạt động của các chủ thể cũng có thể dẫn đến những kết quả khác nhau trong nội dung cụ thể của hệ thống pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Việc trả lời câu hỏi liên quan đến yêu cầu mở rộng và làm rõ nội dung xác định hành vi vi phạm.

Thứ hai, như đã phân tích, quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán phái sinh đối với các đối tượng tham gia thị trường nói chung và đối với công ty chứng khoán nói riêng còn chưa đầy đủ. Các biện pháp xử phạt vi phạm ngoài ý nghĩa phạt vi phạm đúng như tên gọi của nó, mà còn có ý nghĩa cảnh báo các công ty chứng khoán không vi phạm các quy định pháp luật trên thị trường chứng khoán phái sinh, không sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm mục đích “lách”, che dấu các hành vi vi phạm. Chúng tôi cho rằng việc bổ sung quy định xử phạt là cần thiết và hợp lý, để loại trừ các trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến thi trường, và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, đảm bảo thị trường chứng khoán phái sinh là thị trường trong sạch, lành mạnh và phát triển ổn định.

Thứ ba, điều kiện về vốn khi gia nhập thị trường chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán là trở ngại cho các công ty chứng khoán khi gia nhập thị trường chứng khoán phái sinh.

Các tổ chức kinh doanh chứng khoán đóng vai trò là các trung gian tài chính giữa nhà đầu tư với thị trường, góp phần tích cực cho sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng. Tuy nhiên, trong số các công ty chứng khoán đang hoạt động, số công ty chứng khoán có đủ điều kiện trở thành thành viên giao dịch và thành viên bù trừ trên thị trường chứng khoán phái sinh là rất ít, chỉ chiếm 23 công trong số hơn 70 công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường . Theo quy định về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu trong Nghị định 158/2020/NĐ-CP đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh là từ 800 tỷ đồng trở lên, đối với hoạt động tự doanh là từ 600 tỷ đồng trở lên; yêu cầu đối với thành viên bù trừ trực tiếp nếu là công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng trở lên, đối với thành viên bù trừ chung là 1.200 tỷ đồng trở lên. Như vậy, có thể thấy, quy định về vốn điều lệ tối thiểu đối với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam là bước đi khá thận trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh.

Mặt khác, khoảng cách về vốn điều lệ đối với việc đăng ký nghiệp vụ chứng khoán cơ bản của công ty chứng khoán và việc đăng ký gia nhập thị trường chứng khoán phái sinh đang có một sự chênh lệch rất lớn. Có thể dễ dàng nhận thấy được, các quy định về vốn tối thiểu trong quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành đang kế thừa một cách máy móc, dập khuôn các quy định của pháp luật chứng khoán cũ và đã hết hiệu lực về việc quy định vốn điều lệ đối với từng nghiệp vụ chứng khoán của công ty chứng khoán. Trên cơ sở thông tin về danh sách thành viên giao dịch là công ty chứng khoán được hiển thị trên website của Uỷ ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thì hiện tại số lượng công ty chứng khoán có vốn điều lệ tối thiểu một nghìn tỷ đồng là rất lớn, và chiếm đa số các công ty chứng khoán. Như vậy, số vốn điều lệ trên thực tế của các công ty chứng khoán đã lớn hơn rất nhiều so với quy định của pháp luật, trong khi quy định pháp luật lại không thể hiện sự thay đổi để phù hợp với thực tế.

Với sự chênh lệch này, chúng tôi cho rằng pháp luật chứng khoán nên theo hướng đưa các mức vốn tối thiểu đối với các nghiệp vụ chứng khoán và mức vốn tối thiểu đối với các hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh vể các mốc gần nhau và gần với mức vốn điều lệ hiện tại của các công ty chứng khoán. Điều này sẽ tạo động lực để các công ty chứng khoán có nhiều cơ hội hơn trong việc đăng ký hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, khi các mức quy định về vốn đối từng hoạt động kinh doan chứng khoán phái sinh không còn quá cao và gần như “ngoài tầm với” của các công ty chứng khoán.

Thứ tư, nhiều vấn đề mới liên quan đến các loại chứng khoán cơ sở hay những sản phẩm của công nghệ kỹ thuật số tác động đến phương thức giao dịch , đặt ra yêu cầu mới trong việc nhận diện chúng và cho phép áp dụng những phương thức giao dịch hiện đại. Những vấn đề này có lẽ cần được cân nhắc và ghi nhận bằng luật pháp, gắn với các giao dịch chứng khoán phái sinh và hoạt động của các công ty chứng khoán trên thị trường phái sinh.

Thứ năm, một trong những lý do ở Việt Nam chưa ghi nhận vi phạm nào trong hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh có thể do chưa quy định đủ về quản lý rủi ro và kiểm soát rủi ro trong kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán và chưa có cơ chế phối hợp thoả đáng giữa các chủ thể có trách nhiệm trong hoạt động giám sát, phòng ngừa rủi ro, phát hiện vi phạm… Những vấn đề này được đề cập như những ví dụ về việc cụ thể hoá những vi phạm có thể xuất hiện và nguyên tắc chứng minh, các chứng cứ xác định vi phạm.

Thứ sáu, nhiều vấn đề có liên quan trong trung hạn và dài hạn cũng cần được xem xét và cân nhắc chuyển tải ở mức độ cần thiết để các công ty chứng khoán tham gia thị trường phái sinh có môi trường pháp lý tương đồng với thị trường phái sinh trên thế giới, có tính tới chính những vướng mắc pháp lý mà các chủ thể kinh doanh chứng khoán phái sinh đang gặp phải tại các quốc gia có thị trường phát triển.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Minh Bằng (2003), Địa vị pháp lý của công ty chứng khoán, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.

2. Cấn Văn Lực (2015), Điều kiện vận hành hiệu quả TTCCPS, Hội thảo chủ đề: Vận hành TTCKPS Việt Nam, Tháng 8/2015.

3. Lịch sử hình thành và phát triển của thị trường "Chứng khoán phái sinh quốc tế" (2016).
https://www.bsc.com.vn/tin-tuc/tin-chi-tiet/651683-lich-su-hinh-thanh-va-phattrien-cua-thi-truong-chung-khoan-phai-sinh-quoc-te.

4. Nguyễn Kim Chung (2015), Khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh, Tạp chí tài chính, Tháng 6/2015.

5. Nguyễn Thị Hoàng Yến và Phạm Tuấn Vũ (2016), Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh- công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Tháng 1/2016.

6. Nguyễn Bảo Giang (2005), Công ty chứng khoán theo pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.

7. Nguyễn Thị Kim Quyên (2001), Một số vấn đề về địa vị pháp lý của công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

8. ThS. Ngô Sỹ Nam - ThS. Nguyễn Thị Mai Huyên (2022), Triển vọng và thách thức phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 10 năm 2022.

9. Phạm Thị Giang Thu (chủ biên), Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Ngọc Lương, Pháp luật về giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam, NXB.Chính trị quốc gia sự thật, 2020.

10. Lê Thị Thu Thuỷ, Nguyễn Thị Lan Hương, Lưu Tùng Lâm, “Xu hướng phát triển của pháp luật về giám sát thị trường tài chính ở một số nước trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam”, Diễn đàn luật học mùa thu lần thứ ba, Kỷ yếu (quyển 2) “Những phát triển mới của luật học thế giới và Việt Nam”, 27-28.10.2023.

11. Pham Thi Giang Thu, Doan Trung Kien, Modern society and issues raised in the field of economic and financial law in Vietnam, Webology Journal, ISSN 1735-188X, Feb, 2022.

12. Ingersoll, 1987. Theory of financial Decision Making. Maryland: Rowman and Littlefield Publishers, Inc.

13. M. Shamsher, H. Taufiq, 2007. Asian derivative markets: Research Issues, p18-22, Vol. 5 No. 1 (2008): International Journal of Banking and Finance (IJBF) Vol. 5, No.1, 2008.

14. Michael Dunn, 2011. History and Role of the US Futures and Derivatives Markets. Global Commondity Forum.

Cùng chuyên mục

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  3 tháng trước