Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Thực trạng, nguyên nhân và một số biện pháp phòng ngừa sự gia tăng của các tội phạm về ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà ..

System Thứ ba, 28/05/2024 - 15:58
Nghe audio
0:00

Lê Đình Minh Đức - Học viên Cao học, Trường Đại học Luật Hà Nội. Duyệt đăng 28/05/2024. Email: minhduc.ledinh1999@gmail.com

THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA SỰ GIA TĂNG CỦA CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TUÝ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN HẬU COVID-19

 

Lê Đình Minh Đức*

Tóm tắt: Thành phố Hà Nội đang đối mặt với các tội phạm liên quan đến ma tuý trong và hậu đại dịch COVID-19. Tội phạm ma túy tạo ra những thách thức về an ninh, gây ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe tinh thần và thể chất của cả xã hội. Trước tình hình đáng lo ngại kể trên, việc đánh giá tình hình các tội phạm về ma tuý trên địa bàn thành phố Hà Nội để tìm ra các giải pháp đấu tranh hiệu quả là vô cùng quan trọng. Bài viết này phân tích tình hình tệ nạn ma túy, từ đó có cái nhìn chi tiết và đa chiều về quy mô, nguyên nhân, và hậu quả của nó, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp, giúp giảm thiểu số lượng tội phạm ma tuý trên địa bàn thành phố trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19.

Từ khoá: tội phạm ma tuý, COVID-19, nguyên nhân, biện pháp

CURRENT SITUATION, CAUSES AND SOME PREVENTIVE MEASURES AGAINST THE INCREASE OF DRUG-RELATED CRIME IN HANOI CITY IN THE POST-COVID-19 PERIOD

Abstract: Hanoi is facing drug-related crimes during and after the COVID-19 pandemic. Drug crimes create security challenges, causing serious consequences for the mental and physical health of the whole society. Faced with the above worrying situation, it is extremely important to evaluate the situation of drug-related crimes in Hanoi city to find effective combat solutions. This article analyzes the drug epidemic situation, thereby providing a detailed and multi-dimensional view of its scale, causes, and consequences, thereby providing appropriate preventive measures to help minimize number of drug crimes in the city in the post-COVID-19 pandemic context.

Keywords: drug-related crimes, COVID-19, causes, preventive measures

 

1. Tình hình tội phạm về ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Tình hình tội phạm là thực trạng và diễn biến của tội phạm đã xảy ra trong đơn vị không gian và đơn vị thời gian nhất định[1]. Vậy nên, tình hình tội phạm là một trong những nội dung tiên quyết để đánh giá tình hình tội phạm của tội phạm học trong việc nghiên cứu phòng ngừa tội phạm nhằm đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Từ định nghĩa của tình hình tội phạm có thể rút ra 02 yếu tố chính là thực trạng và diễn biến của tội phạm. Để đánh giá chính xác tình hình tội phạm về ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tác giả sử dụng số liệu thống kê của Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội (TAND), Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) từ năm 2019 đến năm 2023. Đáng lưu ý, trong khoảng thời gian trên có 04 đợt giãn cách xã hội trong năm 2021 tại thủ đô Hà Nội để ứng phó với sự lây lan nhanh chóng của đại dịch.

1.1. Thực trạng các tội phạm về ma tuý tại Thành phố Hà Nội

Trên cơ sở phân tích các số liệu thống kê của Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 – 2023, kết hợp với kết quả khảo sát, tổng hợp từ 200 bản án sơ thẩm hình sự về tội phạm ma tuý được lựa chọn ngẫu nhiên, tác giả đưa ra một số kết luận như sau:

          Từ năm 2019 đến năm 2023, Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội đã xét xử 15.136 vụ án với 19.289 người phạm tội về ma tuý. Trung bình mỗi năm có khoảng 3.027 vụ và 3.858 người phạm tội về ma tuý. So với tội phạm nói chung tại Hà Nội, số vụ phạm tội về ma tuý chiếm phần lớn tới 46,0% và số người phạm tội về ma tuý chiếm 34,4%. Số vụ phạm tội về ma tuý tại Hà Nội chiếm 12,0% tổng số vụ, 10,0% tổng số người phạm tội về ma tuý trên cả nước. Chỉ số người phạm tội trong giai đoạn nghiên cứu tại Thành phố Hà Nội là 46,3. Mức độ phổ biến của tội phạm ma tuý tại Hà Nội cao hơn mức độ phổ biến của tội phạm này trên cả nước và 2 tỉnh giáp ranh là Bắc Ninh, Hưng Yên. Mức độ ẩn trong quá trình tố tụng của tội phạm ma tuý tại Thành phố Hà Nội là không cao, khoảng 5% ở số vụ và 7% số người phạm tội.

Bảng: Số vụ và số người phạm tội đã bị xét xử sơ thẩm về các tội ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2023

Năm

Số vụ

Số bị cáo (NPT)

2019

2.816

3.381

2020

3.194

3.879

2021

2.955

3.622

2022

3.126

4.212

2023

3.045

4.195

Tổng

15.136

19.289

Trung bình/năm

3.027

3.858

                                                          (Nguồn: TAND Thành phố Hà Nội)

Bảng: Cơ cấu theo đặc điểm có hay không nghiện ma tuý của người phạm tội

Tổng số người phạm tội

Không nghiện ma tuý

Có nghiện ma tuý

19.289 (100%)

18.462 (95,8%)

827 (4,2%)

(Nguồn: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội)

Tội phạm về ma tuý chủ yếu là Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và Tội mua bán trái phép chất ma tuý chiếm tới 96,6% tổng các vụ phạm tội về ma tuý tại Hà Nội. Đáng chú ý có sự gia tăng đột biến của Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn nghiên cứu. Phần lớn tội phạm được thực hiện với hình thức đồng phạm và là các tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng. Tình trạng người phạm tội chiếm tỷ lệ rất lớn là nam giới và trong độ tuổi lao động (trên 18 tuổi) nhưng tình trạng nghề nghiệp không ổn định hoặc không có nghề nghiệp, lao động tự do. Động cơ phạm tội của những người này rất đa dạng và phân chia đồng đều: để thoả mãn cơn nghiện, để kiếm lời và đôi khi là cả 2 mục đích. Tuy nhiên, khi xác định theo đặc điểm có hay không nghiện ma tuý, số người được xác định là nghiện ma tuý chỉ chiếm 4,2% tổng số người phạm tội, trong khi đó, số người được xác định là không nghiện ma tuý chiếm tới 95,8%. Theo thống kê, có tới 99% số người phạm tội là phạm tội lần đầu; chỉ 1% là những người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Trình độ học vấn của đa số người phạm tội là không cao, chỉ dừng ở mức THCS, THPT.

1.2. Diễn biến của các tội phạm về ma tuý tại Thành phố Hà Nội

Bảng: Mức độ tăng giảm hàng năm của tội phạm ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2023

Năm

Số vụ

Số người phạm tội

2019

2816

100%

3381

100%

2020

3194

113%(+13%)

3879

115%(+15%)

2021

2955

105%(+5%)

3622

107%(+7%)

2022

3126

111%(+11%)

4212

124,6%(+24,6%)

2023

3045

108%(+8%)

4195

124%(+24%)

(Nguồn: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội)

Biểu đồ: Diễn biến của các tội phạm về ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2023 về số vụ và số người phạm tội

 

(Nguồn: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội)

Trong giai đoạn 2019 - 2023, tương quan biến động giữa số vụ phạm tội và số người phạm tội về ma tuý là tương đồng, có cùng sự biến động, tăng/giảm theo từng năm. Năm 2020 thể hiện mức tăng cao nhất ở số vụ phạm tội về ma tuý (113%); năm 2022 có mức tăng cao nhất ở số người phạm các tội về ma tuý (124,6%). Đáng lưu ý, chỉ riêng trong năm 2021, số vụ và số người phạm tội về ma tuý có dấu hiệu giảm tạm thời. Điều này có thể lý giải bằng những đợt giãn cách xã hội xảy ra trong năm 2021 tại Hà Nội do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngay sau năm 2021, số vụ và số người phạm tội về ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng đột biến trở lại, đặc biệt ở số người phạm các tội về ma tuý, ghi nhận mức tăng 24,6% ở năm 2022 và 24% ở năm 2023.

Biểu đồ: Diễn biến về số vụ của các tội phạm về ma tuý và tội phạm nói chung trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2023

(Nguồn: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội)

Qua bảng số liệu và biểu đồ, nhìn chung số vụ phạm tội về ma tuý cũng như số vụ tội phạm nói chung tại Hà Nội có xu hướng tăng và đồng nhất với diễn biến về mức độ của tình hình tội phạm nói chung, tuy nhiên các tội phạm về ma tuý có mức độ tăng cao và rõ rệt hơn hẳn.

Năm 2020 thể hiện mức tăng cao nhất ở cả các tội phạm về ma tuý cũng như tội phạm nói chung trên địa bàn Thành phố Hà Nội, lần lượt là 113,4% và 105,4% về số vụ. Năm 2021 ghi nhận mức tăng thấp nhất trong giai đoạn nghiên cứu, lần lượt là 105% và 102% về số vụ phạm tội về ma tuý và tội phạm nói chung. Nhưng hai năm tiếp theo 2022 và 2023, số vụ phạm tội về ma tuý và tội phạm nói chung ghi nhận xu hướng tăng trở lại so với năm 2021: Năm 2022, 2023 lần lượt là 111% và 108% về số vụ phạm tội ma tuý; 104% và 102% về số vụ phạm tội nói chung.

Biểu đồ: Diễn biến về số người phạm tội của các tội phạm về ma tuý và tội phạm nói chung trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2023

(Nguồn: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội)

Dựa vào bảng số liệu và biểu đồ trên, có thể thấy diễn biến của số người phạm tội về ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà Nội có xu hướng tăng theo các năm, trong khi đó, xu hướng về số người phạm các tội nói chung ổn định hơn. Năm 2022 và 2023 ghi nhận mức tăng cao số người phạm tội về ma tuý, lần lượt ở mức 124,6% và 124,1% so với năm gốc là 2019. Có thể thấy, việc cách ly xã hội vào năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến số vụ và số người phạm tội về ma tuý cũng như tội phạm nói chung trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2023 xảy ra chủ yếu ở 02 loại tội là tội mua bán trái phép chất ma tuý và tội tàng trữ trái phép chất ma tuý (chiếm tỷ trọng 96,6%), tiếp theo là tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (chiếm tỷ trọng lần lượt 1,9% và 1,1%). Các tội còn lại như tội chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng, tội sản xuất trái phép chất ma tuý có số lượng vụ án xảy ra không đáng kể nên tác giả không sử dụng để đánh giá mức độ tăng giảm đối với các tội danh này.

Bảng: Mức độ tăng giảm hàng năm của tội mua bán trái phép chất ma tuý, vận chuyển trái phép chất ma tuý và tàng trữ trái phép chất ma tuý

Năm

Mua bán

Tàng trữ

Vận chuyển

Tổ chức

2019

995
(100%)

1.770
(100%)

46
(100%)

3
(100%)

2020

1.119
(112,5%)

2.029
(114,6%)

29
(63,0%)

6
(200%)

2021

1.048
(105,3%)

1.865
(105,3%)

22
(47,9%)

8

(266,6%)

2022

1.234
(124,0%)

1.738

(98,2%)

38

(82,6%)

101
(3.366,6%)

2023

1.266
(127,2%)

1.565
(88,4%)

32
(69,5%)

173
(5.766,6%)

      (Nguồn: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội)

Bốn tội có mức độ phổ biến cao nhất trong các vụ phạm tội về ma tuý có vận động theo xu hướng khác nhau. Từ năm 2019 đến năm 2023, tội mua bán trái phép chất ma tuý có xu hướng tăng dần theo từng năm, đạt mức tăng cao nhất 127,2% vào năm 2023. Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý có xu hướng tăng từ năm 2019 đến năm 2021 nhưng lại bắt đầu giảm ở năm 2022 và 2023. Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý lại có xu hướng khác biệt so với những tội còn lại, giảm dần theo từng năm, đạt mức giảm thấp nhất trong năm 2023 là 69,5%. Đặc biệt nhất là tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, mặc dù có số vụ nhỏ hơn đáng kể nhưng lại có xu hướng tăng một cách đột biến, gấp nhiều lần theo từng năm, vượt xa mức tăng của các tội khác trong giai đoạn nghiên cứu. Năm 2020, mức tăng của tội này là 200% so với năm 2019; sang đến năm 2021, 2022, 2023, mức tăng của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý lần lượt là 266,6%, 3.366,6% và 5.766,6%. Có thể nhận thấy có hai tội có xu hướng tăng, đó là tội mua bán trái phép chất ma tuý và đặc biệt là tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trong bối cảnh trước, trong và sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tội tàng trữ trái phép chất ma tuý có xu hướng giảm nhẹ và tội vận chuyển trái phép chất ma tuý giảm hẳn.

 

2. Nguyên nhân của sự gia tăng các tội phạm về ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong bối cảnh đại dịch

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến đặc biệt phức tạp, năm 2021 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống ma tuý. Ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma tuý (Luật số 73/2021/QH14); có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 gồm 08 chương, 55 điều với những quy định cụ thể chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở kế thừa các điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) thì có những điểm mới nổi bật như:

- Mở rộng phạm vi điều chỉnh, cụ thể: Luật này quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

- Tách khái niệm “tội phạm ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của “tội phạm ma túy” và “tệ nạn ma túy” vì tệ nạn là hiện tượng xã hội còn tội phạm là hành vi cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự cần tập trung đấu tranh.

- Bổ sung nhiều khái niệm, hành vi rất sát và phù hợp với tình hình thực tế, nổi bật như: khái niệm “người sử dụng trái phép chất ma túy”, “xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể”, khái niệm “cai nghiện ma túy”, “cơ sở cai nghiện ma túy”; khái niệm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm (nổi bật như cấm kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy).

- Bổ sung quy định cụ thể về nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy; quy định về kiểm soát đối với tiền chất, kiểm soát đối với các hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất…

- Xây dựng mới quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV); sửa đổi toàn diện quy định về cai nghiện ma túy (Chương V), từ đó khắc phục tình trạng  bất cập trong công tác cai nghiện trong thời gian qua, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới bảo đảm công tác cai nghiện có hiệu quả.

Chính sự ra đời của Luật Phòng chống ma tuý năm 2021 đã đem lại những hiệu ứng, kết quả tích cực trong công tác phòng chống tội phạm ma tuý trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Trong những năm vừa qua, tại Thành phố Hà Nội, công tác phòng chống ma tuý được hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ từ cả cấp chính quyền tới toàn bộ cư dân của Thủ đô Hà Nội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống ma túy; hướng tới xây dựng một cộng đồng sạch ma túy. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của loại tội phạm này, tác giả vẫn chỉ ra một số điểm cần cải thiện thêm trong bối cảnh đại dịch qua các nguyên nhân sau đây để đáp ứng công tác phòng chống các tội phạm về ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

2.1. Nguyên nhân từ điều kiện kinh tế, xã hội ở thủ đô Hà Nội

Với sự phát triển kinh tế và đô thị, Hà Nội cũng đối mặt với nhiều vấn đề an ninh và tội phạm. Tình hình tội phạm ma túy, đặc biệt là ở các khu vực nội thành và ngoại ô, đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh và trật tự công cộng của thành phố. Sự tăng trưởng của nền kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội kiếm sống, nhưng cũng đã kéo theo sự gia tăng trong tình hình tội phạm ma túy. Đặc biệt lưu ý sau khi trải qua đỉnh điểm của dịch COVID-19, sự phân hoá giàu nghèo, tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp hơn tại thủ đô Hà Nội. Đây chính là những nguyên nhân phát sinh tội phạm nói chung và tội phạm ma tuý nói riêng trên địa bàn thành phố.

Dù Hà Nội là một trung tâm kinh tế, nhưng vẫn tồn tại tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp, đặc biệt là trong số thanh niên và người trẻ tuổi. Mặc dù có sự gia tăng về số lượng công ty và doanh nghiệp, nhưng nhu cầu về lao động chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người lao động. Trong quá trình phát triển kinh tế, sự phân hoá giàu nghèo đang ngày càng trở nên rõ rệt ở Hà Nội. Có một phần dân số tăng trưởng giàu có, nhưng cũng có một phần đông đảo dân số vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và khó khăn. Các khu vực ngoại ô và những hộ dân ở các xã, phường có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm và các dịch vụ công cộng, góp phần tạo ra sự chênh lệch giữa các tầng lớp dân số. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đối với thị trường lao động tại Hà Nội. Việc giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự và thậm chí là phá sản của nhiều doanh nghiệp đã làm tăng thêm áp lực thất nghiệp cho người lao động. Tình hình này càng làm sâu thêm phân hoá giàu nghèo khi những người giàu có thường có khả năng ổn định công việc và thu nhập hơn trong khi những người thu nhập thấp đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc và thu nhập.

 

2.2. Nguyên nhân về văn hoá - giáo dục và tuyên truyền phổ biến pháp luật

Mối liên hệ giữa đặc điểm nhân thân của người phạm tội và giáo dục là một chủ đề quan trọng trong nghiên cứu về tội phạm và hành vi xã hội. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, phẩm chất, và hành vi của mỗi người. Đặc điểm nhân thân như trình độ học vấn, môi trường giáo dục, và sự tiếp xúc với kiến thức có ảnh hưởng đáng kể đến lựa chọn và hành vi của cá nhân. Trình độ giáo dục thấp thường đi đôi với các vấn đề như thiếu kiến thức, khả năng giải quyết vấn đề, và cơ hội nghề nghiệp hạn chế.

Công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ma túy đối với sức khỏe, gia đình và xã hội. Việc hiểu biết rõ ràng về nguy cơ và hậu quả của ma túy có thể giúp người dân từ chối sử dụng hoặc tiếp cận ma túy. Công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật giúp tạo ra một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho cộng đồng. Khi mọi người hiểu biết về tác hại của ma túy và tuân thủ các quy định pháp luật, cơ hội cho sự phát triển bền vững và tồn tại của cộng đồng sẽ được tăng cường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền có thể thúc đẩy tinh thần đoàn kết và sự hợp tác trong cộng đồng. Khi mọi người cùng nhau chung tay phòng chống ma túy, họ cũng đang tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ, đoàn kết và tự tin trong việc đối mặt với thách thức này. Trước những diễn biến khó lường của tội phạm ma tuý, công dân cần được cập nhật các thông tin mới, hữu ích nhất để tham gia phát hiện, tố giác những hành vi có dấu hiệu của các tội phạm liên quan đến ma tuý. Trong năm 2023, Công an Thành phố Hà Nội đã triển khai phổ biến ở các chung cư về các dấu hiệu, dấu vết của tội phạm ma tuý cho người dân và ban quản lý các toà nhà. Ví dụ một căn hộ cho thuê có hoá đơn điện nước cao bất thường thì là dấu hiệu của việc trồng cây cần sa trong căn hộ; hay thanh niên tụ tập mở nhạc ẩm ĩ gây mất trật tự là dấu hiệu của việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Những cách làm mới, bám sát thực tế như vậy sẽ hữu ích hơn rất nhiều cách phổ biến truyền thống, đầy tính hình thức mà chất lượng phổ biến pháp luật cũng không cao.

Ngoài ra, còn các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục pháp luật cho phạm nhân (đặc biệt là người phạm tội về ma tuý) tại các trại giam trên địa bàn. Các yếu tố chủ quan có thể kể đến như ý thức trách nhiệm, năng lực của chủ thể thực hiện giáo dục pháp luật cho phạm nhân, trong đó xác định chủ thể tổ chức giáo dục pháp luật (Giám thị trại giam) và chủ thể thực hiện giáo dục pháp luật (cán bộ làm công tác giáo dục pháp luật của trại giam)[2]. Ý thức trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện của chủ thể giáo dục pháp luật cho phạm nhân có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới hiệu quả, chất lượng giáo dục pháp luật cho phạm nhân trong các trại giam. Hiện nay, tại các trại giam ở Việt Nam, đa phần xuống cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân do được xây dựng và hoạt động từ quá lâu[3], kết hợp với nguồn kinh phí hạn chế từ nhà nước khiến các trại giam luôn phải cân đối kinh phí để thực hiện cho các hoạt động trong năm, khó có thể tập trung đầu tư vào công tác giáo dục pháp luật cho phạm nhân.

2.3. Nguyên nhân về hoạt động quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội

Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học lớn của nước ta là một trong những đô thị có mật độ dân cư lớn nhất cả nước nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm về ma tuý. Mặc dù công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an ninh xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong giai đoạn nghiên cứu là tương đối tốt nhưng vẫn còn xuất hiện những hạn chế mà tác giả cho rằng chính là nguyên nhân phát sinh tội phạm ma tuý trên địa bàn thành phố.

Thứ nhất, về công tác nắm tình hình địa bàn, quản lý cư trú, tạm trú.

Sau 03 năm triển khai thực hiện 02 dự án lớn của Chính phủ là xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân, đến nay, Công an các quận trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 02 dự án trên, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Công an các phường. Ngày 01/7/2021, Luật Cư trú có hiệu lực thi hành; đồng thời, công tác đăng ký và quản lý cư trú được thực hiện trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tạo ra bước ngoặt lớn chuyển đổi từ phương thức thủ công sang phương thức quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện công dân vi phạm quy định về đăng ký, quản lý cư trú thì xem xét, xử lý theo quy định, đồng thời hướng dẫn người dân các bước đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình khai báo, đăng ký cư trú đảm bảo đúng quy định. Đẩy mạnh hiệu quả công tác kiểm tra nhân, hộ khẩu; đăng ký, quản lý cư trú là một trong những biện pháp quan trọng trong công tác công an để giúp cho lực lượng Công an cơ sở nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu mới trong công tác quản lý cư trú nhưng lực lượng cảnh sát khu vực vẫn gặp một số hạn chế, khó khăn trong công việc. Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế, xã hội, hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, sự di biến động lớn về nhân, khổ, khẩu…gây ra những khó khăn, tác động trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiệm vụ được giao cho đội ngũ Cảnh sát khu vực, bởi thế, cũng nặng nề hơn rất nhiều thế nhưng trong thực tế, do thiếu biên chế nên công tác quản lý cư trú của Cảnh sát khu vực gặp nhiều khó khăn. Công tác nắm tình hình, quản lý cư trú càng khó khăn hơn, khi mà lực lượng cảnh sát khu vực mỏng, chưa thể bám nắm được hết địa bàn. Trong khi đó, đội ngũ cảnh sát khu vực cũng phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác song song với công tác kiểm tra nhân, hộ khẩu…

Thứ hai, hạn chế trong công tác quản lý các loại hình dịch vụ, cơ sở kinh doanh giải trí trên địa bàn thành phố.

Giai đoạn 2019 đến năm 2023, trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới”, các biện pháp hạn chế tập trung đông người dân được dỡ bỏ và cho phép các dịch vụ như vũ trường, quán bar, karaoke, massage... được phép hoạt động trở lại. Các đối tượng nghiện, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy sau thời gian dài bị cấm có xu hướng tập trung đến đây để vui chơi và sử dụng ma túy. Các chủ cơ sở do thời gian dài đóng cửa, khó khăn về kinh tế nên cũng có xu hướng dễ thỏa hiệp, tạo điều kiện cho các hành vi sử dụng ma túy của khách hàng. Theo Nghị định số 96/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện thì dịch vụ karaoke, vũ trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Trong khi đó, các quán bar, beer club, pub chỉ là những mô hình kinh doanh đồ uống, chủ yếu là đồ uống có cồn nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ phát sinh hành vi vi phạm an ninh trật tự lại không thuộc nhóm ngành nghề này. Trong khoảng thời gian nghiên cứu, Thành phố Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh “trá hình”, “lách luật” dưới dạng bar, pub, lounge, câu lạc bộ, nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh... nhưng có quy mô, tính chất hoạt động như vũ trường với sức chứa lên đến hàng trăm người  (đơn cử có cơ sở chuyển từ đăng ký vũ trường sang dạng quán bar, như vũ trường Grammy ở khách sạn Daewoo, Hà Nội chuyển thành mô hình câu lạc bộ...). Việc cấp phép hoạt động cho loại hình kinh doanh này tương đối đơn giản, không phải chấp hành các quy định đảm bảo về ANTT theo Nghị định 96/2016/CP và các quy định về mở vũ trường theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP. Chính lỗ hổng trong việc cấp phép hoạt động loại hình kinh doanh, dẫn đến nguy cơ vô cùng lớn xảy ra những vụ phạm tội về ma tuý xảy ra trong không gian chính ở những nơi này. Dù đây là những địa điểm thường xuyên mở quá giờ quy định và có khả năng cao xảy ra tệ nạn về ma tuý nhưng công tác tuần tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý trật tự xã hội vẫn còn buông lỏng, thậm chí là mang tính hình thức.

Ngoài ra trong thực tế thời gian gần đây đang có xu hướng thuê các căn hộ cao cấp, sau đó sửa chữa lại biến thành các phòng kinh doanh. Các đối tượng liên lạc, thỏa thuận với nhau qua điện thoại, mạng xã hội và chuyển tiền qua tài khoản mà không cần phải biết nhau hay trực tiếp gặp nhau. Đối tượng cho thuê thường sử dụng tên giả, sim rác là tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản ngân hàng giả... để trao đổi, giao dịch nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh. Để ngăn chặn tình trạng này lực lượng cảnh sát cần có sự hỗ trợ giúp đỡ từ nhân dân sinh sống và ban quản lý toà nhà nhằm phát hiện, xác minh và xử lý, đấu tranh với các ổ nhóm mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy đặc biệt phức tạp tại các cơ sở kinh doanh karaoke, khách sạn, khu nhà nghỉ sinh thái ở Hà Nội.

Thứ ba, hạn chế trong công tác cai nghiện ma tuý và quản lý người nghiện ma tuý.

Theo Luật phòng, chống ma túy năm 2021 thì cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy.[4] Pháp luật hiện hành quy định có ba hình thức cai nghiện ma túy gồm: cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng và cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy.[5] Trong đó, biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, việc xác định tình trạng nghiện ma túy còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo Nghị định số 109/2021/NĐ-CP và Thông tư số 18/2021/TT-BYT thì người được chẩn đoán là nghiện ma túy khi có ít nhất 03 trong 06 tiêu chuẩn trong Thông tư số 18/2021/TT-BYT. Đáng chú ý, các tiêu chuẩn này lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người nghiện ma túy thông qua cách trả lời khiến việc xác định chính xác các triệu chứng theo quy định của Thông tư số 18/2021/TT-BYT trở nên khó khăn. Thực tế, những bất cập trên dẫn đến tình trạng là nhiều người bị phát hiện sử dụng ma túy trái phép, xét nghiệm dương tính với ma túy, nhưng khi xác định tình trạng nghiện thì lại không nghiện ma túy[6]. Những lí do bên trên phần nào minh chứng cho việc còn rất nhiều người nghiện ma tuý đang nhởn nhơ, coi thường pháp luật ở ngoài xã hội.

Ngoài ra, công tác quản lý người nghiện, quản lý sau cai nghiện, hoà nhập cộng đồng cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nguồn lực hạn chế và những nguyên nhân xuất phát từ chính đặc điểm nhân thân của người nghiện. Có thể nói, để giảm thiểu tệ nạn ma tuý thì khâu cai nghiện, quản lý sau cai nghiện có ý nghĩa vô cùng then chốt.

2.4. Nguyên nhân liên quan đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng

Về phía cơ quan cảnh sát điều tra, một bộ phận nhỏ cán bộ công an, cảnh sát hình sự chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, còn ngại khó khăn, gian khổ, sa ngã vào cám dỗ vật chất, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý. Những trường hợp cá biệt này dẫn tới việc bỏ lọt tội phạm, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, vi phạm thủ tục tố tụng, …

Năng lực và trình độ của các cán bộ thực hiện công tác phòng chống ma túy vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tội phạm về ma túy ngày càng tinh vi, sử dụng các phương tiện công nghệ phức tạp và liên tục thay đổi, đòi hỏi lực lượng chức năng phải liên tục cập nhật và nghiên cứu. Thời gian gần đây, thủ đoạn sử dụng công nghệ 4.0, cụ thể là sử dụng các ứng dụng xe ôm công nghệ để vận chuyển trái phép chất ma tuý cũng dấy lên mạnh mẽ, đặc biệt tại Hà Nội[7]. Không những vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật của lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy chưa được đầu tư, trang bị đúng mức với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, gây hạn chế cho khả năng đấu tranh với tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng thiếu các trang thiết bị và phương tiện đặc chủng, chuyên dụng và hiện đại gây khó khăn trong việc tìm kiếm, phát hiện và thu thập chứng cứ, đặc biệt trong các vụ án có tổ chức và nhiều đối tượng tham gia.

Về phía Cục Hải quan Thành phố Hà Nội

Trước tiên đó là hạn chế về mặt nguồn nhân lực liên quan đến số lượng, chất lượng và việc phân bổ, phân công nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ công chức hải quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát PCMT. Thứ hai, vẫn còn tồn tại vướng mắc liên quan đến quy định về thẩm quyền hạn chế của cơ quan Hải quan và thiếu cơ chế phối hợp giữa cơ quan Hải quan và các lực lượng chuyên trách PCMT. Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan Hải Quan chưa được giao thẩm quyền khởi tố, điều tra đối với các tội danh về ma tuý. Thứ ba, về mặt chính sách, quy định pháp lý, tổ chức, đối tượng phạm tội ma tuý ngày càng gia tăng lợi dụng những chính sách, quy định về tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hoá thủ tục hải quan; kẽ hở trong quy định và thực hiện quy định pháp luật Bưu chính, quản lý hoạt động logistics; chính sách miễn thị thực đối với cư dân thuộc khối ASEAN; sự khác biệt trong quy định pháp luật về ma tuý của các quốc gia, xu hướng hợp pháp hoá cần sa và một số loại ma tuý tại một số nước. Dẫn đến tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, đặc biệt là trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu tại Hà Nội.

Về công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng: Ở giai đoạn điều tra, sự phối hợp giữa cơ quan kiểm sát và cơ quan cảnh sát điều tra chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp đến từ Kiểm sát viên để điều tra, làm rõ các hành vi phạm tội. Việc phân tích, đánh giá chứng cứ của vụ án ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng luận tội của Kiểm sát viên tại phiên toà. Thực tế cho thấy tại những phiên toà về ma tuý nội dung của bản cáo trạng không có sự phân tích, đánh giá toàn bộ chứng cứ buộc tội/gỡ tội một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Tình trạng này cho thấy một số Kiểm sát viên nhận thức không đầy đủ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động thực hành quyền công tố tại phiên toà. Điều này dẫn đến sự mờ nhạt trong vai trò của Kiểm sát viên với chất lượng luận tội không cao tại phiên toà về một số loại tội phạm ma tuý. Công tác xét sử ở Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội cũng bộc lộ những hạn chế riêng. Giống như một số trường hợp của Kiểm sát viên nêu phía trên, tình trạng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân không nghiên cứu kỹ hồ sơ, việc xét hỏi tại phiên toà chưa hiệu quả và mang nhiều ý nghĩa tố tụng. Điều này kết hợp với sự buông lỏng của Kiểm sát viên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khâu đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Tương tự trong công tác định tội và quyết định hình phạt, việc nghiên cứu, phân tích nguyên nhân của tội phạm chưa được coi trọng dẫn đến việc mất đi những kiến nghị kịp thời đối với công tác phòng ngừa tội phạm. Quá trình xét xử vẫn còn nhiều hạn chế, chưa hoàn thiện, thiếu sự nghiêm minh, và trong nhiều trường hợp, các án phạt được quyết định không đúng mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

Trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến ma túy, việc áp dụng các văn bản hướng dẫn vẫn đang gặp phải một số khó khăn và vướng mắc, đặc biệt là trong việc xử lý Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (theo Điều 255 của Bộ luật Hình sự) và Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự)[8]. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để khắc phục những vướng mắc này, từ đó tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và việc áp dụng pháp luật, nhằm đảm bảo công tâm và hiệu quả trong quá trình xử lý các vụ án ma túy.

3. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa các tội phạm về ma túy trên địa bàn Thành phố Hà Nội hậu COVID-19

3.1. Biện pháp khắc phục hạn chế kinh tế - xã hội

Để giảm thiểu tội phạm về ma túy trên địa bàn Thành phố Hà Nội, cần khắc phục, hạn chế tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp và phân hoá giàu nghèo trong xã hội sau tác động của đại dịch COVID-19 tại Hà Nội.

Hà Nội, là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của Việt Nam, đang đối diện với một loạt thách thức về tội phạm ma túy. Để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng này, cần thiết lập một định hướng rõ ràng trong phát triển kinh tế, nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự ph&aa

Cùng chuyên mục

 Bắt giữ nhóm đối tượng 'thổi giá' đất đấu giá lên 30 tỷ đồng/m2 ở Hà Nội: Hành vi đấu giá đất rồi 'bỏ cọc' có thể bị xử lý ra sao?

Bắt giữ nhóm đối tượng 'thổi giá' đất đấu giá lên 30 tỷ đồng/m2 ở Hà Nội: Hành vi đấu giá đất rồi "bỏ cọc" có thể bị xử lý ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 giờ trước

(PLPT) - Công an TP Hà Nội đã bắt giữ nhóm đối tượng liên quan vụ "thổi giá" đất lên đến 30 tỷ đồng/m2 tại Sóc Sơn nhằm thao túng kết quả đấu giá quyền sử dụng đất. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để trục lợi, gây thất thoát và làm rối loạn thị trường bất động sản.

Môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 giờ trước

(PLPT) - Môi giới hôn nhân là hành vi giới thiệu, tư vấn hôn nhân giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Mọi cá nhân hoặc tổ chức không được cấp phép mà hoạt động trong lĩnh vực này đều vi phạm pháp luật, được xem là môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép. Vậy, hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Mất gần 300 triệu khi cập nhật dữ liệu cư dân cho con: Tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' được pháp luật quy định ra sao?

Mất gần 300 triệu khi cập nhật dữ liệu cư dân cho con: Tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' được pháp luật quy định ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Một người phụ nữ ở Hà Nội bị kẻ giả mạo lừa cài đặt phần mềm để bổ sung thông tin, sau đó phát hiện tài khoản ngân hàng bị 'bay' mất 300 triệu đồng.

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - vừa ký văn bản 133/KH-BCĐ389 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Mất gần 400 triệu đồng khi đăng ký khóa học Pickleball cho con: Cảnh giác lừa đảo từ các khóa học trên mạng xã hội

Mất gần 400 triệu đồng khi đăng ký khóa học Pickleball cho con: Cảnh giác lừa đảo từ các khóa học trên mạng xã hội

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Các đối tượng lợi dụng trào lưu mới, tạo ra các trang Facebook giả mạo mang tên "Liên đoàn Pickleball Việt Nam" nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người đăng ký tham gia học chơi Pickleball.

Mẫu Sổ đỏ mới từ ngày 01/01/2025 khác mẫu cũ ra sao?

Mẫu Sổ đỏ mới từ ngày 01/01/2025 khác mẫu cũ ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Theo Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT ngày 31/7/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) theo mẫu mới. Vậy mẫu Sổ đỏ mới khác mẫu cũ như thế nào?

Xây dựng khung pháp lý nhằm phát triển thị trường tài chính vi mô giúp đỡ người nghèo và các doanh nghiệp siêu nhỏ

Xây dựng khung pháp lý nhằm phát triển thị trường tài chính vi mô giúp đỡ người nghèo và các doanh nghiệp siêu nhỏ

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Hành lang pháp lý dành cho chương trình tài chính vi mô còn rất thiếu hụt, gây khó khăn cho công tác thực hiện và giám sát. Để cải thiện tình hình, cần phải xây dựng một hệ thống pháp lý đồng bộ và đầy đủ hơn cho chương trình tài chính vi mô.

Hơn 100 người ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu: Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý như thế nào?

Hơn 100 người ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu: Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 ngày trước

(PLPT) - Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm ghi nhận khoảng 135 người có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị, sau khi ăn bánh mì mua ở cửa hàng "Cô Ba" tại TP Vũng Tàu.

Đọc nhiều