Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Bắt đối tượng mua bán trái phép 18.000 tài khoản ngân hàng: Nắm rõ quy định của pháp luật để tránh vô tình trở thành tội phạm

Phương Thúy Thứ ba, 03/09/2024 - 09:37
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng mua bán trái phép tài khoản ngân hàng với số lượng lớn, lên đến hơn 18.000 tài khoản. Người dân cần nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến mua bán trái phép tài khoản ngân hàng để không vô tình tiếp tay cho tội phạm, thậm chí bản thân mình trở thành tội phạm.

Tạm giữ đối tượng mua bán trái phép hơn 18.000 tài khoản ngân hàng

Công an thành phố Nam Định đang tạm giữ đối tượng Đoàn Trắc Tuyên (SN 1989, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi “Tàng trữ, mua, bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.

Đối tượng Đoàn Trắc Tuyên tại cơ quan công an.

Theo hồ sơ, Tuyên đang chấp hành bản án 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Mua, bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.

Công an thành phố Nam Định đã niêm phong, thu giữ của đối tượng 11 case máy tính, 5 màn hình vi tính, 13 máy đọc thẻ sim loại 32 cổng có kết nối với máy tính, 35 chiếc điện thoại các loại, và 18.016 thẻ sim điện thoại của các nhà mạng.

Cơ quan điều tra xác định, Đoàn Trắc Tuyên tham gia nhiều hội nhóm trên facebook, thường xuyên đăng các bài viết với nội dung mua, bán tài khoản ngân hàng với giá 50.000 đồng/tài khoản.

Theo điều tra viên, các đối tượng phạm tội thường sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để thực hiện và che giấu hành vi vi phạm pháp luật, thường gặp nhất là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Trong trường hợp hơn 18.000 tài khoản ngân hàng thu giữ của Đoàn Trắc Tuyên được bán cho các đối tượng phạm tội sẽ gây thiệt hại lớn về tài chính cho các nạn nhân, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.

Vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

Tài khoản ngân hàng là gì? Các loại tài khoản ngân hàng?

Hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Vì vậy, người dân cần phải hiểu thế nào là mua bán trái phép tài khoản ngân hàng, nắm rõ quy định của pháp luật để tránh vô tình trở thành tội phạm.

Tài khoản ngân hàng là tài sản do Ngân hàng cung cấp cho khách hàng dưới dạng một dãy số nhằm mục đích gửi tiền vào để thực hiện các giao dịch tài chính với 2 mục đích chính là thanh toán và tiết kiệm. Mỗi cá nhân có thể có nhiều tài khoản ngân hàng.

Hiện nay có hai loại tài khoản ngân hàng thông dụng được sử dụng nhiều là tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm.

Tài khoản thanh toán

Tài khoản thanh toán là tài khoản khách hàng dùng để gửi tiền vào, sau đó, mặc định ủy quyền quản lý cho ngân hàng hoặc yêu cầu ngân hàng thanh toán các hóa đơn dịch vụ, chuyển rút tiền… Thông thường, loại tài khoản này được sử dụng để nhận lương, hoặc giao dịch kinh doanh…

Tiền gửi trong tài khoản thanh toán nếu chưa sử dụng đều được ngân hàng trả lãi suất định kỳ. Trong đó, lãi suất được áp dụng là lãi suất của loại tiền gửi không kỳ hạn.

Tài khoản tiết kiệm:

Tài khoản tiết kiệm là tài khoản mà khách hàng gửi tiền vào để đầu tư sinh lời. Tiền lời này khách hàng có thể nhận ngay khi gửi hoặc nhận định kỳ theo thỏa thuận. Tài khoản tiết kiệm có thể được chia ra nhiều hạn mức và không giới hạn số lượng đăng ký mở.

Thế nào là mua bán trái phép tài khoản ngân hàng?

Nhu cầu sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các tổ chức, cá nhân tăng lên dẫn đến hiện tượng trao đổi, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng để trục lợi diễn ra ngày càng nhiều.

Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng được biểu hiện ở việc các bên thu thập, thỏa thuận trao đổi thông tin với nhau. Theo đó, bên bán cung cấp thông tin số tài khoản mà mình có được thu được từ nhiều nguồn cho bên mua và được thanh toán bằng tiền hay hiện vật khác nhằm thu lợi bất chính hoặc các mục đích khác trái pháp luật.

Hầu hết các đối tượng mua lại thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để lợi dụng lòng tin thực hiện các hành vi lừa đảo hoặc chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này.

Mức xử phạt hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng

Mua bán trái phép tài khoản ngân hàng nhằm thu lợi bất chính được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, luật pháp nước ta có những quy định cụ thể về xử phạt dành cho loại hành vi này.

Xử phạt vi phạm hành chính

Khoản 5, khoản 6, khoản 10 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định:

“5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;

…”

Như vậy, hành vi liên quan đến giao dịch tài khoản ngân hàng như cho thuê, mượn, mua, bán,… mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, đồng thời nộp lại vào ngân sách nhà nước số lợi bất chính có được từ những hành vi này.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 quy định chi tiết về "Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng". Trong đó, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất đến 7 năm.

Chi tiết Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015

1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cho thuê tài khoản ngân hàng cũng có thể bị xử phạt

Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.

Thủ đoạn của các đối tượng thường đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường cao đẳng, đại học nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập internet banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nghị định 143/2021/NĐCP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐ quy định, phạt tiền 40-50 triệu đồng những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua bán, thông tin tài khoản thanh toán từ một tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người dùng có thể bị phạt tiền 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự; thậm chí, có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo họ vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm.

Với các đối tượng có thể bị xử lý về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Điều này được quy định rất rõ trong Điều 291 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.

Cần làm gì để tránh trở thành nạn nhân?

Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc mua bán tài khoản ngân hàng cho mục đích lừa đảo, người dân có thể áp dụng 4 biện pháp phòng ngừa: Cần có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của mình; Không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân với bất kỳ ai, đặc biệt qua số điện thoại, hoặc qua mạng xã hội.

Bên cạnh đó, cần tỉnh táo trước lời đề nghị kiếm tiền dễ dàng liên quan đến việc thuê, bán tài khoản ngân hàng vì những đề nghị này thường là cái bẫy của các hoạt động lừa đảo. Người dùng nên kiểm tra định kỳ, theo dõi sát sao giao dịch trong tài khoản ngân hàng; Sử dụng các dịch vụ bảo mật do ngân hàng cung cấp như thông báo về các giao dịch bất thường.

Các giao dịch trực tuyến cần thiết phải được nhận biết bằng sinh trắc học. Nếu người dân nếu phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào liên quan đến tài khoản ngân hàng của mình, cần thiết phải báo ngay cho ngân hàng và cơ quan chức năng để được kịp thời xử lý và ngăn chặn hậu quả.

Cùng chuyên mục

Làm giả bill chuyển tiền từ thiện để 'làm màu' có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Làm giả bill chuyển tiền từ thiện để 'làm màu' có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  16 giờ trước

(PLPT) - Sau khi Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê hơn 12.000 trang ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3,nhiều người đã phát hiện ra trò chỉnh sửa hình ảnh của một số cá nhân để "thổi phồng" số tiền đã ủng hộ, nhằm "phông bạt" tên tuổi trên mạng xã hội. Theo luật sư, hành vi làm giả hay sửa bill chuyển tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tạp chí Pháp luật và Phát triển đồng hành cùng các nhà hảo tâm trao quà đến bà con huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

Tạp chí Pháp luật và Phát triển đồng hành cùng các nhà hảo tâm trao quà đến bà con huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  23 giờ trước

(PLPT) - Một trăm suất quà bao gồm nhu yếu phẩm thiết yếu cùng tiền mặt đã được đoàn công tác Tạp chí Pháp luật và Phát triển cùng Công ty Cổ phần Đầu tư CIC, Dược phẩm TV.Pharm trao đến tận tay các hộ dân chịu ảnh hưởng do mưa bão tại xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Cảnh giác với kẻ xấu lợi dụng kêu gọi cứu trợ đồng bào bị nạn do bão số 3 để trục lợi

Cảnh giác với kẻ xấu lợi dụng kêu gọi cứu trợ đồng bào bị nạn do bão số 3 để trục lợi

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Sóc Trăng vừa đưa ra khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các số điện thoại lạ, các tài khoản không rõ nguồn gốc, kêu gọi quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

T&T Golf hợp tác với Tập đoàn 54 hiện thực hóa khát vọng đưa sân golf Văn Lang Empire T&T Golf Club đạt chuẩn quốc tế

T&T Golf hợp tác với Tập đoàn 54 hiện thực hóa khát vọng đưa sân golf Văn Lang Empire T&T Golf Club đạt chuẩn quốc tế

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Ngày 11/9, tại Hà Nội, Công ty T&T Golf - đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn 54 đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác tư vấn quản lý vận hành dự án Văn Lang Empire T&T Golf Club - sân golf đẳng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế “World Class".

Những bất cập trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Những bất cập trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

Các nội dung về nguyên tắc, chủ thể, biện pháp, trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại trong Luật thi hành án hình sự năm 2019 hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy định về những vấn đề này.

Đề xuất bổ sung quy định về giải quyết hưởng thêm trợ cấp bệnh binh đối với thương binh

Đề xuất bổ sung quy định về giải quyết hưởng thêm trợ cấp bệnh binh đối với thương binh

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế: Đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế: Đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Luật Bảo hiểm y tế trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh để bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp.

Đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự

Đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự nhằm hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Đọc nhiều