Bộ trưởng Ngoại giao trả lời phỏng vấn về vai trò to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với nền ngoại giao Việt Nam
Yến Nhi
Thứ tư, 24/07/2024 - 10:26
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí về vai trò to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển nền Ngoại giao Việt Nam.
Có thể nói, trong di
sản để lại của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trong những thành quả
lớn nhất là công tác đối ngoại. Có học giả nhận xét đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã làm xuất sắc việc cân bằng quan hệ với các nước lớn, làm cho Việt
Nam có vai trò, vị thế cao như ngày hôm nay. Xin Bộ trưởng cho biết những đóng
góp của đồng chí Tổng Bí thư trong công tác đối ngoại?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Nhân dân Việt Nam tự hào có đồng
chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà lãnh đạo sáng suốt mà còn là
nhà ngoại giao xuất sắc mang tầm vóc quốc tế, đã
lãnh đạo đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày
nay. Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những
dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng.
Với trí tuệ, tầm nhìn và nhãn
quan chính trị sâu sắc của mình, cùng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư, đồng chí Tổng Bí thư không chỉ lãnh đạo, vạch ra những đường lối, chủ
trương đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước mà còn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai
hiệu quả đường lối của Đảng, tham gia trực tiếp vào các hoạt động đối ngoạicấp
cao có tầm định hướng chiến lược. Những đóng góp to lớn của đồng chí Tổng Bí
thư đã đưa đối ngoại Việt Nam lên một tầm cao mới trên tất cả mọi lĩnh vực và
hoạt động.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí
Tổng Bí thư, chúng ta đã tạo dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách đối ngoại
cũng như khuôn khổ quan hệ với các nước. Có lẽ chưa có giai đoạn nào mà Bộ
Chính trị và Ban Bí thư lại có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và Kết luận quan trọng
về đối ngoại như các nhiệm kỳ dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Là nhà lý luận xuất sắc, đồng chí Tổng Bí thư đã có những đóng góp
vô cùng to lớn vào việc xây dựng lý luận về ngoại giao Việt Nam. Với sự chiêm
nghiệm sâu sắc về đường lối đối ngoại qua hơn 70 năm, Tổng Bí thư là người đã hệ
thống hóa một cách toàn diện triết lý đối ngoại của cha ông ta, lý luận của Chủ
nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng, đúc kết
nên trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ
Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, gốc vững, thân chắc, cành uyển
chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng,
triết lý đối ngoại này đã đi sâu vào nhận thức và trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của đối ngoại, ngoại
giao Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng,
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, chúng ta không những
tạo lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện mà còn nâng
tầm, nâng cấp các khuôn khổ này lên một tầm cao mới với những nội hàm mới, đáp ứng
yêu cầu mới của thời kỳ mới. Đến nay, chúng ta đã có quan hệ Đối tác Chiến lược,
Đối tác Chiến lược toàn diện với tất cả năm nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã tham
gia trực tiếp vào nhiều hoạt động đối ngoại lớn. Những hoạt động đối ngoại có ý
nghĩa chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư đã đóng vai trò quan trọng trong việc
tạo dựng cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi và vị thế, uy tín chưa từng có
và có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho đất nước.
Với các nước láng giềng núi liền núi, sông liền
sông Lào và Campuchia, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người luôn quan
tâm quy tụ, vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đặc biệt này,
thể hiện rõ nhất là các cuộc gặp cấp cao nhất lãnh đạo ba Đảng sau 30 năm tại
Hà Nội năm 2021 và 2023.
Với các nước lớn, các chuyến thăm có ý nghĩa
lịch sử của đồng chí Tổng Bí thư tới Trung Quốc năm 2022, tới Nga năm 2018 và tới
Hoa Kỳ năm 2015 cũng như việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận
Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2023
và gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga V. Putin tới Việt
Nam (2024) theo lời mời của đồng chí Tổng Bí thư đã không chỉ mở ra một chương
mới trong quan hệ song phương mà còn củng cố hơn nữa thế chiến lược của ta
trong cục diện khu vực và thế giới.
Quan hệ với các đối tác lớn, chủ chốt khác như
Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… và việc mở rộng quan hệ với các bạn bè truyền thống
ở châu Phi, Trung Đông, Mỹ La-tinh…cũng đã được nâng tầm, nâng cấp, ngày càng bền
chặt, hiệu quả.
Có ý kiến
cho rằng, cùng với việc triển khai chính sách ngoại giao mang đậm bản sắc cây
tre Việt Nam, uy tín của cá nhân của đồng chí Tổng Bí thư đã giúp Việt Nam cân
bằng quan hệ với các nước lớn, giúp giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực đối
ngoại, thể hiện qua những dấu ấn ngoại giao lịch sử. Xin Bộ trưởng đánh giá về
điều này?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Đúng như bạn nói, những thành tựu của đối ngoại
của Việt Nam trong các nhiệm kỳ qua không thể tách rời uy tín của cá nhân đồng
chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quan hệ quốc tế không chỉ là quan hệ giữa các
quốc gia, mà còn là quan hệ giữa con người với con người. Các nhà lãnh đạo nước
ngoài rất coi trọng và đánh giá cao vai trò, uy tín của cá nhân Tổng Bí thư, đó
là điều hết sức đặc biệt.
Có thể nói, với bạn bè quốc tế, đồng chí Tổng
Bí thư chính là hiện thân của truyền thống “ngoại giao tâm công” của Việt Nam,
thu phục lòng người bằng chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý. Trong mọi
hoạt động đối ngoại, với phong cách giản dị, cởi mở, chân thành, với cách ứng xử
ngoại giao vừa chuẩn mực, vừa nghĩa tình, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đã chạm đến trái tim, giành được cảm tình, sự mến phục lớn của các nhà lãnh đạo,
nhân dân, bạn bè quốc tế. Đồng chí Tổng Bí thư để lại ấn tượng là một nhà lãnh
đạo có tấm lòng rộng mở, toát lên tư duy và tầm nhìn chiến lược, luôn thúc đẩy
lợi ích quốc gia - dân tộc mình nhưng cũng luôn tôn trọng lợi ích của bạn bè quốc
tế, luôn phấn đấu trên tinh thần “phát huy điểm đồng, giảm thiểu khác biệt” để tìm
kiếm mẫu số chung thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác.
Chính vì vậy, nhiều bạn bè quốc tế nhìn nhận
đồng chí Tổng Bí thư như là “minh chứng” cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ
và cho nước Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của
cộng đồng quốc tế. Sau mỗi lần tiếp xúc với đồng chí Tổng Bí thư, các nhà lãnh
đạo của các nước càng thấy thêm hiểu, thêm tin cậy, thêm gắn bó, thêm yêu mến Việt
Nam. Những hoạt động đối ngoại, ngoại giao của Tổng Bí thư đã nâng ngoại giao cấp
cao, ngoại giao nguyên thủ của Việt Nam lên tầm cao mới.
Trong những ngày qua, khi đọc những bức điện,
thư, thông điệp chia buồn của lãnh đạo các nước cũng như đông đảo bạn bè quốc tế
ở nhiều giới khác nhau, chúng ta lại thêm một lần nữa cảm nhận rõ nét tình cảm
sâu sắc, sự kính trọng và mến phục từ các nhà lãnh đạo và bạn bè quốc tế dành
cho đồng chí Tổng Bí thư.
Thưa Bộ trưởng,
đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất tâm huyết trong việc xây dựng
và phát triển đối ngoại Việt Nam. Đặc biệt, ngoại giao Việt Nam được đồng chí Tổng
Bí thư đúc kết là trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Xin Bộ trưởng cho
biết, việc triển khai đường lối ngoại giao “cây tre Việt Nam” cũng như các đóng
góp quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư có ý nghĩa như thế nào đối với tiến
trình hội nhập quốc tế và những thành tựu đối ngoại mà đất nước ta đạt được thời
gian qua?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Với trí tuệ, tầm nhìn chiến lược, tư
duy lý luận sâu sắc, vượt trội, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc
kết, khái quát hệ thống lý luận về đối ngoại, ngoại giao của Đảng ta, xây dựng
lên trường phái đối ngoại - ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đúc
kết từ thực tiễn hơn 70 năm đối ngoại, Tổng Bí thư đã lần đầu tiên đề cập đến
khái niệm nền “đối ngoại - ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” trong
phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016 và được phát
triển một cách hệ thống tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021.
“Đối
ngoại - ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” là kết quả từ thực tiễn
của cách mạng Việt Nam, là sự tổng kết bản sắc của ngoại giao Việt Nam thời đại
Hồ Chí Minh, được đúc kết, hình tượng hóa dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao
truyền thống của Việt Nam; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nhân loại
và xuất phát từ thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ của đối ngoại trong giai đoạn mới.
Nền
“đối ngoại - ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” gốc vững, thân chắc,
cành uyển chuyển là sự đúc kết thấm đượm tâm hồn, cốt
cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Như đồng chí Tổng Bí thư đã nói, vững ở
gốc là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, là đường lối đối
ngoại độc lập - tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Chắc ở thân là sức mạnh
đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của đối ngoại dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng,
là sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, của ý chí tự lực, tự
cường và sự ủng hộ, đoàn kết quốc tế. Uyển chuyển ở cành là phong cách, nghệ
thuật ứng xử linh hoạt, sáng tạo “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Có thể nói, đó là sự kế thừa và phát triển của
tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”,
“biết dừng, biết biến”, là kim chỉ nam cho hoạt động của ngành ngoại giao Việt
Nam, là đóng góp trực tiếp cho những thành tựu “mang ý nghĩa lịch sử” của đối
ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua.
Bạn bè quốc tế cũng rất quan tâm đến trường
phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Lãnh đạo, chính
giới, học giả của Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ…, các nước bạn bè truyền thống đều
đánh giá rất cao đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh quốc tế phức tạp
hiện nay.
Đối với
ngành ngoại giao, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều đóng góp, trăn
trở cùng ngành. Xin Bộ trưởng cho biết thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ làm
gì để “xứng đáng hơn nữa với vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc” như lời đồng chí Tổng Bí thư từng căn dặn?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Ngành ngoại giao có vinh dự to lớn được đồng
chí Tổng Bí thư quan tâm lãnh đạo, dìu dắt và dành tình cảm đặc biệt. Dù bận rộn
nhưng đồng chí Tổng Bí thư luôn dành thời gian để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo
hoạt động đối ngoại. Ngành ngoại giao rất vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư 06
lần trực tiếp đến dự, chỉ đạo tại tất cả các Hội nghị ngoại giao trong hơn 10
năm qua và Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên năm 2021.
Đặc biệt, đối với ngành ngoại giao, đồng chí
Tổng Bí thư còn là một lãnh đạo gần gũi, sâu sát, đáng kính, vừa có tâm vừa có
tầm. Mỗi dịp được làm việc với đồng chí Tổng Bí thư, các cán bộ trong ngành đều
thấy toát lên tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư về đối ngoại,
về sự thấu đáo, toàn diện và nhạy bén cũng như tinh thần không ngừng đổi mới, dám
nghĩ, dám làm, dám dấn thân.
Đồng chí Tổng Bí thư luôn căn dặn ngành ngoại
giao phải dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy
nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tầm khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, đồng
chí rất quan tâm đến công tác xây dựng ngành ngoại giao, coi trọng việc rèn luyện
bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ
nhân dân của mỗi cán bộ ngoại giao Việt Nam.
Cán bộ ngành ngoại giao luôn khắc ghi lời đồng chí Tổng
Bí thư căn dặn tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, tháng 8/2018 “càng hội nhập
sâu vào thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao đủ bản lĩnh chính trị,
đủ trình độ, uy
tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý vì sự
nghiệp. Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn
lấy lợi ích của quốc gia, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động. Nhà ngoại
giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là đất nước, là Nhân dân. Phải tự
tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo”.
Thấm nhuần lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí
thư tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tháng 12/2023 vừa qua, đó là các cán bộ
ngoại giao phải “luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ, luôn đặt lên
hàng đầu lợi ích quốc gia – dân tộc, luôn cháy bỏng khát khao cống hiến và phục
vụ”, ngành ngoại giao sẽ nỗ lực vượt lên trên chính bản thân mình, viết tiếp những
trang sử như đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh là “Đất nước ta chưa bao
giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Dù đồng chí Tổng Bí thư đã đi xa nhưng tấm
gương sáng của đồng chí sẽ tiếp tục là ngọn lửa soi đường cho các cán bộ ngoại
giao đi tới. Ngành ngoại giao sẽ luôn tâm niệm, ghi nhớ những chỉ đạo, căn dặn
của đồng chí Tổng Bí thư để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, góp phần xây dựng nền,
đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần phục
vụ đắc lực các mục tiêu chiến lược của đất nước.
Dưới ngực áo ấy, có một trái tim đỏ thắm màu
cờ Tổ quốc. Trái tim ấy vừa ngừng đập. Nhưng những di sản mà trái tim ấy để lại
sẽ luôn là ngọn đuốc dẫn đường cho các cán bộ ngoại giao trong hành trình xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Nhìn lại suốt
gần 15 năm qua, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đã có nhiều chuyến thăm nước ngoài, trong đó có những chuyến thăm mang dấu ấn lịch
sử. Trong những chuyến thăm đó, đồng chí Tổng Bí thư đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp
xúc với nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của các nước, bạn bè Việt Nam tại các nước.
Xin Bộ trưởng chia sẻ về những đánh giá, ấn tượng sâu sắc của cộng đồng quốc tế
đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua những chuyến thăm ấy?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong gần 15 năm qua trên cương vị Tổng
Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp tham dự vào nhiều hoạt động đối
ngoại, có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc mang dấu ấn lịch sử, không chỉ mở ra
những chương mới trong quan hệ song phương với các nước mà còn tạo dựng thế
chiến lược thuận lợi của ta trong cục diện quốc tế.
Trong các chuyến thăm đó, đồng chí Tổng
Bí thư đã để lại những ấn tượng sâu sắc với lãnh đạo các nước và với bạn bè
quốc tế về nhân cách,phẩm giá của một con người; sự chân thành, tin cậy và tầm
nhìn, tư tưởng của một nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều
đặc biệt là bất kỳ nhà lãnh đạo, bạn bè quốc tế nào cũng kính trọng và nể phục
cốt cách, tinh thần, trí tuệ đồng chí Tổng Bí thư và luôn coi đó là đại diện
của cốt cách, tinh thần, trí tuệ của người Việt Nam.
Với các nước láng giềng Lào, Campuchia
anh em, đồng chí Tổng Bí thư luôn được coi là người kế tục xứng đáng sự nghiệp
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc, ưu tú trong thời
đại mới. Trong các bức điện chia buồn, các nhà Lãnh đạo cấp cao của Lào trân
trọng ghi nhận những cống hiến hết tâm sức và trí tuệ của đồng chí Tổng Bí thư,
đưa đất nước Việt Nam không ngừng phát triển, vị thế của Việt Nam được nâng cao
rõ rệt trên trường quốc tế và khu vực. Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen
xúc động đánh giá di sản của đồng chí Tổng Bí thư, một lãnh tụ sáng suốt, người
đã cống hiến trọn đời mình cho cuộc đấu tranh vì độc lập của Việt Nam và cho
hòa bình, thịnh vượng của Nhân dân Việt Nam sẽ được nhiều thế hệ đời sau ghi
nhớ.
Với Trung Quốc, đồng chí Tổng Bí thư
là người đồng chí thân thiết và người bạn chân thành, kết nên tình hữu nghị sâu
sắc giữa hai Đảng, hai nước. Vừa qua, khi viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung
Quốc Tập Cận Bình đã xúc động ghi lại những dòng cảm tưởng, đánh giá đồng chí
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam,
người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc.
Với các nước bạn bè xã hội chủ nghĩa,
đồng chí Tổng Bí thư luôn được coi là nhà Mác-xít kiên định, vị lãnh đạo sáng
suốt của nhân dân Việt Nam với những đóng góp to lớn cho phong trào xã hội chủ
nghĩa trên thế giới. Trong lòng các nước bạn bè truyền thống, như các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Cuba nhấn mạnh, đồng chí Tổng Bí thư là một người bạn thân thiết, một người
anh em lớn luôn mở rộng vòng tay với các nước người bạn thân yêu, luôn
sẵn sàng dang cánh tay đoàn kết với Cuba trong những hoàn cảnh thách thức phức
tạp nhất.
Với các nước lớn như Nga, Hoa Kỳ, đồng chí Tổng Bí
thư là người lãnh đạo có uy tín trên trường quốc tế, có những đóng góp to lớn
cho việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và là
người đóng góp rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ sâu sắc và đầy đủ
giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc đến đồng chí Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một người bạn tuyệt vời, một người bạn thực sự có
đóng góp cá nhân to lớn cho việc thiết lập và phát triển quan hệ Đối tác chiến
lược toàn diện giữa Mát-xcơ-va và Hà Nội. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh
nhờ tình hữu nghị giữa hai nước mà người dân Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như người
dân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái
Bình Dương ngày nay được sống trong môi trường an ninh và những cơ hội lớn hơn.
“Đó là nhờ công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Với nhiều đối tác khác, đồng chí Tổng
Bí thư đều có những dấu ấn nổi bật trong thúc đẩy và định hướng phát triển các
quan hệ hữu nghị, hợp tác bền vững, lâu dài. Sự ra đi của Tổng Bí thư không chỉ
là mất mát lớn của nhân dân Việt Nam mà còn để lại niềm tiếc nuối sâu sắc với
bạn bè quốc tế, với những người đã từng có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với đồng chí Tổng Bí thư./.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.