Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Chính sách và pháp luật về đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi vì mục tiêu phát triển bền vững

ThS. Phạm Minh Trang Thứ năm, 17/10/2024 - 15:05
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Lao động cao tuổi và bảo vệ lao động cao tuổi là vấn đề có tính thời sự của mỗi quốc gia trong xu hướng già hóa dân số, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, các chính sách và pháp luật về lao động cao tuổi đã không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền tự do lao động của người cao tuổi. Song, thực tế triển khai và thi hành các chính sách và quy định pháp luật liên quan vấn đề này vẫn còn khá nhiều hạn chế. Bài viết này nghiên cứu tổng quan về chính sách, pháp luật về lao động cao tuổi; đồng thời phân tích, đánh giá thực trạng, chỉ ra những thành công cũng như hạn chế trong pháp luật điều chỉnh về lao động cao tuổi ở Việt Nam. Dựa trên những kết quả nghiên cứu đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật hiện hành về đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi trong tương quan vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Từ khóa: môi trường, lao động, người cao tuổi, dân số già, phát triển bền vững.

Abstract: Older workers and the protection of older workers are topical issues for each country in the trend of population aging, especially in the context of the global trend towards sustainable development goals. In Vietnam, in recent years, policies and laws on older workers have been continuously improved to meet the requirements of ensuring the freedom of labor of the elderly. However, the implementation and enforcement of policies and legal regulations related to this issue still have many limitations. This article provides an overview of policies and laws on older workers; at the same time, analyzes and evaluates the current situation, pointing out the successes and limitations in the laws regulating older workers in Vietnam. Based on the results of that research, the author proposes a number of recommendations and solutions to improve current policies and laws on ensuring a working environment for the elderly in relation to the goal of sustainable development in Vietnam.

Keywords: environment, labor, elderly, aging population, sustainable development.

Đặt vấn đề

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG), được Liên Hợp Quốc thông qua năm 2015, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc [1]. Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg), trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Sau đó, Quyết định số 681/QĐ-TTg về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 đã được ban hành ngày 04/6/2019.

Gần đây nhất là Nghị quyết về phát triển bền vững (Nghị quyết số 136/NQ-CP), được ban hành ngày 25/9/2020. Trong đó, Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Con người là trung tâm của phát triển bền vững… Tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi,…”.

Với vai trò là một trong những hạt nhân trung tâm của phát triển bền vững, người cao tuổi hiện nay đã có một vị thế hoàn toàn mới. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, quá trình già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, nhất là với các quốc gia đang phát triển. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” [2]. Già hóa dân số hiện nay không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội khi nguồn lực người cao tuổi được nhận diện, đánh giá và phát huy, là cơ hội để xã hội phát triển hài hòa và bền vững.

Những thách thức và áp lực này sẽ được giảm bớt khi mà người cao tuổi có thể sống tự chủ, độc lập cả về tài chính, vận động, và còn khả năng tham gia vào lực lượng lao động ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ khác nhau, kể cả ở vai trò tư vấn, quản lý cao cấp. Vấn đề sức khỏe vật chất và tinh thần của người cao tuổi cũng sẽ được giải quyết khi người cao tuổi có cơ hội và năng lực tham gia đầy đủ vào thị trường lao động, vào mọi mặt của đời sống xã hội, được bảo đảm bằng hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe. Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia đang đối diện với già hóa dân số, trong đó có Việt Nam, cần phải đưa ra những chính sách và pháp luật phù hợp về đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi.

1. Xu hướng già hóa dân số và chính sách, pháp luật đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi vì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi.

Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo. Việt Nam có hệ thống an sinh xã hội tương đối phát triển, tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận hệ thống an sinh xã hội của người cao tuổi, mở rộng phạm vi áp dụng của hệ thống an sinh xã hội quốc gia và chương trình trợ giúp xã hội. Ngoài ra, cần phải nhìn nhận rằng nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu, đồng thời cần trao cơ hội hoạt động kinh tế cho người cao tuổi.

Người cao tuổi có nhu cầu tham gia vào thị trường lao động ngày càng tăng, song phần lớn trong số họ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm hoặc phần lớn người cao tuổi đang làm việc có chất lượng việc làm thấp và chủ yếu là việc làm trong khu vực phi chính thức. Có thể nhận thấy điều này qua số liệu điều tra, thống kê về lao động, việc làm trong những năm gần đây của Tổng cục Thống kê:

Về cơ cấu lao động có việc làm: nhóm người từ 60 tuổi trở lên có việc làm năm 2020 chiếm 7,6%; năm 2021 chiếm 9,3%; năm 2022 chiếm 8,5% trong tổng số lực lượng lao động [3]. Trong đó, có sự khác nhau đáng kể về phân bố lực lượng lao động theo tuổi giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Phần trăm lực lượng lao động nhóm tuổi trẻ (15-24) và già (50 tuổi trở lên) của khu vực thành thị thấp hơn của khu vực nông thôn. Ngược lại, đối với nhóm tuổi lao động chính (25-49) thì tỷ lệ này của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Điều này cho thấy, người lao động ở khu vực thành thị tham gia vào lực lượng lao động muộn hơn và ra khỏi lực lượng lao động sớm hơn so với người lao động ở khu vực nông thôn [4].

Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động chia theo nhóm tuổi và thành thị/nông thôn năm 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Bên cạnh đó, “Lao động tự làm” và “Lao động gia đình” là những nhóm lao động yếu thế, công việc không ổn định và hầu như không được hưởng một loại hình bảo hiểm xã hội nào. Trong toàn bộ nền kinh tế, tỷ trọng lao động tự làm và lao động gia đình chiếm tới 44,15% (22,3 triệu người), thấp hơn tỷ trọng người làm công ăn lương (53,8%). Trong đó, tỷ trọng lao động tự làm và lao động gia đình từ 60 tuổi trở lên chiếm 15,4% tổng số lao động tự làm và lao động gia đình; chiếm 79,5% tổng số lao động từ 60 tuổi trở lên có việc làm.

Đặc biệt, tỷ lệ lao động tự làm và lao động gia đình từ 60 tuổi trở lên là nữ cao hơn nam 11,3%; đồng thời có gần ba phần tư số lao động tự làm và lao động gia đình sống ở khu vực nông thôn (72,2%), trong khi chỉ có hơn 1/4 sống ở khu vực thành thị (27,8%) [5].

Đối với lực lượng lao động làm công ăn lương trong lĩnh vực phi nông nghiệp: số người từ 60 tuổi trở lên là 726,3 nghìn người, chiếm tỷ trọng 16,8% trong tổng số người có việc làm. Bên cạnh đó, người cao tuổi là nam giới làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp cao gấp đôi nữ giới [6].

Cũng theo kết quả thống kê năm 2022, trong số những người cao tuổi có việc làm, 32,3% là lao động có hợp đồng; 54% lao động theo thỏa thuận miệng; còn lại 13,8% là người cao tuổi không có hợp đồng. Báo cáo đã chỉ ra rằng so với các nhóm tuổi lao động khác, tỷ lệ lao động có hợp đồng thấp nhất là ở nhóm 60 tuổi trở lên [7].

Theo Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động việc làm năm 2023 của Tổng cục Thống kê, cơ cấu dân số của Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và cũng đồng thời trong quá trình già hóa dân số. Tỷ trọng nhóm dân số trẻ từ 0-14 tuổi giảm từ 24,3% năm 2019 xuống khoảng 23,9% năm 2023; nhóm dân số trong độ tuổi từ 15- 59 tuổi chiếm 63,8% năm 2019 giảm xuống còn 62,2% năm 2023; trong khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023.

Quan sát theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 30,3%; nông thôn: 45,7%). Đồng thời, thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,9 triệu đồng so với 6,3 triệu đồng) [8].

Khái quát từ những số liệu thu thập được, có thể thấy rằng, phần lớn người cao tuổi đang làm các công việc có thu nhập không cao, chủ yếu là những công việc mang tính chất lao động tự làm, lao động gia đình, ở khu vực nông nghiệp, công việc phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, chất lượng việc làm của người cao tuổi còn thấp. Điều này ở khía cạnh tích lũy và thu nhập có thể lý giải nhóm có lương hưu thì nhu cầu tham gia thị trường lao động khi về già thấp hơn so với nhóm không có lương hưu, thu nhập bấp bênh và sống ở nông thôn.

Như vậy nhu cầu việc làm của người cao tuổi để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và các chi phí y tế cho tuổi già là lý do chính chứ không phải sự lựa chọn từ sở thích. Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) và PRUDENTIAL năm 2022, hầu hết người cao tuổi gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm với những vướng mắc phổ biến như: không có nhiều thông tin về việc làm, không biết tìm việc ở đâu, bị từ chối các khoản vay để đầu tư sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không muốn tuyển dụng người cao tuổi vào làm việc, phần lớn người cao tuổi tìm được việc là do mối quan hệ quan biết, người thân giới thiệu chứ không qua các kênh tuyển dụng chính thức.

Phần lớn người lao động cao tuổi hiện nay đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trên thị trường lao động và điều kiện làm việc hạn chế [9].Nguyên nhân có thể lý giải ở đây là những chính sách, quy định pháp luật về đảm bảo vai trò và môi trường lao động cho người cao tuổi đã có, nhưng mới chỉ tập trung vào người lao động cao tuổi có trình độ cao, các chương trình tín dụng, đào tạo cho người cao tuổi có nhu cầu phát triển; còn thiếu vắng những chính sách, pháp luật về nâng cao năng lực cho người cao tuổi để bắt kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đảm bảo môi trường lao động ổn định, không bị phân biệt đối xử, v.v…

Cách thức nhìn nhận về vấn đề già hóa dân số ảnh hưởng rất lớn đến vai trò, vị thế và quyền của người cao tuổi cũng như nguồn lực đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội. Một số quan điểm cho rằng, suy giảm sự liên kết, năng lực ở tuổi già là phổ biến, tất yếu và không thể tránh khỏi, [10] do đó, người cao tuổi thường được xem là gánh nặng của xã hội nên phản ứng chính sách chủ yếu chỉ tập trung vào hướng cứu trợ, trợ giúp, chăm sóc, phụng dưỡng xã hội, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò, sự đóng góp của người cao tuổi đối với sự phát triển quốc gia.

Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực hơn, người cao tuổi được coi là nguồn lực dồi dào về tri thức, kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục đóng góp cho xã hội, vì vậy, khi tiếp cận chính sách theo hướng tạo việc làm, môi trường giải trí, tận dụng kinh nghiệm, tri thức, năng lực của người cao tuổi sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho đất nước, [11] mở ra các khả năng biến tuổi thọ thành tài sản cho xã hội. Cho dù với góc nhìn nào, Việt Nam cũng cần đưa ra những chính sách, pháp luật về người cao tuổi theo hướng là người được quyền hưởng các phúc lợi xã hội, được sống trong an ninh và sự tôn trọng, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm quyền của người cao tuổi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lao động, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tóm lại, trong bối cảnh già hóa dân số thì nhu cầu của người cao tuổi tìm kiếm việc làm cũng như thị trường lao động cần đến nhóm dân số này là một lẽ đương nhiên cả về cấp độ cá nhân cũng như cấp độ xã hội. Việc tăng cường tỷ lệ lao động cao tuổi trong nguồn lực lao động có thể phần nào giảm áp lực dân số gây ra bởi quá trình già hóa khi người cao tuổi vẫn đáp ứng được các điều kiện về sức khỏe thể chất và tinh thần để tham gia vào thị trường lao động.

Khi nhóm người cao tuổi đủ điều kiện để tham gia thị trường lao động và môi trường lao động được đảm bảo sẽ góp phần cải thiện thu nhập, điều kiện sống, tăng khả năng hòa nhập xã hội cho người cao tuổi và cân bằng chi phí chăm sóc y tế, hệ thống bảo trợ xã hội. Với những nhận thức và tình hình thực tế nêu trên, việc ban hành, hoàn thiện những chính sách và pháp luật về bảo đảm môi trường lao động cho người cao tuổi vì mục tiêu phát triển bền vững sẽ giúp giải quyết được các mục tiêu về kinh tế và các vấn đề xã hội khác của người cao tuổi. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới, và dự báo trong những năm tới đây sẽ là vấn đề mang tính thời sự nóng hổi.

2. Thực trạng chính sách và pháp luật về đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi ở Việt Nam

Ở Việt Nam, quan tâm đến người cao tuổi là một trong những chính sách trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ đều nhấn mạnh đến việc thực hiện các chính sách xã hội đối với người cao tuổi, thể hiện quan điểm định hướng mở rộng quyền của người cao tuổi. Đặc biệt, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược với quan điểm chỉ đạo: “Quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới”.

Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Chiến lược cũng đề ra 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó mục tiêu thứ 8 là: “Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; Khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”.

Bên cạnh đó, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Việt Nam đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó vấn đề già hóa dân số, với trọng tâm là áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời vào vấn đề già hóa dân số và coi người cao tuổi là nguồn lực chứ không phải gánh nặng trong quá trình phát triển bền vững. Cách tiếp cận theo vòng đời ủng hộ tiếp cận vấn đề già hóa dân số theo hướng toàn diện, phù hợp về giới trên cơ sở tôn trọng quyền, nhấn mạnh vào tính tuần tự của các sự kiện và các bước phát triển trong suốt cuộc đời của một con người.

Cụ thể, UNFPA hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung pháp lý và chính sách áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời và nhạy cảm giới để bảo vệ quyền của các cá nhân khi về già, trao quyền và giúp người cao tuổi hòa nhập xã hội trong các môi trường phát triển, các tình huống có khủng hoảng nhân đạo, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, cơ hội việc làm và đảm bảo tài chính [12].

Với chính sách nêu trên, thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật phù hợp với tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Đảng về đảm bảo quyền cho người cao tuổi, trong đó có đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi. Rà soát hệ thống quy phạm pháp luật Việt Nam hiện hành, có thể thấy rằng các quy định liên quan đến người cao tuổi nói chung cũng như đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi nói riêng đã được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp lí: từ Hiến pháp - văn bản có hiệu lực pháp lí cao nhất của pháp luật quốc gia, cho tới những Bộ luật được coi là trọng yếu đối với kinh tế, xã hội như Bộ luật Lao động, cho tới những đạo luật điều chỉnh các quan hệ cụ thể, trực tiếp liên quan tới người cao tuổi như Luật Người cao tuổi, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bình đẳng giới, v.v…

Theo Luật Người cao tuổi 2009: “Người cao tuổi là công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”. Như vậy, người cao tuổi ở Việt Nam về cơ bản tương đồng với độ tuổi được xác định bởi các cơ quan Liên hợp quốc như UNFPA. Quyền của người cao tuổi được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc” (khoản 3 Điều 37). Lần đầu tiên, Hiến pháp ghi nhận quyền của người cao tuổi thành một mục riêng, tách hẳn với các đối tượng khác như người khuyết tật, trẻ em mồ côi…

Đây không phải là sự hiển nhiên mà là khẳng định của Đảng, Nhà nước ta về quyền tối cao và vai trò ngày càng quan trọng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Đã đến lúc, vị trí người cao tuổi cần phải tương xứng với giá trị vốn có của nó. Hiến pháp ghi nhận quyền của người cao tuổi một cách đầy đủ nhất không chỉ được thụ hưởng giá trị vật chất, cơ bản nhất là chăm sóc sức khỏe và trọn vẹn các quyền con người, quyền công dân, mà còn đồng thời được đảm bảo các giá trị tinh thần được tôn trọng, được công nhận, ghi nhận sự cống hiến và khẳng định vai trò của mình trong xã hội.

Thứ nhất, các chính sách và pháp luật về đào tạo nghề, việc làm, tuyển dụng cho người cao tuổi

Tại Bộ luật Lao động 2019, Điều 169 quy định: “Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Bộ luật Lao động cũng có những Điều, khoản quy định về sử dụng người lao động cao tuổi như: “Khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe, để đảm bảo quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực” (Điều 148). Luật Người cao tuổi 2009 cũng có những điều khoản cụ thể quy định về việc làm đối với người cao tuổi như: “Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi”; “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp”; “Tạo điều kiện để người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân và những người cao tuổi khác có kỹ năng, kinh nghiệm đặc biệt, có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến”…

Theo tinh thần Hiến pháp, Bộ luật Lao động và Luật Người cao tuổi, rất nhiều văn bản dưới luật cũng như các chương trình hành động đã được ban hành. Đáng chú ý gần đây là ngày 23/6/2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 799/QĐ-LĐTBXH phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có nội dung về hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi, cụ thể:

(1) Giai đoạn 2022 - 2025: ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; ít nhất 20.000 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm; ít nhất 10.000 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi;

(2) Giai đoạn 2026 - 2030: ít nhất 70% người cao tuổi có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm; ít nhất 30.000 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm; ít nhất 20.000 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, hầu hết những chính sách nêu trên còn đang dừng ở chủ trương, chưa có những văn bản cụ thể hóa để đưa vào cuộc sống. Trên thực tế, số người cao tuổi được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm là rất ít, do các địa phương không bố trí được ngân sách. Các chương trình, đề án chưa có nội dung cụ thể về hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi mà chỉ tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Trên cả nước hầu như cũng không có trường chuyên nghiệp nào thực hiện các hoạt động đào tạo, đào tạo lại cho người cao tuổi. Rất ít doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị tiến hành đào tạo nghề cho đối tượng là người cao tuổi. Người cao tuổi muốn học nghề, chuyển đổi nghề thì phải tự học, hoặc nhờ người thân quen là chính [13].

Người cao tuổi cũng gặp phải rất nhiều rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm, do thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành; đa số người cao tuổi có nhu cầu làm việc nhưng không biết tìm việc làm ở đâu, cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều (trên các website tuyển dụng, người sử dụng lao động thường yêu cầu ứng viên từ 18 - 35 tuổi, nhóm người từ 50 tuổi trở lên hầu như không có doanh nghiệp nào đăng tuyển).

Chính sách khuyến khích người cao tuổi có khả năng và có nhu cầu tiếp tục làm việc mới được thực hiện ở một số đối tượng chủ yếu là cán bộ, viên chức có trình độ cao; đồng thời chưa có nhiều cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp sử dụng người lao động cao tuổi. Do đó, công việc mà người cao tuổi tìm được chủ yếu tập trung vào các công việc giản đơn như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già, trẻ em…

Thứ hai, các chính sách và pháp luật về đảm bảo môi trường lao động bình đẳng, không phân biệt đối xử với người cao tuổi

Không phân biệt đối xử trong lao động, việc làm là một tiêu chuẩn cốt lõi của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), có nghĩa là đối với người lao động lớn tuổi, các nguyên tắc cần được thực thi bao gồm:

Thúc đẩy việc làm dựa trên khả năng hơn là tuổi tác; Cấm phân biệt đối xử về độ tuổi trong việc làm; Giúp đỡ người sử dụng lao động và người lao động vượt qua những vấn đề phát sinh từ các tác động do tuổi tác tới việc làm. Như vậy, cùng với việc khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, góp phần duy trì số lượng lao động trong nền kinh tế thì tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo việc làm, đào tạo lao động thực sự có chất lượng nhằm xóa bỏ tình trạng thiếu việc làm và giảm thiểu thất nghiệp cũng là những giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bộ luật Lao động quy định cụ thể về bình đẳng trong bảo đảm việc làm cho lao động cao tuổi: Điều 5 quy định “Người lao động có các quyền sau đây: a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc,…”. Theo quy định này thì người lao động nói chung và lao động cao tuổi nói riêng có quyền lựa chọn công việc hợp lý, tùy vào sức khỏe và trình độ chuyên môn. Bộ luật Lao động, quy định bình đẳng về tiền lương, không bị phân biệt đối xử của lao động cao tuổi:

Điều 95 quy định “Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc”. Như vậy, người sử dụng lao động trả lương bình đẳng căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc. Thêm vào đó, giữa người lao động cao tuổi là nam và nữ, Điều 135 quy định “Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định tại Điều 13 “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm,…”.

Như vậy, luật pháp Việt Nam quy định rõ ràng: nam, nữ được đối xử bình đẳng, không phân biệt khi tuyển dụng lao động và trong quá trình lao động.

Trên thực tế, định kiến và phân biệt đối xử của nhà tuyển dụng đối với người lao động cao tuổi đã làm giảm những đóng góp có giá trị và hạn chế cơ hội người lao động cao tuổi tham gia vào thị trường lao động, đặc biệt là lao động nữ. Sự phân biệt đối xử thể hiện qua các nội dung tuyển dụng (ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ), một phần nguyên nhân là do doanh nghiệp cho rằng người cao tuổi làm việc kém hiệu quả hơn và có thể gặp nguy cơ cao hơn về an toàn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc. Lao động cao tuổi cũng bị nhận định là ít có khả năng thích nghi với môi trường làm việc cũng như những áp lực thay đổi trong công việc.

Sự phân biệt đối xử còn thể hiện qua việc sắp xếp vị trí công việc tại nơi làm việc có sự ưu tiên hơn giữa lao động trẻ và lao động cao tuổi. Ví dụ trong một dây chuyền sản xuất, lao động trẻ thường được xếp vào các vị trí chính, chịu trách nhiệm cao hơn, được ghi nhận năng suất tốt hơn. Từ đó cũng dẫn đến việc người cao tuổi không được đối xử công bằng trong phân công công việc cũng như lợi ích thu được tại nơi làm việc. Việc phân biệt tuổi tác không chỉ đến từ thế hệ trẻ mà ngay cả bản thân người cao tuổi cũng có những quan điểm tiêu cực về khả năng lao động của bản thân.

Thứ ba, các chính sách và pháp luật về đảm bảo môi trường lao động an toàn, đảm bảo thời giờ làm việc, nghỉ ngơi cho người cao tuổi

Để đảm bảo cho sự an toàn cũng như sức khỏe của người lao động cao tuổi, Bộ luật Lao động 2019 quy định tại Điều 149: “3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn. 4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc”. Việc sử dụng người cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ được thực hiện khi có đủ một số điều kiện đặc biệt như: người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, có tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật; có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành đối với nghề, công việc, v.v…

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định: “Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần”. Theo đó, đối với người lao động cao tuổi thì người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.

Ngoài các quyền và nghĩa vụ của người lao động nói chung theo Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, căn cứ khoản 2 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019, người lao động còn có quyền cụ thể như sau: “Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian”. Như vậy, ngoài các quyền, nghĩa vụ của người lao động, người cao tuổi còn có các quyền riêng, cụ thể người cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Đây là những quy định mà người cao tuổi cần nắm vững được để không chịu sự thiệt thòi, được đảm bảo an toàn khi tham gia lao động.

Như vậy, có thể thấy rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã có những quan tâm về chính sách dành cho người cao tuổi tại Việt Nam từ rất sớm bắt đầu từ Luật Người cao tuổi năm 2009 và tiếp tục được làm rõ thông qua các thông tư, nghị định, quyết định để cụ thể hóa liên tục theo từng năm và theo xu thế tình hình chung. Rà soát các văn bản pháp luật, các chương trình, chính sách xã hội đối với người cao tuổi cho thấy việc đảm bảo quyền cho người cao tuổi một cách tối ưu thể hiện tính nhân văn của Nhà Nước Việt Nam đối với người cao tuổi, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và các nguồn lực hiện nay của Việt Nam. Tuy nhiên các chính sách, pháp luật hiện có chủ yếu tập trung đến khám, chữa bệnh và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh dành cho người cao tuổi, chưa chú ý các khía cạnh nhu cầu khác của người cao tuổi. Ví dụ như thiếu những quy định hướng dẫn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần và mối quan hệ đời sống xã hội; chưa có nhiều chính sách thiết thực quy định về việc bảo vệ quyền lợi tham gia lao động và đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

3. Một số hàm ý hoàn thiện chính sách và pháp luật về đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi vì mục tiêu phát triển bền vững

Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững (Nghị quyết số 136/NQ-CP), được ban hành ngày 25/9/2020 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Con người là trung tâm của phát triển bền vững… Tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi,…”. Do đó, có thể một lần nữa khẳng định rằng việc đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới quyền pháp lí – quyền làm việc của người cao tuổi, từ đó có vai trò và tác động to lớn tới kinh tế, xã hội của đất nước.

Bởi lẽ đó, phương hướng hoàn thiện chính sách và pháp luật về đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi vì mục tiêu phát triển bền vững cần đảm bảo các nội dung sau:

(1) Tiếp tục ghi nhận và đề cao vai trò của người lao động cao tuổi;

(2) Xây dựng hành lang pháp lí chặt chẽ để bảo vệ người lao động cao tuổi, từ đó mới có cơ sở để đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi;

(3) Cần chú ý tới mối tương quan giữa quyền của người lao động cao tuổi với quyền của những nhóm lao động khác để đảm bảo có sự hài hòa, nhất quán trong quan hệ lao động.

Và với những phương hướng này, tác giả đưa ra một số hàm ý về chính sách và pháp luật cụ thể về đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như sau:

Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách và nhà lập pháp, quản lý các cấp cần thay đổi tư duy và nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ban hành và thực thi các biện pháp, chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội để thích ứng với tình hình già hóa dân số hiện nay và xu hướng được dự báo trong tương lai. Họ cần xác định giải quyết vấn đề già hóa dân số theo quan điểm thuận thiên, chung sống hài hòa, là một vấn đề mang tính quy luật, không một quốc gia nào đứng ngoài.

Người lao động cao tuổi cần được nhìn nhận từ góc độ là chủ thể đóng góp tích cực trong toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thay vì chỉ xác định là đối tượng phụ thuộc và hưởng trợ cấp của xã hội. Bên cạnh đó, các chính sách về đảm bảo môi trường lao động, việc làm phù hợp với người cao tuổi cần được nghiên cứu thấu đáo, bởi lẽ nhu cầu tham gia lao động của người cao tuổi sẽ có sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị, giữa nhóm nam và nhóm nữ, giữa nhóm có lương hưu và không có lương hưu, giữa nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật và nhóm có hạn chế về trình độ, tay nghề, v.v…

Các nghiên cứu về người cao tuổi cần toàn diện, không chỉ dừng lại ở yếu tố sức khỏe mà cần bao hàm nhiều khía cạnh khác, như nhu cầu và phát huy năng lực…; trong đó, cần lấy ý kiến của các cán bộ thực thi chính sách, các nhà khoa học có chuyên môn về lĩnh vực này, các nhà hoạt động về người cao tuổi và ý kiến của người cao tuổi đối với các đặc điểm về sức khỏe, kinh tế, nơi cư trú và trình độ... [14] Có như vậy, việc điều chỉnh, bổ sung chính sách mới phản ánh đúng thực tiễn và thực hiện chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, để người cao tuổi có đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển đất nước.

Thứ hai, Việt Nam có thể cân nhắc quy định về độ tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động từ năm 2021 đã tăng theo quy định mới tại Bộ luật Lao động 2019. Trong đó, quy định cho nữ lao động nghỉ hưu sớm khi có thể tiếp tục công việc là một sự lãng phí lớn. Vì vậy, có thể nghiên cứu quy định rõ tuổi nghỉ hưu đối với từng ngành nghề đặc thù. Hoặc có thể cho người lao động và người sử dụng lao động tự lựa chọn giới hạn nghỉ hưu. Ví dụ, mức chung đối với tuổi nghỉ hưu là 60 đối với nữ, 62 đối với nam nhưng vẫn cho 05 năm linh hoạt.

Thứ ba, các chính sách đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi cần tính đến những yếu tố đặc thù theo giới. Trong tương quan với nhóm nam giới, phụ nữ là nhóm dễ tổn thương hơn, tỷ lệ mắc bệnh và khuyết tật cũng cao hơn và sự đối mặt cuộc sống độc thân, góa cao hơn nam giới. Không nên áp dụng một chính sách chung đồng nhất cho người cao tuổi thiếu nhạy cảm giới. Các chính sách cần đảm bảo sự bao trùm và tính đến sự đa dạng về các khía cạnh: giới tính, độ tuổi, dân tộc, giáo dục, thu nhập và sức khỏe. Đặc biệt trong nhóm người cao tuổi có nhóm dễ tổn thương nhất như nhóm già nhất, không biết chữ, sống vùng sâu vùng xa, người đồng bào dân tộc thiểu số thì các chính sách cần có những chương trình và mô hình can thiệp phù hợp cho nhóm này.

Thứ tư, đối với vấn đề đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi, cần xây dựng các chương trình, dự án đào tạo hỗ trợ về chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao năng lực cho lao động cao tuổi đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tại địa phương; triển khai các mô hình đào tạo tại chỗ, đào tạo tại cộng đồng, bảo đảm người cao tuổi có đủ khả năng và nhu cầu được tham gia đào tạo một cách thực chất và hiệu quả. Các chương trình đào tạo cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện, khả năng tiếp thu của từng nhóm người cao tuổi; nội dung đào tạo cần hướng cả tới việc giúp người cao tuổi có thể thích nghi với bối cảnh chuyển đổi số.

Thêm vào đó, nhà lập pháp cần nghiên cứu bổ sung quy định về cung cấp nguồn tài chính để khuyến khích người sử dụng lao động giữ lại và thuê người lao động cao tuổi, cụ thể bằng các cơ chế hỗ trợ tài chính (miễn giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, y tế đối với lao động cao tuổi chưa có đủ thời gian đóng bảo hiểm), ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động cao tuổi (ví dụ đưa ra các mức hỗ trợ tăng theo tỷ lệ lao động cao tuổi trong tổng số lao động của doanh nghiệp), hỗ trợ một phần tiền lương, tiền thưởng cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng danh mục các công việc ưu tiên, khuyến khích tuyển dụng lao động cao tuổi. Mục tiêu là tạo ra và duy trì, phát triển việc làm cho người lao động cao tuổi để tận dụng nguồn nhân lực và thúc đẩy năng suất lao động. Để làm được điều này, cần xây dựng và thực thi có hiệu quả các cơ chế hỗ trợ và kênh kết nối việc làm phù hợp cho người cao tuổi có nhu cầu tìm việc, đặc biệt thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm.

Thứ năm, đối với việc tạo môi trường lao động cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử với người cao tuổi: cần triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, thăng chức… đối với lao động cao tuổi. Nhà lập pháp cần ban hành thêm quy định nhằm ngăn chặn/cấm phân biệt tuổi tác trong tuyển dụng và sử dụng lao động cao tuổi, kèm với các biện pháp giám sát, quản lý việc thực hiện tiêp cận cân bằng trong tuyển dụng, sử dụng, bảo vệ quyền lợi trong lao động của người cao tuổi, đảm bảo rằng tuổi tác không phải là một tiêu chí để đánh giá năng lực làm việc.

Đồng thời, cung cấp cơ hội bình đẳng cho lao động cao tuổi để họ được cải thiện kỹ năng, nâng cao năng lực làm việc thích ứng với khoa học công nghệ. Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích học tập suốt đời để đào tạo, đào tạo lại cho người cao tuổi nhằm duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo rằng người lao động cao tuổi được cập nhật kiến thức và duy trì việc làm năng suất.

Thứ sáu, về việc đảm bảo môi trường lao động an toàn cho người cao tuổi: cần có những chính sách và quy định cụ thể hơn nữa nhằm cải thiện môi trường làm việc thân thiện và phù hợp với thể trạng sức khỏe, tâm lý của người lao động cao tuổi.

Thường xuyên kiểm tra và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người lao động cao tuổi để giảm thiểu rủi ro về bệnh tật, tránh không để người cao tuổi bị quá sức trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, cần chú trọng các biện pháp giám sát vấn đề sức khỏe và an toàn nghề nghiệp để duy trì các năng lực và khả năng làm việc của người cao tuổi thông qua hoạt động của các tổ chức thanh tra lao động.

Thứ bảy, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội thích ứng với già hóa dân số. Nội dung tuyên truyền cần xoay quanh việc: nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách, pháp luật lao động, việc làm, phát triển cơ hội nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, chuẩn bị sẵn sàng cho tuổi già độc lập; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của người cao tuổi và đóng góp của họ cho nền kinh tế, xã hội; nâng cao nhận thức của chính người cao tuổi nói chung và người lao động cao tuổi nói riêng về vị thế cũng như cuộc sống, công việc, môi trường lao động của họ.

Kết luận

Già hóa dân số chắc chắn là một lĩnh vực cần sự quan tâm sâu sát của các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định dựa trên phương pháp tiếp cận theo vòng đời. Mặc dù già hóa dân số đặt ra thách thức cho xã hội và nền kinh tế, song một bộ chính sách và pháp luật phù hợp sẽ cho phép cá nhân, gia đình và xã hội giải quyết những thách thức này và gặt hái những lợi ích mà nó mang lại, đặc biệt là trong môi trường lao động. Việc tăng cường tỷ lệ lao động cao tuổi trong nguồn lực lao động có thể phần nào góp phần giảm áp lực dân số gây ra bởi quá trình già hóa trong bối cảnh người cao tuổi vẫn đáp ứng được các điều kiện về sức khỏe thể chất và tinh thần để tham gia vào thị trường lao động.

Khi nhóm người cao tuổi đủ điều kiện để tham gia thị trường lao động và môi trường lao động được đảm bảo sẽ góp phần cải thiện thu nhập, điều kiện sống, tăng khả năng hòa nhập xã hội cho người cao tuổi và cân bằng chi phí chăm sóc y tế, hệ thống bảo trợ xã hội. Việc tạo cơ hội việc làm và đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi là một thách thức to lớn đối với Chính phủ và xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh dân số ngày càng già hóa. Cần có sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để giải quyết các vấn đề này và tạo một môi trường thuận lợi cho người cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động và cuộc sống xã hội. Do đó, cần có những chính sách và pháp luật phù hợp để có thể giải quyết vấn đề già hóa dân số, đảm bảo môi trường lao động cho người cao tuổi vì mục tiêu phát triển bền vững./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp Việt Nam 2013

2. Bộ luật Lao động 2019

3. Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015

4. Luật Người cao tuổi 2009

5. Luật Bình đẳng giới 2006

6. Quyết định số 622/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ngày 10/5/2017

7. Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 ban hành ngày 22/11/2019

8. Quyết định số 681/QĐ-TTg về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 ban hành ngày 04/6/2019

9. Nghị quyết số 136/NQ-CP Về phát triển bền vững ban hành ngày 25/9/2020

10. Quyết định số 799/QĐ-LĐTBXH phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030 ngày 23/6/2023

11. Đào Trọng Độ, “Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số”, Kỷ yếu hội thảo khoa học thường niên về nghiên cứu con người, Phát triển con người trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu con người, Hà Nội (2023)

12. TỔNG CỤC THỐNG KÊ, BÁO CÁO ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2022, NXB. THỐNG KÊ, HÀ NỘI, TR.11, 24, 37, 38, 44 (2023)

13. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động, việc làm quý IV và năm 2023, website của Tổng cục Thống kê, (26/02/2024), https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-dan-so-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2023/

14. Đặng Thị Ánh Tuyết, Vũ Thái Hạnh, Vai trò và thách thức đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam - Một số hàm ý chính sách, Tạp chí cộng sản điện tử, (18/8/2022),
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825736/vai-tro-va-thach-thuc-doi-voi-nguoi-cao-tuoi-trong-boi-canh-gia-hoa-dan-so-o-viet-nam---mot-so-ham-y-chinh-sach.aspx.

15. ILSSA & PRUDENTIAL, Báo cáo “Nhận thức và hành động đảm bảo an ninh thu nhập cho cuộc sống độc lập khi về già”, tr.12, (2022).

16. Nhóm Dữ liệu mở về phát triển Việt Nam, Mục tiêu phát triển bền vững, Open Development Vietnam,(10/7/2018),
https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/sustainable-development-goals/

17. UNFPA Việt Nam, Già hóa dân số, UNFPA (20/10/2021), https://vietnam.unfpa.org/vi/topics/già-hóa-dân-số

18. CUMMING, E. AND HENRY, W, GROWING OLD: THE PROCESS OF DISENGAGEMENT, BASIC BOOKS, NEW YORK (1961).

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp Việt Nam 2013

2. Bộ luật Lao động 2019

3. Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015

4. Luật Người cao tuổi 2009

5. Luật Bình đẳng giới 2006

6. Quyết định số 622/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ngày 10/5/2017

7. Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 ban hành ngày 22/11/2019

8. Quyết định số 681/QĐ-TTg về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 ban hành ngày 04/6/2019

9. Nghị quyết số 136/NQ-CP Về phát triển bền vững ban hành ngày 25/9/2020

10. Quyết định số 799/QĐ-LĐTBXH phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030 ngày 23/6/2023

11. Đào Trọng Độ, “Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số”, Kỷ yếu hội thảo khoa học thường niên về nghiên cứu con người, Phát triển con người trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu con người, Hà Nội, 2023

12. TỔNG CỤC THỐNG KÊ, BÁO CÁO ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2022, NXB. THỐNG KÊ, HÀ NỘI, TR.11, 24, 37, 38, 44 (2023)

13. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động, việc làm quý IV và năm 2023, website của Tổng cục Thống kê, (26/02/2024), https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-dan-so-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2023/

14. Đặng Thị Ánh Tuyết, Vũ Thái Hạnh, Vai trò và thách thức đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam - Một số hàm ý chính sách, Tạp chí cộng sản điện tử, (18/8/2022),

https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825736/vai-tro-va-thach-thuc-doi-voi-nguoi-cao-tuoi-trong-boi-canh-gia-hoa-dan-so-o-viet-nam---mot-so-ham-y-chinh-sach.aspx.

15. ILSSA & PRUDENTIAL, Báo cáo “Nhận thức và hành động đảm bảo an ninh thu nhập cho cuộc sống độc lập khi về già”, tr.12, (2022).

16. Nhóm Dữ liệu mở về phát triển Việt Nam, Mục tiêu phát triển bền vững, Open Development Vietnam,(10/7/2018),

https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/sustainable-development-goals/

17. UNFPA Việt Nam, Già hóa dân số, UNFPA (20/10/2021), https://vietnam.unfpa.org/vi/topics/già-hóa-dân-số

18. CUMMING, E. AND HENRY, W, GROWING OLD: THE PROCESS OF DISENGAGEMENT, BASIC BOOKS, NEW YORK (1961).

[1] Nhóm Dữ liệu mở về phát triển Việt Nam, Mục tiêu phát triển bền vững, Open Development Vietnam, (10/7/2018),

https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/sustainable-development-goals/

[2] UNFPA Việt Nam, Già hóa dân số, UNFPA (20/10/2021), https://vietnam.unfpa.org/vi/topics/già-hóa-dân-số

[3] TỔNG CỤC THỐNG KÊ, BÁO CÁO ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2022, NXB. THỐNG KÊ, HÀ NỘI, TR.11 (2023)

[4] TỔNG CỤC THỐNG KÊ, BÁO CÁO ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2022, NXB. THỐNG KÊ, HÀ NỘI, TR.24 (2023)

[5] TỔNG CỤC THỐNG KÊ, BÁO CÁO ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2022, NXB. THỐNG KÊ, HÀ NỘI, TR.37 (2023)

[6] TỔNG CỤC THỐNG KÊ, BÁO CÁO ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2022, NXB. THỐNG KÊ, HÀ NỘI, TR.38 (2023)

[7] TỔNG CỤC THỐNG KÊ, BÁO CÁO ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2022, NXB. THỐNG KÊ, HÀ NỘI, TR.44 (2023)

[8] Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động, việc làm quý IV và năm 2023, website của Tổng cục Thống kê, (26/02/2024), https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-dan-so-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2023/

[9] ILSSA & PRUDENTIAL, Báo cáo “Nhận thức và hành động đảm bảo an ninh thu nhập cho cuộc sống độc lập khi về già”, tr.12, (2022).

[10] CUMMING, E. AND HENRY, W, GROWING OLD: THE PROCESS OF DISENGAGEMENT, BASIC BOOKS, NEW YORK (1961).

[11] Walker, A, A strategy for active ageing, International Social Security Review, Volume 55, Issue 1, p.121-139 (2022).

[12] UNFPA Việt Nam, Già hóa dân số, UNFPA (20/10/2021), https://vietnam.unfpa.org/vi/topics/già-hóa-dân-số

[13] Đào Trọng Độ, “Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số”, Kỷ yếu hội thảo khoa học thường niên về nghiên cứu con người, Phát triển con người trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu con người, Hà Nội, 2023, tr.209-210.

[14] Đặng Thị Ánh Tuyết, Vũ Thái Hạnh, Vai trò và thách thức đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam - Một số hàm ý chính sách, Tạp chí cộng sản điện tử, (18/8/2022),

https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825736/vai-tro-va-thach-thuc-doi-voi-nguoi-cao-tuoi-trong-boi-canh-gia-hoa-dan-so-o-viet-nam---mot-so-ham-y-chinh-sach.aspx.

Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Lý lịch tư pháp

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Lý lịch tư pháp

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp.

Tăng cường hoàn thiện phần mềm Trợ lý ảo để rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Tăng cường hoàn thiện phần mềm Trợ lý ảo để rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  6 giờ trước

(PLPT) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh việc phát triển các mô-đun của phần mềm Trợ lý ảo để hỗ trợ công tác kiểm tra, rà soát, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường hiệu lực thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Tăng cường hiệu lực thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  7 giờ trước

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực ngày 1/7/2024) đã đưa ra một số quy định nhằm kiểm soát, siết chặt tình hình sở hữu chéo. Tuy nhiên để tăng cường hiệu lực thực thi luật, đặc biệt ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng tại các ngân hàng, chặn không để xảy ra đại án như đã xảy ra tại SCB, thì cần nhiều giải pháp đồng bộ…

414 vụ lừa đảo trực tuyến được báo cáo chỉ trong 1 tuần: Điểm lại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần qua

414 vụ lừa đảo trực tuyến được báo cáo chỉ trong 1 tuần: Điểm lại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần qua

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  20 giờ trước

(PLPT) - Cục An toàn thông tin cho biết, dù các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến không mới, tuy nhiên, do mất cảnh giác và thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân, nhiều người dùng vẫn bị lừa đảo, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Giả danh công an để lừa đảo gần 1 tỷ đồng: Cục Cảnh sát hình sự ra cảnh báo về thủ đoạn 'chạy án'

Giả danh công an để lừa đảo gần 1 tỷ đồng: Cục Cảnh sát hình sự ra cảnh báo về thủ đoạn 'chạy án'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  23 giờ trước

(PLPT) - Một nhóm đối tượng tiếp cận người dân, tự xưng là cán bộ công tác tại Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an đã phát ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác.

Mất 3 tỷ đồng sau khi cài phần mềm dịch vụ công giả: Nhận diện các chiêu trò giả danh công an để lừa đảo

Mất 3 tỷ đồng sau khi cài phần mềm dịch vụ công giả: Nhận diện các chiêu trò giả danh công an để lừa đảo

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Tin lời kẻ giả danh công an, một người phụ nữ ở Hà Nội đã cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, bị lừa mất gần 3 tỷ đồng. Cơ quan chức năng liên tục thông tin cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này song nhiều người dân vẫn "sập bẫy".

Bổ sung khái niệm về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân'

Bổ sung khái niệm về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung giải thích từ ngữ về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân' và bổ sung đối tượng này trong các quy định tương ứng của dự thảo Luật.

Hoàn thiện cơ chế đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam hiện nay

Hoàn thiện cơ chế đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam hiện nay

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Để đạt được sự cân bằng giữa lý thuyết pháp lý và thực tiễn áp dụng, cơ chế đánh giá tác động chính sách (Regulatory Impact Assessment - RIA) trở thành một công cụ không thể thiếu trong quy trình xây dựng luật hiện đại.

Đọc nhiều