Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Mua bán hơn 800.000 dữ liệu cá nhân: Người dân cần tỉnh táo để không bị lộ thông tin

Yến Nhi Thứ năm, 17/10/2024 - 11:42
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Đối tượng lợi dụng mạng xã hội mua bán hơn 800.000 dữ liệu cá nhân của hơn 60.000 người dân trên cả nước. Cơ quan công an đưa ra khuyến cáo về biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân cho người dân.

Hơn 800.000 dữ liệu cá nhân của người dân bị mua bán. (Ảnh: CAND)

Mua bán dữ liệu cá nhân của hơn 60.000 người dân trên cả nước

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tuyên Quang vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với N.N. về tội "Sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" và "Đánh bạc".

Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Tuyên Quang phát hiện hình ảnh căn cước công dân/chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe… của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh được rao bán trên mạng internet để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Các đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, Telegram ảo để nhắn tin, liên lạc với người mua; dùng tiền ảo để giao dịch với nhau gây rất nhiều khó khăn cho công tác xác minh, truy vết.

Qua xác minh, cảnh sát xác định N.N. là người tàng trữ, mua bán các dữ liệu cá nhân, theo đó đã phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ, thu giữ các phương tiện, thiết bị và dữ liệu có liên quan.

Bước đầu xác định, người này đã mua bán hơn 800.000 dữ liệu cá nhân của hơn 60.000 người dân tại Tuyên Quang và các tỉnh, thành trong cả nước.

Sau một thời gian dài nắm tình hình, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự xác định N.N. là đối tượng tàng trữ, mua bán các dữ liệu cá nhân trên; khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ đối tượng, thu giữ toàn bộ các phương tiện, thiết bị và dữ liệu có liên quan.

Công an tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo người dân cần quản lý chặt chẽ dữ liệu cá nhân của bản thân, không cho mượn, thuê, mua bán giấy tờ cá nhân; không đăng tải hình ảnh CCCD, giấy phép lái xe, hộ chiếu… lên mạng xã hội.

Giả danh nhân viên ngân hàng đánh cắp thông tin cá nhân người sử dụng thẻ tín dụng

Hồi tháng 3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Minh Phúc (SN 1995, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, ngày 7/3, ba đối tượng gồm: Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000) và Trương Hán Chương (SN 2000) cùng ngụ TPHCM đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Rạch Giá bắt tạm giạm với cùng tội danh nói trên.

Theo kết quả điều tra, các đối tượng kể trên sau khi nghỉ việc ở công ty tài chính đã tự ý lưu trữ dữ liệu thông tin cá nhân người sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng rồi gọi điện lừa chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng đang sử dụng. Sau đó, chúng sử dụng các thông tin này đặt mua các loại hàng hóa có giá trị lớn để chiếm đoạt.

Vào tháng 8/2023, ông N.V.T. (ở TP Rạch Giá) đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 96.540.000 đồng. Thời điểm đó, Tài đã gọi điện thoại cho ông T. nói sẽ hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng của ông từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.

Khi chủ thẻ tin tưởng và đồng ý, Tài yêu cầu chủ thẻ cung cấp các số thẻ, mã bảo mật, hạn sử dụng thẻ và dặn chủ thẻ khi nhận được mã OTP từ tin nhắn của ngân hàng thì phải cung cấp ngay cho Tài. Do tin tưởng nên ông T. đã cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân.

Ngay lập tức, Thái dùng điện thoại truy cập vào 2 trang bán hàng online đặt mua 4 điện thoại hiệu iPhone 14 với số tiền hơn 96 triệu đồng. Khi đặt hàng và thanh toán thành công, Thái kêu Chương và Tài đi nhận điện thoại đã mua, mang đi bán lấy tiền chia nhau tiêu xài.

Về phía ông T., sau khi cung cấp các thông tin thì tài khoản thẻ tín dụng đã bị trừ số tiền thanh toán mua hàng là 96.540.000 đồng. Ông T. đã liên hệ ngân hàng nhờ ngăn chặn giao dịch nhưng không thực hiện được nên đã trình báo sự việc lên công an.

Ngoài ra, vào cuối tháng 9/2023, Chương sợ bị Công an phát hiện nên không tham gia nữa. Thái và Tài đến thuê 1 căn hộ tại Thủ Đức (TPHCM) để tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Thái rủ thêm Hồ Minh Phúc cùng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với cách thức như trên. Nhóm Thái, Tài và Phúc thực hiện chiếm đoạt tài sản trót lọt 15 vụ của các nạn nhân ở các tỉnh, thành phố với số tiền rất lớn.

Cảnh báo người dân bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân trên không gian mạng

Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc truy cập và sử dụng Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, cùng với những tiện ích mà mạng Internet mang lại, nguy cơ mất an toàn thông tin dữ liệu cá nhân cũng ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, các hành vi tội phạm lừa đảo và tống tiền trên không gian mạng đang trở nên tinh vi và phức tạp hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc bảo vệ thông tin cá nhân và phòng chống tội phạm mạng là vô cùng quan trọng.

Tội phạm mạng có thể thực hiện các hành vi lừa đảo, tống tiền bằng nhiều cách thức khác nhau. Chúng có thể sử dụng các kỹ thuật tấn công như phishing (giả mạo để lấy cắp thông tin), malware (phần mềm độc hại), ransomware (mã hóa dữ liệu để đòi tiền chuộc), và nhiều phương thức khác để xâm nhập vào hệ thống máy tính, đánh cắp hoặc làm hỏng dữ liệu của người dùng.

Phishing là một trong những phương thức phổ biến nhất. Tội phạm mạng thường gửi các email giả mạo, tin nhắn hoặc thiết lập các trang web lừa đảo để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân như mật khẩu, số thẻ tín dụng, hoặc thông tin đăng nhập. Khi nạn nhân không cảnh giác và cung cấp thông tin, tội phạm mạng sẽ sử dụng chúng để thực hiện các hành vi gian lận.

Ransomware là một loại phần mềm độc hại đặc biệt nguy hiểm. Khi xâm nhập vào hệ thống của nạn nhân, nó sẽ mã hóa toàn bộ dữ liệu và đòi tiền chuộc để cung cấp chìa khóa giải mã. Nếu nạn nhân không trả tiền chuộc, dữ liệu của họ có thể bị xóa vĩnh viễn hoặc bị rò rỉ.

Để khắc phục tình trạng trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo một số biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân:

1. Sử dụng mật khẩu mạnh: Mật khẩu cần phải đủ dài, bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Tránh sử dụng các mật khẩu dễ đoán như ngày sinh, tên, hay các chuỗi ký tự đơn giản.

2. Cập nhật phần mềm thường xuyên: Các lỗ hổng bảo mật trong phần mềm là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng. Việc cập nhật phần mềm thường xuyên giúp vá các lỗ hổng bảo mật, giảm nguy cơ bị tấn công.

3. Sử dụng xác thực hai yếu tố (2FA): 2FA là một lớp bảo mật bổ sung ngoài mật khẩu. Ngay cả khi mật khẩu bị đánh cắp, tội phạm mạng vẫn cần thêm một mã xác thực nữa để truy cập vào tài khoản.

4. Cảnh giác với các email và tin nhắn lạ: Không mở các liên kết hoặc tệp đính kèm từ các email, tin nhắn không rõ nguồn gốc. Kiểm tra kỹ địa chỉ email và nội dung tin nhắn trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.

5. Sử dụng phần mềm diệt virus và tường lửa: Các phần mềm này giúp bảo vệ máy tính khỏi các phần mềm độc hại và các cuộc tấn công từ bên ngoài.

6. Bảo mật thông tin cá nhân trên mạng xã hội: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên các mạng xã hội. Kiểm tra và điều chỉnh các thiết lập bảo mật để kiểm soát ai có thể xem thông tin của bạn.

Ngoài ra, không chỉ người dùng cá nhân, các tổ chức và cơ quan chức năng cũng cần thực hiện các biện pháp bảo vệ thông tin dữ liệu và phòng chống tội phạm mạng.

Các tổ chức cần thực hiện các chính sách bảo mật nghiêm ngặt, đào tạo nhân viên về an toàn thông tin và liên tục giám sát hệ thống để phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công kịp thời.

Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp bảo mật sẽ giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ bị tấn công, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân, góp phần xây dựng một xã hội số an toàn và bền vững.

Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Lý lịch tư pháp

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Lý lịch tư pháp

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  7 giờ trước

(PLPT) - Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp.

Tăng cường hoàn thiện phần mềm Trợ lý ảo để rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Tăng cường hoàn thiện phần mềm Trợ lý ảo để rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  8 giờ trước

(PLPT) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh việc phát triển các mô-đun của phần mềm Trợ lý ảo để hỗ trợ công tác kiểm tra, rà soát, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường hiệu lực thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Tăng cường hiệu lực thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  9 giờ trước

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực ngày 1/7/2024) đã đưa ra một số quy định nhằm kiểm soát, siết chặt tình hình sở hữu chéo. Tuy nhiên để tăng cường hiệu lực thực thi luật, đặc biệt ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng tại các ngân hàng, chặn không để xảy ra đại án như đã xảy ra tại SCB, thì cần nhiều giải pháp đồng bộ…

414 vụ lừa đảo trực tuyến được báo cáo chỉ trong 1 tuần: Điểm lại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần qua

414 vụ lừa đảo trực tuyến được báo cáo chỉ trong 1 tuần: Điểm lại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần qua

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  22 giờ trước

(PLPT) - Cục An toàn thông tin cho biết, dù các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến không mới, tuy nhiên, do mất cảnh giác và thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân, nhiều người dùng vẫn bị lừa đảo, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Giả danh công an để lừa đảo gần 1 tỷ đồng: Cục Cảnh sát hình sự ra cảnh báo về thủ đoạn 'chạy án'

Giả danh công an để lừa đảo gần 1 tỷ đồng: Cục Cảnh sát hình sự ra cảnh báo về thủ đoạn 'chạy án'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Một nhóm đối tượng tiếp cận người dân, tự xưng là cán bộ công tác tại Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an đã phát ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác.

Mất 3 tỷ đồng sau khi cài phần mềm dịch vụ công giả: Nhận diện các chiêu trò giả danh công an để lừa đảo

Mất 3 tỷ đồng sau khi cài phần mềm dịch vụ công giả: Nhận diện các chiêu trò giả danh công an để lừa đảo

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Tin lời kẻ giả danh công an, một người phụ nữ ở Hà Nội đã cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, bị lừa mất gần 3 tỷ đồng. Cơ quan chức năng liên tục thông tin cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này song nhiều người dân vẫn "sập bẫy".

Bổ sung khái niệm về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân'

Bổ sung khái niệm về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung giải thích từ ngữ về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân' và bổ sung đối tượng này trong các quy định tương ứng của dự thảo Luật.

Hoàn thiện cơ chế đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam hiện nay

Hoàn thiện cơ chế đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam hiện nay

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Để đạt được sự cân bằng giữa lý thuyết pháp lý và thực tiễn áp dụng, cơ chế đánh giá tác động chính sách (Regulatory Impact Assessment - RIA) trở thành một công cụ không thể thiếu trong quy trình xây dựng luật hiện đại.

Đọc nhiều