Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch ở Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

ThS.LS Nguyễn Năng Quang Thứ năm, 17/10/2024 - 06:13
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 trong đó có Mục tiêu 6 về đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được sử dụng nguồn nước sạch, vệ sinh và an toàn. Trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền tiếp cận nước sạch, bài viết đề xuất hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho việc đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch của người dân trong thời gian tới.

Từ khóa: quyền tiếp cận nước sạch, phát triển bền vững, tài nguyên nước

Abstract: To achieve the sustainable development goals by 2030, including Goal 6 on ensuring the availability and sustainable management of water resources, Vietnam has enacted numerous policies and laws to guarantee access to clean, safe, and hygienic water for all citizens. Based on an analysis of international legal provisions and Vietnamese law regarding the right to access clean water, this article proposes directions for improving policies and laws to establish a robust legal framework that ensures the right to access clean water for the public in the near future.

Keywords: Right to access clean water, sustainable development, water resources.

1. Mở đầu

Nước sạch là một tài nguyên quý giá và không thể thiếu đối với cuộc sống con người. Quyền tiếp cận nước sạch được xem là một trong những quyền cơ bản của con người, đảm bảo sức khỏe và sự phát triển bền vững của cộng đồng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, việc đảm bảo nguồn nước sạch càng trở nên cấp thiết. Ở Việt Nam, quyền tiếp cận nước sạch đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế và quốc gia, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực hiện đầy đủ quyền này.

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có Mục tiêu 6 về đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách pháp luật. Tuy nhiên, để thực sự đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch cho tất cả mọi người, cần có sự hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh mẽ. Trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, bài viết này đề xuất hướng hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch của người dân trong thời gian tới.

2. Quyền tiếp cận nước sạch theo pháp luật

2.1. Quyền tiếp cận nước sạch theo pháp luật quốc tế

Nước là thành phần giúp con người duy trì sự sống và là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Nói về quyền nước sạch như một quyền con người thì pháp luật quốc tế đề cập đến và ghi nhận khá muộn về quyền này.

Năm 1948 Liên hợp quốc công bố Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR), trong đó quyền tiếp cận nước sạch không được đề cập đến cụ thể mà chỉ đề chung theo Khoản 1 Điều 25 “Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết”. Có thể hiểu, nước sạch là một trong những phương diện để đảm bảo được sự an toàn về sức khỏe, duy trì sự sống và là yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao mức sống. Theo Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR) của Liên hợp quốc trong Bộ luật Nhân quyền quốc tế năm 1966 thì quyền về nước sạch chưa được ghi nhận cụ thể mà đề cập đến ở Điều 11 quy định “Các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền của mọi người được có một mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình mình, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, nhà ở, và được không ngừng cải thiện điều kiện sống”.

Theo đó, quyền về nước sạch hay quyền tiếp cận nước sạch được nói một cách khá chung chung như được quy định theo điều trên là được có mức sống thích đáng và không ngừng cải thiện điều kiện sống. Mà nước sạch là một yếu tố để duy trì sự sống, quyền được tiếp cận nước sạch cũng chính là một trong những khía cạnh để nâng cao đời sống tinh thần và các điều kiện sống của mỗi người. Tại Hội nghị về nước của Liên hợp quốc (năm 1997) đã thống nhất “tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội, đều có quyền tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng bảo đảm cho các nhu cầu cơ bản của con người” [1]. Tiếp đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường tại Johannesburg ở Nam Phi, nước được xếp ở vị trí cao nhất trong số những thứ hạng ưu tiên để phát triển bền vững quốc gia và quốc tế (nước - năng lượng - sức khỏe - nông nghiệp và đa dạng sinh học) [2].

Năm 1948, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền do Liên hợp quốc tuyên bố ban hành đã nhắc đến quyền con người, bảo đảm một số quyền như các quyền sống, quyền với lương thực, quyền đối với sức khỏe,... Đối với quyền sống thì nước chính là một yếu tố đảm bảo cho sự sống được duy trì, nước sạch chính là nguồn giúp đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân sinh sống. Khi quyền sống được đảm bảo, nhu cầu sinh sống, ăn uống, lương thực, thực phẩm đạt yêu cầu thì sức khỏe của con người cũng sẽ được đảm bảo hơn bao giờ hết. Có thể thấy, nước là một yếu tố vô cùng quan trọng, là tiền đề để cho các quyền con người được duy trì và phát triển. Việc đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch chính là một trong những hành động giúp môi trường sống được đảm bảo và góp phần hoàn thiện mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Trên đây là những văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng về quyền sử dụng nước, nhằm bảo đảm mọi người có thể tiếp cận với nguồn cung cấp nước một cách đầy đủ, an toàn, có thể chấp nhận và chi trả được cho cuộc sống của cá nhân và hộ gia đình.

2.2. Quyền tiếp cận nước sạch theo pháp luật Việt Nam

Theo pháp luật Việt Nam quy định tại Khoản 24 Điều 2 Luật tài nguyên nước năm 2023 “Khai thác, sử dụng tài nguyên nước là hoạt động khai thác, sử dụng tiềm năng, giá trị của tài nguyên nước để phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hoá, đa dạng sinh học”. Theo đó, sử dụng tài nguyên nước chính là một cách gọi khác của việc tiếp cận nguồn nước.

Theo văn kiện pháp lý cao nhất của Việt Nam là Hiến pháp năm 2013, quyền con người đã được nhắc đến. Trong đó, theo tác giả, cũng giống như các quyền được quy định tại Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 thì các quyền con người được quy định tại chương 2 Hiến pháp để có thể tồn tại và phát triển thì nước sạch chính là một yếu tố quan trọng giúp giữ gìn, góp phần giúp các quyền được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Còn về môi trường được đảm bảo, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định tại Điều 43 “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Theo đó nước sạch là một yếu tố của môi trường, góp phần làm môi trường trong lành hơn. Đây cũng là công cụ để con người ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Nếu muốn sống trong môi trường trong lành thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ nó và bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nước sạch chính là một trong những nghĩa vụ ấy, góp phần giúp bảo vệ môi trường và giúp môi trường trong lành hơn.

Quy định của pháp luật Việt Nam về nước sạch và tiếp cận nước sạch được đề cập đến trong một số văn bản pháp luật như: Luật bảo vệ môi trường năm 2020, Luật tài nguyên nước năm 2023, Luật thủy lợi năm 2017.

Tháng 9 năm 2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu. Ngày 25/9/2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, và mục tiêu 6 được Việt Nam đặt ra với mục đích là “đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người”. Trong Mục tiêu 6 bao gồm có 06 chỉ tiêu [3]:

Thứ nhất, Đến năm 2030, đạt được tiếp cận công bằng và phổ cập nguồn nước uống an toàn và có thể chi trả được cho tất cả mọi người.

Thứ hai, Đến năm 2030, đạt được điều kiện vệ sinh và cải thiện điều kiện vệ sinh đầy đủ và công bằng và xóa bỏ dịch tiêu chảy, chú ý đặc biệt tới các nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái và người khuyết tật và đối tượng dễ bị tổn thương; chấm dứt đi vệ sinh ngoài trời; 100% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thứ ba, Đến năm 2030, cải thiện chất lượng nước, kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học; 100% nước thải nguy hại được xử lý; giảm một nửa tỷ lệ nước thải đô thị chưa qua xử lý; tăng cường tái sử dụng nước an toàn.

Thứ tư, Đến năm 2030, tăng đáng kể hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước. Bảo đảm việc khai thác nước không vượt quá ngưỡng giới hạn khai thác đối với các sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước.

Thứ năm, Đến năm 2030, thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bao gồm cả nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác quốc tế.

Thứ sáu, Đến năm 2030, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước.

Thêm vào đó, ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng thể là đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới [4].

Quy định của pháp luật Việt Nam về các quyền tiếp cận nước sạch là tiền đề để cuộc sống của người dân được đảm bảo hơn. Các quyền con người cơ bản được đáp ứng từ đó xây dựng xã hội phát triển, an toàn, lành mạnh nhằm mục tiêu cao nhất là phát triển xã hội bền vững. Dù Việt Nam đã có những quy định pháp luật và chính sách nhằm đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch, hệ thống này vẫn tồn tại một số bất cập, bao gồm:

- Quyền tiếp cận nước sạch xuất hiện khá muộn trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Chỉ đến khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 ra đời, khái niệm về sử dụng tài nguyên nước mới được đưa vào luật. Điều này cho thấy sự chậm trễ trong việc nhận thức và đưa vào thực tiễn quyền tiếp cận nước sạch.

- Các quy định về nước sạch được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Thủy lợi năm 2017, nhưng các quy định này chưa được liên kết chặt chẽ và đồng bộ, gây khó khăn cho việc thực thi và quản lý.

- Việc thực hiện các chính sách và pháp luật về nước sạch đòi hỏi nguồn lực tài chính, nhân lực và công nghệ đáng kể. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, nguồn lực này vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc không thể đảm bảo cung cấp nước sạch cho mọi người dân.

- Hệ thống pháp luật Việt Nam thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả và chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm về quyền tiếp cận nước sạch. Việc không có các biện pháp xử lý kịp thời và nghiêm khắc làm giảm tính răn đe và hiệu quả của các chính sách, quy định pháp luật.

- Các chính sách về nước sạch chưa thực sự đưa ra được những giải pháp cụ thể, khả thi cho các vùng cao, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Những chính sách này thường chỉ mang tính lý thuyết mà thiếu sự khả thi khi áp dụng vào thực tế.

Những bất cập này cần được khắc phục để đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch của mọi người dân Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

3. Thực tiễn thực hiện quyền tiếp cận nước sạch nhằm mục tiêu phát triển bền vững

Sau khi Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, Việt Nam đã đạt được một số thành quả nhất định trong việc thực hiện Mục tiêu 6 nhằm đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người. Theo kết quả thu tập được thì Nước sạch và vệ sinh có kết quả đạt tỷ lệ nước uống được quản lý an toàn (57.9%) [5]. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, mục tiêu này vẫn còn nhiều thách thức.

Theo đó thì mục tiêu này khó có thể thực hiện được cho đến năm 2030 bởi hiện nay trên thực tế, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững. Mặc dù, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 49 trên tổng số 166 quốc gia về chỉ số PTBV năm 2020, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm 2019 và đạt điểm đánh giá cao hơn mức trung bình của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương [6] song vẫn còn rất nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Hiện nay, vấn đề thực hiện mục tiêu gặp khó khăn bởi một trong các nguyên nhân đó là kinh tế - xã hội còn nhiều kẽ hở, chưa thể đạt mục tiêu phát triển bền vững. Chất lượng nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh mẽ và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao bởi tính mới và tính sáng tạo chưa thực sự được áp dụng một cách triệt để trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế.

Sự phát triển kinh tế của Việt nam còn phụ thuộc nhiều vào quốc tế, việc tăng trưởng kinh tế chưa thực sự được trú trọng đầu tư, phát triển trong nước. Điều này vô hình trung làm cho việc quản lý, nâng cao chất lượng cuộc sống bị hạn chế. Do đó, việc được tiếp cận các thông tin của người dân bị hạn chế và việc phát triển quyền tiếp cận nước phần nào cũng chưa được đảm bảo. Việc bảo vệ, quản lý nguồn nước sạch chưa đảm bảo dẫn đến cách sử dụng của người dân chưa hợp lý làm nguồn nước sạch vốn đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn.

Từ khâu quản lý yếu kém cho thấy chính sách thực hiện, quản lý nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong tiếp cận nguồn nước sạch còn lỏng lẻo, còn nhiều bất cập trong triển khai và thực hiện chính sách pháp luật. Việc triển khai khó khăn còn do nguyên nhân là hệ thống chính sách pháp luật còn nhiều hạn chế, chồng chéo quy định, chưa có sự đồng bộ trong toàn hệ thống, Nhiều chính sách đưa ra khó thực hiện trên thực tế do chỉ mang tính lý thuyết mà không khả thi để thực hiện. Những chính sách tiếp cận với nước sạch cho người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo chưa thực sự được đưa vào thực tiễn hoặc việc đưa vào thực tiễn không khả thi.

Sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên nước chưa được phát huy đúng mức. Cộng đồng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để tham gia vào các hoạt động bảo vệ nguồn nước, làm giảm hiệu quả của các chính sách và quy định pháp luật. Người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về quyền và các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến nước sạch. Điều này hạn chế khả năng tự bảo vệ quyền lợi và tham gia vào quá trình giám sát thực thi pháp luật của người dân.

Trên thực tế, những quy định pháp luật hay chính sách đưa ra còn nhiều bất cập và việc tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích với nước sạch còn hạn chế. Việc xây dựng chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn và nâng cao hơn nữa ý thức của người dân là hành động cần thiết trong quá trình thực hiện các mục tiêu nhằm phát triển bền vững.

4. Giải pháp nâng cao đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Hiện nay trên thực tế quyền tiếp cận nước sạch vẫn chưa thực sự được đảm bảo. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đặc biệt là Mục tiêu 6 cần có các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả.

Thứ nhất, nâng cao ý thức thông qua tuyên truyền

Tuyên truyền có thể nói là hình thức lâu đời, tuy nhiên không thể phủ nhận hiệu quả mà nó mang lại. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục góp phần nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững nói chung cũng như là Mục tiêu 6 về Nước sạch và vệ sinh nói riêng. Bên cạnh nâng cao nhận thức người dân cũng phải nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhằm thực hiện các mục tiêu mà nhà nước đưa ra.

Thứ hai, xây dựng chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội

Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần tạo ra nguồn lực để đảm bảo cả vật chất và tinh thần cho cuộc sống người dân. Việc phát triển kinh tế kết hợp với yếu tố nước ngoài, hợp tác quốc tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải phát triển dựa vào tiềm lực đất nước, xây dựng một thế mạnh kinh tế cho đất nước, trú trọng phát triển mọi mặt, kết hợp giữa nhiều yếu tố. Quyền nước sạch là quyền của con người, đảm bảo cho con người có cuộc sống trong lành, an toàn. Đây là vấn đề cần thiết, mỗi quốc gia có tiềm lực kinh tế - xã hội khác nhau sẽ có hướng giải quyết, đối mặt với tình hình khác nhau. Song, không thể bỏ qua yếu tố kết nối với quốc tế để vấn đề được giải quyết một cách thông minh và hợp lý nhất trong bối cảnh nước sạch ngày càng khan hiếm như thời điểm hiện nay.

Thứ ba, xây dựng chính sách pháp luật đồng bộ, khả thi, hiệu quả

Nâng cao hiệu quả của chính sách cũng như hiệu lực của các chính sách pháp luật đảm bảo các quyền về nước và quyền tiếp cận nước sạch nói riêng. Để làm được những điều này, cần huy động lực lượng có tri thức, nhận thức và hiểu biết trên thực tiễn để triển khai thực hiện mục tiêu về nước sạch và vệ sinh. Thêm vào đó là xây dựng quy định pháp luật về chế tài xử lý vi phạm khi có các hành vi xâm phạm đến môi trường, quyền về nước sạch cũng như quyền tiếp cận nước sạch. Việc tăng cường xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm góp phần nâng cao nhận thức con người, mang tính răn đe, giáo dục với toàn xã hội.

Thường xuyên kiểm tra, thanh tra về các vấn đề liên quan đến quyền nước sạch góp phần kịp thời ngăn chặn, xử lý, khắc phục các vấn đề liên quan đến sự cố về nước sạch. Việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững kết hợp cùng hệ thống pháp luật Việt Nam càng tăng thêm tính khả thi cho việc thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra. Những quy định đặt ra sẽ vừa giúp nâng cao nhận thức của con người cũng như đảm bảo được nguồn nước sạch, bảo vệ quyền tiếp cận nước sạch, sử dụng hợp lý hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

5. Kết luận

Nước sạch là tài nguyên quý giá tuy nhiên đi đôi với đó là sự giới hạn của nó. Quyền tiếp cận nước sạch là vấn đề khá mới nhưng là quyền quan trọng góp phần duy trì các quyền khác của con người. Việc hoàn thiện hướng chính sách, pháp luật sẽ góp phần làm kinh tế - xã hội ngày một phát triển hơn bởi nước sạch chính là yếu tố góp phần quan trọng bậc nhất trong duy trì sự sống của loài người. Đây là mục tiêu to lớn cần sự chung tay của toàn xã hội, sự góp sức của bạn bè quốc tế, mỗi khu vực, quốc gia và đặc biệt là ý thức của mỗi con người. Mọi chủ thể trong xã hội cần chung tay góp sức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) năm 1948.

2. Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR) năm 1966.

3. Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

4. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

5. Luật tài nguyên nước năm 2023.

6. Luật bảo vệ môi trường năm 2020.

7. Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, nghị quyết của Chính phủ năm 2020.

8. Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2021.

9. Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2017.

10. Hội nghị về Nước năm 2023 của Liên hợp quốc: Bảo vệ lợi ích chung toàn cầu, Báo Hà Giang, (30/07/2024),https://baohagiang.vn/quoc-te/202303/hoi-nghi-ve-nuoc-nam-2023-cua-lien-hop-quoc-bao-ve-loi-ich-chung-toan-cau-1661415/.

11. PGS.TS Lê Văn Trung, Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về nước sạch của Liên hợp quốc nhằm bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch cho tất cả mọi người, Tạp chí Pháp luật về quyền con người, 4 (2023), truy cập tại https://qcn.hcma.vn/Content/thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-ve-nuoc-sach-cua-lien-hop-quoc-nham-bao-dam-quyen-tiep-can-nuoc-sach-cho-tat-ca-moi-nguoi-54511, truy cập ngày 29/07/2023.

12. Mục tiêu phát triển bền vững số 6: Đảm bảo tiếp cận bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người, OU Đại học Mở, (30/07/2024), https://ou.edu.vn/tin_tuc/muc-tieu-phat-trien-ben-vung-so-6-dam-bao-tiep-can-ben-vung-nuoc-va-ve-sinh-cho-tat-ca-moi-nguoi/.

13. Cơ sở pháp lý của quyền tiếp cận nước sạch của người dân, truy cập tại https://tailieuthamkhao.com/an-ninh-nguon-nuoc-va-quyen-tiep-can-nuoc-sach-cua-nguoi-dan-vung-dong-5-21897, truy cập ngày 30/07/2024.

14. Trung Tuyến, Tiếp cận nguồn nước là quyền cơ bản của con người, truy cập tại http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hop-tac-quoc-te/Tiep-can-nguon-nuoc-la-quyen-co-ban-cua-con-nguoi-4132, truy cập ngày 30/07/2024.

[1] Trung Tuyến, Tiếp cận nguồn nước là quyền cơ bản của con người, Báo Điện tử Cục Quản lý tài nguyên nước, 31/03/2015, truy cập tại http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hop-tac-quoc-te/Tiep-can-nguon-nuoc-la-quyen-co-ban-cua-con-nguoi-4132.

[2] Trung Tuyến, Tiếp cận nguồn nước là quyền cơ bản của con người, Báo Điện tử Cục Quản lý tài nguyên nước, 31/03/2015, truy cập tại http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hop-tac-quoc-te/Tiep-can-nguon-nuoc-la-quyen-co-ban-cua-con-nguoi-4132.

[3] Quyết định số 622/QĐ-TTg Quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, quyết định của Thủ tướng chính phủ năm 2017.

[4] Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quyết định của Thủ tướng chính phủ năm 2021.

[5] Trung Tuyến, Tiếp cận nguồn nước là quyền cơ bản của con người, Báo Điện tử Cục Quản lý tài nguyên nước, (31/03/2015), truy cập tại http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hop-tac-quoc-te/Tiep-can-nguon-nuoc-la-quyen-co-ban-cua-con-nguoi-4132.

[6] Ths. Ngô Thanh Loan, Giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam, Tạp chí Công thương (09/07/2023), https://tapchicongthuong.vn/giai-phap-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-den-nam-2030-cua-viet-nam-107167.htm.

Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Lý lịch tư pháp

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Lý lịch tư pháp

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  7 giờ trước

(PLPT) - Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp.

Tăng cường hoàn thiện phần mềm Trợ lý ảo để rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Tăng cường hoàn thiện phần mềm Trợ lý ảo để rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  8 giờ trước

(PLPT) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh việc phát triển các mô-đun của phần mềm Trợ lý ảo để hỗ trợ công tác kiểm tra, rà soát, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường hiệu lực thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Tăng cường hiệu lực thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  9 giờ trước

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực ngày 1/7/2024) đã đưa ra một số quy định nhằm kiểm soát, siết chặt tình hình sở hữu chéo. Tuy nhiên để tăng cường hiệu lực thực thi luật, đặc biệt ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng tại các ngân hàng, chặn không để xảy ra đại án như đã xảy ra tại SCB, thì cần nhiều giải pháp đồng bộ…

414 vụ lừa đảo trực tuyến được báo cáo chỉ trong 1 tuần: Điểm lại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần qua

414 vụ lừa đảo trực tuyến được báo cáo chỉ trong 1 tuần: Điểm lại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần qua

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  22 giờ trước

(PLPT) - Cục An toàn thông tin cho biết, dù các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến không mới, tuy nhiên, do mất cảnh giác và thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân, nhiều người dùng vẫn bị lừa đảo, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Giả danh công an để lừa đảo gần 1 tỷ đồng: Cục Cảnh sát hình sự ra cảnh báo về thủ đoạn 'chạy án'

Giả danh công an để lừa đảo gần 1 tỷ đồng: Cục Cảnh sát hình sự ra cảnh báo về thủ đoạn 'chạy án'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Một nhóm đối tượng tiếp cận người dân, tự xưng là cán bộ công tác tại Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an đã phát ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác.

Mất 3 tỷ đồng sau khi cài phần mềm dịch vụ công giả: Nhận diện các chiêu trò giả danh công an để lừa đảo

Mất 3 tỷ đồng sau khi cài phần mềm dịch vụ công giả: Nhận diện các chiêu trò giả danh công an để lừa đảo

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Tin lời kẻ giả danh công an, một người phụ nữ ở Hà Nội đã cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, bị lừa mất gần 3 tỷ đồng. Cơ quan chức năng liên tục thông tin cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này song nhiều người dân vẫn "sập bẫy".

Bổ sung khái niệm về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân'

Bổ sung khái niệm về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung giải thích từ ngữ về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân' và bổ sung đối tượng này trong các quy định tương ứng của dự thảo Luật.

Hoàn thiện cơ chế đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam hiện nay

Hoàn thiện cơ chế đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam hiện nay

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Để đạt được sự cân bằng giữa lý thuyết pháp lý và thực tiễn áp dụng, cơ chế đánh giá tác động chính sách (Regulatory Impact Assessment - RIA) trở thành một công cụ không thể thiếu trong quy trình xây dựng luật hiện đại.

Đọc nhiều