Tiêu điểm

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV thành công tốt đẹp

Phan Giang Thứ ba, 14/01/2025 - 16:18
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029, với chủ đề “Luật gia Việt Nam đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển, hướng về cơ sở” đã thành công tốt đẹp.

Các lĩnh vực hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam đều có bước phát triển

Sáng 14/1, phiên chính thức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV được tổ chức trọng thể tại Hà Nội.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự và chỉ đạo Đại hội có ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; ông Uông Chu Lưu - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Lại Xuân Lâm - Phó Bí thư Thường trực, Phụ trách Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; ông Trần Hải Quân - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tham dự Đại hội còn có lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; các lãnh đạo cấp vụ, cán bộ theo dõi địa bàn, các lãnh đạo đại diện Thành phố Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Bình Dương.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV.

Về phía Hội Luật gia Việt Nam có TS. Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2019-2024; các Phó Bí thư, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch; các nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, các Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội; các nguyên Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ cơ quan Trung ương Hội; các lãnh đạo văn phòng, các ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc của Hội Luật gia Việt Nam qua các thời kỳ.

Tham dự đại hội còn có 352 đại biểu đại diện cho hơn 100.000 hội viên Hội Luật gia Việt Nam, là những Luật gia ưu tú, tiêu biểu được bầu chọn, đại diện cho trí tuệ, ý chí quyết tâm và khát vọng vươn lên của giới Luật gia trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa XIII, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội trình bày diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV Hội Luật gia Việt Nam.

“Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029, Hội Luật gia Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ diễn ra ở một số nơi dưới những hình thức mới, đặt ra cho đất nước ta những yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Nhìn lại năm năm hoạt động nhiệm kỳ qua (2019-2024), giới Luật gia Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nổi bật là việc Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14, ngày 01/7/2022, về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Chúng ta cũng vui mừng nhận thấy, trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Hội đều có bước phát triển, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 kéo dài. Kết quả đó ngày càng củng cố vai trò, vị trí của Hội Luật gia Việt Nam trong đời sống xã hội của đất nước, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân cũng như bạn bè quốc tế tin tưởng, đánh giá cao, mở ra cơ hội và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội trong giai đoạn tới” - TS. Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2019-2024, phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa XIII cũng khẳng định: "Đại hội lần này có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Hội, để từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Hội trong nhiệm kỳ mới; đề nghị các đại biểu cần tập trung trí tuệ, phân tích làm rõ những kết quả đạt được; những hạn chế, yếu kém; chỉ ra những nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Hội nhiệm kỳ tới. Với tinh thần “Luật gia Việt Nam đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển” tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm về tổ chức; thường xuyên chăm lo, xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, hội viên về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Xây dựng Hội Luật gia Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Theo báo cáo tại Đại hội, nhiệm kỳ 2019-2024, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện trên các mặt hoạt động. Các cấp Hội Luật gia đã bám sát các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII đã đề ra trên các mặt công tác chính trị tư tưởng; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; giám sát, phản biện xã hội; nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật…

Không chỉ ở cấp Trung ương, Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trong nhiệm kỳ qua cũng rất tích cực, đóng góp hơn 16.600 lượt ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương; gần 51.000 lượt ý kiến và dự thảo văn bản của địa phương; tham gia kiểm tra, rà soát hơn 49.700 văn bản và đề nghị hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung sau kiểm tra, rà soát gần 1.500 văn bản.

Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các cấp hội đã trực tiếp thực hiện phổ biến được gần 156.000 cuộc cho gần 800.000 người; phối hợp các cơ quan, tổ chức ở địa phương tổ chức được hơn 631.000 cuộc cho hơn 4.000.000 người; cung cấp thông tin văn bản pháp luật, tờ rơi, tờ gấp pháp luật hơn 4.100.000 bản; đăng tải trên trang thông tin điện tử, báo, tạp chí, mạng xã hội hơn 1.700.000 tin, bài; phối hợp thực hiện phổ biến pháp luật trong các cơ sở giáo dục tại địa phương được hơn 8.200 cuộc cho hơn 800.000 học sinh, sinh viên…

Trong nhiệm kỳ, mặc dù còn có không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp hội và hội viên, Hội Luật gia Việt Nam đã hoàn thành tốt các phương hướng và nhiệm vụ mà Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII đã đề ra, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội tiếp tục được nâng lên một bước.

Nhiệm kỳ 2024-2029, các cấp Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với Hội Luật gia Việt Nam, tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, phân tích, đánh giá kỹ những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa tốt để tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh; bổ sung những vấn đề mới từ thực tiễn thời gian qua và từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của gần 100 nghìn hội viên, tổ chức lớn nhất của những người đã và đang làm công tác pháp luật trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước từ trung ương xuống cơ sở, đòi hỏi giới luật gia Việt Nam cần phải tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động, nỗ lực, tích cực nhiều hơn nữa góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung mà Đảng và Nhà nước đề ra.

6 nội dung lớn Hội Luật gia Việt Nam cần tập trung trong nhiệm kỳ mới

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029 sáng 14/1, ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương - ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ qua đã đạt được.

"Trong quá trình gần 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp lớn nhất đại diện luật gia cả nước đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh", ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương - phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV.

Ông Phan Đình Trạc nêu rõ, Đại hội Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước thời điểm có tính lịch sử với những thuận lợi rất to lớn, tiến bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị vào tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Hội Luật gia Việt Nam với tôn chỉ, mục đích là tập hợp đoàn kết các Luật gia đã và đang làm công tác pháp luật tự nguyện hoạt động, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền tự do dân chủ của nhân dân, xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

"Chưa bao giờ giới Luật gia, Luật sư của chúng ta được Đảng, Nhà nước, xã hội và nhân dân tôn vinh và đồng thời cũng yêu cầu, đòi hỏi rất cao về chất lượng, hiệu quả hoạt động như giai đoạn hiện nay", ông Trạc nêu rõ.

Do đó, theo ông Trạc, hơn bao giờ hết, các cấp Hội, Hội viên Hội Luật gia Việt Nam cần bám sát và nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Hội được quy định trong Điều lệ "đoàn kết, quyết tâm, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Hội", xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng trưởng thành, vững mạnh, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ đang đòi hỏi ở tầm cao mới.

Trong nội dung phát biểu, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh 6 nội dung trọng tâm mà Hội Luật gia Việt Nam cần chú trọng thực hiện trong nhiệm kỳ mới.

Một là, nâng cao chất lượng, tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật trong chương trình xây dựng luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, rà soát kiến nghị, khắc phục những sơ hở, bất cập của cơ chế chính sách pháp luật hiện hành, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật trong đó đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Ông Trạc nêu rõ, từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đều xác định đột phá về thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược nhất là thể chế phát triển. Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, công tác xây dựng pháp luật phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nóng bỏng đang đòi hỏi ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

"Do đó, rất cần sự đóng góp nhiều hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa của giới Luật gia Việt Nam trong cả nước trong khâu công tác quan trọng này, để hệ thống pháp luật của chúng ta đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xây dựng pháp luật", Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Hai là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, tham gia công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp ngoài tòa án và hòa giải ở cơ sở, nhất là chú trọng nâng cao chất lượng liên kết hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật; chủ động tích cực tư vấn pháp luật cho các cấp chính quyền, hỗ trợ chính quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.

Qua đó, thể hiện tính ưu việt của chế độ cũng như ý nghĩa xã hội nghề nghiệp sâu sắc trong hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.

Đồng thời, ông cũng yêu cầu Hội Luật gia Việt Nam chủ động, tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở địa phương.

Ba là, làm tốt hơn nữa và phấn đấu trở thành một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương đổi mới chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đổi mới phương thức thực hiện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, huy động hội viên tham gia đảm bảo pháp luật, tuyên truyền pháp luật hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở, hướng về người dân; triển khai thực hiện hiệu quả đề án, phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến pháp luật giai đoạn 2024-2030 nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Bốn là, chủ động tích cực và hiệu quả hơn nữa trong tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, công tác tuyển chọn thẩm phán, kiểm soát viên, tuyển chọn đào tạo bồi dưỡng Hội thẩm nhân dân, tham gia tư vấn án lệ…

Theo ông Trạc, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã xác định toà án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Nghị quyết 27 của Trung ương về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới xác định "xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử làm trung tâm, tranh tụng là đột phá".

"Giới luật sư, luật gia có vai trò cực kỳ quan trọng trong khung trọng tâm và đột phá này", ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Đồng thời, ông đề nghị hoàn thành thí điểm đề án khảo sát lấy ý kiến đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp; đề án tổng kết đánh giá về chế định bào chữa viên nhân dân; đề án tổng kết đánh giá về chế định hội thẩm với nhân dân để đề xuất giải pháp, nâng cao năng lực, chất lượng của các chế định này trong thời gian tới.

Tích cực tham gia triển khai thực hiện tốt đề án chuyển giao thực hiện cung cấp một số dịch vụ công trong các lĩnh vực có liên quan phù hợp với khả năng của các cấp hội Luật gia Việt Nam theo cơ chế giao việc, khoán kinh phí theo quy định.

Tiếp tục củng cố phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với các tổ chức luật gia thế giới, khu vực, phát huy hơn nữa vai trò của Hội Luật gia trong công tác đối ngoại nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới với các cơ quan tổ chức trong nước để tạo cơ hội phát triển mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội.

Tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phản bác các luận điệu sai trái xuyên tạc của các thế lực thù địch, vận động luật gia người Việt Nam định cư nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương đất nước.

Chủ động nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ sở pháp lý, phục vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, góp phần đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Năm là, khẩn trương hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của Hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, rà soát đánh giá yêu cầu để đề xuất thành lập tổ chức Hội Luật gia với những bộ ngành địa phương có đủ điều kiện; nghiên cứu giải thể Hội Luật gia, chi hội luật gia, trung tâm tư vấn pháp luật hoạt động không hiệu quả, mang tính hình thức. Quan tâm quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ Hội, và cơ sở vật chất, trang thiết bị của Hội.

Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, vận động thu hút phát triển hội viên mới, nhất là những chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật. Chú trọng việc lựa chọn bồi dưỡng cán bộ có năng lực kinh nghiệm, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm để bố trí vào các vị trí chủ chốt của Hội. Lưu ý kết hợp nhiều độ tuổi trong đội ngũ cán bộ của Hội để đảm bảo tính kế thừa, liên tục trong công tác Hội. Phấn đấu để mỗi hội viên đều là những luật gia giỏi.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp, chú trọng kiểm tra giám sát, phòng chống tham nhũng tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ…

Sáu là, phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương và các cấp ủy, tổ chức Đảng cơ quan có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, để Chỉ thị thực sự đi vào cuộc sống, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ra mắt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV

Trước đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV đã họp Hội nghị lần thứ nhất (chiều 13/1) để bầu Ban Thường vụ, các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và Ban Kiểm tra Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2024-2029.

TS. Trần Công Phàn - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam khóa XIII - chủ trì Hội nghị. Tại Hội nghị, TS. Trần Công Phàn đã trình bày nội dung về công tác nhân sự Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban Kiểm tra, Trưởng ban kiểm tra Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2024-2029.

Hội nghị đã thống nhất danh sách đề cử 26 Ủy viên Ban Chấp hành để bầu vào Ban Thường vụ; đề cử 1 Ủy viên Ban Thường vụ để bầu làm Chủ tịch; đề cử 6 Ủy viên Ban Thường vụ để bầu làm Phó Chủ tịch; đề cử 7 Ủy viên Ban Chấp hành để bầu vào Ban Kiểm tra Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2024-2029.

Hội nghị bầu 7 Ủy viên vào Ban bầu cử. Trong đó, ông Đỗ Đình Chữ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XIV, Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ - làm Trưởng ban.

Sáng 14/1, tại phiên chính thức Đại hội đại biểu toàn quốc, Hội Luật gia Việt Nam đã ra mắt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2024-2029. Cụ thể:

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam

Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Các Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam

1. Ông Nguyễn Hữu Chính - Phó Chủ tịch, Trưởng ban Kiểm tra Hội Luật gia Việt Nam

2. Ông Nguyễn Quang Dũng - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

3. Ông Đặng Văn Dũng - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

4. Ông Trần Công Phàn - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

5. Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

6. Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam khoá XIV

Danh sách 23 Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV

1. Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

2. Ông Nguyễn Quang Dũng - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV.

3. Ông Đặng Văn Dũng - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

4. Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên thường trực Uỷ ban pháp luật Quốc hội, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Văn phòng Quốc hội.

5. Ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam.

6. Bà Ung Thị Xuân Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh.

7. Ông Phạm Quốc Huy - Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Chi hội trưởng chi hội luật gia Tạp chí Đời sống và Pháp luật.

8. Ông Dương Đình Khuyến - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Trưởng ban Tư vấn Pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia Việt Nam.

9. Ông Phan Trung Lý - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế.

10. Bà Nguyễn Thị Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hải Phòng.

11. Ông Nguyễn Hữu Chính - Phó Chủ tịch, Trưởng Ban kiểm tra Hội Luật gia Việt Nam.

12. Ông Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Công an.

13. Ông Trần Công Phàn - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

14. Ông Lương Mai Sao - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Hội Luật gia Việt Nam.

 Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV.

15. Ông Nguyễn Bá Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng.

16. Ông Đào Bá Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội.

17. Ông Lê Xuân Thân - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa.

18. Ông Nguyễn Tiến Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV.

19. Ông Lê Xuân Thảo - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia INVENCO-INVENMARK.

20. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế.

21. Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh án TAND Tối cao, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

22. Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

23. Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV.

Xây dựng chương trình hành động cụ thể để đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống

Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc cam kết sẽ làm việc hết mình vì sự phát triển của Hội Luật gia Việt Nam, cùng tập thể Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội và các văn kiện được Đại hội thông qua.

Về phương hướng trong thời gian tới, tân Chủ tịch Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị, ngay sau Đại hội này, các cấp Hội cần khẩn trương nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội đến toàn thể cán bộ, hội viên; xây dựng chương trình hành động cụ thể và triển khai thực hiện để sớm đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống.

Với tinh thần đó, Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên Hội Luật gia cả nước phát huy tinh thần "Luật gia Việt Nam đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển", tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh về tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Đồng thời, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

"Để thực hiện được mục tiêu Đại hội đề ra, đáp ứng các kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, quản lý, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam và các cấp Hội, sự dõi theo, động viên và tiếp tục đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc - tân Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - phát biểu nhận nhiệm vụ.

Đặc biệt, tôi rất mong có sự phối hợp chặt chẽ, chân thành và sự chia sẻ, đồng hành với tinh thần trách nhiệm, tiên phong đổi mới, sáng tạo của từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV vì sự phát triển tốt đẹp của Hội Luật gia Việt Nam trong chặng đường tới đây", ông Nguyễn Khánh Ngọc - tân Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - phát biểu.

Trong khuôn khổ Đại hội, TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa XIII - đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương - trao Huân chương lao động hạng Ba cho TS. Nguyễn Văn Quyền.

Ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương - trao Huân chương lao động hạng Ba cho TS. Nguyễn Văn Quyền.

Cùng chuyên mục

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thành lập thành phố Phú Mỹ bảo đảm  đủ 5 điều kiện

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thành lập thành phố Phú Mỹ bảo đảm đủ 5 điều kiện

Tiêu điểm -  6 giờ trước

(PLPT) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, việc thành lập 2 phường thuộc thị xã Phú Mỹ và thành lập thành phố Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bảo đảm đủ 5 điều kiện quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thực hiện kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tỉnh Quảng Nam có hơn 400 người đăng ký nghỉ hưu sớm

Thực hiện kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tỉnh Quảng Nam có hơn 400 người đăng ký nghỉ hưu sớm

Tiêu điểm -  6 giờ trước

(PLPT) - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến ngày 14/01/2025, Sở tổng hợp có 407 người đăng ký nghỉ hưu trước tuổi.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tiêu điểm -  11 giờ trước

(PLPT) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 90/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tiêu điểm -  11 giờ trước

(PLPT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thượng tá Trịnh Văn Giang giữ chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa

Thượng tá Trịnh Văn Giang giữ chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa

Tiêu điểm -  11 giờ trước

(PLPT) - Thượng tá Trịnh Văn Giang, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tiêu điểm -  12 giờ trước

(PLPT) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tiêu điểm -  12 giờ trước

(PLPT) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 91/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tiêu điểm -  12 giờ trước

(PLPT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 94/QĐ-TTg ngày 14/01/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đọc nhiều