Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Giả danh bác sĩ, lập chương trình 'Hồ sơ vàng' lừa đảo hàng nghìn người

Yến Nhi Thứ ba, 11/02/2025 - 16:37
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Lợi dụng danh nghĩa Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội, nhóm đối tượng giả danh bác sĩ, nhân viên y tế lập chương trình "Hồ sơ vàng" để lừa đảo hơn 2.500 người, chiếm đoạt hơn 7,4 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng giả danh bác sĩ lừa đảo hàng nghìn người.

Giả danh bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, lừa đảo hơn 2.500 người

VKSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Hồng Dương (SN 1995, quê Nam Định), Phạm Xuân Đức (SN 2002, ở Hà Nội), Hoàng Văn Khánh (SN 2000, ở Hà Nội) và 13 người khác về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".[1]

Tháng 4/2021, Nguyễn Hồng Dương thành lập Cty cổ phần EHA Group để kinh doanh thực phẩm chức năng về mắt. Sau đó, Dương rủ thêm nhiều đối tượng khác tham gia làm cùng. Trong đó, Dương là Giám đốc, có trách nhiệm quản lý chung và nhập thuốc để bán. Những người còn lại phụ trách quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, tư vấn bán hàng.

Đến tháng 6/2021, do dịch bệnh Covid-19 và không quản lý được việc bán hàng, lợi nhuận bán thuốc không bù được chi phí quảng cáo, trả lương cho nhân viên, Cty làm ăn thua lỗ. Để khắc phục tình trạng trên, Đức, Dương và Khánh thống nhất và nghĩ ra chương trình "Hồ sơ vàng" nhằm thu hút nhu cầu mua thuốc của khách hàng.

Nhóm này đưa ra các thông tin gian dối, giới thiệu rằng chương trình "Hồ sơ vàng" là của Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội, nếu khách hàng mua thuốc với số tiền càng nhiều thì sẽ có nhiều ưu đãi được tham gia chương trình "Hồ sơ vàng".

Khi tham gia vào chương trình, khách hàng sẽ được hưởng các ưu đãi: Hỗ trợ khám mắt miễn phí trong vòng 10 năm; mỗi năm Bệnh viện Mắt Trung ương cam kết sẽ hoàn trả 50% chi phí mua thuốc trước đó cho bệnh nhân; Sở Y tế TP Hà Nội hỗ trợ rút tiền để chi trả tiền mặt tương ứng với số tiền mua thuốc là những sản phẩm thuốc đã mua của Cty…

Để thực hiện việc bán hàng theo phương thức mới này, Dương, Khánh và Đức thống nhất tuyển thêm nhân viên sale để bán hàng. Thủ đoạn các đối tượng sử dụng là đóng giả nhân viên, bác sỹ của Sở Y tế TP Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương, thực hiện tư vấn cho khách hàng về tình trạng mắt để khách hàng tin tưởng. Sau đó, chúng dụ dỗ khách hàng tham gia mua thuốc theo các liệu trình để được đủ điều kiện làm hồ sơ "Hồ sơ vàng".

Để khách hàng tin tưởng, nhóm này còn bàn bạc, thống nhất sẽ làm giả các giấy tờ của Bệnh viện Mắt Trung ương, Sở Y tế TP Hà Nội gửi kèm theo sản phẩm… nhằm tăng uy tín cho các sản phẩm thuốc, đồng thời tạo niềm tin cho khách hàng về chương trình "Hồ sơ vàng".

Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Dương và Đức tuyển thêm nhiều nhân viên vào làm các nhiệm vụ tư vấn bán hàng, nhân viên kho, nhân viên vận đơn và nhân viên hành chính nhân sự để cùng thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo cáo trạng, nhóm này thường gọi điện, giới thiệu bán thuốc về mắt. Nếu khách hàng đồng ý mua, nhóm này thuê đơn vị vận chuyển gửi thuốc và thu tiền của khách hàng. Phía công ty vận chuyển sẽ thu hộ tiền của khách, rồi chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng sử dụng.

Sau khi giao hàng thành công, bộ phận vận đơn sẽ cập nhật thông tin để chuyển lại cho bộ phận tư vấn bán hàng tiếp tục tư vấn cho khách hàng sử dụng thêm nhiều liệu trình thuốc theo chương trình "Hồ sơ vàng" nhằm chiếm đoạt số tiền lớn hơn của khách hàng.

Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2022, các đối tượng giao thành công 3.816 đơn hàng cho 2.531 khách hàng, tổng số tiền do công ty giao hàng đã thu hộ là hơn 7,4 tỷ đồng.

Giả danh fanpage của bệnh viện lớn để trục lợi

Vào cuối tháng 10/2024, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã phát hiện một trang fanpage giả mạo có tên "TS. Bác sỹ Thuyết - Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy", tự xưng là bác sĩ đang công tác tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy.[2]

Cụ thể, fanpage này đăng tải rất nhiều video, hình ảnh bác sĩ tư vấn khám bệnh nhằm thu hút người dân có nhu cầu khám bệnh theo dõi, liên hệ. Kèm theo đó là các lời mời chào hấp dẫn như "Cam kết không hiệu quả hoàn tiền", "Hiệu quả lên đến 99% chỉ sau 60 phút điều trị", "Xe đưa đón miễn phí 2 chiều"...

Nếu khách hàng có thắc mắc về thông tin chi tiết, đối tượng sẽ yêu cầu liên hệ riêng. Lãnh đạo khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy đã khẳng định fanpage "TS. Bác sỹ Thuyết - Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy" là chiêu trò giả danh nhằm mục đích xấu.

Ngoài trường hợp này, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thông tin thêm một số website giả mạo tương tự. Theo đó, bằng hình thức tinh vi hơn, đánh vào tâm lý muốn được khám nhanh hoặc thăm khám bởi đội ngũ chuyên gia, các đối tượng trên còn tạo ra những website rất "chỉn chu".

Với đầy đủ thông tin, hình ảnh khám chữa bệnh, đánh giá từ khách hàng, các website này thu hút sự chú ý và tạo niềm tin cho không ít người theo dõi.

Thế nào là lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.[3]

Các yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Khách thể của tội phạm

Là quyền sở hữu tài sản, cụ thể là các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản đối với tài sản bị chiếm đoạt. Đối tượng tác động là tài sản bao gồm tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền về tài sản.

Mặt khách quan của tội phạm

Là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà ngay lúc đó người bị chiếm đoạt không nhận ra hành vi gian dối. Dùng thủ đoạn gian dối là việc đưa thông tin giả nhưng người khác tin đó là thật. Thủ đoạn gian dối này phải có biểu hiện ra thực tế và phải có trước hành vi chiếm đoạt, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin tưởng mà giao tài sản cho người phạm tội.

Hậu quả của tội phạm là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Giữa hành vi lừa đảo và hậu quả về vật chất bắt buộc phải có mối quan hệ nhân quả.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phải thỏa mãn cả hai điều kiện là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, khi thực hiện hành vi họ ý thức được hậu quả của mình và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Mục đích và động cơ phạm tội không được xem là dấu hiệu định tội của tội này.

Tội chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau:

Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung 2: Phạt tù từ 02-07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Phạm tội có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Khung 3: Phạt tù từ 07-15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[4]

Lưu ý:

Nếu xảy ra thiệt hại, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải đền bù cho nạn nhân theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Như vậy, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.[5]

Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo Bộ luật Hình sự

Theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:

- Người nào sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

+ Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.[6]

Như vậy, người nào làm giả con dấu, tài liệu của của cơ quan tổ chức tùy theo tính chất và mức độ phạm tội mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị truy cứu mức cao nhất là 07 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng.

[1] Hồng Mây, Giả danh bác sĩ, chiếm đoạt tiền của hơn 2.500 người qua chương trình 'Hồ sơ vàng', Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 10/02/2025,
https://baophapluat.vn/gia-danh-bac-si-chiem-doat-tien-cua-hon-2500-nguoi-qua-chuong-trinh-ho-so-vang-post539436.html

[2] Bảo Phương, Giả danh fanpage của bệnh viện lớn để trục lợi, An ninh thế giới, ngày 08/11/2024, https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/gia-danh-fanpage-cua-benh-vien-lon-de-truc-loi-i749676/

[3] Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

[4] Điều 174 Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội chiếm đoạt tài sản

[5] Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 số: 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015

[6] Điều 341 Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.

Cùng chuyên mục

Triệt phá đường dây ma túy 'Nghiện có tư cách' chuyên giao hàng bằng shipper công nghệ

Triệt phá đường dây ma túy 'Nghiện có tư cách' chuyên giao hàng bằng shipper công nghệ

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 giờ trước

(PLPT) - Nhóm đối tượng lập hội kín "Nghiện có tư cách" để tổ chức sử dụng và mua bán ma túy trái phép tại các căn hộ thuê, giao dịch qua Telegram và vận chuyển bằng xe ôm công nghệ.

Thường trực Chính phủ bàn việc với doanh nghiệp tư nhân: Nhiều vấn đề 'nóng'

Thường trực Chính phủ bàn việc với doanh nghiệp tư nhân: Nhiều vấn đề 'nóng'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

Sáng nay, 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Tăng mức phạt khi khai báo gian dối về giấy phép lái xe

Tăng mức phạt khi khai báo gian dối về giấy phép lái xe

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Khai báo gian dối về giấy phép lái xe có thể khiến người vi phạm giao thông chịu mức phạt nặng hơn; nếu quên, có thể xuất trình qua ứng dụng VNeID.

Nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can phục vụ công tác điều tra vụ án hình sự

Nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can phục vụ công tác điều tra vụ án hình sự

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can, đảm bảo cho hoạt động điều tra vụ án khách quan, minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh: Ngành Tư pháp vững vàng tâm thế bước vào Kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh: Ngành Tư pháp vững vàng tâm thế bước vào Kỷ nguyên mới

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 tuần trước

Năm 2024, với ngành Tư pháp, là năm của những sự kiện đặc biệt, nhiều lĩnh vực công tác để lại những dấu ấn đậm nét. Với kết quả đó, năm 2025 toàn ngành sẽ ưu tiên tập trung lĩnh vực trọng tâm nào, các giải pháp thực hiện trong năm công tác mới ra sao?

Mức phạt nồng độ cồn đối với người đi xe đạp theo Nghị định 168

Mức phạt nồng độ cồn đối với người đi xe đạp theo Nghị định 168

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Theo Nghị định 168, mức phạt cao nhất đối với người đi xe đạp có nồng độ cồn là từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

 Nghị định 168: Trừ điểm giấy phép lái xe vi phạm giao thông như thế nào?

Nghị định 168: Trừ điểm giấy phép lái xe vi phạm giao thông như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

(PLPT) - Cá nhân có 2 hành vi vi phạm giao thông trở lên bị trừ điểm giấy phép lái xe như thế nào theo quy định mới của Nghị định 168/2024/NĐ-CP?

Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ

Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 tuần trước

Kinh tế chia sẻ (KTCS) là một mô hình kinh tế mới, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trong bối cảnh công nghệ, nhất là công nghệ số, đang phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, KTCS đang trong xu thế phát triển mạnh mẽ và vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp để thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển bền vững. Trong đó, bảo đảm quyền lợi của người lao động cần được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu trong phát triển KTCS.

Đọc nhiều