Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Giả danh cán bộ lừa đảo 'chạy án' bằng tiền điện tử USDT: Hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý như thế nào?

Yến Nhi Thứ hai, 18/11/2024 - 13:51
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?

Thủ đoạn lừa đảo dụ chuyển tiền "chạy án" qua tiền điện tử USDT.

Thủ đoạn lừa đảo 'chạy án' bằng tiền điện tử USDT

Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, xuất hiện tình trạng lừa đảo mạo danh cơ quan tư pháp, yêu cầu người nhà bị can chuyển tiền "chạy án" qua tiền điện tử USDT.

Theo cơ quan công an, các đối tượng tìm kiếm thông tin về các vụ án hình sự, kinh tế trên báo chí, mạng xã hội và nghiên cứu mối quan hệ gia đình của bị can.

Chúng tạo giả các tài liệu tố tụng như lý lịch, quyết định khởi tố, và gửi tới người thân của bị can qua ứng dụng Telegram, Facebook... để tăng tính thuyết phục.

Sau đó, đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản 100.000 USDT (khoảng 2,6 tỷ đồng) vào ví tiền điện tử chỉ định để "giảm nhẹ tội" cho bị can. Nạn nhân nếu tin tưởng sẽ bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Công an TPHCM hiện đang tập trung điều tra, truy xét và xử lý nghiêm hành vi của các đối tượng theo quy định pháp luật.

Công an cũng khuyến cáo người dân không tham gia các giao dịch tiền để "chạy án", bởi hành vi này vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý về tội danh "đưa hối lộ" hoặc "môi giới hối lộ" theo Điều 364, 365 Bộ luật Hình sự.

Khi gặp trường hợp tương tự, người dân cần giữ bình tĩnh, không chuyển tiền và báo ngay cho công an phường, xã, thị trấn hoặc liên hệ trực ban Công an TPHCM qua số 069.3187.344 hoặc trực ban Phòng Cảnh sát Hình sự qua số 069.3187.200 để cung cấp thông tin và phối hợp điều tra.

Giả cảnh sát hình sự yêu cầu đưa 1 tỷ đồng để bỏ qua vụ đánh bạc qua mạng

Trước đó, vào ngày 21/10, Cơ quan CSĐT (PC02) - Công an tỉnh Bắc Kạn đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Văn Hậu (SN 1992, trú tại thôn Đông Lễ, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) và ra quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Tiến Nam (SN 1993, trú tại tổ dân phố Bến 1, phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cùng về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Qua công tác nắm tình hình địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn phát hiện tại địa bàn tỉnh xuất hiện nhóm đối tượng tiếp cận người dân, tự xưng là cán bộ công tác tại Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an để lừa đảo "chạy án" chiếm đoạt tài sản.

Để tạo thêm lòng tin, đối tượng làm giả giấy triệu tập có ký tên, đóng dấu của Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự đưa cho bị hại xem rồi chủ động liên lạc qua điện thoại yêu cầu phải đưa tiền để không bị xử lý.

Phát hiện nguồn tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, chỉ đạo lực lượng trinh sát tổ chức xác minh. Qua đó xác định, trưa 19/10, nhóm đối tượng sẽ thực hiện việc nhận số tiền 1 tỷ đồng của 2 bị hại tại khu vực TP. Bắc Kạn.

Vào 13h ngày 19/10, tại quán cafe Trung Nguyen Legend thuộc Tổ 8A, phường Đức Xuân, TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bắc Kạn phát hiện Hậu và Nam đang có hành vi nhận tiền của chị B.T.T.T. (SN 1998, trú tại xã Sơn Thành) và chị H.N.L. (SN 2003, trú tại thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn).

Ngay khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng đã bỏ chạy, Nguyễn Tiến Nam vứt lại 2 túi tiền đang cầm trên tay xuống đường, nhưng đã bị khống chế. Còn Nguyễn Văn Hậu lên xe ô tô do một đối tượng nữ đang nổ máy chờ sẵn bỏ chạy khỏi hiện trường.

Qua thông tin nhanh, đối tượng nữ được xác định là Hoàng Thị T. (SN 1993, trú tại thôn Khuổi Nằn 1, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). Ngay lập tức, thông tin về phương tiện và đặc điểm nhận dạng của đối tượng đã được thông báo.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các xã, thị trấn trên tuyến tổ chức phối hợp truy xét, đồng thời vận động đối tượng Hoàng Thị Thương trình diện để làm việc. Sau khi Thương xuống xe, Hậu tiếp tục điều khiển phương tiện chạy trốn và bị lực lực Cảnh sát giao thông Công an huyện Chợ Đồn bắt giữ ngay khi đến địa phận xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn.

Các đối tượng nhanh chóng được đưa về cơ quan công an để làm việc, quá trình này Hậu lì lợm, quanh co chối tội, nhưng trước những chứng cứ sắc bén đối tượng đã khai nhận hành vi của mình.

Giả danh công an nhận gần 130 triệu đồng để 'chạy án'

Một vụ việc tương tự vào cuối tháng 9, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lưu Văn Hạnh (34 tuổi, trú tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 2, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan điều tra, bản thân Hạnh làm công nhân nhưng do bản tính thích thể hiện nên Hạnh giới thiệu với những người Hạnh mới quen biết là Hạnh là cán bộ công an.

Đến khoảng 3/2022, do nghĩ Hạnh là cán bộ công an nên ông L. - một người dân trên địa bàn thị trấn Bá Hiến (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) có con trai thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã nhờ Hạnh xin cho con trai được hưởng án treo.

Do thiếu tiền tiêu xài cá nhân nên Hạnh đã yêu cầu ông L. đưa cho Hạnh tổng cộng 127 triệu đồng để Hạnh xin cho con của người này được hưởng án treo. Sau đó, Hạnh đã tiêu xài cá nhân hết toàn bộ số tiền kể trên.

Đến khi con của ông L. bị TAND tuyên án phạt tù, ông L. đã đến đòi tiền Hạnh nhiều lần nhưng Hạnh trốn tránh không trả. Do đó, ông L. đã làm đơn trình báo cơ quan Công an.

Nhận được đơn trình báo, lực lượng chức năng tiến hành điều tra xác định Hạnh đã bỏ trốn khỏi địa phương, xuất cảnh trái phép đến Myanmar. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan CSĐT đã phối hợp với cơ quan chức năng để đưa Lưu Văn Hạnh về nước để xác minh, điều tra làm rõ hành vi của Hạnh.

Ngày 26/09/2024, Công an huyện Bình Xuyên đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lưu Văn Hạnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi chạy án là gì?

Pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm "chạy án", tuy nhiên có thể hiểu chạy án là việc dùng mọi thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội. Lúc này, lợi dụng tâm lý lo sợ của người phạm tội hoặc người thân của họ, nhiều đối tượng đã "gợi ý" việc chạy án.

Theo đó, nhận chạy án là hành vi các đối tượng nhận tiền của người phạm tội tìm cách, dùng thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội.

Ở những vụ chạy án, có một mô-tip quen thuộc là bị hại có người quen làm việc trong cơ quan tiến hành tố tụng, khi chạy đến nhờ vả thì được giới thiệu gặp người này, người khác để rồi bị chính những người này lừa đảo chiếm đoạt, trong khi kẻ môi giới thì vô can, dẫu bị phát hiện hay không. Bị hại thì tin tưởng, phần nữa "có bệnh thì vái tứ phương" rất dễ rơi vào tròng của những người tỏ ra có quyền lực và hết lòng giúp đỡ.

Mức xử phạt đối với hành vi nhận chạy án

Tùy vào tính chất, mục đích của hành vi mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, cụ thể:

Trường hợp 1

Nếu người thực hiện hành vi chạy án không có chức vụ, quyền hạn thì người này có thể bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Bởi người này không có chức vụ, quyền hạn, không thể can thiệp và thực hiện được việc thay đổi tội danh, khung hình phạt, …. có lợi cho người phạm tội nhưng vẫn nhận tiền hòng chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo đó, mức xử phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản căn cứ tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể như sau:

"Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Như vậy, theo quy định trên thì mức phạt cao nhất trong trường hợp này có thể là chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp 2

Nếu người này có chức vụ, quyền hạn thì có thể bị khép vào tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

"Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, theo quy định trên thì mức phạt cao nhất cho tội này có thể phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội nhận hối lộ như sau:

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02-07 năm:

- Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Lợi ích phi vật chất.

Mức phạt cao nhất cho tội này có thể tù chung hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01-05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định này.

Người đưa tiền nhờ chạy án bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì?

Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội "Đưa hối lộ" như sau:

"Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian, đã hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị xử phạt như sau:

+ Đưa tiền, tài sản, hoặc các lợi ích vật chất khác có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.

+ Đưa các lợi ích phi vật chất."

Theo đó, nếu người nào thực hiện hành vi đưa tiền trực tiếp hoặc qua trung gian cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác nhằm để người đó thực hiện việc chạy án theo yêu cầu của mình, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ.

Người phạm tội đưa hối lộ có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng."

Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.

Cùng chuyên mục

Giả mạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá: Buôn lậu thuốc lá bị xử lý như thế nào?

Giả mạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá: Buôn lậu thuốc lá bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  6 giờ trước

(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh 2.000 tỷ đồng: Quy định của pháp luật với hành vi đánh bạc qua không gian mạng

Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh 2.000 tỷ đồng: Quy định của pháp luật với hành vi đánh bạc qua không gian mạng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Thu thuế VAT qua sàn thương mại điện tử: Nhu cầu và các điều kiện thực thi

Thu thuế VAT qua sàn thương mại điện tử: Nhu cầu và các điều kiện thực thi

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đang nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Nhằm cung cấp thêm góc nhìn chuyên sâu về dự án Luật này, Tạp chí Pháp luật và Phát triển trân trọng giới thiệu bài viết của Chuyên gia pháp luật Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật với tiêu đề "Thu thuế VAT qua sàn thương mại điện tử: Nhu cầu và các điều kiện thực thi".

Quảng cáo lương y gia truyền 'dỏm' để lừa đảo: Quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội bị xử phạt ra sao?

Quảng cáo lương y gia truyền 'dỏm' để lừa đảo: Quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội bị xử phạt ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Lợi dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube,... rất nhiều cá nhân, tổ chức đã quảng cáo "lương y gia truyền" để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư. Vậy, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội bị xử phạt thế nào?

Triệt phá đường dây chế tạo, rao bán súng tự chế: Quy định của pháp luật về hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng

Triệt phá đường dây chế tạo, rao bán súng tự chế: Quy định của pháp luật về hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Lềnh Chi Và cùng các đồng phạm đã chế tạo, gia công các bộ phận, linh kiện của súng tự chế và lắp ráp thành khẩu súng hoàn chỉnh, sau đó rao bán trên mạng xã hội để kiếm lời.

'Cô tiên' Nguyễn Đỗ Trúc Phương bị thu hồi giải thưởng 'Thanh niên sống đẹp': Tiêu chuẩn xét tặng, thu hồi giải thưởng 'Thanh niên sống đẹp' được quy định thế nào?

"Cô tiên" Nguyễn Đỗ Trúc Phương bị thu hồi giải thưởng 'Thanh niên sống đẹp': Tiêu chuẩn xét tặng, thu hồi giải thưởng 'Thanh niên sống đẹp' được quy định thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Dù thường xuyên chia sẻ khoảnh khắc đi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn và kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, 'cô tiên từ thiện' đã bị thu hồi Giải thưởng 'Thanh niên sống đẹp' vì vi phạm pháp luật. Tiêu chuẩn xét tặng, thu hồi giải thưởng 'Thanh niên sống đẹp' được quy định thế nào?

Bịa chuyện bị cướp điện thoại vì sợ gia đình trách mắng: Báo tin giả đến công an bị phạt thế nào?

Bịa chuyện bị cướp điện thoại vì sợ gia đình trách mắng: Báo tin giả đến công an bị phạt thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Bị ngã xe, sợ gia đình la mắng việc màn hình điện thoại bị vỡ, cô gái ở Đà Lạt đã mang điện thoại để bán, sau đó đến cơ quan công an trình báo tin giả. Vậy, báo tin giả đến công an bị phạt thế nào?

Xử lý các cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn Hà Nội: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu bị xử lý ra sao?

Xử lý các cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn Hà Nội: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu bị xử lý ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội liên tiếp phát hiện các cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử có dấu hiệu nhập lậu. Pháp luật quy định như thế nào về kinh doanh hàng hóa nhập lậu?

Đọc nhiều