Quan hệ pháp luật lao động là một trong những loại
quan hệ pháp luật rất phổ biến nhưng cũng rất đa dạng và phức tạp. Mặc dù quy định
của pháp luật trong lĩnh vực lao động đã và đang ngày càng hoàn thiện, góp phần
bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên nhưng trong quan hệ này, người lao động bao
giờ cũng được đánh giá là nhóm người yếu thế, nhất là nhóm người lao động chưa
thành niên. Bài viết nghiên cứu những hạn chế, bất cập và đề xuất hướng hoàn
thiện quy định về Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi,
góp phần phòng, ngừa vi phạm của người sử dụng lao động và bảo vệ người lao động
dưới 16 tuổi.
1. Quy định của Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi
Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16
tuổi được quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự (BLHS).Theo đó:
- Khách thể: Tội phạm này thuộc nhóm tội phạm khác xâm
phạm an toàn công cộng. Tội phạm xâm phạm vào những quy định của nhà nước về sử
dụng lao động dưới 16 tuổi, những quy định nhằm bảo vệ và đảm bảo sự phát triển
bình thường về thể chất, tâm sinh lý… của nhóm người lao động này. Ngoài ra, tội
còn xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác được luật hình sự bảo vệ.
- Mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội phạm này
là hành vi sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm những công việc nặng nhọc,
nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà nhà nước quy định.
Người sử dụng lao động đã sử dụng lao động là người dưới 16 tuổi làm những công
việc như: Công việc nặng nhọc: công việc khai thác than, quặng dưới hầm lò, lao
động ngoài công trường, làm công việc khuân vác nặng… công việc nguy hiểm hoặc
tiếp xúc với những chất độc hại: Xây dựng trên cao, trong lò phản ứng hóa học,
trong các phòng thí nghiệm… Việc xác định công việc mà người lao động dưới 16
tuổi làm có phải công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại
hay không phải căn cứ, đối chiếu vào danh mục do cơ quan có thẩm quyền ban
hành.
Hậu quả sẽ là yếu tố bắt buộc nếu người sử dụng lao động
dưới 16 tuổi chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc chưa bị kết
án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Hậu quả tối thiểu đòi hỏi
là phải gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn
thương cơ thể từ 31% đến 60%; hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe
của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31%
đến 60%.
- Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện dưới hình thức
lỗi vô ý. Người sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc,
nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại hoặc là không thấy trước hậu quả mặc
dù pháp luật buộc họ phải thấy trước; hoặc có thấy trước nhưng cho rằng hậu quả
đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
- Chủ thể: Tội phạm được thực hiện bởi những người có
đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo luật định và là người sử dụng
lao động. Thông thường tội phạm được thực hiện bởi người sử dụng lao động trong
các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nhà máy…
Về hình phạt: Có 03 khung hình phạt chính là phạt tiền
từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ
06 tháng - 03 năm nếu vi phạm quy định sử dụng lao động dưới 16 tuổi trong những
trường hợp nêu trên; phạt tù từ 03 - 07 năm và phạt tù từ 05 - 12 năm. Ngoài
ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề
hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
2. Một số hạn chế, bất cập
2.1. Phạm vi đối tượng bị xâm hại được bảo vệ còn hẹp
Đối tượng bị xâm hại được bảo vệ ở tội phạm này là
“người lao động dưới 16 tuổi”. Đối tượng này được quy định có tính thống nhất từ
tên tội danh đến hành vi khách quan là bảo đảm chặt chẽ. Tuy nhiên, quy định
này chưa phù hợp và chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ)
năm 2019. Theo đó, BLLĐ dành 01 mục trong 01 chương để quy định riêng về “lao động
chưa thành niên” bên cạnh các quy định khác xuyên suốt toàn Bộ luật. Khoản 1 Điều
143 BLLĐ quy định “lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi”
và nguyên tắc là “người lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp
với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách”. Như vậy,
BLLĐ quy định chung nhóm người lao động chưa thành niên, coi đây là nhóm đối tượng
cần được bảo vệ một cách đặc biệt thông qua những quy định riêng. Trong nhóm
người lao động chưa thành niên, BLLĐ tiếp tục chia thành các nhóm: người lao động
chưa đủ 13 tuổi, người lao động từ đủ 13 đến chưa đủ 15 tuổi, người lao động từ
đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi.
Có thể thấy, BLLĐ không hề sử dụng mốc tuổi 16 để phân
chia các nhóm người lao động trong khi BLHS lại quy định mốc tuổi 16. Điều này
cho thấy sự vênh nhau giữa hai văn bản trong đường lối, chính sách của Đảng và
Nhà nước về bảo vệ các nhóm người lao động. Sự không thống nhất này không chỉ
đơn giản là vấn đề quy định, cũng không thể giải thích do đây là hai văn bản
pháp luật trong hai lĩnh vực khác nhau nên có sự khác nhau. Điều này trước tiên
sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phân định nhóm người lao động
theo tuổi để xử lý hành vi sử dụng lao động dưới 16 tuổi trái pháp luật. Việc
BLHS chỉ quy định hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi
là tội phạm đang cho thấy “hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động từ
đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi” không phải là tội phạm, và đương nhiên không đủ sức
răn đe đối với người sử dụng lao động, từ đó sẽ không bảo vệ tối đa được quyền
và lợi ích hợp pháp của người lao động từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Không chỉ
BLLĐ, rất nhiều lĩnh vực pháp luật khác cũng ưu tiên bảo vệ nhóm người chưa
thành niên, ngay trong lĩnh vực hình sự, nhóm người chưa thành niên cũng được bảo
vệ một cách rất rõ ràng thông qua rất nhiều các quy định được áp dụng riêng đối
với họ.
Chưa hết, việc BLLĐ tách thành các nhóm người lao động
chưa thành niên khác nhau dựa trên các mốc tuổi 13, 15 là rất phù hợp dựa trên
đánh giá về đặc điểm và khả năng nhận thức, tình hình sức khỏe của từng nhóm.
Tuy nhiên, BLHS lại chưa có sự phân hóa như vậy, dẫn đến tình trạng không nhất
quán khi phân hóa trách nhiệm, không thể hiện đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm
của tội phạm.
2.2. Quy định hành vi khách quan chưa phù hợp
Khoản 1 Điều 296 BLHS quy định: “Người nào sử dụng người
lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất
độc hại theo danh mục mà nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau
đây, thì…”. Quy định này có hai vấn đề cần nghiên cứu như sau:
Thứ nhất, quy định “làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm
hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà nhà nước quy định” còn gây khó
hiểu, thậm chí hiểu sai cho người đọc. Quy định như trên thì phải hiểu như thế
nào? Là 03 loại công việc: nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hay
01 loại vừa nặng nhọc, vừa nguy hiểm, vừa tiếp xúc với chất độc hại hay 02 loại
công việc? Danh mục mà nhà nước quy định là chỉ danh mục chất độc hại, hay danh
mục công việc nặng nhọc, công việc nguy hiểm, công việc tiếp xúc với chất độc hại?
Trong khi đó, hiện nay Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH đã ban hành một danh mục với
tên gọi rất rõ ràng là “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”.
Ngoài ra, chúng ta không có danh mục “công việc tiếp xúc với chất độc hại”,
không có danh mục “chất độc hại”. Nếu so sánh giữa hai quy định sẽ thấy có hai
nhóm công việc giống nhau là công việc nặng nhọc và công việc nguy hiểm; còn đối
với yếu tố độc hại, Thông tư 11/2020 chỉ quy định “công việc độc hại”, trong
khi BLHS quy định “công việc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục”. Rõ ràng
nội hàm của hai quy định này là khác nhau.
Thứ hai, hành vi khách quan ở tội phạm này chỉ được thừa
nhận là “sử dụng người dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp
xúc với chất độc hại theo danh mục của nhà nước”. Vậy, các hành vi vi phạm pháp
luật khác về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi mà gây ra các hậu quả tương ứng
thì không phải tội phạm, điều này gây ra sự bất bình đẳng và không phát huy tối
đa mục đích bảo vệ nhóm người lao động dưới 16 tuổi này. Đơn cử như việc vi phạm
quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, về việc sử dụng người lao động
dưới 16 tuổi làm các công việc không phù hợp, thuộc trường hợp bị cấm của BLLĐ
nhưng không phải công việc nặng nhọc, nguy hiểm và tiếp xúc với các chất độc hại…
dẫn đến người này bị thương tích, bị chết… Những hành vi này cũng thể hiện tính
nguy hiểm rất lớn, gây ra hậu quả, nhưng lại không phải tội phạm, không phải chịu
trách nhiệm hình sự, từ đó làm giảm hiệu quả phòng ngừa tội phạm.
2.3. Các tình tiết định khung tăng nặng chưa chặt chẽ
Các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản
2, khoản 3 của tội phạm này ngoài tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” thì các
tình tiết khác đều liên quan đến hậu quả của hành vi là gây ra thương tích hoặc
tổn hại cho sức khỏe của người khác và hậu quả chết người.
Trước tiên, xét về quan hệ lao động, đây là quan hệ giữa
người sử dụng lao động và người lao động. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp,
cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người
lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động
là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đối tượng người sử dụng
lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã là những đối tượng có
quy mô, có tổ chức, có tiềm lực, thế mạnh và đầy đủ các điều kiện để tổ chức việc
sử dụng lao động. Họ thường sử dụng nhiều, rất nhiều người lao động làm một hoặc
nhiều công việc khác nhau, ở các phân xưởng có các điều kiện lao động khác
nhau. Do đó, nếu xuất hiện tình trạng sử dụng người lao động dưới 16 tuổi thì
hành vi này hoàn toàn có thể xảy ra với quy mô lớn. Việc sử dụng nhiều người
lao động dưới 16 tuổi làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm và tiếp xúc với
các chất độc hại thì tính chất nguy hiểm của hành vi này sẽ là rất lớn. Thế
nhưng, BLHS lại không quy định đây là tình tiết định khung tăng nặng là chưa đầy
đủ. Giữa việc sử dụng nhiều người lao động dưới 16 tuổi với việc sử dụng 01 người
lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc
hại là hoàn toàn khác biệt về tính chất, nguy cơ xảy ra hậu quả cũng cao gấp
nhiều lần. Do đó, cần thiết phải quy định tình tiết định khung tăng nặng liên
quan đến số người lao động dưới 16 tuổi được sử dụng để làm công việc nặng nhọc,
nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại.
Tiếp theo, theo quy định hiện hành, các tình tiết định
khung tăng nặng liên quan đến hậu quả chỉ được xem xét trên từng nhóm hậu quả
là tổn hại sức khỏe hoặc tính mạng mà chưa có sự kết hợp, dẫn đến nhiều trường
hợp không bảo đảm tính khách quan, công bằng. Có trường hợp gây ra hậu quả nặng
hơn, nhưng lại chịu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt nhẹ hơn.
Ví dụ: H là người sử dụng người lao động dưới 16 tuổi
làm công việc nặng nhọc, gây ra hậu quả cho 03 người, trong đó 01 người chết,
02 người còn lại bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 120%. H bị
truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 296 với khung hình phạt từ 03-07
năm tù. M là người sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc,
gây ra hậu quả cho 03 người, trong đó không có ai chết nhưng tổng tỷ lệ tổn
thương cơ thể của 03 người là 122%. M bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản
3 Điều 296 với khung hình phạt từ 05-12 năm tù. Điểm bất cập thể hiện rất rõ
khi hậu quả do hành vi của H gây ra nặng hơn (thậm chí nặng hơn nhiều) so với
hành vi của M, nhưng M lại bị truy cứu trách nhiệm với khung hình phạt cao hơn.
2.4. Hình phạt bổ sung còn nhẹ
Hình phạt bổ sung được áp dụng đối với tội vi phạm quy
định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi được quy định gồm hình phạt tiền từ
10-50 triệu, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm. Đối với
hình phạt tiền, mức phạt bổ sung từ 10-50 triệu là quá thấp. Người sử dụng lao
động, phần lớn là những chủ thể có tiềm lực, có điều kiện về vật chất, có cơ sở
hạ tầng, nếu quy định mức phạt tối đa là 50 triệu thì không đủ sức răn đe đối với
các doanh nghiệp, tổ chức. Chưa hết, hành vi sử dụng người lao động dưới 16 tuổi
làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoàn toàn có
thể gây ra thiệt hại về tài sản, trong khi dấu hiệu này không được xem xét vào
hậu quả của tội phạm. Do đó, cần thiết phải tăng mức hình phạt tiền là hình phạt
bổ sung mới tương xứng.
3. Đề xuất hướng hoàn thiện
Thứ nhất, cần thay đổi tên và nội dung Điều 296 theo
hướng mở rộng phạm vi đối tượng người lao động bị xâm hại là “người lao động dưới
18 tuổi”. Việc thay đổi này sẽ làm cho hệ thống pháp luật có sự tương thích, bảo
đảm hiệu quả áp dụng pháp luật, bảo vệ tối đa cho nhóm người lao động chưa
thành niên theo đúng chủ trương xem đây là nhóm người cần được pháp luật bảo vệ
đặc biệt, hướng đến sự phát triển toàn diện của họ - thế hệ tương lai của đất
nước.
Thứ hai, sửa quy định về hành vi khách quan của tội phạm
theo hướng “Người nào sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc,
độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Nhà nước ban hành”.
Thứ ba, xem xét hình sự hóa các hành vi vi phạm quy định
về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi gây hậu quả nghiêm trọng trở lên theo hướng
“Người nào vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi…thì bị phạt”.
Thứ tư, bổ sung vào khoản 2 các tình tiết sau:
- Đối với người từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi.
- Đối với 10 người đến dưới 20 người.
Thứ năm, bổ sung vào khoản 3 các tình tiết sau:
- Đối với người dưới 13 tuổi.
- Đối với 20 người trở lên.
- Làm chết 01 người và thuộc một trong các trường hợp
quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều này.
Thứ sáu, nâng mức hình phạt tiền là hình phạt bổ sung ở
khoản 4 lên thành “phạt tiền từ 10-100 triệu đồng”.