Tầm nhìn - Chính sách

Tổng Bí thư: “Nếu có thể, sẽ sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản”

PV Thứ hai, 05/05/2025 - 14:32
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, nếu có thể, sẽ sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản. Dự kiến kỳ Đại hội sau, có thể tính toán bổ sung Cương lĩnh phát triển đất nước để có tầm nhìn dài hơn, định hình sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới như thế nào, khi đó mới xem xét sửa đổi Hiến pháp.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là hết sức cần thiết

Sáng 5/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trình bày Tờ trình tóm tắt về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày các Tờ trình. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo đó, kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - đến nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp, đánh dấu những giai đoạn khác nhau trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.

Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó, quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở 03 cấp là: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương không ngừng đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường sự tham gia của người dân và cộng đồng vào quản trị địa phương; hoạt động của bộ máy hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và góp phần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, vẫn còn có sự trùng lặp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, trùng lặp về đối tượng vận động tập hợp ở một số tổ chức thành viên của Mặt trận, có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát cơ sở, nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời.

Mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa phát huy được tối đa việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh nêu trên, Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

“Gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

(Ảnh: quochoi.vn)

Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phải dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến Nhân dân; chú trọng công tác truyền thông, bảo đảm đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Về định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung:

1. Các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội;

2. Các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 08/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng báo cáo với Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, căn cứ vào phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do đồng chí Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch với thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở trung ương.

“Nếu có thể, sẽ sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản”

Thảo luận tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp quan trọng, vì vậy khai mạc sớm 2 tuần so với thường lệ để có đủ thời gian xem xét các nội dung, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cần đảm bảo đúng quy trình, quy định, tiến hành lấy ý kiến nhân dân.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 1. (Ảnh: quochoi.vn)

“Nếu có thể, sẽ sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản. Dự kiến kỳ Đại hội sau, có thể tính toán bổ sung Cương lĩnh phát triển đất nước để có tầm nhìn dài hơn, định hình sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới như thế nào, khi đó mới xem xét sửa đổi Hiến pháp” - Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.

Nhấn mạnh chúng ta cùng lúc phải làm rất nhiều “đồng thời”, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chúng ta phải đồng thời tập trung chuẩn bị đại hội Đảng các cấp; sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy - muốn tổ chức đại hội Đảng thì phải có bộ máy, kể cả bộ máy hành chính và bộ máy tổ chức của Đảng; đồng thời phải đảm bảo các công việc thường xuyên; và đồng thời đảm bảo yêu cầu tăng trưởng.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu ý kiến tại Tổ 1. (Ảnh: quochoi.vn)

Tổng Bí thư cho biết, qua đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng của năm 2025 cho thấy, có một số chỉ tiêu đạt kết quả đáng mừng như: tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 48% kế hoạch cả năm, tăng 26,3% so cùng kỳ năm 2024. Kết quả này có được cũng có sự đóng góp tích cực của thành phố Hà Nội (thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt hơn 50% kế hoạch cả năm).

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, chúng ta cần tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; tiếp tục cải thiện đời sống của Nhân dân; đất nước phát triển thì người dân phải được thụ hưởng thành quả đó và tạo tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển của giai đoạn sau.

“Hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là tiền đề rất tốt để chúng ta đặt ra kế hoạch cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành các chỉ tiêu của Đại hội XIV” - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, cũng như công tác xây dựng pháp luật. Trong tháng 5/2025 sẽ triển khai 2 Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

“Những vấn đề được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội cũng sẽ được xem xét để xử lý ngay” - Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp tập trung phục vụ tinh gọn bộ máy

Phát biểu ý kiến tại Tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được Bộ chính trị, Trung ương bàn rất kỹ, cho ý kiến nhiều lần, đây là công việc rất hệ trọng, cần tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này chỉ tập trung phục vụ việc tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, không mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại Tổ 13. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo đó, tập trung vào sửa đổi, bổ sung 8/120 điều, với 2 nhóm nội dung: Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Từ ngày 6/5, Quốc hội sẽ dành 01 tháng để tiến hành lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp này, nếu Quốc hội quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 thì sẽ kết thúc hoạt động cấp huyện, chức năng nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã, một phần chuyển cấp tỉnh. Mô hình chính quyền sẽ còn 2 cấp là cấp tỉnh và cấp xã.

Liên quan tới việc sáp nhập cấp tỉnh, dự kiến sau khi Chính phủ trình Quốc hội Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận cho ý kiến. Nếu được Quốc hội chấp thuận nhấn nút thông qua, sẽ sáp nhập từ 63 tỉnh thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố.

Quy định chuyển tiếp cũng đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, với thời gian khoảng một tháng rưỡi để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự chủ động của Quốc hội trước những thay đổi lớn trong tổ chức bộ máy nhà nước và yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách thể chế. Ông Lềnh cũng nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

“Cách làm này phù hợp với thông lệ luật pháp quốc tế, vừa linh hoạt, vừa bảo đảm chặt chẽ về quy trình, tránh xáo trộn toàn văn Hiến pháp khi phạm vi điều chỉnh tương đối hẹp” - Đại biểu Sùng A Lềnh nhấn mạnh.

Về thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị giao rõ đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp bởi đây là giai đoạn quyết định chất lượng, tính đồng thuận của các nội dung sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, cần có quy định về việc báo cáo định kỳ về tiến độ để Quốc hội có thể giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết.

“Hiến pháp là đạo luật gốc, có giá trị nền tảng nên bất kỳ sửa đổi nào cũng cần được cân nhắc rất kỹ lưỡng và thận trọng nhưng cũng phải nhanh và kịp thời để không làm lỡ nhịp cải cách thể chế” - ông Lềnh nêu ý kiến.

Cùng chuyên mục

Thủ tướng: Chúng ta bình tĩnh, bản lĩnh trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới

Thủ tướng: Chúng ta bình tĩnh, bản lĩnh trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới

Tầm nhìn - Chính sách -  2 giờ trước

(PLPT) - Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Hoa Kỳ đồng ý đàm phán.

Chính sách pháp luật mới có hiệu lực từ tháng 5/2025

Chính sách pháp luật mới có hiệu lực từ tháng 5/2025

Tầm nhìn - Chính sách -  3 giờ trước

(PLPT) - Quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; quy chế tuyển dụng công chức viên chức… là một số chính sách pháp luật mới có hiệu lực từ tháng 5/2025.

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tầm nhìn - Chính sách -  4 giờ trước

(PLPT) - Sáng nay, ngày 5/5/2025, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

ĐỘT PHÁ THỂ CHẾ, PHÁP LUẬT ĐỂ ĐẤT NƯỚC VƯƠN MÌNH

ĐỘT PHÁ THỂ CHẾ, PHÁP LUẬT ĐỂ ĐẤT NƯỚC VƯƠN MÌNH

Tầm nhìn - Chính sách -  4 giờ trước

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "ĐỘT PHÁ THỂ CHẾ, PHÁP LUẬT ĐỂ ĐẤT NƯỚC VƯƠN MÌNH", trong đó nhấn mạnh, thể chế, pháp luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Tầm nhìn - Chính sách -  1 ngày trước

Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp để cho ý kiến về tình hình, tiến độ thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII), các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới của dân tộc

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới của dân tộc

Tầm nhìn - Chính sách -  5 ngày trước

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, chúng ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu vĩ đại hơn nữa, lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới...

Kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Tầm nhìn - Chính sách -  5 ngày trước

Sáng 30/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Thông cáo báo chí chung Việt Nam - Nhật Bản

Thông cáo báo chí chung Việt Nam - Nhật Bản

Tầm nhìn - Chính sách -  6 ngày trước

(PLPT) - Trân trọng giới thiệu Thông cáo báo chí chung Việt Nam - Nhật Bản.