Pháp luật quốc tế

Học thuyết “Quả của cây độc” trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và quy định loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự Việt Nam

TS. Trịnh Duy Thuyên Thứ hai, 22/07/2024 - 07:37
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Trong phạm vi bài viết này tác giả tập trung phân tích, so sách, đối chiếu quy định pháp luật tố tụng hình sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để định hướng hoàn thiện quy định về loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự Việt Nam nhằm nâng cao bảo vệ các quyền của người bị buộc tội.

Tóm tắt

Học thuyết “quả độc của cây độc” là một nguyên tắc pháp lý trong tố tụng hình sự Hoa kỳ, cho phép Tòa án loại bỏ các chứng cứ không hợp pháp ra khỏi một vụ án nhằm để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng kết án sai. Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành đã có một số điểm tương đồng nhất định để loại trừ chứng cứ nếu có những vi phạm về trình tự, thủ tục trong quá trình thu thập. Trong phạm vi bài viết này tác giả tập trung phân tích, so sách, đối chiếu quy định pháp luật tố tụng hình sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để định hướng hoàn thiện quy định về loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự Việt Nam nhằm nâng cao bảo vệ các quyền của người bị buộc tội.

Abstract

The "poisonous fruit of the poisonous tree" doctrine is a crucial legal principle in the American criminal justice system. It empowers the court to eliminate any illegally obtained evidence to avoid wrongful convictions. Similarly, the Vietnamese Criminal Procedure Code also forbids the use of evidence collected in violation of orders and procedures. In this article, the author conducts a comprehensive analysis, comparison, and contrast of the criminal procedure laws in both the U.S. and Vietnam. The purpose is to provide guidance for refining the regulations on excluding evidence in Vietnamese criminal proceedings, thereby enhancing the protection of the rights of the accused.

Keywords: Exclude evidence, illegal evidence, fruit of poisonous tree...

TỔNG QUAN

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong hệ thống tư pháp hình sự là bằng chứng liên quan đến tội phạm có thể được xem xét trừ khi bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, đã có cuộc tranh luận đáng kể về những gì đủ điều kiện là bằng chứng có thể chấp nhận được và những gì có thể được loại trừ, dẫn đến những thách thức trong việc giải thích và thực hiện luật. Học thuyết "trái độc của cây độc" là một nguyên tắc pháp lý được thiết lập tốt trong các phiên tòa hình sự Hoa Kỳ. Học thuyết này cho rằng nếu một sĩ quan cảnh sát có được bằng chứng thông qua các phương tiện bất hợp pháp và phát hiện ra bằng chứng về tội phạm, bằng chứng đó không thể được trình bày trước tòa.

Ở Việt Nam, chứng cứ là một yếu tố quan trọng trong điều tra hình sự. Tuy nhiên, để chứng cứ được sử dụng trong tố tụng, nó phải đáp ứng ba tiêu chí: Tính phù hợp, tính khách quan và tính hợp pháp. Điều này chứng tỏ luật tố tụng hình sự của Việt Nam có những điểm tương đồng với luật tố tụng hình sự của Mỹ. Tuy nhiên, khi so sánh các quy định cụ thể tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 vẫn còn một số điểm mơ hồ. Những điều không chắc chắn này có thể ảnh hưởng đến việc loại trừ bằng chứng, chẳng hạn như xác định tính hợp pháp của bằng chứng không rõ ràng hoặc các trường hợp bằng chứng được thu thập bất hợp pháp nhưng vẫn được chấp nhận tại tòa án. Những bất cập này có thể dẫn đến những bản án oan, sai ở Việt Nam.

Bài viết này có thể so sánh quả của học thuyết “quả độc của cây độc” trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam, thảo luận về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật. Khám phá ý nghĩa của khác biệt này làm kinh nghiệm để nâng cao quy định pháp luật Việt Nam hướng tới sự công bằng trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

1. Học thuyết “quả của cây độc” và nguyên tắc loại trừ chứng cứ trong trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ

Quả của cây độc (Fruit of the Poisonous Tree) là một học thuyết pháp lý trong Tư pháp hình sự Hoa Kỳ được thể hiện trong phán quyết của Tòa án tối cao vào năm 1914. Đây là một nỗ lực để bảo vệ các quyền được bảo đảm trong tu chính án thứ tư.[1] Trong Vụ Weeks v. United States, bị cáo (Fremont Weeks) đã bị bắt bởi một sĩ quan Cảnh sát tại Union Station, thành phố Kansas, Missouri (nơi bị cáo làm việc) trong khi không có lệnh. Sau đó còn đến nhà để khám xét để tìm chứng cứ và thu nhiều giấy tờ, đồ vật[2]. Theo phán quyết này, các chứng cứ thu thập được thông qua các hành động vi phạm pháp luật sẽ không được sử dụng tại Tòa án để buộc tội một người. Đến năm 1920, trong vụ Silverthorne Lumber Co. v. United States, Tu chính án thứ tư tiếp tục được nêu ra để bảo vệ một công ty và các thành viên khỏi việc bắt buộc phải cung cấp sổ sách và giấy tờ của công ty để sử dụng trong thủ tục tố tụng hình sự chống lại họ, khi thông tin làm cơ sở cho trát đòi hầu tòa được thu thập thông qua một cuộc khám xét và tịch thu vi hiến trước đó[3] (Silverthorne Lumber bị bắt tại nhà vào sáng sớm ngày 25/2 và bị giam giữ trong vài giờ). Trong khi họ bị giam giữ, các đại diện của Bộ Tư pháp và Cảnh sát trưởng Hoa Kỳ đã đến Văn phòng Công ty của họ và thu tất cả sổ sách, giấy tờ và tài liệu khi được tìm thấy ở đó (mặc dù họ chưa có thẩm quyền để tiến hành). Cảnh sát sau đó đã sử dụng những tài liệu này để có được lệnh khám xét nhà của một người tiếp theo và tại đây họ đã tìm thấy thêm một số chứng cứ. Tòa án Tối cao đã quyết định rằng tất cả các chứng cứ thu thập được thông qua hai lệnh khám xét trái phép đều không hợp pháp và không thể sử dụng tại phiên tòa. Tòa án đã yêu cầu cơ quan chức năng trả lại những gì đã thu giữ một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong khi thu giữ các tài liệu, cơ quan chức năng đã chụp ảnh chúng và sử dụng các bức ảnh đó để lấy trát đòi hầu tòa yêu cầu bị đơn xuất trình bản gốc tại phiên tòa. Không đồng ý giao ra bản gốc, bị cáo từ chối tuân thủ trát đòi hầu tòa và khởi kiện trên cơ sở cho rằng, nếu không có lần thu giữ trái phép đầu tiên, cơ quan chức năng sẽ không có cơ sở để xin trát mới từ Tòa án. Bởi vì không tuân thủ trát đòi hầu tòa, Frederick W. Silverthorne đã bị cáo buộc thêm tội danh khinh thường phiên tòa. Hành vi khinh thường được đề cập là việc từ chối tuân theo trát đòi hầu tòa và lệnh của Tòa án để xuất trình sổ sách và tài liệu của Công ty trước bồi thẩm đoàn. Khi kháng cáo, Tòa án Tối cao cho rằng, Chính phủ không thể sử dụng các bức ảnh đã được thu thập để đòi hỏi trát đòi hầu tòa và lật ngược việc kết tội của bị cáo. Theo Tòa án, quyền của một công ty chống lại việc khám xét và thu giữ bất hợp pháp phải được bảo vệ ngay cả khi kết quả tương tự có thể đạt được một cách hợp pháp.[4] Quy tắc này cấm ngay cả bằng chứng chứng thực xuất phát từ bằng chứng có thể loại trừ (chẳng hạn như lời thú tội). Từ các vụ kiện này, cụm từ "Quả của cây độc" đã được Justice Frankfurter nêu ra vào năm 1939 trong vụ Nardone v. United States[5] khi mà bằng chứng thu được bằng cách nghe lén, là vi phạm Đạo luật Truyền thông năm 1934 là không được chấp nhận. Điều này không chỉ áp dụng cho bản thân các cuộc trò chuyện bị chặn mà còn áp dụng cho cả bằng chứng thu được thông qua việc sử dụng kiến thức thu được từ các cuộc trò chuyện đó.

Tiếp đến, trong vụ Stamper v. State, 662 P.2d 82 (Wyo. 1983) là một điển hình khi Pete Stamper bị bắt vào tháng 7/1981, với cáo buộc giết người liên quan đến cái chết của John Smith sau cuộc ẩu đả bên ngoài của một quán rượu ở Wyoming.[6] Tuy nhiên quá trình thi hành bắt giữ Cảnh sát đã không thông báo về quyền Miranda[7](theo Tu chính án thứ năm, bất kỳ tuyên bố nào mà bị cáo bị giam giữ đưa ra trong quá trình thẩm vấn đều chỉ được chấp nhận làm bằng chứng tại phiên tòa hình sự nếu cơ quan thực thi pháp luật nói với bị cáo về quyền giữ im lặng và quyền nói chuyện với luật sư trước khi cuộc thẩm vấn bắt đầu), trong quá trình thẩm vấn Pete Stamper được hỏi về đôi giày mà Pete Stamper đã mang vào đêm xảy ra cuộc ẩu đả và Pete Stamper đã giao nộp đôi giày đó cho Cảnh sát. Tại phiên tòa xét xử, Thẩm phán đã phán quyết rằng đôi giày được chấp nhận là bằng chứng. Tuy nhiên, bất kỳ lời khai (lời tuyên bố) nào được đưa ra từ Pete Stamper liên quan đến đôi giày đều không được chấp nhận vì Cảnh sát đã không đưa ra lời cảnh báo Miranda. Mặc dù không có lời khai nào về quyền sở hữu đôi giày của Pete Stamper được phép chấp nhận nhưng đôi giày được thừa nhận là bằng chứng chỉ đơn giản bởi vì công tố viên cho rằng họ muốn thừa nhận đôi giày này. Pete Stamper bị kết tội tấn công nghiêm trọng bằng vũ khí làm chết người theo 6-4-506(b) of the Wyoming Statutes.[8] Pete Stamper kháng cáo với lý do bằng chứng là đôi giày đã vi phạm các quyền của mình theo Tu chính án thứ tư[9] và thứ năm[10] của Hiến pháp Hoa Kỳ. Tòa án Tối cáo đã hủy án và cho rằng đã không đủ bằng chứng để chứng minh hành vi phạm tội[11]. Như vậy, vi phạm của Cảnh sát Hoa Kỳ trong quá trình thu thập chứng cứ đầu tiên đó là không thông báo cho Pete Stamper về lời cảnh báo Miranda. Chính vì vậy kết quả của tiến tiến trình thẩm vấn đều không có giá trị chứng minh vì trước đó Cảnh sát đã vi phạm khi không đưa ra lời cảnh báo đối với Pete Stamper và bằng chứng là đôi giày bị loại trừ vì đó là kết quả bất hợp pháp.

Ngoài ra, quy tắc loại trừ chứng cứ ở cấp độ cao hơn còn được thể hiện việc cấm sử dụng thông tin từ những chứng cứ được thu thập một cách bất hợp pháp để tiếp tục làm căn cứ để tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ khác.[12] Trong vụ Hom way, bị cáo đã bị Cảnh sát bắt vì tội tàng trữ Heroin, Hom way khai với Cảnh sát rằng anh ta đã mua Heroin từ một người chỉ biết tên là “Blackie Toy” và người này là chủ cửa hàng giặt ủi trên phố Leaven worth, khi Cảnh sát đến tìm Blackie Toy để xác minh thì anh ta đã bỏ chạy xuống hành lang. Cảnh sát bắt giữ Blackie Toy, khi được thẩm vấn Blackie Toy cho rằng anh ta không bán ma túy trước các lời cáo buộc của Cảnh sát nhưng Blackie Toy biết ai đó có[13] Cảnh sát đã sử dụng lời khai của Blackie Toy để tìm Johnny Yee và phát hiện một số ống chứa Heroin trong phòng ngủ của Yee. Trong vụ này, Tòa án tối cao đã đồng ý với Tòa Phúc thẩm rằng không có căn cứ hợp lý để bắt giữ Blackie Toy[14] bởi vì đây là sự nghi ngờ bất hợp pháp, lời khai của anh này được xem là kết quả của hành động bất hợp pháp và do đó nằm trong quy tắc loại trừ chứng cứ. Đồng thời, Tòa tối cao cũng cho rằng các ống chứa Heroin thu được trong phòng ngủ của Yee cũng nằm trong quy tắc loại trừ.

Không chỉ được thể hiện trong các “án lệ” ở Hoa Kỳ, nội dung cơ bản của Học thuyết “Quả của cây độc” còn được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật của Hoa Kỳ điển hình như: Điều 14 Hiến pháp Hoa Kỳ:“Không một người nào sẽ bị tước đoạt sự sống, tự do hoặc tài sản của mình mà không có thủ tục tố tụng công bằng”. Trong lĩnh vực tư pháp hình sự, tại quy tắc 402 của Quy tắc chứng cứ liên bang (Federal Rules of Evidence) quy định “chứng cứ không liên quan sẽ không được chấp nhận (Irrelevant evidence is not admissible)[15]”. Bên cạnh đó, quy tắc 403 còn quy định cụ thể về loại trừ chứng cứ liên quan về định kiến, nhầm lẫn, lãng phí thời gian hoặc các lý do khác. Tòa án có thể loại trừ chứng cứ liên quan nếu giá trị chứng minh của nó vượt xa nguy cơ xảy ra như: Định kiến không công bằng, nhầm lẫn các vấn đề, đánh lừa bồi thẩm đoàn, chậm trễ quá mức, lãng phí thời gian hoặc đưa ra bằng chứng tích lũy không cần thiết.[16] Theo đó, một chứng cứ có thể bị loại trừ khỏi phiên tòa nếu nó không liên quan đến vụ án (không liên quan đến việc chứng minh hay bác bỏ một vấn đề), gây nhầm lẫn cho bồi thẩm đoàn hoặc bị thu thập trái pháp luật như: Chứng cứ thu thập được thông qua việc vi phạm quyền của người bị buộc tội là không hợp pháp và không thể sử dụng tại phiên tòa như: Vi phạm quyền con người (human rights violation), thông qua hành vi tra tấn (torture) ép buộc dụ dỗ (involuntary)…; Chứng cứ thu thập được từ các nguồn không thể tin cậy được (unreliability); Chứng cứ được thu thập một cách độc lập nhưng bắt nguồn từ một chứng cứ bất hợp pháp khác (unlawful arrest)… Trong quá trình tố tụng, bị cáo có thể yêu cầu loại trừ chứng cứ tại bất kỳ thời điểm nào, nếu thẩm phán đồng ý rằng chứng cứ nên bị loại trừ thì chứng cứ đó không được phép sử dụng tại phiên tòa.

Như vậy, “Quả của cây độc” là một phần mở rộng của quy tắc loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ. Mục đích của quy tắc loại trừ này là để ngăn chặn hành vi của Cảnh sát nếu họ tước đoạt bất kỳ lợi ích nào của người bị buộc tội khi thu thập chứng cứ.[17] Nội dung cơ bản của Học thuyết thể hiện: Các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong hoạt động thu thập chứng cứ để chứng minh, phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định trong luật (được ví như là thân cây); Nếu cơ quan có thẩm quyền không tuân thủ quy định pháp luật khi thu thập chứng cứ sẽ dẫn đến cây đó bị nhiễm độc và quả của cây đó cũng sẽ bị nhiễm độc. Học thuyết này được đưa ra để đánh giá về tính hợp pháp của chứng cứ và sẽ bị loại trừ nếu phương thức thu thập hoặc nguồn chứng cứ là bất hợp pháp.

2. Quy định về chứng cứ, loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự Việt Nam và một số điểm còn hạn chế

2.1 Quy định về chứng cứ và loại trừ chứng cứ

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, chứng cứ là phương tiện dùng để chứng minh. Tuy nhiên, không phải bất cứ thông tin, tài liệu, đồ vật…nào được thu thập trong các giai đoạn của tố tụng hình sự đều được sử dụng làm chứng cứ mà đòi hỏi phải có quá trình kiểm tra, đánh giá, so sánh, đối chiếu thì được xác định là chứng cứ dùng để chứng minh trong vụ án hình sự.

Theo quy định tại điều 86 BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021: "Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án. Trong khoa học pháp lý các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đều cho rằng “chứng cứ phải có đầy đủ các thuộc tính gồm: Tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp”.[18] Căn cứ vào Điều 86 BLTTHS thì để được xác định là chứng cứ đòi hỏi các thông tin, tài liệu… thu thập được phải thỏa mãn các yêu cầu gồm:

+ Có thật: theo khoa học pháp lý về hình sự, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, khi thực hiện tội phạm con người phải có những hành động tác động cụ thể vào thế giới khách quan và để lại những dấu vết nhất định. Dấu vết đó chính là sự phản ánh của vật chất và là sự tái hiện lại hiện thực khách quan. Do đó, để xác định đúng bản chất sự vật hiện tượng, giúp cho việc điều tra khám phá vụ án được nhanh chóng, đúng người, đúng tội thì chứng cứ dùng để chứng minh phải là những gì có thật, không được ngụy tạo.

+ Được thu thập theo trình tự thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định: việc thu thập chứng cứ phải đúng theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mọi thông tin, đồ vật, tài liệu… nếu không tuân thủ về trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành sẽ không được xác định là chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Khi thực hiện hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá nếu do bất cẩn làm mất mát, hư hỏng thậm chí cố tình đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại những thông tin, tài liệu, đồ vật thì sẽ không được sử dụng làm chứng cứ. Tuy nhiên, những thông tin, đồ vật, tài liệu đó vẫn được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh trong vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng[19] hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án…[20].

+ Dùng làm căn cứ để xác định có hay không hành vi phạm tội: chứng cứ chính là phương tiện mà cơ quan tiến hành tố tụng dùng để chứng minh có hay không hành vi phạm tội xảy ra trong thực tế và đây chính là mục đích quan trọng của quá trình điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo được đúng người đúng tội đúng pháp luật. Tuy nhiên, để bảo đảm nội dung này chứng cứ được thu thập còn phải đảm bảo thuộc tính liên quan, thì Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới sử dụng làm căn cứ để chứng minh.

Đối với những thông tin, tài liệu đồ vật… tuy có thật, có liên quan đến vụ án nhưng không được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định sẽ không có giá trị pháp lý trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.[21] Quy định này nhằm nhấn mạnh tính hợp pháp của chứng cứ,[22] chứng cứ sẽ bị loại trừ nếu có vi phạm thủ tục tố tụng. Ngoài ra, tính hợp pháp của chứng cứ còn được thể hiện ở quy định:Chứng cứ phải được thu thập, xác định từ các nguồn: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác”[23]. Đồng thời, mỗi loại nguồn của chứng cứ đã được BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để tiến hành thu thập, bảo quản. Quy định này, nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự. Chính vì vậy khoản 2 của Điều 87 của BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 có những điểm tương đồng so với học thuyết “Quả độc của cây độc” hay nguyên tắc loại trừ chứng cứ được quy định trong tu chính án thứ tư của Tố tụng hình sự Hoa Kỳ.

2.2 Một số bất cập trong quy định về loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự Việt Nam

Theo quy định tại Điều 108 BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021: Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án”. Tuy nhiên, khoản 2 của Điều 87 của Bộ luật này chỉ mới đưa ra nội dung loại trừ chứng cứ do vi phạm về trình tự, thủ tục (tính hợp pháp của chứng cứ) mà chưa nói đến 2 thuộc tính còn lại (tính khách quan và tính hợp pháp). Như vậy giữa khoản 2 Điều 87 và Điều 86; Khoản 1 Điều 108 còn chưa có sự đồng nhất.

Đồng thời, nếu hiểu theo đúng “câu chữ” tại khoản 2 Điều 87, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được sử dụng các thông tin, tài liệu, đồ vật… làm chứng cứ nếu “tại thời điểm thu thập” đã có những vi phạm trong thủ tục tố tụng hình sự.[24] Đối với trường hợp, chứng cứ sơ phát đã có những vi phạm thì chứng cứ được thu thập tiếp theo (căn cứ vào chứng cứ sơ phát) vẫn được chấp nhận. Vấn đề này cho thấy quy định loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự Việt Nam vẫn đang còn ở phạm vi hẹp.

Ngoài ra, quy định về trình tự, thu thập đối với một số loại nguồn của chứng cứ còn có những quy định chưa thật sự rõ ràng dẫn đến rất khó có thể áp dụng khoản 2 Điều 87 để loại trừ những nguồn của chứng cứ khi cho rằng chứng cứ đó là không hợp pháp và cần phải được loại trừ, thể hiện qua một số nội dung sau đây:

- Thứ nhất, theo quy định tại Điều 192 BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 việc khám người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Quy định này cũng được áp dụng đối với thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử khác. Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan.[25] “Căn cứ để nhận định” tiến hành khám xét được hiểu như thế nào thì chưa có văn bản giải thích. Trong thực tiễn “căn cứ nhận định” có thể bắt nguồn từ các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu các thông tin được dùng làm căn cứ tiến hành khám xét có vi phạm pháp luật như: Lời khai, lời trình bày là kết quả của hành vi tra tấn, dùng nhục hình; Mớm cung; Thông tin thu được từ các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (không theo quy định của BLTTHS) hoặc có những vi phạm trong áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt… thì tài liệu, đồ vật bị tạm giữ (khi tiến hành khám xét) nếu đã được lập biên bản và thu giữ theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong BLTTHS thì vẫn được xác định là chứng cứ. Quy định này thực tế được đánh giá giúp cho cơ quan có thẩm quyền có điều kiện để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa không cho tội phạm xảy ra. Nhưng theo quan điểm của tác giả, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tố tụng công bằng khi quá trình giải quyết vụ án hình sự và có khả năng làm lệch giả thuyết điều tra, oan sai trong tố tụng hình sự.

Thứ hai, thông tin thu thập được từ hoạt động hỏi cung bị can nhưng chưa được thực hiện đầy đủ về trình tự, thủ tục nhưng vẫn được sử dụng làm chứng cứ.

Theo quy định tại Điều 183 BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021, hỏi cung bị can được tiến hành ngay sau khi khởi tố bị can, quá trình hỏi cung bị can phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh. Quy định này được hướng dẫn trong nhiều văn bản dưới luật,[26] đồng thời hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 01/01/2020. Tuy nhiên đến nay do xuất phát từ nhiều nguyên khác nhau như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiến thức chuyên môn của những người thực hiện việc ghi âm, ghi hình, công tác lưu trữ... chưa được chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng. Nên hoạt động hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh đến nay vẫn chưa thể áp dụng 100% tại các cuộc hỏi cung trên thực tế tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.[27] Nhưng nếu cứ phải chờ cho đến khi có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị mới tiến hành đồng loạt thì các hoạt động tố tụng sẽ bị đình trệ, trong khi đó tội phạm xảy ra ngày càng nhiều ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Đây là vấn đề khó khăn trong thực tiễn khi mà nguồn kinh phí của Nhà nước cấp cho các hoạt động tố tụng chưa đáp ứng kịp thời. Tác giả hoàn toàn chia sẽ đối với những khó khăn và bất cập này, nhưng quy định pháp luật đã được đặt ra thì cần phải nhanh chóng được thực hiện. Ngoài ra, khi không tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh thì nguồn chứng cứ này vi phạm thủ tục tố tụng hay không hoặc các thông tin thu được từ hoạt động này có được tiếp tục được sử dụng làm chứng cứ để tiếp tục tiến hành các hoạt động điều tra tiếp theo? Nội dung này còn có những quan điểm khác nhau:

Quan điểm 1: Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh quá trình hỏi cung bị can là bắt buộc và đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thực hiện trên thực tế. Do đó, nếu không thực hiện sẽ là vi phạm thủ tục tố tụng trong hoạt động điều tra, giải quyết các vụ án hình sự.[28]

Quan điểm 2: Quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong BLTTHS như hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không phải chỉ sử dụng một nguồn chứng cứ là lời khai, lời trình bày mà còn thu thập chứng cứ từ những nguồn khác nhau. Toàn bộ thông tin thu được từ kết quả hỏi cung phải được kiểm tra, đối chiếu với nguồn chứng cứ khác. Do đó, biên bản hỏi cung bị can không có ghi âm, ghi hình có âm thanh vẫn có giá trị để chứng minh.[29] Đồng thời, Hướng dẫn số 34/HD-VKSTC ngày 29/11/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về kỹ năng phát hiện vi phạm trong giải quyết vụ án hình sự để kháng nghị, kiến nghị, tại mục 2.4 về vi phạm thủ tục tố tụng khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các thủ tục tố tụng cần thiết theo luật định không có nội dung về ghi âm, ghi hình khi tiến hành hỏi cung bị can.

Tác giả hoàn toàn ủng hộ quan điểm 1 nhưng cũng có một vài điểm chia sẻ với quan điểm 2. Trong tố tụng hình sự các quy định cần phải được thực hiện thực hiện nghiêm túc. Do đó, không tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh thì biên bản hỏi cung đó theo tác giả là chưa bảo đảm về mặt hình thức, thủ tục (tính hợp pháp) và sẽ không có giá trị chứng minh hoặc sử dụng kết quả đó để làm căn cứ tiến hành các hoạt động điều tra tiếp theo. Ngoài ra, ghi âm, ghi hình có âm thanh hiện nay chỉ mới được quy định cụ thể hóa đối với hỏi cung bị can, mà chưa được ghi nhận bắt buộc trong quá trình lấy lời khai đối với người bị buộc tội. Trong khi đó, những hành vi tra tấn, mớn cung (nếu có) thì thường xảy ra ở gia đoạn này, điển hình:

Vụ án dùng nhục hình xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng: Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình điều tra vụ án ông Lý Văn Dũng, làm nghề xe ôm bị sát hại vào đêm 14/7/2013 tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong quá trình điều tra Nguyễn Hoàng Quân và Triệu Tuấn Hưng (Điều tra viên). đã dùng nhục hình đối với: Trần Văn Đở, Thạch Sô Phách và Khâu Sóc. Sau đó các đối tượng này tiếp tục khai thêm các đối tượng khác gồm: Trần Hol, Trần Cua, Thạch Mươl. Đồng thời, căn cứ vào lời khai, ngày 08/7/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định khởi tố vụ án giết người và tiến hành điều tra đối với các đối tượng này. Trong đó đáng chú ý còn có Nguyễn Thị Bé Diễm (quê ở An (?)Giang là nhân viên phục vụ quán nhậu) cũng bị khởi tố về tội không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, hung thủ thực sự của vụ án ra đầu thú, 7 công dân được đình chỉ điều tra, đình chỉ bị can.

Vụ ông Huỳnh Văn Nén: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận truy tố Huỳnh Văn Nén về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, nạn nhân là chị Lê Thị Bông. Ngày 12/11/2014, Tòa án nhân dân tối cao có QĐ số 64/HS-GĐT yêu cầu làm rõ mâu thuẫn trong vụ án về: Lời khai nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, cách thức thực hiện hành vi của ông Nén. Ngày 27/11/2015, CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận có Kết luận điều tra số 09/KLĐT-PC44 kết luận hành vi của Huỳnh Văn Nén không cấu thành tội phạm.[30]

Ngoài ra còn các vụ án như: Ông Bùi Minh Hải (Đồng Nai) đánh rơi chiếc đồng hồ tại hiện trường vụ án mạng, đã phải nhận oan 405 ngày tù; Vụ án ông Phan Văn Sáu bị xử hình sự vì chém người trộm vịt gây thương tật 24% xảy ra 11/7/2017. Tòa án nhân dân quận 12 đã nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, đến ngày 1/4/2019 VKSND quận 12 có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 xác định hành vi của ông Sáu không cấu thành tội cố ý gây thương tích ông Sáu thuộc trường hợp được bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước[31]… Các nạn nhân nêu trên đều cho rằng trong quá trình làm việc ghi nhận lời khai đã từng bị các hành vi tra tấn để buộc khai nhận tội.

Thứ ba, Hỏi cung bị can không được tiến hành vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản[32]. Quy định này vừa cấm nhưng lại vừa mở dẫn đến không thể xác định tính hợp pháp của nguồn chứng cứ này. Đến nay, vẫn chưa có văn bản nào giải thích những trường hợp nào không thể trì hoãn được phải tiến hành hỏi cung vào ban đêm. Dẫn đến không thể áp dụng quy định về loại trừ chứng cứ để bảo đảm các quyền của bị can. Ngoài ra, quy định này cũng cực kỳ nguy hiểm vì có thể dẫn đến các hành vi tra tấn, khi mà bị can ở trong môi trường khép kín; Buổi hỏi cung không được ghi âm, ghi hình có âm thanh; Trạng thái tâm lý bị mệt mỏi, tinh thần của bị can và điều tra viên đều xuống mức thấp nhất; Cũng như những áp lực của điều tra viên về thời hạn tố tụng... thì tra tấn có thể xảy ra trong những điều kiện hoàn cảnh như thế này.

2.3. Nhận xét đánh giá và một số kiến nghị đề xuất

Học thuyết “Quả độc của cây độc” là một nguyên tắc pháp lý trong tố tụng hình sự Hoa kỳ, cho phép Tòa án loại bỏ các chứng cứ không hợp pháp khỏi một vụ án. Nguyên tắc này dựa trên quan điểm rằng các chứng cứ không hợp pháp có thể dẫn đến kết án sai và do đó cần phải loại trừ khỏi vụ án[33]. Đây là một nguyên tắc tiến bộ, nhân văn góp phần bổ sung và thức đẩy thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong theo mô hình tố tụng tranh tụng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các bản án và án lệ của Hoa Kỳ tác giả nhận thấy học thuyết “Quả độc của cây độc” trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ cũng mang tính chất tương đối vì đa phần chỉ áp dụng đối với những chứng cứ được thu thập trực tiếp thông qua hoạt động khám xét hoặc thu giữ trái pháp luật là chủ yếu. Chứng cứ thu thập gián tiếp từ các hoạt động nêu trên vẫn có trường hợp được chấp nhận tại Tòa án ngay cả khi hoạt động khám xét hoặc thu giữ trái phép được thực hiện như trong vụ: United States v. Leon, 468 U.S. 897 (1984), Nix v. Williams, 467 U.S. 431 (1984)[34]. Vấn đề này cho thấy, thực tiễn thi pháp luật của Hoa Kỳ có tính đến yếu tố chủ quan việc nhân viên thực thi pháp luật khi mắc một số lỗi thủ tục nhất định, để tính đến tiêu chí để chấp nhận chứng cứ hay không[35]. Bên cạnh điểm tiến bộ nhằm tránh rủi ro sự lạm quyền từ phía Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thì học thuyết này cũng có một số điểm hạn chế. Do đó, khi áp dụng quá cứng nhắc sẽ có thể bỏ lọt tội phạm, làm giảm khả năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm.

Mặc dù học thuyết này vẫn còn có bất cập nhưng hiệu quả của học thuyết nhằm bảo đảm tố tụng công bằng là rất đáng ghi nhận và cần được nghiên cứu và tiếp tục phát triển trong tố tụng hình sự Việt Nam. Qua xem xét, đánh giá nhìn chung các quy định của BLTTHS Việt Nam cũng đã có những điểm tiến bộ và tương đồng so với nguyên tắc loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do tính chất của 2 mô hình tố tụng còn có những điểm khác biệt nên chúng ta không thể học tập một cách nguyên bản mà cần có sự kế thừa và phát huy dựa trên những đặc điểm của mô hình tố tụng hình sự Việt Nam. Để khắc phục một số điểm còn hạn chế mà tác giả đã nêu. Do đó, Tố tụng hình sự Việt Nam cần có những quy định rõ hơn hoặc tiêu chí để loại trừ chứng cứ khi các hoạt động thu thập trước đó có vi phạm thủ tục tố tụng. Đồng thời, trong từng hoạt động thu thập chứng cứ cần quy định cụ thể, tránh những mâu thuẫn trong điều luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ để bảo đảm các quyền của người bị buộc tội và quan trọng nhất là tìm ra sự thật khách quan của vụ án, tránh những oan sai trong tố tụng hình sự.

Với quan điểm đó tác giả kiến nghị một số vấn đề như sau:

Một là, bổ sung quy định nhằm làm rõ hơn nguyên tắc loại trừ chứng cứ trong tố tụng hình sự, đồng thời cần kết hợp với quy định tại điều 108 BLTTHS để cụ thể hơn quy định về chứng cứ và loại trừ chứng cứ.

Với quan điểm chứng cứ phải đảm bảo đầy đủ ba thuộc tính của chứng cứ gồm: Khách quan, liên quan, hợp pháp. Nếu thiếu một trong những thuộc tính này thì không được sử dụng làm chứng cứ. Do đó, theo tác giả khoản 2 Điều 87 và điều 108 cần được kết hợp lại với nhau để bổ trợ cho nhau nhằm xác định những điều kiện cần và đủ để được xác định là chứng cứ trong vụ án hình sự. Đồng thời, trên cơ sở này sẽ xác định loại trừ chứng cứ ở các khoản tiếp theo.

Hoàn thiện quy định về loại trừ chứng cứ, hiện nay tác giả Võ Minh Kỳ đưa ra kiến nghị thêm một khoản tại điều 87 với nội dung:Những gì đã thu thập dựa trên thông tin của chứng cứ đã bị loại trừ theo quy định tại khoản 2 của điều này cũng không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”[36]. Đồng thời, đã đưa ra một số vấn đề về những trường hợp chứng cứ không được chấp nhận. Tác giả ủng hộ về tư tưởng cần phải quy định cụ thể hơn để khoản 2 Điều 87 để điều luật này có phạm vi áp dụng rộng hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì chưa đủ, mà cần quy định cụ thể hơn trường hợp nào thì được áp dụng chứng bị loại trừ. Xuất phát từ thực tế các vụ án đã xảy ra và nội dung bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự nhưng vẫn phải kịp thời ngăn chặn tội phạm do tính chất của mô hình tố tụng hình sự tại Việt Nam. Quy định về loại trừ chứng cứ cần được áp dụng khi có sự vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền của người bị buộc tội, ảnh hưởng tố quy trình tố tụng công bằng. Tác giả kiến nghị bổ sung thêm một khoản của Điều 87 theo hướng:“Chứng cứ thu thập được dựa trên các nguồn không hợp pháp do có sự vi phạm thủ tục tố tụng mà xét thấy ảnh hưởng trực tiếp đến nguyên tắc duy đoán vô tội sẽ không được chấp nhận”. Đồng thời, bổ sung những trường hợp ngoại lệ theo hướng: Chứng cứ được thu thập một cách độc lập và không có mối liên hệ với nguồn chứng cứ trước đó vẫn có thể được sử dụng nếu tại thời điểm thu thập bảo đảm trình tư, thủ tục đã được pháp luật quy định”.

Với những nội dung nêu trên thì tên của Điều 87 cũng cần phải được sửa đổi để bao hàm được tất cả quy định này. Theo đó, hoàn chỉnh như sau:

Điều 87 Nguồn chứng cứ và loại trừ chứng cứ

1.… Bổ sung

2. Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.

3. Chứng cứ được thu thập dựa trên các nguồn không hợp pháp do có sự vi phạm thủ tục tố tụng mà xét thấy ảnh hưởng trực tiếp đến nguyên tắc duy đoán vô tội sẽ không được chấp nhận.

4. Chứng cứ được thu thập một cách độc lập và không có mối liên hệ với nguồn chứng cứ trước đó vẫn có thể được sử dụng, nếu tại thời điểm thu thập đã bảo đảm trình tư, thủ tục quy định của bộ luật này”

Hai là, để bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ, đồng thời phát huy được tác dụng của quy định tại Điều 87 mà tác giả đã kiến nghị sửa đổi bổ sung nên trên thì cần cụ thể hóa quy định về trình tự thủ tục lấy lời khai, hỏi cung bị can trong bộ luật tố tụng hình sự.

Đề nghị có văn bản hướng dẫn giải thích những trường hợp nào được tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm. Theo quan điểm của tác giả, hỏi cung bị can vào ban đêm rất có thể xảy ra những hành vi tra tấn, do đó cần cụ thể hóa nội dung này. Căn cứ vào thực tế thì hỏi cung bị can trong trường hợp không thể trì hoãn được chỉ ở trong một số trường hợp cấp bách không thể trì hoãn được như: Cần thông tin nóng để truy bắt đối tượng đang bị truy nã; Kịp thời ngăn chặn các hành vi tiêu hủy chứng cứ; Ngăn chặn hành vi chuẩn bị thực hiện tội phạm có khả năng xảy ra trên thực tế hoặc đe dọa xảy ra trên thực tế. Do đó, cần phải được cụ thể hóa các trường hợp này trong văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm triển khai thực hiện được thống nhất.

Ghi âm, ghi hình có âm thanh cần phải được triển khai một cách toàn diện. Trong điều kiện chưa đủ cơ sở vật chất để tiến hành thì ít nhất mỗi vụ án phải có một buổi ghi âm, ghi hình có âm thanh. Đại diện Viện kiểm sát phải có ít nhất một buổi tổng cung để xác định sự thật khách quan của vụ án.

Cần nghiên cứu để bổ sung quy định về lấy lời khai thành một điều luật riêng biệt để thực hiện trên thực tế. Đồng thời, hướng đến việc lấy lời khai tại cơ quan điều tra, trụ sở công an xã phường, thị trấn, đồn công an; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh để bảo đảm đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢo

A. Tiếng Việt

1. Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021

2.Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; Sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

3. Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 về việc ban hành Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

4. Quyết định 1172/QĐ-TTg ngày 11/9/2019 của Chính Phủ phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

B. Tiếng Anh

5. University of Pennsylvania (1967), Fruit of the Poisonous Tree-A Plea for Relevant Criteria, P.1136; https://scholarship.law.upenn.edu/ penn_law_review/ vol115/iss7/6/

6. Silverthorne Lumber Co., Inc. v. United States, 251 U.S. 385 (1920); https://supreme.justia.com/cases/federal/us/251/385/

7. Nardone v. United States, 308 U.S. 338 (1939)

8. Stamper v. State, 662 P.2d 82, 84 (Wyo. 1983).

9.Miranda v. Arizona, 384 U.S. 436 (1966).

10. WYO. STAT. § 6-4-506(b) (1977)

11. U.S. CONST. amend. IV

12. U.S. CONST. amend. V

13. Wong Sun v.United States (1963)

14. United States v. Leon, 468 U.S. 897 (1984)

15. Nix v. Williams, 467 U.S. 431 (1984)

16. Rule 403, Federal Rules of Evidence. United States

17. Machen, the law of search and seizure 10 (1950); Maguire, evidence of guilt 215 (1959); McCormick, evidence 291 (1954); Amsterdam, Search Seizure, and Section 2255: A Comment, 112 U. PA. L. REv. 378, 388-89 (1964); Barrett, Exclusion of Evidence Obtained by Illegal Searches-A Comment on People vs. Cahan, 43 CALF. L. REV. 565, 579 (1955); Maguire, How to Unpoison the Frit -The Fourth Amendment and the Exclusionary Ride, 55 3. Crim. L., C. & P.S. 307 (1964); Traynor, Mapp v. Ohio at Large in the Fifty States, 1962 DUKE L.J. 319, 334-35

18. Панова А. В. Визнання доказів недопустимими у кримінальному провадженні: дис. … канд. юрид. наук: 12.00.09. Національний юридичний університет імені Ярослава Мудрого. Харків, 2016. 226 с.

19. Đỗ Văn Đương (2006), Chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, Nxb Tư pháp .

20. Lê Huỳnh Tấn Duy (2023), So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong Tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Khoa học xu thế phát triển của pháp luật Việt Nam về chứng cứ, chứng minh trong Tố tụng hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội.

21. Đinh Thế Hưng (2020), Về tố tụng công bằng trong tố tụng hình sự Việt Nam, Tạp chí Tòa Án, https://tapchitoaan.vn/ve-to-tung-cong-bang-trong-to-tung-hinh-su-viet-nam

22. Mai Thanh Hiếu (2023), Chứng minh theo nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Pháp và Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Khoa học xu thế phát triển của pháp luật Việt Nam về chứng cứ, chứng minh trong Tố tụng hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội.

22. Phan Thành Đông (2023), Đánh giá kết luận giám định của Giám định viên theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Tạp chí dân chủ pháp luật; https://danchuphapluat.vn/danh-gia-ket-luan-giam-dinh-cua-giam-dinh-vien-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-to-tung-hinh-su-nam-2015;

23. Lê Xuân Quang (2022), Khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can; Truy cập: https://vksnd.gialai.gov.vn/Nghien-cuu-Trao-doi/kho-khan-vuong-mac-khi-thuc-hien-quy-dinh-ghi-am-ghi-hinh-trong-hoi-cung-bi-can-1901.html

24. Nguyễn Đức Hùng (2022), Vấn đề ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can, Truy cập: https://lsvn.vn/van-de-ghi-am-ghi-hinh-viec-hoi-cung-bi-can1650557143.html.

25. Bùi Thị Thanh Thúy (2019), Không có thiết bị ghi âm, ghi hình thì không được hỏi cung; Truy cập: https://www.tapchitoaan.vn/tapchi/public/index.php/khong-co-thiet-bi-ghi-am-ghi-hinh-thi-khong-duoc-hoi-cung

26. Cù Hiền, Việc chém người trộm vịt: Ông Sáu không phạm tội; Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh; Xem https://plo.vn/phap-luat/vu-chem-nguoi-trom-vit-ong-sau-khong-pham-toi-916525.html

27. Võ Minh kỳ (2023), Học thuyết quả trên cây độc trong tư pháp hình sự Hoa kỳ và khuyến nghị cho Việt Nam, tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

* TS. Trịnh Duy Thuyên, GVC, Khoa Luật - Trường ĐH Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Duyệt đăng 19/01/2024. Email: landlink0709@gmail.com

[1] 232 U.S. 383 (1914). Private letters of the defendant were illegally seized by federal officers and were admitted in evidence against him in a subsequent federal prosecution. On appeal from the defendant's conviction, the Court concluded that if the protections of the Fourth Amendment were to be meaningful, evidence seized in violation of them must be inadmissible in prosecutions against the defendant. Id. at 393.

[2] University of Pennsylvania (1967), Fruit of the Poisonous Tree-A Plea for Relevant Criteria, P.1136; https://scholarship.law.upenn.edu/penn_law_review/vol115/iss7/6/

[3] Silverthorne Lumber Co., Inc. v. United States, 251 U.S. 385 (1920); https://supreme.justia.com/cases/federal/ us/251/385/

[4] Võ Minh kỳ (2023), Học thuyết quả trên cây độc trong tư pháp hình sự Hoa kỳ và khuyến nghị cho Việt Nam, tạp chí Nghiên cứu lập pháp

[5] Nardone v. United States, 308 U.S. 338 (1939) “In a prosecution in a federal court, evidence procured by tapping wires in violation of the Communications Act of 1934 is inadmissible. This applies not only to the intercepted conversations themselves but also, by implication, to evidence procured through the use of knowledge gained from such conversations. P. 308 U. S. 339.”

[6] Stamper v. State, 662 P.2d 82, 84 (Wyo. 1983).

[7] Miranda v. Arizona, 384 U.S. 436 (1966)“Under the Fifth Amendment, any statements that a defendant in custody makes during an interrogation are admissible as evidence at a criminal trial only if law enforcement told the defendant of the right to remain silent and the right to speak with an attorney before the interrogation started, and the rights were either exercised or waived in a knowing, voluntary, and intelligent manner

[8] WYO. STAT. § 6-4-506(b) (1977) provides: With a dangerous weapon. Whoever, while armed with a dangerous or deadly weapon, including an unloaded firearm, maliciously perpetrates an assault or an assault and battery upon any human being, shall be fined not more than one thousand dollars ($1,000.00), or be imprisoned in the penitentiary not more than fourteen (14) years, or both. (Current version at Wyo. STAT. § 6-2-502 (1977))

[9] U.S. CONST. amend. IV, provides: The right of the people to be secure in their persons, houses, papers and effects, against unreasonable searches and seizures, shall not be violated, and no Warrants shall issue, but upon probable cause, supported by oath or affirmation, and particularly describing the place to be searched, and the persons or things to be seized

[10] U.S. CONST. amend. V, provides: No person shall be... subject for the same offense to be twice put in jeopardy of life or limb; nor shall he be compelled in any criminal case to be a witness against himself, nor be deprived of life, liberty or property, without due process of law; nor shall private property be taken for public use, without just compensation.

[11] Id. The lesser included offense instruction was not warranted because the only evidence with respect to a deadly weapon was the boots and the boots were never properly con- nected with the defendant. This meant that the prosecution never produced a deadly weapon and so there was no proper way to convict Stamper of a crime which necessitated a deadly weapon. See supra note 5.

[12] Võ Minh kỳ (2023), Học thuyết quả trên cây độc trong tư pháp hình sự Hoa kỳ và khuyến nghị cho Việt Nam, tạp chí Nghiên cứu lập pháp; số 477; Tr 48.

[13] Stamper v. State, 662 P.2d 82, 84 (Wyo. 1983)

[14] Stamper v. State, 662 P.2d 82, 479 (Wyo. 1983)

[15] Read Rule 403, Federal Rules of Evidence. United States “Relevant evidence is admissible unless any of the following provides otherwise: the United States Constitution; a federal statute; these rules; or other rules prescribed by the Supreme Court. Irrelevant evidence is not admissible.”

[16] Read Rule 403, Federal Rules of Evidence. United States “The court may exclude relevant evidence if its probative value is substantially outweighed by a danger of one or more of the following: unfair prejudice, confusing the issues, misleading the jury, undue delay, wasting time, or needlessly presenting cumulative evidence.”

[17] Machen, the law of search and seizure 10 (1950); Maguire, evidence of guilt 215 (1959); McCormick, evidence 291 (1954); Amsterdam, Search Seizure, and Section 2255: A Comment, 112 U. PA. L. REv. 378, 388-89 (1964); Barrett, Exclusion of Evidence Obtained by Illegal Searches-A Comment on People vs. Cahan, 43 CALF. L. REV. 565, 579 (1955); Maguire, How to Unpoison the Frit -The Fourth Amendment and the Exclusionary Ride, 55 3. Crim. L., C. & P.S. 307 (1964); Traynor, Mapp v. Ohio at Large in the Fifty States, 1962 DUKE L.J. 319, 334-35

[18] Đỗ Văn Đương (2006), Chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, Nxb Tư pháp, Tr.51;

Lê Huỳnh Tấn Duy (2023), So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong Tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Khoa học xu thế phát triển của pháp luật Việt Nam về chứng cứ, chứng minh trong Tố tụng hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội, Tr. 151-155.

[19] Xem Điều 285 BLHS năm 2015, sủa đổi bổ sung năm 2017.

[20] Xem Điều 375 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

[21] Xem khoản 2 Điều 87 BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021.

[22] Đinh Thế Hưng (2020), Về tố tụng công bằng trong tố tụng hình sự Việt Nam, Tạp chí Tòa Án, https://tapchitoaan.vn/ve-to-tung-cong-bang-trong-to-tung-hinh-su-viet-nam; truy cập: 11h36 ngày 14/10/2023

[23] Xem Khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021.

[24] Mai Thanh Hiếu (2023), Chứng minh theo nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Pháp và Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Khoa học xu thế phát triển của pháp luật Việt Nam về chứng cứ, chứng minh trong Tố tụng hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội, Tr. 177

Phan Thành Đông (2023), Đánh giá kết luận giám định của Giám định viên theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Tạp chí dân chủ pháp luật; https://danchuphapluat.vn/danh-gia-ket-luan-giam-dinh-cua-giam-dinh-vien-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-to-tung-hinh-su-nam-2015; Truy cập ngày 5/9/2023.

[25] Khoản 1 Điều 198 BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021.

[26] Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 về việc ban hành Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1172/QĐ-TTg ngày 11/9/2019 phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, theo đó, chậm nhất đến ngày 01/01/2020 thì thực hiện thống nhất ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

[27] Lê Xuân Quang (2022), Khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can; Truy cập: https://vksnd.gialai.gov.vn/Nghien-cuu-Trao-doi/kho-khan-vuong-mac-khi-thuc-hien-quy-dinh-ghi-am-ghi-hinh-trong-hoi-cung-bi-can-1901.html; ngày 16/10/2023.

[28] Nguyễn Đức Hùng (2022), Vấn đề ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can, Truy cập: https://lsvn.vn/van-de-ghi-am-ghi-hinh-viec-hoi-cung-bi-can1650557143.html; ngày 16/10/2023.

Bùi Thị Thanh Thúy (2019), Không có thiết bị ghi âm, ghi hình thì không được hỏi cung; Truy cập: https://www.tapchitoaan.vn/tapchi/public/index.php/khong-co-thiet-bi-ghi-am-ghi-hinh-thi-khong-duoc-hoi-cung; ngày 16/10/2023.

[29] Quan điểm này là tổng hợp kết quả phỏng vấn đối với Điều tra viên đang công tác tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

[30] Kết luận điều tra số 09/KLĐT-PC44 ngày 27/11/2015 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận.

[31] Cù Hiền, Việc chém người trộm vịt: Ông Sáu không phạm tội; Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh; Xem https://plo.vn/phap-luat/vu-chem-nguoi-trom-vit-ong-sau-khong-pham-toi-916525.html

[32] Khoản 3 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015,sửa đổi bổ sung năm 2021.

[33] Wong Sun v.United States (1963)

[34] United States v. Leon, 468 U.S. 897 (1984) “Acting on the basis of information from a confidential informant, officers of the Burbank, Cal., Police Department initiated a drug-trafficking investigation involving surveillance of respondents' activities. Based on an affidavit summarizing the police officers' observations, Officer Rombach prepared an application for a warrant to search three residences and respondents' automobiles for an extensive list of items. The application w as reviewed by several Deputy District Attorneys, and a facially valid search warrant was issued by a state court judge. Ensuing searches produced large quantities of drugs and other evidence. Respondents were indicted for federal drug offenses, and filed motions to suppress the evidence seized pursuant to the warrant. After an evidentiary hearing, the District Court granted the motions in part, concluding that the affidavit was insufficient to establish probable cause. Although recognizing that Officer Rombach had acted in good faith, the court rejected the Government's suggestion that the Fourth Amendment exclusionary rule should not apply where evidence is seized in reasonable, good faith reliance on a search warrant. The Court of Appeals affirmed, also refusing the Government's invitation to recognize a good faith exception to the rule. The Government's petition for certiorari presented only the question whether a good faith exception to the exclusionary rule should be recognized.

Nix v. Williams, 467 U.S. 431 (1984) “Following the disappearance of a 10-year-old girl in Des Moines, Iowa, respondent was arrested and arraigned in Davenport, Iowa. The police informed respondent's counsel that they would drive respondent back to Des Moines without questioning him, but during the trip one of the officers began a conversation with respondent that ultimately resulted in his making incriminating statements and directing the officers to the child's body. A systematic search of the area that was being conducted with the aid of 200 volunteers, and that had been initiated before respondent made the incriminating statements, was terminated when respondent guided police to the body. Before trial in an Iowa state court for first-degree murder, the court denied respondent's motion to suppress evidence of the body and all related evidence, including the body's condition as shown by an autopsy, respondent having contended that such evidence was the fruit of his illegally obtained statements made during the automobile ride. Respondent was convicted, and the Iowa Supreme Court affirmed, but later federal court habeas corpus proceedings ultimately resulted in this Court's holding that the police had obtained respondent's incriminating statements through interrogation in violation of his Sixth Amendment right to counsel. Brewer v. Williams, 430 U. S. 387. However, it was noted that, even though the statements could not be admitted at a seco

Cùng chuyên mục

TikTok đối mặt với thách thức pháp lý căng thẳng tại tòa án Mỹ

TikTok đối mặt với thách thức pháp lý căng thẳng tại tòa án Mỹ

Pháp luật quốc tế -  18 giờ trước

(PLPT) - Luật sư của TikTok và công ty ByteDance đã đối diện với những câu hỏi gay gắt từ tòa án phúc thẩm Mỹ vào ngày 16/9, trong nỗ lực ngăn chặn đạo luật cấm ứng dụng video ngắn này tại Mỹ. Vụ việc đang thu hút sự chú ý lớn khi ứng dụng TikTok, với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, đối mặt với nguy cơ bị cấm hoàn toàn vào tháng 1/2025.

Vụ ám sát hụt ông Trump tại Florida: FBI điều tra kế hoạch tinh vi

Vụ ám sát hụt ông Trump tại Florida: FBI điều tra kế hoạch tinh vi

Pháp luật quốc tế -  2 ngày trước

(PLPT) - Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra một âm mưu ám sát hụt nhằm vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân golf ở hạt Palm Beach, bang Florida. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về an ninh của ông Trump trong bối cảnh ông đang tái tranh cử vào năm 2024.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Những nhân vật “quyền lực” sau khoản tiền quyên góp

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Những nhân vật “quyền lực” sau khoản tiền quyên góp

Pháp luật quốc tế -  1 tuần trước

Mùa bầu cử Tổng thống Mỹ bước sang giai đoạn nước rút với sự so kè sít sao của 2 ứng viên Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald J. Trump. Khả năng vận động tài trợ được coi là một trong những yếu tố then chốt quyết định thắng lợi của các ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Mông Cổ giải thích vì sao không bắt Tổng thống Putin theo lệnh ICC

Mông Cổ giải thích vì sao không bắt Tổng thống Putin theo lệnh ICC

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

(PLPT) - Mông Cổ đã nêu rõ lý do không bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, giải thích rằng Ulaanbaatar duy trì chính sách trung lập và phụ thuộc các nước láng giềng về năng lượng.

Thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Phần Lan: Kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra

Thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Phần Lan: Kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Kỷ niệm 85 năm ngày nổ ra Thế chiến II: Khẳng định giá trị của hòa bình

Kỷ niệm 85 năm ngày nổ ra Thế chiến II: Khẳng định giá trị của hòa bình

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Theo Đài phát thanh Ba Lan, ngày 1-9, lễ tưởng niệm 85 năm ngày nổ ra Thế chiến II sẽ được tổ chức nhiều nơi ở Ba Lan, để nhắc nhở người dân Ba Lan và thế giới về giá trị của hòa bình.

Đối ngoại đảng và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng chính trị ở Ấn Độ

Đối ngoại đảng và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng chính trị ở Ấn Độ

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Trong những năm qua, công tác đối ngoại của Đảng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên cơ sở không ngừng tăng cường quan hệ với các chính đảng trên thế giới cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trong đó có các đảng chính trị ở Ấn Độ.

Hội nhập trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á - Âu từ sau cuộc xung đột Nga - U-crai-na và tác động đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu

Hội nhập trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á - Âu từ sau cuộc xung đột Nga - U-crai-na và tác động đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Đọc nhiều