Khởi tố nhóm đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi buôn lậu thuốc lá qua mạng
Yến Nhi
Thứ năm, 26/12/2024 - 11:27
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Nhóm đối tượng buôn lậu hơn 30.000 bao thuốc lá bằng cách xé lẻ hàng, gửi qua chuyển phát nhanh đến nhiều bưu cục, sau đó sử dụng tên giả, số điện thoại ảo và thanh toán qua cây ATM để tránh bị phát hiện. Buôn bán thuốc lá lậu bị xử lý như thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Nhóm đối tượng buôn bán hơn 30.000 bao thuốc lá nhập lậu
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 3 đối tượng về hành vi buôn bán hàng cấm là 30.880 bao thuốc lá điếu nhập lậu.[1]
Các bị can gồm Nguyễn Trung Lập (SN 1978, trú tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả); Bùi Xuân Trường (SN 1998, trú tại xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên); Nguyễn Thị Mai (SN 1980, trú tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả).
Qua công tác nghiệp vụ, vào 9h20 ngày 16/12, tại khu vực phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, Phòng Cảnh sát kinh tế bắt quả tang Nguyễn Trung Lập điều khiển xe mô tô, vận chuyển 1.500 bao thuốc lá, nhãn hiệu Hero từ Bưu cục Quang Hanh về cất giấu.
Cùng ngày, Phòng Cảnh sát kinh tế cũng đã giữ Bùi Xuân Trường khi đối tượng này đang điều khiển xe mô tô, vận chuyển 1.000 bao thuốc lá, nhãn hiệu EsseChange và Richmond tại Bưu cục Bãi Cháy.
Ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Ninh vận động Nguyễn Thị Mai ra đầu thú, khai nhận về hành vi cùng với Nguyễn Trung Lập buôn bán hàng cấm.
Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở và địa điểm cất giấu hàng của Nguyễn Trung Lập, Bùi Xuân Trường, Nguyễn Thị Mai, Cơ quan điều tra thu giữ tổng số 28.380 bao thuốc lá các loại và một số đồ vật, tài liệu có liên quan.
Các đối tượng khai nhận số thuốc lá trên được Bùi Xuân Trường đặt mua qua mạng xã hội Facebook, lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh để xé lẻ, gửi về nhiều bưu cục vào các ngày khác nhau, ghi tên nhiều người nhận, sử dụng các số điện thoại để nhận hàng, thanh toán bằng hình thức chuyển tiền mặt qua các cây ATM để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra vụ án, xử lý nghiêm theo quy định.
Triệt phá đường dây buôn lậu thuốc lá, thu giữ hơn 139.000 bao thuốc lá nước ngoài
Ngày 25/12, cơ quan CSĐT công an huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã khởi tố vụ án "Tàng trữ hàng cấm", khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Trực (SN 1986, ở xã Vân Hà, huyện Đông Anh) và Li ZhiZhi (SN 1982, quốc tịch Trung Quốc).[2]
Trước đó, Tổ công tác Công an huyện Đông Anh phát hiện các đối tượng gồm: Trực, Li ZhiZhi, Đỗ Văn Cao (SN 1993, trú tại Vân Hà, Đông Anh, chủ xe ô tô BKS 29D-238.54) và Vũ Mạnh Lộc (SN 1997, trú tại Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội, lái xe tải BKS 29C-498.37) đang chuyển hàng hóa từ xe ô tô tải BKS 29C – 498.37 sang xe ô tô BKS 29D – 238.54 có biểu hiện nghi vấn, tại khu vực Khu công nghiệp Hà Khê nên tiến hành kiểm tra.
Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe ô tô BKS 29D-238.54 có 100 thùng giấy bên trong mỗi thùng có 50 cây thuốc lá (mỗi cây chứa 10 bao). Tổng số thuốc lá thu giữ 50.000 bao thuốc lá nhãn hiệu "MANCHESTER" do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Quá trình đấu tranh xác định, ngoài số hàng hóa nêu trên, Li Zhizhi và Nguyễn Văn Trực còn cất giấu một số lượng lớn hàng hóa tại kho hàng ở Đông Anh, Hà Nội.
Công an huyện Đông Anh đã tiến hành khám xét khẩn cấp địa điểm là kho chứa hàng của Nguyễn Văn Trực tại thôn Đình Tràng, Dục Tú, Đông Anh. Kết quả phát hiện, tạm giữ 42.480 bao thuốc lá nhãn hiệu "MARLBORO", 45.900 bao thuốc lá nhãn hiệu "CHUNGHWA", 1.260 bao thuốc lá nhãn hiệu "MANCHESTER".
Theo cơ quan công an, tổng số thuốc lá thu giữ trong vụ việc 139.640 bao.
Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Giả mạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá
Vào hồi giữa tháng 11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, đã phối hợp với Công an huyện Gò Dầu và Công an thị xã Trảng Bàng triệt phá đường dây vận chuyển thuốc lá lậu quy mô lớn với thủ đoạn tinh vi từ Campuchia về Việt Nam.[3]
Cơ quan điều tra đã bắt giữ Trần Ngọc Hải (SN 1987, ngụ Bình Thuận), Nguyễn Thành Việt (SN 1984, ngụ Long An), Nguyễn Thị Hồng (SN 1976) và Huỳnh Văn Linh (SN 1994, cùng ngụ Tây Ninh). Cơ quan Công an thu giữ tang vật khoảng 50.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại, 1 xe ô tô, 2 điện thoại di động và nhiều vật chứng khác có liên quan.
Trước đó, trinh sát PC03 phối hợp Công an huyện Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng ập vào Bưu Cục chuyển phát nhanh, chi nhánh huyện Gò Dầu, bắt quả tang Hải lái ôtô chở 18 thùng carton đựng đầy thuốc lá lậu, còn Việt đi xe máy chở 2 thùng. Một tổ công tác khác kiểm tra phát hiện tại trạm gửi hàng còn 19 thùng khác.
Tổng cộng các thùng giấy chứa gần 15.000 cây thuốc lá lậu. Hải, Việt khai số hàng được một người (chưa rõ lai lịch) ở Long An thuê vận chuyển từ xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, đến bưu cục tại huyện Gò Dầu để gửi đi các tỉnh thành.
Người này hướng dẫn Việt, Hải, tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử Lazada, sàn Bambooship, tạo các đơn vận chuyển "sản phẩm linh kiện điện tử". Bên trong mỗi kiện hàng, nhóm này nhét đầy các cây thuốc lá lậu, gửi đi các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng...
Mở rộng điều tra, cảnh sát bắt thêm 2 đồng phạm trong nhóm này.
Cơ quan điều tra đã yêu cầu bưu cục thu hồi 74 kiện hàng vừa chuyển đi giao cho 30 điểm tập kết ở miền Trung và miền Bắc, bên trong có gần 35.000 cây thuốc lá lậu.
Cơ quan điều tra xác định thông qua các gian hàng, mỗi ngày đường dây này gửi 30-70 thùng hàng hóa, ước tính chứa hàng chục nghìn bao thuốc lá lậu. Đây là lượng thuốc lá lậu lớn nhất từ trước đến nay mà Công an tỉnh Tây Ninh khám phá.
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi buôn lậu thuốc lá như thế nào?
Đối với cá nhân
Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm như sau:
"Hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao (1 bao = 20 điếu, đối với thuốc lá xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu được quy đổi 20g = 1 bao);"
Điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm như sau:
"Hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 50 bao đến dưới 100 bao;"
Điểm b Khoản 3 Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm như sau:
"Hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 100 bao đến dưới 300 bao;"
Điểm b Khoản 4 Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm như sau:
"Hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 300 bao đến dưới 500 bao;"
Điểm b Khoản 5 Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm như sau:
"Hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao đến dưới 1.000 bao;"
Điểm b Khoản 6 Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm như sau:
"Hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.000 bao đến dưới 1.200 bao;"
Điểm b Khoản 7 Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm như sau:
"Hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm
7. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.200 bao đến dưới 1.500 bao;"
Điểm b Khoản 8 Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm như sau:
"Hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm
8. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên;"[4]
Theo đó, mức phạt tiền dành cho cá nhân có hành vi buôn lậu thuốc lá sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 50 bao đến dưới 100 bao bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 100 bao đến dưới 300 bao bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 300 bao đến dưới 500 bao bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao đến dưới 1.000 bao bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.000 bao đến dưới 1.200 bao bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng ;
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.200 bao đến dưới 1.500 bao bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng ;
- Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
Đối với tổ chức
Theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
"Mức phạt tiền:
a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân."[5]
Theo quy định trên, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn lậu thuốc lá do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Buôn bán thuốc lá lậu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nêu rõ mức xử phạt như sau:
"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.”;
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;”.
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm."[6]
Như vậy, theo quy định trên, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu tùy thuộc số lượng mà có mức hình phạt khác nhau nhưng nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm bị phạt tù mấy năm?
Căn cứ theo Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, cụ thể như sau:
"Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm."[7]
Như vậy, người nào có hành vi vận chuyển hàng cấm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.
Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt dộng vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
[1] Báo An ninh Thủ đô, Khởi tố nhóm đối tượng buôn bán 30.880 bao thuốc lá nhập lậu, (15h52 ngày 25/12/2024), https://www.anninhthudo.vn/khoi-to-nhom-doi-tuong-buon-ban-30880-bao-thuoc-la-nhap-lau-post599413.antd
[2] Đức Trí, Triệt phá đường dây vận chuyển hàng cấm, thu giữ gần 140 nghìn bao thuốc lá nhập lậu, Báo An ninh Thủ đô, (14h42 ngày 25/12/2024), https://www.anninhthudo.vn/triet-pha-duong-day-van-chuyen-hang-cam-thu-giu-gan-140-nghin-bao-thuoc-la-nhap-lau-post599388.antd
[3] Công an tỉnh Tây Ninh, Công an Tây Ninh: Triệt xóa nhóm vận chuyển thuốc lá lậu quy mô lớn, (16h30 ngày 27/11/2024), https://congan.tayninh.gov.vn/vi/news/tin-tuc/cong-an-tay-ninh-triet-xoa-nhom-van-chuyen-thuoc-la-lau-quy-mo-lon-1069.html
[4] Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương
mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[5] Khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả.
[6] Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
[7] Điều 191 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Nam thanh niên ở Đà Nẵng sử dụng dữ liệu hình ảnh, video clip "nóng" từ camera bị hack của nhiều gia đình, sau đó lập tài khoản ảo đe dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để giữ bí mật, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
(PLPT) - Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vừa triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.
(PLPT) - Công an tỉnh Cao Bằng vừa phát hiện và thu giữ 606,2 kg pháo nổ nhập lậu đang được các đối tượng vận chuyển đến điểm tập kết. Hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Từ ngày 01/01/2025, người điều khiển xe máy có hành vi dừng đèn đỏ quá vạch sơn gây ra tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
(PLPT) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
(PLPT) - Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định 14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe. Phạt đến 1 triệu đồng khi dừng, đỗ xe ô tô quá gần xe đỗ ngược chiều.