Nghiên cứu lý luận

Kinh tế báo chí có bị ảnh hưởng khi báo chí mất dần vị thế "độc quyền tin tức" trong thời đại số?

Nguyễn Thị Hằng Thu/ Diễn đàn báo chí và chuyển đổi số Thứ năm, 25/07/2024 - 14:51
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam hiện đang gặp nhiều vấn đề phức tạp và nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Dù báo chí và các nhà hoạch định chính sách đã thảo luận về nhiều định hướng và giải pháp, bài toán này vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Thuật ngữ "kinh tế báo chí"

Theo PGS, TS. Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, kinh tế báo chí là một ngành kinh tế khá đặc biệt. Những sản phẩm báo chí là một sản phẩm hàng hóa rất đặc biệt và nếu đặt trong cơ chế thị trường cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy luật của thị trường. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động kinh tế đến đối tượng khách hàng.

Theo quan niệm này, khi nói đến kinh tế báo chí, có nghĩa là nói đến loại hình kinh tế thuộc về lĩnh vực báo chí, trong đó, mỗi cơ quan báo chí được xem là một doanh nghiệp đặc biệt, có hoạt động sản xuất ra một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt và các loại dịch vụ khác, với kế hoạch tính đến đầu vào - đầu ra của sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh thu của sản phẩm có lỗ - lãi...

Trong một công trình nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế báo chí, tác giả Bùi Chí Trung dựa trên nền tảng lý luận kinh tế chính trị mác-xít, căn cứ vào vai trò và chức năng của báo chí, đặc điểm đặc thù của mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm báo chí trên thị trường, đã đưa ra định nghĩa về kinh tế báo chí: "Kinh tế báo chí là hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí trong quá trình sử dụng con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính... để đi đến hiệu quả tối đa mà các cơ quan báo chí nói riêng và công nghiệp truyền thông nói chung có thể đạt được". Trong tham luận này, tôi sử dụng định nghĩa "kinh tế báo chí" của tác giả Bùi Chí Trung.

Báo chí mất dần vị thế "độc quyền tin tức" trong thời đại số

Trước những năm 90/TK20, khi chưa phát minh ra w.w.w., báo chí (gồm: báo in, phát thanh, truyền hình) với hai chức năng bản thể là "thông tin" và "giao tiếp xã hội" đã có thể chiếm vị thế "độc quyền" cung cấp tin tức cho công chúng qua các phương tiện là tờ báo in, radio và tivi. Muốn biết tin tức, công chúng phải mua tờ báo in để đọc, nghe radio, xem tivi. Nhờ đó mà cơ quan báo chí có thể thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn tự do ngôn luận của nhân dân, mà vẫn có thể làm kinh tế hiệu quả, có được "nguồn thu phụ" từ thị phần bán tờ báo in, từ nội dung thương mại, quảng cáo, từ các loại dịch vụ giải trí,... bên cạnh "nguồn thu chính" là từ ngân sách của Nhà nước cung cấp hàng năm.

Tuy nhiên, khi Internet mở rộng toàn cầu và w.w.w. là nền tảng chính để báo điện tử và truyền thông xã hội phát triển, thì cuộc cạnh tranh thông tin giữa báo chí chính thống và truyền thông xã hội trở nên gay gắt. Báo chí không còn vị thế "độc quyền tin tức" như trong TK20, bởi "công chúng thời đại số" đã dần thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin từ đọc báo in, nghe radio, xem ti vi, sang tiếp nhận thông tin chủ yếu từ báo điện tử, trang tin trực tuyến, mạng xã hội (MXH), như: TIKTOK, Facebook,... bằng cách thức giao tiếp "chạm" vào điện thoại thông minh, hoặc máy tính bảng,... Để diễn giải cho điều này, tôi muốn lấy một ví dụ.

Năm 2021, trong một nghiên cứu của chúng tôi (kết quả từ ý kiến của 1.050 người có trả lời phỏng vấn anket = 100%), cho thấy mức độ công chúng tiếp nhận thông tin từ báo chí so với MXH có sự chênh lệch đáng kể: 47,71% người đọc báo in (so với năm 1997: 98%); phát thanh (chủ yếu nghe trên ô tô): 23,71% (năm 1997: 87%); truyền hình: 69,24% (năm 1997: 97%); báo điện tử: 85,9%; MXH: 91,14%1. Rõ ràng là thị phần công chúng của báo chí đã sụt giảm đáng kể so với TK20. Quảng cáo trên báo chí cũng bị thu hẹp, bởi các doanh nghiệp đều có thể quảng cáo trên trang thông tin điện tử của mình,... Mặt khác, Nhà nước gần như đã xóa bỏ "bao cấp" về tài chính đối với hầu hết các cơ quan báo chí (tuy không xóa bỏ hoàn toàn, bởi hàng năm Nhà nước vẫn đầu tư tài chính cho các cơ quan báo chí để trang bị vật chất, máy móc tiên tiến, kỹ thuật số hiện đại,...). Chính vì vậy, vấn đề làm kinh tế để "tự chủ tài chính" của các cơ quan báo chí có thể cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong thời dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Cơ quan báo chí - "doanh nghiệp đa năng" trong thời đại số

Dù gọi theo cách nào, "tập đoàn báo chí", hay "cơ quan báo chí hội tụ", hay "doanh nghiệp báo chí",... thì cũng đều có thể hiểu là một cơ quan báo chí trước đây chỉ làm một loại hình báo chí, có thể là báo in, hay truyền hình, hay phát thanh,... thì bây giờ cơ quan báo chí ấy đã phát triển thành đa loại hình, có đủ báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và các hoạt động khác, với việc thành lập trong lòng cơ quan báo chí các đơn vị mới, như: nhà xuất bản; xưởng phim; trung tâm đào tạo về báo chí - truyền thông; công ty truyền thông, công ty dịch vụ, hoặc liên kết sản xuất, tổ chức sự kiện,... với các cơ quan, đơn vị bên ngoài, tuy nhiên, cơ quan báo chí đứng tên chủ là người nắm vai trò chủ đạo, chi phối bao trùm lên toàn bộ hoạt động của các cơ quan đơn vị khác trong lòng cơ quan báo chí đó. Xu hướng sản xuất “nội dung thông tin số" là chủ đạo bên cạnh các dịch vụ khác. Ví dụ: Đài truyền hình Việt Nam (VTV) ngoài các kênh chủ của mình, báo điện tử; báo và tạp chí in; các trung tâm sản xuất phim, nhà hát truyền hình, đào tạo, quảng cáo trực tuyến,... còn liên kết sản xuất, hoặc phát sóng sản phẩm của các đơn vị, công ty truyền thông bên ngoài trên sóng VTV. Nguồn thu từ các hoạt động này rất lớn, có thể hơn nhiềulần hoạt động sản xuất tin tức thời sự. Từ nguồn thu này có thể sử dụng để đầu tư trở lại cho con người, hoặc cơ sở vật chất,.... nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm, làm tăng uy tín và "thương hiệu" của cơ quan báo chí - truyền thông (hay tập đoàn báo chí - truyền thông).

Có thể thấy, công nghệ số đã tạo nền tảng mới, kích thích báo chí phát triển và làm kinh tế hiệu quả trong một môi trường mở, một không gian vô tận, với cách thức giao tiếp trực tuyến không biên giới, tức thời và hiện đại. Việc điều tra nhu cầu tiêu dùng sản phẩm báo chí - truyền thông, hoặc thuyết phục công chúng để mở rộng thị phần bán sản phẩm qua phương thức online cũng thuận lợi, không quá tốn kém và mất nhiều thời gian như trước. Rõ ràng là trong thời đại số, kinh tế báo chí không hề sụt giảm, mà còn tăng đáng kể từ việc mở rộng nguồn thu.

Cơ chế chính sách về kinh tế báo chí truyền thông

Hoạt động kinh tế luôn phức tạp, đặc biệt đối với kinh tế báo chí. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị đặc thù của một cơ quan báo chí, hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí không thể đơn thuần (đầu vào - đầu ra, lỗ - lãi) như các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xã hội khác. Đặc biệt, khi cơ quan báo chí hội tụ, có nhiều đơn vị có những hoạt động khác nhau, việc quản lý và phân phối tài chính sẽ phức tạp, rất dễ mâu thuẫn. Nếu không quản trị đúng hướng, hoạt động kinh tế rất dễ dẫn đến tình trạng "thương mại hóa", xa rời tôn chỉ, mục đích của một cơ quan báo chí. Tất nhiên, trong quá trình hoạt động kinh tế, các bộ phận hoặc các đơn vị mới hoạt động kém hiệu quả, cơ quan báo chí có thể giải tán những đơn vị này, hoặc thành lập thêm đơn vị mới để làm kinh tế khi có cơ hội.

Để hoạt động kinh tế báo chí có hiệu quả, có nguồn thu dồi dào để phục vụ tái sản xuất và nộp thuế cho Nhà nước, ngoài việc đội ngũ lãnh đạo có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi "ngang tầm nhiệm vụ", đội ngũ nhân viên năng động, sáng tạo, cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại, thì cũng rất cần có cơ chế chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền báo chí Việt Nam. Luật pháp về báo chí truyền thông có nội dung vừa khái quát, vừa cụ thể, mang tính khoa học, hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới để làm cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí truyền thông đúng hướng, đúng luật pháp và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

1. VnEconmy.vn, ngày 28/6/2023.

2. Bùi Chı́ Trung, (2017), Kinh tế báo chí, (Sách chuyên khảo), Nxb Chı́nh trị quốc gia - Sự thật, HN, tr.15.

3. Số liệu năm 2021 là dẫn theo: Nguyễn Thị Hằng Thu, (2021), “Giáo trình Tác phẩm báo in”, Đề tài khoa học Cấp Học viện BC&TT, HN, Phần Phụ lục 1; Số liệu năm 1997 là dẫn theo: Tạ Ngọc Tấn, (1997-1998, "Tác động của báo chí đối với việc xây dựng lối sống tích cực của thanh niên sinh viên hiện nay", Đề tài khoa học Cấp Bộ, Kỷ yếu, Phân viện BC&TT, HN, tr.95.

Cùng chuyên mục

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  3 tháng trước

Đọc nhiều