Kinh tế báo chí truyền thông số
Có rất nhiều khái niệm cũng như cách tiếp cận khác nhau về chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực này. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một khái niệm: "Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin (CNTT) với sự xuất hiện của một số công nghệ mang tính đột phá của cách mạng công nghệ 4.0. CNTT là nói tới phần mềm, máy tính, thường là riêng lẻ, tự động hóa những việc đang được làm một cách thủ công. Chuyển đổi số là nói đến các công nghệ mới của cách mạng công nghệ 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Chuỗi khối, Internet vạn vật…".
Bộ trưởng cũng cho rằng: "Người dùng đóng vai trò quan trọng hơn là người sáng tạo công nghệ gốc, vì vậy, câu chuyện chính của cách mạng công nghệ 4.0, của chuyển đổi số là có muốn hay không, có dám hay không chứ không phải là có khả năng hay không. Trước hết, phải bắt đầu từ nhận thức, quyết tâm của người đứng đầu trong việc dẫn dắt chuyển đổi số”. Vì thế, kinh tế báo chí là một nhu cầu tất yếu của xã hội, mang lại nguồn lực phát triển cho hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của người làm báo.
Đối với các cơ quan báo chí trong xu thế chuyển đổi số thì bên cạnh nhiệm vụ chính là nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin, chính trị thì cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động, phát triển của thời đại công nghệ. Chuyển đổi số thành công cần phải có công nghệ, giải pháp, có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí. Sự liên kết này tạo ra sức mạnh, giúp cho các cơ quan báo chí tồn tại, phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và thế giới.
Nhờ chuyển đổi số, báo chí điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện cùng lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có sự giới hạn về dung lượng như báo in, thời lượng phát sóng như phát thanh hay truyền hình. Tận dụng những lợi thế về công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã nhanh chân xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.
Bên cạnh đó, việc sản xuất nội dung chất lượng cao, sản phẩm dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí được thuận lợi. Những sản phẩm báo chí mới tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, như phỏng vấn trực tuyến, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo. Như vậy, kinh tế truyền thông số đã tiệm cận dần với khái niệm mà từ trước tới nay ít được nhắc tới: Đó là kinh tế báo chí số.
Báo điện tử là một ngành kinh tế truyền thông số
Các tập đoàn truyền thông đang phát triển ngày càng mạnh mẽ góp phần đưa truyền thông trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ nhu cầu giải trí, thông tin... của công chúng. Người ta cho rằng, các cơ quan truyền thông đại chúng đều là cơ quan của Đảng, của Nhà nước, là công cụ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, có trách nhiệm tuyên truyền, định hướng của Đảng, Nhà nước và đoàn thể đến người dân. Thông tin, sản phẩmchủ yếu của ngành truyền thông đã và đang được coi là một thứ hàng hoá, có thể là một loại hàng hoá đặc biệt, nhưng vẫn có đầy đủ thuộc tính của một loại hàng hoá. Nghĩa là có một cộng đồng người sản xuất ra nhưng không phải để tự phục vụ mà để đáp ứng nhu cầu xã hội và có thể trao đổi, mua bán.
Thông tin trở thành một trong những "nhu yếu phẩm" không thể thiếu được trong xã hội hiện đại. Người ta cần rất nhiều loại thông tin: thông tin chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá giải trí... và sẵn sàng trả tiền để được đáp ứng nhu cầu này. Nắm bắt nhu cầu đó, tại các nước phát triển,người ta đầu tư rất lớn cho ngành công nghiệp truyền thông. Truyền thông từ lâu đã trở thành một ngành kinh tế cực kỳ quan trọng với doanh số hàng năm lên tới cả trăm tỉ USD và vẫn đang trên đà phát triển rất mạnh. Có quốc gia truyền thông hoàn toàn nằm trong tay Nhà nước, có quốc gia truyền thông lại hoàn toàn là do tư nhân nắm giữ, nhưng cũng có nhiều nước áp dụng mô hình pha trộn. Chính quyền muốn thông tin đến người dân những quan điểm, chính sách của mình cũng phải chi những khoản tiền không nhỏ.
Có thể thấy rằng, truyền thông ở phương Tây hay báo chí ở Việt Nam không chỉ là thị trường mà đã được thừa nhận là một ngành kinh tế, thậm chí ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh số hóa nền kinh tế của các quốc gia. Đã là ngành kinh tế, tất yếu phải có sự cạnh tranh. Chính sự cạnh tranh lành mạnh sẽ nâng chất lượng của truyền thông số lên rất nhiều. Khi phải tự hạch toán, muốn đảm bảo hoạt động thì mỗi cơ quan sẽ phải năng động tìm cách bán được sản phẩm, phải cạnh tranh theo đúng quy luật của thị trường. Họ sẽ phải thuyết phục được công chúng rằng sản phẩm của họ tốt, nhờ thế giá trị của tuyên truyền - giáo dục - định hướng cũng sẽ cao lên.
Ở Việt Nam, những năm gần đây, kinh tế truyền thông số phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, công chúng chưa hài lòng về các sản phẩm dành cho họ. Chính những nhu cầu này của thị trường đã tạo ra một khả năng, một động lực lớn cho các tập đoàn truyền thông ở Việt Nam hình thành và phát triển. Các cơ quan báo chí cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số vàhòa theo sự phát triển của kinh tế báo chí số để tồn tại và tìm cách chuyên nghiệp hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển trong bối cảnh mới.
Truyền thông trong bối cảnh số hóa nền kinh tế 4.0 cũng trở thành một ngành quan trọng của một quốc gia, giải quyết công ăn việc làm và tạo ra giá trị cho nền kinh tế. Nói một cách khác, đó là ngành kinh tế truyền thông số hay kinh tế báo chí số cũng và cũng là công cụ giúp cho người tiêu dùng phản ánh về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các nhà sản xuất một cách kịp thời và nhanh chóng. Sự xâm nhập của báo chí, truyền thông số vào nền kinh tế đã tạo nênmột ngành kinh tế truyền thông số.
Chuyển đổi số trong báo chí
Chúng ta không thể phủ nhận sự cần thiết chuyển đổi số trong báo chí, báo chí là một dạng truyền thông "sắc bén" nhất, chuyển đổi số trong báo chí trong nằm ở vấn đề công nghệ mà xuất phát từ con người, tư duy và tự thân của các cơ quan báo chí phải nhận thức được sự cấp thiết và không làm theo trào lưu. Theo các chuyên gia, nếu báo chí trì trệ quá trình chuyển đổi số là nguy cơ khiến các cơ quan báo chí sẽ không kết nối được với độc giả, mất độc giả, mất nguồn thu. Chuyển đổi số là "cây bút đẹp nhất" vẽ lại bức tranh của báo chí Việt Nam, đưa báo chí phát triển theo hướng hiện đại, mở ra sự linh hoạt và phản ứng kịp thời các vấn đề.
Sự phát triển nhanh chóng của Internet và các loại hình truyền thông đã tạo ra sức ép lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải tìm ra phương hướng phát triển thích hợp, nếu như muốn sản phẩm thông tin được công chúng tiếp nhận. Một số tờ báo đơn nhất đã trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện với việc xuất bản đồng thời nhiều loại hình sản phẩm báo chí khác nhau như: nhật báo, tuần báo, nguyệt san, chuyên san, báo buổi chiều, báo mạng điện tử gắn với các hệ sinh thái về truyền thông số. Chuyển đổi số không còn là nâng cao nhận thức và làm từ từ nữa mà phải làm nhanh và là sự tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh cực kỳ gay gắt của nền kinh tế truyền thông số.
Kinh tế số của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế đã có những bước phát triển nhanh, nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới. Theo Báo cáo e-Conomy SEA năm 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng, Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN, nhưng là nước có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này cao nhất với mức tăng 16%,nước có mức tăng cao tiếp theo là Indonesia với 11%, và Thái Lan 7%. Báo cáo này cũng dự báo đến năm 2025 kinh tế số Internet/nền tảng Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỷ USD. Có thể nói, cùng với các trang thương mại điện tử thì báo chí cũng đang được thương mại hóa, tham gia vào kinh tế số, phát triển chuyển đổi số trong kinh tế báo chí.
Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.
Theo thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Nhìn chung các cơ quan báo chí đã phát triển chuyển đổi số trong báo chí, trở thành phương tiệnhoàn thiện kinh tế báo chí số, nhưng hiện nay nhiều cơ quan báo chí vẫn chỉ nghĩ đơn giản có một trang web, có tờ báo điện tử là đã lên không gian số. Một số báo có mở chức năng bình luận cho độc giả và bắt đầu web 2.0 nhưng không nắm được dữ liệu của người đọc. Như vậy chuyển đổi số chưa thành công, mới chỉ ở bề mặt.
Thực tế vấn đề phát triển kinh tế truyền thông ở các cơ quan báo chí, truyền thông cho thấy tiếp cận về kinh tế truyền thông bản chất vẫn là kinh doanh quảng cáo với các sản phẩm là thông tin hay một số tác giả cũng mới nghiên cứu và đề cập tới một thuật ngữ mới trong các cơ quan báo chí đó là “kinh tế báo chí”. Trong quá trình phát triển kinh tế truyền thông ở Việt Nam, đã có những mô hình tốt, nhưng cũng còn một số những bất cập, đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý ngành kinh tế truyền thông số.
Đánh giá vấn đề và một số giải pháp
Việt Nam đã và đang hội nhập, chuyển đổi số quốc gia rất mạnh mẽ và đang là động lực và yếu tố cơ bản để phát triển nền kinh tế số. Chính kỹ thuật, công nghệ số và internet 4G rồi tiến tới 5G là yếu tố có vai trò quyết định tính chất môi trường truyền thông số với đặc tính nổi trội là khả năng siêu kết nối. Môi trường truyền thông số đã và đang tạo những cơ hội vàng cho truyền thông - giao tiếp xã hội để hình thành ngành kinh tế truyền thông số trong nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển chưa từng có; phương tiện truyền thông mới, truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm lên ngôi. Từ đó dẫn đến hình thành cá chệ sinh thái số tạo môi trường và nền tảng cho các ngành kinh tế phát triển và đương nhiên nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho lĩnh vực này cũng ngày càng phát triển mạnh lên.
Hiện nay, kinh tế truyền thông số, xã hội số, chuyển đổi số hay kinh tế chia sẻ, kinh tế số… là những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trên các hạ tầng, nền tảng truyền thông. Chuyển đổi số trong báo chí là vấn đề tất yếu, báo chí là lĩnh vực đặc thù và cần một chiến lược chuyển đổi số riêng trên cơ sở phát triển kinh tế báo chí số. Chiến lược sẽ giải quyết các bài toán khó chocác cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, cần một hành lang pháp lý để hành trình chuyển đổi số báochí đảm bảo hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến thay đổi tư duy truyền thống để phù hợp với xu thế chuyển đối số.
Thực tế chuyển đổi số là tạo thêm giá trị cho mọi tương tác với người dùng, là thay đổi cách vận hành của cả đơn vị và trong một số trường hợp còn tạo ra mô hình kinh doanh mới. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi, cách xây dựng bộ máy..., thì việc đầu tư công nghệ sẽ không mang lại nhiều lợi ích.
Nghịch lý của báo chí Việt Nam
Phần lớn các tờ báo mạng Việt Nam chưa có nguồn thu từ người dùng với tư cách độc giả. Với đơn vị duy nhất thu tiền từ người đọc báo là trang Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam, dù chưa có số liệu thống kê chính thức, số tiền thu từ độc giả chắc chắn chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nguồn thu của báo.
Đây là một nghịch lý của báo chí Việt Nam bởi thu phí người đọc báo online đang là xu thế chung của báo chí thế giới. Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu Báo chí Reuters cũng cho thấy, 50% lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 32 quốc gia kỳ vọng việc thu phí báo điện tử sẽ là nguồn thu chính trong thời gian tới.
Làm sao để thu tiền từ người đọc báo online?
Với khoảng 3,4 triệu thuê bao đăng ký đọc báo online, tờ The Times sẽ có 1.000 tỷ đồng mỗi tháng chỉ với nguồn thu từ người đọc. Thực tế này mở ra nhiều con đường mới để tăng doanh thu cho báo chí Việt Nam.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, sự phát triển của Internet đem tới một nguồn thông tin miễn phí khổng lồ và là nguyên nhân khiến doanh thu của nhiều tờ báo bị sụt giảm nghiêm trọng.
Để giải quyết tình trạng trên, một số tờ báo đã bắt đầu triển khai việc thu tiền đối với người đọc báo online. Điều này được thực hiện bằng cách tạo nên một bức tường phí (paywall) giữa người dùng và nội dung thông tin trên màn hình máy tính.
Việc kiếm nguồn thu từ độc giả sẽ được cụ thể hóa qua 3 mô hình: thu phí cứng, thu phí mềm và bán trả phí. Lúc này, mỗi tòa soạn sẽ có chiến lược thu phí của riêng mình để phát triển tầm ảnh hưởng và tối ưu hóa lợi nhuận.
Chấp nhận giảm user, lấy chất lượng bù số lượng
Mô hình thu phí cứng yêu cầu người dùng phải trả một khoản phí cố định hàng tháng để tiếp cận với nội dung của một tờ báo online.
Ví dụ tiêu biểu nhất cho việc áp dụng mô hình thu phí cứng là tờ The Times của Anh. Sau tháng đầu dùng thử, độc giả của The Times sẽ phải bỏ ra 10 Bảng Anh (khoảng 285.000 đồng) mỗi tháng để được tiếp cận nội dung tờ báo.
Bằng một phép tính đơn giản, với khoảng 3,4 triệu thuê bao đăng ký đọc báo online, tờ TheTimes sẽ thu về 1.000 tỷ đồng mỗi tháng chỉ với nguồn thu từ người đọc.
Thực tế cho thấy, phương pháp này sẽ mang lại một nguồn tiền lớn và thường xuyên cho những tờ báo có người đọc trung thành, biết nhắm tới nhóm độc giả phù hợp và trở thành kẻ thống trị ở phân khúc khách hàng mục tiêu.
Tuy vậy, từ chối độc giả nếu không trả tiền là một tùy chọn mang đầy tính rủi ro cho các tòa soạn. Không phải người đọc nào cũng sẵn sàng trả phí. Bằng chứng là tờ The Times đã mất tới 90% độc giả online của mình khi việc thu phí hàng tháng được triển khai.
Một ví dụ thành công khác là tờ The Wall Street Journal với khoảng 2 triệu độc giả trả phí online. Thế nhưng, tờ báo này đã phải mất tới 24 năm để có thể đạt được con số mơ ước đó.
Miễn phí trước, trả tiền sau
Ở hình thức thu phí mềm, tờ báo sẽ đặt ra một giới hạn cụ thể số lần người đọc được tiếp cận với nội dung miễn phí. Financial Times và sau đó là New York Times là những kẻ tiên phong trong mô hình này. Cả 2 tờ báo đều cho phép người dùng truy cập 10 bài viết mỗi tháng trước khi yêu cầu họ phải trả phí.
Đây là mô hình khá hiệu quả khi The New York Times đã có hơn 5 triệu người đăng ký và trở thành tờ báo online trả phí thành công nhất hiện nay. Với Financial Times, sau khi trở thành tờ báo top đầu ở mảng độc giả của mình, tờ báo chuyên về tài chính này đã chuyển sang mô hình thu phí cứng.
Với mô hình thu phí mềm, một thách thức đặt ra là các tòa soạn phải lựa chọn ngưỡng bắt đầu thu phí là bao nhiêu? Có bao nhiêu nội dung được cho đi? Và cho đi đến bao nhiêu thì bắt đầu tính phí? Đây là vấn đề khó có thể tìm ra được đáp án chung. Điều này chỉ có thể giải đáp thông qua việc phân tích và thử nghiệm.
Không chỉ vậy, với thu phí mềm, nhiều chiến lược thu phí khác nhau có thể được đặt ra. Việc chọn ngưỡng thu phí theo từng khu vực cũng là cách để các tòa soạn vừa tối ưu được nguồn thu nhưng cũng vừa tăng được lượng độc giả và vùng ảnh hưởng của mình.
Chỉ thu phí nội dung chất lượng
Đối với mô hình thứ 3 là bán trả phí, người dùng sẽ được truy cập vào một lượng lớn nội dung miễn phí. Tuy nhiên, độc giả sẽ phải trả tiền để tiếp cận với những nội dung chuyên sâu hoặc để có được những trải nghiệm tốt hơn.
Theo khảo sát của Viện nghiên cứu báo chí Reuters, cùng với thu phí mềm, bán trả phí hiện là 1 trong 2 hình thức báo chí trả tiền phổ biến nhất ở nhiều quốc gia Châu Âu. Đây cũng là mô hình được VietnamPlus - tờ báo đi đầu về báo chí trả tiền tại Việt Nam lựa chọn.
Nhìn chung, cả 3 mô hình thu phí cứng, thu phí mềm và bán trả phí đều có những ưu nhược điểm riêng. Việc vận dụng một cách linh hoạt 3 mô hình này theo từng kịch bản khác nhau sẽ mang tới những cách làm sáng tạo.
Đây sẽ là lời gợi mở cho những người làm báo Việt Nam về việc phải làm thế nào để có thể phát triển các mô hình báo chí trả tiền. Chỉ có đa dạng nguồn thu cho báo chí, chúng ta mới có thể tăng chất lượng nội dung và cải thiện thu nhập cho những người làm báo.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Nguyễn Thu Trang (2022), Phát huy vai trò của cơ quan quản lý báo chí trong chỉ đạo, định hướng cơ quan thông tin, báo chí tham gia truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL, truy cập từ cspl.mic.gov.vn
3. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 348/QĐ-TTg, ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
4. Thủy Diệu (2022), Báo chí truyền thông trong dòng chảy chuyển đổi số, truy cập từ vneconomy.vn
5. Báo chí, truyền thông trong xu thế chuyển đổi số từ: tuyengiao.vn
6. Lê Nguyễn: Chuyển đổi số trong báo chí không chỉ là vấn đề công nghệ từ dangcongsan.vn