Mất gần 400 triệu vì vay 'tín dụng đen' qua mạng: Chiêu trò cũ, nạn nhân mới
Yến Nhi
Thứ hai, 14/10/2024 - 15:46
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu vay tiền online của người dân đã giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cục An toàn thông tin đã liên tục đưa ra cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo trực tuyến tuy không mới nhưng vẫn khiến nhiều người dễ dàng mắc bẫy.
Nhiều người sập bẫy cho vay 'tín dụng đen' qua mạng
Thời gian qua, nắm bắt tâm lý nhiều người dân có nhu cầu vay tiền online để phục vụ cuộc sống, các đối tượng đã giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với quảng cáo thủ tục thuận tiện, giải ngân nhanh trên mạng xã hội, nhiều người đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Vừa qua, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 400 triệu đồng với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào ngày 2/10/2024, do có nhu cầu vay tiền online chị N. (SN 1982, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) lên mạng xã hội tìm hiểu và truy cập vào một trang web có thông tin vay tiền ngân hàng.
Chị N. nhắn tin vay 150 triệu thì được một đối tượng hướng dẫn khai báo thông tin qua đường link. Khi khai báo xong đối tượng thông báo là khoản vay đã được duyệt nhưng chưa rút được do bị sai tài khoản, muốn sửa lỗi sai đó phải nộp 15 triệu đồng.
Chị N. chuyển tiền xong nhưng vẫn không rút được tiền. Lúc này, đối tượng tiếp tục đưa ra nhiều lý do khác nữa để chị chuyển tiền thì mới được giải ngân. Tổng số tiền chị đã chuyển là gần 400 triệu đồng. Sau đó, chị N nhận ra mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Thủ đoạn chung của các đối tượng này là mạo danh nhân viên của các công ty tài chính, ngân hàng lớn để tạo lòng tin, sau đó yêu cầu người vay chuyển khoản đặt cọc hoặc trả trước một khoản tiền nhất định.
Đối tượng dẫn dụ người dân bằng cách hứa hẹn khoản vay nhanh, không cần chứng minh tài sản, không kiểm tra tín dụng và thủ tục rất đơn giản. Tuy nhiên, sau khi đăng ký, họ yêu cầu người vay phải trả trước các khoản phí dịch vụ, phí hồ sơ, nhưng sau đó không giải ngân khoản vay.
Đối tượng yêu cầu người dùng tải ứng dụng cho vay tiền trực tuyến giả mạo được phát triển để đánh cắp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, thậm chí thông tin thẻ tín dụng.
Người vay sau khi điền đầy đủ thông tin không nhận được tiền vay mà còn bị mất thông tin quan trọng.
Một số dịch vụ cho vay online ban đầu hứa hẹn lãi suất thấp, nhưng khi giải ngân thì các điều khoản thay đổi, lãi suất tăng cao bất ngờ, kèm theo các loại phí phạt vô lý. Sau khi người vay không thể trả nợ, các đối tượng lừa đảo sẽ đe dọa, khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện liên tục, nhắn tin đe dọa, thậm chí bôi nhọ danh dự của người vay trên mạng xã hội.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng và cảnh giác trước những quảng cáo cho vay tiền không thế chấp tràn lan trên mạng xã hội. Chỉ nên vay tiền từ các tổ chức tài chính, ngân hàng có uy tín và đã được cấp phép hoạt động. Tránh xa các ứng dụng, website cho vay không rõ nguồn gốc hoặc không có thông tin liên hệ rõ ràng.
Trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ cho vay online nào, hãy tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, đánh giá từ người dùng khác và kiểm tra trên các trang web chính thống hoặc báo chí để xác minh tính hợp pháp.
Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào các đường dẫn lạ. Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Loạt cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo không mới nhưng vẫn nhiều người 'dính bẫy'
Lừa đảo huy động vốn đa cấp trái phép
Mới đây, Công an tỉnh Phú Yên đã có thông tin cảnh báo tội phạm có dấu hiệu lừa đảo kinh tế bằng hình thức huy động vốn đa cấp trái phép, thông qua việc mua cổ phiếu, đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử của Skyway.
Thủ đoạn hoạt động của Skyway là chào bán số lượng cổ phiếu theo 15 giai đoạn để huy động vốn thực hiện các dự án của mình. Bất kỳ ai cũng có thể mua cổ phiếu của Skyway để trở thành nhà đầu tư, kể cả trẻ em.
Nhà đầu tư muốn tham gia phải có sự giới thiệu của người đầu tư và được cấp 1 tài khoản để đăng nhập trên trang web của tập đoàn này, sau đó chuyển tiền vào hệ thống của Skyway bằng phương thức thanh toán qua thẻ Visa/MasterCard hoặc tiền điện tử như: Bitcoin, ETH, BCH... và nhà đầu tư có thể mua các loại gói cổ phiếu theo quy định của Skyway.
Ngoài ra, Skyway còn câu dụ các nhà đầu tư bằng các loại khuyến mãi cổ phiếu 20%, 50% khi mua cổ phần; sau thời gian tối thiểu 3 năm nếu nhà đầu tư không muốn tiếp tục nắm giữ cổ phần thì Skyway cam kết trả lại số tiền gốc và lãi suất 4%/năm.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các lời mời đầu tư, huy động vốn với lãi suất cao bất thường so với thị trường. Cần chủ động kiểm tra tính pháp lý của công ty trước khi tham gia, bao gồm giấy phép hoạt động và các thông tin liên quan.
Mạo danh công ty điện lực để đánh cắp thông tin người dùng
Hiện nay, tình trạng các đối tượng mạo danh nhân viên điện lực gọi điện, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để trục lợi hoặc có dấu hiệu lừa đảo xảy ra khá phổ biến, nhất là những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, đối tượng lừa đảo thường giả danh nhân viên công ty điện lực gọi điện thông báo khách hàng đang nợ tiền điện lớn và đe dọa sẽ cắt điện nếu không thanh toán ngay.
Sau đó, họ yêu cầu người dân chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân hoặc cung cấp thông tin ngân hàng để "giải quyết nợ". Ngoài ra, đối tượng còn gửi tin nhắn SMS hoặc email giả mạo thông báo hóa đơn tiền điện, kèm theo đường link để thanh toán trực tuyến hoặc ứng dụng giả mạo. Nếu nạn nhân nhấp vào đường link và điền thông tin, kẻ gian sẽ chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng.
Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo trên. Nếu nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn thông báo về việc nợ tiền điện, hãy kiểm tra lại thông tin trực tiếp từ công ty điện lực qua các kênh chính thức như website hoặc số tổng đài. Công ty điện lực thường không yêu cầu thanh toán gấp qua điện thoại hoặc chuyển khoản vào tài khoản cá nhân.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào qua điện thoại, tin nhắn hoặc email nếu bạn không chắc chắn về nguồn gốc của thông báo. Không truy cập vào các đường link thanh toán từ tin nhắn hoặc email mà bạn không rõ nguồn gốc.
Nếu cần thanh toán hóa đơn, hãy truy cập trực tiếp vào website hoặc ứng dụng chính thức của công ty điện lực. Không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc công ty điện lực để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Trang bị 5 nhóm kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân
Cục An toàn thông tin vừa triển khai chiến dịch "Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng" trên diện rộng từ ngày 10/10 đến ngày 20/11/2024.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Thời gian qua, người dân thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người. Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet gửi về Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
Ngoài những biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức cùng với các kỹ năng từ cơ bản tới nâng cao cho người dân được xem là một trong những biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn tác động tiêu cực của lừa đảo trực tuyến. Người dân - những người yếu thế nắm vững được các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ cảnh giác hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hàng ngày.
"Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng là một hành trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự cảnh giác và nỗ lực liên tục. Mỗi người cần nắm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng", Cục An toàn thông tin khẳng định.
Để tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức phát động chiến dịch "Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng" dưới sự chủ trì của Cục An toàn thông tin.
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị tham gia chiến dịch sẽ tập trung trang bị cho người dân 5 nhóm kỹ năng chính đã được Cục An toàn thông tin hướng dẫn cụ thể trong "Cẩm nang kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến", bao gồm: Kỹ năng nhận biết, kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ. Với mỗi nhóm kỹ năng, cẩm nang cung cấp từ những kỹ năng cơ bản đến các kỹ năng nâng cao.
Chiến dịch được triển khai trên diện rộng từ ngày 10/10/2024 đến ngày 20/11/2024, phối hợp với các bộ ban ngành từ trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp an toàn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến, nền tảng mạng xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?
(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?