Pháp luật quốc tế

Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ thông qua hoạt động hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ của trung tâm AHA và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Hoàng Việt Hùng Chủ nhật, 28/07/2024 - 18:00
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết dưới đây sẽ phân tích và làm rõ nội dung nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ; nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ được thể hiện như thế nào thông qua hoạt động của Trung tâm điều phối cứu trợ nhân đạo ASEAN trong công tác quản lý thảm hoạ.


Tóm tắt: Trong một thế giới ngày càng kết nối với nhau và tầm quan trọng của ASEAN trên trường quốc tế, ứng xử của Cộng đồng này là một vấn đề ngày càng cấp bách đối với khu vực và toàn cầu. Bài viết dưới đây sẽ phân tích và làm rõ nội dung nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ; nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ được thể hiện như thế nào thông qua hoạt động của Trung tâm điều phối cứu trợ nhân đạo ASEAN trong công tác quản lý thảm hoạ (Trung tâm AHA[1]) trong hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam.

Từ khoá: không can thiệp vào công việc nội bộ; hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ; Trung tâm AHA.

Abstract: In an increasingly interconnected world and the importance of the ASEAN in the international arena, the behaviors of this Community are increasingly urgent for solving of regional and global issues. The article analyzes and clarify the content of the principle of non-interference in ASEAN's internal affairs in humanitarian assistance and disaster management activities, concretely: how the principle is reflected in its humanitarian assistance and management disasters activities of the ASEAN Humanitarian Relief Coordination Center in Disaster Management (AHA Center); and the problems standing before Vietnam.
Keywords: non-interference; humanitarian assistance & disaster management; AHA Centre.

1. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ trong hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ của ASEAN

Không can thiệp vào công việc nội bộ là một nguyên tắc cơ bản của ASEAN kể từ khi được thành lập vào năm 1967, và được ghi nhận trong Tuyên bố về Thỏa ước ASEAN II năm 2003 và Hiến chương ASEAN năm 2007. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác là nền tảng cốt lõi ban đầu làm cơ sở cho các mối quan hệ khu vực giữa các quốc gia thành viên ASEAN[2]. Các quốc gia thành viên không được khuyến khích can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và hỗ trợ các cuộc nổi dậy về chính trị ở các quốc gia láng giềng.[3]

Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác được coi là một trong những nguyên tắc có tính tiên quyết khi tiến hành hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung và hoạt động hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa trong ASEAN nói riêng; và có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia. Khi tiến hành hoạt động hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa các nước thành viên ASEAN luôn phải cam kết đảm bảo vấn đề độc lập, an ninh chủ quyền của quốc gia, tránh những hành vi gây nguy hại đến nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên khác. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, các quốc gia thành viên có quyền quyết định mọi vấn đề, có quyền lãnh đạo sự tồn tại của mình mà không bị can thiệp, lật đổ và bức ép từ bên ngoài.

Trên thực tế, đây được coi là nguyên tắc xuất phát điểm, đóng vai trò nền tảng cho việc thiết lập và triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa trong khu vực ASEAN. Không can thiệp nội bộ là chuẩn mực chung cho ứng xử của các nước thành viên, song cần phải gắn kết hài hòa với tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, chia sẻ và tương trợ lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Nội dung của nguyên tắc này đã được cụ thể hóa trong Hiến chương ASEAN, thể hiện ở việc các nước ASEAN dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo đều bình đẳng trong nghĩa vụ đóng góp cũng như chia sẻ quyền lợi trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, bảo đảm an ninh, an toàn và duy trì hòa bình, ổn định của các quốc gia cùng hợp tác nói chung, của các quốc gia thành viên nói riêng. Bên cạnh đó, các bên không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng nhau hợp tác một cách có hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia cũng như duy trì hòa bình, ổn định chung của khu vực[4].

Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau được cụ thể hóa trong Điều 3 của Hiệp định ASEAN về Quản lý Thảm họa và Ứng phó Khẩn cấp, theo đó: 1. Tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất quốc gia của các Bên tham gia, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á trong quá trình thực hiện Hiệp định này. Theo đó, mỗi Bên bị tác động bởi thảm họa, sẽ có trách nhiệm chính để ứng phó trước tiên khi thảm hoạ xảy ra trong phạm vi lãnh thổ của mình và sự hỗ trợ từ bên ngoài hay đề nghị Bên tham gia khác trợ giúp chỉ được cung cấp khi có yêu cầu hoặc sự đồng ý của Bên bị tác động. 2. Bên yêu cầu hay Bên tiếp nhận trợ giúp sẽ điều hành, quản lý, điều phối và giám sát chung công tác trợ giúp trong phạm vi lãnh thổ nước mình”.

Tuy nhiên, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ dường như ngày càng mai một thông qua việc mở rộng thành viên, những thách thức mới nảy sinh từ quá trình toàn cầu hoá, nhu cầu dân chủ ngày càng tăng và sự gia tăng tầm ảnh hưởng của các chuẩn mực quốc tế, theo đó trọng tâm tập trung vào an ninh con người hơn là chủ quyền quốc gia.[5] Mặt khác, một số học giả cũng lập luận rằng tầm quan trọng của nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ cũng thay đổi tuỳ theo từng lĩnh vực hợp tác. Chẳng hạn, các thể chế ASEAN trong hợp tác kinh tế đã can thiệp vào công việc nội bộ hơn bởi vì mỗi quốc gia đều cần các thể chế này để duy trì, tăng trưởng nền kinh tế của mình. Hội nhập kinh tế ASEAN đã sâu rộng hơn bao gồm cắt giảm thuế quan lẫn nhau và tự do hoá trong dịch vụ, đầu tư.[6] Hay trong các vấn đề an ninh (bao gồm cả an ninh phi truyền thống, nguyên tắc không can thiệp vẫn chi phối quá trình ra quyết định của ASEAN.[7] Trong phần tiếp theo của bài viết, tác giả sẽ làm rõ hơn nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN đang được thể hiện ở mức độ nào trong quan hệ khu vực thông qua việc phân tích hoạt động của Trung tâm AHA trong hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ.

2. Trung tâm AHA trong hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN

2.1. Trung tâm AHA chịu trách nhiệm trong hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ

Trung tâm AHA được thành lập năm 2011, chịu trách nhiệm điều phối tất cả các hoạt động dự kiến ​​trong khuôn khổ Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó Khẩn cấp (AADMER)[8]. Trung tâm AHA tạo điều kiện cho sự hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia thành viên ASEAN, và với Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế có liên quan, trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực. Trung tâm AHA cung cấp một loạt các công cụ và dịch vụ, bao gồm đào tạo và nâng cao năng lực cho Văn phòng Quản lý thảm họa quốc gia của ASEAN (NDMO) và triển khai các đội ứng phó khẩn cấp.

Trung tâm AHA là cơ quan đầu mối liên hệ đầu tiên của các quốc gia thành viên ASEAN trong trường hợp có thiên tai. Trung tâm AHA được điều hành bởi đại diện NDMO từ tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN với tư cách là đại diện Ủy ban ASEAN về Quản lý thảm họa (ACDM) và các đại diện quốc gia của AADMER. Tầm nhìn của Trung tâm AHA là trở thành động cơ hoạt động của AADMER. Trung tâm AHA thực hiện tầm nhìn thông qua việc “tạo điều kiện cho hợp tác khu vực để quản lý thiên tai, tạo điều kiện cho việc chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp chung, và vận hành các cơ chế điều phối khu vực về quản lý thiên tai, đặc biệt là sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp trong khu vực ASEAN”[9].

Với mọi thảm họa xảy ra trong khu vực ASEAN, Trung tâm AHA sẽ bắt đầu ứng phó và ngay lập tức tập trung vào thực hiện ba vai trò: Thu thập, phân tích và phổ biến thông tin về rủi ro thảm họa tại quốc gia thành viên bị ảnh hưởng; Hỗ trợ các hoạt động ứng phó với thảm họa tại quốc gia thành viên bị ảnh hưởng; và Dự kiến ​​đoàn kết ASEAN[10]. Và trong những trường hợp cần thiết, Trung tâm AHA sẽ giải quyết các mục tiêu khác, chủ yếu để tạo điều kiện và phối hợp hỗ trợ nhân đạo. Các mục tiêu nhiệm vụ của Trung tâm AHA có thể khác nhau trong từng trường hợp khẩn cấp tùy theo nhu cầu cần được đáp ứng, với sự tham vấn từ phía quốc gia thành viên bị ảnh hưởng. Điều này sẽ do Giám đốc Điều hành của Trung tâm AHA quyết định và tham khảo ý kiến ​​của tất cả các NDMO thông qua ACDM. Các mục tiêu này sẽ được nêu trong Kế hoạch Hành động Ứng phó Khẩn cấp ASEAN (ASEAN-ERAP), sẽ được phát triển ngay lập tức khi một Cảnh báo Vàng được kích hoạt.

Để đạt được mục tiêu những mục tiêu nêu trên, Trung tâm AHA sẽ thực hiện các chức năng sau: 1. Tiếp nhận và tổng hợp dữ liệu đã được phân tích và khuyến nghị về mức độ rủi ro từ các Đầu mối Quốc gia; 2. Trên cơ sở thông tin đó, phổ biến cho mỗi Bên, thông qua Cơ quan đầu mối quốc gia của mình những dữ liệu đã phân tích và mức độ rủi ro phát sinh từ các mối nguy đã xác định; 3. Khi thích hợp, tiến hành phân tích các tác động có thể xảy ra ở cấp khu vực; 4. Nhận thông tin liên quan đến các nguồn lực sẵn có để bố trí dự phòng trong khu vực để cứu trợ thảm họa và ứng phó khẩn cấp; 5. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập, duy trì và đánh giá định kỳ các bố trí dự phòng trong khu vực để cứu trợ thảm họa và ứng phó khẩn cấp; 6. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xem xét định kỳ các quy trình vận hành tiêu chuẩn khu vực; 7. Nhận dữ liệu về tài sản và năng lực được đánh giá cao, có thể có sẵn cho các thỏa thuận dự phòng trong khu vực để cứu trợ thảm họa và ứng phó khẩn cấp, như được thông báo bởi mỗi Bên, và các cập nhật của họ; 8. Củng cố, cập nhật và phổ biến dữ liệu về các tài sản và năng lực được đánh giá cao đó, đồng thời liên lạc với các Bên để sử dụng chúng; 9. Nhận thông tin về các biện pháp mà các Bên thực hiện để huy động thiết bị, phương tiện, vật tư, nhân lực và tài chính cần thiết để ứng phó với thiên tai; 10. Tạo điều kiện thuận lợi cho phản ứng khẩn cấp chung; 11. Khi thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý các trường hợp miễn trừ và cơ sở vật chất liên quan đến việc cung cấp hỗ trợ; 12. Khi có thể và thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý việc vận chuyển nhân sự, thiết bị, phương tiện và vật liệu theo các điều khoản hỗ trợ; 13. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kỹ thuật; 14. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và kỹ thuật; 15. Nhận từ mỗi Bên thông tin về Cơ quan đầu mối và Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được chỉ định và mọi thay đổi tiếp theo trong chỉ định của họ; và 16. Cung cấp thường xuyên và nhanh chóng cho các Bên và, khi cần thiết, cho các tổ chức quốc tế liên quan, thông tin nêu tại khoản 15 ở trên.[11]

2.2. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN thông qua vai trò của Trung tâm AHA

Phương cách ASEAN” (ASEAN Way) là một chuẩn mực cơ bản của ASEAN, thể hiện mong muốn của các nước ASEAN tránh thể chế hóa và pháp lý hóa sự hợp tác giữa các nước thành viên vì e ngại một ASEAN được thể chế hóa mạnh mẽ cùng những ràng buộc pháp lý sẽ làm xói mòn chủ quyền quốc gia của các thành viên trong việc định đoạt phương thức hợp tác với nhau. Trong khuôn khổ “Phương cách ASEAN”, đã xây dựng một số chuẩn mực như không can thiệp, không chính thức, thể chế hóa tối thiểu, tham vấn và đồng thuận, không sử dụng vũ lực và tránh đối đầu. Có thể nói, Phương thức ASEAN vừa mang tính xung đột, vừa mang tính hài hoá, vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho khu vực. Trường hợp cơn bão Nargis năm 2008 của Myanmar là bằng chứng để giải thích rằng “Phương thức ASEAN” chính là một thách thức đối với khu vực. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ là một rào cản lớn đối với ASEAN trong việc thực hiện các hành động tiếp theo sau thảm họa đó. Chế độ của chính quyền quân sự ở Myanmar đã từ chối các đề nghị cứu trợ quốc tế do quan điểm lấy nhà nước làm trung tâm về an ninh, và do lo ngại về sự can thiệp vào công việc nội bộ của mình[12]. Cộng đồng quốc tế phản đối kịch liệt và gây áp lực với chính quyền quân sự Myanmar. Trước tình hình đó, ASEAN đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong các tình huống khẩn cấp mà trước đây chưa bao giờ làm và các biện pháp ngoại giao nhân đạo đã được thực hiện. Các thành viên ASEAN, bao gồm cả Myanmar đã đi tới sự nhất trí là ASEAN giữ vai trò lãnh đạo trong hỗ trợ nhân đạo sau thảm họa. ASEAN hoạt động như là một cầu nối ngoại giao giữa các nước thành viên với cộng đồng quốc tế, đồng thời vẫn đảm bảo lợi ích của Myanmar, đảm bảo tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar.

Năm 2011, khi Trung tâm AHA được thành lập dưới sự hỗ trợ đáng kể về vật chất và chính trị từ Indonesia, cũng đã thừa nhận rằng hoạt động của Trung tâm sẽ chỉ giới hạn trong việc điều phối các phản ứng tập thể đối với thảm hoạ. Trung tâm AHA có một ngũ nhân viên chủ chốt để giám sát và điều phối hỗ trợ, nhưng việc triển khai thực tế các mặt hàng cứu trợ và nguồn nhân lực được thực hiện bởi các quốc gia thành viên. Bởi mỗi quốc gia thành viên có Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMA) của riêng mình, đóng vai trò chính trong hoạt động của Trung tâm AHA. Trung tâm đã đóng vai trò điều phối sau hậu quả của cơn bão Bapha ở Philippines vào tháng 12/2012. Trung tâm AHA đã theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của bão Haiyan và đã cử các nhóm chuyên gia tới Philippines trước và sau khi siêu bão đổ bộ vào nước này để có các biện pháp hỗ trợ nhanh nhất, cần thiết nhất và hiệu quả nhất. Đồng thời mở rộng hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động ứng phó thảm họa do Philippines dẫn đầu bằng cách xây dựng các văn phòng và nhà kho cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ như thực phẩm, nước, nơi trú ẩn khẩn cấp và bộ dụng cụ vệ sinh thông qua NDMA. Một số quốc gia thành viên đã gửi hàng cứu trợ trên tàu hoặc máy bay của chính họ; họ cũng hỗ trợ tài chính cho Philippines thông qua các kênh song phương cũng như Trung tâm AHA.[13] Sau trận động đất ở Bohol (Philippines) năm 2013, Trung tâm AHA đã triển khai các nhân viên của mình và các thành viên Nhóm đánh giá và ứng phó khẩn cấp ASEAN (ERAT) để theo dõi tình hình tại hiện trường, cũng như cung cấp lều và các bộ dụng cụ gia đình. Chính phủ Malaysia, thông qua Hội đồng An ninh Quốc gia (MKN) và Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF), đã cung cấp hai hãng hàng không (C–130) để vận chuyển các mặt hàng cứu trợ từ kho dự trữ khẩn cấp ASEAN ở Subang, Malaysia đến Căn cứ Không quân Mactan ở Cebu, Philippines. Ngoài ra, Lực lượng Không quân Philippines và Hải quân Philippines đã vận chuyển hàng cứu trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng.[14]

Sau khi kích hoạt việc thực hiện quản lý thảm họa đặc biệt đối với một số thảm họa thiên nhiên, Trung tâm bắt đầu tham gia vào việc quản lý các thảm họa do con người gây ra. Vấn đề gây tranh cãi rằng là liệu các hoạt động của AADMER nói chung và Trung tâm AHA có bị cản trở bởi nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ hay không? Bởi đôi khi các hoạt động can thiệp và hỗ trợ nhân đạo sẽ bị cản trở vì một số quốc gia thành viên không muốn chia sẻ thông tin nhạy cảm nhưng có giá trị do lực lượng quân đội và cảnh sát của họ nắm giữ. Ngày 25/08/2017, lực lượng an ninh Myanmar đã phát động một cuộc tấn công tàn khốc nhằm vào cộng đồng người Rohingya sống ở bang Rakhine, phía tây Myanmar. Những tuần sau đó, hàng ngàn người đã bị giết, phụ nữ và trẻ em gái bị hãm hiếp, hàng trăm ngôi nhà và làng mạc bị đốt trụi, và hơn 740.000 phụ nữ, đàn ông và trẻ em bị buộc phải bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh. Các cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh việc phân biệt đối xử, đàn áp và bạo lực đối với người Rohingya đã kéo dài hàng thập kỷ và vẫn còn tiếp diễn cho đến nay.[15] Quân đội này một lần nữa biện minh cho hành động của mình trên cơ sở các cuộc tấn công của Lực lượngvũ trang Arakan Rohingya nhằm vào các cơ sở của chính phủ hồi đầu tháng. Các quốc gia thành viên ASEAN đã đồng ý hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar và hỗ trợ sẽ được thực hiện thông qua các cơ chế hiện có, bao gồm cả Trung tâm AHA. Myanmar chấp nhận hỗ trợ của ASEAN một phần vì kinh nghiệm sau hậu quả của Bão Nargis. ASEAN tập trung vào những vấn đề riêng lẻ, cụ thể là đưa người tị nạn hồi hương và hỗ trợ nhân đạo, giới hạn bản thân trong những gì chính phủ Myanmar đồng ý và bỏ qua những vấn đề chính trị nhạy cảm như khôi phục các quyền công dân, cản trở về đi lại, phân chia dân tộc bắt buộc, hay xung đột ngày càng gia tăng giữa quân đội Myanmar và lực lượng vũ trang Arakan. ASEAN tiếp tục sử dụng Trung tâm AHA để cung cấp các dịch vụ cứu trợ, dưới sự giám sát của chính phủ Myanmar và hợp tác với các tổ chức trong nước như Tổ chức Quản lý Thảm họa Quốc gia ở Yangon.[16] Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 vào năm 2018 đã đưa ra tuyên bố “hoan nghênh lời mời của Myanmar gửi tới Trung tâm AHA để cử một nhóm đánh giá nhu cầu nhằm xác định các lĩnh vực hợp tác có thể có ở Bang Rakhine nhằm tạo thuận lợi cho quá trình hồi hương”. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Chiang Mai vào tháng 1 năm 2019, ASEAN đã chính thức đồng ý cho phép Trung tâm AHA tham gia vào quá trình đánh giá toàn diện sau đó và giám sát quá trình hồi hương. Vào tháng 3 năm 2019, ASEAN-ERAT đã đến bang Rakhine để tiến hành đánh giá nhu cầu nhằm xác định các lĩnh vực mà ASEAN có thể cung cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi hương và tránh đề cập đến các vi phạm nhân quyền đối với người Rohingya trong cuộc đàn áp quân sự năm 2017. Theo khuyến nghị trong báo cáo của ERAT, các quốc gia thành viên ASEAN đã đồng ý tổ chức một chương trình đào tạo ASEAN-ERAT trong nước có trụ sở tại Myanmar để hỗ trợ quá trình hồi hương. Mặc dù không được công bố rõ ràng nhưng chương trình này được cho là sẽ phục vụ lợi ích của Myanmar. Báo cáo của ERAT cũng khuyến nghị cử một phái đoàn cấp cao đến Cox's Bazar để điều tra hoàn cảnh sống của những người tị nạn Rohingya. Phái đoàn do chính phủ Myanmar dẫn đầu và bao gồm các đại diện của Ban thư ký ASEAN và Trung tâm AHA. Như vậy, điều này ngụ ý rằng các hoạt động của Trung tâm AHA không vi phạm nguyên tắc không can thiệp của ASEAN cũng như không đụng chạm trực tiếp đến các vấn đề nhân quyền. Trung tâm AHA và các cơ quan của nó ở Myanmar tiếp tục được chính phủ Myanmar giám sát chặt chẽ[17]. Dù phản ứng của ASEAN trước cuộc khủng hoảng vẫn còn yếu kém, nhưng điều quan trọng là cần phải thừa nhận rằng khối đã vượt qua nhiều ranh giới trong nội bộ, đặc biệt là nguyên tắc không can thiệp - một nguyên tắc mang tính nền tảng nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ đầy đủ nguyên tắc này. Thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc đồng thuận giữa các nước thành viên, khối đã giữ chân Myanmar trong cuộc thảo luận, duy trì được kết nối với các lãnh đạo quốc gia này, và được cho là đã gây ảnh hưởng được đến họ.[18]

Hay việc Quân đội Philippines giao tranh với phiến quân Hồi giáo ở Marawi từ cuối tháng 5/2017, đã khiến khoảng 400.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Thảm họa này bao gồm các yếu tố nhất quán với các can thiệp của ASEAN trong nhiều lĩnh vực[19], cụ thể là ranh giới mờ nhạt giữa những cân nhắc nhân đạo và chính trị, và các tác động lan tỏa trong khu vực. Trung tâm AHA đã điều phối việc thu gom các vật phẩm cứu trợ (chẳng hạn như bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, lều gia đình, bộ dụng cụ gia đình, bộ bếp và thiết bị lọc nước) và sắp xếp vận chuyển từ Subang, Malaysia trên hai máy bay quân sự của Malaysia vào ngày 19 tháng 7 năm 2017. Malaysia có lợi ích an ninh trong cuộc khủng hoảng Marawi và thể hiện ý định tham gia vào cuộc khủng hoảng bởi nhóm liên kết với IS bao gồm các công dân Malaysia và Indonesia. Malaysia đã thông qua Trung tâm AHA (một thiết chế của ASEAN cho phép các nước yêu cầu nguyên tắc không can thiệp của mình bất cứ khi nào cần thiết) để tham gia vào cuộc khủng hoảng, thể hiện sự sẵn sàng ngăn chặn tác động lan tỏa của các phong trào liên quan đến IS.

Trung tâm AHA, giống như mọi thiết chế và cơ quan của ASEAN, được sử dụng để phục vụ lợi ích và mục tiêu chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN. Trung tâm AHA vẫn là một thiết chế của ASEAN không xâm phạm và hoạt động như một biểu tượng rằng ASEAN vẫn quan tâm đến hoạt động trong nước của các quốc gia thành viên. Như vậy, có thể thấy rằng, hợp tác trong Trung tâm AHA không nhằm thay thế hành động quốc gia, mà là để “tạo thuận lợi cho hợp tác và điều phối hoạt động giữa các Bên tham gia và với Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực”[20]. Nó không thay thế các cơ quan tại quốc gia mà chỉ có vai trò chủ yếu trong việc bổ sung các chính sách quốc gia, bằng cách cung cấp sự phối hợp và nhận thức tình hình cho các quốc gia không có khả năng tự mình đối phó với thảm họa. Đồng thời, Trung tâm AHA không thể tự động can thiệp khi đối mặt với thảm họa. Trung tâm AHA có thể được kích hoạt “trong trường hợp một Bên tham gia yêu cầu sự trợ giúp để đối phó với tình hình khi thảm hoạ xảy ra, bên cạnh việc đề nghị trực tiếp đến bất cứ Bên hỗ trợ nào, Bên đó cũng có thể yêu cầu Trung tâm AHA tạo thuận lợi thúc đẩy thực hiện các yêu cầu đó” (Điều 20.2 Hiệp định AADMER), hoặc thông qua đề nghị hỗ trợ tự nguyện từ các thành viên ASEAN khác.

3. Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN

Can thiệp vào công việc nội bộ là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và phức tạp. Song cũng không thể phủ nhận, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối các quan hệ, công việc trong phạm vi toàn cầu và khu vực ASEAN, trong đó bao gồm cả hoạt động hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ. Với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực ASEAN nói riêng, để đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc này, có một số vấn đề sau đặt ra đối với Việt Nam:

Thứ nhất, Việt Nam cần duy trì một lập trường nhất quán, tự tin và minh bạch về việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ, đặc biệt là Hiệp định AADMER, đồng thời tiếp tục cải thiện và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách và thực tiễn xã hội, chủ động xây dựng được kế hoạch, phương án ứng phó với từng kịch bản thảm hoạ, thiên tai. Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác và đối thoại với các bên liên quan, bao gồm các tổ chức quốc tế, các nước bạn và các tổ chức xã hội dân sự, để giải thích và trao đổi về các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, cũng như để tiếp thu và phản hồi các góp ý và kiến nghị hợp lý.

Tiếp đó, Việt Nam cần chủ động duy trì nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, và không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào vào Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và là điều kiện tiên quyết để bảo vệ các vấn đề nội bộ của quốc gia.

Thứ hai, để thực hiện tốt nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ cũng như không để quốc gia, tổ chức nào can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam cả trong các vấn đề nhân đạo và thảm hoạ thì Việt Nam cần chủ động phòng tránh, ứng phó với các thảm hoạ trên thực tế. Theo đó, cần xây dựng các biện pháp phòng, chống (trong đó có việc ứng phó) và có thể là khắc phục hậu quả (vì có trường hợp không có hậu quả nên không phải khắc phục) chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn… hay còn được hiểu là phòng thủ dân sự.[21] Ngoài ra, quy định rõ về cấp độ phòng thủ dân sự và căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự. Đây là cơ sở để phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương nhằm phát huy, nâng cao tính chủ động của chính quyền các cấp trong việc nắm bắt thông tin, theo dõi giám sát các nguy cơ, kịp thời phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa.

Thứ ba, trong hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ luôn đi cùng với việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, sự hợp tác quốc tế này phải trên cơ sở giữ vững và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, trước hết. Việc xác định lợi ích quốc gia và bảo vệ lợi ích quốc gia của đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới được coi là yêu cầu hàng đầu và là kim chỉ nam trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đồng thời là một trong những mục tiêu then chốt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Về quan điểm độc lập, tự chủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[22]. Việt Nam cần có những chủ trương tích cực, chủ động đoàn kết, hợp tác quốc tế trên cơ sở độc lập, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam đoàn kết, hợp tác quốc tế không những để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ mà còn có trách nhiệm ủng hộ, giúp đỡ các nước khác, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đồng thời, phải dựa vào sức mình là chính để quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại, đa dạng hóa, đa phương hóa mang lại hiệu quả cao, bền vững hội nhập mà không hòa tan, độc lập nhưng không đóng cửa, biệt lập với hành trình phát triển của nhân loại.

Thứ tư, vai trò của Việt Nam trong ASEAN ngày càng lớn với nhiều hoạt động, sáng kiến về an ninh và góp phần nâng tầm của khu vực ASEAN trên trường quốc tế. Do đó, Việt Nam cần phát huy vai trò bao trùm trong ASEAN trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Để làm được điều này, Việt Nam cần chú trọng tăng cường đầu tư cả nguồn lực tài chính lẫn con người cho ASEAN nói chung và các cơ quan trong ASEAN nói riêng, đặc biệt là các thiết chế pháp lý trong hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm hoạ; cần chủ động trong việc đảm nhiệm các trọng trách lãnh đạo tại ASEAN. Ngoài ra, cần hoàn thiện các cơ chế điều phối trong nội bộ quốc gia để hướng tới dẫn dắt ASEAN hội nhập sâu rộng, nâng cao lực ứng phó và thích ứng của ASEAN trước các thách thức an ninh phi truyền thống như các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đang có những biến đổi khó lường trong giai đoạn hiện nay.

Kết luận

Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN đã cho phép các quốc gia thành viên tập trung vào việc xây dựng quốc gia và ổn định chế độ trong khi vẫn duy trì quan hệ hợp tác với các quốc gia khác. Dù có những tranh cãi trong thời gian gần liên quan đến vai trò của nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ đang ngày càng suy giảm, cho phép can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác khi an ninh khu vực đang bị đe doạ. Song, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ vẫn đang là một trong những nguyên tắc đóng vai trò như sự kiềm chế tương đối mạnh đối với hành động của ASEAN trong các vấn đề khu vực./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến chương ASEAN

2. Hiệp định ASEAN về Quản lý Thảm họa và Ứng phó Khẩn cấp

3. AHA Centre, Annual Report 2013, Jakarta: ASEAN Coordinating Centre for Humanitarian Assistance on disaster management (AHA Centre) (2014)

4. AHA Centre, Frequently Asked Questions, April 2014

5. ASEAN Co-ordinating Centre for Humanitarian Assistance on Disaster Management, Terms of Reference

6. ASEAN Parliamentarians for Human Rights, Báo cáo tóm tắt, http://aseanmp.org/wp-content/uploads/2020/11/Vietnamese-Executive-Summary.pdf

7. ASEAN, Agreement on the Establishment of the ASEAN Coordinating Centre for Humanitarian Assistance on Disaster Management, November 2011

8. ASEAN, Strategy and Priorities for AADMER Work Programme Phase 2 (2013-2015), https://asean.org/wp-content/uploads/2021/01/Strategy-and-Priorities-for-AADMER-Work-Programme-Phase-2-Final.pdf

9. Amador JS,Community building at the time of Nargis: the ASEAN response. Journal of Current Southeast Asian Affairs 28(4): 3–22 (2009)

10. Caballero-Anthony M, Non-traditional security and infectious diseases in ASEAN: going beyond the rhetoric of securitization to deeper institutionalization, The Pacific Review, 21(4): 507–525 (2008)

11. Dosch, J, Southeast Asia: ASEAN and the challenge of regionalism. In: M. K. Connors, R. Davison, & J. Dosch, The new global politics of the Asia Pacific. 2nd ed. London: Routledge (2011)

12. Jetschke, A. & J. Ruland, Decoupling rhetoric and practice: the cultural limits of ASEAN cooperation, The Pacific Review. 22(2) (2009)

13. Mieke Molthof, ASEAN and the Principle of Non-Interference, (2012)https://www.e-ir.info/2012/02/08/asean-and-the-principle-of-non-interference/

14. Sanae Suzuki, Why is ASEAN not intrusive? Non-interferencemeets state strength, Journal of Contemporary East Asia Studies, 8:2, 157-176 (2019) Doi: 10.1080/24761028.2019.1681652

15. Sanae Suzuki, Interfering via ASEAN? In the Case of Disaster Management, https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/18681034211016865#bibr3-18681034211016865

16. HỒ CHÍ MINH: TOÀN TẬP, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 2011

17. Từ điển Bách khoa quân sự, Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004

* Ths. Vụ Pháp chế - Bộ Quốc phòng

[1] The ASEAN Coordinating Centre for Humanitarian Assistance on Disaster Management

[2] Mieke Molthof, ASEAN and the Principle of Non-Interference, E-International Relations (23-5-2023), https://www.e-ir.info/2012/02/08/asean-and-the-principle-of-non-interference/

[3] Dosch, J, Southeast Asia: ASEAN and the challenge of regionalism. In: M. K. Connors, R. Davison, & J. Dosch, The new global politics of the Asia Pacific. 2nd ed. London: Routledge, 121-139 (2011)

[4] Điều 2, 5 Hiến chương ASEAN

[5] Jetschke, A. & J. Ruland, Decoupling rhetoric and practice: the cultural limits of ASEAN cooperation, The Pacific Review. 22(2), 179-203 (2009)

[6] Sanae Suzuki, Why is ASEAN not intrusive? Non-interferencemeets state strength, Journal of Contemporary East Asia Studies, 8:2, 157-176 (2019) Doi: 10.1080/24761028.2019.1681652

[7] Caballero-Anthony M, Non-traditional security and infectious diseases in ASEAN: Going beyond the rhetoric of securitization to deeper institutionalization, The Pacific Review 21(4): 507–525 (2008)

[8] ASEAN, Agreement on the Establishment of the ASEAN Coordinating Centre for Humanitarian Assistance on Disaster Management, November 2011

[9] ASEAN, Strategy and Priorities for AADMER Work Programme Phase 2 (2013-2015), (26-10-2021), https://asean.org/wp-content/uploads/2021/01/Strategy-and-Priorities-for-AADMER-Work-Programme-Phase-2-Final.pdf

[10] AHA Centre, Frequently Asked Questions, April 2014

[11] ASEAN Co-ordinating Centre for Humanitarian Assistance on Disaster Management, Terms of Reference

[12] Amador JS, Community building at the time of Nargis: the ASEAN response, Journal of Current Southeast Asian Affairs 28(4): 3–22 (2009)

[13] AHA Centre, Annual Report 2013, Jakarta: ASEAN Coordinating Centre for Humanitarian Assistance on disaster management (AHA Centre),26-27 (2014)

[14] AHA Centre, Tlđd, p.30

[15] ASEAN Parliamentarians for Human Rights, Báo cáo tóm tắt, (23-5-2023), tr.1, http://aseanmp.org/wp-content/uploads/2020/11/Vietnamese-Executive-Summary.pdf

[16] Sanae Suzuki, tlđd, p.171

[17]Sanae Suzuki, Interfering via ASEAN? In the Case of Disaster Management, Journal of Current Southeast Asian Affairs(23-5-2023)https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/18681034211016865#bibr3-18681034211016865

[18] ASEAN Parliamentarians for Human Rights, Tlđd, tr.4

[19] Sanae Suzuki, Tlđd, p.172

[20] Điều này đã được nêu rõ trong Điều 20.1 Hiệp định AADMER

[21] Theo Từ điển Bách khoa quân sự, Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 805. Phòng thủ dân sự là “biện pháp phòng thủ quốc gia được tiến hành trong thời bình và thời chiến để bảo vệ dân chúng và nền kinh tế quốc dân, hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại về người và của do các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch gây ra, cũng như để thực hiện công tác cấp cứu và sửa chữa, phục hồi khẩn cấp, hoặc chống thiên tai (cháy rừng, bão lụt)…; khắc phục kịp thời các hậu quả do dịch bệnh gây ra”; Theo quy định tại Điều 13 Luật Quốc phòng: “Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân”

[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 445

Cùng chuyên mục

TikTok đối mặt với thách thức pháp lý căng thẳng tại tòa án Mỹ

TikTok đối mặt với thách thức pháp lý căng thẳng tại tòa án Mỹ

Pháp luật quốc tế -  6 giờ trước

(PLPT) - Luật sư của TikTok và công ty ByteDance đã đối diện với những câu hỏi gay gắt từ tòa án phúc thẩm Mỹ vào ngày 16/9, trong nỗ lực ngăn chặn đạo luật cấm ứng dụng video ngắn này tại Mỹ. Vụ việc đang thu hút sự chú ý lớn khi ứng dụng TikTok, với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, đối mặt với nguy cơ bị cấm hoàn toàn vào tháng 1/2025.

Vụ ám sát hụt ông Trump tại Florida: FBI điều tra kế hoạch tinh vi

Vụ ám sát hụt ông Trump tại Florida: FBI điều tra kế hoạch tinh vi

Pháp luật quốc tế -  2 ngày trước

(PLPT) - Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra một âm mưu ám sát hụt nhằm vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân golf ở hạt Palm Beach, bang Florida. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về an ninh của ông Trump trong bối cảnh ông đang tái tranh cử vào năm 2024.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Những nhân vật “quyền lực” sau khoản tiền quyên góp

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Những nhân vật “quyền lực” sau khoản tiền quyên góp

Pháp luật quốc tế -  1 tuần trước

Mùa bầu cử Tổng thống Mỹ bước sang giai đoạn nước rút với sự so kè sít sao của 2 ứng viên Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald J. Trump. Khả năng vận động tài trợ được coi là một trong những yếu tố then chốt quyết định thắng lợi của các ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Mông Cổ giải thích vì sao không bắt Tổng thống Putin theo lệnh ICC

Mông Cổ giải thích vì sao không bắt Tổng thống Putin theo lệnh ICC

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

(PLPT) - Mông Cổ đã nêu rõ lý do không bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, giải thích rằng Ulaanbaatar duy trì chính sách trung lập và phụ thuộc các nước láng giềng về năng lượng.

Thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Phần Lan: Kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra

Thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Phần Lan: Kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Kỷ niệm 85 năm ngày nổ ra Thế chiến II: Khẳng định giá trị của hòa bình

Kỷ niệm 85 năm ngày nổ ra Thế chiến II: Khẳng định giá trị của hòa bình

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Theo Đài phát thanh Ba Lan, ngày 1-9, lễ tưởng niệm 85 năm ngày nổ ra Thế chiến II sẽ được tổ chức nhiều nơi ở Ba Lan, để nhắc nhở người dân Ba Lan và thế giới về giá trị của hòa bình.

Đối ngoại đảng và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng chính trị ở Ấn Độ

Đối ngoại đảng và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng chính trị ở Ấn Độ

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Trong những năm qua, công tác đối ngoại của Đảng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên cơ sở không ngừng tăng cường quan hệ với các chính đảng trên thế giới cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trong đó có các đảng chính trị ở Ấn Độ.

Hội nhập trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á - Âu từ sau cuộc xung đột Nga - U-crai-na và tác động đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu

Hội nhập trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á - Âu từ sau cuộc xung đột Nga - U-crai-na và tác động đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Đọc nhiều