Nghị sự dày đặc
Tại AMM-56, với tinh thần thẳng thắn và xây dựng, các bộ trưởng đã có phiên thảo luận thực chất, đánh giá về các chuyển động chiến lược trong môi trường khu vực, quốc tế và những tác động đặt ra cho ASEAN; trao đổi định hướng nhằm phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN cho hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.
Phù hợp với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” của hội nghị lần này, hoạt động của các bộ trưởng cũng tập trung vào việc khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tất cả các tiến trình khu vực, từ tăng trưởng, phát triển kinh tế, thay đổi lề lối làm việc, cách thức triển khai các quyết định của ASEAN đến những phương thức tiếp cận các vấn đề khu vực và quốc tế.
Các bộ trưởng ASEAN tại AMM-56
Theo thông lệ của các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cũng được đề cập tại hội nghị lần này. Bộ trưởng các nước đã đưa ra quan điểm, tuyên bố về lập trường của mình liên quan tới tất cả các vấn đề về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Trong khi đó, ASEAN đã đóng vai trò rất quan trọng là điều hòa tất cả lập trường, quan điểm này, hướng tới một mục tiêu chung là đảm bảo rằng ASEAN - dù có các khác biệt - vẫn là lực lượng trung tâm, cầm lái trong tất cả các nỗ lực vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tại chuỗi Hội nghị AMM-56, tất cả những điểm nóng trong khu vực - từ căng thẳng ở Biển Đông, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đến tình hình Myanmar - đều được các nước đề cập. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng các nước đều nhìn về một phía và hướng tới tương lai, đề cao văn hóa đối thoại, hợp tác và khẳng định sẽ quyết tâm cùng nhau thúc đẩy để đạt được sự hài hòa nhất định trong điều phối các lợi ích chung, tìm thấy điểm tương đồng và cố gắng giảm thiểu bất đồng và xung đột.
Biển Đông - một trong những chủ đề thường xuyên được đề cập trong ASEAN từ năm 1992 - đã trở thành chủ đề thảo luận chung của tất cả các nước tham gia các diễn đàn của ASEAN. Tại AMM-56, các nước đều ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và đều cho rằng đây là những bước tiến, dấu hiệu tốt, qua đó cùng nhau xây dựng lòng tin hay thậm chí thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa để điều hòa tất cả các mối quan hệ và lợi ích, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tại hội nghị, tất cả các đối tác của ASEAN đều khẳng định tôn trọng ASEAN, cũng như vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các tiến trình khu vực. Trong các phát biểu, bộ trưởng ngoại giao các nước đối tác một mặt nhắc lại các cam kết đối với sự phát triển của khu vực, đối thoại và hợp tác; mặt khác đưa ra các sáng kiến và cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng. Ví dụ, Hàn Quốc đã cam kết nâng mức đóng góp cho Quỹ Phát triển ASEAN - Hàn Quốc từ 16 triệu USD lên 32 triệu USD, cũng như cung cấp cho ASEAN thêm 200 triệu USD cho các dự án hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Tuyên bố chung của Hội nghị AMM 56 đưa ra ngày 13/7/2023 khẳng định cam kết tiếp tục tăng cường đoàn kết và thống nhất, cũng như tăng cường vai trò trung tâm của khối trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. ASEAN cũng nhất trí thúc đẩy hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm ASEAN 2023. Theo đó ASEAN sẽ thúc đẩy hơn nữa việc triển khai AOIP với các đối tác, thông qua các dự án và hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy lòng tin, tôn trọng và lợi ích chung thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. ASEAN khuyến khích các đối tác hỗ trợ và triển khai hợp tác thực chất, thiết thực và hữu hình với ASEAN, phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc trong AOIP, trên 4 lĩnh vực chính đã được xác định là hợp tác hàng hải, kết nối, các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) 2030, kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khả thi khác.
Việt Nam đóng góp tích cực
Theo Đại sứ Vũ Hồ - quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu dự hội nghị lần này với nhiều trọng trách và thông điệp; trong đó có việc triển khai hiệu quả, đầy đủ các đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã được khẳng định sau Đại hội XIII. Đoàn cũng mang tới thông điệp về một Việt Nam tích cực hơn, trách nhiệm hơn và chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động của ASEAN, mong muốn đưa ASEAN thực sự phát triển, trở thành hạt nhân, lực lượng duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và rộng hơn nữa ở Châu Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tại các diễn đàn có nhiều bên tham gia như ASEAN, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với các đối tác về những vấn đề cùng quan tâm và có lợi ích chung.
Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh một lần nữa, đóng góp của Việt Nam tại chuỗi hội nghị lần này là thúc đẩy đoàn kết, nhất trí, khẳng định quyết tâm của cả ASEAN xây dựng thành công cộng đồng và bảo đảm ASEAN đóng vai trò trung tâm trong tất cả các tiến trình của khu vực. Đặc biệt, sự tham gia của đoàn Việt Nam tại hội nghị lần này thể hiện hình ảnh một Việt Nam hòa hiếu, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới.
Thành An
Trong khuôn khổ AMM56, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chứng kiến Saudi Arabia ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện & Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Dự kiến Lễ ký kết Hiệp ước Thân thiện & Hợp tác Đông Nam Á với Panama, Tây Ban Nha và Mehico diễn ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 vào tháng 9/2023. Giữa những biến động địa chính trị toàn cầu, với 5 thập kỷ hòa bình và ổn định trong khu vực, có thể nói ASEAN đang tiếp tục là một tổ chức quan trọng, thu hút sự quan tâm của các đối tác muốn nâng cấp mối quan hệ, trở thành đối tác đối thoại và tham gia cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Chia sẻ ý kiến các quốc gia, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường và các nỗ lực chung của ASEAN về Biển Đông và các vấn đề quốc tế, khu vực khác; kêu gọi các đối tác chung tay cùng ASEAN tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyến bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), vì Biển Đông hoà bình và hợp tác.