Thế của đất nước trong Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam
Thứ tư, 29/01/2025 - 20:04
Khát vọng ngàn đời của dân tộc về “sánh vai với các cường quốc” đang có được thời cơ chiến lược để hiện thực hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam cần được định vị ở vị trí tốt nhất có thể trong trật tự thế giới mới.
Lâu nay, trong tâm thức người Việt luôn trăn trở với
câu hỏi về Thế của đất nước trên trường quốc tế: “Nước Việt Nam ta nhỏ hay
không nhỏ?”. Tự nhìn nhận sâu sắc về đất nước ta, dân tộc ta và nhìn rõ ra thế
giới đương đại, có thể nói, một đất nước “nhỏ” hay “không nhỏ” phụ thuộc vào
chí có lớn hay không. Bên cạnh chí lớn, cần có trí tuệ và nhãn quan sắc bén để
sớm nhận diện thời cơ; cần có quyết tâm mạnh mẽ để chớp lấy thời cơ. Vào thời
điểm bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, xuất hiện sự hội tụ lịch sử của Chí lớn,
Trí sáng, Quyết tâm cao để xây dựng nên Nghiệp lớn - Thế lớn của “nước non Việt
Nam ta”.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực hết mình để đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu. (Đồ họa: Linh Đăng)
Về “thời thế”
Theo Từ điển Tiếng Việt, “thế” được coi là “tổng thể
nói chung các quan hệ về vị trí tạo thành điều kiện chung có lợi hay không có lợi
cho một hoạt động nào đó của con người”(1). “Thời thế” có thể hiểu là khoảng thời
gian thích hợp mà tại đó tổng hòa yếu tố thuận lợi cho việc triển khai một hoạt
động, thực hiện một mục tiêu. Trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa -
lịch sử Việt Nam nói riêng, “thời thế” hay được nhắc đến và xem trọng. Nguyễn
Trãi trong “Tái dụ Vương Thông thư” (năm 1427) viết: “Người giỏi dùng binh là ở
chỗ hiểu biết thời thế. Được thời và có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ
thành lớn; mất thời và không thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại nên nguy, sự
thay đổi ấy chỉ ở trong khoảng bàn tay”(2). Như vậy, hiểu biết thời thế là điều
rất quan trọng, bởi lẽ hiểu đúng và nắm bắt được thì làm nên việc lớn.
Trong chừng mực có liên quan đến quan niệm “thời thế”
của phương Đông, “thời cơ cách mạng” được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác -
Lê-nin rất quan tâm. Đánh giá tác động của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài,
trong đó đáng chú ý là cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, V. I. Lê-nin, vị
lãnh tụ kiệt xuất của nước Nga Xô-viết, đã nhận định chính xác về thời cơ cách
mạng, hay nói cách khác là “thời thế” ngay trước thời điểm tiến hành Cách mạng
Tháng Mười rằng: Hiện nay, tình thế đã thay đổi khác hẳn. Chúng ta đã giành được
đa số trong giai cấp đứng làm đội tiền phong của cách mạng, đội tiền phong của
nhân dân và có khả năng lôi cuốn quần chúng theo mình. Chúng ta đã giành được
đa số trong nhân dân … Thắng lợi chắc chắn thuộc về chúng ta (3). Nhận định sắc
sảo của V.I. Lê-nin về thời cơ cách mạng, về thời thế chính là một trong những
nhân tố quyết định làm nên thành công của Cách mạng Tháng Mười. Thắng lợi vĩ đại
này không chỉ mở ra kỷ nguyên mới cho nước Nga, mà còn là dấu mốc quan trọng
trong lịch sử nhân loại, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, cổ vũ mạnh mẽ phong
trào đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, được cổ vũ bởi
Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: làm cách mệnh phải
biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chắc
thắng(4). Trên cơ sở vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về khởi nghĩa
vũ trang, về chiến tranh đế quốc và đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: Chiến tranh đế quốc sẽ tạo thời cơ cho cách mạng giải
phóng dân tộc(5). Cụ thể hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên ba điều kiện của thời
cơ khởi nghĩa: Một là, chính quyền thực dân đế quốc đã lung lay bối rối đến cao
độ, chúng đã cảm thấy không thể nào ngồi yên giữ địa vị của chúng như trước.
Hai là, quần chúng nhân dân đói khổ đã căm thù thực dân đế quốc đến cực điểm,
đã thấy cần phải đồng tâm hiệp lực, nổi dậy lật đổ ách thống trị của đế quốc thực
dân, vì mọi người hiểu rằng nếu ngồi yên cũng chết. Ba là, đã có một chính đảng
cách mạng đủ sức tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa theo một
đường lối đúng đắn, một kế hoạch phù hợp, bảo đảm giành thắng lợi cho cuộc tổng
khởi nghĩa(6).
Đáng chú ý, Đảng ta rất chủ động tạo ra và thúc đẩy thời
cơ, không bị động ngồi chờ thời cơ. Nhờ đó, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
năm 1945 là minh chứng hùng hồn nhất cho sự hội tụ của ý chí độc lập, tự chủ, tự
lực, tự cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là thắng lợi vĩ đại
của sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo
để Đảng ta “lựa tình thế, chọn thời cơ”, đưa ra quyết sách đúng đắn ở tầm chiến
lược, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Khái luận về thời thế trong gần 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng
Chặng đường gần 100 năm cách mạng Việt Nam cho thấy, ở
những thời điểm cục diện thế giới có biến động lớn, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
dân tộc ta đều tận dụng thời thế một cách hiệu quả để đưa đất nước bước vào một
kỷ nguyên mới. Từ khi có Đảng, nhân dân ta đã bền gan tranh đấu, dày công chuẩn
bị trong 15 năm. Đến khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa kết thúc thì thời
cơ đến, Đảng lãnh đạo toàn dân đứng lên tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành
công, mở ra Kỷ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Khi thế giới, nhất
là Mỹ và các nước phương Tây đang ở trong cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị,
xã hội trầm trọng vào những năm 70 của thế kỷ XX, đặc biệt là quan hệ nước lớn
có những biến động chiến lược, với khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”, sự
nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thành công, miền Nam được giải phóng, mở
ra Kỷ nguyên thống nhất, đổi mới và phát triển. Ngay cả khi khối xã hội chủ
nghĩa tan rã vào những năm 90 của thế kỷ XX, Chiến tranh lạnh kết thúc, đặt ra
thách thức chưa từng thấy, Đảng ta đã lãnh đạo cả nước kiên gan vượt qua những
biến động cam go của thời cuộc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và đạt được những
thành tựu to lớn, thay đổi diện mạo, cơ đồ đất nước.
Những dấu mốc lịch sử trên có điểm chung là: điều kiện
cần là sự chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, bao gồm cả thế và lực, cả vật chất và
tinh thần; điều kiện đủ là biến chuyển của tình hình thế giới tạo ra cả cơ hội
chiến lược và thách thức cũng rất lớn lao. Điều kiện tiên quyết là sự lãnh đạo
đầy bản lĩnh, trí tuệ, quyết đoán của Đảng, là khối đại đoàn kết toàn dân tộc với
sức mạnh vĩ đại. Những thắng lợi mang tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam
cho thấy, thời thế hoặc thời cơ cách mạng sẽ luôn hiện hữu hai mặt thuận và nghịch.
Để tận dụng được mặt thuận, giảm thiểu tác động tiêu cực, điều quan trọng là
trong bất cứ tình thế nào vẫn phải giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội, kiên trì tư tưởng chủ động không ngừng tạo thế và lực, tránh tâm
lý thụ động, chờ thời. Nếu không có chí lớn, khát vọng cao, ý chí thép, tinh thần
kiên quyết, liên tục tiến công thì không thể tạo ra hoặc có thể sẽ bỏ qua thời
cơ cách mạng hiếm hoi. Chặng đường 95 năm qua của cách mạng Việt Nam cho thấy kỷ
nguyên mới của dân tộc ta bắt đầu từ khi có nhận thức sâu sắc về thời thế, có
tư duy chiến lược và quyết tâm chính trị cao độ, sau khi bước vào kỷ nguyên khoảng
15 - 20 năm sẽ đạt được mục tiêu chiến lược đề ra. Do đó, phải chuẩn bị đầy đủ
cả thế và lực; khi thời cơ đến là quyết tâm tiến lên, tranh thủ tốt nhất mọi cơ
hội, giành thắng lợi quyết định cho cách mạng.
Về thời thế đương đại
Xét về trong nước, sau 95 năm, vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc càng được khẳng định vững chắc. Qua nhiều biến chuyển
lớn lao và thử thách cam go của thời cuộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ rõ bản
lĩnh, trí tuệ và sức chiến đấu, chứng minh mục tiêu “không có lợi ích nào ngoài
lợi ích của nhân dân”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau gần 40 năm tiến hành công
cuộc đổi mới, đất nước ta đã có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế
chưa từng có; đáng chú ý là cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín ấy có tầm vóc
đáng kể trên thế giới, có khả năng đủ để chuyển hóa thành chất ở tầm mức cao
hơn. Trên nền tảng đó, khát vọng của dân tộc về một tương lai “sánh vai với các
cường quốc năm châu” trở nên thôi thúc hơn lúc nào hết. Khát vọng dân tộc hiện
nay là sự tiếp nối truyền thống của cha ông từ ngàn xưa. Khát vọng ấy dựa trên
cơ đồ đang có, khi đất nước đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, đang
trên đà tăng trưởng cao, có môi trường hòa bình, chính trị ổn định. Khát vọng ấy
cũng đến từ những cơ hội lớn mà xu thế thời đại đang tạo ra, nhất là cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư(7).
Bên cạnh đó, với tất cả sự khiêm tốn và cầu thị, chúng
ta cũng nhận thức sâu sắc về hạn chế và thách thức nội tại. Trong đó, nổi bật
là sự yếu kém về lực lượng sản xuất, bất cập trong quan hệ sản xuất, sự thiếu
tương hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; những điểm nghẽn và “nghẽn
của nghẽn”; những “điểm yếu” thiếu bền vững trong cả thế và lực đất nước. Mặc
dù tăng trưởng năng động, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu,
rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực
và cả thế giới đang tiến rất nhanh, sự đua tranh chiếm lĩnh vị trí cao hơn
trong trật tự thế giới đang định hình rất gay gắt.
Nhìn ra thế cuộc bên ngoài, cục diện thế giới có những
biến chuyển lớn mang tính hệ thống và cấu trúc. Nhìn tổng thể, tính chất của thời
đại vẫn không thay đổi, thế giới vẫn đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội. Chủ nghĩa tư bản vẫn đang tự điều chỉnh, nhưng những mâu thuẫn nội tại
không thể được giải quyết, có mặt trầm trọng hơn, đặc biệt là về các vấn đề xã
hội. Nhiều nước tư bản chủ nghĩa phương Tây đang lúng túng trong việc xác định
mô hình phát triển, quản trị quốc gia trong bối cảnh mới. Phong trào cộng sản
và công nhân quốc tế mặc dù còn nhiều khó khăn, song vẫn là lực lượng chính trị
quan trọng trên thế giới, đang tiếp tục kiên trì cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc
lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đáng chú ý là nỗ lực không ngừng nghỉ
theo định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục có bước tiến mới, đặc biệt là có các
mô hình thành công của chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Mặc dù có nhiều biến động lớn, song về cơ bản, các xu
thế lớn vẫn tiếp tục với biểu hiện và điều chỉnh mới. Hòa bình, hợp tác và phát
triển vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân loại tiến bộ, là “chiếc phanh” ngăn
chặn sự đổ vỡ. Xu thế dân chủ hóa đời sống chính trị quốc tế vẫn có bước tiến
đáng kể, tạo điều kiện cho các nước vừa và nhỏ vươn lên. Toàn cầu hóa đang được
điều chỉnh phù hợp, tiếp tục tạo ra điều kiện thuận lợi cho phát triển. Tuy
nhiên, các vấn đề toàn cầu ngày càng gay gắt, đòi hỏi các nước chung tay để giải
quyết nếu không muốn gánh chịu những hệ lụy to lớn. Nguy cơ, thách thức an ninh
truyền thống và phi truyền thống ngày càng rõ nét hơn, nghiêm trọng hơn và tác
động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.
Hợp tác và cạnh tranh giữa các nước lớn luôn là quy luật
tất yếu, khách quan. Điểm đáng chú ý là, cạnh tranh chiến lược giữa các cường
quốc là đặc điểm nổi bật có tính xuyên suốt của tình hình thế giới hiện nay. Cạnh
tranh gia tăng cả về diện và cường độ, tạo ra cả cơ hội và thách thức, song
thách thức có xu hướng gia tăng. Trong đó, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ -
Trung Quốc và Mỹ - Nga là hai yếu tố chi phối sâu sắc quan hệ quốc tế, dẫn tới
việc đẩy mạnh tập hợp lực lượng, củng cố mạng lưới đồng minh, đối tác.
Kinh tế thế giới rơi vào thập niên mất mát lớn, khó dự
báo về xu hướng tăng trưởng, song vẫn có cơ hội lớn do cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư và do các liên kết kinh tế thế hệ mới. Trong đó, cuộc Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy các xu hướng mới, đang dần tạo ra những thay đổi
to lớn về phương thức sản xuất và lực lượng sản xuất. Cần lưu ý là, lịch sử cho
thấy, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều tạo ra cơ hội to lớn cho các nước vươn
lên xác lập vị thế mới trong trật tự thế giới, đồng thời cũng tạo ra những
thách thức có thể khiến ngay cả các cường quốc phải suy tàn.
Trong bối cảnh đó, các nước vừa và nhỏ tập trung nâng
cao nội lực và khả năng tự chủ chiến lược, đồng thời mở rộng quan hệ đối ngoại,
tích cực tham gia hoạt động quản trị toàn cầu, nỗ lực nâng cao vị thế trong mọi
mặt đời sống quốc tế. Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi trong trật tự kinh tế
toàn cầu với phần đóng góp ngày càng cao của các nước đang phát triển. Bên cạnh
đó, các nước đang phát triển tích cực ủng hộ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc
và luật pháp quốc tế, xây dựng trật tự quốc tế cân bằng, bình đẳng, đáp ứng quyền
và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển.
Khái quát lại, việc khẳng định tính chất thời đại
không thay đổi mang lại sự tự tin cho đất nước ta về con đường đi lên chủ nghĩa
xã hội. Nhân loại ở trong thời kỳ mà lực lượng sản xuất có sự phát triển nhảy vọt
song quan hệ sản xuất toàn cầu chưa theo kịp. Thế giới đang ở trong giai đoạn vận
động hình thành trật tự mới. Cạnh tranh nước lớn đang ở thời đoạn khiến cho giá
trị địa - chiến lược của Việt Nam lên cao (và sẽ giảm dần khi xu thế quan hệ nước
lớn tịnh tiến về xung đột hoặc thỏa hiệp). Đây là chính là thời cơ quý giá để
Việt Nam tận dụng sức mạnh thời đại từ cục diện thế giới và nhất là từ cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đột phá, đồng thời tham gia quá trình định
vị quốc gia trong trật tự thế giới mới.
Nói tóm lại, về “thời thế”, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
gần 100 năm qua, hầu như mỗi khi thế giới rơi vào thời kỳ bất ổn mang tính bước
ngoặt thì Việt Nam lại luôn có thời cơ chiến lược để xác lập kỷ nguyên mới của
dân tộc. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: “Thế giới đang trong thời kỳ
thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để
xác lập trật tự thế giới mới”(8). Đây là cơ hội chiến lược để Việt Nam tham gia
định hình trật tự thế giới, điều mà đất nước ta, dân tộc ta đã không thể làm được
trong những lần định hình các trật tự trước đây. Trên cơ sở dự báo tương quan lực
lượng của các cường quốc, diễn biến của các xu thế lớn, có thể thấy thế giới
trong 15 - 20 năm nữa mới dần đi vào ổn định, trùng với mục tiêu chiến lược năm
2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra. Như vậy, trong khoảng thời gian không
quá dài đó, đất nước ta phải nỗ lực rất lớn để có vị trí tốt nhất trong trật tự
thế giới đang định hình.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, ngày 24-9-2024. (Ảnh: TTXVN)
Về “vị thế”
Từ ngàn đời nay, dân tộc Việt Nam luôn có khát vọng về
hòa bình, độc lập, tự do và phát triển thịnh trị, có vị trí xứng đáng trên thế
giới. Đối với mọi quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam, vị thế và uy tín đất
nước là thành quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của cả đất nước và dân
tộc theo suốt chiều dài lịch sử, vượt qua mọi gian nan, trở ngại, đánh bại mọi
kẻ thù vì độc lập và tự do, vì hòa bình và hữu nghị, hạnh phúc và phồn vinh.
Ngày nay, dân tộc Việt Nam tiếp tục kế thừa trang sử
vinh quang mà cha ông ta để lại, tiếp tục gìn giữ và xây dựng đất nước giàu đẹp
hơn. Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tiềm lực quốc gia của Việt
Nam gia tăng đáng kể, cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam cũng ngày càng gia tăng với sự tham gia
tích cực vào các khuôn khổ, diễn đàn đa phương quốc tế, mạng lưới quan hệ sâu rộng
với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với hơn 30
quốc gia, trong đó có tất cả thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc(9).
Từ sau Đại hội XIII (năm 2021), cục diện đối ngoại rộng mở tiếp tục được duy
trì với nhiều kết quả đột phá, tất cả đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống
đều coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Đảng ta xác định việc
không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước là một thành tố quan
trọng trong tổng thể lợi ích quốc gia - dân tộc cơ bản nhất của Việt Nam trong
thế giới đương đại. Cùng với thực lực của cả nước trên mọi phương diện khác, vị
thế và uy tín của Việt Nam đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Trên cơ sở thế và lực của đất nước, đánh giá thời cơ
và thách thức, Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa khát vọng dân tộc thành các
mục tiêu chiến lược, trong đó phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển
có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Theo đó, trong
giai đoạn từ nay đến năm 2045, Việt Nam cần xác lập một “vị thế” mới, vị thế của
một quốc gia phát triển, có thu nhập cao; có vai trò quan trọng trong chuỗi
cung ứng và sản xuất toàn cầu. Đồng thời, chuyển từ “tham gia tích cực” đến
“đóng góp xây dựng, định hình luật chơi”, xử lý hài hòa mối quan hệ với các cường
quốc cũng như với các trung tâm quyền lực của thế giới.
Cụ thể hơn, về lực được lượng hóa, với vị thế hiện tại
(đứng thứ 34 thế giới về GDP, thứ 19 về sức mạnh quân sự, thứ 16 về dân số, thứ
47 về ảnh hưởng văn hóa, thứ 8/27 quốc gia khảo sát về năng lực đối ngoại), ta
có thể định vị Việt Nam trong nhóm 20 quốc gia hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ
XXI(10).
Về thế, như trên đã phân tích, thế giới đang trong
giai đoạn hết sức then chốt để định hình trật tự mới. Đồng chí Tổng Bí thư Tô
Lâm nhận định “Đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng”(11). Xét về
quy luật chung trong lịch sử quan hệ quốc tế cũng như lịch sử cách mạng nước
ta, đây là thời điểm then chốt để Việt Nam phấn đấu có được vị trí tốt nhất
trong trật tự mới đang hình thành.
Khái niệm “trật tự thế giới” được các học giả định
nghĩa dưới góc nhìn khác nhau. Về cơ bản, trật tự thế giới là một mô hình quan
hệ ổn định, có cấu trúc giữa các quốc gia, bao gồm các chuẩn mực mới nổi, cơ chế
xác định nguyên tắc, các tổ chức hoặc định chế chính trị quốc tế(12). Học giả
Men Honghua (Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) cho rằng, trật tự
thế giới phản ánh tương quan quyền lực và lợi ích giữa các cường quốc. Sự bền vững
của trật tự thế giới chủ yếu phụ thuộc vào việc các cường quốc thỏa thuận được
những nguyên tắc cốt lõi trong quan hệ để cùng “chung sống”(13). Như vậy, có thể
thấy, dù đứng dưới góc nhìn nào, trật tự thế giới cũng mang các yếu tố cấu
thành cơ bản: 1- Phản ánh tương quan quyền lực hay sự so sánh sức mạnh giữa các
cực/trung tâm trong quan hệ quốc tế; 2- Phản ánh cách thức dàn xếp, thỏa thuận
hay nói cách khác là việc đặt ra luật lệ/luật chơi giữa các cường quốc; 3- Duy
trì mục tiêu chung trong một khoảng thời gian nhất định.
Về tương quan quyền lực, các quốc gia, đặc biệt là nước
lớn không ngừng theo đuổi việc củng cố sức mạnh để kiềm chế, đối trọng và cân bằng
quyền lực lẫn nhau. Thực tế cho thấy, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự
hai cực đã chuyển sang trật tự nhất siêu đa cường với chủ thể dẫn dắt đi đầu là
Mỹ. Tuy nhiên, trật tự này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn và đang
dịch chuyển mạnh mẽ, hướng đến đa cực với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, sự
trở lại của Nga và sự nổi lên của các trung tâm quyền lực mới như Ấn Độ. Do vậy,
để tạo thế thuận lợi, cần có quan hệ tốt nhất có thể với các trung tâm quyền lực
nói trên. Tuy nhiên, cần chú ý việc quan hệ tốt với nước này nhất thiết không
gây tổn hại hoặc tổn hại ít nhất có thể đối với quan hệ với nước khác.
Về hệ thống nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, Liên hợp
quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các định chế, quy tắc vận hành
các mối quan hệ tổng hòa trên phạm vi toàn cầu. Xu thế dân chủ hóa và thượng
tôn pháp luật vẫn đang được đẩy mạnh. Việt Nam hiện nay đang có vai trò ngày
càng gia tăng trong các định chế quốc tế, điều này mở ra nhiều cơ hội hơn cho
Việt Nam để tham gia vào tạo dựng hệ thống luật chơi cho trật tự mới.
Về duy trì mục tiêu chung, khi một trật tự thế giới được
định hình, ngoài lợi ích quốc gia - dân tộc vốn được xem là lợi ích sống còn,
các nước còn ràng buộc, gắn kết với nhau bởi các mục tiêu chung. Tuy nhiên, mục
tiêu đó là khác nhau đối với mỗi một giai đoạn lịch sử nhất định. Sau khi Chiến
tranh lạnh kết thúc, xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển trở thành dòng chủ
lưu, mục tiêu phát triển được đặt lên hàng đầu. Mọi tập hợp lực lượng đều hướng
đến hợp tác, ổn định để phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực, sức mạnh
đất nước. Trong thời gian tới, với thời cơ đang mở ra cho mọi quốc gia dưới tác
động của cách mạng khoa học - công nghệ, dự báo mục tiêu gia tăng ảnh hưởng,
xác lập vị thế trên bản đồ thế giới sẽ trở thành ưu tiên. Khi đó, trật tự thế
giới đa cực, đa trung tâm, nhiều tầng nấc sẽ được định hình rõ nét và chính thức
thay thế cho trật tự hiện nay. Đây cũng là thời cơ quý báu mà Việt Nam chưa bao
giờ có được trong lịch sử dân tộc.
Tóm lại, khát vọng ngàn đời của dân tộc về “sánh vai với
các cường quốc” đang có được thời cơ chiến lược để hiện thực hóa dưới sự lãnh đạo
của Đảng. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam cần được định vị ở vị
trí tốt nhất có thể trong trật tự thế giới mới. Trong đó, nhất thiết phải làm
được 3 việc lớn: 1- Quan hệ tốt với các trung tâm quyền lực và xử lý tốt các mối
quan hệ nước lớn; 2- Tích cực tham gia xây dựng luật chơi và hài hòa mục tiêu
quốc gia với mục tiêu chung; 3- Tập hợp lực lượng phù hợp.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương. (Ảnh: Tư liệu)
Về “tâm thế”
“Thời thế” và “vị thế” mới mang tới “tâm thế” mới cho
dân tộc Việt Nam. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Đó là tâm thế “tự tin, tự
chủ, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc”. Đây cũng là tâm thế mà bất cứ mọi quốc
gia - dân tộc đều cần phải có trong một thế giới đầy biến động, trong một trật
tự thế giới mới đang định hình, và nhất là trong một khát vọng vươn mình vượt
lên đỉnh cao mới.
Về tự tin, trong thế giới đầy bất an, bất ổn, bất định
hiện nay, nhiều quốc gia lúng túng về mô hình, con đường phát triển, song Việt
Nam tự tin và nhất quán về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; tự tin vì có Đảng
Cộng sản Việt Nam - một chính đảng đã khẳng định đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức
chiến đấu trên chặng đường cách mạng gần 100 năm, một chính đảng đã lãnh đạo
dân tộc Việt Nam gặt hái được kỳ tích chưa từng có trong lịch sử dân tộc, được
bạn bè quốc tế khâm phục, ngợi ca. Việt Nam cũng tự tin về thế và lực của đất
nước trong tâm thế “biết mình, biết người”.
Về tự chủ, trong một thế giới đầy xáo trộn và chịu sự
tác động đa chiều từ cạnh tranh nước lớn, việc giữ vững độc lập, tự chủ có ý
nghĩa hết sức quan trọng, là “mỏ neo”, “bánh lái” để giữ vững mục tiêu, lộ
trình mà Đảng đã đề ra. Lịch sử Việt Nam đã minh chứng, giữ vững được độc lập,
tự chủ, đất nước mới có cơ hội phát triển; mất độc lập, tự chủ là “nguồn cơn” mất
nước. Qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là trong những năm gần đây,
dưới sự chèo lái của Đảng, Việt Nam đã thể hiện rõ tính độc lập, tự chủ theo một
phương thức hết sức độc đáo trong thế chiến lược đầy thách thức ở khu vực và
trên thế giới.
Về tự lực, tự cường, lịch sử cách mạng Việt Nam cũng
cho thấy, ngay cả những lúc còn “non yếu”, thậm chí tương quan sức mạnh giữa
“ta” và “địch” có sự chênh lệch khá lớn, Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần tự lực,
“đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Chính tinh thần tự lực đó đã giúp Việt Nam kết
hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, trên nền tảng
khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, với khát vọng vươn mình của toàn dân tộc,
trên nền tảng thế và lực đã tích tụ trong 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới,
trong gần 100 năm có Đảng, trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của
dân tộc, Việt Nam cần nêu cao ý chí tự cường, kết hợp hài hòa với tiến trình hội
nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Hội nhập quốc tế mang lại nguồn lực từ bên
ngoài, song chính quá trình hội nhập quốc tế, quá trình tham gia toàn cầu hóa,
những tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột quốc tế đã cho
thấy, để đất nước có thể “vươn mình” thì tinh thần tự cường đóng vai trò hết sức
quan trọng, nhất là trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tăng cường tiềm
lực quốc phòng - an ninh.
Về tự hào dân tộc, từ ngàn xưa đến nay, tuy “mạnh yếu
có lúc khác nhau”, song cháy bỏng trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam luôn là
niềm tự hào về “nước non Việt Nam ta”. Vào thời điểm bước vào kỷ nguyên mới, Việt
Nam hoàn toàn có quyền tự hào về quá khứ hào hùng, về cơ đồ hiện tại và về khát
vọng vào tương lai của đất nước.
Kỷ nguyên mới, thời thế mới, vị thế mới đòi hỏi phải
tiến bước với tâm thế mới. “Biết mình, biết người, biết thời thế”, từ đó xác định
tâm thế đúng đắn là điều hết sức quan trọng. Trong một thế giới đang biến chuyển
hết sức nhanh chóng, khi thế và lực đã đủ mà quá tự ti, rụt rè sẽ để mất thời
cơ chiến lược. Tất nhiên, trong một thời cuộc đầy thách thức, sự tự tin luôn gắn
liền với tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, với một thái độ cẩn trọng, như Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ - Kiên quyết không
ngừng thế tiến công”. Người cũng căn dặn: “Dân ta xin nhớ chữ Đồng - Đồng tình,
đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Để tận dụng tốt thời cơ chiến lược trong kỷ nguyên mới,
kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, cần nhận thức sâu sắc “chữ Đồng” ở một
số khía cạnh sau:
Thứ nhất, “đồng tâm” xác định đây là thời cơ chiến lược
có tính lịch sử. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn
kết, đồng lòng, nỗ lực hết mình để đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới,
vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Thứ hai, với tâm thế “tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường,
tự hào dân tộc”, “đồng sức” trên cơ sở không ngừng khơi dậy, tăng cường nguồn sức
mạnh nội sinh của dân tộc. Sức mạnh nội sinh chính là nhân tố quyết định thắng
lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hơn bao
giờ hết, nền tảng vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên mối
quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân trở nên vô cùng quan trọng.
Thứ ba, “đồng minh” mà Bác Hồ nhắc tới được thể hiện
trong kỷ nguyên mới chính là ở việc tăng cường quan hệ với các “cực” quan trọng
định hình trật tự thế giới trong tương lai; đồng thời, xử lý tốt mối quan hệ giữa
các “cực”; chủ động tham gia tích cực vào việc xây dựng, định hình, kiến tạo
“luật chơi”; tự tin đóng góp tích cực vào “nền chính trị thế giới, nền kinh tế
toàn cầu, nền văn minh nhân loại”; qua đó, giúp Việt Nam gia tăng hơn nữa sức mạnh
tổng hợp quốc gia cùng vị thế và uy tín trên trường quốc tế.
Pháo hoa đón chào năm mới tại hồ Hoàn Kiến, thành phố Hà Nội (ảnh: Lê Việt Khánh) - Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Trước thềm Xuân mới - mùa Xuân lần thứ 95 của đất nước
dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, trên khắp đất nước Việt Nam đang dấy lên một tinh
thần phấn khởi, sôi nổi, đầy quyết tâm trong cuộc cách mạng để chuẩn bị mọi điều
kiện cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Không khí ấy, tinh thần
ấy gợi nhớ những thời khắc lịch sử, những quyết sách lịch sử của những Người Cộng
sản chân chính. Trong đêm trước của Cách mạng Tháng Mười Nga, V. I. Lê-nin đã
nhấn mạnh: “Lịch sử sẽ không tha thứ những người cách mạng hôm nay có thể chiến
thắng (và nhất định sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại chậm trễ, vì đợi đến ngày mai,
không khéo họ lại bị mất hết cả”(14). 80 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu
quyết tâm bất hủ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải
đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(15). Nửa
thế kỷ trước, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam họp phiên đặc
biệt và nhận định: “Thời cơ chiến lược đã tới... phải nắm vững thời cơ chiến lược
mới, tranh thủ thời gian cao độ... hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng
sớm càng tốt”(16). Trước thềm Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 95 năm tuổi, Đồng chí
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Mọi cơ hội đang đến với chúng ta phải được nắm
bắt kịp thời, bởi nếu để vuột mất cơ hội, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và với
nhân dân”(17).
Có thể khẳng định, kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng
Cộng sản Việt Nam, chúng ta chứng kiến sự hội tụ lịch sử khi toàn dân tộc chuẩn
bị bước vào kỷ nguyên mới. Đó là sự hội tụ của Chí lớn, Trí sáng, Quyết tâm cao
để xây dựng nên Nghiệp lớn của “nước non Việt Nam ta”. Đó là một sự nghiệp cao
cả đáp lời khát vọng non sông ngàn năm, là nỗ lực hoàn thành trọn vẹn tâm nguyện
của Bác Hồ kính yêu, được Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc lại và nhấn
mạnh: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà
bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự
nghiệp cách mạng thế giới”./.
(1) Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2006, tr. 933
(2) Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, 1976, tr. 132
(3) Xem: V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, t. 34, tr. 324
(4) Xem: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, t. 2, tr. 191
(5) Xem: Nguyễn Quỳnh Trâm: “Bài học về thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự vận dụng trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 28-4-2022, https://tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/825307/bai-hoc-ve-thoi-co-cua-cach-mang-thang-tam-nam-1945--va-su-van-dung-trong-dieu-kien-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-hien-nay.aspx
(6) Xem: Hoàng Minh Thảo: “Thế và thời trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 8-2003, tr. 7
(7) Xem: Lê Hải Bình: “Từ khát vọng dân tộc đến tầm nhìn 100 năm của Đảng: Sự hội tụ của ý Đảng - lòng dân vì lợi ích quốc gia - dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 940, tháng 4-2020, tr. 13
(8) GS, TS Tô Lâm: “Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 1050, tháng 11-2024, tr. 4
(9) Trong một khảo sát của Viện Lowy (Australia) tới 27 quốc gia châu Á năm 2024, trong các loại năng lực, Việt Nam thể hiện năng lực ngoại giao tốt nhất, xếp thứ 8/27 quốc gia.
(10) “The World in 2050. The long view: how will the global economic order change by 2050? (Tạm dịch: Thế giới năm 2050. Tầm nhìn dài hạn”: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi như thế nào vào năm 2050), PWC, https://www.pwc.com/gx/en/research-insights/economy/the-world-in-2050.html#keyprojections
(11) Xem: Tô Lâm: “Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tlđd, tr. 4
(12) Xem: “Understanding the current international order” (Tạm dịch: Hiểu về trật tự quốc tế hiện tại), RAND Corporation, 2016, tr. 7
(13) Nguyễn Hùng Sơn - Nguyễn Phương Hồng Ngọc: “Nội hàm khái niệm Cục diện thế giới trong tình hình hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 21-3-2024, https://tapchicongsan.org.vn/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/noi-ham-khai-niem-cuc-dien-the-gioi-trong-tinh-hinh-hien-nay?_101_INSTANCE_DLIYi5AJyFzY_viewMode=view
(14) Xem: Phùng Đông: “Bài học về lựa chọn thời cơ của Cách mạng Tháng Mười Nga và vấn đề hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-11-2013, https://www.tapchicongsan.org.vn/truyen-thong-hien-tai/-/2018/24377/bai-hoc-ve-lua-chon-thoi-co-cua-cach-mang-thang-muoi-nga-va-van-de-hoi-nhap-quoc-te-cua-viet-nam-hien-nay.aspx.
(15) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 129 - 130
(16) Xem: TTXVN: “Tổng tiến công 1975 - Sự khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 7-4-2015, https://www.tuyengiao.vn/tong-tien-cong-1975-su-khang-dinh-quyet-tam-giai-phong-mien-nam-73623.
(17) Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, ngày 8-1-2025.
Công tác lập pháp của Quốc hội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được khẳng định trong Hiến pháp, cụ thể: Quốc hội là cơ quan làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật.
Kết luận phiên họp về chuyển đổi số vào chiều 6/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuyển trạng thái từ "xin - cho" cung cấp dịch vụ công sang trạng thái "chủ động" phục vụ, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp và áp dụng chính sách thu phí 0 đồng với dịch vụ công trực tuyến.
Vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng bước sang năm mới Ất Tỵ 2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã gửi lời chúc Tết tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
(PLPT) - Xe chạy điện thay dần xe chạy xăng đang là bước đột phá ở khía cạnh bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Ở Việt Nam, xu hướng này đã bắt đầu với những bước đi tiên phong của hãng xe điện VinFast của Tập đoàn Vingroup.
(PLPT) - Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp đang ngày càng được chú trọng tại Việt Nam, không chỉ từ phía doanh nghiệp mà cả từ Đảng và Nhà nước, đặc biệt trực tiếp từ Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
(PLPT) - Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đột phá, đổi mới sáng tạo là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật.
(PLPT) - Kế hoạch nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Dữ liệu.