Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
PV
Chủ nhật, 20/10/2024 - 16:26
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh…
Ngày 20/10, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện
Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười, BCH Trung ương Đảng khóa XIII.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp
trực tuyến tại điểm cầu phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ba Đình Hà Nội, kết
nối với 14.934 điểm cầu Trung ương; điểm cầu các đảng ủy trực thuộc Trung ương;
điểm cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, Ban cán sự đảng
các bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính
trị - xã hội; điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương…, với hơn
1,2 triệu đại biểu tham dự.
Tuyệt đối không bàn lùi
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Tô Lâm nêu rõ, việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định triệu tập Hội nghị triển
khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII, triển khai quy mô, bài bản
trong toàn Đảng, khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết đối với sự
phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, cũng như yêu cầu cấp bách việc thực
hiện mạnh mẽ, quyết liệt, đạt hiệu quả thực chất trong toàn Đảng, toàn dân, cả
hệ thống chính trị.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô
Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng phải tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị
quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII. Theo đó, với những thành tựu vĩ đại sau
gần 80 năm lập nước, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới,
chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước
bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển,
giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng
của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội
dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để đạt được mục tiêu này, Hội nghị Trung ương 10 đã thống
nhất quyết tâm chính trị, những đột phá chiến lược, phương hướng, giải pháp chiến
lược với tư duy, nhận thức mới; đã thống nhất chủ trương đối với nhiều công việc
hệ trọng để tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng và chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội
XIV của Đảng.
Trên cơ sở thống nhất của Trung ương, việc đưa Nghị
quyết của Đảng tới từng Chi bộ, từng Đảng viên, ngấm sâu và hòa vào thực tiễn
cuộc sống đặt ra rất khẩn trương, cấp bách, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta phải tạo thành khối thống nhất về ý chí và hành động, đồng tâm hiệp lực,
chung sức đồng lòng, nỗ lực cao với những bước đi bài bản, chính xác, tranh thủ
tối đa thời cơ, thuận lợi, huy động cao nhất mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi
các chủ trương, phương hướng chiến lược mà Trung ương Đảng thống nhất hoạch định.
Về một số nội dung trọng tâm tập trung quán triệt, triển
khai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, cần tạo sự thống nhất nhận
thức trong toàn Đảng về quyết tâm chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng, hoàn thành mọi mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Đây là yêu cầu của
Trung ương, là chỉ tiêu pháp lệnh, cần nỗ lực cao nhất, tập trung mọi biện
pháp, nguồn lực để thực hiện cho được, tuyệt đối không bàn lùi.
Tập trung triển khai ngay một số đột phá chiến lược đã
được Trung ương thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội XIV. Trong đó, đối với đột
phá về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, ngay sau Hội nghị Trung
ương 10 khóa XIII, Quốc hội, Chính phủ đã gương mẫu, đi đầu, làm ngay, làm rất
quyết liệt với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng vì sự nghiệp chung. Thủ tướng
Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều phiên họp rà soát nội dung các luật
trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa
XV.
Tại kỳ họp này, đã thực hiện ngay cơ chế “Sửa một luật,
điều chỉnh nhiều luật”, trong đó 01 luật sửa 3 luật trong lĩnh vực đầu tư; 01
luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản, nhằm tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian cho phát triển.
Trong đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật đã cải cách thủ tục hành chính triệt
để, phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần Trung ương 10 đã thống nhất “địa
phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, tinh thần
này đề nghị phải lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị. Yêu cầu các bộ,
ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phải tập
trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế, quy trình với tinh thần
tháo gỡ triệt để điểm nghẽn, rào cản, cải cách triệt để thủ tục hành chính, mở
rộng không gian cho phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tất
cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước,
không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân; cùng với các giải pháp cụ thể phù hợp
thực tiễn để huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực
trong dân. Các địa phương đánh giá thấu đáo khả năng tự chủ, tự cường để đề xuất
cụ thể việc phân cấp, phân quyền, bảo đảm đáp ứng cao nhất yêu cầu của thực tiễn
phát triển.
“Ngay sau Hội nghị này, cấp uỷ các cấp có kế hoạch cụ
thể, tập trung lãnh đạo thực hiện. Việc đánh giá cụ thể kết quả thực hiện của cả
hệ thống chính trị với sản phẩm đo đếm được sẽ là một trong những nội dung của
kỳ họp Trung ương tiếp theo” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu.
Cùng với đó, khởi xướng và thực hiện cách mạng chuyển
đổi số; Tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội;
Sơ kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp
hành Trung ương khoá XII “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trong toàn hệ
thống chính trị…
Khơi thông nguồn lực, tạo dựng những nền tảng mới cho sự phát triển đột phá
Về các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến
tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị mỗi
địa phương cần cụ thể hóa, xác định rõ định hướng, giải pháp xây dựng mô hình
xã hội chủ nghĩa gắn với con người xã hội chủ nghĩa ở từng địa phương (Hải
Phòng, Đà Nẵng đi đầu thực hiện, tạo cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng trong cả
nước). Cụ thể phương hướng phát triển lực lượng sản xuất mới của từng ngành, từng
địa phương, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao và dữ liệu - tư liệu sản
xuất mới, hạ tầng giao thông, chuyển đổi xanh. Làm rõ nguồn lực, giải pháp,
trách nhiệm hoàn thành xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh
nhuệ, hiện đại; xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại, nhất là đối ngoại
Đảng, đối ngoại nhân dân, xây dựng nền tảng ý dân, lòng dân vững chắc. Xác định
những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể thể hiện rõ khả năng tự lực, tự cường, chủ động,
sáng tạo của từng địa phương trên cơ sở thực tiễn…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh, Nghị
quyết đã đúng, trúng thì tổ chức thực hiện là khâu đặc biệt quan trọng, có ý
nghĩa then chốt đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến chủ trương của Đảng thành
hành động cách mạng, tạo ra của cải vật chất, sản phẩm tinh thần, đưa đất nước
phát triển mạnh mẽ, vượt bậc; cũng qua triển khai Nghị quyết trong cuộc sống để
phát hiện, bổ sung, ngày càng hoàn thiện bước đi, tìm ra con đường ngắn nhất
đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sớm xây dựng
thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.
“Công việc trước mắt rất bộn bề, khẩn trương, thời
gian từ nay đến hết nhiệm kỳ đại hội XIII của Đảng không còn nhiều, còn nhiều mục
tiêu phải phấn đấu về đích, trong khi chuẩn bị các công việc cho Đại hội XIV là
rất hệ trọng. Tôi tin tưởng rằng, sau Hội nghị, với những tư duy, nhận thức mới
đã thấu suốt, với khí thế, quyết tâm cao, thống nhất về tư tưởng và hành động,
chúng ta sẽ khơi thông mọi nguồn lực, huy động cao nhất sức người, sức của, tiếp
tục tạo dựng những nền tảng mới cho sự phát triển đột phá của đất nước trong những
năm tiếp theo” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.