Thủ tướng Chính phủ: 4 mục tiêu và 15 giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả mưa lũ tại Lào Cai
Thứ sáu, 13/09/2024 - 09:08
Nghe audio
0:00
Tối 12/9, tại Trụ sở UBND huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ngay sau khi thị sát hiện trường vụ sạt lở làm gần 100 người chết và mất tích tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Yên Bái.
Theo các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do đợt mưa lũ, thiên tai hiện nay. Đây cũng là địa phương thiệt hại nhân mạng nặng nề nhất tới thời điểm hiện nay, với nhiều vụ sạt lở rất nghiêm trọng.
Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi), từ đêm 7 đến 11/9/2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng; lũ sông Hồng đêm 9/9 trên báo động 3 từ 3,47-4,19 m, vượt lũ lịch sử; gây ngập sâu trên diện rộng.
Theo báo cáo mới nhất của tỉnh, 6/9 địa bàn cấp huyện có người tử vong; đã có 98 người thiệt mạng, 81 người mất tích, 76 người bị thương.
Trong đó, vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đã khiến gần 100 người thiệt mạng và mất tích; vụ sạt lở tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà cũng vùi lấp hoàn toàn 8 ngôi nhà khiến 7 người thiệt mạng và 11 người bị thương, 11 người mất tích; vụ sập nhà điều hành thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc tại xã Bản Cái, huyện Bắc Hà khiến 5 người mất tích…
Về thiệt hại vật chất, hiện chưa thống kê được đầy đủ nhưng ước tính sơ bộ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đến ngày 12/9 còn 53/152 xã mất điện, dự kiến đến hết ngày 16/9 sẽ khắc phục tạm thời, cấp điện trở lại cho 100% các xã. Hiện vẫn còn 3 xã bị cô lập hoàn toàn, 35 xã chưa thể tiếp cận bằng ô tô.
Tỉnh đã di dời khẩn cấp hơn 2.200 hộ dân với hơn 9.500 người dân ở các khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn. Đến nay, tỉnh đã cấp 24 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh để khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng kinh phí từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ là trên 4,6 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết cuộc họp nhằm đánh giá lại đợt thiên tai vừa qua và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, huyện Bảo Yên nói riêng.
"Lịch sử Lào Cai chưa bao giờ có trận mưa lũ như lần này", Thủ tướng đánh giá. Điều này thể hiện qua phạm vi mưa lũ rộng, đối tượng nhiều, tính chất phức tạp, diễn ra rất nhanh chóng, đột ngột, kỹ năng, trang thiết bị ứng phó còn thiếu, yếu, phản ứng chưa kịp thời, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan.
Thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn, thăm hỏi sâu sắc nhất tới các gia đình có người thân bị thiệt mạng, mất tích; đồng thời hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lào Cai đã nỗ lực, quyết tâm, vận dụng hết khả năng, "gồng mình" ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương lực lượng quân đội, công an đã sẵn sàng, triển khai lực lượng từ sớm, từ xa, bám sát địa bàn, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ngoài thiệt hại về vật chất, Thủ tướng cho rằng tổn thương về tinh thần, tâm lý của một bộ phận người dân cũng rất nặng nề, cần được động viên, chia sẻ và có giải pháp.
Thủ tướng nhấn mạnh 4 mục tiêu: Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; nhanh chóng ổn định tình hình cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội; khôi phục sản xuất, kinh doanh cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân.
Về nhiệm vụ tổng quát, Thủ tướng yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện thật tốt các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để khắc phục hậu quả mưa lũ thật hiệu quả, tự tin, tự lực, tự cường, phấn đấu bằng mọi khả năng của mình, với tinh thần đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết.
Chỉ rõ 15 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với các địa phương nói chung và Lào Cai nói riêng, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, bị bệnh, lo hậu sự và chính sách cho người thiệt mạng.
Thứ hai, đánh giá, quy hoạch, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm với giải pháp tổng thể cho toàn tỉnh Lào Cai. Riêng với thôn Làng Nủ, cần khẩn trương tìm địa điểm an toàn để chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành việc xây dựng lại thôn này, đáp ứng mong mỏi của người dân, nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
Thứ ba, tìm mọi cách, bằng mọi phương tiện để tiếp cận những nơi bị chia cắt, trên cơ sở đổi mới tư duy, không tiếp cận theo cách suy nghĩ lối mòn; từ đó tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước sạch, nhu yếu phẩm cho người dân.
Cùng với đó, dọn dẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường; khôi phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; sửa chữa các trường lớp, nơi nào ổn định phải cho học sinh trở lại trường ngay; sửa chữa cơ sở y tế để khám chữa bệnh cho người dân; rà soát thiệt hại, phân tích nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục.
Giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành trong hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, trong đó có Lào Cai, Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân đội, công an có thể điều động thêm người, tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ địa phương nhanh chóng ổn định tình hình.
Về khôi phục hệ thống giao thông bị hư hại, ảnh hưởng, Bộ Giao thông vận tải lo đường lớn, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo xã lộ.
Bộ Công Thương bảo đảm nguồn cung xăng dầu và các loại hàng hóa, bảo đảm không găm hàng, đội giá, làm giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tính toán lại số thiệt hại về lúa, hoa màu, nhanh chóng hướng dẫn bà con khôi phục canh tác, nuôi trồng thuỷ sản, vật nuôi.
Thủ tướng cũng yêu cầu kêu gọi, phát huy tinh thần tương thân, tương ái của người dân, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn; phân bổ nguồn ủng hộ một cách phù hợp, tránh tiêu cực, thất thoát.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường và tăng cường thông tin hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, mưa lũ và thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Tiến hành công tác tổng kết, làm tốt việc thi đua, khen thưởng những người làm tốt, xử lý những cán nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Cho ý kiến xử lý các kiến nghị của Lào Cai, Thủ tướng tin tưởng Lào Cai sẽ vượt qua được khó khăn này và hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2024 với kết quả năm 2023, chuẩn bị tốt việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp trong năm 2025, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.