Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Thực hư tin đồn Hoa hậu Quế Anh là người nhà đạo diễn Hoàng Nhật Nam

Nhật Duy Thứ bảy, 31/08/2024 - 11:00

(PLPT) - Sau khi đăng quang Miss Grand Vietnam 2024 hồi đầu tháng 8, Hoa hậu Quế Anh hứng chịu tin đồn được ưu ái vì là người nhà đạo diễn Hoàng Nhật Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông lên tiếng, cho rằng các thông tin trên có dấu hiệu sai sự thật.

Hoa hậu Quế Anh bị đồn là người nhà đạo diễn Hoàng Nhật Nam

Liên quan đến tin đồn Hoa hậu Quế Anh được ưu ái vì là người nhà đạo diễn Hoàng Nhật Nam, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM.

Trước đó, hồi đầu tháng 8, Võ Lê Quế Anh đăng quang Miss Grand Vietnam 2024. Sau đêm chung kết, Hoa hậu Quế Anh hứng chịu nhiều tin đồn trên mạng xã hội, trong đó có tin đồn cho rằng Quế Anh được ưu ái vì là người nhà của đạo diễn Hoàng Nhật Nam (thành viên Ban Tổ chức cuộc thi). Những thông tin trên mạng xã hội dẫn đến làn sóng chỉ trích và nhiều bình luận công kích, tiêu cực nhắm vào phía hoa hậu và ê-kíp sản xuất.

Bộ Thông tin Truyền thông phản hồi kiến nghị của BTC Miss Grand Vietnam - 1
Một số tin đồn trên mạng xã hội cho rằng Quế Anh được ưu ái vì là người nhà của đạo diễn Hoàng Nhật Nam (thành viên Ban Tổ chức cuộc thi).

Theo văn bản do ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ Thông tin và Truyền thông) - ký văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Cục PTTH&TTĐT nhận đơn kiến nghị của Công ty Cổ phần Quảng cáo Thương mại Sen Vàng (Công ty Sen Vàng), đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024.

Trong đơn, Ban Tổ chức cuộc thi phản ánh về việc một số trang mạng xã hội Facebook, TikTok đăng tải nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của Ban Tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam.

"Qua xem xét nội dung phản ánh nêu trên, Cục PTTH&TTĐT nhận thấy các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, TikTok có dấu hiệu sai sự thật.

Vì vậy, Cục PTTH&TTĐT đề nghị Sở TT&TT TPHCM xem xét, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật và thông báo kết quả cho Công ty Sen Vàng, đồng gửi Cục PTTH&TTĐT. Trong trường hợp cần ngăn chặn các thông tin vi phạm, Cục sẽ phối hợp đề nghị các nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, thông tin đến Sở TT&TT TPHCM.

Bên cạnh đơn kiến nghị gửi đến Cục PTTH&TTĐT, đơn vị tổ chức Miss Grand Vietnam cũng gửi văn bản lên Sở TT&TT TPHCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an TPHCM...

Trước đó, tại buổi họp báo định kỳ ngày 15/8, đại diện Sở TT&TT TPHCM cũng phản hồi với truyền thông về vụ việc liên quan Hoa hậu Quế Anh - người vừa đăng quang Miss Grand Vietnam 2024 - và công ty quản lý.

"Sở đã tiếp nhận đơn kiện, mời đại diện cá nhân, tổ chức lên làm việc nhằm hướng dẫn, xử lý theo quy trình. Để xử lý các trường hợp cụ thể trên không gian mạng, các cơ quan cần thực hiện đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật", ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở TT&TT TPHCM - nói.

Phía Sở TT&TT TPHCM khẳng định, nếu ai lợi dụng không gian mạng để thu hút dư luận, sử dụng không gian mạng để xúc phạm, lan truyền thông tin không đúng sự thật, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ để xử lý đúng quy trình và quy định.

Hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng có thể bị xử lý ra sao?

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng là hành vi vi phạm luật an ninh mạng. Theo Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018, tùy từng tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định các mức xử phạt tương ứng đối với từng đối tượng, từng nhóm hành vi, cụ thể:

- Hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân của các Trang tin điện tử vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm (quy định tại điểm a, khoản 3 và điểm a, khoản 5 Điều 99).

- Hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm (quy định tại điểm a, khoản 3 và điểm a, khoản 5 Điều 100).

- Hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm (quy định tại điểm a, khoản 1 và khoản 3 Điều 101).

- Hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (quy định tại điểm n, khoản 3, Điều 102).

Về chế tài xử lý hình sự, hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo Điều 156 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 01 năm đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Điều 288 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội sẽ bị xử phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử lý về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 05 đến 12 năm.

Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật. Thiệt hại bao gồm chi phí để khắc phục hậu quả, những tổn thất về vật chất và tinh thần đã gây ra đối với tổ chức, cá nhân bị hại. Vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ trên cơ sở yêu cầu của người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Việc chia sẻ, đăng tải, phát ngôn thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi công dân. Tuy nhiên, khi hoạt động trên không gian mạng mỗi công dân phải có trách nhiệm về thông tin mình đăng tải, cũng như tỉnh táo khi tiếp nhận, chia sẻ các thông tin để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể mắc phải.

Cùng chuyên mục

Người mang “tinh thần pháp quyền” ở khu vực biên giới

Người mang “tinh thần pháp quyền” ở khu vực biên giới

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong thời gian qua, đã hăng hái cung cấp rất nhiều tin, phản ánh nguyện vọng có giá trị, giúp chính quyền lựa chọn mô hình, phương pháp, nội dung đổi mới để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Đẩy mạnh vai trò tổ chức hành nghề luật sư trong hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên Cổng Pháp luật Quốc gia

Đẩy mạnh vai trò tổ chức hành nghề luật sư trong hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên Cổng Pháp luật Quốc gia

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 ngày trước

(PLPT) - Sáng nay, ngày 11/6/2025, tại trụ sở Bộ Tư pháp diễn ra Toạ đàm “Vai trò của tổ chức hành nghề Luật sư trong hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên Cổng Pháp luật quốc gia”

Cụ thể, rõ ràng hơn về tiêu chí, điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay đặc biệt

Cụ thể, rõ ràng hơn về tiêu chí, điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay đặc biệt

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 tuần trước

Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, các ĐBQH đề nghị, cần quy định cụ thể lãi suất 0% chỉ áp dụng cho tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tái cơ cấu bắt buộc hoặc là có ảnh hưởng đến sự ổn địn

Tiếp tục hoàn thiện nhiều chính sách mới trong lĩnh vực tài chính

Tiếp tục hoàn thiện nhiều chính sách mới trong lĩnh vực tài chính

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 tuần trước

Các dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một luật sửa 8 luật trong lĩnh vực kinh tế và tài chính được hoàn thiện thêm một bước, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín của Quốc hội.

Dự thảo Luật nhà giáo: Tiền lương cần cao gấp đôi, gấp ba để thu hút những người giỏi nhất làm giáo viên

Dự thảo Luật nhà giáo: Tiền lương cần cao gấp đôi, gấp ba để thu hút những người giỏi nhất làm giáo viên

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 tuần trước

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, không chỉ là xếp lương cho nhà giáo ở bậc cao nhất trong thang bậc, mà nên có chế độ gấp đôi, gấp ba để thật sự tuyển chọn được những người ưu tú nhất.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Rõ cơ chế ưu đãi cho ngành công nghiệp chiến lược

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Rõ cơ chế ưu đãi cho ngành công nghiệp chiến lược

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 tuần trước

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần làm rõ cơ chế ưu đãi cho các ngành công nghiệp chiến lược như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, bảo đảm tính khả thi, kịp thời trong triển khai chính sách hỗ trợ.

Hoàn thiện các Nghị định phân cấp, phân quyền trước ngày 10/6/2025

Hoàn thiện các Nghị định phân cấp, phân quyền trước ngày 10/6/2025

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 tuần trước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 83/CĐ-TTg ngày 7/6/2025 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân định thẩm quyền trong các ngành, lĩnh vực.

Báo Pháp luật Việt Nam và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ký thỏa thuận hợp tác

Báo Pháp luật Việt Nam và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ký thỏa thuận hợp tác

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 tuần trước

Sáng ngày 6/6, tại trụ sở Báo Pháp luật Việt Nam, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Báo Pháp luật Việt Nam và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã diễn ra trong không khí trang trọng và đầy kỳ vọng. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai đơn vị nhằm nâng cao nhận thức pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp và góp phần xây dựng thể chế pháp luật vững mạnh.