Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững
Tóm tắt: Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản là giấy tờ pháp lý để doanh nghiệp đấu giá tài sản chính thức bước vào thị trường kinh doanh. Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động là một trong các chế tài đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản. Chế tài này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động và rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành ở Việt Nam chưa tạo được nền tảng pháp lý vững chắc để thực thi chế tài này trên thực tế. Bài viết này đi sâu phân tích và chỉ ra những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Từ khóa: doanh nghiệp đấu giá tài sản, giấy đăng ký hoạt động, thu hồi.
Abstract: The Operation Registration Certificate is a legal document for an auction enterprise to officially enter the business market. Revocation of the Operation Registration Certificate is one of the sanctions for auction enterprise. This sanction also means that enterprises must terminate operations and withdraw from the market. However, current legal regulations in Vietnam have not created a solid legal foundation to enforce this sanction in practice. This article deeply analyzes and points out the limitations and inadequacies of legal regulations on revoking Operation Registration Certificates of auction enterprises, and at the same time proposes practical solutions to improve Vietnamese law about this issue.
Keywords: Auction enterprise, Operation Registration Certificate, revoke
Trên thế giới, đấu giá có lịch sử hình thành khá lâu đời, vào khoảng năm 500 trước công nguyên tại Ba-by-lon[1]. Theo Paul R. Milgrom, đấu giá là một trong các thể chế kinh tế tồn tại lâu đời nhất[2]. Ngày nay, đấu giá đã trở thành một hoạt động phổ biến, đáng tin cậy, đóng vai trò trung gian trong mua, bán hàng hóa, tài sản. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, hoạt động đấu giá trực tuyến ngày càng phát triển sôi nổi, việc tham gia đấu giá để mua được tài sản không còn là vấn đề quá khó khăn và không còn giới hạn trong phạm vi biên giới quốc gia.
Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng đấu giá là phương pháp xác định giá trị món hàng và tuân theo quy luật giá trị[3]. Đấu giá là phương pháp xác định giá trị của một hàng hoá có mức giá không thể xác định hoặc biến đổi quá nhiều. [...] Thông qua đấu giá, người mua người bán có thể mua và bán được hàng hoá gần đúng với giá trị của hàng hoá đó[4]. Caroline Banton cho rằng: Đấu giá là một sự kiện bán hàng trong đó người mua tiềm năng trả giá cạnh tranh trên các tài sản hoặc dịch vụ ở hình thức mở hoặc kín[5].
Đấu giá theo các quan điểm này là một hoạt động kinh tế nhằm tối đa hóa lợi ích của người bán hoặc cả người bán và người mua. Hàng hóa đấu giá có thể là một món hàng không thể phân chia, nhiều đơn vị của cùng một hàng hóa hoặc nhiều món hàng của nhiều hàng hóa khác nhau. Những người tham gia trong một cuộc đấu giá bao gồm: đấu giá viên, người mua, người bán. Trong đó, đấu giá viên là người điều hành cuộc đấu giá, người mua là người trả giá để mua hàng hóa và người bán là người muốn bán hàng hóa thuộc sở hữu của mình. Trên thế giới hiện nay có đa dạng các kiểu đấu giá: đấu giá đồng hồ - clock auction, đấu giá kết hợp - combinatorial auction, đấu giá kiểu Hà Lan - Dutch auction, đấu giá kiểu Anh - English auction, đấu giá theo giá đầu tiên - first-price auction, đấu giá theo giá đã trả - pay-as-bid auction, đấu giá tối ưu - optimal auction, đấu giá theo giá thứ hai - second-price auction, đấu giá tăng dần đồng thời - simultaneous ascending auction, đấu giá theo giá đồng nhất - uniform-price auction, đấu giá Vickrey - Vickrey auction[6].
Với kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp và mục tiêu lợi nhuận trong kinh doanh, doanh nghiệp đấu giá tài sản là chủ thể tiến hành hoạt động đấu giá hữu hiệu. Trên thế giới, các hãng đấu giá đầu tiên được thành lập tại Anh vào thế kỷ 18 như Sotheby’s (năm 1744) và Christie’s (năm 1766). Đây là hai hãng đấu giá được thành lập sớm nhất và có quy mô lớn nhất trên thế giới. Cả hai công ty này hiện nay đều được tổ chức theo mô hình công ty đại chúng, có trụ sở chính tại Luân Đôn cùng các chi nhánh tại nhiều thành phố lớn trên thế giới. Hai công ty này đều rất thành công trong lĩnh vực đấu giá trực tuyến.
Ở Việt Nam, trước khi Luật Đấu giá tài sản năm 2016 được ban hành, pháp luật điều chỉnh về doanh nghiệp đấu giá tài sản không có nhiều điểm khác biệt so với loại hình doanh nghiệp khác. Ngoài điều kiện về người đại diện phải là đấu giá viên; trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết khác phải bảo đảm cho hoạt động bán đấu giá tài sản thì doanh nghiệp đấu giá tài sản cũng thực hiện đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh và được kinh doanh đa ngành như các doanh nghiệp khác [7].
Khi đó, một số nhà nghiên cứu đã có đề xuất: nên giao cho Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản thay vì là Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp[8] (hay chuyển nhiệm vụ đăng ký hoạt động của các doanh nghiệp đấu giá tài sản từ Sở Kế hoạch và Đầu tư sang Sở Tư pháp[9]).
Bên cạnh đó còn có đề xuất: doanh nghiệp bán đấu giá chỉ nên hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp, không kinh doanh những ngành nghề khác[10].
Các đề xuất trên đã được ghi nhận trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Hiện nay, doanh nghiệp đấu giá tài sản không thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh mà thực hiện đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở[11]. Giấy đăng ký hoạt động được cấp bởi Sở Tư pháp chính là giấy tờ pháp lý để doanh nghiệp đấu giá tài sản được gia nhập thị trường kinh doanh.
Hơn nữa, hiện nay, mặc dù vẫn là chủ thể kinh doanh với mục đích tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường nhưng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đấu giá tài sản bị hạn chế hơn hẳn so với các doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề khác trên thị trường. Doanh nghiệp đấu giá tài sản bị hạn chế quyền kinh doanh đa ngành[12]. Doanh nghiệp đấu giá chỉ được kinh doanh một ngành, nghề duy nhất – đấu giá tài sản. Do đó, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá là quyết định “sinh mệnh” của doanh nghiệp, bởi lẽ, khi doanh nghiệp đấu giá bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động và rút lui khỏi thị trường.
Chính vì vậy, quy định pháp luật về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản phải đảm bảo tương xứng, dự liệu được hành vi vi phạm của doanh nghiệp và đặc biệt là phải có tính khả thi thì mới có thể áp dụng được trên thực tế.
Ngày 27/6/2024, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 37/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định rất nhiều điểm mới, trong đó có 01 khoản sửa đổi, bổ sung liên quan tới việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản[13]. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này nhìn chung vẫn chưa khắc phục hết những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật và chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tế đặt ra.
Có thể chia các quy định pháp luật về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản thành hai nhóm sau: i) doanh nghiệp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động do vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp; ii) doanh nghiệp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động do vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động.
Về nguyên nhân này, theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, có hai trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động[14]: 1) Doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện đăng ký hoạt động đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản[15]; 2) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hoạt động là giả mạo. Trong đó, doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trong trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hoạt động là giả mạo tương đương với chế tài đối với các doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp[16] và hoàn toàn tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi.
Đối với trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động do doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định, Sở Tư pháp có văn bản yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện đó trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có văn bản yêu cầu. Hết thời hạn 30 ngày mà doanh nghiệp đấu giá tài sản vẫn không đáp ứng được các điều kiện đó thì Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Hầu hết doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động hiện nay đều vì lý do này. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty đấu giá hợp danh An Bình – Chi nhánh Đà Nẵng[17], Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Gia – Chi nhánh Đà Nẵng[18].
Như vậy, Luật Đấu giá tài sản vẫn dành cho doanh nghiệp đấu giá tài sản một khoảng thời gian 30 ngày để doanh nghiệp khắc phục điều kiện hoạt động mà doanh nghiệp chưa đảm bảo. Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nhà đầu tư được quyền kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ ngày đáp ứng đủ điều kiện và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh. Đồng thời điểm a khoản 2 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản, hết thời hạn 30 ngày mà doanh nghiệp vẫn không đảm bảo các điều kiện hoạt động thì Sở Tư pháp sẽ ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp bị buộc phải chấm dứt kinh doanh dịch vụ đấu giá tài sản.
Tóm lại, Luật Đấu giá tài sản không quy định về việc tạm ngừng kinh doanh dịch vụ đấu giá tài sản đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản trong trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện hoạt động. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy nhất định, đặc biệt là trong trường hợp hết thời hạn 30 ngày mà doanh nghiệp không có khả năng bổ sung, hoàn thiện điều kiện theo quy định và bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Đồng thời, dẫn đến sự không thống nhất giữa Luật Đấu giá tài sản với pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về đầu tư.
Với vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế, hạn chế sự tác động tiêu cực của doanh nghiệp, vì chạy theo lợi nhuận mà xâm phạm đến quyền, lợi ích của các chủ thể khác, Nhà nước luôn có can thiệp trong chừng mực nhất định để định hướng cho doanh nghiệp thông qua quy định về các hành vi bị cấm và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Với tư cách là một chủ thể kinh doanh, doanh nghiệp đấu giá tài sản có quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, tương tự như các quyền tự do khác của con người, tự do quyết định trong hoạt động kinh doanh không phải việc chủ thể được làm tất cả những điều họ muốn, nó bị giới hạn bởi quyền tự do kinh doanh của người khác và không bị xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của các chủ thể khác trong xã hội[19]. Quyền tự do kinh doanh cũng có những giới hạn nhất định bởi quyền tự do kinh doanh của chủ thể khác, bởi lợi ích công cộng, lợi ích của các chủ thể khác trong xã hội. Tùy vào thể chế chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như đặc trưng, định hướng phát triển của nền kinh tế thị trường ở mỗi quốc gia mà Nhà nước sẽ có những chính sách điều tiết, ghi nhận, đảm bảo quyền tự do kinh doanh nhưng phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh không xâm hại đến lợi ích của chủ thể khác, lợi ích chung của xã hội. Để làm được điều đó, không thể thiếu vai trò quản lý của Nhà nước thông qua pháp luật. Suy cho cùng, quyền tự do kinh doanh là quyền không tách rời trong luật tự nhiên, tới lượt mình, luật thực định sẽ ghi nhận quyền đó ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố tác động.
Tác giả Bùi Ngọc Cường đã từng khẳng định “hệ thống pháp luật của quốc gia có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh”[20]. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đề cao vai trò điều tiết của Nhà nước và vai trò chỉ đạo định hướng của Đảng Cộng sản, thừa nhận nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, các quy định pháp luật đã thể chế hoá tư tưởng này theo hướng Nhà nước can thiệp, điều tiết sâu rộng mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nêu rõ: để thu hút và đảm bảo hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường cần thể chế hóa đầy đủ và thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh. Nhà nước, thông qua pháp luật, phải có những đảm bảo cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh. Điều đó có nghĩa pháp luật phải xác định rõ các hành vi mà các chủ thể kinh doanh cần phải thực hiện hoặc không được thực hiện để không làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
Chính vì vậy, những hành vi mà pháp luật cấm doanh nghiệp đấu giá thực hiện và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp đấu giá không phải nhằm mục đích kìm kẹp doanh nghiệp mà nhằm đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp không làm xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Do đó, trong quá trình hoạt động, khi doanh nghiệp đấu giá thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm hoặc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ pháp lý thì doanh nghiệp phải chịu chế tài từ Nhà nước. Một trong các chế tài đó là doanh nghiệp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.
Theo đó, có ba trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động[21]: 1) ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo với Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động; 2) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không gửi báo cáo cho Sở Tư pháp về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp (nếu có) hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu mà tái phạm; 3) trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.
Trong những trường hợp này có hai trường hợp cần được xem xét và quy định cụ thể hơn:
Thứ nhất, doanh nghiệp đấu giá tài sản đã được cấp Giấy đăng ký hoạt động và ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo với Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động thì doanh nghiệp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Điều đó có nghĩa, nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động và có thông báo với Sở Tư pháp thì doanh nghiệp không bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, không cần biết doanh nghiệp ngừng hoạt động bao lâu. Tuy nhiên, trong các nghĩa vụ của doanh nghiệp đấu giá tài sản được quy định trong Luật Đấu giá tài sản[22], doanh nghiệp hoàn toàn không có nghĩa vụ thông báo cho Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động về việc tạm ngừng hoạt động. Do đó, doanh nghiệp không bắt buộc phải thực hiện việc thông báo này. Và như vậy, việc đưa trường hợp này vào các trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động là chưa đủ sức thuyết phục. So với tổ chức hành nghề luật sư, Luật Luật sư có quy định rõ tổ chức hành nghề luật sư có quyền tạm ngừng tạm hoạt động nhưng phải báo cáo bằng văn bản về việc tạm ngừng hoạt động với Sở Tư pháp, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh, chậm nhất là 10 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng hoạt động. Thời gian tạm ngừng hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư là không quá 02 năm. Bên cạnh đó, Luật Luật sư còn quy định những nội dung chính phải được thể hiện trong báo cáo về việc tạm ngừng hoạt động[23]. Như vậy, đối với tổ chức hành nghề luật sư, tạm ngừng hoạt động là quyền nhưng báo cáo đến Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan là nghĩa vụ. Do đó, nếu tổ chức hành nghề luật sư vi phạm nghĩa vụ báo cáo này thì bị xử phạt vi phạm hành chính[24]. Đồng thời nếu không hoạt động trở lại hoặc không có báo cáo về việc tiếp tục ngừng hoạt động quá 06 tháng kể từ ngày hết hạn tạm ngừng hoạt động thì tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động[25].
Mặt khác, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản, doanh nghiệp ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo cho Sở Tư pháp thì bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Điều đó có nghĩa, sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, doanh nghiệp đã từng hoạt động và sau đó mới ngừng hoạt động. Còn nếu doanh nghiệp đã được cấp Giấy đăng ký hoạt động mà chưa bắt đầu hoạt động thì không thể gọi là ngừng hoạt động. Và nếu doanh nghiệp đã được cấp Giấy đăng ký hoạt động nhưng không hoạt động thì lại không thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Lập luận trên cho thấy tính lỏng lẻo trong quy định về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trong trường hợp này.
So với Văn phòng công chứng, Luật Công chứng lại có dự liệu và tách biệt hai trường hợp Văn phòng công chứng đã được cấp Giấy đăng ký hoạt động nhưng không hoạt động và trường hợp Văn phòng công chứng đã hoạt động nhưng sau đó không hoạt động (ngừng hoạt động), thì đều bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Cụ thể, hết thời hạn 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động mà Văn phòng công chứng chưa bắt đầu hoạt động hoặc không hoạt động liên tục từ 03 tháng trở lên, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi Quyết định cho phép thành lập, căn cứ vào đó, Sở Tư pháp thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng[26]. Luật Công chứng không yêu cầu Văn phòng công chứng phải thực hiện báo cáo/thông báo khi tạm ngừng hoạt động. Vì vậy, Luật Công chứng cũng không quy định việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng khi tạm ngừng hoạt động mà không thông báo/báo cáo.
Đối với tổ chức hành nghề luật sư, trước đây Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư cũng có quy định trường hợp tổ chức hành nghề luật sư không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký trong thời hạn 06 tháng liên tục kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động[27]. Tuy nhiên, sau đó, quy định này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư. Theo đó, tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trong trường hợp không hoạt động liên tục tại trụ sở đã đăng ký trong thời hạn 06 tháng, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động theo quy định của pháp luật[28]. Sửa đổi này của Nghị định số 137/2018/NĐ-CP nêu trên có thể hiểu tổ chức hành nghề luật sư sẽ bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trong cả hai trường hợp: trường hợp không hoạt động 06 tháng liên tục kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động và trường hợp đã hoạt động sau đó không hoạt động 06 tháng liên tục. Tuy nhiên, nếu rơi vào một trong hai trường hợp này, tổ chức hành nghề luật sư chỉ bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động khi không báo cáo bằng văn bản đến Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan về việc tạm ngừng hoạt động.
Thứ hai, doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không gửi báo cáo cho Sở Tư pháp về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp (nếu có) hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu mà tái phạm. Báo cáo này là nghĩa vụ mà Luật Đấu giá tài sản quy định cho doanh nghiệp đấu giá tài sản. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính hay thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp trong trường hợp này là có căn cứ thuyết phục. Tuy nhiên, vì Luật Đấu giá tài sản không dẫn chiếu đến Luật Xử lý vi phạm hành chính và chỉ dừng lại ở quy định là doanh nghiệp đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm, do đó, sẽ thiếu căn cứ để xác định việc tái phạm này là trong hay ngoài thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể là trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính[29]. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản khi không thực hiện chế độ báo cáo về tổ chức, hoạt động là phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng[30]. Vậy nếu doanh nghiệp đấu giá tài sản đã từng bị xử phạt vi hành chính về hành vi không thực hiện chế độ báo cáo này và quá 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt doanh nghiệp mới tái phạm thì có rơi vào trường hợp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động theo quy định này của Luật Đấu giá tài sản không? Quy định này của Luật Đấu giá tài sản là chưa rõ ràng và sẽ gây khó khăn cho công tác áp dụng pháp luật trên thực tế.
Có thể thấy, các quy định về chế tài thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho thống nhất với các văn bản pháp luật khác. Đồng thời, đảm bảo khả năng dự liệu đầy đủ các hoàn cảnh, điều kiện có thể xảy trong thực tế của pháp luật. Có như vậy, khi phát sinh những tình huống xảy ra trong thực tế, cơ quan có thẩm quyền sẽ không bị lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.
Về vấn đề thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản khi doanh nghiệp vi phạm các quy định liên quan đến thành lập doanh nghiệp, pháp luật Việt Nam cần xem xét sửa đổi, bổ sung theo định hướng sau:
Cần bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về việc doanh nghiệp đấu giá tài sản phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản trong thời gian doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện hoạt động. Doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ kinh doanh một ngành, nghề duy nhất là dịch vụ đấu giá tài sản, do đó, việc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Vấn đề này đã được Luật Luật sư ghi nhận từ sớm: “Sở Tư pháp có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư tạm ngừng hoạt động khi phát hiện tổ chức hành nghề luật sư đó không có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật”[31]. Theo đó, điểm a khoản 2 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp có văn bản yêu cầu doanh nghiệp đấu giá tài sản đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có văn bản yêu cầu; trong thời hạn nêu trên, doanh nghiệp đấu giá tài sản phải tạm ngừng hoạt động; hết thời hạn nêu trên mà doanh nghiệp đấu giá tài sản vẫn không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này thì Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp”.
Để đảm bảo tính khả thi của chế tài thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, đồng thời dự liệu được các hoàn cảnh, điều kiện có thể xảy ra trên thực tế liên quan đến các vi phạm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, pháp luật quy định về vấn đề này cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
Thứ nhất, Luật Đấu giá tài sản có thể kế thừa các quy định đã được chứng minh tính khả thi, tính phù hợp bằng hiệu quả điều chỉnh lâu dài trong Luật Luật sư về nghĩa vụ báo cáo của tổ chức hành nghề luật sư khi tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, cũng cần phải xác định rõ, có hai trường hợp tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp đấu giá tài sản: 1) doanh nghiệp đấu giá tài sản bị tạm ngừng hoạt động theo yêu cầu của Sở Tư pháp do doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện hoạt động quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Đấu giá tài sản, thời gian tạm ngừng hoạt động trong trường hợp này là 30 ngày (như đã phân tích ở trên); 2) doanh nghiệp đấu giá tài sản được tạm ngừng hoạt động theo ý chí của doanh nghiệp. Đối với trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản bị tạm ngừng hoạt động theo yêu cầu của Sở Tư pháp, doanh nghiệp không phải thực hiện thông báo. Còn đối với trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản thực hiện quyền tạm ngừng hoạt động thì phải thông báo đến Sở Tư pháp nhằm phục vụ công tác quản lý doanh nghiệp. Theo đó, Luật Đấu giá tài sản cần bổ sung thêm 01 Điều quy định về việc tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp đấu giá tài sản như sau:
“Điều..: Tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản
1. Doanh nghiệp đấu giá tài sản bị tạm ngừng hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 Luật này;
2. Doanh nghiệp đấu giá tài sản có quyền tạm ngừng hoạt động nhưng phải thông báo bằng văn bản về việc tạm ngừng hoặc tiếp tục hoạt động, chậm nhất là mười ngày làm việc trước ngày tạm ngừng hoặc ngày tiếp tục hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng với Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh, văn phòng đại diện. Thời gian tạm ngừng hoạt động không quá một năm.
3. Doanh nghiệp đấu giá tài sản tạm ngừng và tiếp tục hoạt động theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, công bố thời điểm tạm ngừng hoặc tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp.
4. Thông báo về việc tạm ngừng hoạt động có những nội dung chính sau đây:
a) Tên doanh nghiệp đấu giá tài sản;
b) Số, ngày, tháng, năm cấp Giấy đăng ký hoạt động;
c) Địa chỉ trụ sở;
d) Thời gian tạm ngừng hoạt động;
đ) Lý do tạm ngừng hoạt động;
e) Báo cáo về việc thanh toán nợ, giải quyết các hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đã ký với khách hàng và hợp đồng lao động đã ký với đấu giá viên, nhân viên của doanh nghiệp.
5. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp đấu giá tài sản phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ khác, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với người lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đối với hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đã ký với khách hàng nhưng chưa thực hiện xong thì phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đó.
6. Trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản tạm ngừng hoạt động thì chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp đó cũng phải tạm ngừng hoạt động”.
Khi Luật Đấu giá tài sản đã quy định nghĩa vụ thông báo về việc tạm ngừng hoặc tiếp tục hoạt động đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản, nếu doanh nghiệp đấu giá tài sản vi phạm nghĩa vụ này có thể áp dụng chế tài để xử lý.
Theo đó, Điều 24 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã nêu cần bổ sung thêm các hành vi: 1) “thông báo không đúng hạn về việc tạm ngừng hoặc tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản” vào khoản 1, tương đương với các hành vi như gửi giấy đề nghị không đúng thời hạn khi thay đổi về tên gọi, địa chỉ trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, công bố không đúng thời hạn về việc đăng ký hoạt động hoặc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, thông báo không đúng thời hạn về việc đăng ký hoạt động của chi nhánh hoặc địa chỉ của văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản[32]; 2) “không thông báo về việc tạm ngừng hoặc tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản” vào khoản 2, tương đương với các hành vi không thực hiện chế độ báo cáo về tổ chức, hoạt động, không công bố nội dung đăng ký hoạt động, nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, không thông báo về đăng ký hoạt động của chi nhánh hoặc địa chỉ của văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản, không đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động về tên gọi, địa chỉ trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp[33].
Song song đó, về phía Luật Đấu giá tài sản, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định tại khoản 1 Điều 32 về các trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Cụ thể là:
Một, sửa đổi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32, đảm bảo cơ sở pháp lý để thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản chặt chẽ và đủ sức thuyết phục. Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “c) Không hoạt động trở lại mà không có thông báo về việc tiếp tục tạm ngừng hoạt động, kể từ ngày hết thời hạn tạm ngừng hoạt động theo quy định của pháp luật và thông báo tạm ngừng hoạt động”.
Hai, bổ sung việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động vào khoản 1 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 trong trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản đã được cấp Giấy đăng ký hoạt động nhưng không bắt đầu hoạt động khi đã hết thời hạn 06 tháng (tương đương với thời hạn bắt đầu hoạt động của Văn phòng công chứng và tổ chức hành nghề luật sư). Theo đó, bổ sung vào khoản 1 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 điểm b1 như sau: “b1) Hết thời hạn sáu tháng kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động mà doanh nghiệp đấu giá tài sản chưa bắt đầu hoạt động”.
Thứ hai, cần quy định rõ căn cứ để xác định việc doanh nghiệp đấu giá tài sản “tái phạm” khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không gửi báo cáo về tổ chức và hoạt động. Thiết nghĩ, liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm hành chính thì cần áp dụng pháp luật chuyên ngành để xác định việc doanh nghiệp đấu giá tài sản có “tái phạm” hay không. Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, khi xác định việc doanh nghiệp đấu giá tài sản có “tái phạm” hay không theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản cần áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tức là, trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng) do thực hiện hành vi không gửi báo cáo về tổ chức và hoạt động, nếu doanh nghiệp đấu giá tài sản không tái phạm thì được coi là chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà doanh nghiệp đấu giá tài sản tiếp tục tái phạm hành vi không gửi báo cáo về tổ chức và hoạt động thì mới bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Doanh nghiệp đấu giá tài sản phải thực hiện quá nhiều các thủ tục hành chính chỉ để phục vụ cho công tác quản lý của Nhà nước, đôi khi vì những lý do khách quan nào đó mà doanh nghiệp không thực hiện tốt nghĩa vụ báo cáo này và việc doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ báo cáo này có lặp lại nhưng khoảng cách thời gian giữa các lần vi phạm cách xa nhau (cụ thể là quá 01 năm) thì pháp luật cũng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, điểm d khoản 1 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cần phải quy định dẫn chiếu cụ thể đến quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm đảm bảo tính minh bạch trong áp dụng quy định này. Theo đó, điểm d khoản 1 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không gửi báo cáo được quy định tại điểm l khoản 2 Điều 24 của Luật này mà tái phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
Có thể thấy, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam, đến thời điểm này, là hình thức chế tài nghiêm khắc nhất đối với doanh nghiệp. Bởi lẽ, chế tài này quyết định “số phận” của doanh nghiệp. Với ý nghĩa quan trọng đó, pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đòi hỏi phải quy định chặt chẽ, dự liệu được đầy đủ và tương xứng với mức độ vi phạm của hành vi. Tuy nhiên, qua phân tích, bài viết đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập của pháp luật Việt Nam về vấn đề thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Đồng thời, với những đề xuất thiết thực, tác giả mong muốn sẽ đóng góp vào việc hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. LAWRENCE M. AUSUBEL, NEW ECONOMY HANDBOOK, NXB. ELSEVIER SCIENCE, USA (2003)
2. Caroline Banton, Auction, Investopia (2021) https://www.investopedia.com/terms/a/ auction.asp
3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2017), Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Bùi Ngọc Cường, “Vai trò của pháp luật kinh tế trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 7(14) (2002)
5. Bùi Xuân Hải, “Tự do kinh doanh: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5 (2011)
6. CRAMTON, Y. SHOHAM VÀ R. STEINBERG (EDITORS), INTRODUCTION TO COMBINATORIAL AUCTIONS, NXB. MIT PRESS, BOSTON (2005)
7. Đoàn Văn Hường, Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản theo pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học Xã hội (2021)
8. VIJAY KRISHNA, AUCTION THEORY, NXB. ELSEVIER, USA (2002)
9. BRIAN LEARMOUNT, A HISTORY OF THE AUCTION, NXB. BARNARD & LEARMONT PUBLISHER, FROME AND LONDON (1985)
10. PAUL R. MILGROM, “AUCTION THEORY”, THE FIFTH WORLD CONGRESS OF THE ECONOMETRIC SOCIETY, NXB. CAMBRIDGE UNIVERSITY PRESS, ENGLAND (1985)
11. Trần Tiến Hải, Thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2015)
12. Võ Đình Toàn (chủ nhiệm), Hoàn thiện pháp Luật về Bán đấu giá tài sản tài sản nhằm thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu cấp bộ, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (2011)
* TS Ngô Thị Phương Thảo, Giảng viên Đại học Trà Vinh. Duyệt đăng 26/1/2025. Email: phuongthaongo@tvu.edu.vn
[1] BRIAN LEARMOUNT, A HISTORY OF THE AUCTION, NXB. BARNARD & LEARMONT PUBLISHER, FROME AND LONDON, TR. 5 (1985)
[2] PAUL R. MILGROM, “AUCTION THEORY”, THE FIFTH WORLD CONGRESS OF THE ECONOMETRIC SOCIETY, NXB. CAMBRIDGE UNIVERSITY PRESS, ENGLAND, TR. 1 (1985)
[3] VIJAY KRISHNA, AUCTION THEORY, NXB. ELSEVIER, USA, TR. 118 (2002)
[4] CRAMTON, Y. SHOHAM VÀ R. STEINBERG (EDITORS) INTRODUCTION TO COMBINATORIAL AUCTIONS, NXB. MIT PRESS, BOSTON, TR. 29-45 (2005)
[5] Caroline Banton, Auction, Investopia (2021) https://www.investopedia.com/terms/a/auction.asp
[6] LAWRENCE M. AUSUBEL, NEW ECONOMY HANDBOOK, NXB. ELSEVIER SCIENCE, USA, TR. 124-125 (2003)
[7] Điều 16 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về Bán đấu giá tài sản.
[8] Võ Đình Toàn (chủ nhiệm), Hoàn thiện pháp Luật về Bán đấu giá tài sản tài sản nhằm thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu cấp bộ, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, tr. 124 (2011)
[9] Trần Tiến Hải, Thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tr. 151 (2015)
[10] Võ Đình Toàn (chủ nhiệm), tlđd, tr. 124
[11] Điều 25 Luật Đấu giá tài sản năm 2016
[12] Đoàn Văn Hường, Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản theo pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học Xã hội, tr. 27 (2021)
[13] Khoản 19. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 32 như sau: a) Bổ sung điểm d1 vào sau điểm d khoản 1 như sau: “d1) Theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền;”; b) Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 như sau: “đ) Đối với trường hợp quy định tại điểm d1 khoản 1 Điều này thì việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”.
[14] Điểm a, điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản năm 2016
[15] Phải đảm bảo điều kiện sau: “a) Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp; Công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên;
b) Có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản”.
[16] Điểm a khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp năm 2020
[17] Công ty này bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động theo Quyết định số 16/QĐ-STP ngày 03/02/2023 của Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng
[18] Công ty này bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động theo Quyết định số 103/QĐ-STP ngày 02/07/2024 của Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng
[19] Bùi Xuân Hải , “Tự do kinh doanh: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5, tr. 70 (2011),
[20] Bùi Ngọc Cường, “Vai trò của pháp luật kinh tế trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 7(14), tr. 27 (2002)
[21] Điểm c, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản năm 2016
[22] Nghĩa vụ của doanh nghiệp đấu giá tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Đấu giá tài sản năm 2016
[23] Điều 46 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012
[24] Điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP
[25] Điểm đ khoản 1 Điều 17 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP, sủa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 137/2018/NĐ-CP
[26] Điểm b, điểm c khoản 1 Điều 30 và khoản 3 Điều 31 Luật Công chứng năm 2014
[27] Điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP
[28] Điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định số 123/2013/NĐ, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 137/2018/NĐ-CP
[29] Khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012
[30] Điểm đ khoản 2 Điều 24 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP
[31] Khoản 3 Điều 46 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012
[32] Điểm c, điểm k, điểm l khoản 1 Điều 24 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP
[33] Điểm đ, điểm k, điểm l, điểm n khoản 2 Điều 24 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP