Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng
Tóm tắt: Trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính là hai chế tài phổ biến, quan trọng được Nhà nước sử dụng để răn đe, giáo dục chủ thể thực hiện vi phạm pháp luật, trong đó bao gồm cả pháp nhân thương mại. Bài viết trình bày, luận giải một số điểm chưa phù hợp trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính đối với pháp nhân thương mại, đồng thời đề xuất kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, pháp nhân thương mại.
Abstract: Criminal responsibility and administrative responsibility are two common and important legal mechanisms that the State utilizes to deter and educate individuals engaged in unlawful conduct, including commercial entities. This article discusses and elucidates certain inconsistencies in the legal regulations regarding criminal responsibility and administrative responsibility concerning commercial entities, while also making recommendations for improvement.
Keywords: criminal responsibility, administrative responsibility, commercial legal entities.
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên, bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.[1] Dưới góc độ khoa học pháp luật hình sự, trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được hiểu là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại do luật hình sự quy định.[2] Trong khi đó, pháp luật hành chính không minh thị vấn đề trách nhiệm hành chính đối với pháp nhân thương mại. Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định hai chủ thể bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân và tổ chức. Trong đó, tổ chức là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.[3] Nói cách khác, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi thỏa mãn điều kiện là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.[4]
Như vậy, tổ chức trong pháp luật hành chính và pháp nhân thương mại trong pháp luật hình sự có sự giao thoa nhất định, khi đều bao gồm pháp nhân. Tuy nhiên, tổ chức có nội hàm rộng hơn, vì ngoài pháp nhân còn có thể là các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật (ví dụ: doanh nghiệp tư nhân) mà không phân biệt có hoạt động vì mục đích lợi nhuận hay không. Trong khi đó, pháp nhân thương mại chỉ đề cập đến pháp nhân và pháp nhân đó phải có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận.[5] Điều này có nghĩa mọi pháp nhân thương mại đều là tổ chức nhưng không phải mọi tổ chức đều là pháp nhân thương mại. Trong phạm vi bài viết này, đối với trách nhiệm hành chính, chúng tôi tập trung nghiên cứu về các tổ chức có tư cách pháp nhân và hoạt động vì mục đích thương mại (gọi chung là pháp nhân thương mại).
Trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự đều là những chế tài mà Nhà nước đặt ra để trừng trị, răn đe, giáo dục chủ thể thực hiện vi phạm pháp luật (trong đó bao gồm pháp nhân thương mại). Tuy nhiên, hai loại chế tài này có sự khác biệt nhất định về mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.
Trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh (hay xuất hiện) khi có sự việc phạm tội.[6] Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức đáng kể, xâm phạm đến các khách thể được luật hình sự bảo vệ[7] và theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự. Trong khi đó, trách nhiệm hành chính được đặt ra khi pháp nhân thương mại phạm phải các hành vi được quy định tại các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính - đó là các vi phạm pháp luật nhưng có mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể. Nhìn chung có thể coi hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể là hành vi không gây thiệt hại trên thực tế về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức. Còn nếu gây thiệt hại thực tế như thương tích, mất mát, hư hỏng tài sản... thì tổn hại sức khỏe không lớn, giá trị tài sản nhỏ, hậu quả có thể dễ dàng khắc phục, không ảnh hưởng đến đời sống của người bị hại. Đó cũng có thể là những hành vi vi phạm quy tắc quản lý nhà nước nhưng không gây bức xúc cho xã hội, không gây bất an, lo lắng đến đời sống cộng đồng, không ảnh hưởng lớn đến trật tự quản lý nhà nước. Vì vậy, vi phạm hành chính mới được coi là vi phạm quy định pháp luật về quản lý nhà nước chứ không phải xâm phạm các khách thể mà luật hình sự bảo vệ.[8]
Mặc dù có sự khác biệt nhất định về mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, song, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại cũng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong nhiều trường hợp, trách nhiệm hành chính là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có 33 điều luật quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại,[9] trong đó, có 21 điều quy định tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” là một dấu hiệu định tội dùng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Cụ thể, đó là các điều luật sau: Điều 188, 189, 190, 191, 192, 195, 200, 209, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 242, 243, 244, 245, 246.
Tóm lại, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là hai chế định có mối liên hệ mật thiết, bổ trợ với nhau và cùng có ý nghĩa là trừng trị, răn đe, hướng tới giáo dục pháp nhân thương mại thực hiện vi phạm pháp luật.
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định pháp nhân thương mại là tội phạm khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó. Tuy nhiên, một số trường hợp pháp luật hành chính lại không quy định xử phạt đối với hành vi đó.
Như đã trình bày, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có 21 điều luật quy định “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” là dấu hiệu định tội đối với pháp nhân thương mại. Tình tiết này có nghĩa là khi pháp nhân thương mại đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tiếp tục thực hiện lại hành vi vi phạm đó thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để áp dụng được tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, bắt buộc pháp luật xử phạt vi phạm hành chính phải có quy định xử phạt đối với hành vi đó. Nói cách khác, nếu pháp luật hành chính không quy định hành vi đó phải chịu trách nhiệm hành chính thì không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội có dấu hiệu định tội trên.
Qua khảo cứu, chúng tôi nhận thấy vẫn còn trường hợp Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”, nhưng pháp luật hành chính lại không quy định hành vi đó phải chịu trách nhiệm hành chính.
Đơn cử, theo điểm e, điểm đ khoản 1, khoản 5 Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), pháp nhân thương mại có hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá dưới 200.000.000 đồng mà đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, muốn truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thì trước hết phải xử phạt vi phạm hành chính pháp nhân đó về hành vi “tàng trữ, vận chuyển hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam”. Vấn đề có tính pháp lý đặt ra là phải xác định được “hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam”.
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP). Tuy nhiên, Nghị định này chỉ quy định xử phạt đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm chứ không có xử phạt đối với hành vi “tàng trữ, vận chuyển hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam”.[10]
Theo Từ điển Luật học, “hàng cấm” là “hàng hóa bị Nhà nước cấm kinh doanh”.[11] Theo Tài liệu tập huấn của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thì “hàng cấm” là “hàng hóa mà Nhà nước cấm buôn bán, kinh doanh. Trong từng thời kỳ, căn cứ vào tình hình cụ thể mà Nhà nước quyết định công bố danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, buôn bán. Hiện nay ở Việt Nam, Nhà nước cấm kinh doanh các mặt hàng: thuốc phiện và các hoạt chất của thuốc phiện; vũ khí và một số quân trang, quân dụng; hiện vật thuộc di tích lịch sử, văn hóa; các sản phẩm văn hóa đồi truỵ, phản động…”.[12] Như vậy, cách định nghĩa của Tổng cục Quản lý thị trường có phần cụ thể hơn so với Từ điển Luật học bởi đã liệt kê được một số hàng cấm.
Dưới góc độ pháp lý, theo khoản 5 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) thì “hàng cấm” là “các loại hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam”. Các loại hàng cấm bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, Thuốc lá điếu nhập lậu, Pháo nổ và những hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng.
Trước đây, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) quy định hàng cấm gồm hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật thì quy định về hàng cấm đã có sự thay đổi. Cụ thể, theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì hàng cấm chỉ bao gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành, hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam mà không bao gồm “hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam”. Nói cách khác, muốn xác định là hàng cấm thì hàng hóa đó phải bị Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng tại Việt Nam, được liệt kê cụ thể trong một văn bản quy phạm pháp luật.[13]
Như vậy, theo pháp luật hành chính hiện hành thì hàng cấm không còn bao gồm hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam sẽ không thể viện dẫn quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Hiện nay pháp luật xử phạt vi phạm hành chính cũng chưa có quy định về xử phạt đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Nói cách khác, hành vi trên sẽ không phải chịu trách nhiệm hành chính. Vì vậy, dấu hiệu định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” cũng không thể được áp dụng để nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam của pháp nhân thương mại.
Tương tự, điểm c khoản 1, khoản 4 Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán mà còn vi phạm. Trước đây, khoản 5 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định pháp nhân thương mại nào có hành vi che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2022 - ngày Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì quy định trên đã bị bãi bỏ, tức hành vi che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán không còn là vi phạm hành chính. Điều đó đồng nghĩa với việc không thể thỏa mãn dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán như Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định.
Thứ hai, ranh giới xác định trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính đối với pháp nhân thương mại chưa được quy định rõ ràng.
Trong khá nhiều trường hợp, tội phạm và vi phạm hành chính cùng xâm hại đến một loại khách thể. Điểm khác biệt cơ bản giữa vi phạm hành chính và tội phạm là mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cao hơn vi phạm hành chính.[14] Tương ứng với đó, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự có sự khác biệt lớn về mức độ nghiêm khắc và những hậu quả pháp lý mà pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm phải gánh chịu. Vì vậy, việc phân định ranh giới giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm chế tài được áp dụng phù hợp với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Qua khảo cứu, chúng tôi nhận thấy hiện nay vẫn có một số trường hợp chưa có sự phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.
Đơn cử, theo khoản 8 Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) thì pháp nhân thương mại buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng có quy định về tội buôn bán hàng cấm tại Điều 190. Theo đó, trong trường hợp pháp nhân thương mại buôn bán hàng cấm là buôn thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng nếu. Như vậy, đối với trường hợp pháp nhân thương mại buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên sẽ có hai hướng giải quyết: một là, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm; hai là, bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng vấn đề đặt ra là hiện nay pháp luật không có quy định rõ trường hợp nào pháp nhân thương mại có hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên mà “không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” để người có thẩm quyền tiến hành xử phạt vi phạm hành chính[15] theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP).
Theo Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), pháp nhân thương mại nào có hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch về hoạt động chứng khoán thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Tùy vào mức thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra, số thu lợi bất chính… mà pháp nhân thương mại phải gánh chịu mức tiền phạt khác nhau (giao động từ 500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng). Đồng thời, trong pháp luật hành chính, khoản 5 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 128/2021/NĐ-CP) cũng quy định tổ chức nào có hành vi công bố thông tin sai lệch về hoạt động chứng khoán thì phải chịu trách nhiệm hành chính (với mức tiền phạt từ 200.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng).
Có thể thấy, sự khác biệt trong quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính đối với hành vi công bố thông tin sai lệch đó là pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm một cách cố ý. Trong khi đó, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hành chính khi có hành vi vi phạm mà không phân biệt lỗi cố ý hay vô ý.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là khi pháp nhân thương mại có hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch về hoạt động chứng khoán thì phải chịu trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính? Với các quy định như nêu trên, có thể thấy hiện nay pháp luật hiện hành chưa có tiêu chí nào để phân biệt trường hợp nào là tội phạm, trường hợp nào là vi phạm hành chính. Vì vậy, việc xác định hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính sẽ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền. Điều này có thể dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất, hành chính hóa các vi phạm hình sự hoặc ngược lại.
Tương tự, khoản 1, điểm a khoản 4 Điều 210 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định pháp nhân thương mại phạm tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng. Trong khi đó, khoản 1 Điều 35 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 128/2021/NĐ-CP) quy định pháp nhân thương mại có hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán sẽ bị phạt tiền gấp 20 lần khoản thu lợi bất hợp pháp.
Có thể thấy, điểm khác nhau giữa hai quy định trên là pháp luật hình sự có giới hạn về khoản thu lợi bất chính/ khoản thiệt hại cho nhà đầu tư mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, pháp luật hành chính không đặt ra giới hạn này mà quy định khái quát là nếu pháp nhân thương mại nào có hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cách quy định này vô hình trung đã tạo ra sự chồng chéo giữa chế tài hình sự và chế tài hành chính, có thể dẫn đến thực trạng cùng một hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng nhưng có trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, có trường hợp lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, chưa có sự thống nhất giữa pháp luật hình sự với pháp luật hành chính trong việc tịch thu số lợi bất chính có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trong pháp luật hành chính, việc tịch thu số lợi bất chính được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) với tên gọi là biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính”. Cụ thể, biện pháp này được hiểu là khi pháp nhân thương mại vi phạm hành chính thì buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp bao gồm tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ hành vi vi phạm mà pháp nhân thương mại đó đã thực hiện để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt.[16]
Trong pháp luật hình sự, việc tịch thu số lợi bất chính đối với pháp nhân thương mại được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Để hướng dẫn quy định trên, Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của Tòa án nhân dân tối cao quy định: “trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án”. Như vậy, theo hướng dẫn trên, trong trường hợp bị hại không đòi lại tài sản bị chiếm đoạt hay yêu cầu bồi thường thì Tòa án sẽ không tịch thu số lợi bất chính để sung vào ngân sách nhà nước.
Theo chúng tôi, quy định trên là chưa thật sự phù hợp, trong một số trường hợp là chưa bộc lộ triệt để tính nghiêm minh của trách nhiệm hình sự cũng như chưa có sự thống nhất với pháp luật hành chính khi áp dụng chế tài để trừng trị hành vi vi phạm.
Theo Bản án hình sự số 02/2020/HS-ST ngày 14/1/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ thì Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp (trụ sở tại Hà Nội) đã có hành vi giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ của Nhôm Việt Pháp SHAL - Ninh Bình. Trong hơn 01 năm, Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp đã sản xuất hơn 316 tấn thanh nhôm định hình dán tem nhãn “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” và bán hơn được 144 tấn (trị giá hơn 11.000.000.000 đồng). Với hành vi phạm tội trên, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp 5.000.000.000 đồng, tuyên phạt bị cáo Vũ Văn Phụ là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp với số tiền 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ 18 tháng.[17] Tuy nhiên, trong vụ án trên, do không có yêu cầu bồi thường từ phía bị hại nên Tòa án đã không tuyên tịch thu số lợi bất chính có được từ hành vi phạm tội của Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp và người đại diện theo pháp luật của công ty này. Như vậy, có thể thấy, mặc dù phải nộp phạt 5.000.000.000 đồng, nhưng số tiền nộp phạt này vẫn chưa bằng ½ số lợi bất chính mà pháp nhân thương mại này thu được từ hành vi phạm tội. Nói cách khác, mặc dù đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và gánh chịu hậu quả pháp lý nhưng Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp vẫn “lợi” khi còn sở hữu một khoản lợi bất chính lên đến vài tỷ đồng.
Đối chiếu với pháp luật xử phạt vi phạm hành chính, Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì pháp nhân thương mại nào có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.
So sánh quy định về xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cùng một hành vi vi phạm như trên, rõ ràng có thể thấy pháp luật hành chính đã đặt ra những chế tài nhằm trừng trị, răn đe chủ thể vi phạm một cách tối đa, triệt để nhất. Cụ thể, pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm thì vừa bị xử phạt tiền vừa phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Trong khi đó, khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu bị hại không có yêu cầu pháp nhân thương mại phạm tội trả lại tài sản hay bồi thường thiệt hại, thì Tòa án sẽ không tuyên pháp nhân thương mại đó phải nộp lại số lợi bất chính có được do thực hiện hành vi phạm tội. Điều này dẫn đến thực trạng có trường hợp số tiền phạt mà pháp nhân thương mại phạm tội phải nộp sẽ nhỏ hơn nhiều lần so với số lợi đã thu được từ việc phạm tội. Bất cập này về lâu dài có thể tạo nên tiền lệ xấu, khi các pháp nhân thương mại không còn “dè chừng” trách nhiệm hình sự mà “bất chấp” thực hiện hành vi phạm tội để rồi chỉ nộp phạt với số tiền trong giới hạn nhất định.
Thứ tư, hiện nay các tội mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định còn hạn chế, dẫn đến thực trạng có trường hợp pháp nhân thương mại thực hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trước đây, trong một thời gian dài, các nhà lập pháp của Việt Nam cho rằng pháp nhân không thể là chủ thể của tội phạm và đương nhiên không phải chịu trách nhiệm hình sự.[18] Tuy nhiên, đứng trước tình hình tội phạm do pháp nhân, tổ chức thực hiện ngày càng gia tăng thì đòi hỏi truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ đối với các cá nhân mà còn đối với cả pháp nhân, tổ chức trở nên chính đáng.[19] Nếu chỉ xử lý về hình sự đối với người đại diện, những người được ủy quyền hoặc những nhân viên thừa hành thực hiện hành vi vì lợi ích hoặc pháp nhân là rõ ràng đã bỏ lọt tội phạm. Nhà nước sẽ bất lực trong việc trấn áp và kiểm soát tình hình tội phạm, đồng thời cho thấy vô hình trung pháp luật khuyến khích tổ chức, cơ quan đó tiếp tục chạy theo lợi ích bất chính gây mất ổn định xã hội.[20] Trên cơ sở đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) lần đầu tiên ghi nhận pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội nhất định. Điều này thể hiện sự quyết liệt của các nhà lập pháp khi xác định chế tài đối với hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của các pháp nhân thương mại sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hành chính - dân sự mà còn phải xem xét xử lý trách nhiệm hình sự cho tương xứng với những hậu quả mà chủ thể gây ra.[21]
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình tội phạm ngày càng có xu hướng gia tăng thì pháp nhân thương mại cũng đã và đang thực hiện các tội nằm ngoài phạm vi mà Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) dự liệu. Điều này dẫn đến thực trạng mặc dù pháp nhân thương mại đã thực hiện những hành vi gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì Bộ luật Hình sự không năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm hành chính thì lại không đủ sức răn đe.
Thời gian qua, các tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện nhiều công ty được thành lập và có đăng ký chức năng hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Các công ty này đã “núp bóng” danh nghĩa công ty để hoạt động ngoài phạm vi được cấp phép khi tùy tiện tổ chức tuyển chọn và thu tiền của người lao động với cam kết đưa đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi nhận được các khoản tiền của người dân thì các công ty trên lại không thực hiện kế hoạch lao động như đã nêu mà liên tục đưa ra những lời hứa.[22] Rõ ràng, hành vi trên đã có dấu hiệu của tội phạm theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng tiếc là hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) chưa quy định pháp nhân thương mại phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, nếu có bị phát hiện và xử phạt thì các công ty trên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” với mức tiền phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.[23]
Việc xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền vài triệu đồng là chưa thỏa đáng với mức độ nguy hiểm và những thiệt hại mà hành vi vi phạm đã gây ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh pháp luật hình sự chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng và các tội khác chưa được dự liệu nói chung, thì chế tài xử phạt vi phạm hành chính được xem là giải pháp tạm thời để phần nào góp phần răn đe hành vi trái pháp luật của pháp nhân thương mại.
Thứ nhất, điều kiện tiên quyết để áp dụng dấu hiệu định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” là pháp luật phải quy định hành vi đó là vi phạm hành chính và có chế tài xử phạt cụ thể. Việc Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định dấu hiệu định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” trong khi pháp luật hành chính không có quy định xử phạt như hiện nay vô hình trung đã “vô hiệu hóa” khả năng áp dụng của dấu hiệu định tội trên. Để khắc phục bất cập này, nhà lập pháp cần rà soát lại 21 điều luật có quy định dấu hiệu định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhằm loại bỏ dấu hiệu định tội trên khỏi cấu thành của tội phạm. Trong trường hợp nhận thấy cần thiết duy trì định dấu hiệu định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” này để bảo đảm tính phân hóa trách nhiệm pháp lý thì phải đồng thời bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định của Chính phủ đối với hành vi vi phạm.
Thứ hai, việc phân định ranh giới giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự giúp xác định chính xác mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, từ đó mới có thể áp dụng chế tài xử lý phù hợp, hiệu quả. Do đó, các nhà làm luật cần thiết phải khắc phục tình trạng chồng chéo giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính đối với pháp nhân thương mại trong một số hành vi vi phạm còn tồn tại hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, các quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự và truy cứu trách nhiệm hành chính đối với cùng một hành vi vi phạm phải được thiết kế loại trừ lẫn nhau, tức nhà làm luật phải bảo đảm rằng một hành vi vi phạm khi bị quy định xử phạt vi phạm hành chính thì không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và ngược lại.
Thứ ba, khi áp dụng chế tài trong xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự thì các biện pháp có tính chất là tịch thu số lợi bất chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì các biện pháp này bảo đảm các số lợi bất chính có được từ hành vi vi phạm đều bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Có như vậy, việc xử lý mới phát huy triệt để mức độ nghiêm khắc của chế tài. Vì vậy, để tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật hình sự cũng như bảo đảm sự hài hòa với pháp luật hành chính, quy định tại Công văn số 233/TANDTC-PC cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
Quy định hiện hành | Kiến nghị sửa đổi, bổ sung |
“trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án”. | “trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên bị cáo phải trả lại tài sản hay phải bồi thường thiệt hại cho bị hại. Tài sản đó sẽ được tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước”. |
Thứ tư, trong số 33 tội danh pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có những tội liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân thương mại như tội trốn thuế; tội buôn lậu; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… Tuy nhiên, cũng có một số tội ít liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của pháp nhân thương mại như: tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324). Do đó, trong bối cảnh tình hình tội phạm không ngừng diễn biến phức tạp, pháp nhân thương mại ngày càng có nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội thì việc nghiên cứu mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là điều cần thiết. Việc mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại sẽ khắc phục tình trạng pháp luật hành chính “bất lực” khi không còn đủ sức răn đe, trừng trị pháp nhân thương mại. Do đó, nhà làm luật cần quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại khi thực hiện một số hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175)…
Hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm phân định trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính đối với pháp nhân thương mại là yêu cầu mang tính tất yếu. Sự phân định này nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác trong áp dụng pháp luật, loại trừ tình trạng hình sự hóa các vi phạm hành chính hoặc hành chính hóa các vi phạm hình sự. Do đó, nhà làm luật cần cân nhắc hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng sau: (i) rà soát lại 21 điều luật có quy định dấu hiệu định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhằm loại bỏ dấu hiệu định tội trên khỏi cấu thành của tội phạm. Trong trường hợp nhận thấy cần thiết duy trì định dấu hiệu định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” này để bảo đảm tính phân hóa trách nhiệm pháp lý thì phải đồng thời bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định của Chính phủ đối với hành vi vi phạm; (ii) các quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự và truy cứu trách nhiệm hành chính đối với cùng một hành vi vi phạm phải được thiết kế loại trừ lẫn nhau; (iii) sửa đổi Công văn số 233/TANDTC-PC theo hướng cho phép Tòa án được tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước số lợi bất chính có được từ vi phạm hình sự khi bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường; (iv) nghiên cứu mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi thực hiện một số hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175)./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ANDREW ASHWORTH, PRINCIPLE OF CRIMINAL LAW, OXFOR UNIVERSITY PRESS, 118, (2003).
2. Bạch Ngọc Dư, Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghề luật số 4, 39, 40, (2016).
3. Đặng Văn Thái, Hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm, Nghiên cứu lập pháp số 21, 33, 35, (2022).
4. Đào Lệ Thu, Trách nhiệm hình sự của tổ chức trong luật hình sự Anh - so sánh và đề xuất với luật hình sự Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp số 2+3, 119, 121 (2020).
5. Đinh Văn Quế, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo Bộ luật hình sự 2015, Luật sư Việt Nam số 4, 44, 45 (2018).
6. Huỳnh Văn Trung, Hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuộc lá điếu nhập lậu, Nghiên cứu lập pháp số 5, 42, 43, (2021).
7. Ngô Huy Cương, Trách nhiệm hình sự pháp nhân: Nhìn từ tổng thể luật hình sự, luật hành chính, luật dân sự và luật thương mại, Nghiên cứu lập pháp số 18, 9, 16 (2016).
8. Nguyễn Cảnh Hợp, Trách nhiệm hành chính và sự cần thiết sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Khoa học pháp lý số 7, 20, 21 (2016).
9. Nguyễn Cảnh Hợp, Trách nhiệm hành chính: Từ lý luận đến thực tiễn lập pháp ở Việt Nam, Khoa học pháp lý Việt Nam số 3, 3, 5, (2020).
10. Nguyễn Nhật Khanh, Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi ích bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính, Khoa học pháp lý số 7, 45, 46, (2018).
11. Trịnh Quốc Toản, Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học số 1, 60, 63, (2013).
12. TRỊNH TIẾN VIỆT, TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ VÀ LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 27, (2023).
13. VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ (BỘ TƯ PHÁP), TỪ ĐIỂN LUẬT HỌC, NXB TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 319, (2006).
14. Vũ Thư, Mấy vấn đề về chế định trách nhiệm hành chính trong pháp luật Việt Nam hiện nay, Nhà nước và pháp luật số 12, 16, 17, (2011).
* TS, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Email: minhcv@uel.edu.vn
** Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Email: caongocanhthi.law@gmail.com
[1] Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2] Ngô Huy Cương, Trách nhiệm hình sự pháp nhân: Nhìn từ tổng thể luật hình sự, luật hành chính, luật dân sự và luật thương mại, Nghiên cứu lập pháp số 18, 9, 16 (2016).
[3] Khoản 10 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
[4] Nguyễn Cảnh Hợp, Trách nhiệm hành chính và sự cần thiết sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Khoa học pháp lý số 7, 20, 21 (2016).
[5] Đinh Văn Quế, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo Bộ luật hình sự 2015, Luật sư Việt Nam số 4, 44, 45 (2018).
[6] TRỊNH TIẾN VIỆT, TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ VÀ LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 27, (2023).
[7] Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định khách thể được Luật Hình sự bảo vệ bao gồm: “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.
[8] Nguyễn Cảnh Hợp, Trách nhiệm hành chính: Từ lý luận đến thực tiễn lập pháp ở Việt Nam, Khoa học pháp lý Việt Nam số 3, 3, 5, (2020).
[9] Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi vi phạm tại các Điều: 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này.
[10] Điểm a, điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP).
[11] VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ (BỘ TƯ PHÁP), TỪ ĐIỂN LUẬT HỌC, NXB TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 319, (2006).
[12] Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Tài liệu tập huấn về hàng giả, hàng cấm, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2019, tr. 6.
[13] Đặng Văn Thái, Hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm, Nghiên cứu lập pháp số 21, 33, 35, (2022).
[14] Vũ Thư, Mấy vấn đề về chế định trách nhiệm hành chính trong pháp luật Việt Nam hiện nay, Nhà nước và pháp luật số 12, 16, 17, (2011).
[15] Huỳnh Văn Trung, Hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuộc lá điếu nhập lậu, Nghiên cứu lập pháp số 5, 42, 43, (2021).
[16] Nguyễn Nhật Khanh, Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi ích bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính, Khoa học pháp lý số 7, 45, 46, (2018).
[17] Khoa Nguyên, “Lần đầu tiên pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự tại Phú Thọ”, https://baophapluat.vn/lan-dau-tien-phap-nhan-thuong-mai-bi-xu-ly-hinh-su-tai-phu-tho-post341811.html, truy cập ngày 06/10/2023.
[18] Đào Lệ Thu, Trách nhiệm hình sự của tổ chức trong luật hình sự Anh - so sánh và đề xuất với luật hình sự Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp số 2+3, 119, 121 (2020).
[19] ANDREW ASHWORTH, PRINCIPLE OF CRIMINAL LAW, OXFORD UNIVERSITY PRESS, 118, (2003).
[20] Trịnh Quốc Toản, Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học số 1, 60, 63, (2013).
[21] Bạch Ngọc Dư, Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghề luật số 4, 39, 39 (2016).
[22] Xem thêm: “Cảnh báo lừa đảo lao động thời vụ đi Hàn Quốc”, https://haugiangtivi.vn/tin-tuc/canh-bao-lua-dao-lao-dong-thoi-vu-di-han-quoc, truy cập ngày 08/10/2023.
[23] Điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.