Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả 'khủng' ở TP.HCM

Yến Nhi Thứ ba, 14/01/2025 - 16:43
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Mặc dù không có chuyên môn về y dược, hai vợ chồng ở TP.HCM thành lập hai công ty làm bình phong để che giấu hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc đông y kết hợp tân dược các loại.

Công an TP.HCM khởi tố 22 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả. (Ảnh: CAND)

Ngày 14/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 22 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".[1]

Qua điều tra, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường Công an TP.HCM cho biết, đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả này do Ngô Kim Diệu (41 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Kingpharm, trụ sở tại Q.Bình Tân) và Nguyễn Thị Ngọc Hương (39 tuổi, vợ Diệu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiến Lâm, trụ sở tại Q.8) cầm đầu.

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường Công an TP.HCM phát hiện đường dây nghi vấn hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc đông y kết hợp tân dược điều trị các bệnh đau xương khớp, viêm mũi, trĩ, phong ngứa, dạ dày, tim mạch, thần kinh…

Diệu và Hương thành lập, sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Kingpharm và Công ty TNHH MTV Kiến Lâm làm bình phong để che giấu hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc đông y kết hợp tân dược các loại (dạng viên nhộng).

Tách biệt từ khâu sản xuất viên nhộng, ép vỉ cho đến đóng gói, chứa nguyên liệu, thành phẩm tại các địa điểm khác nhau nhằm tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Sau khi nắm rõ quy luật, phương thức hoạt động của các đối tượng, ngày 25/12/2024, Công an TP.HCM phối hợp Công an Q.8, Bình Tân và các đơn vị nghiệp vụ thành lập 4 tổ công tác triển khai kế hoạch phá án, đồng loạt khám xét khẩn cấp tại 4 địa điểm là cơ sở sản xuất, chứa nguyên liệu và thành phẩm thuốc giả.

Cơ sở của đường dây sản xuất thuốc giả ở TP.HCM. (Ảnh: CAND) 

Kết quả khám xét thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu các loại (trong đó có 56.255 đơn vị sản phẩm thuốc giả, còn lại là nguyên liệu hoặc thuốc chưa thành phẩm), 1.600 kg bột nguyên liệu dùng để sản xuất viên nén thuốc giả, 5 hệ thống máy móc để đóng viên nang, ép vỉ, bóng viên nang, đóng lọ, cán nóng ép miệng túi bao bì chứa thuốc.

Các sản phẩm thuốc giả thu giữ trên bao bì ghi công dụng trị xương khớp, trĩ, ngứa,… mang 33 thương hiệu khác nhau như: Xương Khớp Khắc Tinh, Tỷ Thống An Khang, Xạ Hương Linh Chi Đơn, Ngứa An Khang, An Trĩ Khang, Khang Vị An, Tọa Cốt Thần Kinh Thống,… ghi trên vỏ hộp do doanh nghiệp tại Singapore hoặc Malaysia sản xuất.

Kết quả điều tra ban đầu xác định Diệu và Hương bắt đầu sản xuất thuốc giả từ năm 2018 cho đến khi bị bắt.

Diệu không có chuyên môn về y dược (chỉ học đến lớp 9/12). Thủ đoạn của Diệu là tìm mua nguyên liệu thuốc đông y và hoạt chất tân dược có cùng công dụng chữa một số bệnh cụ thể, về trộn lẫn nghiền thành bột, rồi sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, dán gói, đóng lọ, đóng gói thành phẩm thuốc giả.

Diệu và vợ sử dụng 16 nhân viên là người cùng họ hàng, thân quen để khép kín quá trình sản xuất thuốc giả, quản lý kho nguyên liệu, thành phẩm nhằm tránh bị phát hiện. Thuê Nguyễn Thị Như Ý và chồng là Ngô Quí Dương (cùng ở Q.12) sản xuất bao bì, tem nhãn giả.

Sau khi đóng gói thành phẩm, vợ chồng Diệu thông qua đối tượng Đỗ Thành Mỹ (SN 1981; ngụ quận 12), Đỗ Thanh Hải (SN 1973; ngụ huyện Bình Chánh), Nguyễn Mộng Điền (SN 1988; ngụ huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) và các đối tượng khác đưa hàng giả ra thị trường tiêu thụ.

Chỉ riêng năm 2024, Diệu và Hương đã sản xuất số thuốc giả trị giá hơn 45 tỷ đồng, riêng 3 đối tượng Mỹ, Hải, Điền tiêu thụ số thuốc giả trị giá gần 35 tỷ đồng…

Livestream lừa đảo hơn 3.000 bệnh nhân xương khớp bằng thuốc Đông y giả

Vào hồi giữa tháng 12/2-24, Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức bán thuốc chữa bệnh do Nguyễn Văn Anh (sinh năm 1997, ở phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn) cầm đầu.[2]

Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an thị xã Nghi Sơn phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Anh thường xuyên tổ chức các buổi livestream để rao bán các các loại thuốc Đông y, thực phẩm chức năng chữa xương khớp và các bệnh về đường tiêu hóa như: Trĩ, dạ dày…

Nhận thấy những dấu hiệu bán hàng của Nguyễn Văn Anh có khả năng lừa đảo chiếm đoạt tiền của người mua hàng nên Công an thị xã Nghi Sơn đã lập án đấu tranh.

Ngày 26/11, Công an thị xã Nghi Sơn đã phá án, bắt quả tang Nguyễn Văn Anh cùng 14 đối tượng khác đang thực hiện hành vi lừa đảo bằng việc tư vấn bán thuốc Đông y chữa bệnh online cho nhiều người dân trên địa bàn cả nước, thu giữ trên 20.000 hộp thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc xuất xứ mang các nhãn hiệu: "Cao viên khớp Bách Thảo", "Cao bôi An trĩ vương", "Cao bôi tiêu trĩ vương", "An Khớp đan", "Phục cốt thanh", "Viên xương khớp ĐB"… và nhiều tang vật khác có liên quan.

Nắm bắt được nhu cầu sử dụng thuốc Đông y để điều trị của các bệnh nhân gặp vấn đề về xương khớp, Nguyễn Văn Anh đã nảy sinh ý định thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh các nhà thuốc bán thuốc Đông y.

Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, Nguyễn Văn Anh đã thông qua mạng xã hội đặt mua loại thuốc dạng viên hoàn không rõ nguồn gốc xuất xứ và các loại hộp, nhãn mác để in, tự đóng gói thành phẩm loại thuốc có tên "Cao viên khớp Bách Thảo", "Cao bôi An trĩ vương", "Cao bôi tiêu trĩ vương", "An Khớp đan", "Phục cốt thanh", "Viên xương khớp ĐB"… kèm theo số điện thoại Hotline do Nguyễn Văn Anh sử dụng.

Sau đó, vào tháng 4/2024, Nguyễn Văn Anh đã liên kết với Lê Văn Thiệu (sinh năm 1978, ở xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hoá) và Trần Thị Thuỷ (sinh năm 1986, trú tại xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương) để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc mua dữ liệu điện thoại của các bệnh nhân bị mắc bệnh xương khớp trên địa bàn cả nước sau đó mở các phiên bán hàng livestream trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của hơn 3.000 bệnh nhân trên địa bàn cả nước.

Thế nào là thuốc giả?

Khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 quy định thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây:[3]

- Không có dược chất, dược liệu;

- Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;

- Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại khoản 32 Điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;

- Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

Theo đó, nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì được xem là thuốc giả.

Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả bị xử lý như thế nào?

Xử phạt hành chính

Buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 50 triệu đồng theo giá trị tương ứng của hàng thật. (Điều 11 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP)[4]

Sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng - 60 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị tương ứng của hàng thật. (Điều 12 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP)[5]

Sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt gấp đôi mức phạt trên tức là lên tới 120 triệu đồng.

Người thực hiện hành vi này còn có thể bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 6 - 12 hoặc 12 - 24 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Đồng thời, buộc tiêu hủy tang vật; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Xử lý hình sự

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh được quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

"Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;

m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;

d) Làm chết người;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm."[6]

[1] Phú Lữ, Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn, Công an nhân dân, (ngày 14/01/2025), https://cand.com.vn/Ban-tin-113/triet-pha-duong-day-san-xuat-buon-ban-tan-duoc-gia-quy-mo-lon-i756506/

[2] Thái Thanh - Phan Anh, Thanh Hóa: Triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức bán thuốc chữa bệnh, Bộ Công an, (ngày 13/12/2024), https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-nghi-cong-an-toan-quoc-lan-thu-78/thanh-hoa-triet-pha-duong-day-lua-dao-chiem-doat-tai-san-duoi-hinh-thuc-ban-thuoc-chua-benh-s21-t42727.html

[3] Luật Dược số: 105/2016/QH13 ngày 06/04/2016

[4] Điều 11 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định về Hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.

[5] Điều 12 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định về Hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.

[6] Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.

Cùng chuyên mục

Bắt đối tượng chuyên hack camera nhà dân, dọa phát tán video 'nhạy cảm' để tống tiền

Bắt đối tượng chuyên hack camera nhà dân, dọa phát tán video 'nhạy cảm' để tống tiền

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  20 giờ trước

(PLPT) - Nam thanh niên ở Đà Nẵng sử dụng dữ liệu hình ảnh, video clip "nóng" từ camera bị hack của nhiều gia đình, sau đó lập tài khoản ảo đe dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để giữ bí mật, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Triệt phá đường dây mua bán trái phép hàng nghìn tài khoản ngân hàng

Triệt phá đường dây mua bán trái phép hàng nghìn tài khoản ngân hàng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  20 giờ trước

(PLPT) - Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vừa triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.

Từ 1/5/2025: Trường hợp nào cần đi đổi đăng ký xe?

Từ 1/5/2025: Trường hợp nào cần đi đổi đăng ký xe?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  21 giờ trước

(PLPT) - Theo quy định, những trường hợp sau đây cần đi đổi đăng ký xe càng sớm càng tốt.

Cao Bằng: Phát hiện và thu giữ hơn 600 kg pháo nổ đang được vận chuyển trái phép

Cao Bằng: Phát hiện và thu giữ hơn 600 kg pháo nổ đang được vận chuyển trái phép

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  21 giờ trước

(PLPT) - Công an tỉnh Cao Bằng vừa phát hiện và thu giữ 606,2 kg pháo nổ nhập lậu đang được các đối tượng vận chuyển đến điểm tập kết. Hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Dừng đèn đỏ quá vạch sơn bị xử phạt thế nào?

Dừng đèn đỏ quá vạch sơn bị xử phạt thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  21 giờ trước

(PLPT) - Từ ngày 01/01/2025, người điều khiển xe máy có hành vi dừng đèn đỏ quá vạch sơn gây ra tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.

Thưởng Tết cho cán bộ công chức theo Nghị định 73 thực hiện như thế nào?

Thưởng Tết cho cán bộ công chức theo Nghị định 73 thực hiện như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  21 giờ trước

(PLPT) - Thông tin về quỹ tiền thưởng cho cán bộ, công chức được quy định cụ thể tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Bộ Y tế đề xuất mức phạt hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Bộ Y tế đề xuất mức phạt hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  21 giờ trước

(PLPT) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe theo quy định mới

14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe theo quy định mới

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định 14 vị trí xe ô tô không được dừng, đỗ xe. Phạt đến 1 triệu đồng khi dừng, đỗ xe ô tô quá gần xe đỗ ngược chiều.

Đọc nhiều