Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Phát hiện hàng tấn hàng giả từ xe tải chuyên đi 'ship' hàng: Vận chuyển, buôn bán hàng giả bị xử lý như thế nào?

Yến Nhi Thứ sáu, 06/12/2024 - 10:26
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Cơ quan Công an phát hiện hàng tấn hàng giả mạo nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng. Pháp luật hiện hành quy định về hành vi vận chuyển buôn bán hàng giả xử lý như thế nào?

Thu giữ hơn 3 tấn hàng hóa nghi vấn hàng giả. 

Người phụ nữ sử dụng xe tải vận chuyển hàng tấn hàng giả

Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện, thu giữ trên 3 tấn hàng hóa nghi làm giả bột giặt, nước xả vải, kem đánh răng, dầu gội của các hãng nổi tiếng như Omo, Comfort, Closeup, Clear…[1]

Theo đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Như Xuân phát hiện một tài khoản thường xuyên đăng tải hình ảnh sử dụng một chiếc xe tải liên quan đến việc mua bán bột giặt, nước xả vải, kem đánh răng, dầu gội của các hãng nổi tiếng như: Omo, Comfort, Closeup, Clear… di chuyển và nhập cho các cửa hàng trên địa bàn huyện Như Xuân.

Nghi ngờ các loại hàng hóa này có dấu hiệu là hàng giả, Công an huyện Như Xuân đã báo cáo Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Thanh Hóa để lập án đấu tranh.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Như Xuân đã tiến hành kiểm tra hành chính phương tiện xe ô tô biển kiểm soát 36H-051.08 của Trịnh Thị Liên (ở xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và thu giữ hơn 1 tấn hàng hóa nghi vấn hàng giả bao gồm bột giặt nhãn hiệu Omo, kem đánh răng nhãn hiệu P/S, Closeup, dầu gội đầu nhãn hiệu Clear, gói nước xả vải nhãn hiệu Comfort.

Khám xét khẩn cấp kho chứa hàng của Trịnh Thị Liên tại xã Đông Quang, huyện Đông Sơn và các cửa hàng mà Trịnh Thị Liên đã giao hàng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, Công an huyện Như Xuân đã thu giữ trên 2 tấn hàng hóa giả các loại nêu trên.

Quá trình làm việc, Trịnh Thị Liên khai nhận toàn bộ hàng hoá trên là giả. Hiện Công an huyện Như Xuân đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Phát hiện hàng nghìn sản phẩm nghi giả mạo của Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy

Vào hồi giữa tháng 11/2024, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Đội QLTT số 11 - Cục QLTT thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Đoàn kiểm tra liên ngành 389 quận Hà Đông vừa kiểm tra đối với địa điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm - Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy (địa chỉ tại LK 669, DV 16, khu đất dịch vụ Đìa Lão, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông).[2]

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm các loại. Lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm cùng nguyên liệu, tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm, công cụ sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Số hàng hóa trên gồm: 1.470 tuýp thành phẩm có nhãn của của Công ty TNHH dược phẩm Korea - Green Life; 1.200 lọ kẹo dẻo hương trái cây ZOO JELLY, trên nhãn ghi Sản xuất bởi Công ty cổ phần BIBICA, có địa chỉ tại 443 Lý Thường Kiệt, phường 8, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; phân phối bởi Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy; 1.480 lọ kẹo hương trái cây, trên nhãn ghi Sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên kẹo Bảy Ba Bảy, có địa chỉ tại 12 Hoàng Lê Kha, phường 9, quận 6, TP Hồ Chí Minh; phân phối bởi Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy; 620 lọ kẹo, trên nhãn ghi sản xuất bởi Công ty TNHH Một thành viên kẹo Bảy Ba Bảy, địa chỉ: 50 Lê Tuấn Mậu, phường 13, quận 6, TP Hồ Chí Minh; phân phối bởi Công ty TNHH dược phẩm Korea - Green Life.

Ngoài ra, tại hiện trường, đoàn kiểm tra còn ghi nhận trên 7.100 sản phẩm bán thành phẩm là viên sủi, nguyên liệu, tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm, công cụ sản xuất; 500 kg kẹo hương trái cây, không có nhãn hàng hóa; 110 kg nhãn hàng hóa các loại của Công ty TNHH dược phẩm Korea - Green Life, 2.900 cái nhãn Kẹo dẻo hương trái cây ZOO JELLY của Công ty cổ phần BIBICA; 65 kg Lọ nhựa, nắp lọ nhựa không có nhãn hàng hóa, cùng một loạt các công cụ sản xuất là máy sil màng, máy khò nhiệt, máy bắn hạn sử dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đoàn kiểm tra nhận định, Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm của Công ty TNHH dược phẩm Korea - Green Life; Công ty cổ phần BIBICA; Công ty TNHH Một thành viên kẹo Bảy Ba Bảy và Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên kẹo Bảy Ba Bảy.

Thế nào là hàng giả?

Khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả bao gồm:

+ Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

+ Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

+ Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

+ Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

+ Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

+ Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.[3]

Ngoài ra, Khoản 8 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) hướng dẫn và quy định cụ thể hơn cho khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

"Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả" gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, dấu chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của tổ chức, cá nhân kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác."[4]

Tội buôn bán hàng giả bị xử lý như thế nào?

Hình phạt của tội buôn bán hàng giả được quy định với nhiều khung hình phạt theo Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 bao gồm:[5]

Đối với cá nhân phạm tội

Người nào buôn bán hàng giả mà đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt như sau:

Khung 1:

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196, 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 2:

Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

- Buôn bán qua biên giới;

- Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3:

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

- Làm chết 02 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội buôn bán hàng giả còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khung 1 mục 2.1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l, m khoản 2 Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khung 3 mục 2.1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

- Pháp nhân thương mại phạm tội buôn bán hàng giả còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người phạm tội buôn bán hàng giả có thể chịu mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội này thì có thể bị phạt tiền lên đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.[6]

Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.

[1] Tuệ Nhi, Người phụ nữ sử dụng xe tải 'ship' số lượng lớn hàng giả, Báo An ninh Thủ đô, (23h11 ngày 04/12/2024), https://www.anninhthudo.vn/nguoi-phu-nu-su-dung-xe-tai-ship-so-luong-lon-hang-gia-post597436.antd

[2] Diệu Hân, DHT Pharmacy Hà Đông bị phát hiện có dấu hiệu sản xuất hàng giả quy mô lớn, Tạp chí công thương, (10h00 ngày 13/11/2024),
https://tapchicongthuong.vn/dht-pharmacy-ha-dong-bi-phat-hien-co-dau-hieu-san-xuat-hang-gia-quy-mo-lon-129677.htm

[3] Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[4] Luật sở hữu trí tuệ số: 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

[5] Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[6] Điều 192 Bộ luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".

Cùng chuyên mục

Đường dây nhập lậu hơn 7.000 tấn 'khí cười' vào Việt Nam: Khí cười là gì? Buôn lậu khí cười bị xử lý ra sao?

Đường dây nhập lậu hơn 7.000 tấn 'khí cười' vào Việt Nam: Khí cười là gì? Buôn lậu khí cười bị xử lý ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 giờ trước

(PLPT) - Nhóm đối tượng nhập hàng nghìn tấn 'khí cười' về Việt Nam nhưng khai báo là phụ gia thực phẩm để bán lại cho một số doanh nghiệp, sau đó phân phối cho các quán bar, pub, vũ trường. Pháp luật hiện hành quy định về hành vi buôn lậu bị xử lý như thế nào?

Tạm giữ người phụ nữ bạo hành bé gái gây phẫn nộ dư luận: Hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?

Tạm giữ người phụ nữ bạo hành bé gái gây phẫn nộ dư luận: Hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 giờ trước

(PLPT) - Trên mạng xã hội đang lan truyền clip một người phụ nữ có hành vi thô bạo với bé gái trong lúc ăn, gây xôn xao dư luận. Pháp luật quy định về hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?

Giả mạo nhà đầu tư nước ngoài tái diễn chiêu lừa 'đô la đen'

Giả mạo nhà đầu tư nước ngoài tái diễn chiêu lừa 'đô la đen'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  16 giờ trước

(PLPT) - Một người đàn ông ở Ninh Bình bị lừa hàng trăm triệu đồng vì tin lời hai đối tượng người nước ngoài giả danh nhà đầu tư nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

Góc nhìn pháp lý vụ việc thiếu nữ 14 tuổi bị hiếp dâm, đe dọa bằng clip 'nhạy cảm'

Góc nhìn pháp lý vụ việc thiếu nữ 14 tuổi bị hiếp dâm, đe dọa bằng clip 'nhạy cảm'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  16 giờ trước

(PLPT) - Liên quan tới vụ việc thiếu nữ 14 tuổi bị hiếp dâm, đe dọa bằng clip "nóng", chuyên gia pháp lý đã có những phân tích vấn đề pháp lý về tình huống của vụ việc.

Thương mại điện tử giúp tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thương mại điện tử giúp tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam sở hữu một thị trường mua sắm trực tuyến lớn và giàu tiềm năng khi có tới 80% dân số sử dụng internet để mua sắm, thúc đẩy sự gia tăng hoạt động thương mại điện tử hứa hẹn sẽ tối ưu hóa doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nam thanh niên trộm xe máy bị phát giác vì 'lạc' vào đường cao tốc: Đi xe máy vào đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền?

Nam thanh niên trộm xe máy bị phát giác vì 'lạc' vào đường cao tốc: Đi xe máy vào đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Sau khi trộm xe máy tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, nam thanh niên di chuyển lên cao tốc thì bị lực lượng CSGT dừng xe và phát hiện. Pháp luật hiện hành quy định hành vi đi xe máy vào đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền?

Lừa đảo 'rửa tiền' bằng việc bán xe máy không giấy tờ giá rẻ: Mua bán xe không giấy tờ có vi phạm pháp luật không?

Lừa đảo 'rửa tiền' bằng việc bán xe máy không giấy tờ giá rẻ: Mua bán xe không giấy tờ có vi phạm pháp luật không?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Lợi dụng mạng xã hội, các đối tượng rao bán xe máy không giấy tờ với giá rẻ, yêu cầu đặt cọc qua tài khoản "rửa tiền" rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền, khiến nhiều người sập bẫy.

Cảnh báo chiêu trò dụ dỗ 'chat sex' trên mạng xã hội để lừa đảo, tống tiền

Cảnh báo chiêu trò dụ dỗ 'chat sex' trên mạng xã hội để lừa đảo, tống tiền

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 ngày trước

(PLPT) - Gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo "giả danh thám tử," "chat sex" để bí mật thu thập thông tin nhạy cảm liên quan đến các nạn nhân. Sau đó, các đối tượng sẽ gọi điện, gửi thư điện tử hoặc nhắn tin để đe dọa nhằm tống tiền.

Đọc nhiều