Nghiên cứu lý luận

Vấn đề im lặng trong giao kết hợp đồng: Nhìn từ một số án lệ tiêu biểu của Hoa Kỳ và gợi ý cho pháp luật Việt Nam

System Thứ hai, 08/07/2024 - 10:52
Nghe audio
0:00

VẤN ĐỀ IM LẶNG TRONG GIAO KẾT HỢP ĐỒNG:

NHÌN TỪ MỘT SỐ ÁN LỆ TIÊU BIỂU CỦA HOA KỲ VÀ GỢI Ý CHO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Phạm Thị Hồng Tâm*

 

Tóm tắt. Bài viết tập trung phân tích một số án lệ tiêu biểu của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ về im lặng trong giao kết hợp đồng. Cùng với việc phân tích các án lệ này, bài viết cũng phân tích, so sánh tương đồng và khác biệt với quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam về im lặng trong giao kết hợp đồng. Trên cơ sở phân tích và đánh giá một cách kỹ lưỡng, bài viết sẽ rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Từ khóa: án lệ, giao kết hợp đồng, im lặng, pháp luật dân sự, Hoa Kỳ, Việt Nam.

THE SILENT ISSUE IN CONTRACTUAL AGREEMENTS: INSIGHTS FROM THE U.S. CASES AND SUGGESTIONS FOR VIETNAM'S LEGAL SYSTEM

Abstract. This article focuses on analyzing key cases from the US Supreme Court regarding silence in contractual agreements. Along with analyzing these cases, it also compares similarities and differences with the corresponding regulations of Vietnam's legal system regarding silence in contractual agreements. Based on a thorough analysis and evaluation, the article will draw upon some lessons for Vietnam to improve its legal regulations on this issue.

Keywords: cases, conclusion of contract, silence, civil law.

1.      Đặt vấn đề

Hoa Kỳ là một quốc gia theo truyền thống Thông luật (Common law) với nguồn luật chủ yếu điều chỉnh quan hệ hợp đồng[1] là án lệ. Bên cạnh một số đạo luật thành văn điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh từ hợp đồng, trong đó quan trong là Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ (Uniform Conmmercial Code – UCC), thì vấn đề xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được áp dụng từ án lệ được xây dựng bởi Tòa án. Theo GS. Michel Fromont, “hệ thống pháp luật Common law được xây dựng chủ yếu trên cơ sở các án lệ của Tòa án trong những thế kỉ qua và chịu sự tác động đáng kể của hệ thống pháp luật La Mã, pháp luật tự nhiên và hoạt động pháp điển hóa. Do đó, hệ thống pháp luật này có đặc trưng là dùng các khái niệm ít trừu tượng hơn (so với pháp luật của các nước theo hệ thống châu Âu lục địa), sử dụng rộng rãi các quy tắc tinh tế, trong khi các quy định pháp luật nội dung và thủ tục tố tụng còn chồng chéo nhau”.[2] Các án lệ của các nước này thường áp dụng học thuyết vận tống để xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng kèm theo đó là một số ngoại lệ nhất định. Học thuyết vận tống có vai trò quan trọng nhằm giải quyết vấn đề cân bằng giữa lợi ích của người đề nghị và người được đề nghị. Học thuyết này xác định liệu người đề nghị và người được đề nghị có bị ràng buộc bởi lời đề nghị/trả lời hay không, đồng thời, xác định rằng người được đề nghị có có thể chấp nhận một lời đề nghị mà không phải thực hiện những hành động không cần thiết.

Hợp đồng là hành vi có ý thức của chủ thể nhằm tạo lập quyền, nghĩa vụ cho chủ thể đó. Để bảo đảm hợp đồng có hiệu lực, phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng thì hợp đồng phải phải có sự trùng hợp ý chí của các bên trong việc tạo lập quyền và nghĩa vụ từ hợp đồng (conucatio – vào một chỗ)[3] ý chí của một bên được thể hiện ra bên ngoài một cách tự nguyện và trùng hợp với ý chí của bên kia. Các bên có thể thoả thuận về hình thức trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng dân sự như: trả lời trực tiếp, trả lời bằng văn bản, hành vi… Tuy nhiên, cũng có trường hợp trong quá trình giao kết, đôi khi một bên không nói rõ quan điểm của mình mà họ im lặng trước lời đề nghị. Hay các bên cũng có thể quy ước rằng hợp đồng cũng được giao kết bằng sự tuyên bố ý chí minh thị của một bên mà không cần có sự biểu lộ ý chí của bên kia bằng bất kỳ dấu hiệu nào.[4] Vậy im lặng có được xem là chấp nhận giao kết hợp đồng hay không? Tòa án của Hoa Kỳ đã xét xử, ban hành một số án lệ được coi là điển hình cho việc giải quyết tranh chấp giữa các bên trong giao kết hợp đồng. Từ án lệ này, pháp luật Việt Nam có thêm một số gợi mở trong việc quy định về im lặng trong giao kết hợp đồng.

2.      Một số án lệ tiêu biểu của Hòa Kỳ về im lặng trong giao kết hợp đồng

2.1.  Án lệ Charles A. Hobbs kiện Công ty Massasoit (Hobbs v. Massasoit Whip Co. 1893)

2.1.1.   Tóm tắt án lệ

Nguyên đơn là Charles A. Hobbs sống ở Saugus kiện bị đơn là Công ty Massasoit có địa điểm kinh doanh thường lệ ở Wesstfield và tham gia sản xuất roi da. Việc giao kết hợp đồng giữa hai bên không thể tiến hành trực tiếp do khoảng cách địa lý xa xôi. Thay vào đó, các bên đã phải tiến hành quy trình này thông qua Công ty vận chuyển Harding, việc giao kết này được thực hiện nhiều lần vào năm 1888, 1889. Trong quá trình này, điều kiện tiên quyết duy nhất là các tấm da mà Hobbs bán phải đạt tiêu chuẩn về chiều dài tối thiểu là 22 inch và phù hợp để phục vụ kinh doanh của Công ty Massasoit. Việc giao kết này đã được thực hiện nhiều lần, trong những lần đó, Công ty Massasoit chưa từng lên tiếng phản đối gì, họ đã dùng những tấm da đó để sử dụng trong hoạt động kinh doanh sản xuất roi da. Sau đó, Công ty Massasoit tự động thanh toán cho Hobbs.

Vào ngày 18 tháng 2 năm 1890, như thường lệ, Hobbs đã giao 2.050 tấm da cho Công ty vận chuyển Harding of Lynn để chuyển đến cho Công ty Massasoit. Các tấm da có chiều dài 27 inch và một số khác có chiều dài trên 22 inch. Ngày hôm sau, Công ty Massasoit đã nhận được đơn hàng này. Sau khi nhận được hàng, Công ty Massasoit đã giữ các tấm da đó trong vài tháng mà không có bất kì một thông báo nào về việc từ chối nhận hàng cho Hobbs, cũng không trả tiền cho Hobbs và cuối cùng do để lâu, những tấm da đó đã bị hỏng.[5]

Nguyên đơn lập luận rằng: nguyên đơn không nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía bị đơn, rằng những tấm da đó không phù hợp để sử dụng hoặc chúng được giữ lại. Hành động của bị đơn ngụ ý sự chấp nhận số hàng hóa đó, dựa trên những giao dịch tương tự đã thực hiện trước đó và do đó, một hợp đồng đã tồn tại.

Bị đơn lập luận rằng: bị đơn chưa bao giờ đặt hàng hoặc chấp nhận mua 2050 tấm da mà nguyên đơn đã gửi đến vào ngày 18/2/1890. Ngay khi nhận được các tấm da, bị đơn đã kiểm tra và phát hiện ra rằng một số tấm da có chiều dài dưới 22 inch và không thích hợp để sử dụng. Bị đơn đã thông báo việc này cho Công ty Harding 1 lần, rằng một số tấm da không phù hợp, tuy vậy, các tấm da này vẫn được giữ tại cơ sở kinh doanh ở Westfield (cơ sở kinh doanh của bị đơn) và sau đó chúng bị hỏng. Bị đơn lập luận rằng việc cho phép một bên tự gửi hàng hóa mà không thông báo đầy đủ sẽ là không công bằng nếu xác định hợp đồng đó có hiệu lực.

Vấn đề cần giải quyết trong vụ việc này đó là dựa trên quá trình giao dịch trước đó của các bên, liệu có thể tồn tại sự chấp nhận bằng cách im lặng hay không, hay buộc nghĩa vụ bên nhận được đề nghị phải hành động khi nhận hàng hóa bằng việc từ chối hoặc chấp nhận khi một đề nghị giao kết hợp đồng được đưa ra.

Phán quyết của Toa án cho rằng:

Thứ nhất, việc kinh doanh giữa các bên đã được tiến hành một cách thường xuyên. Cả nguyên đơn và bị đơn đều biết điều này nên việc bị đơn im lặng và mặc nhiên nhận những tấm da này là điều hợp lý. Đặc biệt, cho dù các bên không có hợp đồng trước đó, nhưng các bên đã tiến hành việc này một cách thường xuyên, do vậy, nếu những tấm da được gửi đến cho phía bên kia (bị đơn) và phía bị đơn không có bất kỳ sự phản đối nào (im lặng) đã tạo cơ sở cho người gửi tin rằng phía người nhận là đồng ý giao kết hợp đồng.

Thứ hai, việc không thông báo về chất lượng của những tấm da không phù hợp và giữ lấy của bị đơn dẫn đến phía nguyên đơn không thể thu hồi được những tấm da có chiều dài dưới 22 inch cũng như bất kỳ tấm da lươn nào tại thời điểm nó bị hỏng.

Dựa trên bằng chứng và quyền ưu tiên pháp lý, bồi thẩm đoàn cấp sơ thẩm đã ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn, bởi họ cho rằng bị đơn đã giữ lại 2050 tấm da một cách vô lý và từ việc im lặng của bị đơn mà nguyên đơn cho rằng hợp đồng đã được chấp nhận như cách họ giao kết trước đây.[6]

Bị đơn kháng cáo và cho rằng sự im lặng có thể được hiểu là chấp nhận là không đúng. Tòa án cấp trên vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trong trường hợp này, nếu vụ án trên không được giải thích, thì dường như có thể có sự hiểu nhầm rằng một người lạ nào đó có thể áp đặt nghĩa vụ lên người khác và biến họ trở thành người mua, bất chấp việc phía bên kia có dồng ý hay không, bằng cách họ gửi hàng cho người mua và buộc người mua phải chịu chi phí để thông báo lại rằng họ không mua. Vụ án này đã bào chữa cho bị đơn theo cách hiểu đó. Tuy nhiên, ở đây, Bồi thẩm đoàn cho rằng nguyên đơn không phải là người xa lạ với bị đơn, ngay cả khi họ không có hợp đồng. Bởi lẽ, trước đây, nguyên đơn đã gửi cho bị đơn những tấm da theo cách tương tự và chúng đã được bị đơn chấp nhận, trả tiền, mặc dù giữa các bên không tiến hành kí kết hợp đồng. Về phần mình, sự im lặng cùng với việc giữ lại các tấm da trong một thời gian không hợp lý, đã tạo ra sự kì vọng hợp lý rằng bị đơn chấp nhận giao kết hợp đồng. Việc hình thành hợp đồng dựa trên sự đồng thuận khách quan, tức là bất kỳ hành vi nào “trông giống” với một sự chấp nhận đã có từ trước đó thì đều là một sự chấp nhận được ghi nhận dưới góc nhìn của pháp luật.

Phán quyết của Tòa án Tư pháp Tối cao Massachusetts (Hoa Kỳ) đã chấm dứt vụ kiện của Hobbs và Massasoit Whip Co. Tóm lại, Tòa án cho rằng chấp nhận không được coi là giao kết hợp đồng, trừ trường hợp sự im lặng này xuất phát từ các giao dịch trong quá khứ giữa các bên trước đây.

2.1.2.   Từ án lệ Hobbs v. Massasoit Whip Co. 1893 nhìn về pháp luật Việt Nam

Từ án lệ Hobbs v. Massasoit Whip Co. 1893, nhìn về pháp luật Việt Nam cho thấy một số điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ đều quy định theo hướng im lặng không phải là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Dù ở hệ thống pháp luật nào, người ta cũng đều thừa nhận nền tảng của luật hợp đồng là tự do ý chí.[7] Ý chí là yếu tố không thể thiếu và là tiền đề cho việc hình thành hợp đồng. Tuy nhiên, không phải cứ có sự bày tỏ ý chí của các bên có thể hình thành một hợp đồng. Muốn tạo lập hợp đồng thì phải có sự gặp gỡ ý chí của ít nhất hai chủ thể và ý chí này phải được bên kia chấp nhận. Do đó, khi một người nhận được đề nghị giao kết hợp đồng thì họ không có nghĩa vụ phải trả lời đề nghị đó. Trong trường hợp, nếu bên được đề nghị im lặng không trả lời lại lời đề nghị sẽ không được coi là chấp nhận giao kết hợp đồng.

Trong thực tế, những người nhận được các lời chào mời/đề nghị giao kết hợp đồng với một mức giá xác định thì không thể coi là họ đã chấp nhận mua hàng hóa (giao kết hợp đồng) đó nếu như họ im lặng. Nếu các nhà làm luật bắt buộc những người nhận lời chào mời/lời đề nghị hay lời quảng cáo, mỗi lần khi nhận dược lời mời đều phải trả lời là không mua hoặc từ chối giao kết thì xâm phạm vào quyền tự do giao kết hợp đồng của họ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền tự do của công chúng, nhất là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước sự lạm dụng rất phổ biến hiên nay của các doanh nghiệp bán hàng qua mạng, hoặc gửi đề nghị bằng thư bảo đảm, hay cho nhân viên mang mẫu hàng đến tận nhà của người tiêu dùng… Do đó, im lặng không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trong những trường hợp này.

Thứ hai, im lặng không phải là chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng có ngoại lệ nhất định.

 Cũng tương tự như pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật Việt Nam quy định khi sự im lặng đó là thói quen đã được xác lập giữa các bên thì bên được đề nghị im lặng thì coi như bên được đề nghị đã chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và hợp đồng được giao kết từ thời điểm đó.[8] Do một bên chỉ “im lặng”, tức là không có phản ứng hay bất cứ hành động cụ thể nào, nên chỉ khi đó là thói quen của các bên thì hợp đồng mới được coi là đã giao kết. Tuy nhiên, thói quen này được xác định như thế nào thì pháp luật Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Pháp luật Hoa Kỳ quy định cụ thể hơn như trong án lệ Hobbs v. Massasoit Whip Co. 1893, sự im lặng được coi như chấp nhận hợp đồng khi giữa Hobbs và Công ty Massasoit đã tồn tại quan hệ làm ăn trước đó, thông qua việc chủ động giao hàng của bên Hobbs và sự im lặng nhận hàng, sau đó trả tiền, hành động này được thực hiện lặp đi lặp lại ở các lần trước đó (4 – 5 lần trong năm 1888, 1889). Qua án lệ này cho thấy, sự tồn tại một hợp đồng đang có hiệu lực giữa các bên sẽ không đủ cơ sở để Tòa án Tư pháp Tối cao Massachusetts suy luận im lặng là chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng khi các bên thực hiện việc đó nhiều lần theo thói quen, với những hợp đồng tương tự nhau thì sự im lặng được hiểu là chấp nhận giao kết hợp đồng. Bên cạnh đó, trong án lệ này cho thấy một khía cạnh nữa, đó là nếu một bên im lặng (biết nhưng không nói gì) mà có những yếu tố khác (như giữ hàng, trả tiền…) thì vẫn có chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

2.2. Án lệ Cole-McIntyre-Norfleet Co. kiện Holloway (Cole-McIntyre Norfleet Co. v. Holloway 214 S.W. 817, 818 (Tenn. 1919)

2.2.1. Tóm tắt án lệ

Ngày 26 tháng 3 năm 1917, một nhân viên bán hàng lưu động của Holloway (bị đơn) đã chào mời và nhận đơn hàng cho một số hàng hóa mà anh ta được phép bán tại Cửa hàng của Cole (nguyên đơn) ở quận Shelby, Tennessee. Trong số hàng hóa này có 50 thùng thức ăn. Bị đơn báo rằng, nguyên đơn có thể yêu cầu giao thùng thức ăn này, miễn là nguyên đơn thông báo cho bị đơn trước một ngày nhất định. Thời gian nguyên đơn đặt mua trước ngày 31 tháng 7, ngoài ra nguyên đơn sẽ bị tính phí cho bất kì thùng lưu trữ nào nếu không yêu cầu kịp thời (trả 5 xu mỗi thùng mỗi tháng cho việc cất giữ).

Sau khi đặt hàng, nguyên đơn không nhận được thông báo gì về đơn hàng này cho đến ngày 26 tháng 5 năm 1917, khi anh ấy đến văn phòng kinh doanh của bị đơn và yêu cầu họ bắt đầu vận chuyển những thùng thức ăn theo hợp đồng. Phía bị đơn được thông báo rằng chắc có sự nhầm lẫn gì xảy ra và không chấp nhận đơn đặt hàng này, do vậy, hai bên không phát sinh một hợp đồng nào cả.

Phía nguyên đơn đưa ra quan điểm rằng: nguyên đơn chưa bao giờ nhận được xác nhận hoặc từ chối giao kết hợp đồng (bị đơn im lặng) từ bị đơn. Nhân viên bán hàng lưu động của bị đơn thường qua lại cửa hàng của nguyên đơn mỗi tuần một lần, và đơn đặt hàng này không được nhân viên kinh doanh này hoặc người cấp trên nhắc đến dưới bất kỳ hình thức nào. Từ ngày đặt hàng 26 tháng 3 đến ngày nguyên đơn yêu cầu giao hàng là 26 tháng 5, giá của tất cả các mặt hàng trong hợp đồng đã tăng mạnh khoảng 50% giá trị.[9] Do đó, nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do giá hàng hóa vượt quá.

Phía bị đơn đưa ra quan điểm rằng: bị đơn đã im lặng, không đưa ra thông báo chấp nhận hay từ chối hợp đồng trước yêu cầu đặt hàng của nguyên đơn. Trong khi trước đó, hàng tuần nhân viên bán hàng của bị đơn đều đến chào hàng nhưng cũng chưa xác nhận đơn hàng.

Một số công nhân của bị đơn làm việc tại Memphis làm chứng rằng theo quy trình họ sẽ nhận các đơn đặt hàng từ những nhân viên bán hàng, sau đó, họ sẽ thông báo cho phía khách hàng về việc đơn hàng được thực hiện hay đơn đặt hàng bị từ chối. Nhưng do có sự nhầm lẫn mà phía bị đơn đã không thực hiện theo quy trình này đối với đơn hàng của nguyên đơn. Đây chính là bằng chứng cho thấy việc đặt hàng của nguyên đơn không được thực hiện theo đúng quy trình của phía bị đơn.

Ngoài ra, theo bị đơn, trong điều khoản của hợp đồng quy định rằng hợp đồng không có giá trị ràng buộc cho đến khi được người bán trả lời chấp nhận từ Văn phòng của họ ở Memphis. Nhân viên bán hàng không có thẩm quyền đại diện cho người bán hoặc người mua để ký kết hợp đồng.

Vấn đề cần giải quyết: Khi một hợp đồng không thể giao kết do nguyên nhân từ sự chậm trễ không thông báo của một bên về việc chấp nhận một thỏa thuận, thì sự chậm trễ đó có được coi là sự chấp nhận và hợp đồng có hiệu lực hay không? Trong trường hợp này, các yếu tố pháp lý và thực tế cần được cân nhắc cẩn thận để đưa ra phán quyết phù hợp.

Giải quyết từ Tòa án:

Trong vụ việc trên, vấn đề gây tranh cãi, đó là liệu việc trì hoãn trả lời từ chối của bị đơn do sự sai sót của mình có hợp lý hay không.[10] Tòa án lưu động và Tòa phúc thẩm dân sự dựa trên bằng chứng cho thấy việc trì hoãn trả lời từ chối là không hợp lý và ảnh hưởng đến việc chấp nhận hợp đồng.

Trong vụ án này, hợp đồng đã phát sinh hiệu lực do trước khi nguyên đơn đưa ra yêu cầu đặt hàng, bị đơn không từ chối nó. Khoảng thời gian hợp lý để bị đơn đưa ra từ chối đơn hàng là 60 ngày, tính từ thời điểm bị đơn đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng (nhân viên bán hàng chào hàng). Hàng tuần, nhân viên bán hàng của bị đơn đã có cơ hội thông báo cho nguyên đơn về việc từ chối hợp đồng, và tất nhiên, bị đơn cũng có cơ hội thông báo từ chối cho nguyên đơn bằng thư hoặc phương tiện thông báo khác. Do đó, nguyên đơn tin rằng hợp đồng vẫn có hiệu lực nên vào ngày 26 tháng 5, vì nguyên đơn đã yêu cầu bị đơn bắt đầu vận chuyển đơn hàng vào ngày hôm đó. Những chuyến hàng như vậy phải được hoàn thành trước ngày 31 tháng 7 hoặc nguyên đơn phải trả phí lưu kho. Từ bằng chứng này, Tòa án lưu động kết luận rằng: Khi một hợp đồng có thể không được giao kết do sự chậm trễ về bản chất hoặc điều kiện thị trường, thì sự chậm trễ vô lý của một bên trong việc thông báo cho bên kia về việc chấp nhận của mình sẽ dẫn đến sự chấp nhận, điều này đủ để hình thành một thỏa thuận có hiệu lực của hợp đồng[11] Bị đơn đã không hành động trong một khoảng thời gian hợp lý và do đó sự im lặng của bị đơn sẽ được hiểu là sự chấp nhận hợp đồng.

Ngay cả trong trường hợp người đại diện vượt quá phạm vi đại diện hoặc không có thẩm quyền đại diện trong giao kết hợp đồng thì bên bán vẫn phải chấp nhận hoặc từ chối các lợi ích của hợp đồng một cách nhanh chóng và trong khoảng thời gian hợp lý.[12] Trong trường hợp này, người đại diện của bị đơn được ủy quyền để thực hiện chính xác những gì anh ta được giao, cả về thời gian và nội dung chào hàng. Điều duy nhất còn bỏ ngỏ trong hợp đồng là việc bị đơn chấp nhận hoặc từ chối các điều khoản.

Tòa án phán quyết yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận. Sau đó, bị đơn đã đưa ra đề trình yêu cầu xét xử lại. Bản kiến nghị trích dẫn án lệ trước đó với nội dung: Một lời đề nghị được đưa ra cho người khác, bằng lời nói hoặc bằng văn bản, không thể trở thành một thỏa thuận vì người nhận (người được gửi) không trả lời, ngay cả khi đề nghị nêu rõ rằng sự im lặng sẽ được coi là sự đồng ý, vì người đưa ra lời đề nghị không thể đặt ra những điều kiện từ chối, để biến sự im lặng của bên được đề nghị thành sự chấp nhận”.[13] Hay “sự chậm trễ trong việc chấp nhận hoặc từ chối một lời đề nghị cũng không thể tạo nên một thỏa thuận”.[14]

Tòa án tối cao Tennessee cho rằng việc trích dẫn của bị đơn không áp dụng cho trường hợp này, bởi trong vụ việc này các bên đã có giao dịch với nhau trước hợp đồng và đang theo đúng trình tự vào thời điểm đó. Cuối cùng, bản án của các Tòa án cấp dưới được giữ nguyên và đơn xin xét xử lại bị từ chối.

Tòa án lưu ý rằng đối với một thương nhân bán sỉ, người cho các nhân viên của mình đi để mời đặt hàng cho các mặt hàng dễ hỏng và mặt hàng có sự biến động của thị trường, phải có nghĩa vụ thông báo cho khách hàng của mình trong một thời gian hợp lý rằng các đơn đặt hàng không được chấp nhận. Khi người bán buôn không đề cập đến thời điểm chấp nhận là hợp lệ, khách hàng có thể tin một cách hợp lý rằng sự chấp nhận của họ được tạo ra bởi sự im lặng. Hơn nữa, nếu xác định im lặng không phải là giao kết hợp đồng trong trường hợp này thì người chào hàng rất có thể lợi dụng quy định này để đưa hàng hóa của mình ra thị trường bằng việc đưa ra các đơn chào hàng, đồng thời giữ im lặng không trả lời có chấp nhận giao kết hay không để có thể dành thời gian để xem xét hợp đồng có lãi hay không.[15] Do vậy, nếu có bằng chứng cho thấy người bán có cơ hội đầy đủ để trả lời đề nghị, thì sự im lặng trong một khoảng thời gian không hợp lý sẽ đủ để hình thành một sự chấp nhận, nếu người mua đang phụ thuộc vào người bán để nhận hàng hóa.

Cuối cùng thì yêu cầu từ phía nguyên đơn bị từ chối.

Phán quyết của Tòa án tối cao Tennessee Hoa Kỳ mặc dù gây tranh cãi nhưng đã chấm dứt vụ kiện của Cole-McIntyre Norfleet Co. v. Holloway. Tóm lại, Tòa án cho rằng nếu đối tượng của một thỏa thuận trở nên không thể bán được do sự chậm trễ về bản chất hoặc điều kiện thị trường, thì sự chậm trễ vô lý của một bên trong việc thông báo cho bên kia về việc chấp nhận của mình sẽ dẫn đến sự chấp nhận, điều này đủ để hình thành một thỏa thuận hợp đồng có hiệu lực.

2.2.2. Từ án lệ Cole-McIntyre Norfleet Co. v. Holloway 214 S.W. 817, 818 (Tenn. 1919) nhìn về pháp luật Việt Nam

Án lệ Cole-McIntyre Norfleet Co. v. Holloway 214 S.W. 817, 818 (Tenn. 1919), nhìn về một số quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam, có thể thấy rằng có một số lưu ý sau:

Thứ nhất, pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ đều có điểm tương đồng khi quy định bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian hợp lý.

Chấp nhận giao kết hợp đồng là giai đoạn cuối cùng của quá trình giao kết hợp đồng. Về nguyên tắc, tuỳ thuộc hình thức bên đề nghị đưa ra là trực tiếp hay gián tiếp mà bên được đề nghị phải trả lời ngay hoặc do các bên thỏa thuận. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn trả lời. Như vậy, nếu bên đề nghị không trả lời ngay về việc chấp nhận hay không chấp nhận thì bên đề nghị có thể rút hoặc hủy bỏ đề nghị bất cứ khi nào và đề nghị có thể chấm dứt bất cứ khi nào theo ý muốn của bên đề nghị. Trong trường hợp cần phải có thời gian suy nghĩ, cân nhắc thì bên đề nghị có thể đặt ra một mốc thời hạn ấn định để bên được đề nghị trả lời trong thời hạn đó.[16] Khi các bên giao kết gián tiếp với nhau, hợp đồng được công nhận là đã được giao kết sau khi bên đề nghị nhận được sự chấp nhận trong thời hạn hoặc bên đề nghị nhận được trước thời hạn quy định.

Tương tự như pháp luật Hoa Kỳ, BLDS năm 2015 quy định: “Trong trường hợp bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý”.[17] Theo quy định này, ngay cả khi bên đề nghị không ấn định cụ thể thời gian trả lời thì bên được đề nghị cũng không thể “lợi dụng” vào đó để kéo dài thời hạn. Bởi vì, việc kéo dài thời gian này có thể dẫn đến việc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, đặc biệt, những hợp đồng được giao kết mà thị trường có sự biến động như hàng hóa là đồ ăn mà án lệ Cole-McIntyre Norfleet Co. v. Holloway đã giải quyết. Do đó, bên được đề nghị trong trường hợp này cũng phải trả lời ngay khi có thể chứ không được kéo dài.

Thứ hai, việc xác định như nào được coi là thời gian hợp lý phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và hiện nay pháp luật Việt Nam còn bỏ ngỏ trường hợp này. Có quan điểm cho rằng[18], có thể áp dụng tương tự pháp luật để giải thích khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian do tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng.[19] Quan điểm khác cho rằng thời gian hợp lý sẽ được xác định dựa vào lĩnh vực, ngành nghề, hoàn cảnh cụ thể, trong nhiều trường hợp có tính đến cả phương thức truyền tin được sử dụng để gửi lời đề nghị giao kết hợp đồng.[20]

Trường hợp này pháp luật Hoa Kỳ quy định cụ thể hơn. Theo phán quyết của Tòa án tối cao trong án lệ Cole-McIntyre Norfleet Co. v. Holloway thì thời gian hợp lý này được cho rằng không quá 60 ngày. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ (Uniform Conmmercial Code – UCC), thời gian hợp lý được xác định là không quá ba tháng.[21] Do đó, theo quan điểm của tác giả thì cần có sự hướng dẫn cụ thể về thời hạn trả lời trong lời đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp bên đề nghị không ấn định, để tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và tránh những cách hiểu khác nhau như đã phân tích ở trên.

2.3.    Án lệ John G. Day kiện Asa H. Caton (John G. Day v Asa H. Caton 119 Mass. 513 (1876))

2.3.1.   Tóm tắt án lệ

Vào năm 1871, Day (nguyên đơn) là chủ sở hữu của lô đất số 29, đã xây dựng bức tường. Bức tường này đặt một nửa sang lô đất trống số 27 thuộc sở hữu của Caton (bị đơn). Nguyên đơn nói rằng đã có một thỏa thuận rõ ràng từ phía bị đơn sẽ trả cho mình một nửa giá trị của bức tường khi nguyên đơn hoàn thành nó. Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện để yêu cầu bị đơn thanh toán một nửa giá trị bức tường.

Bị đơn phủ nhận điều này, và nói rằng ông chưa bao giờ nói chuyện với nguyên đơn về bức tường; ngoài ra, ông không có bằng chứng trực tiếp nào khác về vấn đề này. Bị đơn yêu cầu thẩm phán giải quyết như sau:

-         Nguyên đơn chỉ có thể đòi tiền xây dựng bức tường trong trường hợp hai bên có thỏa thuận với nhau rõ ràng từ trước.

-         Nếu Bồi thẩm đoàn thấy rằng hai bên không có thỏa thuận rõ ràng về bức tường, nhưng bị đơn biết nguyên đơn đang xây dựng trên đất của bị đơn và bị đơn có quyền lợi từ việc xây dựng trên thì quyền lợi của bị đơn sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự nhận thức đó. Sự im lặng và sử dụng bức tường sau đó sẽ không tạo ra một lời hứa ngầm nào để trả tiền cho bức tường.[22]

Vấn đề cần giải quyết trong vụ án này: nếu một ai đó xây dựng một thứ gì đó trên tài sản của mình hoặc cung cấp các dịch vụ có giá trị, bên được hưởng lợi giữ im lặng, không phản đối thì sự im lặng đó có được hiểu là chấp nhận lời đề nghị giao kết hợp đồng xây dựng tài sản hoặc dịch vụ đó hay không?

Tại phiên tòa xét xử ở Tòa thượng thẩm, Thẩm phán bác bỏ lập luận của bị đơn và dù không đưa ra nguyên tắc xét xử vụ kiện này nhưng có hướng dẫn Ban hội thẩm như sau: “Việc xác định một thỏa thuận có thể được ngụ ý từ hành vi của các bên liên quan là một vấn đề đáng lưu ý. Trong trường hợp này, nếu bằng chứng cho thấy nguyên đơn đã hoàn thành xây dựng bức tường với mong đợi được bị đơn trả tiền, và bị đơn không phản đối mà cho phép nguyên đơn thực hiện như vậy, thì có thể suy luận rằng sự im lặng của bị đơn đã ngầm đồng ý trả tiền cho nguyên đơn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc xem xét toàn bộ hành vi của các bên trong việc xác định sự tồn tại của một thỏa thuận, ngay cả khi không có bằng chứng rõ ràng về một thỏa thuận được đưa ra một cách rõ ràng”. Sau đó Tòa án ra phán quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Tuy nhiên, bị đơn cho rằng phán quyết của Tòa án là không chính xác, bởi trước đó bị đơn không đưa ra lời hứa nào cả. Thẩm phán đã sai lầm khi phán quyết rằng lời hứa như vậy có thể được suy ra từ sự kỳ vọng thanh toán của nguyên đơn và việc bị đơn biết về điều đó. Việc nguyên đơn mong đợi được trả tiền cho công việc đó chắc chắn sẽ không đủ để thiết lập sự tồn tại của một hợp đồng.[23]

Tòa án tư pháp tối cao Massachusetts kết luận rằng: bị đơn biết rằng nguyên đơn mong muốn được trả tiền cho công việc của họ vẫn chưa đủ. Nếu bị đơn biết nguyên đơn mong đợi được trả tiền cho công việc của mình và giữ im lặng, thì sự im lặng đó sẽ được coi là chấp nhận lời đề nghị ký hợp đồng cho những dịch vụ có giá trị đó. Tại đây, Day đã thực hiện các dịch vụ có giá trị đối với Caton và Caton biết rằng anh ấy đang thực hiện các dịch vụ này và không phản đối. Theo đó, sự im lặng đó, đi kèm với nhận thức rằng bên cung cấp dịch vụ mong đợi được thanh toán, có thể được coi là bằng chứng công bằng về việc chấp nhận dịch vụ đó và có xu hướng thể hiện sự đồng ý thanh toán cho dịch vụ đó. Vì vậy, một hợp đồng đã được hình thành trong vụ án trên.

Cuối cùng, phán quyết của Tòa án tư pháp tối cao Massachusetts đã chấm dứt vụ kiện này và đưa ra thêm một ngoại lệ của sự im lặng trong giao kết hợp đồng. Đó là, nếu ai đó xây dựng một cái gì đó trên tài sản của một chủ thể hoặc cung cấp các dịch vụ có giá trị và chủ thể biết về điều đó, giữ im lặng và không phản đối, thì sự im lặng đó sẽ được hiểu là chấp nhận lời đề nghị giao kết hợp đồng xây dựng tài sản đó hoặc các dịch vụ được cung cấp.

2.3.2.   Từ án lệ John G. Day v Asa H. Caton nhìn về pháp luật Việt Nam

Từ án lệ John G. Day v Asa H. Caton, nhìn về một số quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam, có thể thấy rằng có một số điểm khác biệt sau:

Trước hết, BLDS năm 2015 chỉ quy định hai trường hợp ngoại lệ đối với im lặng trong giao kết hợp đồng, đó là: các bên có sự thỏa thuận hoặc theo thói quen được xác lập giữa các bên.[24] Vậy nếu nhìn vào án lệ Day kiện Caton về giá trị bức tường được xây dựng trên đất thuộc sở hữu của Caton và Caton im lặng thì trường hợp này không thể xác định hợp đồng phát sinh hiệu lực. Trong khi đó, trong án lệ trên, pháp luật Hoa Kỳ coi rằng sự im lặng và nhận được lợi ích của một bên chính là việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và hợp đồng này phát sinh hiệu lực. 

Mặc dù, BLDS năm 2015 chưa quy định tình huống trên, nhưng Việt Nam cũng đã kịp thời bổ sung ngoại lệ đó thông qua án lệ số 04/2016/AL về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất”. Trong án lệ này, đã giải quyết vấn đề pháp lý đó là “trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ một người đứng tên ký hợp đồng, người còn lại không ký tên trong hợp đồng, nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối”[25]. Như vậy, trong án lệ này cũng xác định người vợ im lặng, biết và không phản đối, nhận được lợi ích từ phía bên mua thì đây được coi là chấp nhận giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, án lệ Day v Asa H. Caton của Hoa Kỳ có phạm vi rộng hơn so với án lệ số 04/2016/AL của Việt Nam. Theo đó, nếu áp dụng án lệ số 04/2016/AL thì nếu ai đó xây dựng một cái gì đó trên tài sản của một chủ thể hoặc cung cấp các dịch vụ có giá trị và chủ thể biết về điều đó, giữ im lặng và không phản đối thì việc áp dụng án lệ này có khi là rất kiên cưỡng.

Ngoài ra, nhìn vào án lệ của Hoa Kỳ thì thấy có nét tương đồng với quy định của pháp luật Việt Nam về thực hiện công việc không có ủy quyền, đó là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc vì lợi ích của người có công việc thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.[26] Vậy theo quy định tại Điều 574 BLDS năm 2015 thì dường như pháp luật Việt Nam theo định hướng biết mà không phản đối (im lặng) thì người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc và thanh toán các chi phí hợp lý. Mặc dù vậy, theo tác giả thì nếu nhìn nhận án lệ trên mà áp dụng quy định về thực hiện công việc không có ủy quyền là làm sai bản chất vấn đề. Bởi lẽ, trong vụ kiện Day và Caton thì bản chất của vấn đề là xác định có sự gặp gỡ ý chí của các bên trong việc giao kết hợp đồng hay không – một bên đề nghị giao kết (xây bức tường) và một bên chấp nhận (biết nhưng không phản đối). Việc thực hiện công việc này có thể xem là một hợp đồng song vụ, cùng có lợi ích cho cả hai bên. Nhu cầu của Day là xây bức tường để nhận được khoản tiền thanh toán và Caton nhận lợi từ việc xây dựng đó, chứ không phải thực hiện công việc hoàn toàn vì lợi ích của Caton và chỉ được thanh toán các chi phí hợp lý. Chính bởi vậy, án lệ này có thể được xem là một gợi mở cho pháp luật Việt Nam khi quy định ngoại lệ im lặng trong việc giao kết hợp đồng.

3.      Một số gợi ý cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật về  im lặng trong giao kết hợp đồng

Giống như pháp luật Hoa Kỳ, Luật Dân sự Việt Nam cũng có những quan niệm về “im lặng không được coi là đồng ý” từ nhiều thập kỷ trước. Theo đó, việc buộc người được đề nghị phải trả lời mỗi lần nhận được đề nghị không khác nào xâm phạm vào quyền tự do không kết ước của họ, do đó không thể suy diễn im lặng là đồng ý.[27] Với tinh thần đó, BLDS năm 2015 có quy định theo hướng im lặng không phải là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, mà quy định trong phần xác định thười điểm hợp đồng được giao kết[28]. Bởi lẽ, nếu xem im lặng là một “hình thức” trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng, thì sẽ tạo ra rất nhiều rủi ro pháp lý đối với bên được đề nghị cũng như bên đề nghị, chẳng hạn như việc cố tình gửi các đơn chào hàng và buộc phía bên nhận phải trả lời về không chấp nhận.

Từ việc phân tích các án lệ tiêu biểu của Hoa Kỳ về im lặng trong giao kết hợp đồng và nghiên cứu so sánh với quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam, thì sự khác biệt lớn nhất hiện nay giữa pháp luật hai nước đó là quy định những ngoại lệ im lặng trong giao kết hợp đồng. Với sự khác biệt này, có thể rút ra một số gợi ý từ án lệ của Hoa Kỳ trong hoàn thiện pháp luật về ngoại lệ im lặng trong giao kết hợp đồng như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu so sánh cho thấy, pháp luật Việt Nam có sự khác biệt khi chỉ quy định trường hợp ngoại lệ là theo thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập[29], mà không ghi nhận thêm các trường hợp ngoại lệ khác như: im lặng được quy định bởi luật, thông lệ kinh doanh hoặc xuất phát từ các quan hệ kinh doanh trước đây...

Như trong vụ án Hobbs v. Massasoit Whip Co. 1893, Tòa án đã xác định thói quen này có thể là một giao kết đã được thực hiện lặp đi lặp lại ở các lần trước đó, với cùng một loại hợp đồng. Do vậy, các nhà làm luật có thể tham khảo quy định này từ án lệ của Hoa Kỳ để giải thích rõ hơn quy định tại Khoản 2 Điều 393 BLDS năm 2015 về ngoại lệ im lặng dựa trên thói quen đã được xác lập từ các bên. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam nên có sự bổ sung trường hợp ngoại lệ về im lặng được coi là chấp nhận giao kết hợp đồng nếu xuất phát từ thông lệ kinh doanh hoặc quan hệ kinh doanh trước đây, để tạo sự tương thích với pháp luật quốc tế, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các bên khi đều có mong muốn muốn giao kết hợp đồng.

Thứ hai, pháp luật Việt Nam có những sự tương đồng nhất định với pháp luật Hoa Kỳ, khi quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với trường hợp các bên thỏa thuận im lặng là sự chấp nhận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó. Vấn đề đặt ra là đối với những trường hợp đề nghị mà không nêu thời hạn trả lời thì có thể suy đoán chấp nhận bằng sự im lặng là sự trả là “chấp nhận” hay không? Việc xác định thời điểm trong trường hợp này là khó khăn. Do vậy, theo quan điểm của tác giả thì giống như án lệ Cole-McIntyre Norfleet Co. v. Holloway, pháp luật Việt Nam cần có định hướng về việc xác định khoảng thời gian hợp lý đối với một đề nghị không nêu thời hạn trả lời thì khoảng thời gian này được xác định là bao lâu (chẳng hạn như 60 ngày như quy định trong án lệ hoặc 90 ngày như quy định trong UCC) nhằm tránh những tranh chấp không đáng có và bảo vệ được quyền lợi của các bên.

Thứ ba, cần bổ sung ngoại lệ im lặng không phản đối và người im lặng được lợi ích từ phía bên kia thì được xác nhận im lặng là chấp nhận giao kết hợp đồng như án lệ Day v Caton. Điều này cũng giúp tránh nhầm lần và phân biệt với chế định về thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ tư, đối với bên được đề nghị, ngay cả khi các bên đã có quy ước trước rằng im lặng là “chấp nhận” thì cũng dễ đẫn đến bị suy đoán là “chấp nhận” một cách ngoài ý muốn. Ví dụ: vì lý do khách quan (bị tai nạn bất ngờ, hệ thống nghẽn mạch dẫn tới bên được đề nghị không nhận được trả lời, các trở ngại khách quan khác…) nên bên được đề nghị không thể gửi thông báo từ chối giao kết hợp đồng trong thời hạn chờ trả lời thì hợp đồng vẫn bị coi là giao kết ngoài ý muốn của bên được đề nghị. Đối với bên đề nghị, nếu suy đoán rằng bên được đề nghị im lặng là sự đồng ý để trên cơ sở đó thực hiện hợp đồng thì gặp phải rắc rối pháp lý. Trong khi đó, Việt Nam là nước theo hệ thống Civil Law, pháp luật có sự ổn định và ít có tính linh hoạt so với hệ thống pháp luật Common Law. Do vậy, pháp luật Việt Nam cần dự liệu trước tình huống này để tránh những rủi ro pháp lý trên thực tế.

4.      Kết luận

Từ việc nghiên cứu và phân tích các án lệ quan trọng của Tòa án tối cao Hoa Kỳ về im lặng trong giao kết hợp đồng gồm: làm sáng tỏ hơn các vấn đề về xác định im lặng có được coi là chấp nhận trong giao kết hợp đồng, thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Nhìn về pháp luật Việt Nam với các quy định pháp luật tương ứng cho thấy, mặc dù hai quốc gia có sự khác nhau khi sử dụng hoc thuyết để xác định thơi điểm có hiệu lực của hợp đồng, nhưng vẫn có một số điểm tương đồng và một số khác biệt mà Việt Nam có thể tham khảo hoàn thiện pháp luật về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng nói chung, pháp luật về giao kết hợp đồng nói riêng./.

 

Tài liệu tham khảo

1.      Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015

2.      Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm

3.      Luật Thư

Cùng chuyên mục

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  3 tháng trước

Đọc nhiều