Việt Nam trong bối cảnh thi hành pháp luật về thuế tối thiểu toàn cầu - Một số thách thức và đề xuất giải pháp
Phạm Xuân Phong, Nguyễn Đăng Châu Anh, Nguyễn Thị Thu Trang
Thứ hai, 22/07/2024 - 15:46
(PLPT) - Bài viết sẽ tập trung khai thác một số thách thức liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Tóm tắt: Chính
thức được công bố vào cuối năm 2021, thuế tối thiểu toàn cầu được đánh giá là
bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống xói mòn cơ sở thuế đã và hiện đang đe dọa nghiêm trọng đến môi
trường kinh doanh quốc tế. Ở thời điểm hiện tại, khoảng 140 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ loại thuế mới này, tích cực soạn thảo và ban hành, rà
soát các văn bản luật để đáp ứng tình hình thực tế. Việt Nam cũng đang thực hiện hoạt động này. Bên cạnh những lợi ích thiết thực
mà loại thuế này mang lại, câu hỏi quan trọng cần đặt ra ngay lúc này là Việt
Nam, với tư cách là một “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sẽ phải
đối mặt với những khó khăn nào khi chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Bài viết sẽ tập trung khai thác một số thách thức liên quan đến đầu tư nước
ngoài vào Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó trong bối cảnh áp dụng
thuế tối thiểu toàn cầu.
Từ khóa: Quy tắc Mẫu, thuế tối thiểu
toàn cầu, hiệp định đầu tư, FDI
Abstract: Officially
announced at the end of 2021, the global minimum tax has been considered a
major turning point in the fight against tax base erosion, which has seriously
threatened the international business environment. By 2024, about 140 countries
have declared their support for this new tax, of which many countries are
actively drafting, promulgating, and reviewing legal documents to meet the
actual situation, including Vietnam. Besides the practical benefits that this
tax brings, the important question right now is that Vietnam, as a
"magnet" attracting foreign investment, will face certain kinds of
difficulties when officially implementing the global minimum tax. This article
will focus on exploring some challenges related to foreign investment in
Vietnam, therefore propose some solutions in the context of implementing global
minimum tax.
Keywords: GloBE model rules, global minimum tax, investment
agreement, FDI
Mở đầu
Trong bối cảnh hội kinh tế toàn cầu,
các doanh nghiệp lớn ngày càng tích cực mở rộng hoạt động sản xuất và
kinh doanh tới nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Hiện tượng này đã thúc
đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều đất nước, đặc biệt là nhóm các
quốc gia kém và đang phát triển. Bởi vậy, các quốc gia khá chú trọng công tác
thu hút đầu tư vốn nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực,
thực trạng trốn, tránh, chuyển dịch thuế của các tập đoàn đa quốc gia, cùng với
những ưu đãi về thuế suất ở mức thấp, thậm chí cực thấp của các nước đã đẩy thế
giới tới tình trạng xói mòn cơ sở thuế. Thực vậy, thuế là một nghĩa vụ bắt buộc
mà nhà nước thu từ các chủ thể thuộc nhóm đối tượng nộp thuế nhất định, trong
đó không thể không nhắc đến doanh nghiệp. Song, các loại thuế, nhất là thuế thu
nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) được thu, nộp dựa trên lợi nhuận của doanh
nghiệp. Vì thế, nhiều pháp nhân thương mại có xu hướng lựa chọn gia tăng hoạt
động sản xuất, kinh doanh tại các quốc gia có mức ưu đãi thuế suất thấp để tối
đa hoá lợi nhuận giữ lại của công ty. Dần dần, chính sách ưu đãi thuế, nhất là
thuế thu nhập trở thành một trong những chiến lược của các quốc gia trong cuộc
chiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Nhìn
nhận được thực trạng xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, năm 2013, Tổ chức Hợp tác và
Phát triển Kinh tế (OECD) đã khởi xướng “Chương trình hành động chống xói mòn
cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS)” để giải quyết vấn đề này. Theo đó,
sau khoảng gần một thập kỷ, OECD đã chính thức công bố Trụ cột hai với nội dung
cốt lõi là thuế tối thiểu toàn cầu (TTTTC). Cho đến nay, phương án này đã được
khoảng 140 quốc gia trên thế giới ủng hộ, trong đó nhiều quốc gia đã và đang
tích cực triển khai TTTTC trong thực tiễn và Việt Nam không nằm ngoài xu thế
này. Nhận thức được tầm quan trọng của TTTTC trong công cuộc hội nhập quốc tế
và bảo đảm thu ngân sách quốc gia, Việt Nam đã công bố áp dụng TTTTC từ năm
đánh thuế 2024, và có nhiều bước chuẩn bị tích cực để soạn thảo, ban hành và
hướng dẫn thu, nộp, quản lý, quyết toán loại thuế này.
Trong
không khí thảo luận sôi nổi, bài viết mong muốn phân tích cơ bản về TTTTC, nhất
là về các quy tắc phân bổ thuế, từ đó đánh giá một số thách thức có thể phát
sinh trong bối cảnh áp dụng TTTTC và đề xuất một số giải pháp ứng phó tương ứng
để bước đầu khắc phục những khó khăn đó.
1. Khái quát về thuế tối thiểu toàncầu
1.1.Khái niệm, đặc điểm, vai trò của thuế tối thiểu toàn cầu
Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTTC) về
bản chất là thuế TNDN bổ sung, nghĩa là, TTTTC là loại thuế đánh trên phần lợi
nhuận dư thừa chịu mức thuế thấp dưới mức 15% trong đó, mức thuế suất hiệu quả
đa phần được tính dựa trên thu nhập của doanh nghiệp có doanh thu thường niên
từ 750 triệu Euro trở lên trong ít nhất hai trên bốn năm tài chính liền trước
năm tài chính được áp dụng. Đây là một trong các biện pháp thuộc Trụ cột hai
trong “Chương trình làm việc nhằm phát triển các giải pháp chung cho các thách
thức phát sinh từ số hoá nền kinh tế” của OECD.
Với
định nghĩa trên, TTTTC mang những đặc trưng cơ bản của thuế, cụ thể đây là một
biện pháp tài chính mang tính bắt buộc và tính pháp lý cao, được quy định trước
bằng pháp luật. Bên cạnh đó, TTTTC là một loại thuế trực thu, có tính xác định
cụ thể và tính phổ quát. Quan trọng hơn, khác với các mức thuế khác vốn được
quy định bằng mức thuế suất theo luật định, TTTTC có tính không ổn định vì
TTTTC được tính toán dựa trên các công thức tính toán riêng mà cơ sở của chúng
là thu nhập thực tế của doanh nghiệp chịu thuế trong năm tài chính.
Với
tính chất đặc thù, TTTTC trước hết ra
đời với mục tiêu điều tiết sự cạnh tranh của các quốc gia trong việc kêu gọi sự
tham gia từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (công ty FDI) bằng các chính
sách ưu đãi thuế không công bằng với các quốc gia khác. Thứ hai, TTTTC hạn chế sự tránh thuế của các công ty đa quốc gia.
Đây là nội dung quan trọng trong vai trò của TTTTC trong việc tạo ra một môi
trường sản xuất kinh doanh bình đẳng hơn trên phạm vi toàn cầu. Thứ ba, TTTTC tăng thu ngân sách nhà
nước nhằm bù đắp hiện tượng dịch chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia
sang các khu vực pháp lý với thuế thấp hoặc không đánh thuế.
1.2.Nội dung pháp luật thuế tối thiểu toàn cầu
Nhằm
đảm bảo việc áp dụng TTTTC một cách thống nhất tại các quốc gia trên thế giới,
OECD đã ban hành Quy tắc Mẫu Chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (hay còn được
gọi là Quy tắc Mẫu GloBE) vào 20 tháng 12 năm 2021. Đây chính là khung pháp lý
cao nhất điều chỉnh các quy định về TTTTC. Quy tắc này được coi là một cách
tiếp cận chung, theo đó các quốc gia không bắt buộc phải áp dụng quy tắc này
nhưng nếu đồng thuận áp dụng thì buộc phải áp dụng nhất quán với các quy định
của Diễn đàn hợp tác chung IF. Nói cách khác, các quốc gia bổ sung các quy định
khác có liên quan, những quy định này phải phù hợp với mục tiêu đã được các
quốc gia IF đồng thuận.
Việc
tính toán được mức thuế bổ sung cần phải nộp sẽ trải qua 06 (sáu) bước chính
bao gồm: (1) xác định đối tượng áp dụng, (2) xác định lợi nhuận/thua lỗ GloBE,
(3) xác định mức thuế bao gồm Điều chỉnh, (4) xác định mức thuế suất hiệu quả
ETR, (5) xác định thuế bổ sung, (6) phân bổ thuế theo quy tắc tắc thuế nội địa
bổ sung đạt chuẩn (QDMTT), quy tắc gộp thu nhập (IIR) và quy tắc khoản thanh
toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR). Trong số các bước này, các doanh
nghiệp cần lưu ý nhất tới bước cuối cùng, bởi đây là bước quyết định chủ thể
thu phần thuế bổ sung này. Các bước còn lại được trình bày chi tiết trong Quy
tắc Mẫu do OECD ban hành.
Lưu
ý, quy tắc đánh thuế QDMTT là quy tắc cho phép quốc gia nguồn đánh thuế trực
tiếp đối với phần thuế bổ sung được tính toán theo công thức của OECD trước khi
phần thuế này được chuyển về cho quốc gia nơi mà công ty mẹ mang quốc tịch. Đây
là một quy tắc quan trọng trong việc đảm bảo quyền đánh thuế của quốc gia nguồn
(chủ yếu là các quốc gia đang phát triển đánh thuế thấp hoặc các quốc gia thiên
đường thuế) và hạn chế tình trạng dòng thuế đổ về các quốc gia có nhiều tập
đoàn đa quốc gia mang quốc tịch. Lưu ý rằng thuế này phải đạt chuẩn, sẽ được đo
lường bằng tính chuẩn xác của các phép tính toán theo quy tắc GloBE, mục đích
của việc đánh thuế và tính nhất quán với các mục tiêu của Quy tắc Mẫu.
Trường
hợp vẫn còn mức thuế bổ sung còn dư sau khi thu thuế QDMTT, số thuế này sẽ bị
thu thông qua quy tắc IIR và UTPR. Quy tắc IIR chỉ điều chỉnh vấn đề cấp nào
trong cấu trúc tập đoàn đa quốc gia có nghĩa vụ trả phần thuế bổ sung của một
đơn vị chịu thuế thấp theo thứ tự từ trên xuống. Điều này nghĩa là nếu quốc gia
nơi công ty mẹ tối cao (ultimate parent entity) đặt trụ sở không áp dụng quy
tắc IIR, nghĩa vụ thuế sẽ chuyển xuống cấp công ty mẹ trung gian ở quốc gia
khác. Cuối cùng, quy tắc UTPR được áp dụng cuối cùng với vai trò “chốt chặn của
quy tắc IIR” (IF, 2022), nghĩa là trường hợp số thuế bổ sung của một đơn vị con
còn thừa ra sau khi công ty mẹ nộp theo quy tắc IIR, quy tắc UTPR quy định số
thuế dư thừa này phải được thu ở một trong số các cấp còn lại trong tập đoàn.
Khác với quy tắc IIR, quy tắc UTPR không dựa vào yếu tố quyền sở hữu hay quyền
kiểm soát của công ty mẹ. Nói cách khác, quy tắc UTPR áp đặt nghĩa vụ thuế lên
bất cứ đơn vị nào (Bendlinger,
2023) là thành viên của tập đoàn. Tuy nhiên, phần thuế mà một đơn vị bất
kỳ phải nộp phụ thuộc vào quy mô của đơn vị đó (được tính toán dựa vào số nhân
viên và tổng giá trị tài sản hữu hình) theo tỷ lệ được định sẵn trong Quy tắc
Mẫu. Bên cạnh đó, quy tắc UTPR được xây dựng dựa trên cơ chế chuyển tiếp vô
tận, nghĩa là số thuế bổ sung UTPR của năm tài chính này chưa được thu đủ thì phần
còn lại sẽ được chuyển tiếp sang năm tài chính kế tiếp trong cùng một quốc gia
cho tới khi nào thu đủ thì kết thúc.
Ngoài
ra, trong Quy tắc Mẫu, OECD còn quy định một số trường hợp đặc biệt ví dụ như
sáp nhập hoặc chia tách tập đoàn trong thời gian xem xét đối tượng áp dụng, các
quy định dành cho đơn vị đầu tư, các nghĩa vụ hành chính và nghĩa vụ nộp thuế
trong thời kỳ mới thành lập doanh nghiệp.
2.Một số thách thức của Việt Nam khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
2.1.Sụt giảm sức hút kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài
Thách
thức lớn nhất mà Việt Nam sẽ đối mặt khi triển khai áp dụng TTTTC chính là sự
sụt giảm sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong cuộc cạnh tranh kêu
gọi vốn quốc tế. Có thể nói, đây là khó khăn chung của rất nhiều các quốc gia
trên thế giới, đặc biệt là những nơi có xu hướng nhập khẩu vốn nước ngoài hoặc
các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Đối
với một quốc gia châu Á đang phát triển như Việt Nam, một trong những chiến
lược để nâng cao nguồn vốn, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế xã hội chính là nhờ
sự hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, các tập đoàn đa quốc gia, với số
vốn lớn, công nghệ tiên tiến cùng nhu cầu về nguồn nhân lực rẻ và dồi dào hứa
hẹn là một trong những nhóm đối tượng mà các quốc gia mong muốn hợp tác lâu
dài. Bởi, sự xuất hiện của các công ty này sẽ kéo theo những lợi ích khác như
giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao chuyên môn người lao động và kịp thời tiếp cận
khoa học kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, thuế TNDN từ các doanh nghiệp FDI cũng
chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu ngân sách quốc gia: Năm 2017, khu vực FDI đã đóng
góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,46% tổng ngân sách Nhà nước; năm 2021, khu vực FDI
đóng góp vào thu ngân sách khoảng 9,6 tỷ USD, chiếm 17% tổng thu ngân sách Nhà
nước (Linh, 2023);
và năm 2023, dòng vốn FDI thực hiện tại VN đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với
năm 2022 và được đánh giá là năm đạt quy mô vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước
đến nay (Tổng cục thống kê, 2024).
Nhìn
nhận được những tiềm năng đó, Việt Nam chú trọng công tác bảo đảm quyền và lợi
ích của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua các chính sách ưu
đãi. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, phương pháp hữu ích nhất để duy trì sự
sản xuất và kinh doanh lâu dài của các công ty tại một quốc gia chính là thông
qua các chính sách ưu đãi, mà ở đó hỗ trợ tối đa hoá lợi nhuận của doanh
nghiệp. Thực vậy, tất cả các chính sách ưu đãi về thuế của Việt Nam đa phần
hướng tới tối ưu lợi nhuận của doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp bảo
đảm nguồn vốn và thanh khoản lớn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh
doanh. Song, nếu Việt Nam triển khai TTTTC thì ưu đãi thuế TNDN sẽ không còn là
một lợi thế lớn của nước ta trong hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thực
vậy, sự xuất hiện của TTTTC là nhằm khắc phục tình trạng các quốc gia hạ mức
thuế suất ở mức quá thấp. Quy tắc Mẫu đã xác định đối tượng chịu thuế, đối
tượng nộp thuế và công thức tính thuế liên quan, theo đó, TTTTC một khi được áp
dụng sẽ làm mất tính ưu đãi của thuế TNDN vì Nhà nước sẽ thu một khoản thuế bổ
sung để đạt được mức thuế suất TTTTC quy định là 15%. Kể cả khi Việt Nam lựa
chọn không áp dụng TTTTC thì chính sách ưu đãi thuế cũng khó được đánh giá cao,
thậm chí còn gây ra bất lợi cho Việt Nam; bởi TTTTC có thể được thu bởi các
quốc gia khác để bảo đảm hạn chế tình trạng xói mòn thuế toàn cầu.
Nhìn
vào các chính sách ưu đãi của Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI, biện pháp
được chú trọng nhất hiện nay là ưu đãi về thuế TNDN, sau đó là các ưu đãi nhằm
tối đa lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng vẫn gián tiếp ảnh hưởng tới nghĩa vụ
thuế của công ty đó (căn cứ Điều 15 Luật đầu tư 2020). Bởi vậy, dù ít dù nhiều,
việc thu thuế tối thiểu bổ sung, tương đương với gia tăng nghĩa vụ thuế, giảm
một phần lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp sẽ là trở ngại lớn đối với Việt Nam
trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí, ngay cả các doanh nghiệp
FDI đang hoạt động tại nước ta cũng sẽ cân nhắc dịch chuyển hoạt động tới một
quốc gia khác nếu Việt Nam không có bất kỳ sự thay đổi nào về quy định ưu đãi
đầu tư.
2.2. Vi phạm các nguyên tắc cơ bảntrong hiệp định đầu tư
Nếu
áp dụng TTTTC thì Việt Nam có thể sẽ vi phạm một số nguyên tắc cơ bản trong
hiệp định đầu tư, bởi nước ta cần phải rà soát và thay đổi các chính sách ưu
đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất là về nguyên tắc đối xử
công bằng và thỏa đáng.
Đây là nguy cơ lớn nhất, bởi ngày nay, phạm vi của điều khoản FET đã bao gồm cả
các yếu tố vốn không thuộc điều khoản đó nhưng được chấp nhận như một thông lệ
(Brown & Whitsitt,
2023). Thực tiễn xét xử các tranh chấp đầu tư quốc tế cũng chỉ ra việc
điều chỉnh chính sách thuế thường là đối tượng để các nhà đầu tư khởi kiện với
lý do đó là hành vi tùy ý, không tương xứng và đi ngược lại nguyên tắc FET (Cairn v. India, 2015, Vodafone
v. India, 2020). Việc áp dụng TTTTC có thể tác động tới hai nội dung của
nguyên tắc FET bao gồm: (i) bảo vệ mong đợi chính đáng của nhà đầu tư và (ii)
tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một
là, áp dụng TTTTC có thể đi ngược lại với mong muốn của nhà đầu tư, cái
được tạo ra thông qua các chính sách ưu đãi hoặc các quy định trong hợp đồng
đầu tư. Thực tế, hiện nay các cơ quan giải quyết tranh chấp ISDS còn tranh luận
về thế nào là “đi ngược lại mong đợi chính đáng của nhà đầu tư” (Gold Reserve Inc. v. Venezuela,
2014, Total SA v. Argentina, 2010), và nguy cơ này là không thể tránh
khỏi, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tích cực thi hành các chính sách ưu đãi
thu hút đầu tư. Hai là, tính ổn định
của các quy định cốt lõi trong hệ thống pháp luật cần được bàn luận, bởi nguyên
tắc FET quy định rằng thay đổi làm mất tính ổn định cơ bản sẽ bị coi là vi
phạm. Hiện tại, với mức ưu đãi 10% theo Luật thuế TNDN và các mức ưu đãi thấp
hơn được quy định tại từng BIT và TIPs (chỉ khoảng 2,75-5,95% đối với doanh
nghiệp FDI lớn (Võ Đình
Trí 2023), việc tăng thuế lên mức 15% có thể được coi là thay đổi đáng
kể đối với Việt Nam, dù biện pháp này được tiến hành thông qua việc rút lại các
ưu đãi, nâng mức thuế suất theo luật định lên hay là thu thuế QDMTT (UNCTAD,
2023b).
Thứ hai là về nguyên tắc không phân
biệt đối xử. Việc Việt
Nam có thể vi phạm nguyên tắc này là vô cùng dễ hiểu khi quy tắc GloBE chỉ áp
dụng với một nhóm nhỏ các tập đoàn đa quốc gia thỏa mãn các điều kiện về đối
tượng áp dụng, do đó sự khác biệt trong nghĩa vụ thuế giữa các tập đoàn thuộc
và không thuộc đối tượng áp dụng sẽ là căn cứ phát sinh vi phạm về nghĩa vụ
không phân biệt đối xử. Hơn nữa, việc phân biệt công ty nội địa và công ty nước
ngoài cũng là một lý do để lập luận rằng có sự vi phạm nguyên tắc phân biệt đối
xử. Ngoài ra, thực tiễn xét xử cho rằng cơ chế phân bổ thuế đa hướng theo quy
tắc UTPR có thể dẫn đến sự phân biệt giống như các cơ chế đã bị kết luận là vi
phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử (Carden và những người khác, 2023). Tuy nhiên, với
tính chất không ràng buộc, các quy tắc TTTTC khó có thể được xem là một “định
hướng toàn cầu” và không được coi là một lý do phù hợp cho sự phân biệt đối xử
của nước nhận đầu tư như Việt Nam (UNCTAD, 2023).
Thứ ba, thách thức đến từ việc vi phạm thỏa thuận về trưng thu tài
sản của nhà đầu tư. Mối quan hệ giữa các quy định pháp luật về thuế và điều
khoản này nằm ở chỗ “trưng thu thuế” được coi là một loại trưng thu tài sản.
Trưng thu thuế “xảy ra trong trường hợp biện pháp thuế tước đi đáng kể giá trị
khoản đầu tư của nhà đầu tư và các tác dụng không phù hợp khác” (UNCTAD,
2023b). Trong quá khứ, các vụ tranh chấp trưng thu thuế chủ yếu liên quan tới
(i) không thanh toán tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT), (ii) thực
hiện các thủ tục điều tra/kiểm toán thuế, (iii) thu hồi trợ cấp chính phủ, (iv)
thu hồi ưu đãi miễn thuế, (v) tăng thuế lợi nhuận và tiền bản quyền, (vi) cưỡng
chế thu thuế, hải quan hoặc các nghĩa vụ khác. Có thể thấy, những thay đổi
trong chính sách thuế thường là đối tượng của các vụ tranh chấp về trưng thu
tài sản. Đối với TTTTC, vấn đề trưng thu gián tiếp có thể xảy ra, ví dụ như
việc áp dụng quy tắc UTPR dẫn đến tình trạng công ty con không thể nộp đủ thuế
bổ sung, đe dọa đến khả năng thanh toán của đơn vị này do sự suy giảm giá trị
của các khoản đầu tư (Kuźniacki,
2023; Balcerzak, 2022). Ngoài ra, việc xác định thế nào là “đáng kể” phụ
thuộc vào quan điểm của các cơ quan giải quyết tranh chấp (Gregoire, 2015). Trong vụ
kiện Feldman v. Mexico, hội đồng trọng tài nhận định rằng “một biện pháp thuế
có thể được xem là tước quyền sở hữu khi các cơ quan chức năng, do áp dụng biện
pháp hạn chế, đã hành xử một cách phân biệt đối xử hoặc tùy tiện.” Tương tự,
hội đồng trọng tài trong vụ kiện Link-Trading v. Moldova về việc thu hồi các
khoản miễn trừ thuế cho rằng các biện pháp tài chính mang tính trưng thu khi
được xem là các biện pháp lạm dụng (abusive taking). Trong khi đó, hội đồng
trọng tài trong vụ EnCana v. Ecuador, kết luận: “Chỉ khi một đạo luật thuế là
bất thường, mang tính trừng phạt về mức thuế phải nộp hoặc tùy tiện trong phạm
vi áp dụng của nó thì vấn đề trưng thu gián tiếp mới được đề cập.” Qua những
nhận định trên, nhóm tác giả đánh giá rằng việc áp dụng TTTTC sẽ khó có thể rơi
vào các tình huống liên quan đến trưng thu, nhưng không loại trừ việc này có
thể diễn ra trên thực tế.
3. Mộtsố đề xuất giải pháp ứng phó cho Việt Nam
3.1 Điều chỉnh chính sách ưu đãiđối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Điều
chỉnh chính sách ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài là một trong những vấn đề đầu
tiên mà các nhà làm luật tại Việt Nam cần chú trọng trong công tác triển khai
TTTTC bởi nếu không còn bất kỳ doanh nghiệp đa quốc gia lớn đáp ứng điều kiện
của đối tượng chịu thuế thì việc ban hành và triển khai TTTTC cũng trở nên vô
nghĩa. Nhìn nhận được tầm quan trọng của chính sách ưu đãi đầu tư, bài viết đề
xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất là đánh giá lại các ưu đãi
đầu tư mà Việt Nam đang thực hiện căn cứ Điều 15 Luật đầu tư năm 2020.Đối
với chính sách ưu đãi thuế TNDN, ưu đãi về thuế không còn là một sức hút
đối với các công ty thuộc nhóm đối tượng nộp TTTTC. Song, ưu đãi về thuế TNDN
vẫn là một trong những biện pháp mạnh để thúc đẩy sự thành lập của nhiều công
ty nước ngoài tại Việt Nam. Vì thế, ưu đãi thuế TNDN vẫn nên được duy trì, tuy
nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp là đối tượng nộp TTTTC, Nhà
nước cần chủ động đánh giá và rà soát hồ sơ của nhà đầu tư quốc tế, thiết lập
các gói ưu đãi linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Theo đó, Nhà nước
có thể chủ động đàm phán các gói lợi ích để hợp tác lâu dài với các nhà đầu tư
với nguồn vốn lớn để hài hoà quyền lợi và nghĩa vụ giữa hai bên. Có thể nói,
phương án đánh giá hồ sơ của các nhà đầu tư tiềm năng và thực hiện đàm phán các
lợi ích phù hợp với mục tiêu của từng doanh nghiệp là một biện pháp đáng cân
nhắc mà không vi phạm các cam kết trong điều ước quốc tế. Đối với chính sách miễn thuế nhập khẩu, bản chất của chính sách
này là giảm chi phí cho doanh nghiệp, để tối đa lợi nhuận của công ty. Tuy
nhiên, lợi nhuận tăng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp cũng
tăng theo. Bởi vậy, để bù đắp cho khoản TTTTC mà doanh nghiệp phải nộp, Nhà
nước có thể cân nhắc điều chỉnh hai chính sách này thông qua (i) mở rộng phạm
vi đối tượng được miễn thuế nhập khẩu, (ii) giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong
thời gian nhất định đối với doanh nghiệp phải đóng thuế TTTTC. Đối với chính sách về đất đai, cơ chế
miễn giảm và gia hạn nộp các khoản tiền về đất đai nên được duy trì bởi khoản
tiền liên quan đến đất đai chiếm một phần đáng kể trong ngân sách của doanh
nghiệp. Đối với chính sách khấu hao nhanh,
đây là một trong những chiến lược khả thi. Thậm chí, Ngân hàng Thế giới (2022)
đánh giá đây là một trong những giải pháp rất phù hợp với TTTTC (O’Sullivan & Gómez, 2022).
Vậy, Nhà nước cần tích cực khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện khấu hao
nhanh để rút ngắn thời gian thu hồi vốn, tạo động lực củng cố ngân sách tái đầu
tư mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ hai là tham khảo gợi ý tín dụng
thuế hoàn lại đạt chuẩn (Qualified Refundable Tax Credit) của Ngân hàng Thế
giới. Cụ thể, trong cuốn Thuế tối thiểu toàn cầu: từ thoả thuận tới
thực tiễn (The GMT: from agreement to implementation), tín dụng thuế hoàn
lại đạt chuẩn được hiểu là một khoản thuế hoàn lại được trả bằng tiền mặt hoặc
tương đương với tiền mặt trong vòng 04 năm kể từ khi công ty thoả mãn các điều
kiện nhận được khoản tín dụng (credits) theo luật định (O’Sullivan & Gómez, 2022). Bên cạnh đó,
thực tiễn cũng cho thấy, Singapore hiện đang đề xuất cơ chế Tín dụng đầu tư
hoàn lại với các cơ chế hoạt động được quy định chi tiết trong Kế hoạch Ngân
sách Singapore năm 2024, nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài (Singapore
Minister of Finance [SMOF], 2023). Cơ chế RIC của Singapore có điểm tương đồng
nhất định so với gợi ý của Ngân hàng Thế giới, hay nói cách khác là hiện thực
hoá phương án tín dụng hoàn lại để phù hợp với thực trạng của quốc gia này. Bởi
vậy, là một quốc gia với nhiều nét tương đồng về vị trí địa lý, văn hoá và kinh
tế - xã hội, Việt Nam nên nghiên cứu cơ chế RIC của Singapore để học tập và
hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp FDI. Từ chính sách RIC
của Singapore, Việt Nam cần lưu ý một số nội dung sau: (i) Lựa chọn một cơ quan
chuyên trách thực hiện chính sách này, trong đó chủ yếu thực hiện chức năng
đánh giá và phê duyệt hồ sơ của các doanh nghiệp đạt chuẩn; (ii) Thiết lập điều
kiện để công ty được áp dụng cơ chế RIC, trong đó chú trọng vào lĩnh vực hoạt
động của doanh nghiệp để khuyến khích các công ty thuộc nhóm trọng điểm và có
tiềm năng phát triển mạnh mẽ; (iii) Khoản tín dụng thuế có thể được khấu trừ
trực tiếp vào thuế TNDN phải nộp của công ty, và phần dư thừa sẽ được hoàn trả
trong vòng 04 năm kể từ khi công ty đáp ứng các điều kiện nhận được khoản tín
dụng này; và (iv) để bảo đảm ngân sách quốc gia, tỷ lệ hỗ trợ của cơ chế RIC
đối với các doanh nghiệp đạt chuẩn chỉ nên ở mức tối đa là 50%.
Bên
cạnh đó, Việt Nam cần tập trung xác định những điểm mạnh khác để kêu gọi vốn
đầu tư nước ngoài. Ví dụ điển hình nhất là nguồn lao động của Việt Nam dồi dào,
với chi phí nhân công rẻ và tay nghề thợ chuyên môn cao, kỷ luật tốt, nên đã
giúp Việt Nam trở thành một lựa chọn ưu tiên của nhiều nhà đầu tư khi mở rộng
sản xuất sang các quốc gia đang phát triển. Hơn nữa, Việt Nam cũng có thế mạnh
về an ninh xã hội tốt, đời sống xã hội ổn định, ít bạo loạn, chiến tranh nên
các công ty đa quốc gia có thể an tâm đầu tư cơ sở vật chất và kinh doanh lâu
dài tại nước ta.
3.2 Hoàn thiện hệ thống các hiệp định đầu tư của Việt Nam
Việt
Nam hiện có một mạng lưới dày đặc và phức tạp các hiệp định với rất nhiều các
quốc gia và nền kinh tế lớn trên thế giới và trong tương lai chắc chắn rằng
mạng lưới này sẽ tiếp tục được mở rộng. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống các quy
định trong các hiệp định BIT và TIP là một nhiệm vụ thường trực, xuyên suốt
trên con đường hội nhập của Việt Nam.
Trong
đó, một trong các công việc mà chính phủ Việt Nam có thể tiến hành ngay lập
tức, kể cả trước khi ban hành các văn bản luật về TTTTC, đó là rà soát lại các
hiệp định đầu tư mà Việt Nam là thành viên từ trước đến nay. Việc rà soát có
vai trò trung tâm trong việc nhận diện các hiệp định BIT chưa tương thích với
bối cảnh hiện tại, đặc biệt là các hiệp định BIT thế hệ cũ đã được áp dụng từ
rất lâu. Lý giải điều này, hầu hết các hiệp định BIT thế hệ cũ có cách tiếp cận
khác biệt, ví dụ điển hình là việc quy định nguyên tắc FET một cách chung chung
và không giới hạn (như đã trình bày chi tiết ở trên). Quan trọng hơn, kết quả
của công tác rà soát các hiệp định này sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục tiến
hành bước tiếp theo, đó là thực hiện các sửa đổi đối với các quy định chưa phù
hợp. Có quan điểm cho rằng việc sửa đổi sẽ là một gánh nặng khổng lồ với các
bộ, ban, ngành và các cơ quan có liên quan vì giờ đây phải tái đàm phán, tái
thỏa thuận lại với các quốc gia đối tác. Đi kèm với đó, Việt Nam cũng sẽ phải bỏ
ra khoản tiền khổng lồ, cùng với thời gian và công sức của cả bộ máy Nhà nước
để thực hiện các dự án khổng lồ. Tuy nhiên, có thể thấy, đây là một quá trình
cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hậu TTTTC, khi các quốc gia ngày càng đoàn
kết lại với nhau để chống lại các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. TTTTC
không phải là một thay đổi nhất thời, mà là một thay đổi mang tính chuyển ngoặt
và sẽ có tác động lâu dài và sâu rộng tới tất cả các quốc gia, cho dù họ có
đồng ý áp dụng các quy tắc TTTTC hay không. Hơn nữa, đứng từ góc độ của Việt
Nam, vốn là một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào các hiệp định đầu tư nhằm thu
hút các nhà đầu tư nước ngoài, công tác rà soát và hoàn thiện quy định trong
các hiệp định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp
tục đổ vào Việt Nam. Từ góc độ của nhà đầu tư, việc chủ động rà soát và hoàn
thiện pháp luật sẽ là bằng chứng chắc chắn cho các cam kết quốc tế của chính
phủ Việt Nam, đồng thời là cơ sở để họ tiếp tục duy trì các dự án hợp tác tại
nước ta. Từ góc độ chung, xây dựng một khung pháp luật ổn định và cập nhật với
các xu hướng thời đại giúp cả hai bên hạn chế các tranh chấp căng thẳng và tốn
kém, từ đó hạn chế việc phải sử dụng đến các phương thức giải quyết tranh chấp
có sự tham gia của bên thứ ba (điển hình là trọng tài) và tạo dựng được mối
quan hệ hợp tác ổn định, bền vững và tốt đẹp.
Trên
cơ sở đó, việc thay đổi chi tiết từng điều khoản sẽ phụ thuộc phần lớn vào nội
dung của từng hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, nhóm tác giả cho rằng
có một số định hướng chung có thể được sử dụng làm khuôn mẫu để áp dụng vào
từng hiệp định, đặc biệt là các nội dung liên quan đến ba nguyên tắc được phân
tích ở trên.
Thứ nhất, cần phải làm rõ nội hàm nguyên tắc FET. Sự thay đổi này
hầu hết chỉ liên quan tới các hiệp định BIT thế hệ cũ, mà nội dung của nguyên
tắc FET chỉ được đề cập một cách vô cùng đơn giản, ví dụ Điều 2.1 hiệp định BIT
Việt Nam - Bun-ga-ri 1996 chỉ quy định “Quốc gia ký kết phải có biện pháp đối
xử và bảo vệ công bằng và thỏa đáng” (tương tự Điều 3.1 BIT Việt Nam - Nga
1994, Điều 3.2 BIT Việt Nam - Singapore 1992). Đây vẫn là các hiệp định còn
hiệu lực và là cơ sở pháp lý cho các hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và các quốc
gia này. Vì vậy, đối với các hiệp định nói trên, Việt Nam có thể làm rõ nội hàm
nguyên tắc này theo hướng đưa ra một danh sách giới hạn các nghĩa vụ của quốc
gia nhận đầu tư với các nhà đầu tư và đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn cho định
nghĩa về vi phạm nguyên tắc FET. Việc có một danh sách cụ thể sẽ hạn chế tình
trạng các cơ quan giải quyết tranh chấp giải thích luật một cách quá rộng rãi
và khó đoán định. Thực tế, cách tiếp cận thứ nhất đã được hiện thực hóa trong
các hiệp định BIT thế hệ mới của Việt Nam (xem hiệp định CPTPP và EVIPA), vì
vậy đây là một cách tiếp cận khả thi. Bên cạnh đó, việc cụ thể hóa điều khoản
FET có thể bao gồm thỏa thuận cập nhật danh sách các nghĩa vụ nói trên trong
một thời hạn cố định. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể theo đuổi hướng đi giảm
nhẹ nghĩa vụ cho Nhà nước, bằng việc coi nguyên tắc FET là một cam kết chính
trị chứ không phải một nghĩa vụ pháp lý ràng buộc. Điều này không loại bỏ hoàn
toàn nguyên tắc FET ra khỏi các hiệp định đầu tư, mà biến thành một nguyên tắc
giải thích các nghĩa vụ khác trong hiệp định. Nhìn chung, các biện pháp này
được đánh giá rằng có tác dụng “tăng không gian chính sách sẽ giúp đạt được các
mục tiêu rộng hơn, bao gồm các mục tiêu phát triển bền vững và hỗ trợ hoạch
định chính sách nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu trong các lĩnh vực như
thuế” (UNCTAD, 2021).
Thứ hai, làm rõ các quy định liên quan đến trưng thu. Cụ thể, nội
dung các điều khoản cần làm rõ ranh giới giữa việc trưng thu gián tiếp và thay
đổi chính sách pháp luật chính đáng. Để làm được điều này, các quy định cần làm
rõ tiêu chí để xác định biện pháp chính sách nào là trưng thu gián tiếp, ví dụ
như hoặc tác động về mặt kinh tế (là một tác động lâu dài và làm suy giảm hoàn
toàn/gần hoàn toàn giá trị đầu tư) hoặc mức độ can thiệp của chính phủ với
những kỳ vọng chính đáng có cơ sở hoặc tính chất của hành động của chính phủ
(mang tính phân biệt đối xử hay không tương xứng với mục đích) hoặc biện pháp
đó có mang lại lợi ích gì cho quốc gia sở tại. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể làm
rõ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong trường hợp việc trưng thu gián
tiếp thật sự diễn ra. Khác với các vấn đề trước, quy định về bồi thường chỉ nên
dừng lại ở mức độ mô tả về tính chất “phù hợp”, “công bằng” hay “thỏa đáng” để
tạo sự linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp tính toán mà cơ quan giải
quyết tranh chấp có thể sử dụng (phương pháp Hull, phương pháp giá thị trường,
phương pháp giá trị sổ sách).
Thứ ba, cân nhắc nguyên tắc không phân biệt đối xử. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có công ty nào hoạt động thuần túy nội địa
tạo ra doanh thu đạt ngưỡng tối thiểu của quy tắc TTTTC. Kể cả trong tương lai
Việt Nam có một doanh nghiệp đạt được cột mốc như vậy, việc mở rộng đối tượng
áp dụng ra các công ty nội địa cũng khó
giải quyết được tình trạng phân biệt đối xử. Vì vậy, để xử lý triệt để vấn đề
đối xử khác biệt liên quan tới thu thuế TTTTC, Việt Nam có thể điều chỉnh một
số nội dung trong các hiệp định BIT thế hệ cũ để cho phép các bên ký kết đối xử
khác biệt với các nhà đầu tư nếu điều này phù hợp với pháp luật của họ liên
quan đến thuế. Biện pháp này giờ đây trở nên quen thuộc trong các hiệp định thế
hệ mới, bản thân Điều 4.4.2 hiệp định EVIPA quy định rằng: “Không có quy định
nào trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản các bên phân biệt, khi áp dụng
các quy định liên quan của pháp luật tài chính của mình, giữa những người nộp
thuế không có cùng hoàn cảnh, đặc biệt là về nơi cư trú của họ hoặc liên quan
đến nơi mà vốn của họ được đầu tư.” Một cách tiếp cận phổ biến khác được nhiều
quốc gia sử dụng, chính là bổ sung các điều khoản loại trừ (carve-out) áp dụng
được với TTTTC, nghĩa là loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn các quy định về thuế
TTTTC trong các hiệp định đầu tư. Lưu ý rằng, quy định này cần phải liên quan
trực tiếp tới việc áp dụng TTTTC, hoặc liên quan tới các chính sách và biện
pháp thuế được quốc tế công nhận nhằm ngăn ngừa việc tránh hoặc trốn thuế. Các
quy định này cũng đã xuất hiện trong một vài hiệp định BIT, ví dụ Điều 4.6.4
hiệp định BIT EU - Singapore hoặc Điều 21.3.6 hiệp định FTA Colombia - Hàn
Quốc.
Tóm
lại, việc rà soát và thay đổi nội dung các hiệp định BIT và TIPs sẽ là một biện
pháp căn cơ và hữu hiệu trong tương lai xa để thích ứng với các thay đổi trong
môi trường thuế toàn cầu. Trong tương lai gần, việc thay đổi này cần diễn ra
một cách thận trọng, đồng bộ và thống nhất với nhau.
4. Kết luận
Quá
trình phân tích khái quát về thuế tối thiểu toàn cầu (TTTTC) đã khẳng định tính
chất mới lạ, đặc thù của loại thuế này trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Với tuyên bố áp dụng TTTTC từ năm 2024, Việt Nam cần chú trọng đánh giá những
điểm bất cập có thể phát sinh trong công tác thi hành TTTTC. Trong đó, rà soát
các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các quy định pháp luật nội địa về
thuế, cùng với các chính sách ưu đãi và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã
tham gia ký kết là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm sự minh bạch, thống nhất,
đồng bộ, hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn khi ban hành, triển khai và
giám sát thu nộp TTTTC. Bởi vậy, bài viết đã phân tích một số những thách thức
chính liên quan đến đầu tư nước ngoài, từ đó đề xuất một số các biện pháp ứng
phó để bước đầu hạn chế những khó khăn này trong bối cảnh thực hiện TTTTC. Có
thể thấy, TTTTC vẫn còn là một chủ đề mới lạ đối với nhiều người dân Việt Nam.
Việc áp dụng loại thuế mới này trong năm 2024 đòi hỏi sự linh hoạt, quyết đoán của
các cơ quan nhà nước nhằm nhanh chóng hiện thực hóa các quy tắc TTTTC vào trong
thực tiễn pháp luật và đời sống, hạn chế xáo trộn sự ổn định của tình hình kinh
tế - xã hội đất nước. Do đó, mong rằng, bài viết sẽ có thể đóng góp một phần
vào quá trình rà soát và xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư mới của Việt Nam
để nước ta duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh trong công cuộc thu hút đầu tư
nước ngoài.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
● Tài liệu tiếng Việt:
1. Khánh Linh (2023) ‘Việt Nam đã
thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 35 năm qua’
2. Tổng cục thống kê (2024) ‘Tình
hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023’
3. Võ Đình Trí, 2023, ‘Khung thuế
toàn cầu: Vì lợi ích của ai?’, Tạp chí
Kinh tế Sài Gòn,
4. Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên
minh châu Âu và Việt Nam.
5. Hiệp định về Khuyến Khích và Bảo
Hộ Đầu Tư giữa Chính Phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính Phủ Cộng
hòa Bungari năm 1996 ký kết ngày 11 tháng 5 năm 1998.
6. Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, Điều
15 ban hành ngày 17 tháng 06 năm 2020.
● Tài liệu tiếng Anh:
1. Gregoire, M., 2015, ‘Taxation and Expropriation under Bilateral
Investment Treaties: Setting the Standard. Butterworths Journal of
International Banking and Financial Law’, November, 629-631.
2. Kuźniacki, B., 2023, ‘Pillar
2 and International Investment Agreements: ‘QDMTT Payable’ Seals an
Internationally Wrongful Act’, Tax Note International, November, 159-177.
3. O’Sullivan, D. & Gómez, A.C.,
2022, The Global Minimum Tax: from agreement to implementation, The World Bank
Publishing.
4. UNCTAD, 2021, INTERNATIONAL INVESTMENT AGREEMENTS AND THEIR
IMPLICATIONS FOR TAX MEASURES: WHAT TAX POLICYMAKERS NEED TO KNOW - A guide
based on UNCTAD’s Investment Policy Framework for Sustainable Development.
5. UNCTAD, 2023, ‘The Global Minimum Tax and Investment
Treaties: Exploring Policy Options’,
IIA Issue Note, November, 1-19.
6. Balcerzak, F., 2022, ‘Horthel v Poland: Fair and Equitable
Treatment Embodies the Rule of Law, Whereas ‘Tax’ Is Not Always a Tax’.
ICSID Review - Foreign Investment Law Journal, 25-38.
7. Bendlinger V, 2023, The OECD’s
Global Minimum Tax and its Implementation in the EU – A Legal Analysis of
Pillar Two in the Light of Tax Treaty and EU Law, Kluwer Law International B.V.
8. Brown, C. & Whitsitt, E,
2023, ‘Implementing Pillar Two: Potential
Conflicts with Investment Treaties’. Canadian Tax Journal, May, 189-207.
9. Cairn Energy PLC and Cairn UK
Holdings Limited v. The Republic of India [2020]
PCA
2016-7.
10.
Cairn Energy PLC and Cairn UK Holdings Limited v. The Republic of India [2020] PCA 2016-7.
11. Carden, N. và những người khác,
2023, Exploring Potential Investor-State Treaty Challenges to the OECD’s Pillar
Two Model Tax Rules, Skadden Publication.
12. Gold Reserve Inc. v. Bolivarian
Republic of Venezuela [2014] ICSID ARB(AF)/09/1.
13. Singapore MOF, 2023, Budget
Statement 2024.
14. Total SA v. The Argentine
Republic, Decision on Liability [2010] ICSID ARB/04/01.
15. Vodafone International Holdings
BV v. India (I) [2020] PCA 2016-35.
*
Phạm Xuân Phong, Khoa Luật, Đại
học Ngoại Thương
**
Nguyễn Đăng Châu Anh, Khoa Luật,
Đại học Ngoại Thương
***
ThS. Nguyễn Thị Thu Trang,
Công ty TNHH Luật Việt An
(PLPT) - Bài viết đề xuất các giải pháp để hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh kỷ nguyên công nghệ 4.0.
(PLPT) - Bài viết tập trung phân tích khung pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; từ đó, nhận diện những hạn chế trong quy định của pháp luật thực định và thực tiễn thi hành để đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.
(PLPT) - Bài viết tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ ý nghĩa của việc phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước cũng như thực trạng pháp luật Việt Nam về vấn đề này và từ đó đưa ra một số định hướng về phát triển nền tảng pháp lý cho thị trường tín chỉ các-bon ở Việt Nam.
(PLPT) - Bài viết phân tích các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cùng với đó là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp của đối tượng này.
(PLPT) - Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động là một trong các chế tài đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản. Chế tài này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động và rút lui khỏi thị trường.