Nghiên cứu lý luận

Xây dựng pháp luật về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

System Chủ nhật, 30/06/2024 - 16:57
Nghe audio
0:00

Phát triển kinh tế xanh đã trở thành một chương trình nghị sự thiết yếu trong một thế giới đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái môi trường ngày càng gia tăng, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên hữu hạn. Các chính sách phát triển kinh tế xanh được các Quốc gia trong đó có Việt Nam được đưa ra để giải quyết các vấn đề chính như điều chỉnh phương thức sản xuất và tiêu dùng, chuyển đổi sang lối sống bền vững hơn, huy động sự tham gia c

XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH Ở VIỆT NAM

 

                                   Nguyễn Thanh Tùng*

                        

Tóm tắt: Phát triển kinh tế xanh đã trở thành một chương trình nghị sự thiết yếu trong một thế giới đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái môi trường ngày càng gia tăng, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên hữu hạn. Các chính sách phát triển kinh tế xanh được các Quốc gia trong đó có Việt Nam được đưa ra để giải quyết các vấn đề chính như điều chỉnh phương thức sản xuất và tiêu dùng, chuyển đổi sang lối sống bền vững hơn, huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt các thách thức về điều phối chính sách, tài chính, thực thi… đòi hỏi cần có những hành động tiếp theo để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Bài viết thảo luận ngắn gọn những vấn đề này, trình bày các khái niệm liên quan đến kinh tế xanh, thực trạng chính sách, pháp luật, và những định hướng cho xây dựng pháp luật cho phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Kinh tế xanh, Chính sách, Pháp luật

Abstract: Green economic development has become an essential agenda in a world grappling with increasing environmental degradation, climate change and the depletion of finite resources. Green economic development policies have been introduced by countries including Vietnam to address key issues such as adjusting production and consumption methods, transitioning to a more sustainable lifestyle, and mobilizing participation of all stakeholders. Besides the results achieved, Vietnam is facing a series of challenges in policy coordination, finance, implementation... requiring further actions to promote green economic development. This article briefly discusses these issues, presents concepts related to green economy, current status of policies and laws, and orientations for legal development for green economic development in Vietnam in the coming time. next time.

Key words: Green economy, Policy, Law

 

  1. Quan niệm về kinh tế xanh

Trong những năm gần đây, nhận thức ngày càng tăng, cả trong lĩnh vực chính trị và công chúng, về việc giảm tác động môi trường do các hoạt động của con người gây ra. Việc thừa nhận sự suy thoái ngày càng tăng của các tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến việc phát triển các chính sách nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, điều này ngày càng trở nên nổi bật ở một số khu vực trên thế giới[1]. Các vấn đề về môi trường và kinh tế hiện nay đã dẫn đến sự xuất hiện các khái niệm như “tăng trưởng xanh”, “kinh tế xanh”, “sản xuất và tiêu dùng bền vững” và “phát triển bền vững”.

Việc sử dụng tài nguyên ngày càng tăng và sự suy giảm cân bằng sinh thái do sản xuất công nghiệp tăng nhanh và toàn cầu hóa ngày càng tăng đã bắt đầu được coi là mối đe dọa đối với sự sống còn của các thế hệ tương lai. Mô hình phát triển hiện nay gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi trường, đã bị chỉ trích dữ dội với lý do không bền vững. Ý tưởng cho rằng cần đạt được sự phát triển kinh tế bền vững bằng cách tạo ra mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức khỏe con người, công bằng xã hội, bảo toàn việc làm và bảo vệ môi trường chiếm vị trí trung tâm[2]. Để chống lại những tác động này, các khái niệm về tăng trưởng xanh và nền kinh tế xanh đã được đưa ra. Tăng trưởng xanh là thúc đẩy phát triển kinh tế có tính đến việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên[3]. Cuộc cách mạng công nghiệp ngày nay thường được gọi là quá trình chuyển đổi tăng trưởng xanh vì nó được kỳ vọng sẽ có tác động đáng kể về mặt cơ cấu đối với thị trường lao động[4]. Nền kinh tế xanh xuất phát từ cách tiếp cận phát triển bền vững. Mô hình kinh tế xanh nhằm đạt được sự phát triển kinh tế bằng cách ưu tiên khía cạnh môi trường. Ý tưởng về nền kinh tế xanh lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1989 bởi nhà kinh tế học nổi tiếng David William Pearce, người cho rằng không thể nhìn nhận nền kinh tế và môi trường một cách tách biệt[5]. Nó được sử dụng để thể hiện một nền kinh tế trong đó mức tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên càng thấp càng tốt và việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên mang lại phúc lợi cao hơn, việc làm tốt hơn, năng suất cao hơn và tăng cường sự tham gia xã hội[6]. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) (2011) định nghĩa nền kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao phúc lợi của con người và bình đẳng xã hội đồng thời giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và sinh thái. Nền kinh tế xanh là một hệ thống kinh tế bền vững nhằm giảm thiểu việc sản xuất các chất gây ô nhiễm và chất thải, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, nước và vật liệu, trân trọng thế giới tự nhiên và cuộc sống con người, đồng thời cung cấp các cơ hội việc làm bền vững[7]. Nền kinh tế xanh bao gồm việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, tái chế vật liệu, phát triển và triển khai các nguồn năng lượng tái tạo[8]. Nền kinh tế xanh là nền kinh tế trong đó các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được thực hiện với ít năng lượng hơn[9].

Người ta chấp nhận rộng rãi rằng nền kinh tế xanh là phương tiện chính để đạt được tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm thông qua việc sử dụng tối ưu năng lượng và tài nguyên, bảo tồn môi trường và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất năng lượng[10].

  1. Thực trạng pháp luật về kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay

Việc phân tích các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật trong bài viết nhằm mục đích xem xét định hướng chính trị của luật pháp Việt Nam trong việc thực hiện ý tưởng về nền kinh tế xanh. Nó sẽ thấy mức độ mà các quy định pháp luật ở Việt Nam đã cố gắng khuyến khích sự phát triển của các ngành kinh tế trong khi vẫn chú ý đến tính bền vững môi trường.

Tại Đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam đề ra chủ trương “chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vừng; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, phát triển các dịch vụ môi trường, xử lý chất thải.”[11] Cụ thể hóa chủ trương này, ngày 3-6-2013, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, HNTƯ7 khóa XI “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nghị quyết xác định: “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đưa vào bộ tiêu chí quốc gia; thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh”[12]. Đến Đại hội XII (2016), Đảng tiếp tục khẳng định “... có bước chuyển cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vừng, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai, giảm mức phát thải khí nhà kính.”[13] Đại hội XIII (2021) của Đảng nhấn mạnh chủ trương trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới là: “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp;...”[14].

Triển khai, thực hiện những chủ trương trên của Đảng, trong giai đoạn 2011 -2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về tăng trưởng xanh. Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Chủ trương của Đảng đã tạo cơ sở định hướng cho xây dựng pháp luật phát triền kinh tế xanh theo hướng kết hợp tăng trưởng xanh với sinh kế xanh, lối sống xanh nhằm tạo thành phát triển xanh để tăng cường bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy quyền tham gia của cá nhân, cộng đồng vào sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, rộng hơn là sinh kế xanh, lối sống xanh. Thông qua đó, giảm mức tiêu thụ tài nguyên, năng lượng trong sinh hoạt thường nhật và trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên và năng lượng khó hoặc không thể tái tạo như: sắt thép, xi măng, cơ khí,..., có lợi cho môi trường sinh thái và môi trường văn hóa, trước mắt cũng như lâu dài. Qua đó, đạt được phát triển bền vững trên cơ sở duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính vẹn toàn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng được các nhu cầu của tất cả mọi người với mức tác động thấp nhất đến môi trường sinh thái và làm lợi cho môi trường văn hóa. Trong bối cảnh quốc tế, Việt Nam gần đây cam kết đạt mức phát thải Net Zero vào năm 2050 tại COP26 – đây là mục tiêu rất tham vọng[15].

Việc định hướng và phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm từ lâu. Hiến pháp năm 2013 cũng đã có quy định liên quan vấn đề này. Cụ thể tại khoản 2 Điều 63 Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Căn cứ quy định của Hiến pháp, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, người dân tham gia phát triển kinh tế xanh, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Luật Điện lực năm 2012, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Hóa chất năm 2007, Luật Thuế tài nguyên năm 2009, Luật Đất đai 2024, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược năng lượng quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, dẫn đến những thành tựu đáng chú ý:

Thứ nhất, việc theo đuổi tăng trưởng xanh đã mang lại những kết quả tích cực về môi trường. Về phát thải khí nhà kính, số liệu của Việt Nam đã tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua khi đất nước trải qua quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, tốc độ tăng phát thải qua các năm đã giảm và lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Việt Nam đã tăng độ che phủ rừng từ 38,7% năm 2008 lên 42% vào năm 2020[16]. Chất lượng không khí của đất nước được cải thiện trong giai đoạn 2018-2022, với nồng độ PM2,5 trung bình hàng năm giảm từ 32,9 xuống 27,2 (μg/m³)[17].

Thứ hai, việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm các trang trại năng lượng gió và mặt trời, nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái, đã tạo ra các cơ hội kinh tế và việc làm xanh, thúc đẩy phát triển và bảo vệ môi trường.

Hoạt động kinh tế xanh ở Việt Nam tạo ra 6,7 ​​tỷ USD vào năm 2020 (2% tổng GDP) với đà tăng trưởng vững chắc (10-13%/năm trong giai đoạn 2018-2020). Trong đó, 41% là từ ngành năng lượng, 28% là từ hoạt động nông lâm nghiệp, 14% là từ hoạt động công nghiệp và 17% là từ các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xử lý rác thải và xây dựng. Theo ước tính, năm 2020, nền kinh tế xanh góp phần tạo ra hơn 400 nghìn việc làm, trong đó hơn một nửa đến từ các hoạt động nông, lâm nghiệp xanh và công nghệ cao (33%) và hoạt động công nghiệp (28%) – chủ yếu là sản xuất thiết bị. , máy móc, phụ tùng phục vụ sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Tuy nhiên, số lượng việc làm được tạo ra từ các hoạt động kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn (1,1% tổng số việc làm quốc gia[18]) so với các nước dẫn đầu (3,3% ở Pháp vào năm 2020 và 6,7% ở Trung Quốc vào năm 2022[19]) .

Thứ ba, cam kết của Việt Nam về tăng trưởng xanh giúp nâng cao vị thế quốc tế, thu hút đầu tư và quan hệ đối tác nước ngoài. Giai đoạn 2017 -2021, khoảng 9 tỷ USD vốn FDI được huy động vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam, tập trung vào năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc lĩnh vực tăng trưởng xanh[20]. Theo Chỉ số tăng trưởng xanh xuất bản năm 2023, Việt Nam xếp thứ 73/245 quốc gia và thứ 16/50 quốc gia ở châu Á, với điểm chỉ số là 56,44. Việt Nam đã thực hiện tốt các khía cạnh bảo vệ vốn tự nhiên và hòa nhập xã hội nhưng phải đối mặt với những thách thức về khía cạnh hiệu quả tài nguyên và các cơ hội kinh tế xanh. Theo ấn bản năm 2023 của Chỉ số Tương lai Xanh, Việt Nam xếp thứ 53/76 nền kinh tế và thứ 9/16 nền kinh tế ở châu Á, đạt 4,13. Việt Nam xếp ở giữa trong các hạng mục chuyển đổi năng lượng nhưng lại xếp hạng thấp trong các hạng mục về phát thải carbon và chính sách khí hậu.

Bên cạnh những thành tựu đạt được nêu trên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh như sau:

Một là, thiếu sự phối hợp và thống nhất giữa các ngành và các cấp chính quyền khác nhau dẫn đến các chính sách và kế hoạch chồng chéo và không nhất quán.[21] Điều này cản trở việc thực hiện và giám sát hiệu quả các hành động và mục tiêu tăng trưởng xanh;

Hai là, hệ thống tài chính xanh còn non trẻ, khiến các dự án xanh gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn tài chính, bao gồm huy động vốn hay tiếp cận tín dụng ưu đãi. Điều này xuất phát từ khung pháp lý tài chính xanh chưa hoàn thiện (ví dụ như trong trường hợp thị trường trái phiếu xanh) và các công cụ huy động tài chính xanh mới chưa được triển khai (ví dụ như thị trường carbon)[22]

Ba là, việc thực thi các quy định về môi trường đôi khi còn lỏng lẻo, rườm rà, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ;

Bốn là, mức độ nhận thức và sự tham gia của cộng đồng vào các vấn đề tăng trưởng xanh và bền vững vẫn chưa cao. Điều này hạn chế tiềm năng thay đổi hành vi và đổi mới xã hội có thể hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển ít carbon;

Năm là, việc thích ứng và áp dụng công nghệ xanh có thể bị cản trở bởi những hạn chế về công nghệ và cơ sở hạ tầng của đất nước.

Những thách thức này dẫn đến hệ quả là bất chấp các nỗ lực ban hành quy định về kinh tế xanh, các chỉ tiêu đặt ra ở Việt Nam vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Túi nhựa, đĩa và dao kéo vẫn đang được sử dụng rộng rãi, và việc sản xuất theo các công nghệ lỗi thời hiện vẫn hợp pháp. Các trạm sạc cho xe điện vẫn còn khá khiêm tốn ở Việt Nam[23]. Các nhà đầu tư tỏ ra không mặn mà với các lĩnh vực kinh tế xanh. Theo khảo sát của Trường Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh, có đến 70% doanh nghiệp không nghe đến chứng nhận nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh; chỉ 50% doanh nghiệp cho biết lý do doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh là để bảo vệ môi trường; 23,3% doanh nghiệp cho biết lý do doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh là để tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, có 89% doanh nghiệp trả lời không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh; chỉ có 26% doanh nghiệp cho biết họ nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất, phân phối đối với sản phẩm xanh[24]. Điều này được giải thích chủ yếu bởi việc tiếp cận vốn vay vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, và hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển xanh.

Nói cách khác, chỉ việc “phủ xanh” trong các quy định của nhà nước thôi thì vẫn chưa đủ để khuyến khích các ý tưởng cho phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định 9 xanh: đô thị xanh, kinh tế xanh, không gian xanh, mua sắm xanh, ngân hàng xanh, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, vận tải xanh. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” có đến 176 chữ xanh nhưng vẫn còn thiếu “năng lượng xanh”. Riêng tín dụng xanh đã được quy định trong đủ các luật, nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của các cơ quan, ban ngành, nhưng lại nằm ngoài mọi trường hợp cho vay ưu đãi. Trên thực tế lãi suất cho vay đối với các dự án xanh về cơ bản vẫn chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của ngân hàng. Mức lãi suất ngắn hạn dao động trong khoảng 6,2 - 9,4%/năm, các khoản vay trung, dài hạn khoảng 9,4 - 11,4%/năm. Điều này là do thực tế, lĩnh vực “xanh” vẫn còn tồn tại những khó khăn như cơ chế ưu đãi còn chưa rõ ràng, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn bị kéo dài, rủi ro thị trường cao, dễ phát sinh thêm chi phí[25].

 

  1. Định hướng xây dựng pháp luật phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Kinh tế xanh là ý tưởng phát triển kinh tế nhằm cải thiện phúc lợi của cộng đồng bằng cách giảm thiểu thiệt hại về môi trường và sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên sinh học. Nền tảng chính của khái niệm nền kinh tế xanh là các chương trình carbon thấp, chương trình tiết kiệm tài nguyên và sự hòa nhập xã hội của cộng đồng[26]. Những chuyển đổi về kinh tế, sinh thái và hệ thống xã hội khuyến khích sự liên kết của các hệ thống tự nhiên. Để hiện thực hóa được điều này cần có sự sáng tạo của tất cả các bên tham gia hoạt động kinh tế. Các quy định chỉ có thể mang lại sự chắc chắn về luật chơi trong quản lý kinh tế và các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm hoặc các bên gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Phát triển sinh thái có ý nghĩa quan trọng như một hình thức chuyển đổi cách tiếp cận hiện tại đối với hoạt động kinh tế. Việc thực hiện nền kinh tế xanh thông qua phát triển mạng lưới đánh giá toàn cầu (Global Evaluation Initiative - GEI) có thể được đánh giá qua các chỉ số: (1) tăng đầu tư công và tư nhân vào lĩnh vực kinh tế xanh, (2) tăng tổng thu nhập quốc nội từ lĩnh vực kinh tế xanh, (3) giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, (4) giảm mức độ ô nhiễm CO2 và (5) giảm mức tiêu thụ tạo ra nhiều chất thải[27]. Các chỉ số do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) xây dựng trở thành chuẩn mực để các quốc gia thành viên như Việt Nam thực hiện thông qua việc thiết kế và tập trung các chính sách của chính phủ dưới dạng quy định như quy định việc sử dụng nhiên liệu, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, quy định quản lý chất thải, và quản lý các tòa nhà thân thiện với môi trường. Hợp tác giữa phát triển và hoạch định chiến lược cho phát triển nền kinh tế xanh là nỗ lực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh. Việc kiểm soát sự phát triển của các ngành kinh tế nhằm mục đích hiện thực hóa kinh tế bền vững và môi trường bền vững. Trong việc xây dựng các quy định pháp luật với tư cách là việc thực hiện các ý tưởng kinh tế xanh cần dựa trên 5 (năm) nguyên tắc của kinh tế xanh như sau:

  1. Nền kinh tế xanh cho phép tất cả mọi người tạo ra và tận hưởng sự thịnh vượng;
  2. Nền kinh tế xanh thúc đẩy sự công bằng trong và giữa các thế hệ;
  3. Nền kinh tế xanh bảo vệ, phục hồi và đầu tư vào thiên nhiên;
  4. Nền kinh tế xanh hướng tới hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng bền vững;
  5.  Được định hướng bởi các thể chế tích hợp, có trách nhiệm và linh hoạt”[28]

Năm nguyên tắc trên cho thấy nền kinh tế xanh tìm cách hài hòa tất cả các khía cạnh kinh tế, con người và sinh thái. Việc thực hiện quy định này khuyến khích một bước nhảy vọt lớn trong nỗ lực bảo vệ môi trường đồng thời cung cấp không gian phát triển vì phúc lợi của cộng đồng.

Để đạt được các mục tiêu kỳ vọng, Việt Nam cần có những hành động tiếp theo để vượt qua thách thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh như sau: i) Tăng cường phối hợp liên cơ quan để đảm bảo tính nhất quán và sức mạnh tổng hợp trong các chính sách tăng trưởng xanh, từ đó giảm xung đột và hợp lý hóa các nỗ lực, cả ở cấp trung ương và cấp tỉnh. ii) Phát triển các cơ chế tài chính đổi mới như trái phiếu xanh, ưu đãi đầu tư và quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án xanh. Tăng cường đầu tư công và tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh, như nhà máy điện mặt trời, trang trại gió, hệ thống quản lý chất thải và sáng kiến ​​phủ xanh đô thị; iii) Tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho các sáng kiến ​​tăng trưởng xanh, như tiếp cận tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến ​​thức và trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất; iv) Tăng cường các cơ chế quản lý và hệ thống giám sát để đảm bảo tuân thủ các chính sách tăng trưởng xanh và buộc các đơn vị không tuân thủ phải chịu trách nhiệm; v) Tăng cường nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường và thực hành bền vững thông qua các chiến dịch giáo dục (ví dụ như năng lượng sạch, giảm chất thải) và sự tham gia của cộng đồng (ví dụ như thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng). vi) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ xanh và cung cấp các chương trình đào tạo và xây dựng năng lực để thu hẹp khoảng cách về công nghệ, thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế xanh sẽ không dừng lại ở việc đặt ra các mục tiêu - đặc biệt là những mục tiêu đầy tham vọng. Việt Nam cần tham khảo các bài học kinh nghiệm các quốc gia thành công đi trước. Kinh nghiệm xây dựng pháp luật của Pháp cũng đưa ra một loạt chính sách và chương trình nhằm giúp mang lại sự thay đổi. Túi nhựa, đĩa và dao kéo đã bị cấm hoàn toàn và việc sản xuất theo kế hoạch lỗi thời hiện là bất hợp pháp. 7 triệu trạm sạc cho xe điện sẽ được triển khai 10 triệu tòa nhà sẽ được cải tạo để đáp ứng các tiêu chuẩn hiệu quả mới. Và giá carbon mới sẽ tăng dần theo thời gian, đạt mức ấn tượng 100 USD/tấn CO2 vào năm 2030.

Lần đầu tiên, các công ty niêm yết phải báo cáo biến đổi khí hậu sẽ tác động như thế nào đến mô hình kinh doanh của họ, trong khi các nhà đầu tư phải tiết lộ tác động môi trường của quỹ của họ. Kevin Bourne - nhà phân tích thị trường FTSE Russell cho biết điều này “mang lại sự minh bạch to lớn cho thị trường” . “Đó là một điều luật rất đơn giản nhưng buộc phải hành động nhiều.” Brussels được cho là đang xem xét liệu điều gì đó tương tự có thể áp dụng được ở cấp độ toàn EU hay không.

Pháp luật phải nhằm mục đích thay đổi cuộc sống của người dân bình thường. Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng kinh tế xanh dự kiến sẽ tạo thêm 100.000 việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng sạch và tái chế vào năm 2019, giúp đưa đất nước này sang một mô hình mới về tăng trưởng xanh, toàn diện.

Các dự án năng lượng địa phương cũng nhận được sự hỗ trợ mới theo luật nhằm tái tạo thành công của Đức trong việc xây dựng các hợp tác xã năng lượng do chính cộng đồng sở hữu và điều hành. Enercoop, một tập thể như vậy, hiện có 47.000 thành viên. Và hỗ trợ tài chính mới sẽ giúp 4 triệu hộ gia đình nghèo nhất thanh toán hóa đơn năng lượng và đầu tư vào sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo đảm tất cả mọi người đều cảm nhận được lợi ích của quá trình chuyển đổi[29].

Không có luật nào là hoàn hảo và quá trình chuyển đổi phát triển kinh tế xanh của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức phía trước. Việt Nam cần xác định các mục tiêu cụ thể cho các lĩnh vực khác nhau. Chính sách môi trường của Việt Nam cần tính toán đến khả năng thực hiện. Các biện pháp tác động trong các lĩnh vực và luật pháp mới được ban hành sẽ đòi hỏi cam kết chính trị nghiêm túc nếu muốn đạt được các mục tiêu to lớn của nó. Hy vọng sự phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững và môi trường bền vững tại Việt Nam sẽ được hiện thực hóa trong thời gian tới.

  1. Kết luận

Thuật ngữ “xanh”, mặc dù hơi mơ hồ, nhưng biểu thị khát vọng làm cho nền kinh tế có trách nhiệm và bền vững hơn về mặt sinh thái bằng cách nhấn mạnh vào sản xuất và tiêu dùng tổng thể đồng thời giảm thiểu hoặc loại bỏ mọi tác động tiêu cực đến môi trường[30]. Vấn đề khuyến khích sự xuất hiện của ý tưởng về nền kinh tế xanh vì sự bền vững của hệ sinh thái môi trường là vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế. Ý tưởng về nền kinh tế xanh nhằm mục đích khuyến khích phát triển kinh tế trong khi vẫn bảo tồn hệ sinh thái môi trường[31]. Xây dựng pháp luật điều chỉnh là một cách để khuyến khích các chủ thể trong xã hội thực hiện ý tưởng về một nền kinh tế xanh. Thời gian qua Việt Nam đã có những nỗ lực về điều chỉnh chính sách, xây dựng pháp luật cho phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, trên hành trình phát triển kinh tế xanh, Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt các thách thức về điều phối chính sách, tài chính, thực thi, nhận thức cộng đồng, khoảng trống về công nghệ, đòi hỏi Việt Nam cần có những điều chỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Việc phát triển kinh tế xanh sẽ không dừng lại ở việc đặt ra các mục tiêu - đặc biệt là những mục tiêu đầy tham vọng. Việt Nam cần tham khảo các bài học kinh nghiệm các quốc gia thành công đi trước để có những điều chỉnh về chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn của đất nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, (9h10 26/2/2021), https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-cong-san-viet-nam-3660
  2. Ben Martin , France puts green growth into law, Green economy coalition (11/10/2016), https://www.greeneconomycoalition.org/news-and-resources/france-makes-green-growth-the-law,
  3. Bowen, A, Kuralbayeva, K. and Tipoe, E.L. (2018). Characterizing green employment: The impacts of “greening” on workforce composition. Energy Economics, 72, p.263, https://doi.org/10.1016/j.eneco.2018.03.015
  4. Dierdorff, E.C., Norton, J. Drewes, D.W. and Kroustalis, C.M. (2009), Greening of the world of work: implications for O*NET-SOC and new and emerging occupations, National Center for O*NET Development, p.8.
  5. Đại Việt, Vẫn thiếu trạm sạc cho xe điện, Nhịp cầu đầu tư, (7h30 04/05/2022),  https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/van-thieu-tram-sac-cho-xe-dien-3345384/
  6. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 136 - 137, ( 2011).
  7. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 142,( 2016).
  8. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 52, ( 2021).
  9. Eren, C., Richardson, D. and Denniss, R. (2010). Green jobs What are they and do we need them?. The Australian Instıttute Policy Paper No.15, p.25.
  10. Gea, Y. and Zhib, Q, Literature review: the green economy, clean energy policy and employment. Energy Procedia, 88 ( 2016 ), p.258 (2016)
  11. Global Green Growth Institute, Component 1B: Green Growth Tools Government of Indonesia- GGGI Green Growth Program, 2 – 16, (10/2014)
  12. I.G.W Murjana Yasa, Ekonomi Hijau : Produksi Bersih Dan Ekonomi Kreatif Pendekatan Mencegah Resiko Lingkungan Menuju Pertumbuhan Ekonomi Berkualitas di Provinsi Bali, Jurnal Bumi Lestai Vol 10 No 2 Agustus 2010 p. 287 3rd Riau Annual Meeting on Law and Social Sciences (RAMLAS) IOP Conf. Series: Earth and Environmental Science 1181 (2023) 012018 IOP Publishing doi:10.1088/1755-1315/1181/1/012018
  13. Makmun, M. Green Economy: Konsep, Implementasi dan Peran Kementerian Keuangan, Jurnal Ekonomi dan Pembangunan, 19(2), pp.1-15, 2011.
  14. MARTINEZ-FERNANDEZ, C., HINOJOSA, C., MIRANDA, G, GREENING JOBS AND SKILLS: LABOUR MARKET IMPLICATIONS OF ADDRESSING CLIMATE CHANGE. OECD LOCAL ECONOMIC AND EMPLOYMENT DEVELOPMENT (LEED) WORKING PAPERS, NO 2010/02, OECD PUBLISHING, PARIS, P.6 (2010)
  15. Minh Hải, Doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh, Sài Gòn, (13h44 20/07/2015)  https://www.sggp.org.vn/doanh-nghiep-chua-man-ma-voi-phat-trien-xanh-post162240.html
  16. Nguyen An Dinh and Gang Chen, Green growth in Vietnam: policies and challenges. E3S Web Conf., 164 (2020) 11010. DOI: https://doi.org/10.1051/e3sconf/202016411010.
  17. OECD, Towards green growth, 4 (5/2011),  https://www.oecd.org/greengrowth/48012345.pdf.
  18. Pociovălișteanu, D.M., Novo-Corti, Aceleanu, M.I., Șerban, A.C., and Grecu, E. (2015). Employment policies for a green economy at the European Union level. Sustainability, 7, DOI: 10.3390/su7079231
  19. Qair, World's most polluted countries & regions 2018 - 2023, https://www.iqair.com/world-most-polluted-countries
  20. Tănasie, A.V.; Năstase, L.L.; Vochița, L.L.; Manda, A.M.; Boțoteanu, G.I.; Sitnikov, C.S, Green economy—green jobs in the context of sustainable development. Sustainability, 14 (4796), p.2 (2022)
  21. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020, (06/01/2021)
  22. Thông tấn xã Việt Nam, Hiện trạng rừng Việt Nam qua các năm, Infographics (09h46 07/01/2021), https://infographics.vn/hien-trang-rung-viet-nam-qua-cac-nam/18864.vna
  23. Trần Thế Anh, Thực trạng triển khai tín dụng xanh đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển tín dụng xanh trong thời gian tới, Môi trường, số 11,( 29/11/2022), https://tapchimoitruong.vn/dien-dan--trao-doi-21/thuc-trang-trien-khai-tin-dung-xanh-de-xuat-mot-so-giai-phap-thuc-day-phat-trien-tin-dung-xanh-trong-thoi-gian-toi-27268
  24. United Nations Division for Sustainable Development (UNDESA), A Guidebook to The Green Economy, Issue 2: Exploring Green Economy Principle, November 2012, p. 21. Lihat juga, https://www.greeneconomycoalition.org/news-and-resources/the-5-principles-of-green-economy#
  25. Văn Toản,  Lộ trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26, Nhân dân (4/2/2022) https://special.nhandan.vn/lotrinhCOP26_Vietnam/index.html
  26. Winter, J. and Moore, M.C, The “green jobs” fantasy: why the economic and environmental reality can never live up to the political promise. The School of Public Policy Research Paper, 6(31), 1-31 (2013)


* ThS. Nguyễn Thanh Tùng. Viện Nhà nước và Pháp luật. Duyệt đăng 27/6/2024. Email: nguyenthanhtung@isl.gov.vn

[1] MARTINEZ-FERNANDEZ, C., HINOJOSA, C., MIRANDA, G, GREENING JOBS AND SKILLS: LABOUR MARKET IMPLICATIONS OF ADDRESSING CLIMATE CHANGE. OECD LOCAL ECONOMIC AND EMPLOYMENT DEVELOPMENT (LEED) WORKING PAPERS, NO 2010/02, OECD PUBLISHING, PARIS, P.6 (2010)

[2] Pociovălișteanu, D.M., Novo-Corti, Aceleanu, M.I., Șerban, A.C., and Grecu, E. (2015). Employment policies for a green economy at the European Union level. Sustainability, 7, p.9232. DOI: 10.3390/su7079231

[3] OECD, Towards green growth, 4 (5/2011),  https://www.oecd.org/greengrowth/48012345.pdf.

[4] Bowen, A, Kuralbayeva, K. and Tipoe, E.L. (2018). Characterizing green employment: The impacts of “greening” on workforce composition. Energy Economics, 72, p.263, https://doi.org/10.1016/j.eneco.2018.03.015

[5] Gea, Y. and Zhib, Q, Literature review: the green economy, clean energy policy and employment. Energy Procedia, 88 ( 2016 ), p.258 (2016)

[6] Pociovălișteanu, D.M., Novo-Corti, Aceleanu, M.I., Șerban, A.C., and Grecu, E. Employment policies for a green economy at the European Union level. Sustainability, 7, p.9234 (2015) DOI: 10.3390/su7079231

[7] MARTINEZ-FERNANDEZ, C., HINOJOSA, C., MIRANDA, G, GREENING JOBS AND SKILLS: LABOUR MARKET IMPLICATIONS OF ADDRESSING CLIMATE CHANGE. OECD LOCAL ECONOMIC AND EMPLOYMENT DEVELOPMENT (LEED) WORKING PAPERS, NO 02, OECD PUBLISHING, PARIS (2010)

[8] Dierdorff, E.C., Norton, J. Drewes, D.W. and Kroustalis, C.M. (2009), Greening of the world of work: implications for O*NET-SOC and new and emerging occupations, National Center for O*NET Development, p.8.

[9] Eren, C., Richardson, D. and Denniss, R. (2010). Green jobs What are they and do we need them?. The Australian Instıttute Policy Paper No.15, p.25.

[10] Tănasie, A.V.; Năstase, L.L.; Vochița, L.L.; Manda, A.M.; Boțoteanu, G.I.; Sitnikov, C.S, Green economy—green jobs in the context of sustainable development. Sustainability, 14 (4796), p.2 (2022)

[11] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 136 - 137, ( 2011).

[12] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, (9h10 26/2/2021), https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-cong-san-viet-nam-3660

[13] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 142,( 2016).

[14] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 52, ( 2021).

[15] Văn Toản,  Lộ trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26, Nhân dân (4/2/2022) https://special.nhandan.vn/lotrinhCOP26_Vietnam/index.html

[16] Thông tấn xã Việt Nam, Hiện trạng rừng Việt Nam qua các năm, Infographics (09h46 07/01/2021), https://infographics.vn/hien-trang-rung-viet-nam-qua-cac-nam/18864.vna

[17] Qair, World's most polluted countries & regions 2018 - 2023, https://www.iqair.com/world-most-polluted-countries

[18] Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020, (06/01/2021)

[19]  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo triển khai kết luận phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, 5 (30/5/2023)

[20]  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo triển khai kết luận phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, 5 (30/5/2023)

[21] Nguyen An Dinh and Gang Chen, Green growth in Vietnam: policies and challenges. E3S Web Conf., 164 (2020) 11010. DOI: https://doi.org/10.1051/e3sconf/202016411010.

[22] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo triển khai kết luận phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, 12 (30/5/2023)

[23] Đại Việt, Vẫn thiếu trạm sạc cho xe điện, Nhịp cầu đầu tư, (7h30 04/05/2022),  https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/van-thieu-tram-sac-cho-xe-dien-3345384/

[24] Minh Hải, Doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh, Sài Gòn, (13h44 20/07/2015)  https://www.sggp.org.vn/doanh-nghiep-chua-man-ma-voi-phat-trien-xanh-post162240.html

[25] Trần Thế Anh, Thực trạng triển khai tín dụng xanh đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển tín dụng xanh trong thời gian tới, Môi trường, số 11,( 29/11/2022), https://tapchimoitruong.vn/dien-dan--trao-doi-21/thuc-trang-trien-khai-tin-dung-xanh-de-xuat-mot-so-giai-phap-thuc-day-phat-trien-tin-dung-xanh-trong-thoi-gian-toi-27268

[26] Global Green Growth Institute, Component 1B: Green Growth Tools Government of Indonesia- GGGI Green Growth Program, 2 – 16, (10/2014)

[27] Makmun, M. Green Economy: Konsep, Implementasi dan Peran Kementerian Keuangan, Jurnal Ekonomi dan Pembangunan, 19(2), pp.1-15, 2011.

[28] United Nations Division for Sustainable Development (UNDESA), A Guidebook to The Green Economy, Issue 2: Exploring Green Economy Principle, November 2012, p. 21. Lihat juga, https://www.greeneconomycoalition.org/news-and-resources/the-5-principles-of-green-economy#

[29] Ben Martin , France puts green growth into law, Green economy coalition (11/10/2016), https://www.greeneconomycoalition.org/news-and-resources/france-makes-green-growth-the-law,

[30] Winter, J. and Moore, M.C, The “green jobs” fantasy: why the economic and environmental reality can never live up to the political promise. The School of Public Policy Research Paper, 6(31), 1-31 (2013)

[31] I.G.W Murjana Yasa, Ekonomi Hijau : Produksi Bersih Dan Ekonomi Kreatif Pendekatan Mencegah Resiko Lingkungan Menuju Pertumbuhan Ekonomi Berkualitas di Provinsi Bali, Jurnal Bumi Lestai Vol 10 No 2 Agustus 2010 p. 287 3rd Riau Annual Meeting on Law and Social Sciences (RAMLAS) IOP Conf. Series: Earth and Environmental Science 1181 (2023) 012018 IOP Publishing doi:10.1088/1755-1315/1181/1/012018

 

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều