1. Những thành quả ban đầu của xe điện qua hoạt động của E-Bus và Xanh-Taxi ở Hà Nội
Môi trường, một trong ba trụ cột của phát triển bền vững hiện đang đứng trước hiểm họa toàn cầu bởi tình trạng môi trường suy thoái nghiêm trọng do ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường trở nên ngày càng song hành trong việc đe dọa sự tồn vong của trái đất. Trong số những yếu tố gây ô nhiễm môi trường gắn kết với biến đổi khí hậu là chất thải khí từ các phương tiện cơ giới chạy xăng dầu, đến những thiết bị sử dụng khí tự nhiên. Trái đất đang nóng lên do hiệu ứng khí nhà kính tạo ra bởi phát thải carbon do hoạt động của con người. Sự gia tăng các phương tiện cơ giới như xe máy, ô tô, tàu lửa, máy bay, tàu thủy dẫn tới sự tiêu thụ ngày càng lớn lượng xăng dầu và phát thải theo tỷ lệ thuận lượng khí thải carbon. Điều rất dễ nhận thấy mức độ ô nhiễm môi trường ở các đô thị, đặc biệt ở Hà Nội và những thành phố lớn gắn với lượng xe cơ giới lưu thông trên đường và lượng khí phát thải từ vô vàn các thiết bị sản xuất và sinh hoạt. Việc đáp ứng nhu cầu vận tải hầu như đang mâu thuẫn không khoan nhượng với yêu cầu bức xúc giảm phát thải khi gây hiệu ứng nhà kính.
Trong chiến lược phát triển năng lượng của nhiều quốc gia, mâu thuẫn này đang được giải quyết bởi việc thúc đẩy sản xuất các phương tiện cơ giới chạy bằng điện. Xe chạy điện thay dần xe chạy xăng đang là bước đột phá ở khía cạnh bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Ở Việt Nam xu hướng này đã bắt đầu với những bước đi tiên phong của hãng xe điện VinFast của tập đoàn Vingroup.
Những bước đi tiên phong bao giờ cũng chứa đựng những sự phiêu lưu và rủi ro. Chỉ có những con người có hoài bão, sẵn sàng phiêu lưu mới có thể làm người tiên phong trong lĩnh vực điện hóa các phương tiện giao thông. Cũng có những doanh nghiệp khác đang có những chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu của mình và thành công của Vinfast chắc chắn sẽ là động lực cho các doanh nghiệp này trong các lĩnh vực khác. Đối với Việt Nam, cam kết Zero Carbon mà Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Nhà nước Việt Nam tuyên bố tại COP 26 đang cần những người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất xe điện mà VinFast là một trong số đó. Không dễ để đạt được Zero Carbon chỉ sau 25 năm nếu Chính phủ không có hành động thực chất trong việc hoạch định chính sách mà chỉ coi đây là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Những chiếc xe bus chạy điện đáng yêu trên nhiều tuyến đường Hà Nội đang mang lại cho người dân thành phố sự thoải mái, thân thiện. Trong các cuộc trò chuyện của tôi với hành khách đi xe bus điện (E-Bus) của VinFast, chưa có ai chê những trải nghiệm của mình trên những chuyến đi của họ. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của tôi về giá trị khác của E-Bus thì ngược trở lại, rất ít người nói rằng E-Bus đang giúp thành phố thoát dần khỏi xăng dầu, ô nhiễm không khí và góp phần đạt mục tiêu Zero Carbon.
Những kết quả thu được từ những câu hỏi ngắn, từ những cảm thán mà tôi đưa ra để thu hút sự phản ứng của hành khách E-Bus cho phép kết luận rằng không phải ai cũng hiểu rõ giá trị lớn nhất của xe điện. Sự cảm nhận của khách đi xe chủ yếu là sự sạch sẽ, ít tiếng ồn và sự lịch thiệp của nhân viên làm việc trên các xe E-bus. Rất ít người nhận ra rằng xe E-Bus và các dòng xe chạy điện đang làm giảm sự ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước. Đặc biệt, các dòng xe điện đang giúp đất nước thực hiện cam kết Zero Carbon vào năm 2050. Đây không chỉ là cam kết quốc tế mà Việt Nam đã trịnh trọng tuyên bố trước thế giới mà là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững của đất nước trong những thập kỷ tới. Câu hỏi đặt ra là vì sao những phương tiện cơ giới chạy bằng điện, đặc biệt là dòng xe bus điện, ô tô điện vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của cộng đồng trong khi mặt giá trị bảo vệ môi trường là đặc biệt lớn. Câu trả lời nằm trong các chính sách của Nhà nước đối với sự chuyển đổi năng lượng sử dụng trong các phương tiện giao thông cơ giới.
1.1. Chưa tạo ra được những bước ngoặt trong nhận thức của xã hội về chính sách chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong hoạt động giao thông vận tải
Chính phủ nhận thức rất rõ về giá trị bảo vệ môi trường của xe điện và sự đóng góp của nó cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm không khí. Điều này dễ nhận thấy trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ban hành theo Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; lộ trình thực hiện các mục tiêu bền vững Việt Nam đến năm 2030 ban hành theo Quyết định theo Quyết định 841/QĐ-TTg ngày ngày 14 tháng 7 năm 2023; trong cam kết của Việt Nam tại COP 26. Tuy nhiên, nhận thức của Chính phủ chưa được chuyển hóa đầy đủ vào các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội về giá trị của các phương tiện cơ giới chạy bằng điện đối với việc bảo vệ môi trường. Thiếu những hoạt động phổ biến giáo dục cần thiết về mối liên hệ mật thiết giữa phương tiện giao thông điện (ô tô, xe máy, xe buýt, xe đạp điện, tàu lửa chạy điện v.v.) với việc nâng cao chất lượng môi trường sống, đảm bảo quyền hiến định được sống trong môi trường trong lành nên sự hờ hững của xã hội đối với thành tựu này của cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang bao trùm. Có quá ít các hoạt động phổ biến giáo dục về phát triển bền vững gắn với sản xuất, sử dụng các phương tiện sử dụng điện thay cho những phương tiện sử dụng chất đốt tự nhiên như xăng, dầu, than đá, khí đốt. Nếu có những chương trình phổ biến giáo dục quy mô về giá trị của các phương tiện cơ giới điện thì nhận thức xã hội sẽ có những thay đổi tương ứng. Những tiền đề cho sự thay đổi nhận thức này là trải nghiệm tích cực của bộ phận dân cư thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số thành phố khác với E-bus, Green taxi, E-car. Nhu cầu sử dụng các phương tiện giao thông điện đang được định hình và mở rộng cùng với sự thay đổi nhận thức này. Tuy nhiên, cần sự đột phá trong nhận thức xã hội bằng việc gắn phổ biến giáo dục về thể chế phát triển bền vững với giá trị của các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo.
1.2. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp tiên phong chưa kịp thời hoặc thiếu phù hợp
Nhận thức đúng đắn, toàn diện của Chính phủ về phát triển bền vững cần chuyển hóa thành những chính sách, những quy định pháp luật cụ thể. Những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp tiên phong cần được hoạch định một cách phù hợp với các mục tiêu cụ thể. Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ phải được đảm bảo thi hành bằng hệ thống các quy định pháp luật phù hợp và hiệu quả.
Hỗ trợ các hoạt động sản xuất xe điện, bình sạc điện là chính sách của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp dễ đứng trước những rủi ro tiềm ẩn từ các cam kết thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SGD) của Liên Hợp quốc và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Rủi ro đáng quan ngại nhất là sự hỗ trợ này dễ bị rơi vào tình trạng trợ cấp chính phủ vi phạm các quy định trong các Hiệp định WTO. Rủi ro khác là sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp sản xuất các phương tiện cơ giới điện dễ dẫn đến sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nếu sự hỗ trợ đó có tác động của lợi ích nhóm. Chính vì vậy, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng cần được hoạch định và thi hành với những mục tiêu, những giải pháp phù hợp nhất với bối cảnh nêu trên.
2. Chính sách phát triển xe điện của Mỹ và Trung Quốc và những hàm ý đối với Việt Nam
Kinh nghiệm của Trung Quốc, Mỹ, hai quốc gia đỉnh cao trong lĩnh vực xe điện mang lại những hàm ý sau cần được quan tâm trong xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xe điện ở Việt Nam.
2.1. Chính sách phát triển xe điện của Trung Quốc
Phát triển xe điện là một chiến lược phát triển đặc biệt quan trọng ở Trung Quốc. Chính sách này thể hiện rất rõ trong phát biểu của ông Tập Cận Bình:
Phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng mới là điều cần thiết để Trung Quốc chuyển đổi từ một quốc gia ô tô lớn thành một quốc gia ô tô hùng mạnh. Chúng ta nên tăng cường nghiên cứu và phát triển, phân tích thị trường một cách nghiêm túc, điều chỉnh chính sách hiện có và phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khác nhau. Điều này có thể đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế.[1]
Thực tế, trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc đã thành công trong việc hiện thực hóa các mục tiêu sản xuất và tiêu thụ xe điện. Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và sử dụng xe điện. Với việc đứng đầu thế giới, về phát thải khí CO2, Trung Quốc hầu như muốn bù đắp bằng việc giảm phát thải từ sử dụng xe điện. Hai thập kỷ vừa qua, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy phát triển các phương tiện cơ giới chạy bằng điện từ tàu lửa chạy điện, ô tô điện đến xe máy điện. Theo thống kê của IEA, năm 2022, Trung Quốc chiếm 42% lượng ô tô điện của thế giới trong lúc Mỹ đứng thứ hai với 12% và tất cả các nước châu Âu chiếm 32%, 7% là của các nước còn lại.[2]
Trung Quốc hỗ trợ lĩnh vực sản xuất xe điện bằng nhiều chính sách hướng tới việc khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Trung Quốc hỗ trợ người dân mua xe điện và hỗ trợ doanh nghiệp, các chính quyền địa phương xây dựng hạ tầng phục vụ nhu cầu sử dụng xe điện. Trong suốt thập kỷ từ 2012 đến 2022, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ mỗi người mua xe điện khoản tiền xấp xỉ 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ đưa ra nhiều chương trình ưu đãi thuế. Quốc gia này có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm thuế 10% đối với các giao dịch mua xe năng lượng sạch có giá dưới 300.000 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ đồng) đến năm 2025, sau đó sẽ trở lại mức 5% vào năm 2026 và 2027.[3] Trung Quốc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho xe điện mà bất cứ ai sử dụng xe điện đều dễ dàng tiếp cận. Các trạm sạc điện được chính phủ hỗ cung cấp dịch vụ sạc miễn phí hoặc phí rất rẻ đã làm giảm phí đối với người sử dụng xe điện. Tính thân thiện của các trạm sạc điện được đảm bảo bởi sự thống nhất tiêu chuẩn và loại ổ sạc. Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023, Trung Quốc có 6,36 triệu trạm sạc xe điện, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.[4]
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc có thể đã chi 230,8 tỷ USD trong hơn một thập kỷ để phát triển ngành công nghiệp ô tô điện. số bán xe điện tiếp tục tăng trưởng trong nửa đầu năm 2022. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022, 2,6 triệu xe điện đã được bán, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh số bán ô tô điện đạt 24% tổng doanh số bán ô tô.[5]Bên cạnh ô tô điện, Trung Quôc còn sản xuất và tiêu thụ một số lượng lớn xe đạp điện, xe máy điện. Hơn 325 triệu xe máy điện, xe máy hai bánh đang lưu hành. Trung Quốc sản xuất và bán ra thị trường khoảng 47 triệu chiếc mỗi năm.[6]
Để thúc đẩy việc sử dụng xe điện, Trung Quốc đầu tư mạnh vào hạ tầng dịch vụ sạc xe điện. Số lượng trạm sạc ô tô điện ở Trung Quốc tăng nhanh chóng. Vào tháng 1 năm 2022, Cơ quan Xúc tiến Cơ sở Hạ tầng Sạc Xe Điện Trung Quốc (EVCIPA) đã báo cáo có 2,6 triệu trạm sạc xe điện ở Trung Quốc. Trong số này, khoảng 1,1 triệu bộ sạc công cộng, trong đó có 470.000 bộ sạc nhanh DC. Số lượng trạm sạc phân bố dày hơn ở các tỉnh ven biển giàu có, nơi có các quy định khuyến khích và ưu đãi cao về xe điện.[7]
Những thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất xe điện nhằm giảm thải khí nhà kính được quyết định bởi chính sách đúng đắn của Chính phủ và việc thi hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật. Những nội dung cốt lõi trong chính sách sản xuất xe điện của Trung Quốc được khái quát ở các điểm sau.
Nền tảng chính sách và pháp luật về phát triển xe điện là Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô tiết kiệm năng lượng và năng lượng mới (2012-2020) (“Kế hoạch phát triển”) được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 28 tháng 6 năm 2012. Kế hoạch này xác định các nguyên tắc tối thượng và khuôn khổ chung cho ngành công nghiệp xe điện ở Trung Quốc. Kế hoạch này xác định việc phát triển xe điện là chiến lược quốc gia và đặt mục tiêu để Trung Quốc đạt công suất sản xuất 2 triệu xe sử BEV (xe chạy thuần điện) và xe chạy điện tích hợp PHEV mỗi năm vào năm 2020.
Để thực hiện Kế hoạch này, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Ý kiến chỉ đạo đẩy nhanh việc phổ biến và ứng dụng các phương tiện sử dụng năng lượng mới vào ngày 14 tháng 7 năm 2014. Một trong những điểm nội bật của Kế hoạch là quy định xe điện phải là lựa chọn ưu tiên cho hoạt động mua sắm của chính phủ. Đến năm 2016, tỷ lệ xe điện được các cơ quan chính phủ trung ương và các chi nhánh địa phương mua phải chiếm ít nhất 30% tổng số xe mà các đơn vị đó mua mỗi năm.[8] Những giải pháp chính sách chủ yếu của Trung Quốc trong phát triển xe điện bao gồm:
Thứ nhất, xác định các mục tiêu cụ thể và có tính khả thi. Trung Quốc đặt mục tiêu chiếm 20% thị phần bán NEV vào năm 2025.[9] Thực tế Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này.
Thứ hai, Trung Quốc áp đặt hạn chế đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu xe. Ngày 6 tháng 1 năm 2017, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) đã ban hành Quy định hành chính về tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất và sản phẩm phương tiện sử dụng năng lượng mới theo đó các nhà sản xuất xe điện và sản phẩm xe điện được sản xuất đều phải đáp ứng một số điều kiện nhất định và phải được phê duyệt trước khi đưa vào thị trường. Ngoài các tiêu chuẩn mà nhà sản xuất ô tô thông thường phải có, nhà sản xuất xe điện cũng phải đáp ứng một loạt yêu cầu về trình độ bổ sung liên quan đến thiết kế, phát triển, sản xuất, dịch vụ sau bán hàng và các khả năng khác của xe điện. Trước khi tham gia thị trường, xe điện phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời phải vượt qua các cuộc kiểm tra an toàn và các kỳ thi liên quan khác do các tổ chức thử nghiệm được nhà nước công nhận tổ chức.
Thứ ba, cả chính quyền trung ương lẫn chính quyền địa phương khuyến khích người dân mua xe điện. Năm 2016, chính phủ đã cấp các khoản trợ cấp trị giá lên tới 100.000 RMB (khoảng 15.000 USD) cho mỗi chiếc xe điện được mua. Mức trợ cấp mua xe điện trung bình ở Trung Quốc lớn thứ hai trên thế giới sau Na Uy.
Thứ tư, miễn thuế và thủ tục ưu đãi trong đăng ký, lưu thông xe điện cũng là những giải pháp chính sách của Trung Quốc. Xe điện đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn nhất do Bộ Công nghiệp – Thông tin - Công nghệ (MIIT) ban hành sẽ được miễn thuế mua xe. MIIT và Cục Quản lý Thuế Nhà nước (SAT) đã ban hành 16 danh mục liệt kê các mẫu xe điện cụ thể được miễn thuế mua xe. Danh mục mới nhất, thứ 16, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020. Ngoài ra, dòng xe điện PHEV đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn nhất định sẽ được miễn “thuế phương tiện và tàu thuyền”.
Để giảm bớt ùn tắc giao thông, một số thành phố lớn ở Trung Quốc đã thiết lập hệ thống hạn ngạch đăng ký phương tiện. Biển đăng ký xe dành cho xe không phải xe điện thường được phân bổ cho những người đăng ký bằng cách đấu giá (ví dụ: ở Thượng Hải) hoặc xổ số (ví dụ: ở Bắc Kinh). Chính quyền các thành phố lớn đã thiết lập hệ thống hạn ngạch riêng cho một số mẫu xe điện nhất định. Hệ thống hạn ngạch như vậy ít cạnh tranh hơn và có thể giúp người nộp đơn tiết kiệm một lượng tiền hoặc thời gian đáng kể. Giải pháp chính sách này khuyến khích mua xe điện, đặc biệt là dòng xe BEV[10] và PHEV[11].
Chính quyền một số thành phố lớn ở Trung Quốc quy định một số làn đường công cộng chỉ dành riêng cho xe buýt, hạn chế đối với các loại ô tô khác. Tuy nhiên, xe điện có thể tự do lưu thông trên các làn đường dành riêng này. Ngoài ra, nhiều thành phố cũng khuyến khích các tổ chức công cộng dành chỗ đậu xe được chỉ định có trang bị sạc cho xe điện.
Thứ năm, đa dạng nguồn tài chính đâu tư cho xe điện là giải pháp đặc biệt có ý nghĩa vì định hình tương lai lâu dài cho công nghiệp sản xuất xe điện. Pháp luật của Trung Quốc khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển các sản phẩm tài chính đổi mới và thiết lập hệ thống đánh giá tín dụng phù hợp với đặc điểm của ngành xe điện. Giải pháp chính sách này đảm bảo các nguồn tài chính đa dạng cho việc sản xuất, tiếp thị và mua xe điện. Các nhà sản xuất xe điện được khuyến khích huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng nhằm đảm bảo nguồn đầu tư bền vững và đa dạng cho sản xuất xe điện.
Thứ sáu, hỗ trợ tài chính của chính phủ cho cơ sở hạ tầng dịch vụ sạc ắc quy có thu phí ở các địa phương. Thu phí sạc ắc quy là cần thiết để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng xe điện đối với trạm sạc và đối với xe của chính mình. Chính phủ Trung Quốc không hỗ trợ việc xây dựng và khai thác các trạm sạc miễn phí. Thay vào đó, Chính phủ trrung ương trợ cấp cho chính quyền địa phương xây dựng các trạm sạc thu phí nhằm khuyến khích việc sử dụng phổ biến xe điện trong lãnh thổ của mình. Các khoản hỗ trợ này được đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng sạc, duy trì và cập nhật mạng quản lý sạc và đổi pin, đồng thời cải thiện mức độ chung của dịch vụ sạc. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện như một chính sách quốc gia. Trung Quốc đặt mục tiêu 4,8 triệu trạm sạc EV vào năm 2020, cung cấp kinh phí và các tiêu chuẩn bắt buộc. Năm 2022, chính phủ cũng yêu cầu tất cả các điểm tập trung cộng đồng và nơi làm việc mới phải lắp đặt hệ thống sạc xe điện. Nhiều tỉnh, thành phố thúc đẩy cơ sở hạ tầng sạc xe điện với các ưu đãi tài chính và yêu cầu mà chủ sở hữu tòa nhà cung cấp dịch vụ sạc xe điện.
Thứ bảy, mua sắm công và khuyến khích sử dụng xe buýt điện. Các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương được khuyến khích sử dụng xe điện làm xe buýt công cộng trong thành phố. Điểm nổi bật của giải pháp chính sách này là chỉ tiêu về sử dụng xe điện làm phương tiện giao thông công cộng trong thành phố. Chính quyền địa phương nơi có tình trạng ô nhiễm cao phải đáp ứng các mục tiêu hàng năm về việc thay thế xe buýt chạy xăng dầu bằng xe buýt điện. Nếu các địa phương không đáp ứng được mục tiêu thì lượng xăng dầu được sử dụng bằng vốn ngân sách sẽ bị cắt giảm tương đương với mức không đạt chỉ tiêu sử dụng xe buýt điện. Giải pháp này làm giảm đáng kể chi phí vận hành cho xe buýt truyền thống và do đó đóng vai trò như một động lực gián tiếp để khuyến khích sử dụng xe buýt điện.
Thứ tám, Chính phủ Trung Quốc cung cấp trợ cấp rất mạnh mẽ cho các nhà sản xuất xe điện. Những chiếc ô tô chạy hoàn toàn bằng điện có phạm vi hoạt động trên 400 km đủ điều kiện nhận trợ cấp 12.600 Nhân dân tệ (khoảng 2000 USD). Những chiếc ô tô chạy hoàn toàn bằng điện có phạm vi hoạt động từ 300–400 km đủ điều kiện nhận trợ cấp 9100 Nhân dân tệ (khoảng 1400 USD). Những trợ cấp như vậy diễn ra ở những năm đầu tiên của công nghệ sản xuất xe điện và được giảm dần cùng với sự lớn mạnh của công nghiệp xe điện.
Có thể nhận thấy những thành công của Trung Quốc về chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông vận tải bắt nguồn từ những chính sách khuyến khích và hỗ trợ toàn diện từ phía Chính phủ. Nếu thiếu các giải pháp chính sách như vậy thì rất khó thành công trong việc sản xuất và sử dụng xe điện.
2.2. Chính sách phát triển xe điện của Mỹ
Mỹ là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về sản xuất và sử dụng xe điện. Tuy đứng thứ hai song khoảng cách giữa Mỹ với Trung Quốc, quốc gia đứng thứ nhất là rất xa, xét về các chỉ số định lượng về xe điện. Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden đã cố gắng thúc đẩy hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nhiều chính sách và giải pháp cụ thể khác nhau trong đó có sản xuất và sử dụng xe điện. Các chuyên gia và chính trị gia Mỹ ủng hộ Mỹ gia nhập Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã thúc dục Chính phủ đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng được hỗ trợ bởi các khung chính sách mạnh mẽ. Họ cho rằng Hoa Kỳ nên loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel một cách hiệu quả về mặt chi phí để đạt được những kết quả có ý nghĩa trong việc giảm lượng khí thải nhà kính và đáp ứng các yêu cầu của Thỏa thuận Khí hậu Paris.[12] Việc Mỹ chậm trễ trong mở rộng việc sản xuất và sử dụng xe điện chính là do thiếu nguồn cung xe, thiếu mẫu xe phù hợp. Các chuyên gia cho rằng những nhà hoạch định chính sách không chỉ phải đặt ra các lộ trình đầy tham vọng cho việc loại bỏ xe động cơ đốt trong (ICE)[13] mà còn phải củng cố chúng bằng những tín hiệu rõ ràng để các nhà sản xuất tăng cường sản xuất xe điện phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng nhanh. Thực tiễn cho thấy những tiến bộ của khoa học, công nghệ đang giảm chi phí và từ đó là giá thành của xe điện. Tuy nhiên, chi phí trả trước hiện vẫn là rào cản đáng kể đối với việc sử dụng xe điện, với chi phí vốn của xe tải điện cao gấp đôi so với xe động cơ đốt trong. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, giải pháp mở rộng thị trường nhanh sẽ khiến xe điện giảm giá xuống mức không còn cần đến các biện pháp khuyến khích. Chính vì vậy, trước mắt phải có các biện pháp hỗ trợ việc tiếp cận công bằng với phương tiện sạch đối với tất cả các thành phần trong xã hội. Một trong những chính sách mà Chính phủ Mỹ cần nỗ lực triển khai mạnh mẽ là xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm bảo tất cả mọi người đều có thể sạc xe điện dễ dàng. Việc dễ dàng tiếp cận hệ thống sạc trên toàn quốc là rất quan trọng để giúp người lái xe tin tưởng vào xe điện. Cơ sở hạ tầng sạc tích hợp, toàn diện phải được củng cố bởi một lưới điện thông minh và linh hoạt, sẵn sàng cho tương lai giao thông và năng lượng tích hợp không phát thải.[14] Các chuyên gia nhấn mạnh muốn xóa bỏ các rào cản đối với việc sử dụng xe điện cần có các khung chính sách đầy tham vọng. Trong khi nhu cầu xe điện tăng nhanh thì nguồn cung lại tăng chậm, cơ sở hạ tầng tụt hậu. Cần có sự hỗ trợ chính sách bổ sung đáng kể để vượt qua những rào cản này và đảm bảo Mỹ lấy lại vai trò lãnh đạo toàn cầu về hành động vì khí hậu và đảm bảo tương lai lâu dài cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Việc Mỹ đi đầu trong lĩnh vực này vừa quan trọng vừa có lợi, và chính phủ sẽ được Nhóm doanh nghiệp xe điện EV100 hỗ trợ nếu quyết định hành động.[15]
Những chính sách thúc đẩy xe điện ở Mỹ được các chuyên gia đề xuất như ở trên hiện đang được hiện thực hóa ở Mỹ bằng việc thể chế hóa trong các đạo luật. Hiện tại, ở Mỹ có hai luật quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển xe điện.
Thứ nhất, Đạo luật giảm lạm phát (IRA)[16] được ban hành năm 2022. Đạo luật có tên gọi rất xa với xe điện song thực chất là văn bản có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của sản xuất và sử dụng xe điện. Đạo luật này được ban hành nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư vào năng lực sản xuất trong nước, khuyến khích mua sắm các nguồn cung cấp quan trọng trong nước hoặc từ các đối tác thương mại tự do, đồng thời khởi động R&D và thương mại hóa các công nghệ tiên tiến như thu hồi và lưu trữ carbon và hydro sạch. Đạo luật phân bổ nguồn tài chính trực tiếp cho các ưu tiên công bằng môi trường, buộc những chủ thể nhận nhiều nguồn tài trợ phải chứng minh tác động công bằng. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính rằng luật này sẽ giảm thâm hụt ngân sách khoảng 237 tỷ USD trong thập kỷ tới và là gói đầu tư năng lượng và khí hậu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, cung cấp 370 tỷ USD tài trợ để giảm lượng khí thải carbon. IRA cung cấp các ưu đãi về thuế cho các công ty thực hiện nhiều sáng kiến năng lượng sạch. Các công ty sản xuất sản phẩm cho trạm sạc có thể tận dụng các ưu đãi do IRA đưa ra.
Việc IRA được thông qua vào năm 2022 báo hiệu một bước ngoặt trong việc áp dụng xe điện bằng cách cung cấp các ưu đãi cho xe chở khách và xe thương mại, sản xuất pin trong nước và phát triển cơ sở hạ tầng sạc. Trong báo cáo của RMI Các hành động chính sách có thể thúc đẩy việc áp dụng xe điện ở Hoa Kỳ như thế nào, các bên liên quan có thể tìm hiểu những gì họ có thể làm để phát huy hết tiềm năng của IRA. Báo cáo cung cấp phân tích mà họ cần để đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và nêu chi tiết những thách thức mà việc triển khai IRA phải đối mặt cũng như các hướng đi tiếp theo.[17]
Đạo luật Việc làm trong Đầu tư hạ tầng (IIJA)[18] đã được Tổng thống Biden ký ban hành vào ngày 15 tháng 11 năm 2021. Luật này cho phép chi 1,2 tỷ USD cho chi tiêu cho giao thông và cơ sở hạ tầng, trong đó 550 tỷ USD dành cho các tài khoản đầu tư và chương trình “mới”. Phạm vi tiếp cận nguồn hỗ trợ theo IIJA đang được mở rộng bao trùm cả năng lượng và hạ tầng năng lượng, truy cập băng thông rộng Internet, cơ sở hạ tầng tầng nước, v.v. Một số chương trình mới được hỗ trợ tài chính theo IIJA có thể cung cấp các nguồn lực cần thiết để giải quyết nhiều nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở cấp địa phương, quy định các sáng kiến chính sách quan trọng và nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải ở Hoa Kỳ. Đạo luật dành 4 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2026 để phát triển cơ sở hạ tầng xe điện.
Phân tích khái quát, chính sách và pháp luật của Mỹ về thúc đẩy sản xuất và sử dụng xe điện cũng có những nội dung tương đồng, những giải pháp tương tự với chính sách và pháp luật của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện.
Thứ nhất, hỗ trợ sản xuất xe điện thông qua chính sách thuế và quy định tỷ lệ nội địa hóa ô tô điện. Hỗ trợ thông qua thuế là giải pháp chính sách thường được sử dụng nhiều. Mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ đối với tín dụng thuế (tax credit) đối với xe điện rất quan trọng để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Trong cuộc khủng hoảng khí hậu, chính sách tốt nhất, hiệu quả về mặt kinh tế là thuế Pigouvian tương đương với chi phí xã hội của carbon. Ước tính hiện tại của liên bang Hoa Kỳ về chi phí đó là 51 USD/tấn khí thải carbon dioxide, mặc dù các ước tính gần đây cho thấy nằm trong khoảng 185 – 200 USD.[19] Việc giảm phát thải khí carbon dioxid từ việc sử dụng xe điện sẽ có hiệu quả kinh tế hơn so với các biện pháp khác nhằm giảm khí này cũng như các loại khí nhà kính khác. Các quy định hiện hành về tín dụng thuế được áp dụng đối với các phương tiện đủ điều kiện, được sản xuất ở Bắc Mỹ và các quy định về nguồn gốc các thành phần của pin. Khách hàng của một số nhà sản xuất ô tô đã vượt quá giới hạn của chương trình cũ giờ đây có thể một lần nữa đủ điều kiện nhận tín dụng khi mua ô tô mới. Bắt đầu từ năm 2024, người mua sẽ nhận được tiền mặt tại thời điểm bán, thay vì nhận nó sau khi nộp thuế.
Hiện tại, Chính phủ Mỹ đang áp dụng biện pháp trợ cấp nhằm hỗ trợ sản xuất ô tô điện. Đạo luật Giảm lạm phát ban hành vào tháng 8 năm 2022 đã phân bổ 370 tỷ USD để thúc đẩy công nghệ sạch. Pháp luật của Mỹ cho phép cung cấp khoản tín dụng 7.500 USD đối với việc mua ô tô điện đủ điều kiện.[20]
Bên cạnh trợ cấp và tín dụng thuế đối với xe điện, quy định về tỷ trọng nội địa trong sản xuất hàng hóa, bao gồm cả xe điện. Đạo luật Xây dựng nước Mỹ, Mua hàng Mỹ quy định các sản phẩm được sản xuất phải chứa tối thiểu 55% hàm lượng nội địa”. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước chuyển sang sản xuất linh kiện sạc EV, gia tăng việc làm cho lao động có tay nghề cao.[21]
Thứ hai, áp dụng các biện pháp giảm phát thải nghiêm ngặt hơn. Các quy định về các biện pháp giảm phát thải nghiêm ngặt hướng tới việc thực hiện đề xuất của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) sẽ ngăn chặn gần 10 tỷ tấn khí thải carbon dioxide cho đến năm 2055 và tăng doanh số bán xe điện lên 2/3 tổng doanh số bán ô tô mới vào năm 2032.
Thứ ba, xây dựng và vận hành các trạm sạc EV được chính quyền Biden thúc đẩy. Điều này thể hiện trong mục tiêu bổ sung 500.000 trạm sạc xe điện mới trên nước Mỹ vào năm 2030. Điều này đòi hỏi phải có thêm trạm sạc và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Tính đến năm 2017, Hoa Kỳ đã lắp đặt 47.130 ổ sạc trong khi Trung Quốc có 213.903. Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp Hoa Kỳ (GSA) đã lắp đặt các trạm sạc xe điện cho nhân viên liên bang và những người dùng khác được phép. Hơn 10 bang còn quy định các khoản giảm giá và tín dụng thuế cho việc lắp đặt các trạm sạc. Ví dụ: Sở Nước và Điện Los Angeles cung cấp tới 4.000 USD cho mỗi bộ sạc cho khách hàng thương mại lắp đặt trạm sạc. Cư dân Arizona có thể nhận được khoản tín dụng thuế lên tới 75 đô la để lắp đặt trạm sạc tại nhà riêng của họ.[22]
Thứ tư, hỗ trợ các nghiên cứu về xe điện có ý nghĩa quan trọng để giảm chi phí sản xuất và sử dụng xe điện. Một trong những tư duy chi phố chính sách này thể hiện rõ ở sản xuất pin xe điện và bộ xạc. Dung lượng pin hạn chế và phạm vi di chuyển tương ứng vẫn là trở ngại đối với xe điện. Pin và xạc điện chiếm chi phí lớn nhất của xe chạy pin (BEV). Nếu nghiên cứu khoa học giảm thời lượng xạc điện, tăng tuổi thọ của pin, giảm thời lượng xạc pin sẽ mang lại hiệu quả không hề nhỏ cho xã hội, hiệu quả cho nên kinh tế. Mỹ đã triển khai “Chương trình đổi mới giao thông công cộng” và “Chương trình phương tiện phát thải thấp hoặc không phát thải” (Low-No). Các chương trình này dành các khoản hỗ trợ tài chính cho chính quyền địa phương, các công ty tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận và các trường đại học để nghiên cứu phát triển phương tiện giao thông công cộng không phát thải.[23]
Cơ quan Dự án Nghiên cứu Nâng cao-Năng lượng (ARPA-E), cơ quan thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, đã tài trợ cho nhiều dự án xe điện, bao gồm pin, bộ điều khiển ô tô và bộ sạc xe điện hiệu quả. Đại học Stanford đã nhận được giải thưởng trị giá khoảng 3 triệu USD để hỗ trợ nghiên cứu về Hệ thống khung gầm pin đa chức năng có thể giảm chi phí và trọng lượng của pin cung cấp năng lượng cho xe điện. Một công ty điện tử công suất ở Arkansas đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình sạc xe điện thông qua khoản tài trợ trị giá 4 triệu USD từ ARPA-E.
Thứ năm, thúc đây mua sắm xe điện thay thế xe chạy xăng (ICE) đang sử dụng trong hệ thống giao thông công cộng. Chính sách này được chú trọng ở Trung Quốc và Mỹ cũng thúc đẩy mạnh chính sách này. Bốn thành phố lớn nhất ở bờ biển phía tây là Los Angeles, Seattle, San Francisco và Portland có kế hoạch mua 24.000 xe điện để sử dụng trong giao thông thành phố của họ. Thành phố New Bedford, Massachusetts, đã mua 23 chiếc xe điện từ Nissan bằng cách sử dụng 7.500 USD tiền ưu đãi của tiểu bang và khoản tín dụng thuế liên bang là 7.500 USD. Hải quân Hoa Kỳ cũng đề xuất mua 400-600 xe điện từ Ford Motor Company bằng cách sử dụng tín dụng thuế liên bang.[24]
3. Những kinh nghiệm của Trung Quốc và Mỹ về phát triển xe điện và khả năng áp dụng đối với Việt Nam.
3.1. Những hàm ý từ kinh nghiệm của Trung Quốc
Chính sách và các giải pháp chính sách dành cho phát triển xe điện cần được luật hóa là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển xe điện, giảm phát thải khí nhà kính từ việc hạn chế và loại bỏ xe chạy bằng động cơ đốt trong. Tầm quan trọng của chính sách và pháp luật đối với chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là điều không thể phủ nhận.
Chính sách xe điện là cần thiết để giúp tạo nền tảng cho việc chuyển đổi khỏi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nếu không có chính sách và quy định, mọi người nhìn chung sẽ tuân theo hiện trạng, cho đến nay vẫn là sử dụng các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đôi khi là các công nghệ cập nhật.[25]
Chính sách xe điện phải là chính sách do chính phủ ban hành, không phải là chính sách của một bộ, ngành hay địa phương. Nếu không có chính sách tổng thể của quốc gia nhằm khuyến khích việc áp dụng và sử dụng xe điện thì không thể thực hiện chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải. Chính phủ phải thông qua các chính sách quốc gia như tín dụng thuế, giảm giá và trợ cấp để làm cho xe điện có giá cả phải chăng hơn, nâng cao hạ tầng xe điện, tăng cường sản xuất và cải tiến công nghệ để các nhà sản xuất có thể đảm bảo cho xã hội những xe điện có giá mà những người muốn sử dụng xe điện dễ chấp nhận. Hiện tại, xe điện có giá thành cao hơn nhiều song với xe động cơ đốt trong vốn đã tồn tại và phát triển qua hàng thế kỷ. Chính phủ cũng cần hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện, chẳng hạn như thông qua ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp lắp đặt trạm sạc hoặc tài trợ cho mạng lưới sạc công cộng. Những thông tin và nhận định về chính sách, pháp luật của Trung Quốc, Mỹ về phát triển xe điện để ứng phó ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cho thấy rất nhiều nét tương đồng trong cách tiếp cận của hai quốc gia này trong phát triển xe điện.
Không có gì bí mật khi công nghệ xe điện có thể có giá quá cao, nhưng các ưu đãi về thuế trong chính sách xe điện có thể giúp thúc đẩy việc mua xe điện cho các gia đình và doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy các chủ sở hữu đất thương mại xây dựng các trạm sạc.
Vai trò quyết định của chính sách, pháp luật và kinh nghiệm của Trung Quốc, Mỹ trong phát triển xe điện mang lại những hàm ý sau:
Thứ nhất, cuộc cạnh tranh giữa xe điện và xe động cơ đốt trong (hay xe chạy xăng dầu) thì phần thắng nghiêng về xe có động cơ đốt trong vì có lịch sử phát triển lâu đời và công nghệ hoàn thiện đến từng chi tiết. Trong cuộc cạnh tranh này, phần thắng chắc chắn nghiêng về các công ty sản xuất xe động cơ đốt trong.
Thứ hai, xét về hiệu quả của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thì xe điện cần được ưu tiên phát triển và việc loại dần xe động cơ đốt trong là chiến lược phát triển phù hợp.
Thứ ba, xét về lâu dài và tổng thể, giá trị phát triển của xe điện sẽ lớn dần và vượt qua xe động cơ đốt trong do xã hội, nền kinh tế sẽ giảm được các chi phí sức khỏe, chi phí dành cho các hoạt động ô nhiễm môi trường do khí thải từ xe động cơ đốt trong.
Thứ tư, nếu thiếu các chính sách và các quy định pháp luật phù hợp ở tầm quốc gia thì xe điện thiếu cơ hội phát triển và không thể thay thế được xe động cơ đốt trong vì giá xe điện cao và nhu cầu sẽ giảm vì tiềm lực tài chính hạn chế của những cá nhân, tổ chức, thậm chí doanh nghiệp.
Thứ năm, phát triển xe điện để giảm thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường là xu thế toàn cầu. Sự chậm chân của bất cứ doanh nghiệp hay quốc gia nào đồng nghĩa với việc sẽ mất đi cơ hội phát triển. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ những doanh nghiệp tiên phong, cho họ những lợi thế phù hợp để phát triển xe điện hay chuyển đổi từ sản xuất xe động cơ đốt trong sang xe điện.
3.2. Thực trạng phát triển xe điện ở Việt Nam và vấn đề về xây dựng chính sách, pháp luật
Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam được chính thức khẳng định trong các văn kiện của Đại hội Đảng và một số văn bản luật do Quốc hội ban hành. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định tại Điều 4 nguyên tắc phát triển bền vững. Các kế hoạch cụ thể được ban hành nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu như Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 1055/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý là Việt Nam cam kết trước cộng đồng quốc tế mục tiêu zero carbon vào năm 2050. Các mục tiêu phát triển bền vững được cụ thể hóa trong các chiến lược phát triển ngành như điện lực, kinh tế biển với các mô hình như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ v.v. Chuyển đổi năng lượng từ nguồn hóa thạch sang năng lượng tái tạo cũng đang là xu hướng được thúc đẩy trong trong các lĩnh vực kinh tế của đất nước, đặc biệt là điện lực và giao thông vận tải. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ: “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện..., đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”.
Tuy vậy, thực tiễn cho thấy Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến xe điện mặc dù vai trò của xe điện đặc biệt quan trọng đối với phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Mặc dù được xác định là một thị trường xe điện tiềm năng và đang có dấu hiệu khởi sắc với dự báo đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2035. Tuy nhiên, diễn biến thị trường vài năm gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng xe điện tại Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng. Doanh số tiêu thụ xe điện trong nước chỉ chiếm 0,7% so với toàn khu vực Đông Nam Á (theo số liệu Quý 3/2022 của Statista). Tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, mới chỉ ở mức 50 ô tô/1.000 người. Con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia.[26]
Sự chậm phát triển của xe điện ở Việt Nam ở góc độ thể chế có thể lý giải bởi những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, tình trạng tốc độ chuyển đổi từ xe đốt trong sang xe điện ở Việt Nam bắt nguồn từ chính từ sự chậm trễ trong việc ban hành các chính sách cụ thể cho sự phát triển của xe điện. Sự bất cân xứng giữa các chính sách chung, những tuyên bố chung về phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng với các chính sách cụ thể để gỡ bỏ rào cản cho sự phát triển xe điện ở Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam chưa có văn bản luật cụ thể nào quy định các giải pháp ưu đãi cho nền công nghiệp sản xuất xe điện và sử dụng xe điện. Sự phát triển xe điện hầu như chưa phải là sự quan tâm của Chính phủ và chính quyền các thành phố, các tỉnh. Hiện tại, duy nhất mới có Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi 2022 quy định giảm thuế đối với mua xe điện và Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 giảm lệ phí trước bạ cho ô tô điện khi đăng ký. Những ưu đãi này là quá nhỏ bé để thúc đẩy sản xuất và sử dụng xe điện.
Thứ hai, các doanh nghiệp ô tô, các doanh nghiệp điện ở Việt Nam, ngoài Vingroup không dám hoặc chưa muốn đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất xe điện vì sợ đối mặt với các rủi ro khi chính sách, pháp luật của nhà nước chưa tạo được những nền tảng vững chắc để kiểm soát rủi ro. Trong xu thế “cắm sào đứng đợi con nước lên” đó của các doanh nghiệp sản xuất ô tô, sản xuất điện của Việt Nam thì VinFast của Vingroup chứng minh được sự quả cảm bị coi là phiêu lưu ở những thời điểm khó khăn. Thiếu chính sách và pháp luật về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, VinFast thực sự đối mặt với nhiều rủi ro, kể cả rủi ro pháp lý. Khó cho VinFast có thể cạnh tranh được với xe điện của Mỹ, đặc biệt của Trung Quốc khi chúng được sản xuất với nhiều ưu đãi, hỗ trợ cả khía cạnh tài chính, thuế, nghiên cứu phát triển, mua sắm công, hệ thống hạ tầng. VinFast và một vài doanh nghiệp sản xuất ô tô khác khó kiểm soát các rủi ro pháp lý khi pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư sản xuất, mua sắm xe điện chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ và phù hợp.
Thứ ba, hiện tại các doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất xe điện đang tự mình thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy việc sử dụng xe điện. VinFast đưa ra nhiều chính sách chính sách ưu đãi hấp dẫn với những gia đình Việt sở hữu ô tô điện chất lượng cao. Các phiên bản khác nhau của Chương trình “Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam” là những chính sách ưu đãi của VinFast hấp dẫn. Mới đây VinFast còn đưa ra chương trình mua xe điện trả góp 176.000 đồng ngày với hỗ trợ vốn vay đến 80% giá trị xe. Chính sách mới nhất mà VinFast đưa ra là chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh", theo đó, VinFast hỗ trợ lên tới 70 triệu đồng cho tất cả khách hàng mua xe ô tô điện và đăng ký biển số lưu hành tại Hà Nội từ ngày 10/1/2025 đến hết ngày 31/1/2026. Trước đó, chủ xe VinFast còn được áp dụng chính sách miễn phí sạc pin đến giữa năm 2027, từ đó tiếp thêm động lực để chuyển dổi và sử dụng ô tô điện. Những nỗ lực của VinFast và Vingroup trong các chương trình này là để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội. Tuy nhiên, những cố gắng riêng của VinFast hay các doanh nghiệp sản xuất xe điện khác là không đủ. Những thị trường vận tải công (xe công, giao thông công) cần có sự hỗ trợ, thúc đẩy từ phía Chính phủ, chính quyền các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn mới rộng mở cho các doanh nghiệp tiên phong như VinFast. Điều mà Quốc hội, Chính phủ cần đặc biệt lưu ý là những chính sách hỗ, ưu đãi trợ mang tính vĩ mô là những ưu đãi, hỗ trợ này không hoàn toàn vì doanh nghiệp mà là vì để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành hình mẫu điển hình về giao thông xanh ít nhất trong khu vực ASEAN. Mặt khác, sự thành công của VinFast không đơn thuần là sự thành công của doanh nghiệp mà chính là niềm tự hào của đất nước khi xe điện “Made in Vietnam” chinh phục được thị trường Mỹ và các nước khác.
Thứ tư, do các hệ thống giao thông công cộng thuộc sở hữu nhà nước nên việc xây dựng và hệ thống hạ tầng cho xe điện như các trạm xạc nếu không có chính sách chung của Chính phủ thì sẽ khó được xây dựng và vận hành. Tình trạng thiếu các trạm sạc được chuẩn hóa là rào cản rất lớn đối với phát triển xe điện. Đáng lo ngại hơn, nếu các dòng xe điện nhập, đặc biệt từ Trung Quốc với các công nghệ sạc đặc thù, không cùng tiêu chuẩn với các trạm sạc Việt Nam sẽ phát sinh thêm một số yếu tố giảm tính cạnh tranh của xe điện Việt Nam. Vấn đề của xe điện là trạm sạc, trạm sạc và trạm sạc. Trạm sạc như xương sống của ngành xe điện. Đó là yếu tố cơ bản quyết định sự thành hay bại của một thương hiệu xe điện. Hiện các doanh nghiệp Trung Quốc chưa đầu tư mạnh vì những hạn chế về quy hoạch, kế hoạch của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này xảy ra thì các ô tô điện đến từ Trung Quốc có giá tốt hơn sẽ loại bỏ xe điện của doanh nghiệp Việt Nam.[27] Vì vậy, ngay từ giờ, Chính phủ phải có những giải pháp mạnh mẽ cho việc xây dựng hệ thống trạm sạc điện. Thứ tư, thiếu nền tảng pháp lý cần thiết cho sản xuất và mua bán xe điện thì các doanh nghiệp tiên phong như VinFast dễ đối mặt với rủi ro pháp lý khi bước vào thị trường các nước, nhất là các nước phát triển có những hàng rào kỹ thuật thương mại chặt chẽ. Phải khẳng định rằng xe điện là một trong những giải pháp được ưu tiên theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu do giá tác dụng giảm khí nhà kính tuyệt vời của chúng. Vì vậy, việc xuất nhập khẩu xe điện gần như không bị rào cản thương mại nào đáng kể. Tuy nhiên, giá và chất lượng của xe điện nếu không được điều chỉnh bằng pháp luật và chính sách phù hợp của nước xuất khẩu thì những yếu tố này dễ trở thành căn cứ cho các vụ kiện chống phá giá, xuất xứ, vi phạm tiêu chuẩn môi trường v.v.. Nếu nền tảng pháp lý và chính sách của Việt Nam đối với sản xuất và sử dụng xe điện của Việt Nam chưa rõ ràng thì chắc chắn những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xe điện sẽ gặp nhiều rủi ro khi bước vào thị trường các quốc gia khác.
3.3. Một số đề xuất chính sách và pháp luật
Kinh nghiệm của Mỹ, Trung Quốc cho thấy phải Việt Nam quá chậm trong việc tạo nền tảng chính sách, pháp luật phù hợp cho sản xuất và sử dụng xe điện. Nhiều chuyên gia trong nước đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo nền tảng chính sách, pháp luật cho sản xuất và sử dụng xe điện.[28] Để thúc đẩy sự phát triển của xe điện, một trong những giải pháp rất khả thi cho việc thích ứng biến đổi khí hậu, làm sạch môi trường không khí, đảm bảo cho người dân thực hiện quyền sống trong môi trường trong lành, cần xây dựng và hoàn thiện nền tảng chính sách, pháp luật theo những giải pháp tổng thể dưới đây. Thứ nhất, Quốc hội cần ban hành một nghị quyết hoặc ban hành luật về các chế độ ưu đãi, hỗ trợ thuế, tín dụng và được thể hiện và thi hành trên tất cả các lĩnh vực thuế có liên quan đến sản xuất và sử dụng xe điện. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp sản xuất xe điện cần được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, người tiêu dùng được ưu đãi thuế liên quan đến mua, đăng ký sở hữu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có các dự án phát triển xe điện cần được ưu đãi tín dụng từ ngân hàng thương mại nhà nước, khuyến khích ngân hàng thương mại cổ phần, tư nhân thực hiện các chính sách ưu đãi tín dụng. Cần xác định rất cụ thể các các loại thuế suất ưu đãi dành cho sản xuất và sử dụng xe điện. Thứ hai, Nhà nước cần ban hành chiến lược đầu tư vào sản xuất xe điện và xây dựng hạ tầng xe điện, trước hết là các trạm sạc. Chiến lược đầu tư này cần xác định một nguồn vốn ngân sách nhất định dành đầu tư sản xuất xe điện theo các mục tiêu cho từng thời kỳ nhất định. Nguồn vốn ngân sách này phải được xác định dành cho nền kinh tế chứ quốc dân, không chỉ riêng cho các doanh nghiệp, dự án của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, có nghĩa là là nguồn vốn này được đầu tư vào những dự án nào cần thiết và mang lại hiểu quả nhất trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng xe điện. Thứ ba, bằng các nguồn vốn khác nhau, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ, rõ ràng hơn trong cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, giúp đổi mới công nghệ sản xuất và sử dụng xe điện. Khác với công nghiệp sản xuất ô tô truyền thống, ô tô điện ra đời trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các sản phẩm ôtô điện cần có những ứng dụng công nghệ hiện đại nâng cao sự tiện ích, thân thiện và an toàn cho người sử dụng và giá cả phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân, không để ô tô điện trở thành một mặt hàng xa xỉ, thuộc đối tượng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Kinh nghiệp của Mỹ cho thấy hiệu quả của việc đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Chính phủ Mỹ đầu tư mạnh mẽ cho các dự án nghiên cứu và phát triển xe điện Thứ tư, Chính phủ phải có chính sách mua sắm công hướng tới loại bỏ xe động cơ đốt trong. Chính quyền các địa phương, đặc biệt các thành phố lớn của đất nước khi được đầu tư ngân sách mua sắm xe phục vụ nhu cầu của các cơ quan công, hệ thống giao thông công cộng cần được ràng buộc bởi yêu cầu phải mua sắm xe điện. Tín hiệu đáng mừng cho và thông điệp xe điện cho mua sắm công là việc công ty vẫn tải Transerco, doanh nghiệp nhà nước, đang chuẩn bị khai thác 3 tuyến xe điện 05, 39, 47.
4. Kết luận
Các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, cam kết của Việt Nam trước Cộng đồng quốc tế về Zero Carbon vào năm 2050 có được hiện thực hóa hay không phụ thuộc vào rất nhiều hành động cụ thể của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp và mỗi người dân trên mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực của nó đối với đời sống, sự phát triên của đất nước, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực của nó, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường không khí là một trong những chiến lược hành động cấp bách. Chuyển đổi năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải, cụ thể là sản xuất và sử dụng xe điện là một trong những giải pháp hiệu quả, khả thi đối với ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, thể chế cần thiết cho sản xuất và sử dụng xe điện còn tụt lại rất xa so với các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết của Việt Nam về Zero Carbon. Xe điện không chỉ là giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính mà còn là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Thực tiễn của Mỹ và Trung Quốc cũng như các nước châu Âu đã cho thấy hiệu quả của ngành sản xuất xe điện. Đó cũng là lý do vì sao các doanh nghiệp ở các nước đang cạnh tranh để chiếm lĩnh hay mở rộng thị trường xe điện. Đất nước Việt Nam không thể chậm trễ trong việc tạo dựng nền tảng chính sách, pháp luật để thúc đẩy, sản xuất và sử dụng xe điện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1. Anjie Broad, Local governments claim jurisdiction over e-vehicle charging industry, Lexology 24 October 2016, https://www.lexology.com/library/detail. aspx?g=7b412498-e60f-4b36-87e7-2b1789eebc9e
2. Chad Brown, Industrial policy for electric vehicle supply chains and the US-EU fight over the Inflation Reduction Act, https://www.bruegel.org/sites/default/ files/private/2023-07/Bruegel%20Blueprint%2033_chapter%2011.pdf
3. Climate Group EV100, Key Policies to Drive the Electric Vehicle Transition in the US, https://www.theclimategroup.org/sites/default/files/2021-09/Key% 20Policies%20to%20Drive%20the% 20Electric%20Vehicle%20Transition%20-%20Updated.pdf
4. CMS, Electric vehicle regulation and law in China, https://cms.law/en/int/ expert-guides/cms-expert-guide-to-electric-vehicles/china
5. Đầu tư Chứng khoán, Trung Quốc có thể đã chi ít nhất 230 tỷ USD để xây dựng ngành công nghiệp xe điện, tinnhanhchungkhoan.vn 21/06/2024, https://www. tinnhanhchungkhoan.vn/trung-quoc-co-the-da-chi-it-nhat-230-ty-usd-de-xay-dung-nganh-cong-nghiep-xe-dien-post347924.html
6. Đầu tư Chứng khoán, Trung Quốc có thể đã chi ít nhất 230 tỷ USD để xây dựng ngành công nghiệp xe điện, tinnhanhchungkhoan.vn 21/06/2024, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/trung-quoc-co-the-da-chi-it-nhat-230-ty-usd-de-xay-dung-nganh-cong-nghiep-xe-dien-post347924.html
7. Gasgoo, China has 2.617 million EV charging piles by end of 2021, Gasgoo (January 12, 2022)
8. General Office of the State Council, New Energy Vehicle Industry (2021-2035), fhttps://www.gov.cn/zhengce/ content/2020-11/02/content_5556716.htm
9. Guide to Chinese Climate Policy, C: Electric Vehicles, https://chineseclimatepolicy.oxfordenergy.org/book-content/domestic-policies/vehicles/electric-vehicles/#:~:text=The%20Chinese% 20government% 20exempts%20electric,power%20to%20promote%20electric%20vehicles.
10. Hằng Nga, Xe điện Trung Quốc vào thị trường Việt Nam: Không dễ cạnh tranh, thanhnien.vn 18/07/2024, https://thanhnien.vn/xe-dien-trung-quoc-vao-thi-truong-viet-nam-khong-de-canh-tranh-185240717222909718.htm
11. https://www.prnewswire.com/news-releases/vinfast-auto-nasdaq-vfs-class-action-notice-berger-montague-encourages-investors-with-substantial-losses-to-contact-the-firm-by-june-11-2024-302166349.html
12. IiResearch, 2021年中国两轮电动车智能化白皮书 [2021 China Two-wheeled EV Smart Energy White Paper]” (2021) (in Chinese).
13. Jieyi Lu, Comparing U.S. and Chinese Electric Vehicle Policies, EESI, https://www.eesi.org/articles/view/ comparing-u.s.-and-chinese-electric-vehicle-policies
14. Lao Động, Cần thêm chính sách bài bản, mạnh tay hơn cho ôtô điện, https://laodong.vn/xe/ can-them-chinh-sach-bai-ban-manh-tay-hon-cho-oto-dien-1409096.ldo; vnbusiness, Ưu đãi thuế và khuyến khích người dân sử dụng xe điện, https://vnbusiness.vn/thi-truong/uu-dai-thue-va-khuyen-khich-nguoi-dan-su-dung-xe-dien-1101540.html
15. Lydia Stowe, Electric Vehicle Policy in the United States: Trends and Legislation to Watch, Fiscal Notes, 21 May 2023, https://fiscalnote.com/blog/electric-vehicle-policy-united-states
16. Nhân dân, Có chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện, https://nhandan.vn/co-chinh-sach-thuc-day-phat-trien-nganh-cong-nghiep-xe-dien-post780536.html;
17. RMI, Electric Vehicle Regulations and Laws: A Primer for Decision Makers, https://rmi.org/electric-vehicle-regulations-and-laws-a-primer-for-decision-makers/
18.VCAP, Chính sách phát triển thị trường xe điện tại Trung Quốc, https://vietcleanair.vn/chinh-sach-phat-trien-thi-truong-xe-dien-tai-trung-quoc/
19.VietEconomy, Cơ hội va thách thức của thị trường xe điện tại Việt Nam trong xu thế “di chuyển xanh”, vneconomy.vn 17/8/2023, https://vneconomy.vn/automotive/co-hoi-va-thach-thuc-cua-thi-truong-xe-dien-tai-viet-nam-trong-xu-the-di-chuyen-xanh.htm
20. VnExxpress, Thiếu chính sách khuyến khích phát triển xe máy điện, https://vietnamnet.vn/thieu-chinh-sach-khuyen-khich-phat-trien-xe-may-dien-2259669.html;
* GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập L&D, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC. Duyệt đăng 12/01/2024. Email: lhhanhgs@gmail.com
[1] Anjie Broad, Local governments claim jurisdiction over e-vehicle charging industry, Lexology (24 October 2016), https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=7b412498-e60f-4b36-87e7-2b1789eebc9e
[2] Guide to Chinese Climate Policy, C: Electric Vehicles, https://chineseclimatepolicy.oxfordenergy.org/book-content/domestic-policies/vehicles/electric-vehicles/#:~:text=The%20Chinese%20government%20exempts%20electric,power%20to%20promote%20electric%20vehicles.
[3] Chính sách phát triển thị trường xe điện tại Trung Quốc, VACP, https://vietcleanair.vn/chinh-sach-phat-trien-thi-truong-xe-dien-tai-trung-quoc/
[4] Chính sách phát triển thị trường xe điện tại Trung Quốc, VCAP, https://vietcleanair.vn/chinh-sach-phat-trien-thi-truong-xe-dien-tai-trung-quoc/
[5] Đầu tư Chứng khoán, Trung Quốc có thể đã chi ít nhất 230 tỷ USD để xây dựng ngành công nghiệp xe điện, tinnhanhchungkhoan.vn 21/06/2024, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/trung-quoc-co-the-da-chi-it-nhat-230-ty-usd-de-xay-dung-nganh-cong-nghiep-xe-dien-post347924.html
[6] iResearch, “2021年中国两轮电动车智能化白皮书 [2021 China Two-wheeled EV Smart Energy White Paper]” (2021) (in Chinese).
[7] Gasgoo, China has 2.617 million EV charging piles by end of 2021, Gasgoo (January 12, 2022)
[8] CMS, Electric vehicle regulation and law in China, https://cms.law/en/int/expert-guides/cms-expert-guide-to-electric-vehicles/china
[9] General Office of the State Council, New Energy Vehicle Industry (2021-2035), fhttps://www.gov.cn/zhengce/ content/2020-11/02/content_5556716.htm
[10] BEV (Battery Electric Vehichles) Dòng xe thuần thúy chạy bằng ắc quy
[11] Dòng xe ô tô PHEV (Plug in Hybrid Electric Vehicles
[12] Climate Group EV100, Key Policies to Drive the Electric Vehicle Transition in the US, https://www. theclimategroup.org/sites/default/files/2021-09/Key%20Policies%20to%20Drive%20the% 20Electric%20Vehicle%20Transition%20-%20Updated.pdf
[13] ICE: Internal Combustion Engines
[14] Climate Group EV100, tlđd, 12
[15] Climate Group, tlđd, 12
[16] IRA -Inflation Reduction Act
[17] https://rmi.org/electric-vehicle-regulations-and-laws-a-primer-for-decision-makers/
[18] IIJA -The Infrastructure Investment and Jobs Act
[19] Industrial policy for electric vehicle supply chains and the US-EU fight over the Inflation Reduction Act, https://www.bruegel.org/sites/default/files/private/2023-07/Bruegel%20Blueprint%2033_chapter%2011.pdf
[20] Đầu tư Chứng khoán, Trung Quốc có thể đã chi ít nhất 230 tỷ USD để xây dựng ngành công nghiệp xe điện, tinnhanhchungkhoan.vn 21/06/2024, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/trung-quoc-co-the-da-chi-it-nhat-230-ty-usd-de-xay-dung-nganh-cong-nghiep-xe-dien-post347924.html
[21] Lydia Stowe, Electric Vehicle Policy in the United States: Trends and Legislation to Watch, Fiscal Notes, 21 May 2023, https://fiscalnote.com/blog/electric-vehicle-policy-united-states
[22] Jieyi Lu, Comparing U.S. and Chinese Electric Vehicle Policies, EESI, https://www.eesi.org/articles/view/ comparing-u.s.-and-chinese-electric-vehicle-policies
[23] Climate Group, tlđd, 12
[24] Climate Group, tlđd, 12
[25] Climate Group, tlđd, 12
[26] VietEconomy, Cơ hội va thách thức của thị trường xe điện tại Việt Nam trong xu thế “di chuyển xanh”, vneconomy.vn (17/8/2023), https://vneconomy.vn/automotive/co-hoi-va-thach-thuc-cua-thi-truong-xe-dien-tai-viet-nam-trong-xu-the-di-chuyen-xanh.htm
[27] Hằng Nga, Xe điện Trung Quốc vào thị trường Việt Nam: Không dễ cạnh tranh, thanhnien.vn 18/07/2024, https://thanhnien.vn/xe-dien-trung-quoc-vao-thi-truong-viet-nam-khong-de-canh-tranh-185240717222909718.htm
[28] Xem: VnExxpress, Thiếu chính sách khuyến khích phát triển xe máy điện, https://vietnamnet.vn/thieu-chinh-sach-khuyen-khich-phat-trien-xe-may-dien-2259669.html; Nhân dân, Có chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện, https://nhandan.vn/co-chinh-sach-thuc-day-phat-trien-nganh-cong-nghiep-xe-dien-post780536.html; Lao Động, Cần thêm chính sách bài bản, mạnh tay hơn cho ôtô điện, https://laodong.vn/xe/ can-them-chinh-sach-bai-ban-manh-tay-hon-cho-oto-dien-1409096.ldo; vnbusiness, Ưu đãi thuế và khuyến khích người dân sử dụng xe điện, https://vnbusiness.vn/thi-truong/uu-dai-thue-va-khuyen-khich-nguoi-dan-su-dung-xe-dien-1101540.html